trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
23.10.2007
Cổ Ngư
Liệt sĩ Tây, liệt sĩ Ta
 
Con tem mang hình liệt sĩ Guy Môquet (1924-1941), phát hành đúng vào ngày 22.10.2007 tại Pháp
Ngày 22.10.2007, theo yêu cầu của Tổng thống Nicolas Sarkozy, học sinh trung học các trường công lập và một số trường tư thục toàn nước Pháp sẽ được nghe đọc bức thư cuối cùng của Guy Môquet, một thanh niên cộng sản tham gia phong trào kháng chiến ở Pháp, bị phát-xít Đức xử bắn đúng ngày này, năm 1941, lúc mới 17 tuổi. Bức thư gửi cho gia đình kết thúc như sau:

"Mười bảy tuổi rưỡi, cuộc đời con thật ngắn, nhưng con chẳng tiếc gì, nếu có chăng, chỉ là phải lìa bỏ cả nhà. Con sẽ chết cùng với Tintin, Michels. Mẹ ơi, con xin mẹ, con muốn mẹ hứa với con là phải can đảm và vượt qua được cơn khốn khó.

Con không thể viết thêm được nữa. Con vĩnh biệt tất cả, mẹ của con, Serge, bố, con ôm hôn cả nhà bằng trọn tấm lòng thơ trẻ của con. Hãy can đảm."

Một học sinh đứng ra đọc bức thư của Guy Môquet trong một trường trung học Pháp (ảnh: AFP)
Quyết định này của Tổng thống Pháp đã gây nhiều phản ứng trái ngược nhau. Một số giáo sư nghĩ rằng, với sự tuột dốc của thế hệ trẻ hiện nay, sống không lý tưởng, ham mê vật chất, thì việc đọc và nghe lại bức thư này sẽ gây sự thức tỉnh trước tinh thần hy sinh và sự dũng cảm của lớp đàn anh, khơi tính hướng thượng và kết tạo "tinh thần quốc gia" Pháp, vốn đã rời rã từ nhiều thập niên qua với những cuộc tranh giành quyền lực của hai phe tả-hữu. Nhưng những người chống đối lại nghi ngờ thiện chí của vị Tân Tổng thống phái hữu trong việc đề nghị các trường trung học cho đọc đồng loạt bức thư vĩnh biệt của một đảng viên cộng sản trẻ tuổi. Họ cho rằng đó là một cách lợi dụng lịch sử để đánh bóng bản thân trên đường hoạn lộ. Hơn nữa, đây là bức thư chàng thanh niên Guy Môquet gửi riêng cho gia đình, và đem chuyện riêng tư ra phơi bày trước công chúng, đối với nhiều người, vừa là sự nực cười, vừa là điều trái khoáy. Vì thế, cãi lệnh trên, nhiều giáo sư trung học nhất định không đọc bức thư của Guy Môquet trước học sinh, dù họ thực lòng trân quý người liệt sĩ trẻ tuổi này.

Chỉ nội việc "đọc hay không đọc" một bức thư đã gây thành tranh cãi ầm ỹ trong giới giáo sư trung học Pháp từ cả tuần nay, lan sang cả các bậc phụ huynh học sinh và báo chí, truyền thông. Thử nhìn lại trường hợp tương tự ở Việt Nam cách đây hai năm, khi nhiều trường học bắt buộc các em học sinh của mình phải bỏ tiền túi ra mua và đọc Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm rồi học tập, thảo luận… mới thấy rõ việc ra lệnh-thi hành ở Pháp và ở Việt Nam có khá nhiều điểm khác biệt nhau, cần phải… suy gẫm!

Paris 22.10.2007

© 2007 talawas