trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
18.5.2006
Bùi Giáng
Thi ca tư tưởng
 1   2   3   4   5   6 
 
Hồ Xuân Dzếnh

Tôi thêm chữ Xuân vào tên ông, ấy chẳng phải là hoàn toàn làm điều phi lý. Chính ông đã có tập thơ Hoa Xuân Đất Việt. Tôi không thể tự ban thêm cho mình một tiếng xuân vào trong tên tuổi. Nhưng riêng biệt với Hồ Dzếnh, chúng ta được quyền gọi ông là Hồ Xuân Dzếnh. Chính ông cũng đã ngang nhiên tuyên bố:

Ý thiêng người thiếu ta thừa
Nghìn kho ân lộc trăm mùa mạnh xuân

Một loại xuân kỳ lạ cứ về kêu gào làm nứt rạn những vần lục bát của ông. Nứt rạn không phải là vỡ toang. Nứt rạn là cái vùng ẩn mật để cho mọi thứ mùa xuân có chỗ len lấn đi về trong một mùa xuân. Chất thơ xuân của ông từ đó mang tính chất hàm hỗn bát ngát. Xuân vui mà nghe như buồn. Xuân buồn mà nghe như vui.

Ý thiêng choán hết linh hồn
Còn đâu gió nhớ cung hồn buồn mà ca

Ông vừa dứt câu, quyết liệt như thế, thì mọi người bỗng nhiên tê lạnh cả máu me, vì biết rằng cái cung buồn kỳ ảo đang lù lù thị hiện trong câu thơ đòi xóa sạch cung vui. Và quả thật người ta không lầm. Trong Hoa Xuân Đất Việt bốn câu này vẫn nằm sừng sững đó:

Ngoài kia niên thiếu ca xuân mới
Trong lũy tre xanh đời vẫn buồn
Ai biết để lòng yêu một buổi
Bay về thăm viếng mái cô thôn

Bài “Mái Lều Tranh” ghi lại hình ảnh đối kháng nhau ; đi sát bên nhau, vẫn không làm sao hòa vào nhau cho được. Hai hình ảnh thăm thẳm riêng biệt trong lịch sử người ta:

Mẹ tôi sống lặng trong làng nhỏ
Đâu biết thời gian đổi mới rồi
Lòng vẫn đau buồn thiên vạn cổ
Nào hay Non nước hãy reo vui

Cái tiếng “hãy” đơn sơ kia lại đang làm nứt rạn câu thơ một lần nữa. Cung như tiếng “đâu biết, đổi mới rồi”. Còn tê buốt hơn tiếng “Đau buồn thiên vạn cổ”.

Vú mẹ đã khô nguồn sữa cũ
Tình con còn lại bấy nhiêu thôi
(“Trang sách xưa”)

Trở lại với Quê Ngoại, chép bài “Phong Châu”:
Giếng vàng ánh ngọc nghìn xưa
Giở trang sách cũ hương thừa còn bay
Mà sao người đó ta đây
Tình duyên phảng phất như ngày đã xa
Người về ta mới nhớ ra
Yêu là thế ấy mơ là thế thôi.


Đinh Hùng

Con người nguyên thủy, ta không thể rõ tâm tình họ như thế nào. Đứng trước những quyền lực thiên nhiên, những bão giông sấm chớp, nhìn lại phận thân mình, họ khủng khiếp kinh hoàng, hay là hồn nhiên chấp thuận? Nhìn xác đồng loại bị rắn độc cắn, hoặc bị cọp beo vồ nát, họ rú lên nhưng âm thanh hãi hùng như thế nào, ta không hình dung nổi. Nhưng đêm đông mưa bão rét buốt, ẩn thân trong những hang đá lạnh lẽo, họ suy gẫm những gì về kiếp sống phù du của mình? Họ không được che chở trước trời đất. Đời sống vật chất cũng như tinh thần, đều hoàn toàn phó thác cho hiểm họa diêu mang. Không một đức lý, triết lý nhân sinh vũ trụ nào che chở linh hồn họ. Không một thánh hiền nào thiết lập một Hình Nhi Hạ để họ chui vào nằm yên ổn giữa cương thường.

Ngày nay, con người có được nhiều chốn “nương tựa”. Rượu đế, la de, cà phê, khiêu vũ, xi nê… Nếu những thứ đó không còn chi cám dỗ nữa, thì còn người chạy đi đào sâu những hang hố siêu hình, tồn thể, hết đào hang xuống tận ruột rà trái đất, lại đào hang lên khắp cõi thanh thiên. Hoặc chạy ra đại hải đuổi theo con cá vô hình của trùng khơi. Hoặc chạy vào sa mạc, đuổi theo con chim vô dạng của hư vô. Rồi vẽ vời bao nhiêu luyến tiếc, chờ mong, hoài vọng, thiên hình vạn trạng để che lấp khoảng trống vắng dị thường của phù sinh hư huyễn. Rốt cuộc vẫn đối diện với cái khối lù lù bất khả tư nghị do Tử Thần dựng lên ở giữa đường. Cái khối dị dạng nọ quả thật gay cấn khôn hàn. Xua đuổi nó không được. Trừ khử nó không tan. Thôi đành ôm chầm lấy nó ve vuốt mà bảo rằng: - Tử Thần ôi! Em chính là lẽ sống của ta. Ta sống bao nhiêu tuế nguyệt lao đao lận đận, là chỉ cốt để thành tựu đời mình trong cái Chết Thơ Ngây Man Mác. Ta ôm lấy em và cảm thấy ấm cúng vô song. - Tử Thần ạ, lại gần đây đối mặt! Trao bàn tay cho ta nắm bên miền…

Đó là một lối tự dối mình vậy. Tô son phết phấn vào khuôn mặt Tử Thần, kể cũng đà thiểu não lòng người bấy nay. Mà kể ra, suốt bình sinh, con người ta đeo bám vào những thứ gọi là văn minh tiến bộ, gây dựng nên những thứ gọi là công nghiệp lưu tồn, chẳng qua cũng chỉ là một cách tự dối mình đấy thôi.

Đinh Hùng Mê Hồn Ca muốn nhảy vọt một trận, trút bỏ hết mọi thứ “quà” của văn minh gạt gẫm, đi giữa thế kỷ hai mươi, ông muốn sống lại tâm tình người nguyên thủy về đối diện với xã hội văn minh. Ông muốn khước từ hết mọi thứ xây dựng êm ấm của xã hội văn minh, muốn trơn trụi gào kêu giữa lạnh lùng vạn vật.

Chúng ta khóc như một bầy thú dữ
Lòng dã man nghe trái đất tan tành

Trái đất chưa tan tành, nhưng liên miên như đang tan tành, vì kể từ nguyên thủy, linh hồn con người và thể xác con người đã nối đuôi nhau tan tành giữa vạn vật. Và mọi cuộc xây dựng chân chính nào của con người, rốt cuộc vẫn như oái oăm góp phần thêm vào mọi thứ tàn phá ở mọi bình diện.

Người thi sỹ thâm cảm sự tình éo le đó trong tuổi xuân xanh, và nỗi phẫn nộ không sao giập tắt được. Không còn tìm đâu ra con đường “phục vụ”. Mọi cố gắng giữa nhân gian, dường như phó thác hết cho diêu mang hỗn độn “giữa chợ đời vất vưởng bóng sầu nhân…” Thì văn minh, thì đức lý, thì thì thì? Phân biệt thị phi, hư thực thế nào? – “phù dung bên phù thể, cõi nào thực cõi tiêu tao? Hồng phấn lẫn hồng trần, đâu đã vì đâu ô trọc?”

Thì tiếng gào thét của con người nguyên thủy trở thành tuyệt đối trắng trợn dã man cho vừa tầm diêu mang của cõi đời hỗn độn:

Ta lảo đảo vùng đứng lên cười ngất
Ghì chặt nàng cho chết giữa mê ly
Rồi dày xéo lên sông núi đô kỳ
Bên thành quách ta ra tay tàn phá
Giữa hoang loạn của lâu đài đình tạ
Ta thản nhiên đi trở lại núi rừng
Một mặt trời đẫm máu xuống sau lưng

Nhưng chỉ có thể thét lời ấy trong thơ, và thét một lần. Rồi ân hận tới. Trong cơn đoạn trường, vị “bạo chúa” kia đã nằm thiêm thiếp khóc. Vì cuộc tàn phá kia, chẳng giải tỏa được gì. “- Giết đi hồn nguyệt hoa chiều? Giết đi cả dáng diễm kiều của xuân?” Tàn phá trong tưởng tượng xong một trận, lại tha thiết nguyện cầu cho nguôi lãng.

Đi vào mộng những Sơn Thần yên ngủ
Em! kìa em! đừng gọi thức hư không
Hãy quỳ xuống đọc bài kinh ái mộ
Hồn ta đây thành tượng giữa Vô Cùng

Toàn tập Mê Hồn Ca, vẳng lên một tiếng thét và một lời than. Tiếng thét của bạo động, của phản kháng, và lời than của ân hận nguyện cầu. Tiếng thét đạt tới chỗ cuồng loạn thống thiết nhất. Lời than cũng thê thảm sâu xa nhất.

Tiếng thét và lời than trầm thống của Đinh Hùng “Sầu trong tà dục, vui ngoài hiện tâm” dội lên song song với Hàn Mạc Tử, mở ra cuốn sổ đoạn trường của con người thế kỷ hai mươi, không còn nơi cu trú. Cuốn sổ đoạn trường mở ra như thế để làm gì? Không biết. Không biết. Nhưng cuộc mở ra nào cũng đi tới một trận khép lại.

Đinh Hùng trong Đường Vào Tình Sử, vốn đã có một lối khép lại của riêng ông sau cái trận Mê Hồn Ca, một lối “dùng độc dược thử lòng thế tục”. Chúng ta còn có nhiều lối “tịnh hạp” khác. Xin để tùy mỗi người tìm lối riêng của mình.

Ngôn ngữ thơ trong vài thế kỷ này đã nẩy nở xum xuê, thiên hình vạn trạng. Hoặc ẩn mật thần bí, hoặc đơn giản như một lời ca dao, thi ca vẫn có sức đưa dẫn người ta vào giữa huyền nhiệm của cuộc sống. Cuộc sống vừa khủng khiếp vừa nên thơ, cuộc sống không thể nào đem ra lý luận một cách máy móc. Luận lý học đã gạt gẫm người ta, người ta thi đua nhau tán dóc. Thằng thi sỹ không thể nào nhảy vào vòng luận lý đú đởn để hơn thua. Nó cảm thấy chán chường khi phải cùng người luận lý bàn luận thị phi. Tha hồ để cho bọn họ mặc sức tán hươu tán vượn, ngấm ngầm dùng mọi thủ đoạn để sát hại thi ca và thằng thi sỹ.

Nhưng thằng thi sỹ có tội lỗi gì đâu. Nó chỉ ghi lại một đường trăng tê dại, vẻ lại một màu tuyết lạnh, ngắt một chùm bông ở trên núi chiêm bao đem về làm tặng vật cho con người được rồ dại chịu chơi giữa chốn phù vân hoặc bụi hồng lông lốc. Mở ra những cuộc tình yêu rờn rợn vô thủy vô chung, o bế những cơn mơ tuyệt vọng, thì kể cũng hơn o bồng hôn hít mãi những con vợ già cục mịch cằn nhằn. Đêm tân hôn chỉ có một lần, buổi ly dị cũng chỉ ra tòa một bận, uống rượu ly bì cũng tới lúc tỉnh ra, chém giết nhau cũng mất công đào huyệt… Chi bằng vớ lấy bài ca mê hồn, thì lúc nào cũng có thể mở trận đảo tứ điên tam, ngang tầm với tứ khuynh ngũ phúc của cuộc thế dâu biển ngục tù. Tuyệt vọng? Thì thà rằng tuyệt vọng với những Kỳ Nữ Chiêm Bao, những Nữ Chúa Thái Cổ, những màu mắt nâu vô ngần của Gái Hải Đảo sơ khai, cũng hơn là tuyệt vọng vì những thiếu phụ đẩy đà ngồi trước quày hàng đếm những đồng tiền dị dạng… Một tay đếm tiền, một tay gãi vào chùm lông nách… thì như vậy còn chi là khói trầm bén giấc mơ tiên? Còn chi là bâng khuâng giải qua miền quạnh hiu? Ôi ông Hồ Dzếnh!

Thơ về nắng sáng lừng lay
Gấp đi cánh phượng cho ngày rạng ra
Cõi trần vẳng tiếng Thiên Nga
Thơ không tuổi, ý không già: muôn năm
Gối lên Bắc Đẩu ta nằm
Nghe rung chân lạ, thơ thần mười phương.
(Hoa Xuân Đất Việt)


Vũ Hoàng Chương

Đá đâu lên tiếng thay vàng
Gỗ đâu mở mắt hai hàng bạch dương.

Nhiều người đã nói tới ông Vũ Hoàng Chương. Tại hạ còn biết nói thêm được lời gì bây giờ


Hàn Mạc Tử

Thưa, tôi không dám si mê
Một mai tôi chết bên khe ngọc tuyền
Bây giờ tôi dại tôi điên
Chắp tay tôi lạy cả miền không gian

Ông nói lời như thế mặc nhiên xóa sạch hết mọi nguồn thơ thế gian. Còn ai có thể làm thơ được nữa.

Thưa, tôi không dám si mê
Một mai tôi chết bên khe ngọc tuyền
Bây giờ tôi dại tôi điên
Chấp tay tôi lạy cả miền không gian

Tôi lạy cả miền không gian? Hãy để yên cho tôi điên tôi dại. Đừng ai nói đến tôi. Và nhất là đừng có bàn đến thơ tôi. Tôi không dám si mê, cũng không dám hoài vọng. Một mai tôi chết. Nghĩa là bây giờ tôi không còn sống. Tôi sống trong cơn dại cơn điên. Tôi làm thơ trong cơn điên cơn dại. Nghĩa là tôi chết hai ba lần trong trận sống. Tôi lạy cả miền không gian đừng có bắt tôi chết thêm một trận thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật…

Một mai tôi chết bên khe ngọc tuyền

Còn bây giờ không có ngọc tuyền đâu để tôi đến một bên tôi chết.

Bây giờ tôi dại tôi điên
Chấp tay tôi lạy cả miền không gian

Người yêu đừng bén mảng tới. Bạn bè hãy đi xa. Để tôi một mình tha hồ tôi điên tôi dại. Ai có đến gần thì hãy thử điên dại như tôi.

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ

Ông xua đuổi người đi vì ông không thể kêu gào người ở lại. Bởi vì nếu người ở lại, thì ông sẽ giết chết mất người. Ông giết chết mất người vì ông không thể đấm cho vỡ toang vũ trụ.

Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tợ si?

Nhưng vì sao ông muốn mặt nhật tan thành máu? Tan thành máu để cùng nhân gian chìm ngập trong đoạn trường? Mặt nhật chưa tan thành máu, thì chỉ riêng con người chịu đau khổ mà thôi. Hàng triệu triệu con người bị dìm trong máu. Trong oan nghiệt không cùng. Hàng triệu con người cũng đang cầu nguyện cho lòng mình cứng tợ si.

Cả thế giới này đang cùng Hàn Mạc Tử chia một thảm họa.

Em cố nghĩ ra một chiều vàng úa

Ngày nay người ta không cần cố gắng cũng thấy rõ sờ sờ một chiều vàng úa kia.

Em cố nghĩ ra một chiều vàng úa
Lá trên cành héo hắt gió ngừng ru
Một khối tình nức nở giữa âm u
Một hồn đau rã lần theo hương khói
Một bài thơ cháy tan trong nắng dọi
Một lời run hoi hóp giữa không trung
Cả niềm yêu ý nhớ cả một vùng
Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn

Hàn Mạc Tử biết rằng trừ ông ra, ngàn thế kỷ sau không còn ai có thể nói tới tận cùng thảm họa nhân gian. Nên ông phải dốc hết tim phổi nói một lần. Đó cũng là lời cầu nguyện cho nhân gian. Lời cầu nguyện sẽ phát khởi từ thảm họa dâng lên tới trời xanh. Lời cầu nguyện vang dội song song với lời nguyền rủa, vì có lẽ đó là chỗ bất khả tư nghị của từ tâm. Chúng ta có thể đọc ẩn ngữ kia trong mấy câu:

Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rũ
Những lời năn nỉ của hư vô…

Ánh trăng mỏng quá không che nổi, thì lời năn nỉ của hư vô đã khiến Hàn Mạc Tử dốc hết bồ đề tâm của mình ra trong tiếng gào thét hỗn độn của Caligula…


Hồ Dzếnh

Bài “Giang Tây”, và bài “Phút Linh Cầu” khiến tôi bải hoải tay chân. Không còn can đảm đọc thơ Nguyễn Du Huy Cận Hàn Mạc Tử Nguyễn Bính gì được nữa.
Hồ Dzếnh cũng không thể nào làm thơ tiếp được nữa.

Gauguin bỏ chạy trốn Âu Châu, tìm tới một hải đảo vô biên vô tế, suốt bình sinh ngồi vẻ lại màu mắt gái trùng khơi trong những buổi hoàng hôn đại hải, ấy cũng là một lối đi tìm cái dư vang nào trong thơ Hồ Dzếnh.

Biển chiều vang tiếng nhân ngư
Non xanh thao thiết trời thu rượu sầu
Nhớ thương bạc nửa mái đầu
Lòng nương quán khách nghe màu tà huân


Thơ

Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa rào bằng lời thơ. Thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phát động một trận mưa rào, hoặc một cơn gió thu. Mà muốn thực hiện sự đó, thì ngoài việc làm thơ ra, con người không còn phép gì khác. Thế có nghĩa là: muốn bàn tới một bài thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác.

Người xưa am hiểu sự đó, nên họ chỉ vịnh thơ, chớ không bao giờ điên rồ gì mà luận bàn về thơ. Người đời này trái lại. Họ buộc phải luận thơ cho có mạch lạc luận lý, không được “bốc đồng” (!) vịnh lăng nhăng. Cái chỗ ngu sy đó là điều bất khả tư nghị vậy.

Sự ngu sy đã tràn lan khắp chốn, thì kẻ hiểu thơ đành phải tuân theo khắp chốn để mở trận ngu sy.

Từ đó nảy ra không biết bao nhiêu trận luận về thơ theo lối bửa củi, dịch thơ theo lối gặm xương gà (gặm được chút da, nhưng không hút được cái tủy).

Muốn hút được chút tủy, đảnh phải liều nhắm mắt cắn mạnh một cái. Cắn mạnh một cái, thì gãy mất hai cái răng. Thì còn bù vào đâu mà hút tủy được nữa. Kể đà thiểu não lòng người bấy nay.

Ông Crayssac dịch Kiều, ông có hút được nhiều chút tủy, và đã chịu gãy bao nhiêu cái răng của ngôn ngữ Pháp. Sau đây là một thí dụ của hút tủy và gãy răng.

Sinh rằng lân lý ra vào
Gần đây nào phải người nào xa xôi
Được rày nhờ chút thơm rơi
Kể đà thiểu não lòng người bấy nay
Bấy lâu mới được một ngày
Dừng chân gạn chút niềm tây gọi là

Cái chất tủy trong thơ Nguyễn Du là: dừng chân gạn chút, được rày nhờ chút, người nào xa xôi, gần đây nào phải, lân lý ra vào, kể đà thiểu não, bấy lâu mới được, lòng người bấy nay, mới được một ngày, dừng chân gạn chút …vân vân.

Hãy xem Crayssac dịch:

Et le jeune homme alors à Thuy Kiéou répondit:
“Je suis votre voisin; j’habite près d’ici…
Ne voyez pas en moi quelque étranger, ma chère
Arrivant, impromptu, d’une lointaine terre…
Grâce à cet incident, j’ai respiré, très doux,
Quelque peu du parfum qui rayonne de vous,
Mais, hélas! de combien et de combien d’angoisses
Mon coeur dut-il subir les étreintes tenaces,
Et combien dut attendre, ô Ciel, mon triste amour
Avant de recevoir l’ivresse de ce jour!
De grâce, arrêtez-vous; que je puisse, de suite,
Montrer les sentiments intimes qui m’agitent…”

Ông dịch thơ Việt ra thơ Pháp như thế, kể còn trúng cách điệu hơn người Âu Châu dịch thơ người Âu Châu.

Henri Michaux có bốn câu vịnh “Băng Sơn” (Icebergs) đơn sơ bát ngát, mà bản dịch ra Đức ngữ đã chịu gãy mấy cái răng?

Icebergs, Icebergs, dos du Nord-Atlantique, augustes Boudhas,
Gelés sur des mers incontemplées,
Phares scintillants de la Mort
Sans issue, le cri éperdu du silence dure de siècles

Bản dịch:

Eisberge, Eisberge, Rücken des Nord-Atlantik, großartige
Gefrorene Buddhas auf den unruhigen Meeren.
Blitzende Leuchtfeuer des Todes ohne Ende wilder
Schrei des zähen Schweigens der Jahrhunderte.

Tiếng incontemplé (vô quan chiêm) lại dịch ra làm bất an, dao động… Le cri éperdu du Silence dure des siècles, trong bản dịch biến ra làm: le cri sauvage du dur silence des siècles.

Thế là nghĩa lý gì? Không biết. Không biết.

Duy có điều: dù sai lệch bao nhiêu chăng nữa, thì tinh thể ngôn ngữ Âu Châu vẫn nhiều điểm tương đồng, khiến dịch giả không đến nỗi phải chịu phận gãy răng lang bối bất kham.

Trái lại, giữa ngôn ngữ Âu Châu và ngôn ngữ Á Đông, có quá nhiều hang hố. Và những kẻ tự phụ cho mình đạt, công kích kẻ khác dịch là diệt, những kẻ đó hãy thư thả gẫm lại xem. Nếu những kẻ đó chịu bỏ ra vài chục năm suy gẫm vấn đề, ắt chẳng còn bao giờ dám tự phụ nữa.


Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử

Trang Tử vốn thường dùng phép ngụ ngôn. Vậy thì cái việc Trang Tử nói về sự vụ Khổng Tử tìm tới Lão Tử để “vấn Lễ”, sự đó thật là có hay là không có?

Nếu không có, mà Trang Tử dựng lên làm có, thì ý Trang Tử muốn gì? Trang Tử thật có ý muốn dìm Khổng Tử, hay đó chỉ là một phép lập ngôn cưỡng bức của ông để đẩy lùi bọn nho hương nguyện? Lời đáp hiển thị một cách quá hiển nhiên.

Còn nếu sự vụ vấn lễ kia quả là có thật, thì ta nghĩ sao về Khổng Tử? Nếu quả thật ngài có nói với môn đệ rằng “con chim thì ta biết nó bay, con cá thì ta biết nó lội, còn con rồng thì ta chẳng thể rõ nó lội lúc nào, nó bay lúc nào. Ta nay gặp Lão Tử như thấy rồng vậy”.

Nếu quả thật ngài trở về với môn đệ như thế, thì chúng ta nghĩ sao ? Lời đáp cũng lại quá hiển nhiên.

Đừng nói chi tới Lão Tử là một bậc đại hiền (mà Khổng Tử biết rằng bọn môn đệ mình không đứa nào bì kịp), ngay đối với những nhân vật thường thường mà có được vài đức tính, ngài cũng không tiếc lời khen ngợi.

Vào thái miếu, việc gì sự gì ngài cũng hỏi. (Tử nhập thái miếu, mỗi sự vấn…) Ấy chẳng phải là vì không hiểu mà hỏi, ấy chỉ vì - thị Lễ giã.

Cái lời đơn sơ “vô khả, vô bất khả” của ngài, còn bàng bạc bao trùm hết mọi tư tưởng Trung Hoa – nó cho phép Lão Tử đưa cái đạo vô tri ra đời, nó cũng lại mở đường cho Trang Tử được phép cà gật đú đởn với lối lập ngôn “triêu tam nhi mộ tứ, triệu tứ nhi mộ tam”.

Đọc lại Khổng Tử, Trang Tử, Lão Tử, ta còn nhận ra một điều dị thường bất khả tư nghị này: Trang Tử cà gật, nhưng Trang Tử quán xuyến cái lẽ đương nhiên, và cái lẽ sở dĩ nhiên nào đã quyết định cái đạo của Khổng Tử. Trái lại Lão Tử có thể là đại hiền, nhưng không phải đại thánh hoặc thượng trí, thái tiên. Có thể rằng Lão Tử còn chấp trước. Có thể rằng Lão Tử còn khư khư bo bo với cái đạo vô vi của ngài. Có thể rằng ngài không rõ cái “sở dĩ nhiên” nào đã quyết định Khổng học. Có thể rằng Lão Tử không ngờ gì hết, không đủ tế mật để nghe ra cái lời đạm nhiên của Khổng: “thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an. Nhân yên sưu tai, nhân yên sưu tai!”
Ngôn ngữ Lão Tử có tính cách bộc trực, cực đoan, một chiều. Trang Tử đã lợi dụng Lão Tử để tấn công môn đệ Khổng Học, nhưng trong thâm tâm, Trang Tử có thể xem thường Lão Tử, mà kính phục Khổng Tử một cách không bến không bờ.

Trang Tử lập ngôn luôn luôn theo thể thái song trùng nhị bội, ông chừa những khoảng trống, những khe hở miên man, để cho cái duplicité de l’Être (tính chất nhị bội của Tồn lưu) có thể luôn luôn thong dong còn cơ hội đi về. Đó là điều thiếu hẳn trong ngôn ngữ Lão Tử… (Thật ư? Không hẳn…)

Trang Tử gần Khổng Tử trong lối lập ngôn song trùng nhị bội. Nhưng khác Khổng Tử ở điểm Khổng Tử đạm nhiên, ẩn mật, hoằng đại bao dong; Trang Tử du côn ăn nói toe toét, có pha chất quỷ quyệt.

Những thiên tài tư tưởng hiện đại của Trung Hoa, ngày nay lao mình vào cuộc viết truyện vũ hiệp, bỏ lại trận đồ triết học cho bọn học giả ru rú. Bàn luận thị phi với bọn học giả đó, người tư tưởng cảm thấy chán chường. Đó có lẽ là nguyên do sâu xa đã khiến tư tưởng Trung Hoa chìm đắm mấy ngàn năm. – Khổng Tử ngày xưa cũng đã thâm cảm sự đó. “Bất đắc trung hành nhi dữ chi, tất dã cuồng quyến hồ! Cuồng giả tiến thủ ; quyến giả hữu sở bất vi dã”.

(Ta chẳng được hạng người theo đúng đạo trung để truyền đạo, ắt hẳn phải tìm đến bọn cuồng, bọn quyến vậy! Bọn cuồng có chí tiến thủ, bọn quyến có điều chẳng chịu làm).

Người Trung Hoa ngày nay chỉ có thể bắt đầu học tập tư tưởng là khi họ dám thử liều bước suy nghĩ rằng: đối với Khổng Tử quá cao viễn, tìm không được bọn người trung hành, thì thà ngài tìm đến bọn người cuồng – là Trang Tử, tìm đến bọn người quyến – là Lão Tử.

Người Trung Hoa hãy nên gột rửa sạch sẽ tinh thần mình, trừ khử khỏi đầu óc mình cái ý tưởng bo bo đem xếp Trang Tử, Lão Tử ngang hàng với Khổng Tử, rồi lăng nhăng sun soe mãi với những tiếng tam đạo, tam giáo, tam lý, tam ngu, tam hiền, tam thánh, v.v…


Xuân Diệu

Trưa hôm nay con ngồi như trẻ nhỏ
Giữa đáy trưa trong lòng mẹ vô cùng
Con là sáo, Mẹ là ngàn vạn gió
Mẹ là trời, con là hạt sương rung
Sương uống mãi chẳng bao giờ hết sáng
Của trời cao chói lói mỗi chiều ngày
Sáo ca mãi, lòng mẹ run choáng váng
Gió vẫn đầy ngàn nội bốn phương bay
(“Mẹ Việt Nam”)

Thơ Xuân Diệu thường có chất bát ngát hồn nhiên như thế. Tây Phương Đông Phương cổ kim không có nguồn thơ nào sánh kịp. Chúng ta quen thói chạy theo đuôi phong trào sùng phụng những Nerval, Hoelderlin, Rilke, Đỗ Phủ, Thôi Hiệu, Tagore, chúng ta không còn cách gì ngờ ra rằng nguồn thơ Xuân Diệu có thể bao la hơn bất cứ một nguồn thơ thi sỹ nào. Việt Nam đã có một Nguyễn Du đi khắp cung bậc đoạn trường gay cấn, về sau có một Huy Cận tiếp hậu ngậm ngùi, một Phạm Hầu cô tịch, một Nguyễn Bính man mác ca dao. Thử hỏi: chúng ta còn cần chi tới bất cứ một nguồn thơ Tây Phương nào? Dù là Nerval hay Rilke, dù là Whitman hay Henri Michaux?

Chúng ta cần Xuân Diệu. Cần một vài vần lục bát của Hồ Dzếnh. Chúng ta đứng xa xa, nguyện cầu cho Hàn Mạc Tử, Chúng ta phải để cho thơ Xuân Diệu rúc vào tủy xương mình. Vì y đủ thói bông lông thắm thiết của con người thượng đạt. Y trẻ dại, y lăng nhăng, y nói tới nỗi đời rồi y xóa đa đoan dâu biển. Y hồn nhiên giũ áo, nắm lây cung cầm Tăng Điền đánh lên giữa mùa Xuân…

Có một suối thơ chảy từ gần gũi
Ra xa xôi và chảy đến gần quanh
Một suối thơ lá ngọt với hoa lành
Nói trong xóm và rỡn cười dưới phố
Nguồn thơ mới tuôn ra từ vũ trụ
Có lẽ là hơi là gió cũng nên…
(“Suối”)

“Thiên hạ xuôi xuôi ngược ngược, khệnh khạng kềnh càng, còn ta, ta hồn hồn ngạc ngạc ca hát như trẻ thơ… Hãy để cho trẻ thơ tới bên ta… Chim chóc tới bên ta… Các ngươi hãy gột rửa cái thói học đòi bác học đi. Các ngươi hãy mù lòa đi, và các ngươi sẽ không còn tội lỗi…”

Chân nhân đời xưa nói gì? Nói rằng: các người đừng dùng thủ đoạn, đừng lợi dụng những ông Nietzsche để sát hại trẻ con. Thảm họa của Nietzsche không phải là ở chỗ bị công kích, cũng không phải bị mấy ông linh mục lên án. Thảm họa của Nietzsche là ở chỗ: bị bọn hãnh tiến lôi về phe cánh mình để tiện bề gây rối loạn.


Nguyễn Bính

Mẹ cha thì nhớ thương mình
Mình đi thương nhớ người tình xa xôi

Đó cũng là tâm sự Đức Khổng Phu Tử vậy. Quê hương nước Lỗ thì nhớ ông. Mà ông thì cứ giũ áo ra đi lang thang chu du lữ thứ tìm kiếm khắp nước Tàu cái vong hồn tồn lưu nào chẳng rõ. Rồi san định bao nhiêu cuốn kinh, ghi chép cái ngấn tích phiêu bồng đã trôi tuột từ bao…


Huy Cận, Xuân Diệu

Huy Cận đi từ Lửa Thiêng tới Hội Hoa Đăng, Tặng Em Mười Sáu, tức là ông đi cái bước tối hậu, tại bách xích can đầu. Cũng như Nguyễn Du đã dẫn cung cầm bạc mệnh Thúy Kiều tới giai đoạn “đầm ấm dương hòa”. Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy? Xuân Diệu già trước tuổi, nên ngay từ đầu, ông đã xóa tiếng đoạn trường bạc mệnh bằng cái thể điệu ngấm ngầm niêm hoa vi tiếu bàng bạc trong thơ ông. Già trước tuổi? Nghĩa là phản lão hoàn đồng? Nghĩa là quá già nên hóa ra trẻ nít trở lại? Quá già kể từ đâu? Kể từ cõi Nguyễn Du vậy. Kẻ nào chưa hiểu rõ chỗ tận cùng tàn sơn thặng thủy trong cung bậc Nguyễn Du, kẻ đó không thể nào hiểu Huy Cận Xuân Diệu đã vì đâu mà già, do đâu mà trẻ.

(Xét lại xem Shakespeare đã đánh cung bậc nhị bội như thế nào kể từ Hamlet Macbeth Othello sang những vở hài kịch bát ngát của ông. Xét lại Sophocle: bên bi kịch Oedipe, còn có vở kịch Philoctète)

Nguồn: Bùi Giáng, Thi ca tÆ° tưởng (Sổ Ä‘oạn trường - Tức Đi vào cõi thÆ¡ cuốn II), Ca Dao xuất bản lần thứ nhất 12/69, Sài Gòn - Việt Nam. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.