60 năm nhìn lại: Bảo Äại, Trần Trá»ng Kim và ChÃnh phủ của hai ông
(Viết thêm vỠhai ngà y 19.8 và 2.9.1945 qua phát biểu của hai nhân chứng Hoà ng Xuân Hãn và Phan Anh)
Khi viết bài “
Cách mạng hay cướp chính quyền”
[1] để phổ biến trước ngày 2.9.2005, người viết nhất thời đã không sử dụng hết những tài liệu lẽ ra cần phải sử dụng, trong đó có những bài phỏng vấn hai nhân chứng vô cùng quan trọng dã trực tiếp liên hệ tới hai biến cố này. Đó là các ông Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Giáo dục và Phan Anh, Bộ trưởng Thanh niên trong chính phủ Trần Trọng Kim. Những tài liệu này đều có mặt trong tủ sách riêng của người viết. Bài thứ nhất do nhà văn Thụy Khuê thực hiện với nhan đề “Hoàng Xuân Hãn, chứng nhân lịch sử", bài thứ hai là bài phỏng vấn Phan Anh, do nhà sử học Na Uy Stein Tonnesson thực hiện. Bài thứ hai được trích trong
Hồi ký của Vũ Đình Hòe do nhà xuất bản Văn hóa xuất bản năm 1994
[2] . Cả hai đều được in trong
Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp của Thụy Khuê
[3] . Bài thứ ba là bài "Tưởng nhớ Phan Anh" của chính Hoàng Xuân Hãn viết đăng trong
Tạp chí Hồng Lĩnh, số 6 năm 1993 và được in lại trong
La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) do Hữu Ngọc - Nguyễn Đức Hiền biên soạn
[4] . Hoàng Xuân Hãn đã được nói tới nhiều trong bài tôi viết trước. Còn Phan Anh là một trí thức, một luật sư, một người rất chú trọng tới hoạt động thanh niên, rất nổi tiếng đương thời và rất được nhiều người, kể cả Hoàng đế Bảo Đại quí trọng, nguyên là Bộ trưởng Thanh niên trong chính phủ Trần Trọng Kim, sau là Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ liên hiệp của Hồ Chí Minh. Cả hai đều nói rất tốt về Bảo Đại và Trần Trọng Kim và chính phủ mà cả hai đều tham dự, đồng thời phủ nhận tính cách bù nhìn của chính phủ này. Những chi tiết này, tôi nghĩ cần được các nhà nghiên cứu, nói riêng và bất ai lưu tâm tới giai đoạn lịch sử 1945 - 1946 và luôn của giai đoạn sau này cần lưu ý và tìm hiểu thêm. Lý do là đằng sau các biến cố là những nhân vật đã tạo nên hay có liên hệ tới biến cố ấy lịch sử cuối cùng vẫn là lịch sử của con người. Không hiểu về con người, người ta sẽ dễ dàng đánh giá sai các nhân vật và từ đó hiểu sai các biến cố. Có điều khi sử dụng bài Thụy Khuê phỏng vấn Hoàng Xuân Hãn, người tìm hiểu nên dùng bài in trong sách của nhà văn nữ này xuất bản ở Hoa Kỳ thay vì dùng
La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn (1906 -
1996), xuất bản ở Hà Nội trước đó. Lý do là vì nhiều đoạn không có lợi nếu không nói là có hại cho Đảng Cộng sản hiện đang cầm quyền đã bị loại bỏ. Có những từ ngữ đã bị sửa hay được thêm vô thay vì để đúng như ghi trong băng thâu theo lời Hoàng Xuân Hãn. Đây là một thí dụ liên hệ tới việc sử dụng tài liệu xuất xứ từ một chế độ cộng sản mà các nhân chứng khi viết hồi ký đã trở thành nạn nhân mà không cải chính được. Cũng cần phải để ý là trong thời gian được gọi là cách mạng này, người cộng sản đã triệt để sử dụng đường lối tuyên truyền kèm theo với bạo lực để đạt mục tiêu. Từ ngữ
võ trang tuyên truyền đã nói lên sự hiện diện của bạo lực này. Sau đó khi chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh được thành lập, người ta thấy có Bộ Tuyên truyền với Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng mà Trần Huy Liệu thì là người đã ngụy tạo ra anh hùng Lê Văn Tám theo như tiết lộ của một giáo sư sử học nổi tiếng và uy tín nhất trong giới sử học ở trong nước hiện tại. Cũng chính Trần Huy Liệu sau này đã trở thành Viện trưởng Viện Sử học Hà Nội và là giáo sư sử học.
Trước hết là về con người của Bảo Đại. Ai cũng biết là ông này đã được cho sang Pháp du học, nhưng bình thường người ta vẫn nghĩ rằng một hoàng tử, sau này bị coi là ham ăn chơi, vô trách nhiệm, thì học hành chỉ là để lấy lệ. Nhưng Hoàng Xuân Hãn lúc đó vì cũng du học ở Pháp và ở gần nhà Bảo Đại nên
"thỉnh thoảng được mời lên chơi, gặp để khuyến khích ông Bảo Đại học lúc ấy. Tôi còn nhớ, nhiều khi lên ông ấy hỏi một bài toán gì đấy. Tôi giúp ông ấy như thế. Ông ấy rất dễ thương, lúc ấy là một người con giai còn trẻ đẹp, học hành cũng không phải là dốt đâu; qua những câu hỏi tôi biết rằng là người có học cả."
[5] Điều nên để ý là Hoàng Xuân Hãn giúp Bảo Đại về toán, còn Bảo Đại sau này học về chính trị học để về nước làm vua. Đó là thời đi học. Đến thời Bảo Đại làm vua, Hoàng Xuân Hãn lại có dịp gặp Bảo Đại hai lần nữa trước khi được tiếp xúc và tham gia chính phủ Trần Trọng Kim. Lần đầu vào năm 1934, tức hai năm sau khi Bảo Đại lên ngôi và thực hiện một số cải cách nhưng bị người Pháp ngăn cản và bị thất bại, để đưa quà của ông Charles cho Bảo Đại. Lần thứ hai vào khoảng năm 1942, 43 để tặng sách, cuốn
Danh từ khoa học. Lần thứ nhất
"ông tiếp tôi. Ông ấy ngồi ì không nói một tiếng nào, hay cứ nói tiếng một như thế. Sau rồi tôi nói với ông: Tôi ở Pháp về, chưa chắc đã ở lại được đâu. Ông hỏi tại sao, tôi cũng nói: Bên này, chính người Pháp nói với tôi: Về đây ông bị đè nén, không có thể làm việc được. Nhưng mà người thanh niên Việt Nam, nhiều người nhìn vào ngài, về cải cách này, cải cách kia, thì phải làm cái gì, chứ mà ai cũng để ý tới tới nhất là thanh niên Việt Nam. Ông ấy chỉ giả nhời tôi một câu, lúc ấy ông chỉ nói: Làm thì làm với ai? Làm với ai? Tôi cũng nói qua là hiện bây giờ họ có đưa ông Phạm Quỳnh, ông Ngô Đình Diệm về đấy. Ông ấy cũng cười. Ông cười. Ông ấy lắc đầu rồi thôi. Ông không nói câu nào nữa cả.” Lần thứ hai,
"Thấy bộ ông ấy buồn lắm. Trông ông ấy buồn lắm và ông ấy không dám nói một cái gì hết cả. Mà hồi ấy, người Nhật đã ở đấy nhiều rồi đấy. ông ấy chỉ cám ơn, thế thôi."
[6] Im lặng, không nói gì, buồn lắm, Làm thì làm với ai? Làm với ai? Đây là tâm sự của một vị vua muốn làm nhưng không ai là người cộng sự và cộng sự tốt, luôn luôn bị bao vây bởi người Pháp sau thêm người Nhật và phải đề phòng những kẻ gần gũi với mình. Người viết bài này không hiểu Bảo Đại có dịp đọc Lão Tử hay không, nhưng thái độ này là một cách sinh tồn tốt nhất. Nó phù hợp với câu nói của Trần Trọng Kim về vị vua này với Hoàng Xuân Hãn và được Hoàng Xuân Hãn kể lại:
"Cái thằng Bảo Đại nó ngốc lắm, gặp nó làm gì?” và Hoàng Xuân Hãn trả lời:
“Mình nghe tiếng thì thế, mà sự thực chưa chắc đã thế đâu. Cụ có thì giờ thì cụ cứ gặp đi, rồi cụ hãy nói sau." Kết quả của cuộc gặp mặt là khi ra Trần Trọng Kim đã nói với Hoàng Xuân Hãn rằng:
“Lạ lắm!"... “Tôi vào gặp ông Bảo Đại, nghĩa là ông ấy biết hết cả các chuyện chứ không phải ngốc như người ta nói. "
[7] Còn chính Trần Trọng Kim thì viết rằng
"Từ trước tôi không biết vua Bảo-Đại là người như thế nào. Vì trong thời bảo hộ của nước Pháp hình như ngài chán nản không làm gì cả, chỉ săn bắn và tập thể thao. Hôm mùng bảy tháng tư tôi vào yết kiến thấy có vẻ trang nghiêm và nói những điều rất đúng đắn.” [8] Những điều đúng đắn đó là gì? Trần Trọng Kim kể tiếp:
"Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, Nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ lập thành một chính phủ để lo việc nước.” [9] Nhận định này của Bảo Đại phản ảnh rõ rệt quan điểm của ông và việc ông làm để đối phó với tình hình lúc bấy giờ. Nó là quan điểm của đa số những trí thức nổi tiếng đương thời trong đó có Phan Anh mà ta sẽ xét tới trong phần sau.
Để hiểu đầy đủ nhận xét này, ta cần nhớ là Trần Trọng Kim mới ở Tân Gia Ba [Singapore] về và chắc chắn biết rõ những gì đang xảy ra trên thế giới vào thời điểm này. Cũng vậy với sự kiện Bảo Đại gửi thư cho các vị lãnh đạo của Mỹ và của Pháp. Câu hỏi được đặt ra là làm sao Bảo Đại ở trong cung mà lại có thể biết hết các chuyện như vậy được? Một giả thuyết đương nhiên phải được đặt ra. Đó là qua người Nhật. Người viết sẽ trở lại vấn đề này trong một bài khác.
Bây giờ ta xét tới trường hợp Phan Anh. Vị Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong chính phủ Trần Trọng Kim và sau là bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong chính phủ liên hiệp của Hồ Chí Minh này xuất thân là một luật sư hành nghề ở Hà Nội và là một trong những trí thức chủ trương
Nguyệt san Thanh nghị, thường được gọi là Nhóm Thanh nghị.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho sử gia Na Uy Stein Tonnesson, để đáp lại câu hỏi
“các ông nghĩ thế nào mà lại nhận lời mời của Bảo Đại", Phan Anh cho biết có hai mục tiêu. Thứ nhất là để đuổi người Pháp vẫn còn được người Nhật giữ trong bộ máy hành chánh thời đó ra khỏi bộ máy này và thứ hai, tạm thời làm việc với người Nhật nhưng giữ trung lập, không là "đồng tác giả" (co-auteurs), không là "kẻ hợp tác." Đây là nguyên văn câu trả lời của ông:
“Lúc ấy, những công chức người Pháp vẫn tiếp tục làm việc. Nhưng họ có mưu mô. Ngoan ngoãn cúi đầu trước Nhật. Thâm ý là chờ đợi xem thế nào? Chờ đợi một cách tích cực. Cụ thể là: Chịu sự sai bảo của ông chủ mới để được ngồi lỳ trong bộ máy hành chánh. Trong phủ Toàn quyền, trong phủ Thống sứ: toàn là người Pháp. Họ đã mất con bài chính trị, thì phải giữ con bài hành chính. Để làm gì? Thế đấy! Hai khả năng: Hoặc Nhật sẽ bại trận, thì người Pháp cần giữ bộ máy hành chính để rồi đặt lại nền thống trị; hoặc trái lại người Nhật còn ở lại, thì ổn rồi người Pháp cứ tiếp tục, với sự giúp đỡ của chính quốc, tiếp tục nắm một mảnh nhỏ quyền hành. Trong hai khả năng ấy thì khả năng thứ nhất hiện thực hơn. Chắc chắn Nhật chóng hay chầy sẽ đầu hàng. Giữ chặt các chức vụ hành chánh để còn có vai trò trong tương lai. Bên cạnh trận địa hành chánh, lại còn trận địa kín nữa chứ. “Tôi với tư cách người yêu nước, tôi đã quan sát tình hình ấy. Chúng tôi không muốn bị cả người Pháp lẫn người Nhật đánh lừa mình. Nhóm trí thức chúng tôi không phải một đảng mà là một nhóm, chúng tôi nghĩ rằng nhiệm vụ cấp bách là phải đuổi bọn Pháp ra khỏi bộ máy hành chính. Chúng tôi huy động sinh viên, thanh niên công chức làm việc đó. “Khẩu hiệu thứ hai của chúng tôi là tạm thời ngồi làm việc với người Nhật, nhưng không là “
đồng tác giả"
(co-auteurs), không phải là “kẻ hợp tác" với họ; phải giữ thế trung lập."
[10] Đối chiếu nhận định này với nhận định của Bảo Đại trong cuộc trao đổi giữa nhà vua và Trần Trọng Kim và với bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 11.3.1945 của vị Hoàng đế thiếu may mắn và có thể nói là bất hạnh này, người ta thấy có nhiều điểm giống nhau cũng như những nỗ lực thu hồi các cơ sở hành chính lại cho chính phủ Nam Triều.
Về bản chất của chính phủ Trần Trọng Kim, khi được hỏi 'là chính phủ này có phải là chính phủ bù nhìn không" Phan Anh đã khẳng định:
”Lấy tư cách là thành viên của chính phủ Trần Trọng Kim, tôi nói với ông rằng chúng tôi tuyệt đối không có ảo vọng gì về người Nhật. Tình thế đã dứt khoát rồi. Phải là kẻ điên mới đi hợp tác với Nhật. Có những người điên, nhưng chúng tôi là trí thức, chúng tôi tham gia chính phủ là để phụng sự. Chính với chính sách ấy mà chúng tôi đã thành lập chính phủ với khẩu hiệu như vừa nói là: Đuổi cổ bọn Pháp và nắm lấy độc lập.” [11] Với nhận định này và để giữ thế trung lập, trong chính phủ Trần Trọng Kim đã không có Bộ Quốc phòng. Phan Anh giải thích:
"Trong chính phủ Trần Trọng Kim có một bộ mà chúng tôi phải suy nghĩ nhiều: Bộ “Quốc phòng" hay Bộ “Quân lực" hoặc Bộ “Chiến tranh”. Chính vì muốn giữ thế trung lập mà chúng tôi đã quyết định không có Bộ Quốc phòng. Người Nhật muốn có bộ ấy để lôi chúng tôi đi với họ. Thay bộ ấy, chúng tôi lập Bộ Thanh niên."
[12] Cần để ý là trong suốt cuộc phỏng vấn, Phan Anh luôn luôn dùng nhân xưng đại danh từ chúng tôi và để chỉ mình ông dùng tiến tôi. Cách thức làm việc quan niệm và tư cách của Phan Anh được biểu lộ qua chi tiết này. Phan Anh đã không đặt cái tôi lên trên tập thể trí thức mà ông chỉ là một.
Về những ngày cuối của chính phủ Trần Trọng Kim và những nỗ lực của chính phủ này cũng như của Hoàng đế Bảo Đại, Phan Anh đã nhận định và kể lại:
“Chính phủ Trần Trọng Kim với tất cả bộ trưởng cùng theo đuổi một mục đích như tôi; đã tự vạch ra đường lối chung cho mình mà tôi vừa phác lại để ông thấy rõ. Chính phủ ấy khi ra đời đã tự coi như một mắt xích lâm thời, tôi có thể nói hẳn ra là, theo tôi nhận định, như một công cụ phục vụ cho sự nghiệp giành độc lập. Chúng tôi đã tự coi không phải là những người'
lãnh đạo phong trào, lãnh đạo đất nước, mà là những công cụ, những tay chân của công cuộc đấu tranh dân tộc. Và do đó sự chuyển tiếp từ chính phủ Trần Trọng Kim đến nền cộng hòa trong Cách mạng tháng Tám diễn ra một cách tự nhiên suôn sẻ nữa cơ. Tôi có thể nói với ông rằng với tư cách bộ trưởng, chúng tôi trăm phần trăm ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả, kể cả Thủ tướng Trần Trọng Kim. Đã có sự nhất trí toàn vẹn, sâu sắc về sự chuyển tiếp ấy. Đấy tôi khẳng định như vậy đấy. Nhưng cũng phải có chứng cớ. Đây chứng cớ: Ngay ngày hôm sau mà chính phủ Nhật tuyên bố đầu hàng thì chính phủ Trần Trọng Kim đệ đơn từ chức lên nhà vua và thông báo tin ấy cho tất cả các tỉnh, đồng thời nói ý định của mình nói sẵn sàng giao quyền cho quốc dân (người viết bài này đánh máy đậm). Cụ thể hơn nữa, Chính phủ gửi thông điệp cho các nhân vật ghi trong thông điệp cho các nhân vật đại diện cho tất cả các giới và các địa phương, mời đi Huế để nghiên cứu vấn đề thành lập một chính phủ mới. Trong số các nhân vật ghi trong thông điệp, tôi nhờ có hai vị mà ai cũng biết thuộc tổ chức Việt Minh. Đó là hai bạn tôi, anh Bùi Công Trừng một nhà cách mạng và cộng sản trứ danh và anh Lê Văn Hiến, sau này trở thành Bộ trưởng Tài chính. Hai nhân vật thuộc miền Nam. Lẽ dĩ nhiên thông điệp trên đã không có thể chấp hành được, bởi vì Việt Minh chủ trương khác. Phong trào do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã khởi động (người viết bài này dành chữ đậm)."
[13] Nhưng ít nhất Phan Anh cũng là một trong những người mang thông điệp này ra Bắc và nửa đường thì ông đã bị Việt Minh bắt, theo báo cáo của những người bắt ông, như là một đại Việt gian.
Trên đây là một số chi tiết liên hệ tới một biến cố vô cùng lớn lao và vô cùng quan trọng. Biến cố này đã làm thay đổi hoàn toàn sự diễn tiến của lịch sử dân tộc Việt Nam về đủ mọi phương diện. Đường lối được gọi là cách mạng hiểu theo nghĩa đơn giản ban đầu bởi người dân bình thường và ngay cả những trí thức yêu nước và luôn cả Bảo Đại khi ông thoái vị, đã không được giữ như mọi người mong muốn. Mặt trận Việt Minh ngay từ đầu đã chủ trương cướp chính quyền để thực hiện cách mạng theo đường lối riêng của họ. Họ "có chủ trương khác" theo Phan Anh. Đó không phải là chủ trương và đường lối của Hoàng đế Bảo Đại khi còn ở ngôi cũng như của đa số các trí thức và những người trẻ đương thời, điển hình là những người tham gia chính phủ Trần Trọng Kim, những người không phải chỉ là xu thời mà có những cái nhìn rất rõ rệt và thực tế về tình hình Việt Nanh ở thời điểm đương thời đã suy nghĩ và hành động nhất trí từ đầu cho đến chót, đã thực hiện được những thành quả vô cùng quan trọng trong phạm vi nội trị và luôn cả đã giữ cho người Việt và nhất là giới thanh niên đứng ngoài cuộc chiến đã đến ngày tàn của người Nhật, khỏi phải chết oan uổng và mang tiếng là theo phe bại trận. Đây không phải là một việc làm đơn giản và dễ dàng. Những cố gắng của Trần Trọng Kim, Phan Anh, nói riêng và cả chính phủ đương thời, đứng sau là Hoàng đế Bảo Đại phải được ghi nhận khi người ta nói tới những thành quả họ đã đạt được trong một thời gian ngắn ngủi kỷ lục mà họ lãnh trách nhiệm lèo lái đất nước vào thời điểm vô cùng khó khăn tế nhị đó
. Sự tế nhị này có thể được thấy rõ một phần nào nếu người ta để ý tới cuộc tiếp kiến Tsuchihashi Yuichi của Bảo Đại vào cuối tháng 5.1945, khi viên tướng Tổng Tư lệnh quân đội Nhật ghé qua Huế, ở hoàng cung và yêu cầu nhà vua hạ lệnh động viên, coi như một hành động biểu lộ sự hỗ trợ Thiên hoàng với chủ trương Đại Đông Á cùng cách trả lời vừa khéo léo vừa khẳng định quyền tự do nhận định về quyền lợi của đất nước và dân tộc mình.
[14]
[1]Phạm Cao Dương, “Sau 60 năm nhìn lại: 19/8/1945 – 2/9/1945 – Cách mạng hay cướp chính quyền? - Lịch sử nào cho tuổi trẻ học đường Việt Nam?” http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=31639&z=12. (BT)
[2]Tr. 443-445; tái bản bổ sung năm 2000, NXB Văn học, Hà Nội, đổi tên là
Hồi ký Thanh Nghị, bài này bị bỏ (chú thích của Thụy Khuê).
[3]Califomia: Văn Nghệ, 2002, tr. 125-169 và 171-182.
[4]Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục, 1998, tr. 370-378.
[5]Thụy Khuê, sđd
, tr. 126.
[6]Thụy Khuê, sđd, tr. 128.
[7]Thụy Khuê, sđd, tr. 133.
[8]Một cơn gió bụi, sđd, tr. 49.
[9]Một cơn gió bụi, sđd, tr. 51.
[10]Thụy Khuê, sđd, tr. 178-174.
[11]Thụy Khuê, sđd, tr. 174.
[12]Thụy Khuê, sđd, tr. 174 - 175.
[13]Thụy Khuê, sđd, tr. 180 - 181.
[14]S.M. Bao Dai.
Le Dragon d’annam. Paris, Plon, 1980. tr. 108-109.