Tủ sách talawas 25.11.2006
Phạm Công Thiện
à thức má»›i trong văn nghệ và triết há»c
(Luáºn vỠý thức má»›i sau mÆ°á»i năm lang bạt)
Chương bảy
Ý thức thoát ly - Ngày trở về của đứa con hoang hay là A. F. Schmidt, Thomas Wolfe và André Gide
1.
Augusto Frederico Schmidt là một thi sĩ xứ Ba Tây (Brésil) ở Mỹ châu La tinh.
Thomas Wolfe là thiên tài dị thường của văn học Mỹ. Ai cũng biết André Gide là nhà văn Pháp, giải Nobel năm 1947. “Ngày trở về của đứa con hoang” là một câu chuyện ngụ ngôn trong Thánh Kinh Thiên Chúa (Luc XV, II, 32).
Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma Pundarika Sutra) của Phật giáo, chúng ta cũng thấy câu chuyện ngày trở về của đứa con hoang (Phẩm thứ 4, truyện “cùng tử” ) nhưng truyện đứa con hoang trong kinh Pháp Hoa mang một ý nghĩa thâm sâu, khác hẳn với truyện đứa con hoang trong Thánh kinh Thiên Chúa. Đứa con hoang trong kinh Pháp Hoa trở về nhà cha mà không biết rằng mình đã về nhà cha; như thế sự trở về ấy không thể gọi là sự trở về và sự kiện này đã nói lên sự giải thoát của con người bằng chính nỗ lực riêng tư của mình, còn đứa con trong Thánh kinh thì trở về nhà cha và biết rằng mình trở về nhà cha, hơn nữa sự trở về này là do sự yếu đuối của đứa con.
Sự khác nhau căn bản ở trên đã dẫn đến những chỗ dị đồng khác, mà chương này chỉ giới hạn trong “ý thức thoát ly”.
2.
Dở lại Phúc Âm Thánh Luc (Chương XV), ta đọc:
Người nọ có hai đứa con trai. Đứa ít tuổi hơn thưa cùng cha: “Xin cha cho con phần gia tài của con”. Người cha liền chia gia tài. Mấy ngày sau đứa con thứ nhặt nhạnh tất cả của cải của mình và đi tới một phương xa đem tiền ra phung phí trong những cuộc chơi bời tửu sắc. Khi y đã tiêu hết tiền thì ở phương ấy bỗng xảy ra nạn đói kém trầm trọng. Y khởi sự thấy thiếu thốn nên phải xin đến giúp việc cho một thế gia trong vùng, người này sai y về ruộng chăn heo. Chàng thanh niên thực muốn nhét đầy bụng thứ đậu dành cho heo ăn mà chẳng ai cho.
Hồi tưởng lại mình, y tự nhủ: Có biết bao nhiêu người làm công trong nhà cha ta có bánh ăn dư thừa mà ta đành chết đói ở đây!... Ta phải chỗi dậy đi tìm cha ta. Ta sẽ thưa cùng người: “Lạy cha, con thực đáng tội với Trời, với cha; con không còn đáng gọi là con của cha nữa; con chỉ xin cha đãi con như người làm công trong nhà”. Chàng bèn chỗi dậy và đi về tìm cha. Từ xa, người cha đã trông thấy chàng. Bối rối vì cảm động, ông chạy ra đón con, ôm chầm lấy cổ con và hôn con luôn mãi. Người con mở đầu: “Thưa cha, con thực đắc tội với Trời, với cha, con không đáng gọi là con của cha nữa.” Song người cha đã kêu bảo tôi tớ: Hãy mau mau đem áo của con ta ra bận cho nó; hãy lấy nhẫn đeo vào tay nó, lấy dép xỏ vào chân nó. Hãy đem một con dê béo ra làm thịt đi! Phải làm một bữa tiệc thật linh đình! Vì con ta đây đã chết, nay lại sống lại, đã lạc nay lại tìm thấy…” Bữa tiệc khoản đãi liền nay lúc ấy…
Bây giờ người con lớn đang ở ngoài đồng. Khi trở về gần tới nhà, người ấy nghe thấy tiếng đàn hát liền gọi một tên đầy tớ lại hỏi cho biết có việc gì. “Em cậu đã trở về rồi! Ông sai mổ bê béo (ăn mừng) vì thấy cậu vẫn được mạnh giỏi!” Người con lớn tức, giận, không chịu vào nhà. Bấy giờ người cha vội ra năn nỉ con. Đứa con ấy nói: “Con vất vả làm việc với cha từ bao nhiêu năm! Không bao giờ con không vâng giữ lời cha. Thế mà chẳng bao giờ cha cho con một con dê nhỏ để đãi bạn bè. Còn đối với đứa con đã xài phí hết cơ nghiệp cho điếm, thì cha đã vội giết bê béo để ăn mừng, khi nó vừa thoạt trở về!”; người cha liền đáp; “Con ơi! Con ở với cha luôn luôn từ trước đến nay. Những gì của cha đều thuộc của con. Nhưng phải làm tiệc ăn mừng vì em con đã chết nay lại sống lại, đã lạc nay lại tìm thấy!” (bản dịch của H. M. T)
Đứa con trai hoang đàng ấy tượng trưng những gì? Người cha? Đứa con trai lớn? Tôi yêu đứa con hoang đàng ấy lắm và tôi cũng cảm động đau đớn hối hận trước tấm lòng vô hạn của người cha; đứa con trai lớn kia chỉ đáng cho ta thương hại và không đáng cho ta ghét. Đứa con hoang đàng trôi thân lạc chợ ấy cao hơn đứa con trai lớn kia gấp trăm vạn lần.
Đứa con hoang đàn ấy là mỗi người trong chúng ta, là những kẻ phạm tội, những kẻ bê tha rượu chè, những nghịch tử, những kẻ du côn, những kẻ phá trời phá đất, những người ruồng bỏ xã hội hay bị xã hội ruồng bỏ, những kẻ sống ngoài vòng, những kẻ étrangers, những outsiders, những exilés, những kẻ désaxés, déséquilibrés, những putains, những kẻ khùng điên, những tử tù, những hiện tượng thuần tuý, những quái vật, những Raskolnikov hay Sonia hay Kirilov hay Gregor Samsa hay Joseph K. hay Caligula hay Meursault hay Martha hay Sisyphe.
Đứa con hoang đàng bẩn thỉu dơ dáy ấy là Strindberg hay Nietzsche hay Dostoievsky hay Henry Miller hay Van Gogh hay D. H. Lawrence hay Rimbaud hay Lautréamont hay Kafka hay Henry Miller hay Thomas Wolfe hay James Joyce hay Blaise Cendrars hay Lenau hay Leopardi hay Charles Henay Ford hay Caragiale hay Antonin Artaud hay Jean Genet hay Lucrèce hay Eschyle hay Sophocle hay Hàn Mặc Tử hay Przybyszewski hay Knut Hamsun hay Céline…
Người cha ấy là Thượng đế, là Chúa, là Phật, là Xã hội loài người, là Luật Lệ, Thứ Tự, Hạnh phúc…
Tôi tự hỏi: đứa con hoang đàng trác táng ấy đã trở về nhà cha, nhưng liệu hắn có được hạnh phúc hoàn toàn hay không? hay là hết cực khổ rồi và bây giờ cứ sống mãi trong hạnh phúc thì hắn đâm ra chán và lại thèm nhớ những miền xa xôi bát ngát? Vâng, cha thương con vô hạn, cha lo lắng săn sóc cho con được hạnh phúc đủ mọi bề, nhưng không hiểu sao, chiều nay, lòng con buồn triền miên, con cảm thấy có gì thiếu thốn đâu đây, trông về sa mạc mênh mông kia, lòng con tê dại, vâng, con đã được ấm cúng dưới mái nhà sang trọng này, nhưng… dường như con thở không nhịp nhàng, sáng, trưa, tối, ăn, uống, ngủ rồi ngày mai sáng, trưa, tối ăn uống ngủ, rồi sáng trưa tối ăn uống ngủ, sáng trưa tối ăn uống ngủ, sáng trưa tối ăn uống ngủ, SÁNG TRƯA TỐI ĂN UỐNG NGỦ SÁNG TRƯA TỐI ĂN UỐNG NGỦ, SÁNG TRƯA TỐI ĂN UỐNG NGỦ, con muốn điên lên, con đã mất mát nhiều, con tưởng con là cái máy chạy đều đều ngày nào cũng như ngày nào, con chóng mặt; một làn gió từ vườn thoảng đưa vào phòng con, mang theo hương thơm ngào ngạt của những đoá hoa, hoa hồng, hoa huệ, hoa lan, hoa… vàng, vàng, những đoá hoa ấy muốn nhắc nhở con phải lìa xa nơi đây, lần nầy con sẽ không trở lại, không trở về như lần trước nữa; vâng, ở xa cha ngàn vạn dặm, nhưng tình yêu của đứa con đối với cha còn nồng nàn thấm thía hơn là ở đây, những rừng hoa man dại ngào ngạt đang chờ đợi con ở cuối trời, ở đây đầy đủ thừa thãi cơm gạo tiền bạc heo bò đầy tớ, thừa thãi bánh ngon chăn ấm, thừa thãi, thừa thãi… nhưng ở đây thiếu sương mù ban mai, thiếu tiếng chim, thiếu những dòng suối ngầu bọt, thiếu ánh trời lung linh bên triền núi, thiếu cây, thiếu lá, thiếu hơi lạnh triền miên, thiếu mùi thơm thảo dã, thiếu mây trắng vắt ngang đồi, thiếu cỏ xanh tơ non, thiếu vạn cánh bướm ngập ngừng, thiếu những chiều vàng thung lũng, thiếu hết, thiếu hết… vâng, con biết lần này con đi, con sẽ khổ sở chết đói như lần trước, nhưng con không muốn chết trong khi con nghẹt thở, con chỉ muốn chết sau khi hơi thở con đã nhẹ nhàng tha thướt với đất trời, con chỉ muốn chết giữa bụi giữa rừng rú, con chỉ muốn chết sau khi đã sống trọn vẹn với lòng con; vì quá thương yêu cha, nên con mới bỏ cha mà đi…
Tôi tưởng tượng như trên, nhưng tôi nghĩ cũng có kẻ khác không nghĩ thế; mỗi người có một đời sống, tôi không phê bình phán đoán lối sống của anh và xin anh cũng đừng phê bình phán đoán lối sống của tôi. Cám ơn anh.
3.
Paul Claudel, Julien Green, Gabriel Marcel, Graham Greene, Charles Dus Bos, Francis Jammes, Thomas Merton đã trở về mái nhà cha và đã sống hạnh phúc với cha. Họ không bao giờ muốn bỏ nhà ra đi nữa, bởi vì họ đã hạnh phúc. Mặc dù họ cũng có những xao xuyến khắc khoải ray rứt siêu hình diệu vợi, nhưng họ vẫn nghĩ rằng họ chỉ có thể sống được trong mái nhà của cha mà thôi, họ nghĩ rằng chỉ có con đường duy nhất để dẫn đến Tình yêu; con đường ấy là mái nhà của cha, ở bên cạnh cha, là phụng sự cha, Augusto Frederich Schmidt cũng nghĩ như thế.
Từ lúc thi sĩ Jorge de Lima từ trần, những thi sĩ dẫn đầu ở Ba Tây là Manuel Bandeia, Carlos Drummond de Andrade và Agusto Frederico Schmidt (cf. New Wold Writing, 7th. Mentor Selection, 1955, trang 195).
Augusto Frederico SchmidErnest sinh năm 1906 tại Rio de Janeiro và ngày nay rất nổi tiếng ở Ba Tây. Một trong những bài thơ hay nhất của Augusto Frederico Schmidt là bài “Ngày trở về của đứa con hoang”. Đọc bài thơ ấy, tôi khó lòng không nhớ đến bài “Con tôi trở về nhà” của thi sĩ Đức Stefan George. Hai bài đều cảm động xót xa, khiến ta bàng hoàng hối hận khôn cùng, lòng người cha thật mênh mông lai láng.
Sắc hồng vẫn còn nhuộm và đốt cháy trên đôi má con:
Trái cây chín mau
(…..)
Tay cha ôm chặt
Một kẻ thờ ơ lạnh lùng, đã lớn lên và trổ hoa
Ở những miền xa xôi miên viễn
Đứa con ruột của cha, nhưng hỡi ơi sao quá xa lạ tình cha con!
(Stefan George)
Bài thơ của Augusto Frederico Schmidt khá dài và cũng khiến ta xúc động miên man:
Những thèm muốn trốn thoát đang giữ kín trong đôi mắt hắn.
Đứa con hoang mơ mộng những niềm vui và những nẻo đường trần gian.
Vào giờ gia đình đoàn tụ lại quanh bàn mờ để dùng cơm tối.
Công việc cực nhọc trên đồng áng vừa xong,
Đứa con hoang nuôi những mộng hải hồ và những kế hoạch,
Hắn không hiểu sao thế, hắn cảm thấy khác mọi người, khác những kẻ sinh đẻ trong ngôi nhà to lớn của cha hắn. Khác những kẻ làm việc với cha ở cánh đồng.
Hắn cảm thấy mình tách rời ra xa cây cổ thụ
Những gốc rễ của cây cổ thụ ấy đã dính chặt từ thuở hồng hoang
Cùng trong lòng đất, cùng trong những giải đất này
Mà mồ hôi của cha, của anh cả, của bà con thân thuộc và những đầy tớ
Đã làm đơm hoa nở trái luôn luôn
Đứa con hoang đau khổ và vào đêm xưa đôi mắt hắn đã tìm
Con đường mới lạ huyền bí để trốn thoát.
Và giấc ngủ hắn trĩu đầy hình ảnh như một kẻ điên mường tượng
Đang lúc trong mái nhà tĩnh mịch mọi người đều say ngủ và tìm trong giấc ngủ những đền bù cho nỗi nhọc nhằn của ngày dài đăng đẳng
Đứa con hoang bị những hình tượng, những cám dỗ ám ảnh đè trĩu tâm tư
Những vốc dáng ấm áp và những đôi môi mát rượu đã hấp dẫn hắn đến lối sống trụy lạc và hố thẳm.
Thế rồi buồn chán tất cả mọi sự, đứa con hoang ấy lên đường đi tìm những “thực phẩm trần gian”; ngày đứa con hoang đàng lên đường, đôi mắt của cha già rưng rưng…
Không còn gì buồn hơn cái nhìn của người cha lúc con mình từ giã
Không còn gì buồn hơn cái nhìn của người cha
Cảm thấy rằng đứa con mình là một cái gì khác lạ mình
Con đường đi con mình khác con đường đi của mình
Bỗng nhiên người cha nhận ra đứa con mình.
Là một kẻ khác với những tư tưởng xa lạ với mình.
Với xa vọng bí ẩn, với những thèm khát lạnh lùng mãnh liệt
Giấu ẩn trong trái tim đã tách rời xa tim cha
Đứa con hoang ấy đã bỏ nhà cha và đi mất biệt; hắn sống bê tha, tiêu hoang hết tiền bạc và trở nên khốn khổ cùng cực:
Từ những giây phút ban đầu điên loạn của khoái lạc
Đến những giây phút bẽ bàng khi thực tế ngước đầu lên.
Lúc bấy giờ, đứa con ấy mới đau đớn hiểu được tấm lòng chua xót mênh mông của cha già; sống cực khổ quá đỗi, chịu không kham nữa, đứa con ấy lại trở về mái nhà xưa và cha già sung sướng mừng rỡ đón tiếp đứa con thân yêu ngu dại của mình:
Hãy vui chơi đi bây.
Đứa con ta đã mất và ta đã tìm lại được.
Đứa con ta đã đi hoang và đã trở về nhà.
Đứa con ta đã mù và bây giờ đây được thấy lại.
Bài thơ của Augusto Frederico Schmidt khá dài, nhưng tôi chỉ trích vài đoạn như trên thôi; tôi không thể nào dịch lại cho đàng hoàng; tôi đã làm mất hết cả hồn thơ dồn dập của A. F. Schmidt.
Đứa con hoang của A. F. Schmidt đã trở về đoàn tụ với gia đình và qua dòng thơ, người ta hiểu rằng từ đây trở đi, đứa con ấy đã an phận và sống vui sướng thanh bình trong mái nhà êm ấm: đứa con hoang đã hối hận vì đã bỏ nhà đi và hắn đã không hạnh phúc và bây giờ hắn đã tìm lại hạnh phúc; hắn đã mù và bây giờ hắn đã mở mắt ra trông thấy mọi sự, hắn đã tỉnh thức và đã hiểu rõ đâu là mộng tưởng viễn vông đâu là thực tế gần gũi. Phải thế không, hỡi đứa con tên là Augusto Frederico Schmidt, tên là Paul Claudel, tên là Thomas Merton?
Nhưng không phải tất cả đứa con hoang đều giống nhau. Còn những đứa con hoang khác nghĩ ngược lại Thomas Merton. Chẳng hạn như Nietzche, như Henry Miller như André Berton, như André Malraux, như André Gide, như Thomas Wolfe.
4.
Thomas Wolfe là một trong vài ba hiện tượng lạ lùng nhất của văn học Mỹ; Thomas Wolfe chết lúc 38 tuổi (sinh năm 1900 và chết 1938); Wolfe viết văn ào ào như suối chảy, hàng ngàn trang, hàng triệu chữ, hằng đống bản thảo, ban ngày đi dạy học, tối thức suốt đêm viết, viết, viết… đến lúc mệt Wolfe bước ra ngoài trời khuya lạnh lẽo đi lang thang tê dại khắp đường phố rộng lớn như một thằng điên. Cà phê, rượu, thức đêm, làm việc đêm, đi đêm, bấy nhiêu cũng đủ giết Wolfe và chàng chết lúc 38 tuổi là cũng phải. Nếu ta gọi Faulkner, Hemingway, John Dos Passos, Eugene O’ Neill, John Steinback, Erskine Caldwell là thiên tài, nếu ta gọi những nhà văn trên là thiên tài thì ta phải gọi Thomas Wolfe là siêu thiên tài. Tôi sẽ trở lại Thomas Wolfe, tôi sẽ viết riêng một bài dài (hoặc một quyển sách dày) để gợi lại hình ảnh phi thường phi phi thường của Thomas Wolfe (đối với những con người như Thomas Wolfe, Henry Miller, hay Blaise Cendrars, suốt đời tôi đều phải trở lại thăm viếng luôn; đó là giòng suối ngọt thơm giúp tôi đỡ chết khát giữa cuộc đời nóng bức khô hạn này).
Tôi buồn vì hôm nay tôi chỉ nói rất sơ sài về Thomas Wolfe, nói đến một khía cạnh rất nhỏ là “Ngày trở về của đứa con hoang”.
Thay vì bàn đến những quyển tiểu thuyết vĩ đại của Thomas Wolfe như Look Homeward, Angel hay Of Time and the River hay The Web and the Rock hay You Can’t Go Home again, tôi đành phải nhượng bộ với đều tài hôm nay và chỉ viết về truyện ngắn “The Return of The Prodigal” (Ngày trở về của đứa con hoang) trong quyển The Hills Beyond của Thomas Wolfe.
Truyện “The Return of The Prodigal” rất giản dị đơn sơ; câu chuyện rất tĩnh mịch và rất ồn ào. Truyện gồm hai phần: phần đầu rất lặng lẽ, rất tịch mịch; phần sau rất huyên náo ồn ào; tác giả đưa ta đi vào hai thế giới trái ngược hẳn nhau.
Câu chuyện đơn sơ như vầy: Eugene Gant là một nhà văn rất nổi danh; tiếng tăm vang lừng khắp nơi, đi đâu ai cũng nể vì trọng vọng duy chỉ có quê hương chàng là khước từ chàng, bởi vì chàng đã xây dựng những nhân vật tiểu thuyết theo những người ở quê hương mà chàng đã sống hồi còn bé thơ. Gần như tất cả những người ở quê hương chàng đều phản đối chàng và có kẻ còn hăm doạ chàng; bởi thế trong vòng bảy năm trời chàng không trở về quê hương nữa, chàng trở thành một kẻ bị lưu đày và một kẻ lang thang giang hồ lãng tử, And for seven years thereafter he did not go home again, he became an exile and a wanderer (“The Return of The Prodigal”, The Hills Beyond, Pyramid books, tr. 93). Trong bảy năm trời lang bạt kỳ hồ, chàng vẫn lưu luyến nhớ quê hương, chàng nhớ quê hương đến nỗi chàng tưởng tượng hình dung ngày trở về quê hương như sau: ngày ấy là một đêm gió loạn vào mùa thu, trong một thành phố bé nhỏ ở một vùng đồi núi quê hương, chàng bước đi lặng lẽ trên một con đường hoang vắng và mưa rơi lạnh lẽo, gió lướt lê thê buồn thảm, cũng những nhà cửa ấy như độ nào nhưng bây giờ trông thê lương biết bao, khi bước đi đến một ngôi nhà cũ kỹ nọ, chàng dừng bước, buồn bã nhấn chuông, một bà cụ già yếu chậm chạp bước ra mở cửa, chàng hỏi thuê phòng để ngủ một đêm rồi sáng lên đường; bà cụ lếch thếch dẫn chàng đến một phòng trống lạnh, chàng bơ phờ bước vào; lúc bà cụ đi khỏi rồi, chàng lấy hai tay vò lên mái tóc rối, lắc đầu tắt đèn và đau đớn lắng nghe tiếng giông bão ào ào đập vào nhà, chàng ngủ nhưng rồi đột nhiên bỗng sực thức dậy vì chàng nghe một tiếng nói mơ hồ xa xôi, chàng tự nhủ: phải chăng đó là giông bão với một triệu tiếng nói? Phải chăng đó là mưa? Phải chăng đó là bóng tối đã vây phủ ngôi nhà cũ của cuộc đời và đem tiếng nói về cho im lặng? Hay đó là sự ghê rợn của im lặng lạnh lẽo đã làm ngày trở về của tôi chẳng thành ngày trở về, đã làm tôi trở thành một kẻ xa lạ trong nhà này, mà chính mẹ của tôi đã quên tôi?
Is it the storm that has million voices? Is it the rain? Is it the darkness that fills an old house of life and give a tongue to silence? Or is it the terror of cold silence that makes of my returning no return and of me an alien in this house where my very mother has forgotten me? (trang 102) Bà cụ già yếu cho thuê phòng ấy chính là mẹ chàng và ngôi nhà cũ xưa ấy là ngôi nhà chàng đã sống thuở bé thơ, nhưng hỡi ơi, mẹ chàng không còn nhận ra chàng nữa.
Đó là những gì chàng đã tưởng tượng, nhưng tưởng tượng vẫn luôn cách xa thực tại. Chàng đã tưởng tượng chàng sẽ trở về quê hương lặng lẽ âm thầm như trên, nhưng sự thực lại khác, vì lúc chàng trở về nhà, mọi sự đều xảy ra khác hẳn trí tưởng tượng chàng, cả quê hương nhộn nhịp đón rước chàng, bạn bè, người thân quyến thuộc đầu kéo đến vây bủa chàng, hỏi chàng, điện thoại réo ầm cả nhà, mẹ chàng phải trả lời liên miên, hết điện thoại của người này mời chàng, đến điện thoại của người khác, chuông điện thoại kéo suốt ngày, rồi những lời nhì nhằng của mẹ; “con hãy nên đi dự…họ có địa vị cao trong xã hội… con nên… ông X giàu có lắm”. Truyện chấm dứt với câu sau đây: “Lại điện thoại nữa kìa con! Con hãy chờ một phút - Mẹ sẽ trả lời cho họ”. There goes that phone again! Just a minute, son, - I’ll anwer it (trang 119).
Truyện gồm có hai phần: phần thứ nhất là phần Eugene Gant tưởng tượng ngày trở về quê hương; phần thứ hai là Eugene Gant thực sự trở về, chứ không phải tưởng tượng. Trong phần đầu, ta đi vào một thế giới lặng lẽ trầm buồn, ta chỉ bước nhè nhẹ khe khẽ. Trong phần sau, ta lọt vào một thế giới huyên náo ầm ĩ, làm mệt cả thần kinh.
Truyện “The Return of The Prodigal” chỉ đơn sơ như trên và dù Thomas Wolfe chẳng nói gì rõ ràng nhưng ta có thể thấy được, cảm được nỗi bực mình của Eugene Gant khi trở về quê hương; bảy năm trước, cả quê hương từ bỏ chàng, bảy năm sau lúc trở về, cả quê hương ào đến đón rước chàng, quấy rầy chàng với tiếng chuông điện thoại, với những lời mời mọc ầm ĩ, phá mất sự cô đơn, đánh mất đời sống nội tâm của chàng. Mặc dù Thomas Wolfe không nói gì rõ ràng, nhưng ta có thể đoán rằng đứa con hoang ấy (Eugene Gant) sẽ bỏ nhà đi nữa vì không chịu nổi không khí ngột ngạt đó.
Trong tác phẩm cũng như trong cuộc đời, Thomas Wolfe vẫn là một đứa con hoang không bao giờ trở về, dù có trở về nhà đi nữa, rồi sớm muộn gì cũng lại bỏ đi luôn.
Quyển tiểu thuyết cuối cùng của Thomas Wolfe mang nhan đề là You Can’t Go Home again (Anh không trở về quê hương nữa).
Năm 1937, sau một thời gian luân lạc, Thomas Wolfe lại trở về viếng thăm quê hương, cả quê hương ân cần đón rước Thomas Wolfe nhưng Thomas Wolfe lại cảm thấy rằng “anh không trở về quê hương nữa” và Thomas Wolfe lên đường bỏ đi biệt luôn, đứa con hoang ấy cảm thấy xa lạ nơi quê hương mình.
Mất mát, mất mãi mãi… Trần truồng và cô đơn, ta bị đi đày. Trong lòng đen tối của mẹ, ta không biết nét mặt của mẹ ta; từ ngục tù của xác thịt mẹ, ta đi vào ngục tù của trần gian này, một ngục tù bưng bít hết ngõ giao thông hết lời để nói. Lost, lost, forever… Naked and alone we came into exile. In her dark womb we did not know our mother’s face; from the prison of her flesh have we come into the unspeakable and incommunicable prison of this earth (Thomas Wolfe)
Đối với gia đình và quê hương, Thomas Wolfe là một đứa con hoang. Đối với xã hội, Thomas Wolfe cũng là một đứa con hoang.
Ta quá mất mát, quá trần truồng và quá cô đơn ở Mỹ châu. Bầu trời mênh mông và tàn nhẫn chĩu nặng hạ xuống trên đầu ta và tất cả chúng ta cứ bị đuổi đi mãi mãi và ta không có quê hương. We are so lost, so naked and so lonely in America… Immense and cruel skies bend over us, and all of us are driven on forever and we have no home (Thomas Wolfe).
Trước Thượng đế, Thomas Wolfe cũng là đứa con hoang. Trong bài tiểu luận “God’s Lonedy Man”, Thomas Wolfe viết: “Bây giờ mặc dù tôi nhận thấy rằng con đường và ý nghĩa của đời sống Chúa Ky tô rất cao quí, cao quí hơn con đường và ý nghĩa của đời sống tôi, nhưng tôi không thể nào theo lối sống ấy được”
(And now I know that though the way and meaning of Christ’s life is a far, far better way and meaning than my own, yet I can never make it mine).
Thomas Wolfe cũng là đứa con hoang như Augusto Frederico Schmidt, nhưng hai người khác nhau, vì Augusto Frederico Schmidt trở về mái nhà cha và đã tìm được an bình hạnh phúc; còn Thomas Wolfe cũng trở về, nhưng không thể nào tìm được an bình hạnh phúc; chàng cảm thấy khắc khoải xa lạ ngay nơi quê hương và chẳng bao lâu, Thomas Wolfe lên đường bỏ nhà đi biệt luôn, làm lãng tử lang thang đến khi thở hơi cuối cùng. André Gide cũng thế.
5.
Trong những tác phẩm của André Gide, tôi thấy biết bao tác phẩm quan trọng như L’immoraliste, như Nourritures terrestres như Porte étroite và Faux monnayeurs, nhưng tôi nghĩ rằng chính những tác phẩm của Gide như “Le Retour de l’Enfan Prodigue”, như “Thésé”, chính những tác phẩm ngắn này đã thâu gọn lại tất cả mọi xao xuyến đau thương, mọi chân thành chua xót của Gide.
Gide mượn truyện đứa con hoang trong Thánh kinh và viết lại thành một truyện ngắn khác hẳn. Thay vì có hai người con trai như trong Thánh kinh, truyện “Le Retour de l’Enfan Prodigue” của Gide gồm có đến ba người con trai; Gide xoay đổi ý nghĩa khác hẳn.
Gide viết truyện ngày với tấm lòng đau đớn không cùng:
“Lạy Chúa, như một đứa con nít, hôm nay con xin quỳ trước Chúa, mặt đẫm đầy lệ” (Mon Dieu, comme un enfant, je m’agenouille devant vous aujourd’hui, le visage trempé de larmes).
Sau một thời gian sống bê tha hoang phí hết tiền bạc, đến lúc quá đói khổ, không thể chịu đựng được nữa, đứa con hoang mới trở về nhà cha, đứng từ đồi cao xa xa, hắn nhìn thấy mái nhà đun khói chiều, nhưng hắn vẫn chưa về nhà, hắn chờ cho tối hẳn mới dám về để màn đêm che giấu sự bần cùng của hắn… Nhưng hắn không thể chịu đựng được nữa, hắn chạy xuống đồi và bước vào sân nhà, chó không nhìn ra hắn và sủa, hắn muốn nói với mấy người đầy tớ nhưng chúng ngờ vực tránh ra chạy đến báo tin cho chủ. Người cha chạy ra dang hai tay đón con và sau đó mở tiệc ăn mừng ngày trở về của đứa con hoang:
“Hỡi con ơi, tại sao con lại lìa cha?”
“Con đã lìa cha thực sao? Thưa Cha. Không phải cha ở khắp nơi sao? Không bao giờ mà con đã không yêu thương cha, không bao giờ…”
“Mon fils, pourquoi m’as – tu quitté?”
“Vous ai–je vraiment quitté? Père! N’êtes-vous pas partout? Jamais je n’ai cessé de vous aimer.”
“Cha có một ngôi nhà để giữ con. Ngôi nhà được xây cất cho con. Những thế hệ đã làm việc khó nhọc để tâm hồn con có thể tìm nương náu đó, tìm sự xa hoa xứng đáng, sự tiện nghi và việc làm, con là kẻ thừa tự, vậy tại sao con đã trốn thoát bỏ nhà mà đi?”
“Bởi vì Ngôi nhà đã nhốt giam con. Cái Nhà không phải là Cha, Cha ạ.”
“J’avais une maison qui t’enfermait. Elle était élevée pour toi. Pour que ton âme y puisse trouver un abri, un luxe digne d’elle, du confort, un emploi, des générations travaillèrent. Toi, l’héritier les fils, pourquoi t’être évadé de la Maison?”
“Parce que la Maison m’enfermait. La Maison ce n’est pas Vous, mon Père.”
“Sau một thời gian ngắn, hỡi đứa con hoang con còn lại những gì?”
“Con còn lại sự hồi nhớ những vui thú khoái lạc ấy.”
“Và sau đó là sự nghèo nàn xơ xác.”
“Trong sự nghèo nàn đó, con cảm thấy gần cha, Cha ạ.”
“Au bout de peu de temps, que t’est il resté, fils prodigue?”
“Le souvenir de ces plaisirs,”
“Et le dénuement qui les suit.”
“Dans ce dénuement, je me suit senti près de vous, Père.
“Thế thì xa cha, con có hạnh phúc hay không?
“Con không cảm thấy xa cha.”
“Vậy thì những gì đã khiến con trở về đây. Hãy kể cho cha nghe.”
“Con không biết. Có lẽ là sự làm biếng.”
“Étais – tu donc heureux loin de moi?”
“Je ne me sentais pas loin de vous.”
“Alors qu‘est-ce qui t‘a fait revenir? Parle.”
“Je ne sais. Peut-être la paresse.”
Sau khi đã nói chuyện với cha, đứa con hoang phải đối đáp với người anh cả:
“Hãy kể cho tôi nghe, những gì đã thúc đẩy chú bỏ nhà đi như thế?”
“Em cảm thấy quá rõ ràng rằng Ngôi Nhà không phải là trọn vũ trụ. Em không thể nào mà không mường tượng đến những nền văn hoá khác, những giải đất khác và con đường để chạy đến nơi đó, những con đường chưa ai vạch ra.”
“Dis–moi, maintenant: qu‘est – ce qui te poussait à partir?”
“Je sentais trop que la Maison n’est pas tout l’univers. J’imaginais malgré moi d’autres cultures, d‘autres terres, et des routes pour y courir, des routes non tracées…”
Hết đối đáp với anh cả, đứa con hoang lại nức nở bên cạnh mẹ, người mẹ âu yếm hỏi con:
“Con có nghĩ rằng con sẽ hạnh phúc khi con xa gia đình.”
“Thưa mẹ, con không đi tìm hạnh phúc.”
“Vậy con đã tìm gì?”
“Con đã đi tìm coi… con là ai.”
“Pensais – tu donc être heureux loin de nous?”
“Je ne cherchais pas le bonheur.”
“Que cherechais-tu?”
“Je cherchais… qui j‘étais.”
Sau đó, người mẹ tỏ vẻ lo âu về đứa con út; người mẹ nhờ hắn săn sóc trông nom đứa em út, bởi vì đứa em út cũng có những cử chỉ hành động như anh nó, cũng muốn hoang đàng bỏ nhà đi như anh nó. Tối đêm đó, hắn bước vào phòng ngủ của em út, hai anh em nói chuyện đối đáp với nhau khá lâu, sau cùng đứa em út ấy lại lên đường bỏ nhà cha mẹ mà đi, cũng như hắn ngày xưa. Truyện chấm dứt với lời ân cần nhắn gởi của hắn trước khi đứa em út lên đường:
“Anh ơi… hãy đi chung với em đi.”
“Thôi hãy để anh ở lại! Hãy để anh ở lại! Anh ở lại để an ủi mẹ. Không có anh, em sẽ can đảm hơn. Đến giờ rồi. Trời bắt đầu xanh nhạt rồi. Em hãy đi đừng làm tiếng động. Hãy đi đi em! Hãy hôn anh, đứa em nhỏ của anh, em đang mang theo em tất cả hy vọng của anh. Hãy mạnh em nhé! Hãy quên gia đình. Hãy quên anh. Ước gì em đừng trở về… Hãy bước im lặng. Anh xách đèn cho…”
“Mon frère… Pars avec moi.”
“Laisse – moi! laisse-moi! je reste à consoler notre mère. Sans moi tu seras plus vaillant. Il est temps à present. Le ciel pâlit… Pars sans bruit. Allons! embrasse-moi, mon jeune frère: tu emportes tous mes espoir. Sois fort; oublie-nous; oublie-moi. Puisses tu ne pas revenir… Descends doucement, Je tiens la lampe…”
Chính đoạn kết luận này đã làm truyện “Le Retour de L’enfan prodigue” của Gide trở nên đặc biệt lạ thường. Đoạn kết luận này đã làm buồn lòng Francis Jammes và Paul Claudel, vì Jammes và Claudel vẫn mong chờ ngày Gide trở lại đạo công giáo (cf. Pierre de Boisdeffre, Métamorphose de la littérature, I, trang 118-119).
Thế là Gide vẫn là đứa con hoang và không bao giờ chịu trở về mái nhà cha. Những người bạn thân của Gide như Claudel, Julien Green, Charles du Bos, Jammes đều mong chờ ngày trở về của Gide (tức là theo đạo công giáo) nhưng họ đã thất vọng.
Trong một truyện ngắn cuối cùng, truyện “Thésée”, Gide đã viết, “Tôi vẫn là đứa con của trần gian này… Tôi đã sống trọn vẹn”. Je reste enfant de cette terre… J’ai vécu.
André Gide đã nói tiếng nói cuối cùng trong “Thésée” (cf. R. M. Albérès, L’Odyssée d’André Gide, trang 263-279).
Năm 1951, André Gide từ trần, miệng thì thào: “C’est bien”; tôi nhớ đến Kant, lúc lìa đời, Kant cũng thì thào: “Es ist gut” (C‘est bien).
6.
Viết đến đây thì đã quá nửa đêm, tôi phải tắt đèn và đi ngủ ngay, vì ngày mai tôi phải thức dậy sớm để lên đường. Vâng, cũng như Wolfe và Gide, tôi sẽ không bao giờ trở về…
Nguồn: Phạm Công Thiện, à thức má»›i trong văn nghệ và triết há»c (Luáºn vỠý thức má»›i sau mÆ°á»i năm lang bạt), tái bản lần thứ tÆ°, NXB An Tiêm, Sà i Gòn, 1970. Bản Ä‘iện tá» do talawas thá»±c hiện. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của tác giả.
|