Tản văn thứ Sáu Loạt bài: Tham nhÅ©ng
6.1.2006
Hoà ng Phúc Vĩnh
Tham nhÅ©ng ở Việt Nam: Cái đói tâm là di truyá»n của những ngÆ°á»i lãnh đạo
Người Việt và cái đói qua nhiều thế kỉ
Sự khốn khổ của dân Việt bắt đầu từ đâu? Vì đâu mà dải đất tí xíu này phải chịu nhiều đau thương đến vậy? Thiên tai, giặc giã triền miên, cái rét, cái đói cũng vì thế mà trở thành nỗi ám ảnh thường trực. Người Việt hầu như luôn nghĩ đến miếng ăn, hễ có cơ hội được ăn thì ăn cho thật thỏa, kể cả lạm vào phần người khác, sau khi bụng đã no nê lại còn nhìn ngang liếc dọc xem có còn cái gì có thể dành dụm, có thể mang về ăn tiếp hay không. Có thể nói trong kho tàng truyện cười của người Việt, việc ăn là một trong những đề tài chủ đạo. Người ta có thể nói về việc ăn không chán năm này qua năm khác, thế hệ này tới thế hệ kia. Đằng sau ý nghĩa chế giễu, lên án việc ăn tham, ăn bẩn là nỗi ám ảnh thường trực đối với người Việt: cái đói. Người Việt xưa đói đến nỗi chỉ nói hoặc nghĩ về việc ăn thì cũng đã thấy như được ăn rồi, những câu chuyện cười vì thế mà trở thành một thứ thuốc làm dịu đi cái đói: nói về nó để được tưởng tượng thưởng thức nó, bằng như không thể có được nó thì chê bai nó, lên án nó, và xa lánh nó! Thật là nhất cử đa tiện, khi nghe, đọc hoặc nghĩ về những câu chuyện như vậy thì vừa được tiếng là người cao khiết, vừa được nuốt nước bọt thèm thuồng cùng với những hành vi của các nhân vật trong câu chuyện, lại có thể ngầm nhắn nhủ với những người quanh mình rằng: Các ông, các bà (cha ơi, mẹ ơi, chồng ơi, vợ ơi…), đừng giống những nhân vật kia, đừng giành phần ăn của tôi nhé!
Trong kho tàng truyện cười của chúng ta có hằng hà sa số các câu chuyện cười về chuyện ăn của người Việt. Nổi tiếng nhất có lẽ là câu chuyện về một gia đình có người chồng tham ăn. Anh ta tham ăn tới độ trong một lần nhà có khách, người vợ phải buộc dây vào chân anh ta để điều khiển từ xa, kẻo anh ta có thể quên hết sĩ diện và ăn hết cả phần của khách! Một phương án thật hoàn hảo nếu như không có sự cố bất ngờ xảy ra: một con gà vướng vào sợi dây nâng-cao-sĩ-diện ấy và biến nó thành sợi-dây-mất-hết-thể-diện, trả người chồng về đúng bản chất của anh ta. Con gà khiến cho sợi dây buộc vào chân anh chồng giật liên hồi, và anh ta cũng liên hồi đổ thức ăn vào bát mình, tống vào mồm mình tất cả những gì có thể, trời rung đất chuyển cũng mặc, nói gì đến cái sĩ diện cỏn con kia!
Người Việt trước đây thường nói “Miếng ăn là miếng nhục” có lẽ cũng vì nhiều người Việt không chỉ quá tham ăn, mà còn vì lúc nào cũng thèm ăn!
Nhưng việc ăn có gì là xấu, là nhục kia chứ. Người ta không thể sống mà không ăn, miếng ăn chỉ trở thành miếng nhục khi ăn lạm vào phần của người khác, ăn không biết xấu hổ, ăn bất kể sĩ diện mà thôi!
Khi còn nhỏ tôi đã được đọc một câu chuyện, cũng là câu chuyện về miếng ăn, và chắc chắn tôi sẽ không thể quên nó chừng nào tôi còn sống trên cõi đời này.
Chuyện kể rằng một đoàn thủy thủ tình cờ rẽ qua hoang đảo và bắt gặp một người bị đắm tàu, anh ta không chết vì được sóng đánh dạt vào hoang đảo ấy. Trên đảo hầu như không có thứ gì ăn được, nhưng không hiểu sao con người đáng thương ấy vẫn sống, có thể trong khi đói cồn cào anh ta đã ăn bất kì cái gì, kể cả đất cát, ruồi muỗi, côn trùng hay sâu bọ…
Cái đói khiến cho chân tay anh ta co quắp và rung lên bần bật, còn mắt của anh ta tuy vẫn mở nhưng đờ đẫn, đục mờ và hầu như không còn phân biệt được những cái xung quanh mình. Đoàn thủy thủ đưa anh ta lên tàu và nhốt anh ta vào một phòng riêng, bởi anh ta hầu như không còn là một con người nữa: thấy những cánh tay hay thân thể của ai đó là anh ta lập tức tìm cách cắn, ngoạm, nuốt để thỏa cơn đói khát. Ngày lại ngày người ta nhét thức ăn cho anh ta qua một cái lỗ bé xíu với số lượng bằng mấy lần khẩu phần mà một người bình thường có thể ăn. Con người đáng thương ấy cứ vồ lấy và ăn ngấu nghiến như thể nếu không nhanh thì mọi thứ sẽ vụt biến mất. Sau một thời gian anh ta đã dần hồi tỉnh, nhưng mới chỉ là phần xác. Một lần vị thuyền trưởng ghé thăm anh ta và ông ta đã không thể tin nổi ở mắt mình: cả bốn bức tường xung quanh căn phòng và nền phòng đều giắt đầy thức ăn, con người đáng thương ấy đã cất giấu thức ăn thừa vào tất cả những chỗ có thể. Cái đói sẽ ám ảnh anh ta suốt đời khiến cho tinh thần anh ta không thể nào trở về trạng thái bình thường được nữa.
Cái đói về sinh lí thật đáng thương, có thể hiểu được và vì thế có thể tha thứ được!
Bệnh đói tâm lí của những-kẻ-tham-nhũng-bần-hàn ở Việt Nam
Xã hội Việt Nam trong thế kỉ 20 đã trải qua những biến động dữ dội, vai vế của các giai tầng trong xã hội, cái đã được xác lập hàng ngàn năm trước, thoắt chốc bị đảo ngược hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử những người nông dân Việt đã có được vị trí mà trước kia họ nằm mơ cũng không thấy: họ trở thành giai cấp lãnh đạo sau khi khoác cái áo được khâu vá cẩu thả, vội vàng của giai cấp công nhân. Chẳng có gì bất thường khi ai đó trở thành lãnh đạo nếu họ có thực tài và được sự thừa nhận của người khác, cho dù họ xuất thân từ giai cấp nào đi nữa. Nhưng khi một giai cấp tự cho mình quyền lãnh đạo tuyệt đối, tối cao chỉ nhờ vào cái lí lịch “trong như cố (nông), sạch như bần (nông)” và qua đó thủ tiêu toàn bộ khả năng cũng như nhiệt huyết hưng quốc của các giai tầng khác trong xã hội, thì quả thật đó là sự nhục mạ toàn thể dòng giống vẫn được tiếng là “con Rồng, cháu Tiên”.
Sau khi có được vị trí mà hàng ngàn năm nằm mơ cũng không thấy ấy họ không khỏi ngỡ ngàng, bao nhiêu việc đại sự quốc gia không biết phải làm như thế nào, phải bắt đầu từ đâu, nhưng có một việc họ biết rất rõ và làm ngay: ăn. Trước đây họ chỉ có chút thức ăn ít ỏi và ăn trong những túp lều lụp xụp của họ, ăn ngoài sân hay trong bếp của những nhà giàu mà họ đến làm thuê làm mướn, ăn nơi đầu đường xó chợ khi vụng chồng, vụng vợ, vụng con, vụng cha, vụng mẹ… thì nay họ có điều kiện được ăn nhiều hơn, ngon hơn một cách công khai, ăn dưới sự bảo trợ của cơ chế do họ tự lập ra, ăn dưới sự bảo đảm của những nòng súng hướng vào những kẻ mà họ nghĩ có khả năng tranh giành miếng ăn của họ. Cái niêu Thạch Sanh đã hiển hiện trong đời. Ăn đi nào anh em, ăn cho thỏa chí! Ăn đi, đừng lo thức ăn hết! Này, sao làm khách thế, ăn đi chứ!
Họ no nê? Dĩ nhiên! Họ thỏa mãn? Không bao giờ! Người thủy thủ kia chỉ bị cái đói hành hạ vài chục hôm mà đã thế, vậy thì với những người bị cái đói hành hạ hàng thế kỉ, qua hàng chục thế hệ thì sẽ ra sao? Không, họ không bao giờ thỏa mãn được cái đói của mình, bởi đó là cái đói tâm lí, cái đói di truyền! Họ sẽ ăn mà không bao giờ biết đủ, họ sẽ lấy thức ăn bất cứ khi nào có điều kiện và giấu chúng vào tất cả những nơi có thể. Người thủy thủ đáng thương kia chỉ biết giấu thức ăn lên tường hay vùi chúng xuống nền nhà, còn những người lãnh đạo của chúng ta thì có những chỗ cất giấu thuận tiện và kín đáo hơn gấp bội: họ giấu dưới những bất động sản đứng tên người khác, giấu dưới hình thức các công ti hùn hạp cổ phần, giấu ở các ngân hàng nước ngoài, còn những cái họ giấu thì con cháu họ ăn cả đời không hết! Có trời mà biết được hết tất cả những nơi họ giấu thức ăn mà họ lén lút hoặc công khai kiếm được. Đừng trách họ, bởi họ làm điều đó một cách vô thức, họ đói quá đấy thôi! Vác theo những cái bụng lặc lè đầy mỡ, họ vào các nhà hàng và gọi những món ăn ngon nhất, lạ nhất, đắt tiền nhất, những món ăn mà kẻ thù của họ trước đây cũng chẳng mấy khi hoặc chưa từng được thưởng thức. Họ ăn không phải để cái bụng to thêm mà là để tận hưởng cảm giác sung sướng khi được ăn xả láng, họ ăn để trả thù những năm tháng đói thèm triền miên khi xưa của họ, cha mẹ, ông bà… họ! Nhưng hãy nhớ, họ no nê nhưng không bao giờ thỏa mãn cả, không bao giờ, bởi cái đói của họ là cái đói tâm lí, cái đói di truyền! Có con gà nào đó vướng vào sợi dây ràng buộc họ với luân thường đạo lí chăng? Chẳng có sợi dây và cũng không có con gà nào cả, họ tự cho mình được ăn như vậy đấy thôi. Người chồng kia còn có cô vợ kiểm soát, và nếu không có con gà ngốc nghếch ấy thì có thể anh chồng đã không ăn bất kể sĩ diện đến thế. Các nhà lãnh đạo của chúng ta là chủ nhân tuyệt đối với quyền hành tuyệt đối dưới mái nhà mang tên Việt Nam, và vì thế họ có thể ăn bất cứ khi nào, bất cứ cái gì họ muốn với số lượng không hạn chế. Nhưng đừng vội nghĩ rằng họ không có vợ, họ có, nhiều là đằng khác, vợ nhớn vợ bé, vợ nhà hàng vợ khách sạn, vợ Tây vợ Tàu, vợ nào vợ kiểu gì họ cũng có, chỉ có điều những người vợ của họ không còn nề nếp để chỉ ăn sau khi chồng và khách đã ăn, và quan trọng là buộc dây và giật dây khi cần thiết. Các bà vợ của họ luôn ăn cùng họ và cũng giống họ ở chỗ không bao giờ thỏa mãn cái đói cả!
Đừng trách họ nhiều, bởi cái đói của họ là cái đói tâm lí, cái đói di truyền!
Đừng trách họ nhiều, bởi họ làm điều đó một cách vô thức! Hãy đối xử với họ như những người thủy thủ kia đối xử với kẻ đồng loại đáng thương cơ nhỡ của mình. Đừng để mặc họ với cái đói khủng khiếp đang giày vò họ. Con tàu Việt Nam vẫn tiếp tục hướng về phía trước, hãy cho họ lên tàu cùng với chúng ta, chỉ có điều hãy để họ trong các phòng kín với một cái lỗ hẹp để nhét thức ăn vào, điều đó là cần thiết bởi họ có thể vô thức cắn, ngoạm chúng ta bất kì lúc nào, vì họ tưởng chúng ta là thức ăn của họ. Nhưng đừng quên cho họ mỗi người một phòng, đây không phải là sự bố trí tiện nghi trong thời đại văn minh, mà là để bảo vệ an toàn cho mỗi người trong số họ, khi mà người này tưởng người kia là thức ăn của mình. Một việc quan trọng nữa cần làm là tìm lại số thức ăn khổng lồ mà họ đã cất giấu bấy lâu nay để chia cho hàng triệu người Việt đang bị cái đói sinh lí giày vò!
© 2006 talawas
|