Immanuel Kant hẳn chẳng thể ngờ được rằng hơn hai thế kỉ sau khi viết bài báo "What is Enlightenment?" tên ông lại được những trí thức thuộc một nền văn hoá hoàn toàn xa lạ với ông gắn với một tôn giáo còn xa lạ với ông hơn. Nếu linh hồn con người là bất tử và ở đâu đó Kant vẫn đọc được những bài báo mới được viết gần đây thì không hiểu ông sẽ vui hay buồn? Hay ông sẽ bảo: "Tha cho ta, đừng gán ghép một cách hồ đồ như thế!" Vâng, tôi cho rằng ông sẽ nói như vậy, hay ít nhất ông cũng nghĩ như vậy bởi vì giữa phong trào Khai sáng mà ông là một trong những người cổ suý và đại diện với việc tu hành để đạt giác ngộ của nhà Phật có chung thì chỉ là chung một từ Anh ngữ "Enlightenment" mà thôi. Chung âm, chung cách viết nhưng chẳng chung ý nghĩa. Có lẽ triết lí nhà Phật du nhập vào Anh quốc sau khi ngôn ngữ của họ đã ổn định, họ không thể nghĩ ra một từ mới nào nữa, đành dùng tạm cái từ đã trở thành phổ thông từ trước, ấy là từ Enlightenment, và người đã giác ngộ, đã giải thoát thì gọi luôn là Enlightened One. Phải chăng lầm lẫn là ở chỗ này?
Để hiểu đúng tinh thần của Kant, tôi đã phải đi tìm
Foucault và nhờ ông giảng cho nghe khái niệm Khai sáng trong bài báo "What is Enlightenment?". Foucault nói như sau
[1] :
"Kant chỉ ra rằng việc "vùng thoát" là đặc trưng của "khai sáng", một quá trình giải phóng chúng ta khỏi trạng thái "vị thành niên". Ông quan niệm "vị thành niên" là do không có ý chí nên ta khuất phục một quyền uy nào đó và cho phép nó dẫn dụ ta trong những lĩnh vực mà lẽ ra ta phải sử dụng lí trí của chính mình. Kant đưa ra ba thí dụ: chúng ta ở trong tình trạng "vị thành niên" khi có một cuốn sách giữ giùm tri thức cho ta, khi có một đạo sư giữ giùm lương tâm cho ta, khi có bác sĩ coi giùm chế độ dinh dưỡng cho ta (không khó nhận ra ba xu hướng phê bình của Kant, dù bài báo không chỉ thẳng ra như thế.) Dù sao mặc lòng, Khai sáng là sự thay đổi quan hệ giữa ý chí, quyền uy và việc sử dụng lí trí.
Cần phải thấy rằng Kant quan niệm việc "vùng thoát" này một cách nước đôi. Ông coi đây là một sự kiện, một quá trình đang diễn ra, nhưng cũng là một trách nhiệm, một nghĩa vụ. Ngay từ đoạn văn đầu ông đã cho rằng mỗi người tự chịu trách nhiệm về trạng thái "vị thành niên" của chính mình. Từ đó thấy rằng người ta chỉ có thể thoát khỏi nó bằng cách thay đổi chính mình. Kant đã xác định một cách rất rõ ràng khẩu hiệu của Khai sáng, một khẩu hiệu cũng là ranh giới để ta có thể tự nhận ra mình, đồng thời cũng là một mệnh lệnh cho mình và cho những người khác. Mệnh lệnh ấy là gì? Aude Saper - hãy dũng cảm, quyết tâm tìm hiểu. Như thế nghĩa là Khai sáng là một tiến trình, trong đó mọi người đều tham gia và là một hành động dũng cảm của mỗi cá nhân. Mọi người vừa là thành tố vừa là tác nhân của cùng một tiến trình. Họ vừa là người tham gia vì là thành phần của quá trình, nhưng quá trình đó chỉ có thể tiến triển tương ứng với sự tham gia tự nguyện của mọi thành viên của xã hội vào tiến trình đó.
Có một chỗ khó hiểu trong bài báo của Kant, đấy là khi ông sử dụng thuật ngữ Menschheit (nhân loại). Chúng ta đều biết ý nghĩa quan trọng của từ này trong quan niệm của Kant về lịch sử. Có cần phải hiểu là quá trình Khai sáng bao gồm toàn bộ loài người không? Trong trường hợp này lại phải hiểu rằng Khai sáng là một sự đổi thay mang tính lịch sử, liên quan đến sự tồn tại về mặt xã hội và chính trị của tất cả mọi người trên trái đất. Hay đây chỉ là sự thay đổi liên quan đến những cái cấu thành nhân tính của con người? Và như vậy, vấn đề đặt ra ở đây chính là sự thay đổi ấy là gì? Câu trả lời của Kant cũng mang tính nước đôi. Dù cách trình bày đơn giản, vấn đề khá là phức tạp.
Kant xác định hai điều kiện chủ yếu để con người có thể thoát khỏi tình trạng vị thành niên. Hai điều kiện đó vừa là tinh thần vừa là thể chế, vừa là đạo đức vừa là chính trị.
Điều kiện thứ nhất là phân biệt cái gì do tuân thủ và cái gì do sử dụng lí trí. Kant, khi nói đến tình trạng vị thành niên, đã đưa một mệnh đề: hãy vâng lời và đừng tranh luận nữa, theo ông đấy chính là hình thức thực hiện kỉ luật quân sự, quyền lực chính trị và quyền uy tôn giáo. Loài người thành nhân không phải khi không còn phải tuân thủ nữa mà là khi được bảo rằng: "muốn bàn luận bao nhiêu cũng được, nhưng hãy vâng lời". Cần phải thấy rằng ở đây Kant đã dùng từ räsonieren, được ông sử dụng trong các tác phẩm Phê Phán, có nghĩa là khi tự thân lí trí là cứu cánh, räsonieren là lí luận chỉ để lí luận. Kant đã đưa ra những ví dụ tưởng chừng như rất bình thường: đóng thuế, nhưng được tự do phát biểu về hệ thống thuế khoá; hay đối với một tu sĩ thì đấy là thực thi đấy đủ nhiệm vụ trong giáo xứ của mình trong khi vẫn có thể phát biểu về các giáo lí - đấy chính là trạng thái thành nhân của con người.
Người ta có thể nghĩ rằng điều này không khác lắm với truyền thống tự do lương tâm có từ thế kỉ XVI: hãy tự do suy nghĩ, nhưng phải tuân thủ đúng mực. Nhưng Kant đã đưa ra một sự phân biệt, theo kiểu của ông. Đấy là phân biệt giữa khía cạnh riêng tư và công cộng của lí trí. Kant nói thêm rằng lí trí phải được tự do ở khía cạnh công cộng và hạn chế ở khía cạnh riêng tư. Điều này trái ngược hoàn toàn với cái mà người ta vẫn gọi là tự do tư tưởng.
Ở đây cần phải làm rõ. Theo Kant thì thế nào gọi là sử dụng lí trí một cách riêng tư? Thực hiện điều đó trong lĩnh vực nào? Theo như lời Kant thì một người sử dụng lí trí một cách riêng tư khi người đó đóng vai một phần của cơ chế, nghĩa là khi người đó đóng một vai nhất định nào đó trong xã hội, thực hiện một chức năng nhất định nào đó. Khi một người là quân nhân, là người đóng thuế, là thày tu trong giáo xứ của mình, là một viên chức chính phủ thì có nghĩa là người đó đang giữ một vị trí xác định, anh ta phải thực hiện một số nguyên tắc, theo đuổi một số mục tiêu cụ thể. Kant không đòi hỏi phải tuân thủ một cách mù quáng, nhưng lí trí lúc này phải được sử dụng phù hợp với điều kiện và phục vụ mục tiêu xác định.
Ngược lại, khi lí trí được sử dụng chỉ để thảo luận, khi con người thảo luận chỉ vì anh ta là một sinh vật có lí trí (chứ không phải là một phần của cơ chế), vì anh ta thuộc về loài người, một loài có lí trí thì khi đó lí trí là tự do, công khai. Khai sáng không chỉ là một quá trình đảm bảo cho các cá nhân quyền tự do tư tưởng. Khai sáng còn là sự sử dụng một cách phổ cập, tự do và công khai lí trí của tất cả mọi người.
Điều này dẫn ta đến câu hỏi thứ tư. Dễ hiểu là việc sử dụng một cách phổ cập (nghĩa là không gắn với một mục đích riêng tư) lí trí là công việc của từng người và việc tự do sử dụng được đảm bảo một cách tiêu cực, không có một sự đe doạ nào, nhưng làm sao đảm bảo cho lí trí có thể sử dụng công khai? Chắc chắn Khai sáng không chỉ là một quá trình lôi cuốn sự tham gia cuả toàn thể loài người hay là trách nhiệm của từng cá nhân, Khai sáng còn là một vấn đề chính trị. Vấn đề là làm sao có thể sử dụng tự do, công khai lí trí giữa ban ngày ban mặt trong khi vẫn phải tuân thủ một cách chính xác. Và như vậy cuối cùng Kant đã đề nghị với Friedrich II một hiệp ước. Có thể gọi đây là hiệp ước giữa một thể chế chuyên chế khôn ngoan và một lí trí tự do: việc sử dụng lí trí một cách tự do và công khai là bảo đảm tốt nhất cho sự tuân lệnh, với điều kiện là nguyên tắc chính trị mà người ta phải tuân theo cũng phù hợp với lí trí."
Sau khi đã nghe Foucault giảng giải kĩ lưỡng về Khai sáng như vậy rồi, ta cũng sẽ phải tìm một người có uy tín giảng về Phật pháp để so sánh những di đồng, dị biệt. Tôi xin tóm tắt những điều ông Walpola Rahula trình bày trong cuốn "Lời Phật dạy"
[2] :
Cốt lõi của những điều Phật dạy chứa đựng trong Tứ Diệu Đế, tức Bốn Chân lí Màu nhiệm. Bốn chân lí đó là: Khổ Đế (Dukkha), Tập Đế (Samudaya), Diệt Đế (Nirodha) và Đạo Đế (Magga).
Trước hết nói về Khổ Đế. Cuộc đời là khổ, sinh, lão, bệnh, tử là khổ; ái biệt li khổ, oán tằng hội khổ. Đấy là ý nghĩa thứ nhất của Khổ Đế. Một tình cảm sung sướng hay điều kiện sống sướng là không thường xuyên, không vĩnh hằng; khi điều kiện đó thay đổi, ta thấy khổ. Đấy là ý nghĩa thứ hai của Khổ Đế. Những ràng buộc của ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là khổ, hay chính ngũ uẩn là khổ. Đấy là ý nghĩa thứ ba của Khổ Đế.
Tập Đế, Chân lí Màu nhiệm thứ hai, là nói về nguồn gốc của khổ đau. Chính dục vọng: 1. Dục vọng về các lạc thú giác quan, 2. Dục vọng về sự tồn tại và sinh thành, 3. Dục vọng về sự không tồn tại là nguyên nhân gây cho ta đau khổ.
Diệt đế hay Chân lí Màu nhiệm thứ ba là nói về sự giải thoát khỏi đau khổ, khỏi tính liên tục của Dukkha. Trừ bỏ được dục vọng là đạt Niết bàn.
Đạo Đế là Chân lí Màu nhiệm thứ tư hay cũng gọi là Bát Chánh Đạo tức con đường tám nhánh để đạt Niết bàn. Tám nhánh đó là: 1. Chánh kiến, 2. Chánh tư duy, 3. Chánh ngữ, 4. Chánh nghiệp, 5. Cháng mạng, 6. Chánh tinh tấn, 7. Chánh niệm và 8. Chánh định. Thực hiện một cách kiên trì, thường xuyên thì sẽ đạt Niết bàn hay là giác ngộ, giải thoát
Khi Phật nói với Ananda: "Này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, chớ y tựa người khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp là chỗ tựa" thì chính là Ngài nhắc nhở Ananda phải "tự lực cánh sinh", kiên trì tu tập theo đạo của Ngài, nghĩa là nhận chân các chân lí Khổ, Tập, Diệt, Đạo, ngăn chặn mọi dục vọng khi nó chưa phát ra và trừ bỏ mọi dục vọng khi nó đã phát ra. Nhưng đấy vẫn là dogma, vẫn là doctrines; vẫn phải y tựa vào lời dạy của Phật chứ đâu phải hoàn toàn tự do tranh luận về bất cứ vấn đề gì, tranh luận bao lâu tùy thích như Kant nói. Nên biết rằng đức Phật cũng gọi những người không theo giáo lí của Ngài là kẻ ngoại đạo.
Theo cách lí giải của phái Thiền tông, thì người Phật tử phải hiểu rằng "nhất thiết duy tâm tạo", nghĩa là mọi cảnh giới trên thế gian này đều do cái tâm của chính mình biến hiện mà ra. Muốn giải thoát thì phải hàng phục và an trụ được tâm mình ("Bạch thế tôn! Người thiện nam tử, thiện nữa nhân phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác làm sao an trụ làm sao hàng phục tâm kia?" - Kinh Kim Cang). Thiền sư thứ nhất của Trung Hoa là ngài Huê Khả hỏi sư phụ của mình là Bodhidharma: "Bạch hoà thượng, tâm con chẳng an, xin Hoà thượng dạy con cách an tâm".
An trụ, hàng phục tâm là mục đích tối hậu của tu thiền. Đạt được điều ấy là niết bàn, là giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, là hết sinh lão bệnh tử. An trụ, hàng phục tâm là xả bỏ hết, không còn dính chấp, không còn trụ vào đâu hết (Thế nên Tu-bồ-đề, các bồ tát lớn nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ nơi sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc pháp sanh tâm, nên không chỗ trụ mà sanh tâm kia - Kinh Kim Cang). Đấy là người đạt đạo - theo Phật.
Để có thể dễ so sánh ta tạm lập ra một bảng sau:
No |
Vấn đề |
Theo Phật pháp |
Theo Kant |
1
| Nương tựa vào
chính mình |
Để hiểu và tu theo Pháp của Phật, nhằm đạt giải thóat, Niết bàn |
Để suy tư về mọi vấn đề, từ thuế khoá, việc quân cho đến việc đạo. |
2
| Phương cách để đạt mục đích |
Tự mình, trong chỗ vắng lặng, riêng tư. |
Một người khó khai sáng. Cộng đồng dễ khai sáng nếu được tự do |
3
| Kết qủa |
An tịnh, không còn khổ. Không còn sinh tử, luân hồi |
Hiểu biết ngày một nhiều hơn, hành động ngày một tự do hơn. Chính phủ phải thay đổi cách cai trị. |
Như vậy là đạo giải thoát của Phật và bài báo của Kant nếu có điểm chung thì chỉ là một câu: hãy nương tựa vào chính mình. Nhưng câu ấy hàm chứa những nghĩa khác nhau. Với người Phật tử thì đấy là kiên trì theo Pháp, chánh tinh tấn tu hành và là tuyệt đối tự lực, không thể có ai giúp đỡ, giải thoát giùm. Còn với người theo Kant thì đấy là: ta có trách nhiệm khai sáng cho ta, nhưng toàn xã hội cũng phải cùng tham gia, cùng khai sáng với ta thì mới mau "sáng" được. Hai người đó nếu có bắt chuyện với nhau thì họ cũng không hiểu nhau. Họ là những người có thể nhìn nhưng không thấy nhau, họ không có duyên với nhau, "vô duyên đối diện bất tương phùng". Khai sáng là giáo dục, là khai hoá để bước mạnh mẽ vào đời. Giải thoát là thoát li, là tâm an, là bình thản. Có lẽ chẳng nên lẫn lộn làm gì, bởi những kẻ hậu sinh có thể lầm mà mua kinh Phật về tụng rồi nghĩ rằng mình sẽ được khai sáng chăng?
© 2004 talawas
[1]Michel Foucault, Khai sáng là gì? (Bản tiếng Nga, dịch từ Michel Foucault, Dits et ecrits. 1954-1988. Paris, Gallimard, 1994, V. IV.
[2]Wapola Rahula, L'enseignement du Bouddha, bản tiếng Việt, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau, 1994.