Ghi chép của Sứ thần Nguyên vỠchuyến viếng thăm nước ta năm 1292
Gần 50 năm về trước (1961), Viện Đại học Huế do Linh mục Cao Văn Luận làm Viện trưởng, cho dịch bộ sử
An Nam chí lược của Lê Trắc, trong đó có phụ lục “
Trương Thượng thư hành lục” (Thượng thư Trương Lập Đạo ghi chép về chuyến đi). Bản “
Hành lục” này, có kể qua các cung điện và các công trình xây dựng của thành Đại La (tức thành Thăng Long). Không rõ các nhà nghiên cứu di tích thành Thăng Long hiện nay đã tham khảo văn bản này hay chưa, nên tôi xin chua thêm chữ Nho bên cạnh tên các công trình xây dựng để dễ nhận diện. Nếu quí vị đã từng làm, thì bài viết dưới đây cũng không thừa, vì có thể cung cấp cho độc giả một vài sử liệu về thời nhà Trần. Văn kiện trưng ra đây, chúng tôi căn cứ sách
An Nam chí lược [1] hiện lưu trữ lại trường đại học Princeton.
Phần mở đầu bản ghi chép, Trương Lập Đạo cho biết phái đoàn nhà Nguyên khởi hành tại Bắc Kinh vào năm Tân Mão [1291] vượt qua 8.000 dặm đường tới nước An Nam. Gặp nhau hôm đầu tiên, xẩy ra cuộc đấu lý về chỗ ngồi; phía bên ta kẻ đánh người đỡ, Hàn Lâm Đinh Củng Viên tỏ ra cứng rắn, riêng vua Trần Nhân Tông thì lại rất mềm dẻo. Chỗ ngồi vừa thu xếp xong; thừa dịp bên ta đả kích hành động giả nhân giả nghĩa hiếu chiến của nhà Nguyên, khiến Trương Lập Đạo cứng họng; viên Thượng thư này bèn làm bộ giận dữ đòi bỏ về. Tiếp đến mấy ngày hôm sau, có cuộc đón rước chiếu thư vào hoàng thành; làm lễ chiêm bái chiếu thư, dự tiệc, vua Trần Nhân Tông và Trương Lập Đạo gặp riêng trò chuyện. Nhà vua tỏ ra lễ độ nhưng rất cương quyết, không nhượng bộ yêu sách bắt phải đích thân sang chầu vua nhà Nguyên. Không làm gì được hơn, viên Sứ giả này soạn một văn kiện mang tên là “Thư giảng nghĩa” trao cho vua ta. Thư này còn được lưu lại, có lẽ với dụng ý để triều đình nhà Nguyên biết được rằng dù chuyến đi thất bại, riêng Sứ giả Trương Lập Đạo thì đã làm hết sức mình. Để hiểu sâu hơn sự việc, xin hãy đi ngay vào bản dịch:
Thượng thư Trương Lập Đạo ghi chép về chuyến đi sứ An Nam
Vào tháng Chạp năm Tân Mão Chí Nguyên thứ XXVIII [1291] phái đoàn khởi hành từ Đại Đô
[2] , kinh qua khe động vùng Hồ Quảng
[3] cuối cùng tới An Nam. Hơn 8.000 dặm hành trình, vượt biển leo núi không sao kể xiết! Vào ngày 18 tháng 3 năm sau, đến địa giới Khâu Ôn. Nước nầy sai Tư thần mang rượu, thực phẩm tới nghênh tiếp. Sau khi vượt sông Lô
[4] , phái đoàn đến sứ quán.
Sáng hôm sau, Thế tử
[5] đích thân đến sứ quán làm lễ chiêm ngưỡng chiếu thư, rồi vái. Thế tử hỏi thăm sức khỏe Thiên tử
[6] . Lập Đạo đáp:
“Thiên tử vạn phúc.”
Kế tiếp hỏi thăm Đại thần. Lập Đạo đáp:
“Tể tướng cũng được bình an.”
Lại hỏi thăm Thiên sứ đi đường vất vả. Lập Đạo trả lời:
“Thiên tử không cho An Nam là xa xôi, vậy có gì gọi là vất vả.”
Chuyện trò xong, Hàn lâm Đinh Củng Viên cùng Ngự sử Đại phu Đỗ Quốc Kế thưa rằng:
“Năm ngoái định lễ vua ngồi ngoảnh mặt hướng nam, khách ngồi quay mặt phía vua; vậy xin Sứ thần tọa vị.”
Lập Đạo trả lời:
“Khanh tướng nước lớn với vua nước nhỏ ngang hàng, sao lại có lễ Nam diện
[7] ! Cùng ngồi theo hướng đông tây có được không?”
Củng Viên trả lời:
“Vương tôi tuy nhỏ, nhưng theo thứ tự đứng đầu các nước chư hầu.”
Lập Đạo nói:
“Vương các ngươi cũng do triều đình ta đặt ra mà thôi.”
Rồi ngồi theo hướng đông tây, cùng uống rượu đàm thoại. Thế tử nói:
“Cha Cô
[8] trước khi mất có dặn dò rằng phải kính trọng Thiên triều, không được khiếm khuyết việc tuế cống. Mấy năm trước Sứ thần Thiên triều không đến, có sai sứ hàng năm sang cống, không hiểu ý trên có bằng lòng không? Sản vật tại tiểu quốc không có gì quí hiếm, chỉ đem hết lòng thành mà thôi; hôm nay được Sứ thần đến thực hân hạnh.”
Lại nói:
“Sứ giả tiểu quốc trở về cho biết Thiên tử tuổi cao nhưng rất tráng kiện, Cô nghe vậy có lời chúc lành.”
Lập Đạo trả lời:
“Thiên tử tóc bạc trắng nhưng sắc diện như người trẻ tuổi.”
Thế tử chấp tay lên trán rồi ân cần nói:
“Thiên hạ hưởng phúc, tiểu quốc cũng được phúc lây.”
Lại hỏi thêm:
“Mấy năm trước đây Thiên triều sao không sai sứ tới?”
Lập Đạo trả lời:
“Thiên tử giận Tiên Quốc vương
[9] không sang chầu nên không cho sứ tới. Nay nhận được tờ tâu biết rằng Tiên Quốc vương đã mất; Thánh ý nghĩ rằng tội của Quốc vương xưa không di lụy đến con, nên cho chúng tôi sang đây.”
Thế tử nói:
“Thiên tử hiếu sinh, ghét chém giết là điều may cho tiểu quốc không gì lớn hơn; Thiên tử vạn vạn tuế!”
Lập Đạo trả lời:
“Thiên tử cai trị cả bốn biển, lòng nhân như Nghiêu Thuấn, đâu nỡ gia binh! Chỉ bảo phải làm lễ sang chầu, Tiên Quốc vương không nghe, nên gây sự hấn khích khiến dân tàn quốc phá, nông nỗi nầy đều do các ngươi tự gây ra cả.Triều đình không ham đất đai và đồ tuế cống của các ngươi, chỉ do việc không chịu sang chầu gây ra mà thôi.”
Thế tử nói:
“Mấy năm trước đây đại quân đến; thiêu hủy nhà cửa, khai quật phần mộ tổ tiên, xương cốt bộc lộ rải rác khắp mọi nơi.”
Nói chưa dứt lời, thì đám quần thần ngồi xung quanh khóc ròng.
Lập Đạo trả lời:
“Mấy năm trước đây, Thiên tử ra lệnh cho Vân Nam vương Dã Tiên Thiếp Mộc Nhi đánh Miến Điện, dụ rằng không đốt chùa chiền cung thất, không khai quật phần mộ. Khi đại quân đến vua Miến Điện chạy trốn, Vân Nam vương không giết một ai, tự quán cung thất đều không bị thiêu hủy; vua Miến cảm ân đức xin hàng, hàng năm sai người đến triều cống. Vậy ngày Trấn Nam vương xuất quân sang đây, chẳng lẽ Thiên tử không dặn dò như vậy sao? Nếu không, thì cung thất nầy làm sao còn được!”
Hàn lâm Đinh Củng Viên tiếp lời:
“Thiên tử nhân từ như vậy, nếu người không dùng đến can qua
[10] là điều hay nhất!”
Lập Đạo nạt lớn:
“Nước An Nam mắc họa há chẳng do bọn người như ngươi gây ra hay sao? Ngươi làm sao có đủ bản lãnh để biết được ý Thiên tử?”
Lập Đạo cùng phái đoàn giận dữ phất tay áo đứng dậy, Đinh Củng Viên bèn xin nhận lỗi.
Thế tử lúc mới đến sứ quán có tâm sự rằng:
“Chịu tang phụ thân giữ trai giới năm năm, mặc áo vải, ăn rau quả, đến nay mới được hai năm.”
Ngày 24, Thế tử đáp xe loan đến sứ quán làm lễ đón chiếu thư, quần thần mặc triều phục đi bộ tháp tùng. Giờ Ngọ
[11] rước chiếu thư đến
Thành Hoàng Thánh Cung (城 隍 聖 宮), qua
cầu Ngoạn Nguyệt (翫 月 橋),
lầu Trường Minh (長 鳴 樓), rồi đến
cửa Chính Dương (正 陽 門). Tại đây Lập Đạo xuống ngựa, kính cẩn bưng tờ chiếu qua
cửa Minh Dương (明 陽 門), đám tùy tùng qua
cửa Vân Hội (雲 會 門), các quan An Nam qua
cửa Nhật Tân (日 新 門). Đám rước đến dưới
gác Minh Hà (明 霞 閣), vừa đi vừa đốt hương trên đường trải thảm. Thế tử cùng chú là viên tiếm Thái sư
[12] Chiêu Minh Vương, em là Tả Thiên vương, Thiếu bảo, Ngự sử, Hàn lâm tất cả tám người lên
điện Thọ Quang (壽 光 殿) làm lễ. Trước long ỷ đặt sẵn hương án, Thế tử bái chiếu. Lễ xong, tuyên đọc rồi nói:
“Được thấy tận mắt chiếu thư, vô cùng sung sướng! Hoàng đế vạn vạn tuế!”
Lễ xong ra
gác Triều Thiên (朝 天 閣), rồi bước xuống
điện Tập Hiền (集 賢 殿) dự yến tiệc, chủ khách ngồi theo hướng đông tây. Chỉ có viên tiếm Thái sư ngồi bên cạnh Thế tử; các viên Thái úy, Thái bảo đứng hầu; các quan lại khác ngồi tại điện dưới, không gọi không được tự tiện tiến lên. Đại nhạc tấu ở điện dưới, tiểu nhạc tấu ở điện trên. Yến tiệc gồm 8 bàn, rượu ngon, đủ các thứ sơn hào hải vị; thỉnh thỏang được mời ăn trầu têm vôi vỏ hàu. Các Vương chuyện trò làm thơ tặng, Lập Đạo cũng ứng khẩu làm thơ họa lại.
Yến tiệc xong, mời Lập Đạo vào trong trướng, cả hai thân mật ngồi trên sàn nhà; Thế tử nói:
“Bản quốc qui phụ Thiên triều đã ba mươi năm nay, lòng thành thờ bề trên không bao giờ quên, hàng năm tuế cống chưa bao giờ thiếu, từ đời ông cha đến nay vẫn theo đúng một đường. Thường nhận chiếu thư bắt phải sang chầu, vì tật bệnh không thể đi được nên Thiên tử giận mang binh thảo phạt, sinh linh bị giết, khai quật lăng tẩm, thiêu hủy chùa chiền, chặt phá cây cối, đau đớn không thể kể xiết! Tiểu quốc vô tội, mắc phải đại nạn. Chiếu thư của Thiên tử kết tội bản quốc giết Quốc thúc
[13] , đuổi Sứ thần, chống lại Vương sư
[14] nên chưa xá tội. Quốc thúc do cha Cô sai sang chầu Thiên tử, Thiên tử phong Quốc thúc tước Vương, Quốc thúc sợ hãi không biết đi đâu, chớ không phải do nước Cô giết. Sự việc do Quốc thúc tự ý bỏ trốn xuống biển nam, người trong họ lại cầm quân chống lại Vương sư, Quốc vương hoàn toàn không biết điều đó. Chỉ có lỗi duy nhất là không sang chầu, thực tình do tham sống sợ chết. Xa xôi vạn dặm, đường sá gian hiểm, lam sơn chướng khí, lại không quen thủy thổ; lỡ bị chết dọc đường thì có ích lợi gì cho Thiên triều? Tuy tại đây nhưng hàng năm vẫn lo việc tiến cống, cẩn thận thờ bề trên, có làm điều gì hại cho Thiên triều đâu? Nếu lòng kẻ dưới chưa bộc bạch được với bề trên, nay có Thiên sứ tới, được nói nỗi oan của mình, chẳng khác gì đến để trình bày trước cung khuyết vậy. Xưa có câu: “
Ở dưới cõi trời nầy, chẳng có đất nào không phải là đất của Thiên tử;chẳng có dân nào không phải là dân của Thiên tử”; vậy dân nước An Nam là dân của Thiên tử, không có chí hướng nào khác. Bởi vậy bốn biển là nhà của Thiên tử, tuy Cô không đến chầu nhưng cũng là thần dân của Thiên tử vậy; lòng thành chỉ có trời đất biết mà thôi.”
Lập Đạo nói:
“Trong buổi lễ cáo từ Thiên tử, Thừa tướng nhắc nhở rằng ‘
Các Sứ giả trước đây không tuyên dương được ý của Thiên tử, khiến cho tiểu quốc nghi ngờ; nay sai các ngươi đi, chớ noi theo sự sai lầm cũ.’ Nay chúng tôi đến đây cùng Thế tử hội diện, chỉ dùng lời nói mà thôi sợ không diễn tả được hết ý, nên soạn một văn kiện mang tên là ‘Thư giảng nghĩa’ để trình bày cho hết lý, thư như sau:
Thư giảng nghĩa của Thượng thư Trương Lập Đạo tự Hiển Khanh gửi Thế tử
Năm Chí Nguyên thứ XXVIII [1291] Thượng thư Trương Hiển Khanh gửi thư cho Thế tử như sau:
Với lòng thành khẩn, không ngại sự hiềm nghi; đây là lúc phải nói đến sự lợi hại giữa hai nước. Chúng tôi thừa mệnh Thiên tử, phụng sứ đến chốn xa xôi nầy. Ngày khởi hành lên xe, các quan đại thần trong triều dặn dò rằng:
“Chiếu chỉ của nhà vua bao dung như trời đất đối với vạn vật; nhưng nước nhỏ
[15] đa nghi, các ngươi cần phải nói với Thế tử kỹ hơn.”
Vĩ đại thay triều Nguyên, từ đời Tam đại
[16] đến nay chưa lúc nào thịnh trị như vậy. Phía bắc vượt Âm Sơn
[17] , đó là nơi Thánh triều gây dựng cơ nghiệp; phía nam qua vùng biển viêm nhiệt, những quốc gia xứ đó đều xưng thần. Các Tù trưởng Hồi Hột
[18] , Tây Vực
[19] lặn lội qua sa mạc đến triều cống; Quốc chúa di địch phương đông là Cao Ly
[20] băng qua biển tới cung đình. Vua Khiết Đan, Nữ Chân
[21] Tây Hạ vì chống lại nên đều bị tiêu diệt. Các Quốc trưởng Bạch Thát, Úy Ngô, Thổ Phồn
[22] tuân lệnh đưa con đến liên kết hôn nhân. Quốc vương Vân Nam, Kim Xỉ
[23] , Bồ Cam
[24] gửi con trai tới làm con tin. Nước Đại Hạ ở Trung Nguyên
[25] và nhà Tống mới mất, thì người người trong lãnh thổ đều biến thành con dân.
Chỉ có An Nam là nước nhỏ bé, miệng thì nói phục tùng, nhưng tâm thì chưa phục. Tuy được cai trị một phương, hàng năm triều cống không khuyết, nhưng chưa tỏ hết lòng thành. Việc mang quân đi hỏi tội là lý đúng của đại quốc, nếu trốn tránh đi cũng là lẽ thường tình của kẻ hèn kém. Cớ sao lại tranh hoành với quân của Trấn Nam vương [Thoát Hoan], dám quên cả đạo vua tôi; há lại dùng mưu lược của bậc tướng tướng
[26] để đánh úp, tranh thắng với bọn Ô Mã Nhi. “Năm việc không phải” nêu đầu trong kinh Xuân Thu
[27] đã thể hiện ra trong những ngày đó; “ba điều đáng sợ”
[28] cũng ghi trong lời nước Lỗ, người quân tử cần biết rõ ràng. Trước kia bảo rằng “Nếu đánh đòn ít thì khứng chịu, đánh nhiều thì chạy trốn” lời nói đó đâu rồi?
[29]
Cái tội của ngươi có thể thấy được hai, ba; nếu không, thì có cách nào để biết được đây?
Nếu quân của nước lớn đến, nước nhỏ cố giữ bờ cõi, thua nhưng không chịu theo hàng; thì dân chúng phải chạy tản cư đến vùng góc biển; sống khổ sở lầm than, tuy sống cũng như đã chết, tuy còn cũng chẳng khác gì mất. Vậy góc biển tuy hiểm, nhưng không nương dựa được, đó là lý thứ nhất.
Giang Nam của nhà Tống có 400 châu, nhưng không đương nổi mũi nhọn Trung Nguyên
[30] . An Nam so với Giang Nam dân đông ít bao nhiêu đã biết rõ, vậy làm sao có thể chống cự được với thượng quốc? Rồi năm nay đánh nhau, năm sau đánh nhau; ngày nay chết trận, ngày mai chết trận. Dân nước nhỏ còn được bao nhiêu; vấn đề nhân lực không đủ để nương tựa, đó là lý thứ hai.
Nhà Tống có nước đến 300 năm, bị quét sạch trong một sớm. Nước nầy đối với An Nam là nước cha con, như môi với răng. Nay môi mất, răng lạnh, cha chết con cô đơn, đó là lý đương nhiên. Để không đến nỗi cô đơn lạnh lẽo, hãy qui phụ triều Nguyên, đạo trời tương ứng, khí vận lưu thông. Nay bỏ đạo trời, chỉ chuộng vào sức người; như vậy không đi ngược lại ý trời ư! Vậy là xa với lịch số, không thể nương dựa được, đó là lý thứ ba.
Ngu nầy nghe rằng thuận với trời thì thịnh vượng, nghịch với trời thì tiêu vong. Xưa các nước chư hầu, hoặc triều cận chốn kinh sư, hoặc họp hội đồng nơi núi lớn, nhân việc quân lữ thường vượt biên cảnh không cho là khó khăn. Cớ sao ngươi cứ sợ cái khó nhọc hành trình qua núi cao sông rộng? Chính là chỗ sai trong hào Ly
[31] , mất cả ngàn dặm. Việc phải làm ngay là phải hối chuyện cũ, tự đổi mới, đến chầu tạ tội. Thiên tử là vua của vạn nước, đức như Nghiêu, Thuấn; làm sao có thể nuốt lời. Tất xá tội nhỏ, lại ban thêm ân; An Nam vĩnh viễn hưởng hạnh phúc ngàn năm, như cha mẹ với con cái cùng sung sướng, không có kế nào hay hơn như vậy!
Nước ngươi nhỏ, không kể cái lợi ngày hôm nay; nếu sau này nơi bờ biển xa có địch đến xâm phạm, biết được nhà Nguyên che chở, họ cũng không dám gây hấn với nước An Nam. Có thể nhờ, có thể dựa; đó là uy đức lớn của triều Nguyên; như bộ phận hô hấp, không thể ngưng trong giây phút.
Kẻ ngu nầy không phải là thuyết khách, ngươi chớ nghi ngờ. Nói đến vậy mà chưa có thể tin được, thì cứ tự ý mà làm; nhưng cái hậu họa thì ta không lường được!”
*
“Thư Giảng nghĩa” của Thượng thư Trương Lập Đạo nội dung vừa thuyết phục vừa đe dọa. Y biết rõ mối lo của người nước nhỏ là phải đụng đầu với Trung Quốc đất rộng người nhiều, nên đã nêu lên một sự thực phũ phàng để dễ bề thuyết phục “
Rồi năm nay đánh nhau, năm sau đánh nhau; ngày nay chết trận, ngày mai chết trận. Dân nước nhỏ còn được bao nhiêu; vấn đề nhân lực không đủ để nương tựa, đó là lý thứ hai.”
Những bậc làm lịch sử tại nước ta cũng biết rõ tình cảnh “
châu chấu đá xe” này; nên đời nối đời tìm cách mở nước để mong có được một thế quân bình. Có thể hiểu Tây tiến, Nam tiến, không phải là bản trường ca của một dân tộc hiếu chiến; mà chỉ là nỗ lực không ngừng của một dân tộc kiên cường, muốn thoát khỏi định mệnh lịch sử!
© 2007 talawas
[1]Vũ Thượng Thanh hiệu đính, Trung Hoa Thư cục xuất bản, Bắc Kinh, 1989.
[2]Đại Đô: Bắc Kinh ngày nay.
[3]Tức các tỉnh Hồ Nam, Quảng Tây (TQ)
[4]Sông Lô: tức sông Hồng.
[5]Tức Vua Trần Nhân Tông
[6]Kūbilaï Khān (1215–1294), tiếng Mông Cổ là Xubilaï, tức Nguyên Thế tổ Hốt Tất Liệt (元世祖 忽必烈), người sáng lập triều đại nhà Nguyên (Yuan) ở Trung Hoa (1234-1368).
[7]Nam diện: Theo lễ chỗ ngồi của Đế Vương hướng nam. Kinh Dịch có câu “
Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ, hướng minh nhi trị”; ý nói bậc thánh nhân ngồi hướng nam nghe thiên hạ là quay mặt về phía sáng để cai trị dân.
[8]Cô: Vua thường tự xưng là Cô, hay Quả nhân.
[9]Tiên Quốc vương: tức vua đã mất, chỉ vua Trần Thánh Tông.
[10]Can qua: là hai thứ vũ khí, ý chỉ chiến tranh.
[11]Từ 11-13 giờ.
[12]Tiếm Thái sư: Ý nói đây không phải là chức Thái sư do triều đình Trung Quốc phong.
[13]Quốc thúc là chú của vua, tức Trần Di Ái. Di Ái được vua Trần Thánh Tông cho sang chầu nhà Nguyên. Vua Nguyên phong Di Ái tước Vương, rồi cho người đưa về nước để thay vua Trần Thánh Tông.
[14]Vương sư: Quân đội nhà vua, ý chỉ quân Nguyên.
[15]Chỉ nước ta.
[16]Tam đại: ba triều vua thời xưa tại Trung Quốc gồm Hạ, Thương, Chu.
[17]Âm Sơn: dãy núi tại phía bắc Trung Quốc thuộc các tỉnh Tuy Viễn, Sát Cáp Nhĩ, Nhiệt Hà.
[18]Hồi Hột: chủng tộc thuộc dòng dõi Hung Nô tại vùng Tân Cương.
[19]Tây Vực: dùng nói chung 36 nước phía tây Tân Cương.
[20]Triều Tiên ngày nay.
[21]Nữ Chân: tức nước Kim đời Tống.
[22]Thổ Phồn: nước Tây Tạng.
[23]Kim Xỉ: tức Mán răng vàng, một bộ tộc thiểu số tại vùng Vân Nam.
[24]Bồ Cam: là một triều đại huy hoàng của Miến Điện.
[25]Ý nói nước Trung Hoa của người Hán.
[26]Tướng tướng: bậc văn võ song toàn như Trần Hưng Đạo, Lập Đạo tuy chỉ trích, nhưng vẫn tỏ vẻ kính trọng tài dụng binh của vua quan ta.
[27]Xuân Thu là sách sử ký nước Lỗ do Khổng Tử soạn ra. Tại đây Trương Lập Đạo cố tình bóp méo kinh Xuân Thu. Xuân Thu dạy trung với vua, chớ không phải trung với vua của kẻ địch! Ngũ bất vỉ (năm việc không phải đạo) lấy từ nghĩa Xuân Thu.
[28]Sách Luận Ngữ, Khổng Tử nói người quân tử có 3 điều đáng sợ: Sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời nói của thánh nhân.
[29]Có lẽ Sứ thần ta dùng lời lẽ khiêm tốn tỏ vẻ nước ta coi vua nhà Nguyên như cha mẹ “đánh ít thì con chịu đòn, đánh nhiều thì con bỏ chạy”; nhưng sự thực thì ta đánh đến cùng, đúng như câu thành ngữ “nói vậy chớ không phải vậy”.
[30]Tức nhà Nguyên.
[31]Một chút nhỏ.