trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
5.2.2005
Hà Văn Thùy
Tìm lại cội nguồn tổ tiên, cội nguồn văn hoá
 1   2 
 
Trong hoàn cảnh toàn cầu hóa và hội nhập ngày nay, trước nguy cơ bị xâm lăng văn hóa, thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng và cả những chỉ thị nghị quyết nói nhiều đến cụm từ bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng không hiểu sao có cảm tưởng là, người ta càng nói nhiều thì sự việc càng rối tung rối mù lên, đến nỗi chẳng ai hiểu văn hóa dân tộc là gì! Từ đó mà biết bao việc làm tùy tiện lộn xộn, cái đáng bỏ thì giữ, cái đáng giữ lại bỏ... ruột bỏ ra da ôm lấy... cười ra nước mắt!

Thiết tưởng sở dĩ có chuyện trống đánh xuôi kèn thổi ngược như vậy chính bởi vì chưa có được sự thống nhất trong hai nhận thức cơ bản: 1/Dân tộc Việt Nam là ai? 2/ Văn hóa Việt Nam là gì?

Không phải là nhà nghiên cứu lịch sử nhưng là người có trách nhiệm với văn hóa dân tộc, tôi xin thử bàn về hai vấn đề trọng đại này. Rất mong quý vị cao minh chỉ giáo.


Cội nguồn tổ tiên

Xin không nói tới cái thời bọn học trò thò lò mũi tụi tôi học trong sách sử ký: Tổ tiên ta là người Gô-loa vì nó quá khôi hài. Chỉ xin nhắc lại quan điểm của Trường Viễn Ðông bác cổ (E.F.E.O) phổ biến vào những năm 20 thế kỷ trước được công bố trong Tập san của trường (B.E.F.E.O) mà tiêu biểu là của học giả Pháp, ông H. Mansuy: “Người Hòa Bình có mặt trên đất nước Việt Nam vào khoảng từ 5000 đến 3000 năm TCN... coi như chưa biết gì về nông nghiệp và chăn nuôi, không biết gì về gốm...” “Ðá mài đã có vào thời Bắc Sơn, nhưng ít được sử dụng.” : “Nghệ thuật đá mài có vai trò rất tiêu biểu cho văn hóa Austro Asiatique, được dùng nhiều ở miền Trung Ðông Dương. Người ta đã cho là những rìu mài này được nhập cảng từ Tây Tạng, Giang Nam bên Tàu, vì chúng cũng có ở Hoa Nam, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Ðại Hàn...” Những dụng cụ đá mài hình dĩa là của văn hóa Úc từ Tàu truyền xuống...” Cách nhìn ấy của những bậc thầy khai hóa đã dẫn tới nhận định sau: “Văn minh Việt Nam hoàn toàn từ lưu vực sông Dương Tử di chuyển xuống vào thế kỷ thứ IV TCN. Dân mới đến định cư tại Bắc Việt hiện thời đã mang theo một thứ văn hóa lai Tàu để rồi dần dần trở nên mô thức bản xứ.(!)” [1]

Ý tưởng trên lại được củng cố bằng giả thuyết khoa học từng thống trị cho đến tận hôm nay:

“Khoảng 500.000 năm trước, loài người từ châu Phi thiên di tới vùng Trung Ðông. Từ đây một nhánh rẽ hướng Tây thành người da trắng châu Âu. Nhánh tới vùng cao nguyên Thiên Sơn thành người da vàng châu Á. Nhánh này chia làm hai: một bộ phận vượt lên phía Bắc sông Hoàng Hà thành tộc người Mông Cổ. Một bộ phận rẽ sang Ðông chiếm lĩnh phần đất từ sông Hoàng Hà tới sông Dương Tử thành người Việt. Người Mông Cổ du mục vượt sông Hoàng chiếm đất và xua đuổi người Việt nông nghiệp chạy xuống phía Nam. Trong quá trình hàng vạn năm như thế, người Việt lai với người Hán và tới thế kỷ thứ IV TCN thì bộ phận này tràn vào vùng đất ngày nay có tên là Việt Nam!” [2]

Những điều giáo huấn như vậy của “người thầy khai hóa” đã dần dần ăn sâu vào tiềm thức của lớp trí thức khoa bảng Việt và rồi đến lượt mình, họ truyền giảng cho người dân những tín điều như thế! Kim Ðịnh là một thí dụ. Ông là người có kiến thức uyên bác cùng những suy nghĩ táo bạo mới mẻ, từng là thần tượng của học sinh sinh viên miền Nam những năm 70 thế kỷ trước. Nhưng trong cuốn Việt lý tố nguyên ông viết:

Văn minh cổ thạch ở Hòa Bình: gồm những đồ đá có đục lỗ (một điểm chưa hề thấy nơi khác) thuộc giống người Mêlanê cùng giống người Mã Lai sống vào lối 12.000-10.000 Tr.dl. Ðây là thời đang chuyển mình từ cựu thạch (đồ đá rất thô) sang tân thạch...” [3]

“Cách đây lối dăm mười ngàn năm có một nhóm dân từ Tây Bắc tiến dần xuống phía Ðông Nam và lan tỏa khắp nước Tàu. Trong đoàn người mênh mông đó có từng người chỗ này, từng gia tộc chỗ kia ở những thời khác nhau, vì những lý do rất phức tạp (loạn lạc đói kém) tiến mãi xuống miền Cổ Việt và trải qua thời gian dài từng nhiều ngàn năm đã lập ra một nước mà ngày nay ta gọi là Việt Nam.” [4]

Quan niệm sai lầm đó đã bao trùm khoa học lịch sử nước ta suốt thế kỷ XX. Nguyên nhân của sai lầm này chủ yếu do người trí thức Việt quá tin “sách dạy” của người thầy đầu tiên nên không chịu cập nhật những kiến thức mới.

Năm 1932, tức là 40 năm trước khi học giả Kim Ðịnh viết những dòng trên thì khảo cổ học thế giới đã đánh giá lại về Văn hóa Hòa Bình: tuổi của Hòa Bình không phải 10-12.000 năm mà lên đến 16.000 năm TCN và là trung tâm nông nghiệp và công nghiệp đá sớm nhất thế giới!

Phát hiện khảo cổ này có ý nghĩa rất lớn về lý luận và thực tiễn. Nó đặt ra hai câu hỏi:

  • Con người tiền sử đã đến Việt Nam (Sơn Vi 30.000 năm TCN và Hòa Bình 16.000 năm TCN) bằng con đường nào?

  • Con người hiện đại đang sống trên đất nước Việt Nam có quan hệ gì với chủ nhân Văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình?

Theo Gs Nguyễn Ðình Khoa: “Thời đại Ðá mới, cư dân trên lãnh thổ Việt Nam thuộc hai đại chủng Australoid và Mongoloid cùng với các loại hình hỗn chủng giữa chúng cộng cư với nhau, trong đó Indonesien và Melanesien là hai thành phần chủ yếu... Sang thời đại Ðồng- Sắt, người Mongoloid đã là thành phần chủ thể trong khối cư dân Việt Nam, người Australoid mất dần đi trên đất nước này, hoặc do thiên cư hoặc do đồng hóa.” [5]

Nhận định này có hàm ý cho rằng: vào thời đại Ðồng-Sắt, một bộ phận lớn người Mongoloid từ phía Bắc tràn xuống khiến cho yếu tố Mongoloid chiếm ưu thế trong cộng đồng dân cư Việt Nam. Và vì thế quan hệ giữa người Việt hiện đại với chủ nhân Văn hóa Hòa Bình chưa được xác quyết!

Như vậy là cho đến tận hôm nay chúng ta vẫn chưa trả lời được hai câu hỏi cơ bản NGƯỜI VIỆT NAM LÀ AI? TỪ ÐÂU ÐẾN?(!) Không biết cội nguồn xuất xứ làm sao biết gốc gác tổ tiên, làm sao biết bản sắc văn hóa? Dường như nghìn năm qua cả dân tộc mò mẫm trong đêm tối của nghi ngờ mặc cảm về cội nguồn?!

Những năm gần đây, nhờ phát triển của công nghệ gene nên bài toán tìm về cội nguồn của một số tộc người được giải theo phương pháp di truyền học. Có lẽ hăng hái hơn cả trong việc này là người Hán. Nhiều trường đại học lớn ở Bắc Kinh, Thượng Hải kết hợp với đồng nghiệp người Hán của họ tại những đại học danh tiếng ở Mỹ làm việc trong chương trình nghiên cứu lớn “Chinese Human Genetic Diversity Project” (Dự án tính đa dạng di truyền của người Hán). Dự án này đưa lại những kết quả khả quan.

  1. Năm 1998, Gs Chu và đồng nghiệp thuộc Ðại học Texas phân tích từ 15-30 mẫu micriosatellites (mtDNA) để thử nghiệm sự khác biệt di truyền trong 24 nhóm người Hán, 4 nhóm Ðông Nam Á, 2 nhóm thổ dân Mỹ, 1 nhóm thổ dân Úc, 1 nhóm thuộc New Guinea và 4 nhóm da trắng Caucase.

    Kết quả phân tích cho thấy:
    • Các sắc dân Ðông Nam Á tập hợp thành một nhóm di truyền.
    • Nhóm dân có đặc tính di truyền gần gũi với dân Ðông Nam Á là thổ dân Mỹ sau đó là người Úc và New Guinea.
    • Ðặc điểm di truyền của người Hán miền Bắc không giống người Hán phương Nam.

    Từ đó Gs Chu và đồng nghiệp đưa ra mô hình: Các dân tộc Bắc Á được tiến hóa từ Ðông Nam Á và kết luận: Tổ tiên các nhóm dân Ðông Á ngày nay có nguồn gốc từ Ðông Nam Á. Kết luận này cũng cho rằng, tổ tiên của những người nói tiếng Altaic ở phía Bắc Trung Quốc cũng từ Ðông Nam Á lên chứ không phải từ ngả Trung Á sang. [6]

    Tuy nhiên, nghiên cứu của Gs Chu có điểm yếu là chỉ dựa vào mtDNA, một nhân tố di truyền rất mẫn cảm nên không bền vững, dễ bị đột biến có thể dẫn đến kết quả sai lạc.

  2. Khắc phục nhược điểm trên, một nhóm nghiên cứu khác dựa trên nhiễm sắc thể Y (Y- chromosome) để khảo sát nhóm người Hán ở 22 tỉnh Trung Quốc, 3 nhóm dân Ðông Bắc Á, 5 nhóm Ðông Nam Á (Campuchia, Thái Lan, Mã Lai, Batak, Java) và một số nhóm ngoài châu Á.

    Kết quả nghiên cứu ghi nhận: mức độ biến thiên đa hình thái (polymorphic variation) trong nhóm Ðông Nam Á cao hơn Ðông Bắc Á.

    Phân tích di truyền quần thể (population genetics) đã đưa đến kết luận: Con người di cư từ châu Phi sang Ðông Nam Á khoảng 60.000 năm trước và sau đó di chuyển lên Bắc Á, Siberia. Các nhóm dân Polynesian (Ða đảo) cũng có nguồn gốc từ Ðông Nam Á. [7]

  3. Một nghiên cứu khác dùng 5 gene trong nhiễm sắc thể Y để khảo sát 2 nhóm dân Bắc Á (Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Mông Cổ) và Nam Á (Indonesia, Philippine, Thái Lan, Việt Nam) cho thấy người Việt gần với nhóm dân Bắc Á (nhất là Hàn quốc) hơn là các nhóm Nam Á. [8]

  4. Trong một nghiên cứu dùng mtDNA, Ballinger cho thấy chỉ số đa dạng sinh học (F-value) ở người Việt cao nhất trong các sắc dân Ðông Nam Á. Từ đây ông đưa ra kết luận: Người châu Á có nguồn gốc từ dân Mông Cổ phương Nam. [9]

  5. Nhà khoa học người Mỹ gốc Hán Lý Huỳnh (Li Jin) của Trường Ðại học Tổng hợp Texas tại thành phố Houston qua công trình khảo sát nhân tố microsatellites lặp lại liên tục trong chuỗi xoắn DNA của 43 nhóm người Hán phân bố khắp châu Á đã đưa ra kết luận:

    • Khoảng 100.000 năm trước, Homo Sapiens (con người khôn ngoan) từ châu Phi thiên di tới Trung Ðông. Từ Trung Ðông một nhóm rẽ sang phía Ðông đi qua Pakistan, Ấn Ðộ rồi men theo bờ biển Nam Á. Nhóm người này đến Ðông Nam Á vào khoảng 60 đến 70.000 năm trước. Họ nghỉ ngơi ở đây khoảng 10.000 năm rồi một bộ phận đi tiếp lên phía Bắc tới Trung Hoa. Từ đây một bộ phận lên cao hơn nữa tới Siberia, băng qua eo biển Bering tới Alasca vào châu Mỹ, thành người thổ dân châu Mỹ. [10]

    6. Hai công trình của Peter Savolainen và Jenifer A. Leonard cùng đồng nghiệp phân tích xương chó cổ tìm được ở Mexico, Perou, Bolivia... cho thấy rằng các loài chó được đưa vào châu Mỹ trước thời Columbus đều bắt đầu từ giống chó Âu-Á. Tổ tiên chó nhà là chó sói Ðông Nam Á bởi vì phân tích DNA cho thấy chỉ số đa dạng di truyền trong các loài chó Ðông Nam Á cao hơn nhiều so với loài chó ở châu Âu. Ðó có thể là từ con chó rừng duy nhất được thuần hóa cách nay 15.000 năm. [11]

    Kết luận này càng khẳng định ý kiến từ lâu của C. Darwin trong cuốn Nguồn gốc các loài (Origin of species): Tất cả các giống gà nuôi trên thế giới đều có nguồn gốc từ gà rừng Ðông Nam Á.

  6. Trong cuốn sách “Địa đàng ở phương Ðông” (Eden in the East) bác sĩ Stephen Oppenheimer từ những bằng chứng thuyết phục, cho rằng 8000 năm trước, do hồng thủy, cư dân sống ở Ðông Nam Á di cư lên phía trên tạo nên đồ đá mới ở Trung Quốc. [12]

Tổng hợp những công trình nghiên cứu trên, đưa ta đến nhận định sau:

  1. Khoảng 100.000 trước, con người khôn ngoan Homo Sapiens từ châu Phi thiên di tới Trung Ðông. Từ đây một nhánh rẽ về hướng Ðông qua Pakistan, Ấn Ðộ rồi men theo bờ biển Nam Á đến lục địa Ðông Nam Á vào khoảng 70-60.000 năm. Nghỉ lại ở đây khoảng 10.000 năm sau đó hậu duệ của họ đi lên phía Bắc, tới Trung Quốc, đến Siberia rồi vượt eo Bering đặt chân sang châu Mỹ khoảng 30.000 năm trước. Cũng từ Ðông Nam Á, một nhánh đến Úc 50.000 năm trước và đến New Guinea 40.000 năm trước.

  2. Hiện tượng người Việt gần với dân Bắc Á, nhất là Hàn Quốc (nghiên cứu 3) là lẽ tự nhiên vì rằng cộng đồng Bách Việt sau khi khai phá lục địa Trung Hoa đã tràn ra biển đến Nhật, Hàn Quốc. Người Nhật người Hàn hiện đại là hậu duệ của người U Việt trong dòng Bách Việt. Với người Hàn còn có yếu tố lịch sử nữa: vào cuối thời Lý (thế kỷ XIII) Lý Long Tường dẫn một đoàn di dân hoàng tộc khoảng 500 người sang tỵ nạn ở Hàn Quốc. Ðoàn di dân này bổ sung nguồn gene Việt vào dòng máu Hàn.

  3. Kết luận Người Châu Á có nguồn gốc người Mông Cổ phía Nam của Ballinger là có cơ sở: Người tiền sử đến Ðông Nam Á gồm hai đại chủng: Monggoloid và Austroloid. Có thể một nhóm người Mongoloid đi lên phía Bắc theo con đường Ba Thục rồi định cư ở Tây Bắc Trung Quốc thành chủng Mongoloid phương Bắc. Người Hán là một nhánh của chủng tộc Mông Cổ này. Có thể muộn hơn ít nhiều, người Việt thuộc chủng Indonesien – sản phẩm của hòa huyết giữa hai đại chủng Mongoloid và Australoid và là chủ nhân của Văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình đi lên khai phá lục địa Trung Hoa. Khoảng 2500 năm TCN người Hán tràn xuống xâm lấn, dồn người Bách Việt trở về Nam. Trong khoảng thời gian nhiều nghìn năm này có sự hòa huyết của người Hán dòng Mông Cổ phía Bắc với người Việt và các sắc dân Ðông Nam Á khác nên yếu tố Mongoloid trong dân cư phía Nam tăng lên. Khi người Việt trở lại Việt Nam, yếu tố Mongoloid trở nên ưu thế, yếu tố Australoid bị thu hẹp. Còn ở mạn nam sông Trường Giang do người Bách Việt đông mà người Hán Mông phía Bắc ít nên trong cuộc hòa huyết giữa hai tộc người, người Hán phía Bắc bị người Indonesien đồng hóa trở thành sắc dân Mông Cổ phương Nam, trong máu có ít nhiều yếu tố Australoid. Ðó là lý do làm cho gene của người Hán phương Bắc không giống với người Hán phương Nam.

  4. kết luận của nghiên cứu số 2: biến thiên đa hình thái (polymorphic variation) của người Nam Á cao hơn Bắc Á và nghiên cứu số 4: Chỉ số đa dạng sinh học (F-value) của người Việt cao nhất trong nhóm dân Ðông Nam Á . Hai kết luận này cho thấy người Việt là cư dân lâu đời nhất ở Ðông Nam Á cũng có nghĩa là lâu đời nhất ở Ðông Á.

  5. Nghiên cứu số 6 nói về chó cũng là nói về người bởi những vật nuôi đó không thể tự mình làm những hành trình vạn dặm như vậy. Chúng nằm trong tài sản của con người trong bước thiên di. Ðiều này cũng thêm bằng chứng cho thấy người Ðông Nam Á đã tới châu Mỹ ít nhất là15.000 năm trước.



*


Bằng chứng Di truyền học là đáng tin cậy, giúp cho chúng ta soi sáng những thành quả đã có về tiền sử Ðông Nam Á. Nhưng để có bức tranh toàn cảnh của thời kỳ này cũng cần sự tưởng tượng thông qua những giả thuyết.

S. Oppenheimer trong cuốn Địa đàng ở phương Ðông cho rằng, 60-70.000 năm trước, khi người tiền sử đặt chân tới Ðông Nam Á thì lúc này đang trong thời kỳ biển thoái. Mực nước biển thấp hơn hiện nay đến 130 m. Người ta có thể đi bộ tới châu Úc và những hòn đảo ngoài khơi. Ðất liền Việt Nam kéo tới tận đảo Hải Nam. Ông gọi vùng đất ven biển Bắc Bộ cùng đồng bằng sông Hồng là Lục địa Nanhailand. Người tiền sử đã quần tụ ở lục địa này để đánh cá, hái lượm, săn bắt, chế tác gốm. Do khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm, cây cối cũng như động vật sinh sản nhanh nên nguồn thức ăn dồi dào. Con người dễ dàng thuần hóa thực, động vật và rất sớm sáng tạo nền văn minh nông nghiệp.

Khoảng 30.000 năm trước, từ đây có một bộ phận tiến vào vùng trung du phía Tây trở thành chủ nhân Văn hóa Sơn Vi ở Sơ kỳ đồ đá mới.

Từ 18.000 năm trước, nước biển bắt đầu dâng, mỗi năm 1 cm. Dân cư Nanhailand buộc phải di chuyển lên vùng đất cao phía Tây, làm nên Văn hóa Hòa Bình ở thời kỳ Ðồ đá giữa có tuổi từ 18000 đến 7000 năm.

Khoảng 8000 năm TCN, do Ðại hồng thủy, nước dâng tới tận Việt Trì, Lục địa Nanhailand bị nhấn chìm, tạo nên đợt di cư lớn của người Việt cổ lên vùng phía Tây và vùng Nam sông Dương Tử.

Nanhailand có thể là trung tâm phát triển nông nghiệp và đồ gốm sớm nhất thế giới. Nhưng tiếc rằng khi bị nhấn chìm, lục địa này không để lại dấu tích gì mà chỉ còn Sơn Vi, Hòa Bình vừa muộn hơn vừa không phải là điển hình trung tâm. Chính vì vậy tại Hòa Bình thiếu những bằng chứng khảo cổ cho thấy nền nông nghiệp phát triển sớm như nó phải có là gốm cổ và hạt thóc.

Một giả thuyết khác có thể dọi chút ít ánh sáng vào tiền sử Ðông Nam Á là nghiên cứu của Buckminster Fuller, một nhà địa lý kiêm toán học. Ông cho rằng, có thể tìm ra nguồn gốc các nền văn minh căn cứ vào tỷ lệ thuận giữa trình độ văn hóa, di dân và mật độ nhân số. Từ lý thuyết đó, ông lập bản đồ Dynaxion world Maps ( bản đồ động thái thế giới). Từ bản đồ của mình, B. Fuller kết luận: duyên hải Ðông và Ðông Nam Á chỉ chiếm 5% diện tích thế giới nhưng có tới 54% nhân loại đang sống. Từ tính toán của ông, người ta suy ra, vào thiên niên kỷ IV-III TCN, người Việt có thể chiếm 15-20% dân số thế giới. [13]

Cố nhiên những trình bày trên chỉ là giả thuyết. Nhưng ít nhiều nó cũng cho ta cái nhìn bao quát hơn về tiền sử vùng đất này.

Sau khi ngắm bức tranh toàn cảnh mang tính mơ mộng, ta trở lại với thực tại khoa học.

Trong những nền văn hóa từng có mặt trên đất Việt Nam, Văn hóa Hòa Bình có vị trí đặc biệt, được khoa học khảo cổ thế giới xác nhận là trung tâm nông nghiệp và công nghiệp đá cổ nhất thế giới. Trước đây thế giới cho rằng trung tâm nông nghiệp cổ nhất là ở Lưỡng Hà có tuổi C14 là 7000 năm. Nhưng khi phát hiện ra 10.000 năm tuổi của động thực vật được thuần dưỡng tại Hòa Bình thì thế giới chấn động và tâm phục khẩu phục thừa nhận vai trò mở đầu của Văn hóa Hòa Bình. Năm 1932, Hội nghị Khảo cổ học quốc tế về tiền sử Viễn Ðông xác nhận: “Văn hóa Hòa Bình là trung tâm phát minh nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp cùng chăn nuôi gia súc đầu tiên trên thế giới. Trung tâm nông nghiệp Hòa Bình có trước vùng Lưỡng Hà 3000 năm.” [14]

Một phẩm chất nổi trội của Văn hóa Hòa Bình là kỹ thuật chế tác đá cuội. Ðá cuội là loại đá cực rắn, nên việc ghè mài chúng rất khó khăn nhưng lại cần thiết cho việc chế tạo những dụng cụ khác như cầy, cuốc, thuổng... bằng đá, một thứ “máy cái” như thường nói sau này. Người Hòa Bình là cư dân dẫn đầu thế giới phát minh ra kỹ thuật này và sản phẩm của Hòa Bình được xuất khẩu đi nhiều nơi. Hòa Bình còn là nơi sớm nhất trên thế giới biết thuần dưỡng cây trồng và vật nuôi. Từ đây, lần đầu tiên trên thế giới cây lúa nước và khoai sọ ra đời.

Học giả Hoa Kỳ W.G. Solheim II, Jorhman, Trương Quang Trực (Trung Quốc) và học giả Nga N. Vavilow thừa nhận: “Ðông Nam Á mà chủ đạo là Việt Nam đã có một nền văn hóa tiền sử phát triển rất sớm, tiên tiến và nhanh chóng, sáng tạo và sống động chưa từng thấy ở nơi nào trên thế giới.” [15]

Học giả Hoa Kỳ C. Sawer viết trong cuốn Ðồng quê: “Ðúng là nông nghiệp đã tiến triển qua hai giai đoạn mà giai đoạn đầu là Văn hóa Hòa Bình. Lúa nước đã được trồng cùng lúc với khoai sọ.” [16]

Dường như thấy chưa đủ, ông viết tiếp trong cuốn Cội nguồn nông nghiệp và sự phát tán: Tôi đã chứng minh Ðông Nam Á là cái nôi của nền nông nghiệp cổ nhất. Và tôi cũng chứng minh rằng văn hóa nông nghiệp có nguồn gốc gắn liền với đánh cá bằng lưới ở xứ này. Tôi cũng chứng minh rằng những động vật gia súc xưa nhất bắt nguồn từ Ðông Nam Á, và đây là trung tâm quan trọng của thế giới về kỹ thuật trồng trọt và thuần dưỡng cây trồng bằng cách tái sinh sản thực vật.” [17]

Và đây là ý kiến của ông W. G. Solheim II viết từ năm 1967:

“Tôi cho rằng khi chúng ta nghiên cứu lại nhiều cứ liệu ở lục địa Ðông Nam Á, chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện ra rằng việc thuần dưỡng cây trồng đầu tiên trên thế giới đã được dân cư Hòa Bình (Việt Nam) thực hiện trong khoảng 10.000 năm TCN...”

“Rằng Văn hóa Hòa Bình là văn hóa bản địa không hề chịu ảnh hưởng của bên ngoài, đưa tới Văn hóa Bắc Sơn.”

"Rằng miền Bắc và miền Trung lục địa Ðông Nam Á có những nền văn hóa tịến bộ mà trong đó đã có sự phát triển của dụng cụ đá mài nhẵn đầu tiên của châu Á, nếu không nói là đầu tiên của thế giới và gốm đã được phát minh...”

“Rằng không chỉ là sự thuần hóa thực vật đầu tiên như ông Sawer đã gợi ý và chứng minh mà thôi, mà còn đi xa hơn, nơi đây đã cung cấp tư tưởng về nông nghiệp cho phương Tây. Và sau này một số cây đã được truyền đến Ấn Ðộ và châu Phi. Và Ðông Nam Á còn tiếp tục là một khu vực tiên tiến ở Viễn Ðông cho đến khi Trung Quốc thay thế xung lực này vào nửa đầu thiên niên kỷ thứ 2 TCN, tức khoảng 1500 năm TCN.” [18]

Bốn năm sau, tháng 3/1971 nhà khoa học này từ những khảo sát ở Thái Lan lại viết trong tạp chí National Geographic dưới nhan đề Ánh sáng mới dọi vào quá khứ bị lãng quên:

“Tôi nghĩ rằng những đồ đá sắc cạnh có sớm nhất tìm thấy ở miền Bắc châu Úc 20.000 năm TCN có nguồn gốc thuộc Hòa Bình.”

Thuyết cho rằng tiền sử Ðông Nam Á đã di chuyển từ phương Bắc xuống, mang theo những tiến triển quan trọng về nghệ thuật. Tôi thấy rằng văn hóa Sơ kỳ đá mới (Proto-Neolithic) phía Bắc Trung Hoa gọi là Văn minh Yangshao (Ngưỡng Thiều) đã do trình độ thấp Văn hóa Hòa Bình phát triển lên từ miền Bắc Nam Á vào khoảng kỷ nguyên thứ VI hay V TCN.”

“Tôi cho rằng, văn hóa sau này được gọi là Lungshan (Long Sơn) mà người ta xưa nay vẫn cho là nó xuất phát ở Yangshao phía Bắc Trung Hoa rồi mới bành trướng sang phía Ðông và Ðông Nam, thì thực ra cả hai nền văn hóa ấy đều phát triển từ căn bản Hòa Bình.”

“Việc dùng thuyền độc mộc có lẽ đã được sử dụng trên các dòng sông nhỏ ở Ðông Nam Á từ lâu, trước kỷ nguyên thứ V TCN. Tôi tin rằng việc di chuyển bằng thuyền ra ngoài biển bắt đầu khoảng 4000 năm TCN, tình cờ đã đi đến Ðài Loan và Nhật Bản đem theo nghề trồng khoai sọ và có lẽ các hoa màu khác.”

“Dân tộc Ðông Nam Á cũng đã di chuyển sang phía tây, đạt tới Madagascar có lẽ vào khoảng 2000 năm TCN. Có lẽ họ đã cống hiến một số cây thuần dưỡng cho nền kinh tế miền Ðông châu Phi.”

“Vào khoảng thời gian ấy có sự tiếp xúc đầu tiên giữa Việt Nam và Ðịa Trung Hải có lẽ qua đường biển. Một số đồ đồng ít thông dụng xác chứng nguồn gốc Ðịa Trung Hải cũng đã tìm thấy ở địa điểm Ðông Sơn.” [19]

Những nghiên cứu trên của các nhà khoa học trung thực mở cho thế giới và chúng ta cách nhìn hoàn toàn mới về tiền sử của dân tộc Việt.

Những địa tầng văn hóa trên đất Việt Nam là liên tục. Chủ nhân của Văn hóa Hòa Bình là hai chủng Australoid và Melanesoid. Tiếp theo Văn hóa Hòa Bình là văn hóa Bắc Sơn mà chủ nhân thuộc về nhóm Indonesien và Melanesoid có tuổi từ 8000 đến 6000 năm TCN. Sau cùng là văn hóa Ðông Sơn kéo dài từ khoảng năm 800 đến 111 TCN. Ðây là thời kỳ phát triển rực rỡ của đồ đồng mà tiêu biểu là linh khí của người Việt: trống đồng. Trống đồng tìm thấy trên địa bàn rộng lớn gồm lục địa Ðông Nam Á, từ Tứ Xuyên cho đến MaLacca. Theo giáo sư Trung Quốc Lân Thuần Thanh thì “Bắt đầu khởi đúc trống đồng là ở Trung Quốc Bách Việt mà Hoa Trung là địa khu từ xa xưa của dân Bách Việt. Trống đồng nhiều nhất ở huyện Hưng Văn tỉnh Tứ Xuyên, còn ở bán đảo Ðông Dương thì trống đồng Lạc Việt ở miền Bắc và miền Trung là có tiếng hơn cả. F. Heger gọi trống đồng Lạc Việt thuộc hạng thứ nhất.” [20] Theo học giả Trung Quốc này thì khởi đúc trống đồng là ở Trung Quốc Bách Việt. Ðiều đó chỉ đúng một nửa: Trống đồng ở Trung Nguyên do người Việt đúc. Nhưng khởi đúc thì phải từ Ðông Sơn. Trống Ðông Sơn có trước trống Hưng Văn mà phẩm chất vượt trội.

Theo hành trình gene và Khảo cổ học, chúng ta đã tìm ra con đường thiên di của tổ tiên:

Khoảng 40.000 năm TCN, tổ tiên người Việt từ Bắc Việt Nam cùng một số sắc dân Ðông Nam Á khác đã lên sống trên lục địa Trung Hoa và tạo thành cư dân Trung Quốc cho đến hôm nay. Ðấy là phát hiện mang tính cách mạng thay đổi hẳn quan niệm cũ: người Việt phát nguyên từ Tây Bắc Trung Quốc thiên di về phía Ðông Nam.

Ðến đây lại nảy sinh vấn đề mới: giải thích ra sao cuộc tranh chấp giữa người Hán và người Việt diễn ra hàng nghìn năm?

Giả định tình huống sau:

  1. Khoảng 40.000 năm TCN, sau thời kỳ băng hà, khí hậu phía Bắc ấm dần lên, một nhóm người Mongoloid sống bằng săn bắt hái lượm từ Ðông Nam Á di cư lên phía Bắc. Theo dấu con mồi, họ đi vào vùng Ba Thục rồi tiến lên phía Tây Bắc Trung Quốc tạo thành tộc người Mông Cổ phương Bắc. Việc tìm thấy xương người hiện đại tại Hoa lục 40.000 năm trước đã minh chứng điều này.

  2. Cùng thời gian trên, nhiều nhóm người từ Ðông Nam Á mà số đông là người Việt sinh ra do hòa huyết giữa người Mongoloid và Australoid thành chủng Indonesien đi lên phía Bắc theo đường ven biển. Phương thức sống của những nhóm người này lúc đầu là săn bắt hái lượm sau đó chuyển dần sang nông nghiệp. Việc thiên di diễn ra chậm chạp nhưng liên tục thành nhiều đợt. Khoảng 30.000 năm trước, người Việt tới Siberia, vượt eo biển Bering và chinh phục châu Mỹ. Bằng chứng là ngoài nguồn gene, họ đã mang theo những con chó con gà được thuần dưỡng từ Hòa Bình. Những quan sát xã hội học ở sắc dân Caduveo sống tại Tây Bắc Canada cho thấy ở họ có nhiều yếu tố giống người Trung Hoa cổ đại như vai trò quan trọng của phụ nữ, hay là việc chú ý đến sự quân bình giữa các nguyên lý khác nhau (Levi-Strauss –Tristes tropicques tr 196. Dẫn theo Kim Ðịnh - Cơ cấu Việt Nho SG 1972 tr. 22), cũng như dân mạn Nam Trung Quốc lại có những nét giống kỳ lạ với một vài sắc dân bên Mỹ (Tristes tropicques tr. 267). Người Trung Hoa cổ đại, dân mạn Nam Trung Quốc là ai nếu không phải người Việt cổ đã mang theo văn minh Việt đến vùng đất mới?

  3. Khoảng 8.000 năm TCN, do Ðại hồng thủy, biển dâng tới tận Việt Trì, có một đợt di cư ồ ạt từ ven biển lên phương Bắc và vùng đất cao phía Tây. Nhiều lớp người đến Trung Hoa tập trung quanh vùng Thái Sơn rồi mở rộng ra tới lưu vực sông Hoàng Hà. Người Việt khai thác vùng đất này theo hướng nông nghiệp tạo nên nền văn minh nông nghiệp phát triển. Do sống trên địa bàn rộng và thời gian dài, nhóm người Việt này đã phân hóa thành nhiều tộc Việt khác nhau, được sử sách gọi là Bách Việt. Khoảng 6000 năm TCN người Bách Việt làm nên văn minh Ngưỡng Thiều và sau đó Long Sơn (Việc tìm thấy xương của người Mongoloid phương Nam tại các di chỉ trên chứng minh điều này.)

  4. Khoảng 2500 năm TCN nhóm người Hán từ Tây Bắc tràn qua sông Hoàng Hà xâm lấn đất của người Việt. Do ưu thế về sức mạnh võ trang của người du mục, người Hán chiến thắng người Việt nông nghiệp và mở rộng vùng phân bố của mình. Thời kỳ này được sử Trung Hoa gọi là Hoàng đế chiến Si Vưu. Trong khoảng 2000 năm trở lại đây, sự bành trướng của người Hán trở nên mãnh liệt nhất, xảy ra ba đợt sóng tràn xuống phía Nam, biến người Hán thành nhóm sắc tộc đông nhất thế giới [21] . Vốn người Mông Cổ phương Bắc khả năng sinh sản thấp (như hiện nay còn thấy). Do hòa huyết với người Việt đã tạo ra người Hán Mongoloid phương Nam có khả năng sinh sản cao, hơn hẳn người Hán phương Bắc. Chính yếu tố này làm tăng nhanh dân số Trung Quốc.

Kết quả của tranh chấp Hán-Việt là phần lớn dân Bách Việt sống ở Trung Quốc bị Hán hóa, duy nhất dân Lạc Việt trở về lại Việt Nam bảo tồn được bản sắc Việt. Tuy nhiên trong quá trình này xảy ra sự hòa huyết với người Hán nên yếu tố Mongoloid vốn có trong máu tăng lên.

Một câu hỏi khác được đặt ra: tổ tiên ta sống trên miền đất ấy như thế nào? Ðể giải câu hỏi này, chúng ta dựa vào nguồn tư liệu khác: thư tịch cổ Trung Hoa.


© 2005 talawas




[1]Ts Nguyễn Thị Thanh: Việt Nam trung tâm nông nghiệp lúa nước và công nghiệp đá xưa nhất thế giới . ViêtCatholic 30.9. 2001.
[2]Vương Ðồng Linh: Trung quốc dân tộc học và Chu Cốc Thành: Trung Quốc thông sử. Dẫn theo Kim Ðịnh: Cơ cấu Việt Nho. Sài Gòn, 1973, tr.244-245.
[3] Kim Ðịnh: Việt lý tố nguyên. An Tiêm. Sài Gòn, 1970. tr. 16.
[4]Sđd, tr. 24.
[5] Nguyễn Ðình Khoa: Nhân chủng học Ðông Nam Á . ÐH &THCN. Hà Nội, 1983, tr. 106.
[6]J. Y. Chu và đồng nghiệp: Genetic Relationship of Population in China. Proc. Natl. Acad. Sci.USA 1998 số 95, tr. 11763-11768.
[7]Bing Su & đồng nghiệp: Y-chromosome Evidence For a Northward Migration of Modern Human into Eastern Asia During the Last Ice Age. American Jurnal of Human Genetics 1999; 65; 1718-1724. Nhiễm sắc thể Y chỉ có ở con đực, bền vững và chứa nhiều thông tin di truyền hơn mtDNA. Qua Y-chromosome có thể truy tìm “dấu vết di cư” của nhóm dân, từ đó ước đoán được tuổi của tổ tiên. Mức độ biến thiên đa hình thái (polymorphic variation) là chỉ tiêu di truyền quan trọng đánh giá độ đa dạng sinh học của nhóm dân: tổ tiên có mức đa dạng sinh học lớn hơn con cháu.( theo Gs Nguyễn Văn Tuấn Tìm về nguồn gốc dân tộc Việt Nam qua di truyền học. Giaodiem.com)
[8]W. Kim & đồng nghiệp: Y-chromosomal DNA Variation in East Asia Populations and its Potential for Inferring the Peopling of Korea. Journal of Human Genetic. 2000. số 45, tr. 76-83.
[9]S.W. Ballinger và đồng nghiệp: Southeast Asian Mitochondrial DNA Analysis Reveals Genetic Continuity of Ancient Mongoloid Migration. Genetic 1992 số 130, tr. 139-45.
[10]Jin Li: Ngày 29.9.1998 Li Jin thông báo một tin chấn động giới khoa học tại Washinton: “Công trình của chúng tôi cho thấy con người hiện đại trước hết đã đến Ðông Nam Á sau đó đi lên Bắc Trung Hoa.” “Từ Trung Ðông men theo bờ Ấn Ðộ Dương, ngang qua Ấn Ðộ đến Ðông Nam Á. Sau đó họ đi lên Bắc Trung Hoa, Siberia và cuối cùng là châu Mỹ.” (“Our work shows that modern humans first came to Southeast Asia and then move late to Northern China.” “...from Middle East, following the Indian Ocean coatline across India to Southeast Asia. Later, they moved northern China, Siberia and eventually the Americas”) Los Angeles Times, 29.9.1998.
[11]Peter Savolainen, Ya ping Zhang... Genetic Evidence for an East Asia Origin of Dometic Dogs. Science Nov 22 2002; Jenifer A. Leonard, Robert K. Wayne ... Ancient DNA Eviden for Old World Origin of New World Dogs. Science Nov 22 2002. (Dẫn theo Nguyễn Văn Tuấn: Năm Mùi nói chuyện dê. Giao Ðiểm Xuân 2003)
[12]Stephen Oppenheimer: Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia- Nxb Phoenix London 1998. Là bác sĩ nhi khoa sống 20 năm trên các đảo ngoài khơi Ðông Nam Á, ông rất yêu vùng này, để công nghiên cứu và có những phát hiện quan trọng về lịch sử, văn hóa, dân tộc học... Công trình của ông được đánh giá cao.
[13]Vũ Hữu San: Vịnh Bắc Việt , tái bản 2004. Tripod.com
[14]Encyclope’dia d’Archeologie.
[15]Nguyễn Thị Thanh bđd.
[16]Nguyễn Thị Thanh bđd.
[17]C. Sawer: Agricultural Origins and Dispersals. New York 1952
[18]W.G Solheim II: Southeast Asia and the WestÐông Nam Á và phương Tây- Science 157
[19]Wilheim G. Solheim H. Ph. D: New Light on Forgotten Past. National Geographic Vol 1339 n 3 tháng 3 năm 1971.
[20]Nguyễn Ðăng Thục: 4000 năm văn hiến. Hoadam.net
[21]Bowen, Hui Li, Daru Lu và đồng nghiệp: Genetic Evidence Supports Demic Diffusion of Han Culture. Nature /vol 431/ 16 September 2004