Má»™t số nháºn xét vá» bản dịch "Hạt cÆ¡ bản" của Cao Việt DÅ©ng
Đọc
bài trả lời khá tự tin ở khả năng-quan niệm dịch thuật của Cao Việt Dũng sau
bài phê bình của Khánh Hội, tôi liên tưởng đến bản dịch cuốn
Hạt cơ bản (Michel Houellebecq) cũng của Cao Việt Dũng mà tôi được đọc trong Tủ sách talawas đã khá lâu và phát hiện khá nhiều chỗ khác biệt so với bản (dịch) tiếng... Đức
[1] mà tôi đã đọc trước đó. Đọc bản tiếng Đức, đơn giản vì tôi tuy có lõm bõm một chút tiếng Pháp nhưng không thạo bằng tiếng Đức.
Hôm nay tôi xin được làm công việc hơi lạ lùng là so sánh hai bản dịch ở hai ngôn ngữ khác nhau của một tác phẩm từng gây dư luận một thời. Khác biệt tôi muốn đề cập ở đây không nằm ở cách dùng từ, mà ở ý nghĩa của một số câu chữ. Khi chưa thấy mặt mũi bản gốc tiếng Pháp, tôi không dám khẳng định bản dịch tiếng Đức của U. Wittmann là chuẩn hơn bản tiếng Việt của Cao Việt Dũng để có thể bị mắng là trọng Tây khinh ta. Nhưng nhất định là trong hai cụ, Cao Việt Dũng và Uli Wittmann, thế nào cũng có một cụ dịch không chuẩn, ngay từ những dòng và trang đầu tiên của cuốn sách. Tuy nhiên tôi cũng phải thú thực rằng ở những chỗ tôi thấy tối nghĩa hoặc đôi lúc ngô nghê trong lúc đọc bản dịch của Cao Việt Dũng, khi đối chiếu với bản tiếng Đức thì bỗng nhiên như thấy "mặt trời chân lý chiếu qua... t(ch)im". Tại sao lại có... chim ở đây? Vì trong các ví dụ tôi sắp nêu dưới đây, chim xuất hiện hai lần ở hai ngữ cảnh hoàn toàn khác nhau, một lần thì chim (biết bay) bị nhầm với người, một lần khác thì chim (biết cương) xuất hiện vì có một cậu bé bị người khác (!)... tụt quần string và chim cậu bé có một khả năng đáng kinh ngạc là "khiến bầu không khí dâng lên đầy rạo rực", xin kiên nhẫn đọc phần đối chiếu ở dưới.
Để tiện đối chiếu những khác biệt, trước hết tôi dẫn đoạn liên quan trong bản dịch của Cao Việt Dũng đăng trên talawas (tập trung trong chừng mười mấy trang mở đầu, vì tôi đã không có đủ thời gian để so sánh hết cả cuốn sách) và in đậm những chỗ mà tôi cho là có cái gì đó không ổn (bản a). Tiếp theo, tôi dịch lại và cũng in đậm nhưng nghiêng đoạn không ổn này theo bản... tiếng Đức và cố gắng giữ theo mạch văn của Cao Việt Dũng (bản b). Xin cho phép tôi được... tự tin về việc dịch đúng câu chữ tiếng Đức của U. Wittmann và vì thế không cần dẫn thêm phần tiếng Đức có thể chỉ làm rối mắt người đọc (mà phần lớn có lẽ không sử dụng tiếng Đức). Vả lại những khác biệt tôi nêu ra dưới đây sẽ được dễ dàng và nhanh chóng làm rõ bởi những cụ sành tiếng Pháp và trong tủ sách các cụ có sẵn cuốn sách đang được nhắc đến. Tôi rất tò mò muốn nghe ý kiến của các cụ, để biết bản dịch của một nhà xuất bản lớn của Đức chính xác đến mức nào. Xin cám ơn trước!
Ngoài ra phải nói thêm đôi lời, những nghi vấn của tôi đối với bản dịch của Cao Việt Dũng không hề làm suy suyển lòng mến mộ của tôi đối với những người chịu khó âm thầm đánh vật với từng con chữ, cặm cụi dịch thuật văn chương xứ người sang tiếng ta và thảy lên mạng cho thiên hạ đọc... chùa như Cao Việt Dũng. Một công việc nhiều lúc quả là bạc bẽo, dịch hay thì thường chẳng có mấy ai khen, nhưng có khiếm khuyết thì thường là bị kêu ra mắng ngay. (Đời là bể) Khổ như thế đấy!
Phần đối chiếu
1.
a. Bản dịch của Cao Việt Dũng: Cuốn sách này trước hết là câu chuyện của một con người đã sống phần lớn cuộc đời mình ở Tây Âu nửa sau thế kỷ XX.
Dù thường xuyên cô độc, ông vẫn có mối quan hệ mật thiết với những người khác. Ông đã sống qua thời kỳ bất hạnh và biến động. Ðất nước nơi ông sinh ra
rung chuyển lần lần, nhưng không thể đảo ngược, trong vùng kinh tế của những nước
phát triển hạng trung...
b. Bản dịch của Trần Khải từ bản tiếng Đức của U. Wittmann: Cuốn sách này trước hết là câu chuyện của một con người đã sống phần lớn cuộc đời mình ở Tây Âu nửa sau thế kỷ XX -
thường là cô độc, dù thỉnh thoảng ông vẫn có quan hệ với những người khác. Ông đã sống qua một thời kỳ bất hạnh và đầy biến động. Đất nước nơi ông ra đời
trượt từ từ, nhưng chẳng thể nào tránh khỏi, vào vùng kinh tế của những nước
nửa nghèo đói...
2.
a. Bản dịch của Cao Việt Dũng: Khi chết đi, Michel Djerzinski
trước hết được nhìn nhận như một nhà sinh học,...
b. Bản dịch của Trần Khải từ bản tiếng Đức của U. Wittmann: Khi ông chết, Michel Djerzinski
được nhất trí nhìn nhận như một nhà sinh học thuộc hàng ưu tú nhất,...
3.
a. Bản dịch của Cao Việt Dũng: Vào thời của Djerzinski, người ta thường nghĩ triết học không có giá trị thực tiễn, thậm chí không có
mục đích.
b. Bản dịch của Trần Khải từ bản tiếng Đức của U. Wittmann: Vào thời của Djerzinski, người ta thường nghĩ triết học không có giá trị thực tiễn, thậm chí không có
đối tượng.
4.
a. Bản dịch của Cao Việt Dũng: Khi Thiên chúa giáo xuất hiện, Ðế chế La Mã đang ở đỉnh cao sức mạnh; được tổ chức hết sức chặt chẽ, nó thống trị toàn bộ
vũ trụ được biết đến...
b. Bản dịch của Trần Khải từ bản tiếng Đức của U. Wittmann: Khi Thiên chúa giáo xuất hiện, Ðế chế La Mã đang ở đỉnh cao sức mạnh; được tổ chức hết sức chặt chẽ, nó thống trị toàn bộ
thế giới được biết đến...
5.
a. Bản dịch của Cao Việt Dũng: Chiếc tủ lạnh hiệu Brandt xếp đầy những chai sâm banh
đặt giữa đám túi phôi đông lạnh; nó hơi oằn xuống dưới sức nặng của đống chai...
b. Bản dịch của Trần Khải từ bản tiếng Đức của U. Wittmann:
Đứng lọt giữa những tủ đông lạnh dùng bảo quản phôi thai, và hơi bị áp đảo bởi số lượng lớn của chúng là một tủ lạnh hiệu Brandt bên trong có chứa những chai sâm banh...
6.
a. Bản dịch của Cao Việt Dũng: Một nghiên cứu viên trẻ mới đến hồi đầu năm, rậm râu và trông khá ngu xuẩn, sau vài phút đã cáo từ, viện lý do
phải đi sửa xe. Một nỗi bồn chồn ngày càng rõ rệt dần xâm chiếm những người khách - đã sắp đến kỳ nghỉ hè. Vài người sẽ
đến nhà người thân nghỉ ngơi, một số khác sẽ
đi du lịch sinh thái. Những câu nói chầm chậm
rơi lộp độp trong bầu không khí.
b. Bản dịch của Trần Khải từ bản tiếng Đức của U. Wittmann: Một nghiên cứu viên trẻ mới đến hồi đầu năm, rậm râu và trông khá ngu xuẩn, sau vài phút đã cáo từ, viện lý do
có khó khăn với chỗ đậu xe. Một nỗi bồn chồn ngày càng rõ rệt dần xâm chiếm những người khách - đã sắp đến kỳ nghỉ hè. Một số người sẽ
về nhà nghỉ của gia đình mình ở nông thôn, những người khác sẽ
hưởng kỳ nghỉ hè giữa thiên nhiên cây cỏ. Những lời trao đổi
vẳng lên chầm chậm trong không khí.
7.
a. Bản dịch của Cao Việt Dũng: Một hôm, anh thả con chim ra khỏi lồng. Sợ quá, nó ỉa xuống đi văng và lao vào chấn song để tìm
lối ra. Một tháng sau,
nó lặp lại ý đồ đó. Lần này nó bị ngã khỏi cửa sổ.
Yếu đi ít nhiều vì cú ngã, con chim
đành đậu xuống ban công một căn hộ thấp hơn năm tầng của tòa nhà đối diện.
b. Bản dịch của Trần Khải từ bản tiếng Đức của U. Wittmann: Một hôm, anh thả con chim ra khỏi lồng. Sợ quá, nó ỉa xuống đi văng và lao vào chấn song để tìm
lối vào lồng. Một tháng sau,
anh lại thử thả nó ra một lần nữa. Lần này thì chú chim tội nghiệp bị ngã khỏi của sổ.
Nó gắng hết sức để hãm lại cú ngã và rốt cuộc
khó nhọc lắm mới đậu được, năm tầng thấp hơn, trên ban công của ngôi nhà đối diện.
8.
a. Bản dịch của Cao Việt Dũng: Rồi anh thay thức ăn, nước và
rơm độn trong lồng. Nhưng tối đó, đón chờ anh là sự yên lặng. Anh lại gần cái lồng: con chim đã chết. Cơ thể nhỏ bé màu trắng của nó đã lạnh ngắt
giữa đám rơm và sỏi.
b. Bản dịch của Trần Khải từ bản tiếng Đức của U. Wittmann: Rồi anh thay thức ăn, nước và
cát lót đáy lồng. Nhưng tối đó, đón chờ anh là sự yên lặng. Anh lại gần cái lồng: con chim đã chết. Cơ thể nhỏ bé màu trắng của nó đã lạnh ngắt
nằm nghiêng trên những hạt cát.
9.
a. Bản dịch của Cao Việt Dũng: Bữa tối của anh là
một hộp cá biển trộn rau mua ở siêu thị Monoprix Gourmet, kèm với
một chai rượu Valdepenas loại rẻ tiền. Sau một hồi lưỡng lự anh đặt xác con chim
vào một cái túi ni lông, rồi ném tất cả vào ống đổ rác.
b. Bản dịch của Trần Khải từ bản tiếng Đức của U. Wittmann: Bữa tối của anh là
một phần cá sói biển nấu với rau thơm nhãn hiệu Monoprix Gourmet và rượu Valdepenas hạng trung bình. Sau một hồi lưỡng lự anh đặt xác con chim
vào một cái túi ni lông, làm cho nặng thêm bởi một chai bia rồi ném tất cả vào ống đổ rác.
10.
a. Bản dịch của Cao Việt Dũng: … vì ông biết cách tạo ra xung quanh mình một môi trường sáng tạo đặc biệt,
sự sôi trào của tri thức, tự do trí tuệ và tình bạn hữu.
b. Bản dịch của Trần Khải từ bản tiếng Đức của U. Wittmann: … vì ông biết cách tạo ra xung quanh mình một môi trường sáng tạo đặc biệt,
bầu khí hậu cởi mở trí thức, tự do trí tuệ và tình bạn hữu.
11.
a. Bản dịch của Cao Việt Dũng: Buổi chiều ngày mồng Một tháng Bảy nóng tàn bạo, một buổi chiều sẽ kết thúc rất tệ, cơn giông sẽ nổ ra,
ào lên những cơ thể trần trụi kia… Vừa chuyện phiếm, một số trong đó vừa lấy tay mân mê bộ phận sinh dục của mình qua lần ni lông của quần lót, hay thò một ngón tay vào trong để
nghịch những sợi lông kín và đầu dưới của dương vật… Một buổi chiều như chiều hôm nay, hai lần ông đã thử thủ dâm, mắt vẫn dán vào chiếc ống nhòm,
đặt trọng tâm vào một thằng bé để người khác tụt quần lót ra, cái chim của nó khiến bầu không khí dâng lên đầy rạo rực.
b. Bản dịch của Trần Khải từ bản tiếng Đức của U. Wittmann: Buổi chiều ngày mồng Một tháng Bảy nóng tàn bạo, một buổi chiều sẽ kết thúc rất tệ, cơn giông sẽ nổ ra
và xua đuổi những cơ thể trần trụi kia… Vừa chuyện phiếm, một số trong đó vừa lấy tay mân mê bộ phận sinh dục của mình qua lần ni lông của quần lót, hay thò một ngón tay vào trong để
làm lộ ra những sợi lông kín và đầu dưới của dương vật… Một buổi chiều như chiều hôm nay, hai lần ông đã thử thủ dâm, mắt vẫn dán vào chiếc ống nhòm,
nhìn chăm chăm vào một chàng trai đang tụt cái quần string của mình ra và cu của anh chàng thì bắt đầu ngỏng cao lên trong không khí khiến ta phải nao lòng.
12.
a. Bản dịch của Cao Việt Dũng: Những người khác - rất thường thấy trong “những năm Mitterand”, những năm mà cơn háu đói tiền của đã đạt đến những mức độ kinh hoàng -
lao vào kiếm tiền theo lối được ăn cả ngã về không thành lập một công ty để thương mại hóa một loại phân tử nào đó; cũng có một số trong một thời gian ngắn tạo lập được một tài sản kha khá,
hèn hạ tìm cách biến những kiến thức thu được trong những năm nghiên cứu hờ hững nảy ra tiền.
b. Bản dịch của Trần Khải từ bản tiếng Đức của U. Wittmann: Những người khác - rất thường thấy trong “những năm Mitterand”, những năm mà cơn háu đói tiền của đã đạt đến những mức độ kinh hoàng -
cố kiếm cho được nguồn kinh phí và thành lập một công ty để thương mại hóa một loại phân tử nào đó; cũng có một số trong một thời gian ngắn tạo lập được một tài sản kha khá,
không chút ngại ngần tìm cách biến những kiến thức thu được trong những năm nghiên cứu hờ hững nảy ra tiền.
13.
a. Bản dịch của Cao Việt Dũng: CNRS có được vị trí đáng kể tại châu Âu về sinh học phân tử chính là nhờ một phần lớn vào anh.
Hợp đồng đã được hoàn thành, rất nhiều lợi ích.
b. Bản dịch của Trần Khải từ bản tiếng Đức của U. Wittmann: CNRS có được vị trí đáng kể tại châu Âu về sinh học phân tử chính là nhờ một phần lớn vào anh.
Anh đã đáp ứng mọi niềm hy vọng, quá mức mong đợi.
14.
a. Bản dịch của Cao Việt Dũng: Buổi tối ngày 15 tháng Bảy, anh gọi điện cho Bruno. Trên nền nhạc
jazz cool,
giọng nói của người anh cùng mẹ khác cha truyền đạt một thông tin ở độ thứ hai.
b. Bản dịch của Trần Khải từ bản tiếng Đức của U. Wittmann: Buổi tối ngày 15 tháng Bảy, anh gọi điện cho Bruno. Trên nền nhạc jazz cool
là giọng nói của người anh cùng mẹ khác cha phát từ máy tự động nhắn tin ở điện thoại, một lời nhắn mỉa mai khá tinh tế.
15.
a. Bản dịch của Cao Việt Dũng: Nó tươi cười nhìn chăm chăm vào người xem, vẻ rất vui sướng và
dũng cảm… Rồi nó bước vào đời, khám phá thế giới, và thế giới
không làm nó sợ.
b. Bản dịch của Trần Khải từ bản tiếng Đức của U. Wittmann: Nó tươi cười nhìn chăm chăm vào người xem, vẻ rất vui sướng và
đầy tin tưởng… Rồi nó bước vào đời, khám phá thế giới, và thế giới
không làm nó sợ; nó đã sẵn sàng để chiếm lấy chỗ đứng của nó trong xã hội loài người.
16.
a. Bản dịch của Cao Việt Dũng: Duỗi dài trên tấm nệm Bultex,
anh cố tập cho quen với đổi thay này mà không nổi.
b. Bản dịch của Trần Khải từ bản tiếng Đức của U. Wittmann: Anh nằm trên tấm nệm Bultex và
tập chấp nhận tính vô thường của cuộc đời, nhưng không thành công.
© 2006 talawas
[1]Elementarteilchen, dịch giả Uli Wittmann, Ullstein Taschenbuchverlag 2002