Tủ sách talawas 4.10.2008
Nguyễn Thị Hoà ng
Cho những mùa xuân phai
(Táºp truyện)
Bọt biển Quần tây bó sát vào cặp đùi dài thuôn lẳn, áo lên đen cổ hình trái tim khoét rộng xuống một phần ngực đầy, tấm khăn lụa buộc mớ tóc ngắn bồng bềnh cũng màu đen chạy một đường viền cong từ chân tóc trước trán đến nét gáy trắng lơ thơ tóc măng dâng lên phía trước nét mũi đều thanh tú và đường môi cong vẽ xuống góc miệng khoé cười câm lặng gọi mời, Ngà đi thoăn thoắt từ bàn này sang bàn khác, những né tránh nhảy nhót vươn đường cong mềm mại của thân hình, những vẫy tay, những nhún chân gợi lên trong mắt nhìn tò mò ngạc nhiên của đám khách ăn đông đảo hình ảnh của một vũ nữ luống tuổi trình bày những khúc điệu cám dỗ nhất một lần cuối cùng trước khi gục xuống suốt đời sau màn sân khấu âm u. Những người khách lạ ngẩn ngơ và kinh ngạc không ngờ giữa nơi xa xôi heo hút nay lại có thể tìm thấy một bà chủ quán tuyệt diệu hơn bà chủ một hộp đêm sang trọng của thành phố, những khách quen thắc mắc vì bất ngờ khám phá ra trong bà chủ quán thầm lặng và lam lũ của những ngày tháng trước, bóng dáng một người đàn bà khác, như vì một lý do nào đột ngột hôm nay bỗng dưng biến đổi cả người đàn bà, quán cháo cá, cuộc đời tẻ nhạt ở góc biển đìu hiu này. Nhưng khung cảnh vẫn không có gì thay đổi. Quán là một nhà sàn nhỏ chia làm hai gian, gian trước đặt năm chiếc bàn gỗ tạp nhỏ bé, mười chiếc ghế băng dài đơn sơ để khách ngồi ăn uống, ngắm biển, và ngăn sau là nhà bếp gồm một lò gạch xây cao để hấp cá, nấu cháo, làm những món ăn bất ngờ thực khách dặn trước cho một bữa tiệc, một cuộc hẹn hò lạ lùng của nhóm người phương xa tình cờ ghé lại, bên cạnh là những bếp nhỏ, bắc bằng chín cục gạch chia làm ba chân, thường thường để đun nước sôi pha trà, hâm những bình rượu do khách sành ăn quen thuộc với quán đem lại khề khà nhấm nháp, và thỉnh thoảng sắc một siêu thuốc bắc cho lão già, chồng bà chủ quán nhưng không phải là ông chủ quán, tất cả cơ đồ đó đều dựng xây bấp bênh trên hai mươi chín cọc gỗ lớn cắm sâu xuống lòng bùn đen, với cơn thủy triều vây phủ từ chiều đến suốt đêm và bãi đất đen sậm, nhão nhẹt, lầy nhầy chơ vơ từ lờ mờ sáng cho đến khi mặt trời ngó xuống đỉnh đầu. Từ khung cửa liếp nhỏ của căn nhà bếp nhìn ra, khách tò mò có thể trông thấy đìa nuôi cá của quán. Đó là một khoảng đầm lầy, diện tích chừng sáu mươi thước vuông, bao bọc bởi một hàng rào bằng nhánh cây tua tủa, những kẽ hở vừa đủ cho nước biển đen ngòm len lỏi ngấm vào mỗi khi thủy triều lên, tắm mát đám cá ăn không bao giờ hết của đám khách đường xa tìm đến. Trước quán, ngay lối đi vào, một căn nhà mái hình lục giác rộng mênh mông, bên trong kê vài ba chiếc ghế gỗ, do chính bà chủ quán tự tay đóng lấy bằng cây đẵn ngoài rừng thưa, trải hai ba hàng chiếu trắng là nơi cho khách sau khi ăn uống, kéo nhau ra nằm nghỉ ngơi trò chuyện, bên trên gió biển phơ phất quạt về, dưới lưng qua những khe ván mỏng, ánh sáng sóng sánh mặt nước xanh rêu, thoảng lên giấc ngủ khách hương vị nồng nàn của gió nắng, nước mặn trùng dương lẫn với mùi tanh dìu dịu của rong rêu, đá ngầm và lũ cá lặng lẽ nhàn du không ngừng nghỉ. Tiếp giáp với nhà mát lục giác là chiếc cầu gỗ chênh vênh dài hơn ba mươi thước, uốn mình thon trên vùng biển cạn, từ quán cháo cá ra đến tận bãi đất khô ven chân núi trẻ lơ thơ cây cỏ ôm sườn đá tím, và bên kia bãi đất khô là một rừng dừa nước mênh mông soi mình xuống bờ biển cạn nước xanh màu túy ngọc tấp nập từng đàn cá ngũ sắc, là nơi khách có thể bơi thuyền, tắm suốt ngày, hay đôi khi những cặp muốn lánh xa mắt nhìn thiên hạ để trên trời dưới đất chỉ còn đôi ta, đem dụng cụ cắm trại suốt ngày suốt đêm, hoặc hàng tháng hàng năm tùy thích. Tuy nhiên, đây là giang sơn riêng biệt của bà chủ quán, từ đìa nuôi cá cho đến rừng dừa bát ngát bên kia, từ bờ đất đen nơi hò hẹn của thủy triều và thời gian cho đến mỏm đất vàng nhô ra bên kia eo biển. Giang sơn đó thuộc về bà chủ quán và ngược lại, bà chủ quán cũng bị giam hãm trong giang san nhà mình. Từ quán cháo cá ra đến con đường quốc lộ xa hơn một cây số theo một lối đi quanh co ven sườn núi đá. Và ngoài kia, trên quãng đường quốc lộ quanh vùng quán cháo cá không một hàng quán nhà cửa láng giềng nào làm nên chút tương quan gần gũi với bà chủ quán. Khách ăn thường là những nhà giàu có, khách du lịch, chạy từ hai mươi cây số đến, từ phía Phan Rang ra hay từ hướng Nha Trang vào, và những cuối tuần, phần đông là khách Sài Gòn, Đà Lạt đến. Đặc điểm của quán cháo cá là thức ăn tươi ngon, và có thể ăn bất cứ một món nào, làm theo cách kiểu nào, miễn là thuộc về cá, gỏi, cháo, cá nướng trui, cá hấp, cá chưng cách thủy, cá chiên ăn với xốt đặc biệt không phải Tây Tàu gì cả, mà do bà chủ quán chế biến ra. Khách mê nhất là cá đút lò và cá quết chả. Món cá đút lò, nổi tiếng không phải vì ngon, lạ, mà công phu nấu nướng, phải mất ròng rã ba ngày mới hoàn thành, và khách phải đặt trước bốn ngày để chủ quán tìm chọn cá, tức là phải chờ một tuần lễ mới được hân hạnh thưởng thức món ăn kỳ diệu, và khách đến tuần này, vì món cá đút lò, phải hẹn hò cùng nhau trở lại vào tuần sau, và những khách đến tuần sau, vì món cá đó, lại hẹn hò nhau đến tuần sau nữa, cứ thế mà quán không bao giờ được một ngày yên nghỉ. Bà chủ quán có lần giải thích, khi khách tò mò hỏi đến, vì sao món cá đút lò phải làm mất ba hôm mới hoàn thành được. Bà chủ nói, mất một ngày để tìm khắp nơi cho được một con cá ngứa vừa cỡ cần thiết, không lớn không nhỏ, để có thể rã ra từng dải mỏng và dài như quai nón, ướp tất cả các đồ gia vị như tai đinh, tai hồi, sả, lá thơm, ớt, tỏi, hành, băng sa, trải cá lên một cái vỉ mỏng bằng tre đan, đặt vỉ vào trên mặt một chậu nước giếng thật mát, có nắp thông hơi đậy bên trên, để một đêm. Ngày thứ hai là ngày làm phần nhân của món cá, bằng cua gạch, tôm hùm quết nhuyễn trộn với táo tàu, hạt sen, vi cá, nấm hương cắt nhỏ, tất cả vo tròn từng viên và được cuốn tròn vào trong một lát cá mỏng ướp đêm qua. Cả miếng cá cuốn nhân được phết bơ và bỏ vào lò nướng. Cá đút là xong được sấy bằng nước sâm chưng đường phèn tán nhỏ suốt một đêm, và qua ngày thứ ba là thời gian cuối cùng để làm nước xốt, nước sốt nấu bằng tôm cua, thịt bò, hành tây cà chua trong nửa ngày, lọc lấy nước, nấu lại lần nữa cho đến khi gần đặc quánh, và đến giờ khách ăn, nước xốt được tưới lên cá đã được nướng lại một lần thứ hai trong lò, và lần này khác với lần trước, lò được tráng một lớp mỏng quế bột. Khách có lần hỏi tại sao thức ăn rắc rối vậy, bà chủ trả lời không phải thức ăn mà người nấu rắc rối, và nếu không rắc rối thì không thể nào ngon. Vậy mà, tất cả các thức ăn trong quán, bất cứ món gì và nấu nướng theo cách nào đều được tính với giá rẻ ngoài sức tưởng tượng của khách. Cứ hai món là một trăm đồng chẵn. Và mỗi món, nếu là cháo thì một tô lớn vừa cho ba người ăn, và món cá thì một đĩa lớn đầy ăm ắp. Thành thử ba người có thể vào quán, no nê với một trăm bạc mang theo. Tuy nhiên, nếu chỉ mang theo một trăm bạc, thì chỉ no nê thôi, chưa chắc đã được trở về, hoặc không thể trở về với đầy đủ những đồ đạc xe cộ khi mang theo. Bởi vì kèm theo giá tiền món ăn quá rẻ là tiền trả cho bà chủ về các khoản đặc biệt khác, như ngồi trong nhà lục giác hóng mát, mỗi giờ một trăm đồng cho mỗi người, nếu hai người thì giá gấp đôi cho mỗi người, nghĩa là hai người thì mỗi giờ bốn trăm, và nếu hai người đó không phải là bạn bè, không phải cùng đàn ông hay cùng đàn bà, hoặc đi cặp với nhau thì giá tăng lên không phải gấp đôi mà gấp bốn. Tắm hay cắm trại ngoài bãi cũng chịu trả giá theo như phương pháp tương tự, nhưng đắt gấp đôi và mỗi một giờ kéo dài, giá cao hơn lên mãi. Bà chủ không kiểm soát, khủng bố bằng trí óc hay hành động, mà chỉ nhờ những cái liếc mắt, những khoé cười bí ẩn, những câu nói mát mẻ có hiệu lực nhắc nhở túi tiền khách gấp mấy lần một cái bông giấy kê chi tiết các khoản chi phí của mỗi người khách. Khách chỉ thường thấy bà chủ quán thấp thoáng sau bếp, vào gian trước rồi lại biến mất ngay đàng sau, không tươi cười, không mời đón, bao giờ cũng lặng lẽ và kín đáo, tất cả các công việc của một nhà hàng đều giao phó cho một con bé mười sáu tuổi, lai Tây đem từ trại mồ côi về. Mà bây giờ bà chủ quán đó, hai con mắt long lanh tươi cười, hai má đỏ hồng căng đầy, lúm xuống gần khoé môi nụ cười rỡ ràng, không ngớt nói cười, mời mọc từng bàn từng người khách. Khi tất cả mọi người đã có đầy đủ trong bàn mình món cá đút lò đặc biệt của quán, Ngà thong thả đi ra khỏi đông đảo, đến tựa mình vào lan can khoanh tay nhìn ra cửa biển. Nắng trưa dát vàng mênh mông trên mặt biển xa xanh, ngời lên những dợn sóng bạc ánh. Ngoài xa tít, mấy vết buồm con như bướm trắng, bất động trên đường thẳng chân trời tiếp nối mặt biển, chấm lên nền mây óng ánh những vẩy trắng đậm. Dưới chân Ngà, những tia mặt trời khúc xạ xuyên qua màu nước trong veo như những mũi dao vàng gay chới với đâm xuống bầy cá đỏ tung tăng qua những tầng rong xanh. Và Ngà chợt nghĩ mình không được bằng là con cá, là mảng rong, là một tảng đá ngầm ung dung dưới nước. Màn kịch đến đây là tận cùng, là hạ xuống. Con cá cuối cùng trong đĩa đã vớt lên, đã quằn quại trong tấm thớt từ buổi sáng. Lão già sắp sửa về, và sắp sửa thổi vào đời sống nàng một cơn lốc cuối cùng, thật sự và dứt khoát là cuối cùng. Tôi đã thử, bằng đủ cách, để biết thật con người tôi bây giờ có còn là gì không, có còn chút nhân tính nào không, có còn chất đàn bà nào không, dù là hư đốn, là xấu xa, là phản trắc, là bất cứ gì. Tôi đã thử bằng cách cuối cùng là uống hết ly rượu cay nồng nàn và ngồi đối diện với gã đàn ông quen thường đến quán đăm đăm nhìn tôi. Tôi ngồi đối diện và nhìn hắn. Nhưng thật hết. Như một xác chết không còn chút nhân diện nào, tôi không còn cảm thấy gì hết, dù cố gắng đẩy mình vào một hoàn cảnh và cảm tưởng tội lỗi. Tôi có còn cảm thấy gì nữa đâu mà tội lỗi với không tội lỗi. Đến thế sao? Đối với tôi con người cũng bằng chiếc ghế gỗ cũng bằng tảng đá, người đàn ông đối diện cũng chỉ là mặt biển là núi non là rừng dừa là đìa cá hay có thể còn tệ hơn tất cả những thứ bao bọc quanh tôi, những thứ dù vô tri vẫn còn gây trong thâm tâm tôi những mối cảm hoài thân phận, còn vò xé lòng tôi những bất mãn sâu xa. Tôi đã gọi tôi, âm thầm nhưng khô hơi ráo cổ, một năm hai ba bốn năm năm tôi đi vắng bặt không về. Và bãi biển cong, và hàng dừa nước, và khoảng trời xanh cao mênh mông ôm lòng biển biếc, tất cả là nấm mồ thênh thang chôn vùi thân xác vô hồn. Chẳng có gì để lãng khuây. Chẳng có gì để say đắm. Chẳng có gì để trở lại hình hài tâm hồn cũ. Và cũng chẳng có gì để thay đổi một lần, cứ thế. Như nước thủy triều trút xuống dâng lên tiết điệu muôn đời câm lặng. Cho đến một phút giây bỗng nghe trong đáy óc tê mê năm tháng đắm chìm nổi lên một tiếng gọi mịt mù xa tít chân mây. Tiếng gọi ma quái không biết từ đâu đến, tan biến về nơi nào. Chỉ vẳng lên rồi tắt, như một dấu hiệu. Có lẽ bắt đầu từ khi nhận ra lão già chỉ là một kẻ lừa dối. Có lẽ từ khi biết những con cá ở trong đầm chỉ là những cá đến từ biển khơi, những con cá bị trục xuất ra khỏi miền thân yêu những ngày biển động. Tại sao lão già có thể dối trá như thế, và trong nhiều năm nay, tại sao mình không biết, không biết và cũng không mảy may nghi ngờ, và chỉ tin tưởng một cách dại khờ là thật sự lão không bắt được một con cá nào, lão không làm nên tích sự gì và tất cả công trình gầy dựng đời sống quán này trong bao nhiêu năm nay là chỉ do một mình mình, là mồ hôi nước mắt, là niềm tủi nhục, là nỗi hy sinh cuối cùng của đời mình. Vậy ra không phải lão ta mà chính mình là kẻ vô tích sự. Một kẻ vô tích sự huênh hoang và rởm đời bằng lắm lối kiêu hãnh ngu ngốc và trơ trẽn. Vậy ra quãng thời gian ta cắt đi trong một đời người quý giá dành cho một công trình nào đó, đã tưởng là hy sinh, đã tưởng là gầy dựng, đã tưởng là chắt chiu chút giá trị nghĩa lý cho thời gian, thật ra là vô nghĩa, vô ích và trống trơn. Những con cá đã từ biển vào. Không phải là cá mua từ chợ về bằng tiền của Ngà. Không một cái gì là do chính tôi làm ra cả. Mà ngấm ngầm bằng những công lao, trợ lực của kẻ khác, của kẻ mà tôi đã khinh thường, đã coi rẻ, đã hiểu lầm. Nhưng vậy chỉ làm tôi xa anh thêm thôi, lão già, và tôi càng mau đi trốn cuộc đời đó thôi. Gió bỗng lộng lên từng cơn từ rừng dừa nước, thổi dạt bờ lau trắng xoá bên kia lối về quốc lộ. Trời thấp xuống nhợt nhạt như khuôn mặt đang tươi cười bỗng dưng nhuốm bệnh. Mặt biển bạc màu xao động gợn lên những dải sóng trắng ào ạt chạy vào bờ. Tiếng bàn ghế sau lưng Ngà lạch cạch xê dịch. Khách ăn buông đũa ra lan can nhìn trời. Biển lại động, Ngà nói không quay lại. Thế này là phải thu xếp về cho sớm, mấy người khách lao xao. Vâng, thu xếp về cho sớm, cho nhanh, xéo tất cả đi, những khuôn mặt người, những đời sống quen, những dấu vết cũ, cho mất hút tầm mắt tôi đã mỏi mệt lắm rồi. Cho mau đi, và trả lại tôi buổi chiều heo hút bây giờ sắp sửa bủa vây, Ngà nghĩ và thong thả đi vào quầy tiền, ngồi xuống chiếc ghế cao, uể oải với tay tìm ly rượu đỏ còn một nửa từ buổi sáng và nốc hết. Khách ùa đến tính tiền. Ngà đặt cái ly không xuống xua tay nói trổng, thôi, xin đãi tất cả, hôm nay quán tôi có việc vui mừng không tính tiền, để dành cho những lần sau. Khách nhìn nhau cùng dò hỏi, thắc mắc. Miệng Ngà cười dưới hai con mắt sâu hút ưu phiền, tôi nói thật đấy, hôm nay không thâu một đồng nào cả, các bà các ông cứ tự nhiên và về cho sớm, biển động rồi và không chừng buổi chiều cơn bão sẽ kéo tới. Ở đây bão thường đến bất ngờ như vậy. Một vài người bỏ đi, băn khoăn. Một vài người đứng nấn ná hỏi thăm bà chủ quán. Ngà cười hăng hắc, dạ tôi vẫn như thường ấy, có làm sao đâu, cám ơn, tôi không sao đâu mà, lão già ấy à, lão cũng sắp về tới, lão mê biển động, vì sao ư, tôi không biết nữa, tính lão ấy kỳ quặc như vậy, sao, tuần tới có cá đút lò hay không, chắc chắn là không, tôi đâm lười và hết thích làm những trò công phu tỉ mỉ đó rồi, dạ, có gì đâu mà độc đáo, cũng chỉ là cá thôi, tôi không làm thì thất truyền à, dạ, ông nói như món cá đút lò là một món võ nghệ nào đó, a ha, ông nói đùa nghe thật lạ, cá đút là của tôi là một chưởng lợi hại phóng chết bao tử ông… Tiếng cười của Ngà ném xuống thinh không bây giờ xa hút tiếng xe người bỏ đi. Chỉ còn tiếng sóng tấp bờ bãi hoang và tiếng gió bên kia rừng rào rào đáp lại. Ngà nhìn qua những bàn ghế lổng chổng, những chén bát ngổn ngang, những cột nhà bây giờ trong mắt mình xiêu vẹo trống lốc, và Ngà lừ đừ đứng dậy. Từ khung cửa nhỏ, Ngà nhìn thấy lão già, không biết về từ lối nào và bây giờ đang lúi húi nghiêng cái giỏ lớn thả cá vào trong đìa, những con cá trắng bạc, mập tròn bụng mỡ quãy mạnh đuôi chìm lỉm trong màu nước đen quen thuộc. Lão ném cái giỏ không xuống đất, hai tay chống sườn khoan khoái nhìn vào đìa cá. Bỗng mặt lão lạnh đi, sững sờ một lúc lặng yên, rồi đùng đùng như người điên, lão chạy đâm sầm vào cửa lều, hai mắt sáng quắc láo liêng tìm kiếm. Và lão nhìn thấy Ngà, tóc rối bời trong gió, mặt đỏ bừng nhễ nhại mồ hôi, hai tay băng băng lùa tất cả chén bát trên bàn ăn xuống đất, mảnh vỡ tung toé, thức ăn vung vãi, bàn ghế xô lệch lổng chổng trên lối đi, và cuối cùng, người đàn bà đấm tay ầm ầm xuống mặt bàn. Lão già chụp lấy cánh tay Ngà vặn xéo về đằng sau. "Bao nhiêu cá trong hồ đâu hết?" "Đãi khách ăn không lấy tiền". "Mà lại nổi cơn rồi phải không?" "Thì nổi cơn, đã sao?" Lão già tát bốp vào má vợ. "Mày muốn làm trò gì tao?" "Không gì cả. Muốn ông thả cá bao lâu nay ra biển". "Tao có câu được con nào đâu?" Ngà gân mặt, quắc mắt: "Đến nước này ông còn dối tôi, ông đi đánh cá bỏ lén vào đầm và lấy tiền tôi đưa, đáng lẽ là mua cá nấu cho khách, dành dụm mua đất vùng khác cho tôi, ma quỷ nào xúi ông làm như vậy?" "Mình biết rồi à?" Ngà ngồi sà xuống đất: "Ông lừa gạt tôi đủ cách, để tôi tưởng lầm ông, khinh bỉ ông, bằng lòng mình, nghĩ là tôi gầy dựng ra tất cả trong khi ông không bao giờ bắt được một con cá. Như vậy là tan nát hết, vô nghĩa hết, tôi đã trải qua đời sống giả với ông, mình đã lừa lọc nhau". "Mình hiểu rồi thì ta có thể bỏ đây về đất mới". "Tôi sống ở đất tôi và chết ở đất tôi". Cơn bão đã vội vàng kéo đến, vội vàng qua đi. Bây giờ dưới chân cầu nước dâng lên cuốn theo những rong rêu bồng bềnh, những mảnh củi mục từ bãi thấp đến đầm sau dung dăng ra chơi miền biển lớn, cá đã ngủ im dưới đáy nước buồn rầu mất ánh sáng, và trời cao như một chiếc vung sắt tròn khổng lồ úp chụp xuống vùng quán chênh vênh, nén xuống tâm hồn thể xác bải hoải ngán ngao của Ngà cảm giác ngột ngạt tận cùng là thôi từ phút giây này không còn gì nữa, không còn một lối thoát, một cuộc đời đổi thay nào có thể cứu vớt chắp nối lại được những mảnh vỡ tan hoang trong lòng mình. Sau lưng nàng, trong một khoảng cách vô tận, ở thềm hoang vung vãi những mảnh vỡ của chén bát và đồ đạc, lão già hai tay khoanh gối, gục đầu xuống nhìn ngón chân mình ngơ ngác quệt từng đường ngoằn ngoèo vô nghĩa xuống mặt đất ẩm ướt. Lão nhìn ra đầu cầu gỗ, áo quần, tóc tai, tất cả người đàn bà vẽ lên nền trời chiều xám một nét đìu hiu thù oán muôn đời của thân phận, lão muốn nói một cái gì, lão muốn làm một cái gì để gỡ chuộc lại, để thay đổi đi. Nhưng lão không thể làm, như không thể tìm lại những con cá đã bắt từ biển khơi bỏ lén vào đầm, đã làm thịt bán, và bỏ trở về biển khơi, để nói với Ngà là thật lão suốt đời chưa đánh được một mẻ cá nào, chưa câu một con cá nào, và lão vô dụng tàn phế hoàn toàn như Ngà vẫn tưởng. Lão đã tưởng chỉ có mình kỳ dị. Nhưng kẻ khác cũng kỳ dị, kẻ khác đó là Ngà, người đàn bà gần gũi bao nhiêu năm mà đến bây giờ lão chợt nhận ra là không hiểu nàng một mảy may nào cả. Lão không hiểu nàng bằng một con cá dưới đáy biển sâu. Như vậy là mọi sự đã vuột mất hết. Ngôi nhà miền xa một ngày nào đó được dựng lên đưa Ngà về, bỏ lều quán này bỏ biển trời hiu hắt này cũng tan hoang trong dự định lão. Ngà ngồi bệt xuống đất, hai chân buông thõng lửng lơ xuống khoảng giữa ván cầu và mặt nước, đất trời bốn phía đục ngầu kín đặc những màn lờ mờ thoáng thấy trong hai mắt nhắm nghiền quắt quay khoảng sân vuông nắng vàng những buổi sáng Chủ nhật ở nhà chồng, những cô em, những bạn bè bà con liên hệ xa gần tíu tít. Những ngày Vĩnh, người chồng cũ đã chết, những ngày trống lốc trở về căn phòng tẻ nhạt chiếu chăn, những nỗi xót xa ngấm ngầm kéo dài cho đến ngày bỗng vỡ oà trong lòng người đàn bà trẻ thứ ánh sáng chơi vơi của biển rộng trời dài. Và Ngà đã bỏ đi, hai tay không buông xuôi xuống ngõ đời vực thẳm. Tại sao đến đây. Tại sao cùng cắt đứt quãng đời chính mình tìm kiếm thấy và bắt đầu lại để đến đây. Để lại hai tay không làm nên một cái gì, và cái gì đó thật ra, không phải do chính mình làm như đã nghĩ. Lão già đã thắng. Tôi muốn khinh bỉ lão, và coi như kẻ tàn phế, đồ vô dụng, để có ảo tưởng là mình không chỉ là những kẻ phung phá, hư đốn mà có thể bằng hai tay không, tạo dựng biển trời. Lão đã đành hanh giành làm lấy phần tôi. Nếu biết lão có thể mang cá từ biển khơi về, như mọi người bình thường, tôi đã không bao giờ dừng lại ở góc trời khô khan này với lão. Vậy mà tôi đã làm một cuộc thí nghiệm vô ích, thối tha, chán ngắt. Lão tưởng như vậy là bắt đầu sao. Như vậy là hết. Lão đã đi sai một nước cờ, đi sai suốt con đường dài đời sống. Tôi đã phí phạm nhiều năm, bao nhiêu năm không nhớ. Và hỏng luôn cả đời sống. Không ai trụt xuống vững vàng con đường dốc mới trèo lên để kịp ngăn giữ đừng sang bên kia, lao xuống. Ngà chống tay dậy, thất thểu đi vào quán. Gió chiều quạt lạnh mặt nước dưới chân cầu. Vòm cửa lều tối tăm thu hẹp như con mắt buồn rầu nhìn trời nín câm. Ngà đi qua, đi lại, quanh quẩn trong những vùng tối tăm của căn nhà. Muỗi lao xao châm lên từng mũi nhọn trên da Ngà lạnh ngắt. Bỗng thèm được một mình, một mình hoàn toàn không một sinh vật nào nhìn thấy. Lão già ngồi đó, như một tên cai ngục nhân từ. Và thèm hát lên, thật lớn, những tiếng hát tắt chìm bao giờ trong đau nín buồn câm. Sống có phải là một lần sa sẩy rớt rơi vào nhịp đi ngao ngán của ngày tháng không. Thử thắp lên ngọn nến để hỏi bóng mình. Ngà bật diêm, đốt nến, cắm lên mặt bàn gỗ, ngồi xuống. Giữa chúng tôi, tôi và lão già, là một chiến tranh ngấm ngầm khốc liệt, một cuộc tàn sát thầm kín đẫm máu, và nước mắt. Ở bãi chiến trường câm lặng, bên địch ngạc nhiên tiến tới, ngang nhiên thối lui thoả mãn với đắc thắng dễ dàng của mình, và bên này, tình cảm đã tử thương, ảo mộng tan tành, những gắng gượng cuối cùng trở nên vô ích. Mặt trận hoàn toàn đỗ vỡ, và tôi thể xác tâm hồn đời sống là một kẻ tù binh tàn phế. Kẻ tù binh tàn phế đếm thời gian còn lại bằng những bữa ăn chưa bao giờ biết ngon, bằng những đêm dài chưa bao giờ yên vui giấc ngủ, bằng những ngày mù tối lặng câm không ánh mặt trời những đêm bít bùng lạnh lẽo không trăng sao. Bằng nỗi cô đơn mênh mông cảm thấy mỗi lúc đối diện với kẻ đồng hành bây giờ xa lạ dửng dưng bên cạnh. Ngà nhìn cây nến chảy. Ngọn lửa vàng lúc dài lúc ngắn vẫy lên một ngón tay đêm đưa tiễn dịu dàng mặt trời đã chết cuối hoàng hôn. Tại sao cây nến sáng vàng mềm dịu như vậy, sự cháy sáng dịu dàng, liên tục nhưng vô cùng mong manh. Ít ra đời sống tôi cũng được bằng một phần ánh nến đó. Mà không. Không bao giờ. Không một le lói nào hy vọng, một thấp thoáng nào vui tươi. Tôi đã lao mình xuống một dòng nước trong xanh mênh mông sau những mùa hè đi qua sa mạc đời mình cháy khô nóng bỏng, quên không dò dẫm những mỏm đá ngầm dưới đáy sâu cám dỗ. Những mỏm đá ngầm mọc thêm nanh vuốt mỗi lúc một dày mỗi lúc một nhiều, mỗi lúc một nhọn vắt sau những năm tháng gần gũi. Tôi biết và muốn xác nhận rõ ràng để đừng còn hão huyền hy vọng vào một đổi thay ngẫu nhiên nào nữa tình trạng giữa hai chúng tôi, rằng đời tôi đã vẽ tô như một bản đồ sông hồ, núi non, đồng bằng và châu thổ. Rằng tôi đã biết thế nào là thời con gái, thế nào là hạnh phúc của một người lớn lên nếm vị đời mọng ngọt đầu tiên trong hôn nhân, và bây giờ không biết thế nào là đời sống, đời sống bình thường và tầm thường thôi, không sá gì hạnh phúc của một đàn bà. Vậy tôi là gì, tôi là thế nào trong tương quan hờ hững với đời sống, với gia đình có nghĩa là một nơi dung chứa hai người tìm đến với nhau để bất cảm thông và làm đau khổ nhau thôi. Tôi hết lời nên không đủ trơ trẻn để gọi lên lần thứ mấy trăm nghìn hai tiếng khổ đau. Bởi cảm thấy mình còn tệ hơn con người nên không thể dùng một tĩnh từ để chỉ định tình trạng con người. Cũng chẳng muốn nói gì với biển vây quanh, với trời cúi xuống, bởi bao nhiêu năm rồi tôi là kẻ nín câm trước tủi khổ. Mày cứ chửi rủa đi, cứ dùng bất cứ ngôn ngữ nào ném vào mặt mày đời sống tao đi, mày chẳng có tao đâu, tao cũng chẳng có lời đáp lại. Có gì mà tra hỏi. Có gì mà kinh ngạc. Có gì mà khen chê. Chỉ là tiếng chó tru. Tao tru lên như chó nỗi thống khổ muôn đời của đàn bà đây. Không ai biết nghe và hiểu tiếng chó tru đâu. Chó tru bởi rừng đời quá tịch mịch và lòng đời quá đìu hiu. Bởi gai nhọn đã mọc đầy trong tim và lửa khói đã ngút trời trong óc. Tao chẳng còn danh từ tĩnh từ động từ để chỉ định về tao. Thôi tôi chẳng biết nói gì nói sao, này biển sao không gào thét nữa như buổi chiều, mà im lìm thần phục dưới chân trời hoang vu lặng ngắt. Sao vô cùng thê lương trong không gian, vô cùng tịch mịch giữa thời gian, và tuổi tôi bây giờ, mấy mươi năm đã nghìn thu hiu hắt. Trời đã vào đêm hay trời oà ánh sáng. Tôi biết nên khóc hay nên cười. Bên ngoài gió hay bên ngoài mưa. Tôi không còn cảm thấy không còn nhìn thấy không còn nghe thấy gì nữa hết. Cái gì vò xé trong gan, lùng bùng trong trí, làm nóng bỏng, nổi điên. Và bắt tôi moi họng móc hầu cho mửa máu. Có nỗi căm hờn nào không. Có nỗi ưu phiền nào không. Có điều gì mịt mờ uất ức không vén màn cho trí cho tim cho đời nhìn thấy đó không. Sao tôi bỗng dưng chìm lỉm. Đáy nước đâm đầu tìm xuống bây giờ mỗi lúc một sâu, và từ đây nếu còn ở lại, tôi sống với gai, tôi sống bằng gai trên mỏm đá ngầm. Ngà hút một điếu thuốc, hai điếu thuốc, ba điếu thuốc, chỉ để thấy quay quắt hơn thôi, lòng rã rời như những mẩu tàn xám đen rụng xuống. Tôi uống thuốc tim sau ba điếu thuốc. Một giọt hai giọt ba giọt ba mươi giọt. Một nghìn muôn giọt cũng thế này, cũng vẫn thế này thôi. Ung thư đã lở lói trong đời sống, phong cùi đã bắt đầu triệu chứng trong tình yêu trong tình ghét trong tình oán cừu trong tuyệt vọng trong não nề con mắt tha ma. Ơi ngọn đèn. Sao ngọn đèn bỗng dưng sáng thế này. Tôi mịt mù không nhìn thấy gì nữa hết. Tôi đã ở ngoài tôi ngơ ngác đi tìm đời mình bỏ rơi quãng nào dưới dòng nước xanh chảy xiết. Đây là đâu. Hình như đã tới bờ. Từ lênh đênh tôi mòn mỏi đợi bờ. Và tới bờ tôi xót xa thèm một giọt nước mắt cô đơn. Ơi giọt cô đơn đã chín muồi rơi rụng cho hai mắt suốt đời từ đây trống không ráo hoảnh. Gió còn thổi mãi ngoài khung cửa. Ngoài kia là hư vô cô đơn thênh thang. Cô đơn trang trải mênh mông chan hoà mát rượi ở ngoài đời tôi câm nít bít bùng. Nhớ một giọt cà-phê ở ngoài mùa hạ cũ nào không tuổi. Nhớ một con đường dốc nắng mướt lá xuân xanh. Nhớ một vùng mù sương trắng xoá mong chờ. Nhớ hai con mắt tôi mở lớn xuống đời sững sờ đón tiếp. Nhớ những bước hoa hồng gửi dấu thời gian. Nhớ vô hình vô sắc vô danh cõi thinh không tôi cô đơn vây bủa bốn mùa tuổi thắm. Bây giờ mình đi xa tít. Bây giờ tôi chạy trốn giữa lòng biển khơi. Tiếng chó đã tru khắp xương da lạnh lẽo rồi mình. Mình không có tôi đâu, mãi mãi không bao giờ mình nắm giữ được tôi đâu. Hãy ở lại với những con cá, những con cá mang từ biển khơi về nhốt trong đầm. Tôi chẳng phải là con cá. Hãy đừng thả hèm thả cám cho tôi ăn. Tôi đã lầm lẫn ngu ngốc nhiều năm. Đã gầy dựng và ở lại đời sống này bởi tưởng là mình suốt đời không bắt được con cá nào hết, mọi điều chỉ từ tôi, chỉ do tôi. Mà mình đã bắt cá lén bỏ vào đầm, đã lấy tiền đi mua cá dành dụm bao nhiêu năm mua đất đồn điền cho tôi, lão già ngu ngốc vô chừng. Vậy ra tất cả vùng đất đai này, tất cả công trình gầy dựng này chẳng phải do tôi, mà chính mình. Vậy mà ta đã dày vò nhau, đã hành hạ tâm hồn đời sống nhau. Mỗi chúng ta đều kiêu hãnh ngu ngốc với những dự trù thầm kín. Mình đã quá giống nhau nên đành phải mất nhau. Thôi tôi đi đây, mình chẳng bao giờ thả cá về với biển thì tôi thả tôi về với biển. Ánh chớp đầu đêm loé sáng chân mây dài. Ngà chạy lên cầu gỗ, xuống bãi cát, với tiếng chó sói tru nổi gai ốc khắp người, với âm thanh nào xa vút ngân nga ngoài cõi lạ. Sóng tấp bờ lớp lớp mênh mang. Ngà khoan thai bước vào dải nước đen nghe tiếng bọt sóng tan lao xao xa mãi trên bờ.
Nguồn: Cho những mùa xuân phai, táºp truyện Nguyá»…n Thị Hoà ng, bìa Nguyá»…n Trung, nguyệt san Văn Uyển xuất bản lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của Văn Uyển, xong ngà y 28 tháng 5 năm 1968. Ngoà i ấn bản thÆ°á»ng, có in riêng 50 cuốn trên giấy trắng mịn, dà nh riêng cho tác giả và nhà xuất bản. Bản Ä‘iện tá» do talawas thá»±c hiện.
|