Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, HN không tách rời khỏi những đổi thay của vùng đồng bằng Bắc Bộ, và ảnh hưởng của Thủ đô như là đầu tàu cho những thiết chế xã hội văn hoá cũng như kinh tế cho các đô thị đàn em. Lâu nay ta vẫn mặc nhiên quy ước giá trị của văn hoá HN cũng là tiêu biểu và bao trùm văn hoá đô thị vùng châu thổ sông Hồng, ta vẫn dùng cụm từ "kết tinh" để diễn đạt giá trị này. Ta cũng không quên nói về sắc thái "tứ trấn" nhưng ta không thể gọi tên hay định tính cho mỗi "trấn" ấy như một vùng Sơn Hưng Tuyên bán sơn địa thuần phác, một vùng Kinh Bắc "phong tục kỹ lưỡng" mà thay vào đó là những tỉnh lỵ mờ nhạt và thiếu sinh khí kiểu "tỉnh nhỏ/đìu hiu. Cô em/nằm xem/kiếm hiệp" ("Lại về tỉnh nhỏ" - thơ Yến Lan). Những đặc thù vật thể "cầu Nam chùa Bắc đình Đoài" hay khí chất "Hải Dương đất tốt, người hung hãn. Thái bình thì thuận tòng, thời loạn thì ương ngạnh" ("Dư địa chí", lời thông luận của Lý Tử Tấn) chỉ còn phản ánh một giá trị khoanh vùng trong một xứ, một trấn, ít giao tiếp và bảo tồn suốt hàng trăm năm, mà càng theo biến động xã hội, những giá trị tinh thần càng sớm mất đi chỗ dựa trước cả khi những dấu tích cũ tàn tạ.
Trong những đoạn ghi chép quá khứ, bao giờ ta cũng đọc thấy những nhận định có tính căn bản và xác quyết của các sử gia về cảnh quan và con người. Những trấn, lộ hay châu như là những giá trị địa phương, không nhầm lẫn và càng có sự phân biệt (ở mức độ nhất định) đối với Kinh kỳ - Kẻ Chợ. Cho đến thời Nguyễn, những sắc thái ấy còn đậm nét thông qua việc đặt ra các trấn thành và tỉnh thành, mỗi nơi có một cách thể hiện và nhấn mạnh phương vị địa lý đối với Thăng Long - Hà Nội. Hẳn ta không quên đã có những đô thị sầm uất nổi tiếng ngay cả với thuyền buôn phương Tây như Vân Đồn, Phố Hiến, và độc lập cả với Kẻ Chợ. Tuy nhiên sau đó, các tỉnh lẻ luôn là bản sao của tỉnh thành Hà Nội, nhất là sau khi Minh Mạng quy hoạch vào năm 1831 cho các cấp thống nhất, từ kiểu thành trì, kiểu phố xá cho đến kiểu sinh hoạt. Ở những đô thị đứng đầu vùng như Nam Định, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hải Dương là trung tâm của mỗi trấn, đều có một thành luỹ kiểu Vauban như thành Hà Nội (có lúc biến thể thành hình lục giác hay bát giác nhưng vẫn là thứ thành trì dập khuôn bất kể địa hình), có phố chợ, có trung tâm tập quyền cùng văn miếu, trường thi, và đương nhiên có cả nhà ngục lẫn bãi hành hình. Nhưng có một điều là các đô thị ấy không gặp phải sự va chạm trong quy hoạch hay kiến thiết như Hà Nội khi Minh Mạng ra luật lệ hay khi người Pháp can thiệp sau đó. Sự cảm thán "chau mặt với tang thương" không có đối với các đô thị khác, trừ một nỗi buồn đời của Tú Xương về thế thái nhân tình "có đất nào như đất ấy không, phố phường tiếp giáp với bờ sông" của Nam Định. HN thì lại là một câu hỏi kéo dài đến mấy trăm năm, cho đến tận bây giờ: đô thị đang có thực chất là sản phẩm của quy hoạch nào và quy hoạch nào đóng vai trò tích cực hay từng là một sai lầm đáng tiếc không thể sửa chữa của quá khứ?
Tượng "Đại Pháp mẫu quốc và Đông Dương" trên nền thành cổ HN, phía sau là Phủ Toàn quyền. Tượng bị phá vào thời chính quyền Trần Trọng Kim, do quyết định của Thị trưởng Trần Văn Lai. Thạch Lam: "hai người đàn bà nằm choài ra như bơi… người ta bảo đó là hình dung hai con sông Nhị Hà và Mê Kông…"
Và tại Hải Phòng: Năm 1904, lễ khánh thành tượng Jules Ferry (1832-1893), thủ tướng Pháp thời những năm đầu thập kỷ 1880 - kiến trúc sư của nền thuộc địa. Các "con dân" Annam đang ra sức kéo cờ tam tài khỏi bệ tượng. Sự công nhận của chính quyền thực dân thúc đẩy việc chính thống hoá những mô hình "dĩ Âu vi trung" tại các đô thị. Liệu chúng ta đã có thể hi vọng một cách khách quan rằng ta đã không lặp lại những bi kịch của hệ thống này, vốn đã bị các thế hệ sau đập tan?
Dễ thấy HN có quá nhiều tầng nhiều lớp lịch sử chồng chất lên nhau, do các triều đại phong kiến tập quyền luôn "thu về một mối", kìm hãm khả năng công thương nghiệp chỉ để phục vụ cho đời sống vương tôn, vua chúa, tầng lớp nhân sĩ quan lại trí thức, các đô thị con không được đầu tư, rút cục bao nhiêu vẻ mặt của đô thị trung cổ VN chỉ có thể đọc được từ "Thượng kinh". Thực sự thì các đô thị "vệ tinh" của HN có một dấu ấn như thế nào, ít ra là đối với tỉnh, vùng, trấn địa phương trong quá khứ, cũng như những dự kiến cho một chuỗi đô thị miền Bắc trong tương lai, để xem xem chúng có lọc được chút nào những văn minh làng xã lân cận, ít ra là trên phương diện quy hoạch và kiến trúc? Chúng chưa từng vấp phải những trở ngại về kinh tế, về ý thức dư luận cũng như đòi hỏi của xã hội như HN, mỗi lần quy hoạch và mở mang là một lần "dâu bể", chúng âm thầm lột xác và thay thế bộ mặt, dễ dàng và thuận lợi, khác hẳn với không khí ồn ào tranh cãi của đô thị "mẹ".
Di sản địa phương - vương thì tội
Các đô thị mọc lên từ giữa những vùng văn hoá riêng biệt, có thể đơn thuần là chỉ có công đường của Trấn, Tỉnh, Phủ… những thiết chế văn hoá: văn miếu, nhà học, trường thi; và đương nhiên là quần cư đô thị, dẫu chỉ có vài trăm nóc nhà, phố chợ, quán trọ, bến trạm… nhưng kiểu cách, sản vật và lối sống là của vùng miền. Tóm lại là đô thị nào cũng có không ít thì nhiều di tích hay dấu ấn vật thể của thời trước, nhất là luôn nằm trong một hệ thống và thuộc về cộng đồng. Tuy nhiên, nhắc đến thị xã Bắc Ninh người ta không nhớ đến một nét gì đặc thù của đô thị trên mảnh đất văn vật nhất nước. Phần đông vẫn nghĩ thị xã không có gì để thăm viếng ngoại trừ đi quá thị xã là đến đền Bà Chúa Kho, một nơi nặng về kinh doanh lễ hội cũng như tận thu tiền công đức của thập phương, trong khi cảnh quan và văn minh du lịch vẫn như kiểu chợ búa giành giật, các khối kiến trúc bê tông giả cổ thô nặng đến phản cảm mới chỉ được xây từ đầu những năm 1990 trở lại đây. Một di tích khác là Thành cổ Bắc Ninh trong ý nghĩ của dân cư thì không hơn "cái đồn đất". Bắc Ninh là một trong vài đô thị VN còn giữ lại được Văn Miếu (còn lại là Hà Nội, Hưng Yên, Huế, Trấn Biên mới phục dựng) như là một nét vẻ vang cuả quê hương. Xin kể câu chuyện: Mấy người bạn trẻ rủ nhau về thăm Bắc Ninh, hỏi đường vào Văn Miếu. Mấy ông bà ngồi ở ngã tư trung tâm bảo: "Văn Miếu phải về HN chứ! Ở đây làm gì có!". Không lẽ cổ nhân nói nhầm mà sách vở cũng sai? Hỏi chỗ khác thì được chỉ loanh quanh, người trả lời cũng không muốn thừa nhận là không biết, mãi rồi mới có một cô đang cấy dưới ruộng ở đoạn đường ngoại vi chỉ lên ngọn núi đằng trước, "nó" ở trên ấy. Con đường lên thăm Văn miếu Kinh Bắc là con đường đất, trời mưa rất khó đi, lại nằm men theo một ngôi làng. Người ta cũng thấy không công bằng cho một địa chỉ văn hoá của một xứ có đến non nửa số tiến sĩ của nền khoa cử cả nước lại ở chỗ đìu hiu như thế.
Trong khi đó, bản quy hoạch của "Bac Ninh city" tương lai sinh ra một trung tâm quyền lực mới, một ngã sáu dạng quảng trường của châu Âu thuở Haussman cải tạo Paris 1871 sau khi quân Versailles dập tắt Công xã Paris, thiết lập một đô thị đặc thù với những đại lộ thượng lưu. Trung tâm này có các sở, kho bạc, bưu điện, công an… án ngữ, song song với khu đô thị cũ chuyên buôn bán, và toà thành nằm ghé gẩm bên cạnh đường tàu, thuộc về quân đội. Không nói đến chuyện hình thức, vì tất cả các công trình mới cất đều dập lại hay mô phỏng gì đó kiến trúc Pháp cổ điển, mà chỉ nói về chuyện một mạng lưới giao thông quá thể "dĩ Âu vi trung", không gắn kết gì với đặc trưng một vùng mà người ta vẫn tự hào là đất quan họ có lịch có lề, "gái Nội Duệ Cầu Lim", hay những đình chùa nức tiếng để lại vẻ đẹp về kiến trúc và mỹ thuật. Những dấu ấn cũ bị bỏ quên, nhổ rế và người ta lại đặt vào đó những giá trị cũ kỹ khác, dù xây mới. Chúng ta còn có thể tranh luận nhiều về hậu quả của việc xoá sổ những đất làng của phủ Thọ Xương thành khu phố Tây của Hà Nội hay khu nam sông Hương ở Huế của người Pháp trên đất của những làng cổ, nhưng họ cũng biết cách quy hoạch nương theo cảnh quan và hình thái tự nhiên. Hồ Gươm và sông Hương là những sự chuyển tiếp tự nhiên mà thuyết phục. Còn ta cẩu thả là những con phố ngang nối 2 tuyến đường trục cũ - mới song song. Dãy phố nằm kẹp giữa hai con đường ấy như là 2 mặt tương phản của một cơ thể, hai tấm mặt nạ bằng bìa, như để khẳng định Đông và Tây không bao giờ gặp nhau.
Thị xã Vĩnh Yên (tỉnh lỵ Vĩnh Phúc) nổi tiếng với những khu điều dưỡng và nhà cửa thời Pháp, có những trang trại như vẫn được mô tả trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn của Nhất Linh, Khái Hưng, lại có đầm Vạc rộng bằng khoảng nửa hồ Tây, nhưng hiện tại là một thành phố mới sẽ giống Bắc Ninh, cũng ngã sáu, cũng hai con đường trục song song, cũng nhà hành chính kiểu Pháp… mà những biệt thự nghỉ dưỡng thời trước đi đâu cả? Thành phố công nghiệp Việt Trì cây xanh không tài nào mọc lớn nổi vì môi trường có vấn đề, cả thành phố như một khúc xương cá chạy đến 10km từ cầu Việt Trì đến quân khu II mà chiều dày không đến 1km, tất cả mọi hình thức đô thị chỉ tồn tại trên tuyến đường Hùng Vương ấy, như ta xem một cuộc diễu hành uể oải các kiến trúc công sở và nhà mặt phố. Ta có thể tưởng như cả con đường Tây Sơn - Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi ở HN bê lên đây.
Vĩnh Yên: Vẻ nặng nề và vô hồn của kiến trúc mới. Người ta có thể tưởng đó là những mô hình bằng bìa các tông đang gấp dở
Một vài đô thị may mắn có được một hình ảnh riêng biệt vì cảnh trí và di sản cũ còn dồi dào, vì ý thức người dân còn nhớ đến chúng, nhưng sức ép của "nhân rộng điển hình tiên tiến" từ Thủ đô có thể thấy tận mắt. Nếu Nam Định không có nhà thờ Thánh Phêrô có tháp chuông cao và mái vòm kiểu Rôman hiếm có ở VN và hồ Vị Xuyên (sông Lấp cũ) thì quả là giống một HN những năm 1980. Tên phố giống đã đành, đến nhà cửa cũng dập khuôn, ngay quảng trường tượng Trần Hưng Đạo là nhà hát Thành phố mới xây nhưng cũng có hình thức học tập Nhà hát Lớn HN (có cải biên tí chút: mặt tiền có trán tường tròn hơi kiểu Baroque nhưng ở giữa là một hình tròn giả mặt trống đồng Ngọc Lũ!). Thành Sơn Tây (Trong tập "Vang bóng một thời", Nguyễn Tuân đã có một mô tả rất có không khí với "hồi trống thu không" của thành cổ này) bị bao bọc o ép bởi tiến trình nhà phố ngày ngày phát triển. Thị xã đứng đầu xứ Đoài gần nửa thế kỷ lâm vào cảnh đô thị loại giữa 3 với 4, hết thuộc Hà Nội rồi Hà Sơn Bình và giờ là Hà Tây, chỉ ngang cấp với các huyện Ba Vì, Phúc Thọ xung quanh. Hình ảnh thị xã cũng không gợi mở cho du khách bao nhiêu về những mái đình Tây Đằng, Chu Quyến, Mông Phụ, hay làng cổ Đường Lâm, ao Vua, đền Và, núi Tản… trong bộ mặt của mình ngoại trừ những tấm biển chào mừng.
Hai đô thị tạo nên tam giác kinh tế Bắc Bộ cùng với HN là Hải Phòng và Hạ Long, nhờ vào ưu thế địa lý và kinh tế tương đối độc lập mà có được kiểu cách riêng cuả mình. Nhưng HN có cái gì thì hai nơi kia cũng phải có! Nhớ đến Hải Phòng là nhớ một nhà hát Tây chị em với HN, đến những bến Tam Bạc, vườn hoa, bến cảng… mà không nhớ những kiến trúc mới, một chợ Sắt kiểu dáng vay mượn từ Trung Quốc, mấy nhà cao tầng nhợt nhạt. Nhớ Hạ Long là nghĩ về những dãy đảo thiên nhiên, đến con đường ven bờ vịnh chứ không ấn tượng bao nhiêu về những khách sạn na ná trên khắp miền, những mặt phố ốp gạch men kính màu tím nhạt mắm tôm theo mode siêu thị Đông Hưng bên kia cửa khẩu.
Không phải lo ngại về vấn đề khảo cổ hay vướng bận di tích, các đô thị khá dễ dàng định đoạt bộ mặt quy hoạch nhưng cũng dễ dàng sơ lược hoá những yếu tố làm nên đặc trưng riêng từng đô thị. Có ý kiến từ dưới đưa lên, phải chăng là do tất cả các bản quy hoạch này đều từ một nơi là Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn thuộc Bộ Xây dựng nằm tại HN nên trùng lặp và nhất là được thực hiện trong một khoảng thời gian "ngắn gọn" thì lại càng khó lòng như ý? Với cơ cấu sử dụng đất đai khá là bình quân và đại trà cho mọi đô thị, dễ có cảm giác như người ta buộc lòng làm một việc như là trò chơi xếp hình lego, miếng này màu đỏ là khu hành chính, mẩu kia mầu vàng là khu dân cư…, đảo đi đảo lại mà thành. Đô thị miền Bắc chưa bao giờ tạo ra được một đối trọng ngang cơ với HN, do lịch sử hình thành và do quan niệm tập quyền trung ương từ thời phong kiến, và thế là Thủ đô luôn trong cảnh bìu ríu và quá tải. Trong cục diện toàn quốc, TP HCM cũng là một thực trạng như thế. Hai cục nam châm khổng lồ hai đầu và những đô thị khác gà gật đi sau chép lại bài vở của anh cả anh hai.
Vượt vũ môn
HN được đầu tư nhiều hơn và chất xám cũng bỏ ra không ít, nhưng những khu đô thị mới cũng bộc lộ sự phân chia cơ học cứng nhắc và đơn điệu về mặt tổ chức đời sống. Đương nhiên là đất mới mở sẽ xây dựng hiện đại, nhà cao tầng, điện đường trường trạm như tiêu chuẩn, nhưng có hi vọng gì về một sắc thái đô thị tương xứng với khu HN cũ mà tiền nhân đã dày công vun đắp? Năm 1998 nhân dịp World Cup mà cả thế giới biết đến một khu Saint Denis mới, với những công trình làm đổi thay diện mạo văn hoá xã hội, một Stade de France ở nơi vẫn biết đến qua trang sách của Victor Hugo, "bản anh hùng ca phố Saint Denis". HN mở mang to lớn hơn, nhưng cứ nhìn vào bản đồ quy hoạch và mô hình, sa bàn thể hiện thì người ta cảm thấy, giá như dồn những nỗ lực đó vào việc nâng cấp và tăng cường hệ thống kỹ thuật cho hạ tầng cơ sở của đô thị hiện tại, thì HN sẽ hoàn thiện hơn, thay vì cứ ngoạm mãi đất của ngoại thành và lân cận. Chi phí cho những khu dân cư nhiều cốt sinh hoạt, lớp cao để ở, lớp mặt giao thông và lớp âm để làm dịch vụ chẳng hạn sẽ hiệu quả hơn là dàn trải trên một diện tích không có điểm dừng và chi phí cho mạng lưới giao thông và đường dây cũng đến ngập đầu và rồi cái vòng quay mở rộng, cải tạo và sửa chữa cứ tít mù.
Nhìn vào bản đồ quy hoạch phát triển không gian đến năm 2020, HN sẽ rộng gấp 4 lần, mở rộng về phía Tây và Bắc, sang tận bên kia sông Hồng với các khu đô thị Đông Anh, Vân Trì, Sài Đồng, Việt Hưng…, đường giao thông tiêu chuẩn mặt cắt ngang toàn tuyến chủ yếu trên 11m, nhiều đường lên tới 40-50m, và nhất là có thêm 5 cây cầu qua sông Hồng và 1 cầu nữa qua sông Đuống. 18 năm, HN liệu sẽ kịp lột xác đến thế với một ngân sách dự kiến 30 tỷ đô la Mỹ thời giá năm 2001. Một cây cầu như cầu Thanh Trì mới khởi công sẽ "to hơn cả cầu Mỹ Thuận", trị giá đến 410 triệu đô la Mỹ, mà 4 cầu kia cũng to lắm, tròm trèm 2 tỷ đô la Mỹ. Rồi đài truyền hình Hà Nội có một dạo phát đi phát lại chuyên mục quy hoạch đô thị, cứ có cái câu "biến sông Hồng thành sông Xen" mà thấy nghi ngại. Sông Hồng cũng đâu phải là thứ sông vùng bình nguyên Trung Âu như sông Đanuýp mà nghĩ đến một công thức Buda + Pest = Budapest, để mà Hà Nội + Gia Lâm/Đông Anh = Hà Nội (!). Mỗi mùa lũ lớn, cả HN và mấy tỉnh đồng bằng sông Hồng hồi hộp theo dõi mức nước hồ chứa Hoà Bình, báo động cấp 3 rồi là bà con ngoài bãi Phúc Xá lại đôn đáo đi tìm nhà ở tạm trong đê. Trong quy hoạch, đoạn bên bờ Đông Anh có một cù lao, dự án khai thác cũng khá hấp dẫn: tháp truyền hình, trung tâm văn hoá, giải trí v.v…, ai sẽ đầu tư vào một vị trí đầy rủi ro đến thế. Năm nay bên này bồi nhưng năm sau đổi dòng, sự sụt lở xói mòn ai dám chắc là không có? Một "Thành phố sông Hồng" xây dựng ngoài đê trên các khu Phúc Xá, Nghĩa Dũng kéo dài đến bến Vạn Kiếp với các khu cao tầng khoảng 50 tháp từ 23-50 tầng, nghĩa là cao hơn tất cả những gì cao nhất trong nội thành đang có trừ các tháp sóng thông tin. Thử tưởng tượng ta đứng ở Hồ Gươm và thấy một bức "trường thành" lô nhô giăng hàng dài 5km, trong khi hồ chỉ cách bờ đê có 300m. Với kinh phí đầu tư khoảng 6000 tỷ đồng, sẽ giải quyết chỗ ở cho 136 ngàn người, trong đó tái định cư cho 50 ngàn người sở tại với giá cả dự kiến 8-10 triệu đồng/m2, cộng thêm 60000m2 văn phòng công sở… Mỗi căn 60m2 có giá 600 triệu đồng kể ra khó lòng đến tay những thân phận ngụ cư ngày ngày khuân vác bến bãi hay gánh rau đi chợ. Mà dải đường dọc đê gánh thêm ngần ấy áp lực dân sinh và dịch vụ, cũng đã tưởng tượng ra được những buổi tan tầm tắc nghẽn.
Quy hoạch HN đến 2020 được duyệt cho thấy HN rộng gấp 4 lần và có 5 cây cầu mới qua sông Hồng
Ông Nguyễn Trực Luyện, Chủ tịch Hội KTS VN, theo trả lời phỏng vấn báo Thể thao Văn hoá số 88 năm 2001 cho biết hội không được hỏi ý kiến hay là tham gia có tính pháp lý vào bản quy hoạch, và tỏ ý nghi ngại về tính khả thi của siêu dự án này. Chỉ cần làm phép tính sơ bộ sẽ thấy nguồn vốn huy động khổng lồ đến thế nào, liệu con cháu mai sau có thoả mãn với kết quả đó không mà vui vẻ trả nợ cho các nhà đầu tư, cũng như ca ngợi ông cha đã "truyền lại những di sản" quý báu đến thế, mà người đương thời không có mắt nhìn xa trông rộng. Thật ra, những dự án vĩ đại làm đổi thay đời sống theo chiều hướng tốt đẹp hơn, ai cũng muốn thành hiện thực, nhưng nhìn vào tất cả những dự án "bán vĩ đại" đã làm, cộng thêm nguồn lực có hạn, thì người lãng mạn nhất cũng không thể chắc cú như đánh đề được!
Hà Nội: Champ Elysee và Harlem
Vậy các khu xóm liều (ta không dùng từ "ổ chuột", vì từ này chỉ có ở các nước tư bản đế quốc xã hội bất công), khu dân cư lao động ngóc ngách sẽ hưởng lợi gì từ quy hoạch này? Chúng sinh ra từ thời Pháp thuộc và không chịu mất đi cùng với chế độ cũ. Phải nói là việc thiết lập các tổ dân phố và cụm dân cư nhân dân tự quản đã góp phần rất có ý nghĩa trong việc kiểm soát những mặt trái của đô thị, dù là ở mức độ khiêm tốn. Một số tuyến phố mới mở mang đi qua các khu Thanh Nhàn, đê Trần Khát Chân, Văn Chỉ Bạch Mai… đã làm cho bộ mặt khu phố vốn bị coi là vết loét xấu xa sáng sủa hơn rất nhiều. Nhưng công viên Đống Đa thì chưa kịp làm (vì phải đợi nguồn vốn) trên khu bãi rác Thành Công cũ đã trở thành đất nhảy dù của hàng trăm căn nhà của những "vua bãi rác". Thì… lại phải giải toả và đền bù. Dù đô thị của chúng ta mới hay cũ, lúc nào cũng gặp phải sự đã rồi. Vì những căn nhà mới trong các chung cư cao cấp đã được mua bán ngay từ khi mới ráo mực bản vẽ được duyệt và nếu người có nhu cầu ở thật sự cần thì phải mua ở một giá khác sao cho chênh lệch có thể đảm bảo cho tay đầu cơ mua được những nơi khác mới hơn nữa. Vì những căn nhà lá tạm bợ rụt rè mọc trên đất trống chờ quy hoạch, thấy êm êm là "ngói hoá" và những láng giềng của nó đến góp vui "tắt lửa tối đèn đánh nhau". Chính quyền sở tại không can thiệp, chỉ gõ đầu thu tiền phạt, "chúng tôi không có chức năng kiểm sát và cưỡng chế giải toả, chúng tôi phải chờ hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền"… Cứ thế, cứ thế, như đã hẹn tự bao giờ.
Nước chảy chỗ trũng, quanh hồ Tây là lãnh địa của giới thượng lưu, về lâu về dài, không ai thu nhập ba cọc ba đồng có thể làm thế nào chen chân vào sinh sống trong những khu đất tiền chục tỷ. Trong khi những khu Vĩnh Tuy, Mai Động, Thanh Lương, Quỳnh Lôi, Thổ Quan, Văn Chương, Lương Sử … chịu phận kém cỏi. Chưa thấy tiền đề cho các hạng mục giải trí hay phúc lợi xã hội cũng như sinh hoạt công cộng tại những khu này. Vì thực ra chúng cũng nằm không quá xa các "điểm sáng" văn hoá, nhưng tất nhiên chưa thể nói có ở ngay cạnh đèn mà đã rạng được. Quy hoạch chung HN vẫn quá nặng về cổ vũ cho những dự án mới toanh mà bỏ qua những cải tạo chỉnh trang cơ sở hạ tầng cũng như các biện pháp can thiệp vào tình trạng kinh tế - xã hội tại những khu vực nội thành phức tạp và không có cơ hội phát triển theo kịp các khu "mặt tiền".
Đằng sau một khu dân cư mới là sự khấp khểnh về hình thức kiến trúc và các tuyến cao - thấp, sự mất cân bằng về không gian cũng như hệ thống kỹ thuật (cột điện cao thế giữa khu dân cư)
"Một cô gái như em, từ một xóm nghèo HN, đã vươn lên, đã vươn lên thành người giáo viên trong thời đại mới" (lời bài hát "Em đứng giữa giảng đường hôm nay" của Tân Huyền). Em ở xóm liều, em vươn lên và em bay tới những chân trời biệt thự hồ Tây. Tuy nhiên đầu tư cho một HN mới và hiện đại trong vòng gần 20 năm tới đến 30 tỷ đô la vẫn có thể ổn hơn khi nghe những con số ngành giấy cần 1 tỷ đô la năm 2003 để bù lỗ cho cạnh tranh với giấy ngoại hay Nhà nước phải bù lỗ cho ngành mía đường 8000 tỷ đồng.
Lại về tỉnh nhỏ
Những người hay phải đi công tác các tỉnh quanh HN, nhất là các thành phố thị xã, những lần sau đều mang theo một phương tiện giải trí bỏ túi khi nghỉ ngơi giữa các buổi làm việc tại nơi công tác. Sẽ thật là buồn tẻ cho họ khi đi loanh quanh mấy con phố nhạt phèo và vắng vẻ dịch vụ, cũng không phải chỗ nào cũng có một Bờ Hồ hay đường Thanh Niên để đi hóng mát, hay là có phim kịch để xem. Đường phố thì không có lấy nét đặc trưng, cây cối ít đến ngạc nhiên nhưng số lượng quán bar - karaoke không kém HN. Đến kiểu biển tên phố cũng y chang Thủ đô: nếu ở HN có màu xanh nước biển, viền và chữ trắng, phông chữ kiểu VNHELVESTINCH và có hình logo Khuê Văn các trong hình tròn phía trên thì Nam Định là hình tháp Phổ Minh, Việt Trì là đền Hùng, chỉ khác mỗi chỗ đó mà thật ra lại cũng vẫn tư duy giống hệt. Không có một nét bí ẩn riêng hay hấp dẫn cho du khách, cũng như nghèo nàn dịch vụ văn hoá, vậy mà cửa ngõ vào luôn có biển panô rất hoan hỉ "Thành phố/Thị xã … đón chào quý khách" kèm theo câu tiếng Anh quen thuộc, và thường có cả khẩu hiệu "Việt Nam, điểm đến của thiên niên kỷ mới". Khi bạn quay về HN thì thấy mặt sau là "cảm ơn và hẹn gặp lại". Du khách ngoại quốc đến VN có phát biểu cảm tưởng thì cũng chỉ nói đến HN trong số các đô thị miền Bắc. Có thể trách họ đã bỏ qua và thiếu thông tin, nhưng ta thử ngẫm xem, bộ mặt các đô thị còn lại đã chuẩn bị được những gì để họ nhớ đến như là một thành phố đáng yêu, đẹp đẽ và mến khách? Những trang báo Vietnam News, Heritage, Vietnam Investment Review hay Timeout đã dành được bao nhiêu chữ cho những nơi giải trí ở đô thị ngoài HN? Những tỉnh có khu chế xuất và khu công nghiệp có người nước ngoài làm việc, liệu họ có nghĩ đến có những khu downtown trong tỉnh để xuống phố vào cuối tuần hay họ sẽ dinh về HN, đi Hạ Long, Sapa, Đồ Sơn hay qua Thái nghỉ ngơi. Với ta, 60km từ Hải Dương về HN có thể là xa nhưng chỉ cần hơn 1 giờ đồng hồ họ thấy cũng như ở quê nhà họ chạy xe đi làm hàng ngày mà thôi.
Còn HN? Tiếc rằng những gì đang diễn ra chưa làm cho Thủ đô thoát được vẻ tỉnh lẻ quê kệch. Những câu chuyện làm mới (các cụ hay gọi là "cưới chợ", "cưới tàu mới") vẫn trên tinh thần "cài cắm". Cài cắm kiến trúc mới và khu đô thị mới cũng mang tinh thần của cài cắm con em vào tổ chức, cài cắm cốt cán vào quần chúng như xưa nay vẫn thế. Nhìn vào hệ thống các đường bay quốc tế, thì HN cũng chỉ là một ga xép, trong tương quan của một thế giới chuyển động không ngừng về mọi mặt.
© 2003 talawas