trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcCác giải thưởng văn học
27.11.2006
Joseph Hanimann
Một thí dụ về sự nhúng tay của nhà xuất bản
Trần Kh. dịch
 
Trong vòng tám năm, nước Pháp - cường quốc văn chương bậc trung - đã sản sinh ra được hai ngôi sao văn học cỡ quốc tế - sau Michel Houellebecq giờ đến lượt Jonathan Littell, người cũng vừa đoạt giải Goncourt với cuốn tiểu thuyết Les Bienveillantes vào ngày thứ Hai này. Trong những khúc hát đầy sức quyến rũ của guồng máy văn chương Paris - và cái bộ máy này luôn thành công trong việc tạo ra những khúc hát như thế - có lẫn cả tiếng rên và tiếng ầm sập cửa, chính chúng cũng là một phần của giai điệu. Có điều lần này giai điệu vang lên thật ầm ĩ.

Sau khi công bố giải tiểu thuyết Femina cho Nancy Huston hôm thứ Hai vừa rồi, bà Diane de Margerie, chủ tịch ban giám khảo, đã báo cho nữ đồng nghiệp Madeleine Chapsal của bà biết: Bà Chapsal có thể chọn lựa - hoặc tự động rút khỏi ban giám khảo hoặc sẽ bị khai trừ. Trong cuốn sách vừa mới phát hành có tên Journal d'hier et aujourd'hui (Nhật ký của hôm qua và hôm nay), nữ văn sĩ Chapsal đã tiết lộ chuyện những lá bài được chia trước như thế nào trong phiên họp của ban giám khảo giải Femina năm vừa rồi. Các quí bà của giải Femina cảm thấy đấy là một sự thóc mách không thể chấp nhận được: Chapsal đã bị khai trừ. Chỉ có Régine Deforges, nữ đồng sự trong ban giám khảo, đã phản đối cái "biện pháp stalinít" này và cũng rút khỏi ban giám khảo ngay tại chỗ. Nghe đâu nữ sử gia Mona Ozouf đã khóc, nữ văn sĩ Claire Gallois thì xấu hổ ngồi hút thuốc trong một góc lúc đang biểu quyết. Còn tám bà khác thì nhất trí khai trừ bà Chapsal.


Một đòn thâm độc của người lãnh đạo nhà xuất bản Fayard?

Làm như thể như thế vẫn chưa đủ, đúng vào ngày công bố hai giải GoncourtRenaudot hôm nay, hai tập nhật ký di cảo của Jacques Brenner, nhà văn và đồng thời cựu thành viên ban giám khảo, xuất hiện. Chuyện bếp núc của các giải thưởng (La cuisine des prix, Journal: 1980-1993) là tên của một trong hai tập nhật ký; cuốn sách dày hơn bảy trăm trang kể lại với độ chính xác chi tiết một cách bất thường những gì đã xảy ra trong các ban giám khảo. Cuốn sách được phát hành bởi nhà Pauvert, một chi nhánh của nhà xuất bản Fayard. Người ta nghi ngờ rằng đây là một đòn thâm độc của Claude Durant, người lãnh đạo nhà xuất bản Fayard, mùa thu năm ngoái ông ta đã để hụt mất cái giải Goncourt dự tính trao cho Houellebecq, tác giả mà họ đã mua với một giá cực đắt.

Việc công bố cuốn Journal của Jacques Brenner là một sự kiện - không phải vì tầm quan trọng của tác giả cuốn sách, mà vì đó là một thí dụ tiêu biểu cho việc văn chương đã được "làm ra" như thế nào. Brenner - đã qua đời cách đây năm năm - tên thật là Jacques Meynard và cả đời là biên tập viên cho các nhà xuất bản, chủ yếu cho nhà Grasset, là nhà phê bình văn học cho nhiều cơ sở truyền thông khác nhau, là tác giả tiểu thuyết và sách kiến thức, và là thành viên ban chấm giải Renaudot từ năm 1986: đây là một trường hợp điển hình để ta thấy ở Paris người ta tích tụ cùng một lúc nhiều chức năng như thế nào. Với tư cách là phê bình gia thì ông là một người có kiến thức uyên bác thuộc hàng phi thường, với vai trò biên tập viên thì ông chịu trách nhiệm cho đến phút chót công việc sơ tuyển những bản thảo hằng ngày được gởi đến nhà Grasset. Và với tư cách con người thì ông là một kẻ thù ghét loài người và cũng tự khinh bỉ chính bản thân mình, một người luôn phải đấu tranh với sự túng thiếu tiền bạc, những triệu chứng bệnh tật, với những hàng xóm ồn ào, với sự không được công nhận đúng mức, và chỉ có một niềm vui duy nhất trong cuộc sống là ngày ngày dẫn chó đi dạo ở vườn Tuilerie.


Mỗi thành viên ban giám khảo đều phục vụ cho một nhà xuất bản

"Ông muốn nhận được Giải thưởng lớn về văn chương của Viện Hàn lâm (Académie Française) hay là ông thích cái Viện này cấp cho ông một căn hộ để làm việc hơn?" - một buổi sáng nọ, vị sếp của ông ở nhà Grasset đã hỏi ông như thế qua điện thoại và nói là ông ta có thể vận động để đạt được cả hai điều này. Brenner đã biết quá rõ các trò này. Cái lý lẽ chính cho việc phát Tiền thưởng Bảo trợ Goncourt cho nhà văn Claude Roy là cuộc giải phẫu mà ông ta vừa mới trải qua vì bệnh ung thư, Brenner đã tung cái tin đồn về những suy đoán của người trong cuộc như thế vào tháng 12 năm 1984. Vậy mà suốt nhiều năm ông vẫn làm mọi cách để vào bằng được ban giám khảo giải Renaudot, bởi ông biết rằng: chỉ có điều đó mới cải thiện được cuộc sống cá nhân của ông.

Dù rất khốn khổ vì cái số lượng khổng lồ của các bản thảo được gửi đến nhà Grasset, ông luôn biết rõ là mình không thể giao bớt việc cho hai đồng nghiệp Alain Bosquet và Marcel Schneider cùng làm việc tại đấy, bởi hai vị này là những thành viên ban giám khảo, được trả lương để gây ảnh hưởng đối với các giải, chứ không phải để đọc bản thảo."Ta có còn nên đong đưa mơ mộng một lần nữa hay không? Được vậy thì ta sẽ không còn lo lắng nhiều ở tuổi đời này của ta nữa", ông còn viết như thế một năm trước khi ông được thu nạp vào ban giám khảo giải Renaudot. Đồng thời ông cũng tự thấy khinh bỉ mình vì chính ông cũng tham gia vào cái trò chơi quyền lực nho nhỏ này: "Chính ta trở thành một thí dụ cho sự nhúng tay của các nhà xuất bản, nhưng ít hay nhiều thì mỗi thành viên ban giám khảo đều phục vụ cho một nhà xuất bản." Có chừng bốn tá văn sĩ, được đề bạt làm thành viên ban giám khảo - đa phần là trọn đời - ngồi trong các ban giám khảo giải Goncourt, Renaudot, Médicis, Femina, Interallié, lo sao cho các giải thưởng thường được chia theo nhà xuất bản hơn là cho tác giả. Trong vòng bầu đầu tiên quí vị hãy bỏ phiếu cho cuốn sách mà mình ưa thích nhất, trong các vòng kế tiếp thì phiếu bầu là dành cho nhà xuất bản của quí vị! - tổng biên tập Yves Berger của nhà Grasset đã chỉ thị như thế.


Để cảm ơn: Một cuốn tiểu thuyết dục tình "xoàng xĩnh"

Những thí dụ khác: Để cám ơn việc Alain Robbe-Grillet, thành viên ban giám khảo giải Médicis, đã bỏ phiếu cho Bernard-Henry Lévy - tác giả của nhà Grasset - nhà xuất bản này đã in một cuốn tiểu thuyết dục tình, mà theo đánh giá của Brenner là "xoàng xĩnh", cho vợ của Robbe-Grillet. Hai năm sau, khi giải Goncourt được trao cho Tahar Ben Jelloun với tiểu thuyết Đêm thiêng (La nuit sacrée - nxb Seuil), tác giả quyển nhật ký Chuyện bếp núc... đã ghi như sau: Phe Lobby đối nghịch đã tìm mọi cách để phần thắng nghiêng về Guy Hocquenghem, cho đến lúc nhà văn Daniel Boulanger lái sang giải pháp chọn Ben Jelloun và hô lên: "Ông ta là người Ma-rốc, tôi bỏ phiếu cho khu vực francophone". Quyển nhật ký này tiết lộ rõ những phiếu bầu với đầy đủ tên tuổi và số tiền chi trả rõ ràng đến từng con số cho các nhà văn đã làm xong nhiệm vụ, hoặc là những bản thảo được hứa hẹn in. Những thoả thuận giữa các nhà xuất bản đôi lúc trở nên phức tạp bởi lịch hẹn cho những buổi họp bình bầu giải thưởng. Cho đến phút cuối người ta còn nghi ngờ là buổi họp xét giải Goncourt có thể được dời đến thời điểm sớm hơn, để "giá trị chuyển đổi" của những lá phiếu cho Jonathan Littell - trước đó đã nhận giải tiểu thuyết của Académie Française - không bị giảm xuống thêm vì những giải kế tiếp.

Những trò dối trá trong hậu trường tuy thế vẫn không thể làm giảm giá trị của sinh hoạt văn chương Pháp một cách nghiêm trọng, bởi vì sự thông minh và trí tuệ cũng cùng nhập cuộc. Đời-thường-văn-sĩ lấp lánh ngay sát lằn ranh của sự mạt hạng của Brenner trong cuốn nhật ký này trông có vẻ chán nản bao nhiêu, thì những giai thoại kể lại trong đó lại xuất hiện một cách thơ thới bấy nhiêu. Thí dụ như chuyện bất ngờ trong buổi tiếp tân chiêu đãi Ernst Jünger [1] tại Paris mùa hè năm 1985: Chính trị gia Le Pen của đảng cực hữu Front National thình lình xuất hiện. Nhưng cả hai không trao đổi với nhau một lời nào, "hoặc Jünger cố tình né ông ta hoặc ông hoàn toàn không biết tay đó là ai". Thật là hay, khi người ta ít biết rõ về nhau hơn một chút.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas



[1]Ernst Jünger (1895-1998): Một trong những nhà văn Đức quan trọng nhất của thế kỉ 20. Tác phẩm của ông gây nhiều tranh cãi và chưa được đánh giá thống nhất. Phê phán khá phổ biến đối với Ernst Jünger là cho rằng tác phẩm của ông có khuynh hướng thần tượng hoá bạo lực và cổ xuý những tư tưởng cực hữu (chú thích của talawas).