trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
1.5.2008
Mai Thảo
Con đường trở thành và tiến tới của nghệ thuật hôm nay
 
Những dòng chứ dưới đây trình bày những nhận định chủ quan của tôi về một vài khuynh hướng nghệ thuật mới ở Việt Nam, tôi sẽ nhận định như những khuynh hướng tất yếu được cấu thành từ một quá trình vận dụng biện chứng này hiện đang bị một số người nhân danh nghệ thuật, nhân danh đạo đức, nhân danh luân lý đả kích dữ dội – một bài đối thoại, tranh luận, bút chiến. Tôi không sợ tranh luận, ngại đối thoại, tránh bút chiến. Nhưng trước những khuynh hướng nghệ thuật mới, phía những quan điểm, lập trường đối lập chúng, những loạt bài đả kích không hề bám tới được cái mức tối thiểu một bài tranh luận, đối thoại, bút chiến thực sự. Nghĩa là khởi diễn trên một bình diện nghệ thuật, một thái độ nghệ thuật thực sự, nhằm sáng tỏ thực sự một vấn đề, một thực trạng nghệ thuật, để tôi thấy là cần thiết phải lên tiếng, phải trả lời.

Đối thoại, tranh luận, bút chiến? Không. Chỉ là xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ, khủng bố, mục đích không ngoài dụng âm khuynh đảo, làm hoang mang tinh thần người đọc, phỉ báng cá nhân.

Những khuynh hướng mới, tổng hợp thành trào lưu tư tưởng nghệ thuật mới, trào lưu đó đang hình thành rực rỡ, đã bảo đảm gây những tác động mãnh liệt sâu rộng trong tâm hồn người sáng tác trong đời sống xã hội, khả năng xây dựng và hủy phá của nó đang tạo thành một đổi mới, một đảo lộn chưa từng thấy trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam, những khuynh hướng đó có thực là những trạng thái tiêu biểu cho một thứ nghệ thuật vô luân, sa đoạ, phản luân lý đạo đức, vong bản, ngoại lai, phản loạn, như bọn bảo thủ phản tiến hoá ở đây đang điên cuồng gào thét, đòi tố cáo trước chính quyền, đòi trừng phạt, đòi đền tội trước tiền nhân hay không? Những khuynh hướng đó có thực là hiện thân của một lớp người vô trách nhiệm, vong bản, lập dị, của những tâm hồn điên loạn, những kẻ vọng ngoại, “hiện sinh” bắt chước vô ý thức một trào lưu nghệ thuật suy đồi Tây phương hay không? Người ta có thể nhân danh một nhà luân lý của một thứ luân lý nào đó, nhân danh đạo đức của một thứ đạo đức nào đó, nhân danh nghệ thuật (cũng được) của một thứ nghệ thuật nào đó để trả lời có. Và để đi xa hơn, lên án, đòi tố cáo, đòi trừng phạt những khuynh hướng đó như những sản phẩm tinh thần độc hại, những chủ trương, những khuynh hướng đó như những tội phạm chính trị nguy hiểm cho xã hội và chính quyền.

Vậy mà sự giả định đó, người ta đã dám làm. Đối với những người làm nghệ thuật ý thức, đối với lớp quần chúng yêu nghệ thuật ý thức, tôi không ngần ngại dùng danh từ ý thức để phân biệt (bởi vì, như phía người làm nghệ thuật, phía quần chúng yêu thích nghệ thuật cũng có những phần tử mê muội vô ý thức) những bài phê bình nghệ thuật đưa tới luận điệu tố cáo đòi trừng phạt trước chính quyền, tự chúng đã tố cáo đã nói nhiều về tâm địa tốt đẹp, về cái đạo đức nghệ thuật chói lòa của những tác giả chúng. Rồi còn cái danh từ phản loạn được nêu ra trong một liên tưởng trùng hợp hiểm độc và hèn hạ đầy ý nghĩa với biến cố 11 tháng 11 vừa qua! Nhà thơ Cung Trầm Tưởng một hôm có nói với tôi đến một phong trào McCarthyism trong nghệ thuật: Cái chủ trương gieo rắc sự nghi kỵ, khơi đào cái hố chia rẽ sâu thẳm giữa chính quyền và những người làm nghệ thuật có thiện chí xây dựng, có tinh thần tiến bộ. Trả lời anh, tôi nhớ đã nói rằng chúng ta hiện đang sống dưới một chế độ dân chủ, sự hiện hữu của chúng ta ở đây sau Hiệp định Genève đã cụ thể hoá một lựa chọn dũng cảm, sự lựa chọn sống, xây dựng, bảo vệ, làm nghệ thuật trong một phần đất một chế độ dân chủ. Một chế độ dân chủ, không thể là một chế độ độc tài, phát-xít kiểu cộng sản, kiểu Quốc xã Đức. Bởi vậy giả thử, những người làm nghệ thuật bị gọi là phá hoại, phản loạn ở đây – tôi nói giả thử – có phải bận tâm đôi chút trước những gào thét đòi tố cáo và trừng phạt trước chính quyền, tôi tưởng họ chỉ cần nghĩ đến một vài nguyên tắc dân chủ tối thiểu, một vài quyền hạn tự do tối thiểu, một chính quyền dân chủ tối thiểu, để mỉm cười. Mặt khác phía dư luận quần chúng, những luận điệu tố cáo kiểu đảng, kiểu công an văn nghệ đó, tự chúng đã lột trần một tâm địa, một mặt nạ. Con đường chúng ta đi, chế độ chúng ta sống, không khí chúng ta thở, phần đất chúng ta đứng chỉ làm bật rõ, sâu đậm tính chất ô nhục những kiểu tố cáo chính trị sặc mùi chỉ điểm lính kín đó mà thôi. Một mặt, chúng chẳng những không làm lợi ích gì cho nghệ thuật, chúng còn là những vũ khí phản phúc. Chúng không xây dựng chế độ, chúng bôi nhọ chế độ. Chúng nói chúng đứng về phía chính quyền, bảo vệ chế độ kỳ thực chúng làm giảm uy tín, phá hoại chế độ. Một sự thực: nếu âm mưu của những kẻ học đòi làm một thứ Hoài Thanh, Tố Hữu kia thành tựu (mấy tên trùm văn nghệ miền Bắc đó từng đòi xích tay văn nghệ) những lực lượng nghệ thuật tiến bộ ở đây đã phải im tiếng, diễn đàn văn học nghệ thuật này đã phải đình chỉ, và tôi đã chẳng còn có cơ hội được phát biểu trên mặt báo Sáng Tạo những ý kiến này. Từ trước đến nay, trước những luận điệu xuyên tạc khủng bố nói trên, những người làm nghệ thuật mới ở đây đã phản ứng lại bằng một thái độ im lặng, khiến nhiều khi tôi đã nghĩ khôi hài rằng: nếu họ cũng tố cáo trở lại rằng chính những quan điểm luân lý đạo đức lỗi thời, chính cái thứ nghệ thuật ấu trĩ, lạc hậu mới phá hoại nghệ thuật, những kẻ chủ trương chúng mới đích thực là những phần tử phản động làm điếm nhục đến cả đời sống hiện tại, đến cả lịch sử quá khứ (và chúng ta chẳng thiếu bằng chứng rút ra ở cái thứ nghệ thuật xác chết, cái thứ nghệ thuật phản tiến hoá đó) thì cái không khí nghệ thuật ở đây sẽ ra sao? Nhưng về một thái độ liều lĩnh bất cố liêm sỉ, những người làm nghệ thuật có ý thức, biết tự trọng đã nhận định rằng họ không thể nào sử dụng nổi. Nó là độc quyền nghệ thuật (!) ở đây của một số người tự nhận là tiếng nói luân lý đạo đức. Và chúng ta, chúng ta đã im lặng.

Trình bày một vài nhận định chủ quan về những khuynh hướng nghệ thuật mới ở đây, chủ tâm tôi không phải là chấm dứt thái độ im lặng đó. Tuy thú thực, tôi đã phẫn nộ trước những luận điệu xuyên tạc, khủng bố, những luận điệu vu oan giá hoạ đó. Ai mà không phẫn nộ? Nhưng nhìn vào sâu thẳm và đáy cùng hiện tượng, xét trên bình diện nghệ thuật, căn cứ theo một quá trình tiến hoá biện chứng của nghệ thuật ở Việt Nam hôm nay, những phản ứng kia, chúng ta đã khoan dung nhìn nhận nó như một biểu tỏ tất yếu, một vùng vẫy bất lực và tuyệt vọng của một trào lưu nghệ thuật suy tàn – trong một tương quan đào thải – trước một trào lưu đang rực rỡ sinh thành, đang lớn mạnh tiến tới. Cung Trầm Tưởng đã gọi rất đúng, đó là “những con thú hấp hối rỏ những giọt máu cuối cùng”. Để mặc, những con thú hấp hối cũng chết. Một trào lưu nghệ thuật suy tàn đang biểu diễn những trò hề cuối cùng của nó trước khi chấm dứt một chu kỳ.

Cho nên nói những khuynh hướng nghệ thuật mới ở Việt Nam, tôi thấy cần phải xác định rằng bài viết này không có ý nghĩa một bài bút chiến, tranh luận, đối thoại là vì vậy. Lên tiếng, giải thích nếu cần. Nhưng không lên tiếng, giải thích với quá khứ. Mà lên tiếng trong một ý hướng của hiện tại. Giải thích trên quan điểm nhận định một quá trình sinh thành từ hiện tại đến tương lai. Trao đổi, tranh luận. Nhưng chỉ trao đổi, tranh luận với những người muốn nhìn hiện tại, muốn nghĩ đến tương lai như chúng ta. Nghệ thuật của chúng ta không thể có một tiêu chuẩn chung, một điểm đồng nhất với cái thứ nghệ thuật mù, cái thứ nghệ thuật đã bị đào thải, dù chúng vẫn còn được những con thú hấp hối đóng lên cái thể xác băng hoại thối nát những cái khung vàng.

Nghệ thuật hôm nay không chối bỏ đạo đức, phủ nhận luân lý (tuy trong thực thể và bản chất, nghệ thuật không chỉ là đạo đức luân lý) nó đang hình thành với nó một nền tảng luân lý và đạo đức mới. Nghệ thuật hôm nay không ngoại lai vong bản, nó chỉ sinh thành và lớn mạnh trong những bước tiến song hành với trào lưu tư tưởng nghệ thuật thế hệ. Nghệ thuật hôm nay không phá hoại. Nó chỉ hủy diệt chỉ đánh ngã những tàn tích, những thần tượng, những giá trị lỗi thời. Trong ý hướng toàn thể, góp phần dựng xây kiến thiết một xã hội, một đời sống mới. Trong ý hướng cá nhân, một con người, một thân phận mới. Những người làm nghệ thuật hôm nay không phải là những kẻ điên loạn, lệch lạc, ngược lại chính họ chiến đấu đánh đổ những hiện tượng sa đọa đích thực của nghệ thuật. Nghệ thuật hôm nay không chống đối với tất cả. Nó chỉ hủy diệt, chống đối mọi hình thức nghệ thuật phản tiến hoá. Những khuynh hướng nghệ thuật mới không phải là những sản phẩm gia nhập ngoại lai, bắt chước vô ý thức một trao lưu suy đồi nghệ thuật Tây phương, những khuynh hướng mới đã cấu thành từ thực trạng xã hội và nghệ thuật Việt Nam, biểu hiện một ý thức hệ mới của nghệ thuật ở Việt Nam, khởi điểm, bắt nguồn, thoát thai từ một hoàn cảnh luân lý ở Việt Nam. Những khuynh hướng mới là những trở thành tất yếu và biện chứng của một quá trình đổi thay và tiến hoá của nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Những khuynh hướng mới đó không là sản phẩm điên loạn tưởng tượng của một số người, một cá nhân điên loạn. Chúng bao hàm và chứa đựng tiếng nói, khát vọng chân chính một thế hệ mới Việt Nam, một thế hệ đã ý thức được dòng tiến hoá của lịch sử, của nghệ thuật, đồng thời ý thức được vai trò mình trước lịch sử, trước nghệ thuật.

Gạt sang một bên những kẻ thù không đội trời chung với tiến bộ, với sự thực, những phù thủy âm binh chưa thôi khóc than bên những đền đài sụp đổ, những thần tượng hủy diệt, những kẻ mù của một nghệ thuật mù, những xác chết của một nghệ thuật chết, nhận định về những khuynh hướng mới đang lay động đến những tầng đáy sâu thẳm nhất của một tình trạng nghệ thuật cần được đổi mới, đang mở một lối thoát cho một tình trạng nghệ thuật nằm trong ngõ cụt, tôi nói rằng những khuynh hướng mới này đang là những biểu hiện đầu tiên của một nền nghệ thuật theo quan niệm, hy vọng, ý hướng xây dựng của chúng ta. Tôi nói những khuynh hướng mới này xác định tiếng nói, sự hiện hữu, thái độ chúng ta. Tóm lại, tôi nói những khuynh hướng này là những biểu hiện tất yếu và biện chứng của một quá trình nghệ thuật tất yếu và biện chứng của nghệ thuật Việt Nam hôm nay. Cho vấn đề được đặt ra thật cụ thể, không gì bằng trở lại với nó từ đầu. Từ nguồn gốc, từ khởi điểm. Đồng thời để cho những điểm chứng minh được hết sức chân xác, bỏ ra ngoài những ảnh hưởng và những tương quan với trào lưu tư tưởng nghệ thuật thế giới (một cách chặn đứng mọi đả kích vọng ngoại, vong bản) tôi sẽ chỉ đóng khung vấn đề trong hoàn cảnh xã hội, lịch sử và nghệ thuật Việt Nam.

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, khi cộng sản và đế quốc ký kết với nhau văn kiện Genève, bản hiệp định chia cắt đất nước không chỉ dựng lên một vĩ tuyến, đưa tới sự thiết lập hai chế độ khác biệt, cụ thể hoá một giải pháp chính trị và quân sự giữa hai phe tham chiến. Nhìn vào sâu thẳm và cùng tận vấn đề, nó đã tạo nên biến động thê thảm, trầm trọng nhất đối với vận mệnh con người và đời sống dân tộc. Và sự phản bội lớn lao, và cơn lốc kinh hoàng, và tiếng sét khủng khiếp đã tàn nhẫn ném mỗi người Việt Nam, trong đó có những người làm nghệ thuật ở Việt Nam, trước một sự lựa chọn sống còn căn bản. Vấn đề không giản dị đặt ra như đi hay ở, chế độ này hay chế độ kia, ta sẽ ở bên này hay sang bên kia vĩ tuyến. Biến động lịch sử vang dội đớn đau khắp cùng ý thức, có tác động một kinh nghiệm, giá trị một bài học. Nó là một sự thực đau đớn. Nó là một vết thương, một niềm đau nhục thế hệ. Nó không chỉ gây phẫn uất căm thù trước một đối tượng, những kẻ chủ xướng. Nó ám ảnh lương tâm, vò xé ý thức, nó bắt chúng ta phải suy ngắm, nhận định về bản thân mình, nư một trách nhiệm trước lịch sử, mặt trận hậu quả trước chính thân phận. Con người thức tỉnh giác ngộ trước biến động lịch sử đã nhận định rằng sự bội phản kia là tội ác của kẻ thù, nhưng đồng thời hắn cũng nhận định rằng “nông nổi này” một phần còn do chính lầm lỗi của chính bản thân ta. Ta thụ động, mê muội, thoả hiệp hèn đớn, ta không dám lên tiếng, ta không dám biểu tỏ thái độ, và đấu tranh đòi quyền chủ động, cho nên bản hiệp định kia, sự chia cắt ấy đã có mặc dầu không có sự thoả thuận của chúng ta. Thân phận bị điều động bắt buộc dẫn tới một lựa chọn, trong lựa chọn thành hình một nhận định, từ nhận định đưa tới một nhân sinh quan, một nhận thức mới, đó là tất cả những trạng thái của một chặng đường đổi thay biện chứng khai diễn và lay động nội giới của con người chúng ta – trước biến động lịch sử. Những biến động của tâm trạng đó đã cấu thành một con người Việt Nam mới. Một con người có ý thức, có thái độ, nhận chân được trách nhiệm, vị trí mình trước lịch sử, trước hiện tại, tương lai, trước đời sống. Cho nên nếu nói biến động 1954 là một bất hạnh, ngược lại, phải công nhận rằng nó đã soi sáng, làm minh bạch một tình trạng, thức tỉnh một ý thức, đưa tới cấu thành một thái độ. Mặt khác nó đã là cái mốc chấm dứt một thời kỳ, mở đầu một thời kỳ mới, chấm dứt một lịch sử, mở đầu một lịch sử mới. Vết thương, niềm đâu nhục lịch sử đánh chúng ta ngã xuống, đồng thời đã dựng chúng ta dũng cảm đứng dậy trong đau đớn, làm chúng ta lớn lên. Lớn lên trong kích thước của một con người có ý thức, có thái độ, một con người hành động. Trước ngày 20 tháng 7, người làm nghệ thuật Việt Nam có thể sống trong một tình trạng nhập nhằng thoả hiệp, một không khí không phân định còn là một không khí của ảo tưởng, sau ngày 20 tháng 7, người làm nghệ thuật Việt Nam có ý thức và thái độ đã biết nhìn đời sống bằng một cái nhìn mới, xác định mọi giá trị theo một kinh nghiệm mới, nghĩ về nghệ thuật bằng những ý nghĩ mới. Sự trở chiều, sự phục sinh dũng cảm đó đã tạo hắn thành một con người mới, con người vì mang cái dấu chàm thế hệ trên ngực cho nên cũng là hiện thân của cả một thế hệ trong tim trong hồn. Cái con người trong con người nghệ thuật Việt Nam đã đổi thay lớn lao như thế, thì làm thế nào mà những quan niệm về thực chất, về vai trò, về tác dụng của nghệ thuật, về giá trị, về tiêu chuẩn, về thái độ, về ý thức của hắn trước nghệ thuật không đổi thay theo? Quá trình sinh thành và tiến triển của nghệ thuật hôm nay, người ta có thể lặp đi lặp lại – và đó cũng là quan điểm của bốn nghìn năm văn hiến, của truyền thống. Với người làm nghệ thuật có ý thức và thái độ hôm nay, thoát từ một biến động lịch sử đã đảo lộn đến những tầng đáy những cơ cấu căn bản của đời sống xã hội quá trình sinh thành và tiến triển của nghệ thuật hôm nay chỉ là quá trình của một vết thương, một niềm đâu nhục lịch sử. Quá trình của một ý thức hệ.

Trong một bài viết trước đây, tôi đã thấy là cần thiết phải xác định ngay (để chặn đứng mọi âm mưu vu khống, xuyên tạc) rằng những khuynh hướng, những thời kỳ nghệ thuật quá khứ mà nghệ thuật hôm nay đòi xác định lại không phải là mồ mả cha ông, những công trình vĩnh cửu đã được công nhận, ở đó không còn vấn đề gì đặt ra, mà xác định có nghĩa là quật ngã, là lật nhào những giá trị tự những thần tượng đã lỗi thời, đồng thời tiêu diệt mọi âm mưu của bọn bảo thủ phản tiến hoá muốn phục sinh chúng trở lại khuynh đảo đời sống hiện tại. Xác định, do đó, nhất định không phải là một hành động phá hoại vô ý thức. Trái lại, nó bao hàm ý nghĩa một lựa chọn, một xây dựng tích cực. Thường trực biểu tỏ quan điểm, thái độ trước mọi hiện tượng của đời sống, của nghệ thuật là một trong những khuynh hướng mới của nghệ thuật hôm nay, của người làm nghệ thuật hôm nay. Ý thức không còn âm thầm. Nghệ thuật không còn tiêu cực. Ý thức lên tiếng, nghệ thuật hành động. Và người làm nghệ thuật Việt Nam hôm nay đã nhìn về quá khứ, quá khứ không còn là một địa hạt của những thần tượng được tôn thờ, quá khứ được trả về với kích thước đích thực: một quá trình của đời sống, gồm những đau nhục, lỗi lầm, kinh nghiệm, những bài học, chứng liệu lịch sử cần phải phê phán xác định lại – một mặt để đánh giá lại cho đúng, một mặt để kiện toàn một thái độ cho hiện tại và tương lai. Có người nói rằng: nghệ thuật hôm nay là một dòng nghệ thuật phá hủy những thần tượng. Nếu đó là một sự thực, nghệ thuật cũng chỉ phản ánh một thực trạng thế hệ: thế hệ chúng ta, con người sống và những thần tượng đã chết. Khuynh hướng xác định lại quá khứ bởi đó đã đưa tới thái độ chối bỏ những trào lưu quá khứ (tiêu biểu bởi nghệ thuật tiền chiến), chối bỏ những thần tượng quá khứ. Nó không những chỉ được xác định bằng một bài diễn thuyết, một buổi nói chuyện. Nó đã bàng bạc trong xúc cảm tác giả, trong thi văn hôm nay trong tác phẩm mới. Nó điển hình – trên một khía cạnh – tâm trạng của một thế hệ dũng cảm muốn hòa mình vào dòng tiến hoá, cho nên đã dám nhìn thẳng về Trước về Sau, cái nhìn của một con người hành động ý thức, sáng tạo con đường mới nguy nga trước mặt, chối bỏ những nẻo mòn, những ngõ cụt sau lưng. Vũ trụ nghệ thuật quá khứ Việt Nam, là vũ trụ nặng chĩu một không khí hoài cổ. Ở những ngày lịch sử tối tăm đau nhục cũ, đất nước bị thống trị, nhân phẩm bị chà đạp, tự do bị tước đoạt, nghệ thuật bị giới hạn, đã biện chứng thoát thai một nền nghệ thuật xa lánh thực tại, trốn chạy đời sống, người làm nghệ thuật trở về tìm lãng quên trong quá khứ, trong thiên nhiên, những thế giới mơ mộng siêu thoát ảo tưởng, nghệ thuật đôi khi được biểu tỏ bằng một phản ứng trở lại đời sống, quá lắm, chỉ được hình thành bằng một thái độ “nghiêng xuống” của nhóm tác giả Tự lực Văn đoàn, nếp sống kênh kiệu của Nguyễn Tuân, nụ cười châm biếm của Vũ Trọng Phụng, cái thế giới màu xám của Nguyên Hồng. Phải công nhận nền nghệ thuật đó đã thực hiện được ít nhiều đổi mới về từ ngữ, cú pháp, kỹ thuật sáng tác. Nhưng nó chưa từng biểu hiện được trung thực khát vọng, tâm trạng thời đại. Nghệ thuật tiền chiến Việt Nam, tóm lại, có thể coi như công trình của một lớp người ham đổi mới, nhưng thiếu một thái độ, một nhận thức, một nhân sinh quan tiến bộ, cách mạng, hướng dẫn cho mọi khát vọng mới, cho nên cái mới tiền chiến chỉ là cái mới sách vở, cái mới hình thức. Cái mới đó không thể là mẫu mực cho chính nghệ thuật thuở đó, cái mới đó càng không thể là khuôn vàng thước ngọc cho nghệ thuật hôm nay.

Tương quan giữa một quá khứ – nghệ thuật tiền chiến – với một hiện tại nghệ thuật – nghệ thuật hôm nay – đã là một hiện tượng đồng thời giải thích cho hai khuynh hướng của nghệ thuật mới. 1. Thái độ chối bỏ nghệ thuật quá khứ. 2. Khát vọng mở đường, khám phá những chân trời những thế giới mới của những người làm nghệ thuật hôm nay, qua những thí nghiệm, những băn khoăn, những tìm kiếm không ngừng của họ. Nghệ thuật không yên ổn xuôi dòng trên một hiện tượng truyền kiếp. Nghệ thuật mang hiện tượng một chặt khúc, một thoát ly. Chỉ cần một khoảng thời gian mấy chục năm trở lại đây, cùng một danh từ hiện đại, kỳ thực đã là hai trận tuyến, hai ý thức hệ, hai thế hệ, hai dòng nghệ thuật khác biệt. Người làm nghệ thuật hôm nay không bao giờ có cảm tưởng kéo dài một con đường. Hắn bắt gặp nghệ thuật trên một miền đất, một không gian mới. Bằng những nguyên liệu được sử dụng, những kích thước được tạo thành mới. Tôi không so sánh về một sự phồn thịnh, đông đảo (số lượng trong nghệ thuật không chứng minh gì, kể cả số lượng tác phẩm). Nhưng tôi nghĩ rằng trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam, kể cả thời kỳ thơ mới mới xuất hiện, chưa từng có một thời kỳ nào mà nghệ thuật Việt Nam lại tưng bừng cái không khí khám phá, mở đường, thí nghiệm, tìm kiếm như cái không khí toát ra từ những khuynh hướng nghệ thuật mới bây giờ. Chúng ta, có thể chưa một ai đi tới. Nhưng nhất định chưa có một ai chịu đứng lại. Tôi gọi đó là cái không khí “dựng nước” của nghệ thuật. Cái tâm trạng khởi hành của nghệ thuật, cái sắc thái ban mai, cái giờ phút đầu ngày của nghệ thuật. Nghệ thuật là một hành động. Nghệ thuật là một hành trình. Hành động thực hiện đời sống. Hành trình trở lại đời sống. Trong cái không khí tưng bừng, cái công trường thí nghiệm vĩ đại, cuộc khởi hành toàn thể đó, đã dần dần kết tinh mọi khuynh hướng biện chứng của một nền nghệ thuật trẻ, tiếng nói của một thế hệ trẻ. Thế hệ đó như thế nào? Thế nào là một thế hệ. Quy định tiêu cực, thế hệ là gồm những con người chịu chung những biến cố lịch sử làm đảo lộn đời sống họ. Quy định tích cực, những con người chịu đựng chung những cảnh ngộ lịch sử đã nhận thức được vai trò mình trong những cảnh ngộ ấy, bởi đó có chung những vò xé, những dằn vặt, những phản ứng. Tóm lại, có chung một tâm trạng, một nhận thức, một ý hướng hành động. Thế hệ không phải là cả một thời đại. Thế hệ là thành phần ý thức, hành động và đấu tranh của một thời đại có thể bao gồm cả những thành phần bảo thủ, phản tiến hoá. Thế hệ tượng trưng cho tiến bộ, cách mạng, khát vọng, ý hướng tiến tới của thời đại, đồng thời là một lực lượng đối nghịch, mâu thuẫn với mọi lực lượng bảo thủ, phản tiến hoá. Hiện tình nghệ thuật Việt Nam hôm nay chính là hiện tình một thế hệ đang thành hình. Quá trình tin tới biện chứng của nó còn là một quá trình đấu tranh đánh đổ mọi chướng ngại, mọi tàn tích bọn bảo thủ, phản tiến hoá đang điên cuồng ném ra ngăn chặn mọi thực hiện mọi trở thành của nó. Bài nói chuyện về thơ văn tiền chiến (đăng trong Sáng Tạo số 4, bộ mới) đã đưa tới một nhận định tổng kết: Nghệ thuật là một vận động biện chứng của hủy diệt và sáng tạo. Nhận định này theo tôi không phải là một quan điểm nghệ thuật thuần túy, mà là đúc kết trọn vẹn và đầy đủ cho một ý hướng, một hiện tượng của thực tế nghệ thuật Việt Nam. Trước mọi khuynh hướng tiến bộ của một trào lưu nghệ thuật tiến bộ ở Việt Nam, những lực lượng thoái hoá suy tàn ở đây, để chống lại nguy cơ tiêu diệt đã cố kết thành một “mặt trận văn hoá” phản động, bằng cách xuyên tạc, vu khống, khủng bố, xin chính quyền trừng phạt những người làm nghệ thuật mới. Nấp sau những chiêu bài luân lý đạo đức, thuần phong mỹ tục, những khẩu hiệu truyền thống, bốn nghìn năm văn hiến, những lập luận nghệ thuật sơ đẳng, những quan niệm phê bình rẻ tiền, những loạt bài bút chiến hạ cấp, chúng kết án những khuynh hướng mới, những người chủ trương những khuynh hướng mới nghệ thuật hôm nay là vô trách nhiệm, vong bản, suy đồi, lập dị, chống đối chính thể, phản loạn nghệ thuật, phản luân lý đạo đức. Những khuynh hướng mới của nghệ thuật hôm nay đều bừng bừng một khí thế đối kháng, đấu tranh dũng cảm. Đó là một sự thực. Sáng tạo, xây dựng, đồng thời đạp đổ, hủy phá. Có điều, bất cứ người nào có một ý thức nghệ thuật tối thiểu cũng đều nhận định được tức khắc: sự đối kháng của nghệ thuật Việt Nam hôm nay xuất phát từ một tinh thần, một ý thức trách nhiệm hết sức rõ rệt, không thể nhầm lẫn. Khuynh hướng đối kháng của nghệ thuật Việt Nam hôm nay nhằm vào những đối tượng hết sức rõ rệt. Nếu nghệ thuật Việt Nam hôm nay đã rời bỏ những tháp ngà, những tù ngục dĩ vãng, những thế giới mơ mộng ảo tưởng để dũng cảm trở lại đời sống, sự trở lại đó không hề là kết quả một hành động phá phách điên loạn, mà chỉ là hành động của một thế hệ ý thức đã phản tỉnh, đã giác ngộ, nhận định được sáng suốt vai trò của nghệ thuật, những đối tượng cần phải thực hiện, những đối tượng cần phải hủy diệt.

Trong những bài tiểu luận: “Nghệ thuật đen”, Nỗi buồn trong thơ hôm nay của Thanh Tâm Tuyền, “Ý thức nghệ thuật” của Nguyễn Sỹ Tế, “Sự thưởng ngoạn nghệ thuật bây giờ” của Trần Thanh Hiệp, những bài nhận định về hội hoạ của Duy Thanh, Thái Tuấn, trong ba buổi nói chuyện về thơ, hội hoạ, tiểu thuyết đăng trong những số Sáng tạo trước đây, tuy không thể coi là những đúc kết trọn vẹn của những khuynh hướng mới, những ý kiến mà các bạn tôi đã trình bày cũng đã sáng tỏ được một điểm: sự khác biệt giữa nghệ thuật quá khứ với nghệ thuật hôm nay. Nhìn hẹp, đó là sự khác biệt, sự chia lìa giữa hai trào lưu nghệ thuật. Nhìn rộng, đó còn là sự khác biệt, sự chia lìa giữa hai nhân sinh quan, về mọi vấn đề của đời sống.

Dưới mắt người làm nghệ thuật hôm nay, đời sống, nghệ thuật không còn hiện lên qua hình ảnh những thực thể trường tồn bất biến. Nghệ thuật, đời sống chỉ còn là những đối tượng, những cái đích của một ý hướng hủy diệt hay thực hiện. Chối bỏ thì phải hủy diệt. Chấp nhận thì phải thực hiện. Đoạn tuyệt với mọi thái độ tiêu cực, thụ động, mọi khuynh hướng siêu thoát, mọi thế giới mơ mộng ảo tưởng, nghệ thuật thường trực biểu tỏ thái độ, phản ứng, thường trực dành quyền chủ động đời sống, biến thành vũ khí hành động nhằm khôi phục lại vị trí, kích thước đích thực của con người. Trước lịch sử. Trước đời sống. Trước xã hội. Trước chế độ. Tao phải khôi phục lại? Vì cái vị trí ấy đã từng bị xúc phạm. Cái kích thước ấy đã từng bị tước đoạt. Cho nên nói rằng nghệ thuật Việt Nam hôm nay là một nền nghệ thuật ý thức, chưa đủ, phải nói đó là một nền nghệ thuật tiền phong cách mạng, trong ý hướng và nỗ lực thực hiện một tiêu chuẩn tiền phong cách mạng, trong ý hướng và nỗ lực thực hiện một tiêu chuẩn tiền phong cách mạng: Đấu tranh xây dựng, cải tạo, giải phóng xã hội và con người Việt Nam. Tiêu chuẩn đó, muốn thực hiện không thể bắt nguồn từ một giả định ảo tưởng, một quan niệm lý tưởng hoá đời sống. Kinh nghiệm chung sống với cộng sản ngày trước, và bây giờ từ bên này vĩ tuyến nhìn sang, chúng ta đã biết cái phương pháp tô hồng chế độ, đề cao lãnh tụ, đắp những lớp phấn son giả tạo, khoác những vòng hoa vô ích lên hình thể đời sống của nghệ thuật Mác-xít, cái chủ trương biến nghệ thuật thành một công cụ tuyên truyền phục vụ giai đoạn của nghệ thuật Mác-xít đã đưa cái nghệ thuật ấy đến đâu. Sự băng hoại, sự sụp đổ của nó đã chỉ cần đến một phong trào Nhân văn-Giai phẩm. Kinh nghiệm: bất cứ một công trình dựng xây thiết thực và hiện hữu nào cũng phải bắt nguồn từ một thực trạng xã hội. Ở nghệ thuật cũng vậy. Khởi điểm của nghệ thuật Việt Nam hôm nay không thể ra ngoài định luật tất yếu đó.

Nhận định sáng suốt một thực trạng xã hội, một hoàn cảnh lịch sử, những băn khoăn, khát vọng phát sinh từ tâm tư, đúc kết thành tâm trạng của con người sống trong thực trạng xã hội và hoàn cảnh lịch sử đó, biểu hiện xã hội trên mọi hiện tượng, miêu tả con người trên mọi biến thái tâm trạng, tổng hợp thành khuynh hướng khai quật ý thức, khai quật đời sống, truy tìm đời sống từ thực chất từ bản thể, con người từ những địa hạt cùng thẳm của tiềm thức của tâm linh, - đó là những điểm chính, những nét lớn xuất hiện trên con đường trở thành và tiến tới của nghệ thuật Việt Nam hôm nay. Con đường đó cũng là con đường khởi hành và trở lại đời sống của người làm nghệ thuật Việt Nam hôm nay. Phát sinh từ những khuynh hướng đó, nghệ thuật phá hoại hay xây dựng? Trách nhiệm hay vô trách nhiệm? Ý thức hay vô ý thức? Tưởng câu trả lời đã hết sức rõ rệt. Đối tượng nghệ thuật – từ ý hướng đó – đã không thể còn nằm chết trong khuôn khổ nhỏ hẹp một nguyên tắc luân lý, một quan điểm đạo đức. Nghệ thuật không nhất thiết chối bỏ luân lý phủ nhận đạo đức. Trước cái đối tượng bát ngát là toàn bộ đời sống, nghệ thuật không thể dựa trên một tiêu chuẩn đạo đức một nguyên tắc luân lý cố định, để từ đó suy diễn và biểu hiện đời sống. Ngược lại, nghệ thuật trình bày mọi thực trạng đời sống, đặt con người đứng trước thực trạng đó, trao cho hắn những nguyên liệu sống động, cụ thể, từ đó hắn nhận định trở lại đời sống, đánh giá lại những tiêu chuẩn luân lý, đạo đức, đánh giá lại quá khứ, đánh giá lại lịch sử, đánh giá lại bản thân.

Bởi vậy, đã là hết sức thiển cận hết sức sai lầm, khi người ta đứng trong một tiêu chuẩn luân lý một quan điểm đạo đức để nhận định thực chất nghệ thuật hôm nay, khoan bàn tới cái tiêu chuẩn luân lý cái quan điểm đạo đức kia còn đứng vững hay không, chúng đúc kết tự một hoàn cảnh xã hội nào, con đẻ của một chế độ nào, chúng có còn là một chân lý, một lẽ phải của con người và đời sống hiện tại? Với những kẻ nhân danh một đạo đức, một luân lý nào đó đả kích họ, thiết tưởng người làm nghệ thuật hôm nay chỉ cần trả lời: chủ đích nghệ thuật là ném những thực trạng xã hội trước lương tâm, ý thức con người thời đại, căn cứ vào những thực trạng xã hội đó, hắn sẽ lựa chọn, phán xét về mọi giá trị, mọi hiện tượng của đời sống, trong đó thâu gồm vấn đề luân lý đạo đức, chính trị, kinh tế v.v… tóm lại tất cả những vấn đề, những thực thể xã hội liên quan mật thiết đến thân phận, đến vận mệnh của hắn.

Tạo dựng một con người mới; một con người ý thức chủ động đời sống, một con người giải phóng mọi áp lực, một con người độc lập tự do trong tư tưởng, trong hành động, một con người ý thức được quyền hạn cho nên cũng ý thức được trách vụ mình trước xã hội, trước lịch sử, là chủ đích của nghệ thuật hôm nay. Chủ đích đó đúng hay sai? Xây dựng hay phá hoại? Có thể đứng trên từng quan điểm mà trả lời. Ở những chế độ độc tài, cộng sản, phát-xít, mọi cá nhân phải thần phục vô điều kiện chế độ, con người chỉ còn là một thân phận nô lệ, nghệ thuật phải phục vụ mù quáng vô điều kiện chế độ, nghệ thuật chỉ còn là một công cụ tuyên truyền, một nghệ thuật mù. Ở những chế độ đó, sự lựa chọn, sự nhận định của con người bị phủ nhận. Nghệ thuật, công cụ độc quyền của chế độ, chỉ còn là một phương tiện hủy diệt mọi cá tính, mọi phản ứng, mọi động lực cá nhân, biến con người thành một thân phận hèn mọn, khiếp nhược, thụ động trước sự lộng hành, sự thao túng của chế độ được thần thánh hoá thành một biểu tượng tối thượng. Chế độ là lẽ phải, chế độ bất khả xúc phạm. Chế độ là Thượng đế, là chân lý tuyệt đối.

Người ta đã thấy ở những chế độ đó, sự xuất hiện biện chứng của đủ mọi hình thức nghệ thuật tuyên truyền mỵ dân, ngu dân, sự xuất hiện của bọn văn nô, chỉ diểm, lính kín văn nghệ, với chúng mọi độc lập tự do tư tưởng đều phải thanh trừng, mọi ý thức tiến bộ đều là những “ý thức sổ đen”. Bao trùm lên những chế độ đó, một không khí đàn áp, khủng bố. Tràn ngập lên thứ nghệ thuật đó, những luận điệu xuyên tạc vu khống. Người làm nghệ thuật sống trong một tình trạng thường trực bị đe dọa. Với hắn chỉ còn một con đường: thuần phục, tuân theo, hay im lặng. Trường hợp Pasternak là một trường hợp điển hình của người làm nghệ thuật độc lập và tự do trong tư tưởng sống trong một chế độ tử thù với độc lập tự do tư tưởng. Pasternak đã chết và nghệ thuật Pasternak đã chết. Ở những chế độ đó, chủ đích của nghệ thuật nói trên tất nhiên bị kết tội, những khuynh hướng tư tưởng tiến bộ tất nhiên bị đàn áp. Người làm nghệ thuật tiến bộ tất nhiên sẽ chịu đựng thân phận nạn nhân những cuộc mưu sát âm thầm khủng khiếp như trường hợp một Pasternak, một Phan Khôi.

Đặt câu hỏi: Chế độ chúng ta đang sống có phản ánh cái sắc thái tối đen bị thảm những chế độ đó không, câu trả lời tất nhiên phải là không. Không phải là ngụy biện, mà xác định một sự thực mà tôi quả quyết rằng những khuynh hướng mới của nghệ thuật Việt Nam hôm nay chỉ có thể là những chứng tích làm vẻ vang chế độ, đánh tan mọi ngộ nhận thành kiến, có thể có về chế độ, nếu đích thực người ta xét thấy là cần thiết phải đặt thành vấn đề tương quan giữa nghệ thuật và chế độ. Người ta sẽ nghĩ thế nào về một chế độ, một thực trạng xã hội, nếu chỉ tìm thấy trong khuôn khổ chế độ, thực trạng xã hội đó những sắc thái, những bằng chứng của một thứ nghệ thuật hèn đớn, vô ý thức? Người ta sẽ nghĩ thế nào về tiềm lực sáng tạo khả năng xây dựng một chế độ, một thực trạng xã hội, khi người ta chỉ nhìn thấy ở nghệ thuật sinh thành từ chế độ, từ hoàn cảnh xã hội đó những tàn tích quá khứ, những khuynh hướng bảo thủ phản tiến hoá? Nhìn vào hoàn cảnh xã hội lịch sử Việt Nam hôm nay, những người đích thực quan tâm đến tiền đồ đất nước, không ai chối cãi được rằng mọi hình thái sinh hoạt của toàn thể và cá nhân còn trùng trùng đeo nặng những tàn tích những ám ảnh quá khứ, còn thiếu vắn lớn lao những công trình sáng tạo, đổi mới, cái khí thế tiến tới thiết yếu cho đời sống xứ sở vừa phục hồi chủ quyền đã đứng trước những nguy cơ, những hiểm hoạ mới. Viễn tượng tốt đẹp khiến chúng ta có quyền tin tưởng vào vận mệnh và tương lai xứ sở không nằm trong một truyền thống, một kho tàng quá khứ nào – phải nhận định như vậy – mà ở trong chính cái yếu tố căn bản là con người Việt Nam hiện đại. Một con người đã lớn lên trong những kích thước đích thực, đã biểu hiện cho một ý thức đấu tranh dành quyền chủ động đời sống, đã dũng cảm nhận lấy vai trò và trách vụ mình trước lịch sử. Nghệ thuật hôm nay muốn biểu diễn, phản ánh bằng rung động, cảm nghĩ, xây dựng bảo vệ nhân vật, tất cả vóc dáng, kích thước của con người Việt Nam mới ấy. Không phải một mẫu người lý tưởng trừu tượng. Mà một con người điển hình cho một thế hệ mới. Con người mới đó đã được biểu hiện theo quy luật nào? Nó đã được biểu hiện trong một quy luật, một ý hướng đồng nhất với quy luật và ý hướng nội tại của nghệ thuật: như một vận động một hành trình trở lại đời sống.

Mù tối trước quy luật và ý hướng trên, bọn bảo thủ phản tiến hoá đã lên tiếng đả kích, chế giễu cái tâm trạng cô độc, bi thảm, bất mãn, cái thái độ thường trực nhìn ngắm, cứu xét thân phận, những băn khoăn siêu hình, những đớn đau quằn quại của ý thức, tóm lại những trạng thái thường xuyên giao động nội giới con người được diễn tả trong nghệ thuật hôm nay như những biểu thị của một tâm trạng bệnh hoạn, lệc lạc. Với chúng, nếu không là những trạng thái thêu dệt giả tạo, thì cũng chỉ là lối bước cái “mốt” suy tư mới của những tác giả hiện sinh Tây phương. Những đầu óc yên ổn bất động đó chẳng bao giờ thấu triệt được những diễn biến của tâm trạng, những mâu thuẫn, những thảm kịch, tổng hợp thành cái thế giới thoạt nhìn tưởng như phức biệt hỗn loạn của ý thức và tâm linh con người thế hệ hôm nay, do đó chúng không bao giờ đi vào được cái thế giới đa dạng, phong phú của nghệ thuật hôm nay. Trong bài “Nỗi buồn trong thơ hôm nay” Thanh Tâm Tuyền đã gợi lên, bằng ít nhiều hình ảnh, thế giới đó như một “tinh cầu xa lạ” với người đọc. Sự thực, tất cả những mâu thuẫn, những thảm kịch đó chỉ là biểu tượng của một tâm trạng đích thực và biện chứng của con người, của thế hệ. Điểm khác biệt: tâm trạng đó không còn giản đơn, bình dị, như trước nữa. Mặt khác, muốn nhận định được chân xác tâm trạng con người thế hệ biểu hiện trong nghệ thuật hôm nay, cần phải nhận định trên toàn thể. Cái dụng tâm. Cái phương pháp sở trường bọn bảo thủ phản tiến hoá thường dùng để đả kích, xuyên tạc những khuynh hướng nghệ thuật mới là cắt xén, trích dẫn từng đoạn văn, từng bài thơ rồi gán cái ý nghĩa đơn độc của đoạn văn, câu thơ trích dẫn là tâm trạng chung của người nghệ thuật bây giờ. Chẳng khác gì kẻ mù lòa thấy cái tai voi bảo đó là hình thể của con voi. Nhận định cái thế giới nghệ thuật hôm nay qua hình ảnh một niềm cô độc đứng riêng, một trạng thái của phẫn nộ tách rời là cận thị, là chỉ thấy độc một gốc cây mà không thấy được cánh rừng. Sự cô đơn, niềm phẫn nộ, những trạng thái hoang mang, ngờ vực, những khát vọng, những mơ ước chồng chất, những buồn vui lẫn lộn, những vò xé tâm linh, những quằn quại tiềm thức, những ám ảnh siêu hình va chạm, quay cuồng trong thế giới thi ca nghệ thuật hôm nay như một cơn lốc dữ dội bi thảm, phải nhìn được tất cả những trạng thái đó như những biểu tượng liên tục, nối kết – những chặng đường của một con đường – phản ánh cái toàn diện của tâm trạng con người thế hệ trên con đường trở lại đời sống. Những trạng thái phức biệt đó hướng tới một đối tượng duy nhất: đời sống, cơn lốc bi thảm dữ dội ấy chỉ là những biến động của một ý thức toàn diện, qua hình ảnh một con người tiến tới cái đích trước mắt là đời sống, nhưng cuộc hành trình không yên ổn mà đầy biến động, đầy gió bão, hắn luôn luôn đứng lại để truy tìm chân tướng, bản thể, nguyên lý sự vật, những ngõ ngách, những nguyên ủy, những chiều sâu, những quy luật, những biến tướng của sự vật. Đó cũng là hình ảnh cuộc hành trình dũng cảm của con người thế hệ không chịu đi theo một chiều hướng cố định của sự vật, chấp nhận tính chất bất di dịch, vĩnh cửu của sự vật, mà thường trực biểu tỏ cái ý lực đổi thay, làm mới, lay động, đốt cháy, sáng tạo sự vật. Cái tâm trạng vùng vẫy, phá đổ thực tại, những sự thực đã có ấy biểu tỏ nồng nàn nỗi khát khao đạt tới, nắm vững sự thật của con người thế hệ hôm nay, sự đắc thắng của trí thức, trí tuệ con người thế hệ trước đời sống, trước sự vật, như một ý thức chủ động đời sống. Đánh dấu rực rỡ sự đi qua, sự có mặt, tác động ghê gớm của con người trước xã hội, trước sự vật, đó là ý nghĩa căn bản cuộc hành trình trở lại đời sống của con người thế hệ hôm nay. Đó cũng là con đường trở thành và tiến tới của nghệ thuật hôm nay.

Những người làm nghệ thuật ý thức và tiến bộ ở Việt Nam hôm nay đang đứng trước một con đường chói lòa viễn tượng, nhưng cũng trùng điệp trở lực. Con đường vinh quang cũng là con đường gai lửa. Sự hình thành của những khuynh hướng mới không có nghĩa là những nền tảng thiết yếu cần phải đặt định, đã hoàn tất. Cái xương sống của nghệ thuật dựng được, nhưng cái toàn thân của nghệ thuật chỉ mới nhìn thấy những nét phác hoạ, những điểm khởi đầu. Chúng ta còn thiếu những tác phẩm lớn. Những khuynh hướng nghệ thuật mới đã có một tác động trong đời sống xã hội, trong tâm tưởng lớp quần chúng yêu thích nghệ thuật, nhưng tác động đó còn nằm trong một phạm vi nhỏ hẹp. Điều khiến chúng ta có quyền hy vọng tin tưởng không phải là ở những kết quả đã thu lượm được, mà ở thái độ dũng cảm quyết tâm của người làm nghệ thuật nhận thức được con đường mình đi là con đường của một ý hướng lịch sử đích thực, một quy luật tiến hoá đích thực, và dũng cảm tiến tới trên con đường đó. Sự thành hình của một nền nghệ thuật nào cũng đòi hỏi một thời gian lâu dài, vậy mà chỉ trong khoảng mấy năm trở lại đây, chúng ta đã có thể ghi nhận được ở sự trưởng thành rực rỡ của nghệ thuật hôm nay, từ những thí nghiệm lẻ tẻ, những khám phá cá nhân, sự đột khởi thành một trào lưu, một trận tuyến mới, cái trận tuyến tiền phong cách mạng của nghệ thuật. Nấp sau những chiêu bài luân lý đạo đức nói trống không, những danh từ xây dựng lành mạnh nói vô bằng, bọn bảo thủ phản tiến hoá còn xuyên tạc, vu khống, khủng bố, nhưng cái tinh thần trách nhiệm, cái ý hướng xây dựng, cải tạo xã hội, gia nhập đời sống, nằm trong những khuynh hướng nghệ thuật mới đã là một nền tảng đã chắc vững, một hướng đi đã lớn rộng, một lực lượng đã đông đảo. Nghệ thuật hôm nay là chúng ta. Nghệ thuật hôm nay là sự hiện hữu giữa đời sống của chúng ta, hành động gia nhập lịch sử của thế hệ chúng ta. Vươn lên – từ một vết thương một niềm đau nhục, từ những ám ảnh, những tàn tích quá khứ, những đền đài sụp đổ, những thần tượng hủy diệt – một kỷ nguyên nghệ thuật mới của đất nước mới, thế hệ mới, con người mới. Những con thú hấp hối đang nhỏ những giọt máu cuối cùng. Những khuynh hướng bảo thủ phản tiến hoá đang bị đánh dạt vào những hậu trường nghệ thuật. Phía những lực lượng bị đào thải, phía những lực lượng đang tiến tới và đang trở thành, vẫn chỉ là hai hiện tượng chứng nghiệm tất yếu của một ý thức thời đại, một quy luật tiến hoá, một vận động lịch sử. Nhận định được tương quan này là nhận định được những khuynh hướng nghệ thuật mới mà tôi đã trình bày qua những nét chính, những điểm lớn trên đây. Đó là những khuynh hướng biện chứng xuất hiện trên con đường trở thành và tiến tới tất yếu của nghệ thuật Việt Nam hôm nay. Ở đầu đằng kia con đường đó, chúng ta đã nhìn thấy những kích thước ngút mắt của một nền nghệ thuật lớn, những công trình nghệ thuật lớn. Tôi nói chúng ta. Vì không có mặt những kẻ khác. Hiện tượng nghệ thuật Việt Nam đã đích thực là một hiện tượng chia lìa, thoát ly, đối kháng hẳn hoi giữa hai thế hệ.
Nguồn: Tạp chí Sáng Tạo, bá»™ má»›i, số 6, ra tháng 12-1960 và 1-1961, trích từ trang 1 đến 15. Chủ nhiệm: Mai Thảo. Quản lý: Đặng Lê Kim. Trình bày: Duy Thanh. Toà soạn và trị sá»±: 133B Ký Con, Sài Gòn. Giá: 15Ä‘. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.