trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
28.6.2006
Milovan Djilas
Nói chuyện với Stalin
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
Nghi ngờ

1.

Có lẽ tôi đã không phải đi Moskva lần thứ hai và gặp lại Stalin nếu tôi không trở thành nạn nhân của tính bộc trực của chính mình.

Cụ thể là sau khi Hồng quân tiến vào Nam Tư và giải phóng Belgrad vào mùa thu năm 1944 đã xảy ra nhiều vụ cướp bóc, hãm hiếp nghiêm trọng, cá nhân cũng có mà tập thể cũng có. Đối với chính quyền mới và Đảng cộng sản Nam Tư thì điều đó đã trở thành vấn đề chính trị.

Những người cộng sản Nam Tư trước đó vẫn coi Hồng quân là lí tưởng, còn chính trong hàng ngũ của mình thì những kẻ hiếp dâm và cướp bóc thường bị trừng phạt rất nghiêm khắc. Dĩ nhiên, họ cảm thấy choáng váng hơn là những người dân thường vì theo kinh nghiệm từ xa xưa để lại thì đội quân nào cũng cướp bóc và hãm hiếp cả. Nhưng vấn đề còn phức tạp hơn vì những kẻ chống cộng đã lợi dụng những hành động của Hồng quân để chống lại chính quyền non trẻ và chống chủ nghĩa cộng sản nói chung. Còn một vấn đề nữa, đấy là các cấp chỉ huy Hồng quân đã bỏ qua những lời phàn nàn và phản đối, có cảm giác như họ cố tình dung dưỡng những vụ cướp bóc và những tên hiếp dâm vậy.

Ngay khi Tito trở về từ Rumania, ông đã ghé qua Moskva và lần đầu tiên gặp Stalin, vấn đề lập tức được đặt lên bàn nghị sự.

Trong cuộc họp tại phòng làm việc của Tito, ngoài Kardel và Rankovic, còn có cả tôi. Chúng tôi quyết định nói chuyện với tướng Korneev, trưởng phái đoàn quân sự Liên Xô. Để Korneev tiếp thu vấn đề một cách thật nghiêm túc, quyết định được đưa ra là không chỉ Tito mà cả ba người chúng tôi và hai viên tướng nổi tiếng của Nam Tư là Peko Dapcevic và Koca Popovic cũng sẽ có mặt trong buổi tiếp.

Tito trình bày với Korneev một cách rất nhẹ nhàng và lịch sự và vì vậy, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi ông ta phủ nhận một cách thẳng thừng với lời lẽ xúc phạm. Chúng tôi đã mời ông ta như một người đồng chí, như một người cộng sản, thế mà ông ta lên giọng quát tháo:

“Thay mặt chính phủ Liên Xô, tôi tuyên bố phản đối những hành động vu khống Hồng quân, một quân đội…”

Dù chúng tôi có cố gắng thuyết phục thế nào cũng vô ích, trước mặt chúng tôi đã hiện nguyên hình đại diện đang phát khùng của một lực lượng vĩ đại, một đạo quân “giải phóng”.

Tôi nói:

“Vấn đề khó khăn là ở chỗ kẻ thù của chúng ta đã lợi dụng việc này nhằm chống lại chúng ta, họ đã so sánh Hồng quân với các sĩ quan Anh. Chúng nói rằng quân Anh không làm như thế”

Korneev không muốn hiểu và phản ứng đặc biệt dữ dội với câu này:

“Tôi kiên quyết phản đối những hành động xúc phạm Hồng quân bằng cách so sánh với quân đội của các nước tư bản!”

Phải một thời gian sau chính quyền Nam Tư mới thu thập được các tài liệu về những hành động phạm pháp của Hồng quân: theo báo cáo của dân chúng thì đã có 121 vụ hiếp dâm, trong đó 111 trường hợp bị giết sau khi cưỡng hiếp và 1204 vụ cướp gây thương tật; những con số ấy không phải là nhỏ bởi vì lúc đó Hồng quân mới chỉ xâm nhập vào phần Đông - Bắc Nam Tư mà thôi. Lãnh đạo Nam Tư buộc phải coi đấy là vấn đề chính trị và phải phản ứng vì nó đã trở thành vấn đề đấu tranh trong nội bộ Đảng nên càng đặc biệt nghiêm trọng. Những người cộng sản chúng tôi còn coi đây là vấn đề đạo đức nữa: chẳng lẽ Hồng quân mà chúng tôi coi là lí tưởng và chờ đợi từ bao lâu nay lại thế này ư?

Cuộc gặp với Korneev không đem lại kết quả nào, mặc dù sau đó chỉ huy các đơn vị Hồng quân có tỏ ra nghiêm khắc hơn đối với những hành động vô kỉ luật của binh sĩ dưới quyền. Nhưng ngay khi Korneev vừa đi ra thì các đồng chí đã phản ứng, người thì nhẹ nhàng, kẻ thì quyết liệt với câu nói của tôi. Bản thân tôi dĩ nhiên là không bao giờ có ý so sánh quân đội Liên Xô với quân Anh vì thực ra họ chỉ là phái đoàn quân sự ở Belgrad mà thôi. Tôi chỉ dựa trên các sự kiện rõ ràng, tôi đã nhắc lại các sự kiện và tỏ thái độ đối với vấn đề chính trị đã bị thái độ thiếu thông cảm và ngang bướng của Korneev làm cho phức tạp thêm. Hơn nữa, tôi không hề có ý xúc phạm Hồng quân, lúc đó tôi cũng yêu Hồng quân không khác gì tướng Korneev nữa kia. Dĩ nhiên, tôi không thể, nhất là địa vị của tôi lúc đó càng không cho phép, tỏ ra bình thản trước những hành động hiếp dâm mà tôi vốn cho là một trong những tội ác kinh tởm nhất; tôi không thể tỏ ra bình thản trước những hành động lăng nhục các chiến sĩ của chúng ta, cướp bóc tài sản của chúng ta.

Câu nói đó của tôi cùng với một vài việc khác đã trở thành nguyên nhân của những mối bất hoà đầu tiên giữa lãnh đạo Liên Xô và Nam Tư. Mặc dù còn có những nguyên nhân xác đáng hơn, nhưng các nhà lãnh đạo Liên Xô và đại diện của họ thường hay nhắc đến câu nói của tôi. Nhân tiện xin nói thêm rằng vì thế mà chính phủ Liên Xô đã không thưởng cho tôi và một số ủy viên khác của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Nam Tư huân chương Suvorov. Tướng Peko Dapcevic cũng không được thưởng huân chương vì lí do đó, nhằm làm dịu bớt tình hình, tôi và đồng chí Rankovic đã phải đề nghị Tito phong Dapcevic danh hiệu Anh hùng. Không nghi ngờ gì rằng câu nói của tôi đã là nguyên nhân của những tin đồn rằng tôi là một phần tử Trotskist do các gián điệp Liên Xô tung ra vào đầu năm 1945. Sau này, họ đã ngừng chiến dịch bôi nhọ tôi vì quan hệ giữa Liên Xô và Nam Tư đã được cải thiện cũng như đã nhận ra sự vô lí của những lời cáo buộc đó.

Ngay sau buổi họp đó, tôi đã rơi vào tình trạng gần như bị cô lập, đấy không chỉ là do các đồng chí thân cận đã phê bình tôi, những lời phê bình dĩ nhiên là quá nghiêm khắc, cũng không phải là do các cấp lãnh đạo Liên Xô đã thổi phồng và làm cho tình hình thêm căng thẳng mà còn do những dằn vặt nội tâm của chính tôi nữa.

Vấn đề là lúc đó tôi đã rơi vào một cuộc xung đột nội tâm mà bất kì người cộng sản trung thực, những người chấp nhận lí tưởng cộng sản một cách vô tư nào cũng phải trải qua; trước sau gì những người như thế cũng nhận thấy sự bất nhất giữa lí tưởng cộng sản và hành động của các cấp lãnh đạo đảng. Trong trường hợp của tôi, vấn đề không chỉ là mâu thuẫn giữa những quan niệm mang tính lí tưởng về Hồng quân và hành vi của những người đại diện cho nó. Chính tôi cũng hiểu rằng dù Hồng quân có là đội quân của xã hội “phi giai cấp” đi nữa, nó cũng chưa thể hoàn toàn như ý, “vẫn” còn mang trong mình “tàn dư của quá khứ”. Xung đột nội tâm của tôi bắt nguồn từ thái độ bàng quan, nếu không nói là dung túng, của lãnh đạo cũng như các cấp chỉ huy Liên Xô đối với các vụ hiếp dâm, đặc biệt là việc họ không chịu công nhận, chứ chưa nói còn tỏ ra tức giận, khi chúng tôi chỉ ra một cách rõ ràng. Thái độ của chúng tôi là chân thành, chúng tôi chỉ muốn giữ uy tín cho Hồng quân và giữ uy tín cho Liên Xô mà thôi; uy tín đó đã được bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản Nam Tư xây đắp trong biết bao năm trời. Thái độ chân thành đó đã gặp phản ứng ra sao? Lỗ mãng và bác bỏ thẳng thừng, đặc trưng của mối quan hệ giữa nước lớn và nước nhỏ, giữa kẻ yếu và kẻ mạnh.

Các đại diện Liên Xô càng sử dụng những lời nói, mà thực chất là đầy thiện ý, của tôi như một cái cớ cho thái độ thù địch với ban lãnh đạo Nam Tư thì cuộc xung đột nội tâm của tôi càng nặng nề thêm, càng sâu sắc hơn.

Thế là thế nào? Tại sao các đại diện Liên Xô không thể hiểu được chúng tôi? Tại sao câu nói của tôi lại bị thổi phồng và xuyên tạc đi như thế? Tại sao họ lại xuyên tạc và sử dụng nó cho mục đích chính trị của mình khi khẳng định rằng các nhà lãnh đạo Nam Tư là những kẻ vô ơn với Hồng quân, đội quân đóng vai trò quyết định trong việc giải phóng thủ đô Belgrad và đã có công giúp họ đứng vững tại đây?

Chuyện đó và trên cơ sở như thế câu trả lời rõ ràng là không thể có được.

Một số hành động khác của các đại diện Liên Xô làm nhiều người, trong đó có tôi, băn khoăn không kém. Thí dụ, Bộ chỉ huy Liên Xô tuyên bố rằng họ giúp Belgrad khá nhiều bột mì. Nhưng hoá ra đấy là số bột mì do quân Đức trưng thu của nông dân và vẫn nằm trong kho trên lãnh thổ Nam Tư. Bộ chỉ huy Liên Xô coi đấy và nhiếu thứ khác nữa là chiến lợi phẩm. Tình báo Liên Xô còn tuyển mộ nhiều kiều dân vốn là bạch vệ và người Nam Tư làm gián điệp cho họ, thậm chí họ tiến hành tuyển mộ ngay những người đang làm việc trong Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Nam tư nữa. Để làm gì? Để chống ai? Trong Ban tuyên truyền và vận động do tôi làm lãnh đạo cũng xảy ra nhiều mâu thuẫn với các đại diện Liên Xô. Báo chí Liên Xô đánh giá không đúng và trình bày sai lạc một cách có hệ thống cuộc đấu tranh của những người cộng sản Nam Tư, trong khi các đại diện Liên Xô, lúc đầu còn thận trọng nhưng càng ngày càng công khai, đòi bộ máy tuyên truyền của chúng tôi phải phục vụ các nhu cầu của Liên Xô, ép chúng tôi phải theo khuôn mẫu của họ. Những cuộc nhậu nhẹt của các đại diện Liên Xô, họ muốn lôi kéo cả các nhà lãnh đạo cao cấp của chúng tôi tham gia nữa, càng ngày càng trở nên xa hoa, chỉ càng khẳng định, với tôi và một số người khác, sự chính xác của những nhận xét của tôi về sự bất nhất giữa lí tưởng và hành động, giữa đạo đức mà họ rao giảng với những hành vi phi luân trên thực tế mà thôi.

Giai đoạn tiếp xúc ban đầu giữa hai phong trào cách mạng và hai chính phủ, dù có cùng lí tưởng và hoàn cảnh xã hội tương tự nhau, cũng không thể nào trơn tru ngay được. Nhưng vì điều đó xảy ra trong một hệ tư tưởng khép kín nên các mâu thuẫn nhất định phải thể hiện dưới hình thức tiến thoái lưỡng nan về đạo đức và thắc mắc về việc trung tâm chính giáo không hiểu những ý định tốt lành của đảng đàn em, của nước nghèo hơn.

Nhưng người ta không chỉ phản ứng bằng nhận thức. Lúc đó, tôi bất ngờ “phát hiện” ra mối liên hệ không gì chia cắt được của con người với thiên nhiên vì thế tôi bắt đầu trở lại với việc đi săn như thời còn trai trẻ và tôi nhận ra rằng cái đẹp có mặt khắp nơi chứ không phải chỉ có trong đảng và cách mạng.

Nhưng giai đoạn buồn đau mới chỉ bắt đầu.


2.

Mùa đông năm 1944-45, một phái đoàn chính phủ mở rộng gồm Andrija Hebrang, vừa được bổ sung vào Ban chấp hành trung ương và giữ chức Bộ trưởng công nghiệp, Airsa Oivanovic, Tổng tham mưu trưởng và vợ tôi lúc đó là Mitra lên đường sang Moskva. Mitra không chỉ nói cho tôi biết các tuyên bố của các nhà lãnh đạo Liên Xô mà còn có thể kể lại những nhận xét riêng tư của họ nữa; lúc đó, tôi đặc biệt nhạy cảm với những nhận xét như thế.

Cả phái đoàn cũng như từng thành viên của nó liên tục bị người ta quở trách vì tình hình cũng như quan điểm của từng nhà lãnh đạo Nam Tư. Các đại diện Liên Xô thường bắt đầu bằng các dữ kiện có thực rồi sau đó mới thổi phồng và khái quát hoá vấn đề. Tệ hại nhất là chính người lãnh đạo đoàn, ông Hebrang, đã liên hệ mật thiết với các đại diện Liên Xô, chuyển cho họ các báo cáo bằng văn bản và dùng những lời khiển trách của phía Liên Xô để phê phán các thành viên trong đoàn. Hebrang hành động như vậy có thể là do ông ta bất mãn vì bị mất chức bí thư Đảng cộng sản Croatia, mà có nhiều khả năng là do thái độ hèn nhát trong thời gian bị tù, chuyện đó sau này mới rõ, ông ta làm thế là để che giấu những khuyết điểm của mình.

Thời ấy, việc chuyển thông tin cho Đảng cộng sản Liên Xô không bị coi là tội nặng vì lúc đó, không người Nam Tư nào lại nghĩ Ban chấp hành trung ương của mình lại có mâu thuẫn với Ban chấp hành trung ương Liên Xô. Hơn nữa, chúng tôi cũng không giấu giếm Ban chấp hành trung ương Liên Xô tình hình trong Đảng cộng sản Nam Tư. Nhưng với Hebrang, bản chất của vụ này là một âm mưu nhằm chống lại Ban chấp hành trung ương Nam Tư. Không ai biết ông ta đã báo cáo những gì. Nhưng thái độ của Hebrang cũng như báo cáo của các thành viên trong đoàn đã cho phép ta kết luận mà không sợ lầm rằng ông ta đã báo cáo với Ban chấp hành trung ương Liên Xô để gây bất hoà với Ban chấp hành trung ương Nam Tư và buộc Ban chấp hành phải có những thay đổi về nhân sự theo ý ông ta.

Dĩ nhiên là mọi chuyện đều được biện hộ nhân danh nguyên tắc hoạt động và nguyên nhân chính là do những sai lầm cũng như yếu kém của chính người Nam Tư chúng ta. Lí do chủ yếu là: Hebrang cho rằng Nam Tư không cần xây dựng nền công nghiệp và kế hoạch kinh tế tách rời với Liên Xô, trong khi Ban chấp hành trung ương lại cho rằng cần hợp tác chặt chẽ với Liên Xô nhưng vẫn phải giữ vững nền độc lập.

Nhưng không nghi ngờ gì rằng chính Stalin đã đã đánh gục phái đoàn về mặt tinh thần. Ông ta mời cả đoàn vào Điện Kremli dự chiêu đãi và gây ra cảnh bi hài chỉ có thể thấy trong các vở kịch của Shakespeare.

Ông phê phán quân đội Nam Tư và phương pháp quản lí của nó. Nhưng ông chỉ trực tiếp công kích có một mình tôi mà thôi. Ông nói đến những mất mát và đau khổ mà Hồng quân đã phải trải qua, khi vượt hàng ngàn cây số trên những vùng đất đã bị tàn phá tan hoang. Nước mắt tuôn trào, ông gào lên:

“Thế mà đội quân ấy đã bị chính Djilas lăng mạ! Djilas, một người tôi ít ngờ nhất! Tôi đã tiếp đón ông ta rất thân tình! Ông ta đã lăng mạ đội quân mà vì các bạn, nó không hề tiếc xương máu của mình! Liệu nhà văn Djilas có biết thế nào là những đau khổ của con người, có biết thế nào là tình cảm của con người không? Chẳng lẽ ông ta không thể thông cảm với người chiến sĩ đã vượt hàng ngàn cây số qua máu, lửa và cả cái chết nếu anh ta có đùa cợt một chút với phụ nữ hoặc trót lấy một thứ không đáng giá nào đó?”

Lúc lúc ông lại nâng cốc chúc mừng, ông khen người này, đùa với người kia, trêu chọc người khác, còn hôn cả vợ tôi vì bà là người Serbia, rồi lại khóc vì những mất mát của Hồng quân và sự vô ơn của người Nam Tư nữa.

Ông nói ít hoặc gần như không nói gì đến Đảng, đến chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa Marx mà nói rất nhiều về người Slav, về nhân dân, về mối liên hệ giữa người Nga và người Slav miền Nam, rồi lại nói về chủ nghĩa anh hùng, về những hi sinh, mất mát của Hồng quân.

Tôi thật sự sửng sốt và choáng váng khi được nghe nói lại chuyện này.

Nhưng hôm nay, tôi có cảm tưởng rằng Stalin chọn tôi làm mục tiêu không phải vì tôi đã dám “công kích” Hồng quân mà chỉ vì ông muốn lôi kéo tôi mà thôi. Ông có ý nghĩ như thế vì đã nhận ra sự khâm phục chân thành của tôi đối với Liên Xô và chính ông nữa.

Ngay sau khi trở về Nam Tư lần trước, tôi đã viết một bài báo về cuộc gặp gỡ với Stalin mà chắc ông rất thích vì sau đó, một nhân viên đại diện Liên Xô đã khuyên tôi lần đăng sau nên bỏ chi tiết về đôi chân quá dài của Stalin và nhấn mạnh thêm quan hệ gần gũi giữa Stalin và Molotov. Nhưng đồng thời Stalin, vốn có khả năng nhận chân người khác một cách rất nhanh và đặc biệt khéo léo trong việc lợi dụng những điểm yếu của kẻ khác, phải hiểu rằng ông không thể lôi kéo tôi bằng việc thăng quan tiến chức vì tôi thờ ơ với chuyện đó, ông cũng không thể lôi kéo tôi bằng các biện pháp nhồi sọ về tư tưởng vì tôi coi Đảng cộng sản Liên Xô cũng không khác gì Đảng cộng sản Nam Tư. Ông chỉ có thể lợi dụng sự chân thành và lòng nhiệt tình của tôi, nghĩa là tác động tới tôi bằng con đường tình cảm. Ông đã làm đúng như thế.

Nhưng sự nhạy cảm và lòng chân thành của tôi đồng thời củng là mặt mạnh của tôi nữa, chúng có thể biến thành ngược lại nếu tôi gặp phải sự thiếu chân thành và bị đối xử bất công. Vì vậy, không bao giờ Stalin có ý định lôi kéo tôi một cách trực tiếp, còn tôi, khi đã nhận ra sự bất công và ý định bá quyền của phía Liên Xô, đã tự giải thoát khỏi tình cảm ủy mị vốn có của mình và càng trở nên cứng rắn hơn, cương quyết hơn.

Hôm nay, thật khó xác định đâu là kịch, đâu là sự đau khổ chân thành của vở diễn của Stalin ngày ấy. Cá nhân tôi có cảm tưởng rằng không thể nào phân biệt được, Stalin đóng kịch tự nhiên đến nỗi dường như chính ông ta cũng tin rằng những lời mình vừa thốt ra là chân thành và đúng đắn vậy. Ông ta nắm bắt rất nhanh đế tài thảo luận, thích nghi ngay với mỗi bước ngoặt, thậm chí với các thành viên mới.

Kết quả là phái đoàn trở về trong tâm trạng nặng nề, thất vọng.

Còn tôi, sau những giọt nước mắt của Stalin và sự “vô ơn” đối với Hồng quân, thì càng bị cô lập thêm. Nhưng cô đơn không làm tôi nản chí, viết và đọc nhiều hơn, tôi tự tìm thấy trong mình cách giải quyết các khó khăn mà mình đã trót mắc vào.

3.

Nhưng cuộc sống lại có cách của nó. Quan hệ giữa Liên Xô và Nam Tư không thể dừng lại ở các phái đoàn quân sự và các đạo quân. Các mối liên hệ tiếp tục phát triển, quan hệ ngày càng đa dạng hơn, càng ngày càng mang dáng vẻ của các quan hệ giữa các quốc gia hơn.

Tháng tư, có một phái đoàn đi Liên Xô để kí kết quan hệ hợp tác. Phái đoàn do Tito dẫn đầu, cùng đi còn có Bộ trưởng ngoại giao Šubašić. Đoàn gồm có hai Bộ trưởng kinh tế là Andreev B. và Petrovic N. Tôi cũng là thành viên, có thể người ta nghĩ rằng tiếp xúc trực tiếp sẽ giúp hoá giải cuộc tranh chấp về vấn đề “lăng mạ” Hồng quân. Tito đưa tôi vào danh sách, còn phía Liên Xô cũng không có bình luận gì, và tôi đã lên máy bay.

Đấy là một ngày đầu tháng tư, thời tiết rất xấu, máy bay rung lắc suốt. Tito và đa số người trong đoàn, kể cả phi công, rất mệt mỏi. Tôi cũng cảm thấy khó ở nhưng vì một lí do khác.

Ngay từ khi tôi biết tin về chuyến đi và cho đến tận lúc gặp mặt Stalin, tôi luôn có cảm giác bất an: dường như tôi đang đóng vai một kẻ sám hối, dù tôi không bao giờ như thế và trong thâm tâm, tôi nghĩ mình chẳng có gì phải hối hận cả. Càng ngày ở Belgrad, người ta càng đối xử với tôi như với một kẻ đã “nhúng chàm” rất nặng, một kẻ không còn gì để làm ngoài việc chuộc lỗi và hi vọng vào sự độ lượng của Stalin.

Máy bay càng đến gần Moskva thì cảm giác cô đơn quen thuộc càng lớn dần lên trong tôi. Lần đầu tiên, tôi nhìn thấy các đồng chí, các chiến hữu đã dễ dàng quay lưng lại với tôi như thế nào bởi vì sự thân mật với tôi có thể ảnh hưởng đến vị trí của họ trong Đảng, họ có thể bị nghi là đã “lệch lạc”. Ngay trong máy bay, tôi cũng không thể thoát khỏi cảm giác này. Quan hệ của tôi với Andreev, anh đã cùng tôi tham gia đấu tranh, đã cùng tôi chịu đựng gian khổ trong những ngày tù ngục, nơi bản tính con người thể hiện rõ nhất, luôn luôn là mối quan hệ tự nhiên và vui nhộn. Còn bây giờ? Dường như anh thương hại tôi nhưng không làm sao giúp được, còn tôi thì không dám lại gần anh vì sợ sẽ phải tỏ ra khúm núm, xun xoe và hơn thế nữa, để khỏi làm khó cho anh, sợ người ta lại nghĩ rằng anh ủng hộ tôi. Tôi biết Petrovic ngay từ những ngày còn hoạt động bí mật đầy khó khăn, chúng tôi thân nhau và có mối quan tâm chung về tri thức. Nhưng tôi không dám khởi đầu câu chuyện với anh như chúng tôi đã từng thường xuyên tranh luận không dứt về lích sử chính trị của Serbia. Tito không hề nhắc đến câu chuyện của tôi, làm như nó chưa từng xảy ra, ông cũng không bày tỏ quan điểm của mình, không thể hiện tình cảm cụ thể nào đối với tôi. Nhưng tôi có cảm giác rằng ông đứng về phía tôi, theo cách của mình, nội việc ông mang tôi theo và giữ im lặng cũng phần nào nói lên điều đó rồi.

Đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được mâu thuẫn giữa lương tâm của một người bình thường, nghĩa là ước muốn hướng tới chân lí và điều thiện với cái môi trường tôi đang sống, cái môi trường tôi đang thuộc về, đang hành động; lần đầu tiên, tôi thấy mình đang xung đột với cái phong trào bị cầm tù trong những mục tiêu trừu tượng nhưng lại bị xiềng vào với những điều kiện thực tế trên mặt đất này. Trong tâm trí tôi, mâu thuẫn đó hiện ra hơi khác: nó hiện ra như là mâu thuẫn giữa ước muốn cải tạo thế giới, cải tạo cái phong trào mà tôi là thành viên với sự thiếu cảm thông của những người có quyền đưa ra quyết định.

Càng gần đến Moskva thì tôi càng lo lắng thêm.

Mặt đất trơ trụi và không người, chỉ một màu đen bị xé nham nhở bởi những hố bom và những dòng suối do tuyết vừa tan tạo ra đang chuyển động dưới chân tôi. Còn bầu trời thì đầy mây, tối sầm, không một ánh nắng nào lọt qua được. Không có trời, không có đất, tôi như đang di chuyển trong một thế giới phi thực, có thể tôi chỉ mơ như thế, nhưng tôi lại cảm thấy nó một cách rõ ràng hơn tất cả những gì tôi đã trải qua cho đến lúc ấy. Tôi bay, tôi chao đảo giữa lương tâm và sự nghiệp, giữa mơ ước và khả năng. Trong tâm trí tôi, chỉ còn lại sự chao đảo đầy đau đớn và phi thực đó mà thôi. Không còn sự say mê về người Slav, gần như không còn sự say mê về cách mạng như cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với nước Nga, với Liên bang Xô viết và lãnh tụ của nó nữa.

Tôi còn phải chứng kiến sự đau khổ của Tito nữa. Rất mệt mỏi, mặt xanh mét, ông phải cố gắng hết sức mới đọc được bài diễn văn đáp từ và hoàn thành xong phần nghi lễ.

Molotov là người chủ trì buổi đón tiếp, lạnh lùng bắt tay tôi, ông ta không thèm nhếch mép để tỏ ra là đã quen tôi từ trước nữa kia. Một chuyện chướng tai gai mắt nữa là Tito được đưa đến một nhà nghỉ đặt biệt, còn tất cả những người khác thì được đưa tới khách sạn Metropol. Sự cám dỗ và mua chuộc ngày một gia tăng.

Có cả những hành động có chủ đích rõ ràng.

Một hoặc hai ngày sau, có người gọi điện cho tôi. Một giọng phụ nữ ngọt ngào:

“Katia đây.”

“Katia nào?”, tôi hỏi.

“Katia, anh không nhớ em à? Em muốn được gặp anh, em nhất định phải gặp anh!”

Tôi suy nghĩ rất lung: “Katia…Katia nào nhỉ?, Không, mình không quen ai như thế hết,” và tôi nghĩ ngay rằng tình báo Liên Xô định gài bẫy để sau này lợi dụng: trong Đảng cộng sản Nam Tư, vấn đề tư cách cá nhân vốn rất được coi trọng. Đối với tôi, việc thành phố Moskva “xã hội chủ nghĩa” cũng như bất kì một thành phố có trên một triệu dân nào khác có đầy gái điếm không phải là điều mới lạ. Nhưng tôi biết rõ các quan chức cao cấp nước ngoài ở đây được chăm sóc và bảo vệ kĩ lưỡng hơn bất kì nơi nào khác trên thế giới, gái điếm chỉ có thể gọi đến chỗ họ nếu được cơ quan tình báo đồng ý. Tôi nó một cách bình tĩnh nhưng dứt khoát:

“Để cho tôi yên!” và bỏ máy.

Tôi nghĩ rằng người ta không chỉ sử dụng cái trò bẩn thỉu và thô thiển này với một mình tôi. Nhưng vì giữ vị trí lãnh đạo trong đảng nên tôi buộc phải kiểm tra xem người ta có làm thế với Petrovic và Andreev hay không. Cũng có người gọi cho họ, lần này không phải là Katia mà là Natasha hay Vava vào đó! Tôi giải thích và nói gần như ra lệnh rằng không được liên hệ với ai hết.

Tình cảm của tôi lúc đó thật lẫn lộn, một mặt tôi cảm thấy nhẹ người vì không chỉ một mình tôi rơi vào đích ngắm, nhưng nỗi lo lắng cũng tăng lên: tại sao họ lại làm thế và làm thế để làm gì?

Tôi không dám nghĩ đến việc hỏi giáo sư Šubašić chuyện này. Ông không phải là đảng viên cộng sản, tôi không dám cho ông thấy những điều không hay về Liên Xô và những biện pháp mà người ta có thể sử dụng ở đây, nhất là khi những biện pháp ấy lại được sử dụng để chống lại chính những người cộng sản. Đồng thời tôi cũng tin rằng không có cô Katia nào gọi điện cho Šubašić cả.

Lúc đó, tôi chưa đủ sức rút ra kết luận rằng chính những người cộng sản vừa là mục đích vừa là phương tiện để đảm bảo cho chủ nghĩa bá quyền Xô Viết ở Đông Âu. Nhưng tôi đã ngờ ngợ như thế, tôi sợ những biện pháp như thế và bắt đầu kháng cự chống lại việc biến cá nhân tôi thành công cụ cho những mục đích như thế.

Lúc đó, tôi vẫn còn tin rằng có thể vừa là người cộng sản mà vẫn là người tự do được.

4.

Việc chuẩn bị hiệp định hữu nghị giữa Nam Tư và Liên Xô diễn ra suôn sẻ, thực ra là đã có mẫu sẵn rồi và nhiệm vụ của tôi chỉ là kiểm tra bản dịch mà thôi.

Lễ kí diễn ra trong Điện Kremli chiều ngày 11 tháng tư năm 1945 với rất ít quan chức tham dự. Ngoài ra, chỉ có mấy nhà quay phim Liên Xô. Trong hoàn cảnh lúc đó, có thể tạm gọi đấy là những người đại diện xã hội.

Có một cảnh khá ngoạn mục, đấy là lúc Stalin bảo một anh nhân viên phục vụ cụng li. Anh nhân viên tỏ vẻ bối rối, Satlin hỏi:

“Thế cậu không định chúc mừng tình hữu nghị Liên Xô – Nam Tư à?”, anh kia đành cầm li rượu và uống cạn.

Thật là một cảnh mị dân lố bịch. Nhưng mọi người đều cười rất vui vẻ, đều giả vờ coi đấy chính là biểu hiện sự gần gũi của Stalin với người lao động bình thường.

Ở đây, tôi lại có cơ hội gặp gỡ Stalin. Ông không niềm nở như trước đây nhưng cũng không tỏ vẻ lạnh lùng và lịch sự một cách giả tạo như Molotov. Stalin không nói với tôi câu nào. Rõ ràng là người ta vẫn chưa quên cũng như chưa tha thứ những điều tôi đã nói về Hồng quân, tôi vẫn như ngồi trên đống lửa.

Stalin ăn uống như trong một bữa tối bình thường giữa một nhóm những người thân cận tại Điện Kremli vậy.

Ăn tối xong thì chúng tôi đi xem phim. Stalin nói rằng ông đã chán cảnh bắn giết rồi nên người ta không chiếu phim chiến tranh mà chiếu một phim về nông trường với những cảnh pha trò rất nhạt. Trong khi xem, Stalin có những nhận xét và phản ứng hệt như những kẻ ít học, coi hình tượng nghệ thuật như là cảnh thực vậy. Cuốn phim thứ hai được sản xuất trước chiến tranh, nói về đề tài chiến tranh: “Nếu ngày mai chiến tranh…”. Trong phim có cảnh sử dụng vũ khí hoá học, còn tại hậu phương nước Đức thì có cuộc khởi nghĩa của giai cấp vô sản. Sau khi xem xong, Stalin bình thản nói:

“Khác thực tế không đáng kể: không có vũ khí hoá học, còn giai cấp vô sản Đức cũng không khởi nghĩa”.

Mọi người đều đã mệt nhoài vì chúc tụng, vì thức ăn, vì phim ảnh. Stalin bắt tay tôi mà không nói gì, nhưng tôi đã cảm thấy bình tĩnh hơn, ít lo lắng hơn, không hiểu tại sao. Có thể là do thái độ của mọi người cũng bình thường? Hay là trong đầu tôi đã xuất hiện giải pháp nào đó và tôi đã bình tĩnh lại? Có thể là cả hai. Dù sao mặc lòng, có thể sống mà không cần tình yêu của Stalin.

Sau một hai ngày gì đó, trong một bữa chiêu đãi ở phòng mang tên Ekaterina, Stalin lại tỏ ra nhiệt tình, vui vẻ, nhất là trong khi ăn uống.

Tito ngồi bên trái Stalin, bên phải Kalinin, Chủ tịch Xô Viết tối cao, đấy là theo phong tục Liên Xô lúc đó. Tôi ngồi cạnh Kalinin. Molotov và Šubašić ngồi đối diện với Stalin và Tito, rồi đến các quan khách khác, cả Liên Xô lẫn Nam Tư.

Mọi người đều có vẻ giữ kẽ, thiếu tự nhiên: trừ Šubašić ra, những người khác đều là đảng viên cộng sản cả nhưng lại xưng hô với nhau là “ngài” mỗi khi chúc tụng và giữ đúng nghi thức quốc tế, y như những buổi gặp gỡ của đại diện các hệ thống và hệ tư tưởng khác nhau vậy.

Sau diễn văn và nghi thức, chúng tôi lại cư xử với nhau như những người bạn, như những người đồng chí có chung mục đích. Nhưng mâu thuẫn giữa bệnh hình thức và cuộc đời thực đã hiện lên rất rõ, dù rằng quan hệ giữa những người cộng sản Liên Xô và Nam Tư vẫn còn tốt, thái độ bá quyền Xô viết và cuộc đấu tranh giành vị trí trong phong trào cộng sản quốc tế chưa có ảnh hưởng gì. Nhưng cuộc đời không diễn ra theo bất kì sơ đồ nào hay mong ước của ai, nó buộc ta phải tuân thủ những hình thức mà không ai có thể lường trước được.

Liên Xô và các nước đồng minh phương Tây đang trải qua thời kì trăng mật, chính phủ Liên Xô muốn làm như thế để khỏi bị trách là không đối xử với nước Nam Tư cộng sản như một quốc gia độc lập. Sau này, khi đã bám chắc được vào Đông Âu rồi, chính phủ Liên Xô đã tìm mọi cách bãi bỏ các nghi thức và thủ tục, họ bảo đấy là các tàn dư “tư sản” và “dân tộc chủ nghĩa”.

Chính Stalin đã phá bỏ các nghi lễ có tính ngoại giao - chỉ một mình ông có thể làm chuyện đó mà không sợ bị phê phán. Ông đứng lên, tay nâng li và gọi Tito là “đồng chí’ rồi nói thêm rằng không thích gọi là “ngài” nữa. Điều đó làm mọi người xích lại gần nhau và không khí trở nên ấm cúng hơn. Tiến sĩ Šubašić cũng cười, mặc dù khó mà tin được rằng đấy là nụ cười chân thành, nói chung, ông ta là nhà chính trị không có một tư tưởng hay nguyên tắc nhất định nào, đóng kịch không phải là việc khó với ông ta. Stalin bắt đầu đùa giỡn, trêu chọc mọi người. Không khí rất sôi động.

Ông già Kalinin gần như đã mù hẳn, nguyên việc tìm cốc tách, thìa dĩa, bánh mì đã là cả vấn đề; tôi phải giúp ông suốt bữa tiệc. Trước đó một hai ngày, sau buổi gặp gỡ chính thức với Kalinin, Tito có nói với tôi rằng ông già chưa hoàn toàn bất lực. Nhưng cứ như cách Tito nhận xét, cũng như cách nói năng của Kalinin tại bữa tiệc, tôi cho rằng phải nói ngược lại mới đúng.

Dĩ nhiên là Stalin biết rõ tình trạng bệnh tật của Kalinin và đã giễu cợt khi ông xin thuốc của Tito.

“Đừng lấy, thuốc lá tư sản đấy!”, Stalin nói. Tay đã run sẵn, lại thêm bối rối, Kalinin đánh rơi điếu thuốc xuống sàn.

Stalin phá lên cười, trông không khác gì một già làng chính hiệu. Chỉ vài phút sau, lại chính Stalin lại nâng cốc chúc mừng sức khỏe “đồng chí Kalinin, chủ tịch của chúng ta”, nhưng đấy chỉ là những lời nói rỗng tuếch, ai không biết ông chỉ còn là một biểu tượng không có tí giá trị gì.

Ở đây, trong không khí xã giao chính thức, giữa đám đông như thế này, sự thần thánh hoá Stalin còn nổi bật hơn.

Hôm nay, tôi có thể nói không chỉ Stalin tạo ra sự thần thánh hoá, hay như bây giờ vẫn nói, “tệ sùng bái cá nhân” mà những người xung quanh và bộ máy quan liêu là những kẻ cần một lãnh tụ như thế, đóng vai trò không kém, nếu không nói là hơn, trong việc tạo ra hiện tượng này.

Quan hệ dĩ nhiên là đã thay đổi: cùng với thời gian, ông thánh sống Stalin có uy lực đến nỗi không cần chú ý đến nhu cầu của chính những người đã tôn vinh ông ta lên địa vị đó.

Stalin, một con người nhỏ bé, vụng về hàng ngày ra vào trong những lâu đài cung điện lát đá quí và mạ vàng từ thời Sa hoàng để lại, trước mắt ông là con đường, những ánh mắt rực lửa nhìn theo, những cái tai dỏng lên để nghe như nuốt lấy từng lời ông nói. Còn ông, tự tin vào chính mình và sự nghiệp của mình, dường như những chuyện đó không phải là điều ông đáng quan tâm. Đất nước ông bị tàn phá, đói khát, kiệt quệ. Còn quân đội của ông với các vị nguyên soái béo núc ních, ngực đầy huân chương, say rượu và ngất ngây bởi những chiến công đang giày xéo một nửa châu Âu. Ông tin rằng hiệp sau họ sẽ bước chân lên nửa thứ hai. Stalin biết rằng ông là một trong những nhân vật độc tài nhất trong lịch sử nhân loại. Nhưng ông không hề áy náy: ông tin mình là người làm nên lịch sử. Lương tâm ông không hề cắn rứt, mặc dù đã có hàng triệu người bị giết theo lệnh ông hoặc nhân danh ông, hàng ngàn cộng sự gần gũi đã bị ông coi là phản bội và thủ tiêu ngay khi họ nghi ngờ việc ông dẫn dắt đất nước và nhân dân đến bến bờ tự do, bình đẳng, phồn vinh. Đây là một cuộc đấu tranh kéo dài, đầy hiểm nguy, kẻ thù càng ít đi, càng yếu hơn thì lại càng khốc liệt hơn. Nhưng ông đã chiến thắng, đấy là thực tế, mà thực tế là tiêu chuẩn duy nhất của chân lí! Lương tâm là gì? Liệu có cái gọi là lương tâm không? Lương tâm không có chỗ trong triết lí và hoạt động thực tiễn của ông. Đối với ông, con người chỉ là kết quả của các lực lượng sản xuất.

Các nhà thơ ca ngợi ông, các dàn nhạc tổ chức những buổi đại hợp xướng xưng tụng ông, các nhà triết học và các viện nghiên cứu viết hàng đống sách chỉ để giải thích những từ ông nói, những người tử tù hô vang tên ông trước khi chết. Ông là người chiến thắng bước ra từ cuộc chiến tranh lớn nhất trong lịch sử nhân loại, quyền lực tuyệt đối của ông đã được thiết lập trên một phần sáu quả địa cầu và đang mở rộng từng ngày, không gì ngăn chăn được. Vì vậy, ông tin rằng trong xã hội của ông không còn mâu thuẫn nữa và đấy chính là xã hội ưu việt nhất từ xưa đến nay.

Ông đùa cợt với các “đồng chí” gia nhân của mình. Ông đùa cợt với họ không phải chỉ vì ông có lòng khoan dung độ lượng của một vị hoàng đế. Tính cách đế vương thể hiện ở ngay cách ông làm: ông không bao giờ chế giễu chính mình. Ông đùa cợt vì thích bước từ đỉnh vinh quang xuống giữa loài người để chứng tỏ rằng ông là một người sống giữa đồng loại và cũng để nhắc nhở người ta rằng cá nhân không có tập thể chỉ là một con số không mà thôi.

Tôi say mê Stalin và những câu chuyện khôi hài của ông. Nhưng một phần trí não tôi cũng như lương tâm tôi vẫn còn tỉnh táo và lo lắng: tôi nhận thấy có cái gì đó méo mó, kì quặc và tôi không chấp nhận cách Stalin đùa giỡn, cũng như cách ông ta cố tình không nói những lời chân thành, những lời mà hai người đồng chí phải nói với nhau.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas