TÆ° tưởngTriết há»c Loạt bài: Kỉ niệm 200 năm ngà y mất của Immanuel Kant 12.02.1804-12.02.2004
24.2.2004
Immanuel Kant
Trả lá»i câu há»i: Khai Sáng là gì? ..
Phạm Minh Ngá»c dịch và chú thÃch
Vá»›i việc giá»›i thiệu tiểu luáºn Khai Sáng là gì? talawas mong nối kết những câu há»i rất thá»i sá»± của Việt Nam hôm nay vá»›i tÆ° tưởng của Immanuel Kant, triết gia Äức quan trá»ng nhất song hầu nhÆ° chÆ°a được dịch sang tiếng Việt. Cảm kÃch trÆ°á»›c sá»± quan tâm lá»›n và nghiêm túc của nhiá»u Ä‘á»™c giả và dịch giả, chúng tôi xin tiếp tục giá»›i thiệu những cố gắng chuyển tải tÆ° tưởng của I. Kant sang Việt ngữ. Thà nh công hay thất bại, những ná»— lá»±c nà y chắc chắn sẽ khÃch lệ những ná»— lá»±c khác và bổ Ãch cho tất cả. Mong các bạn cùng tham gia kỉ niệm 280 năm ngà y sinh của I. Kant sắp tá»›i (22.4.1724-22.4.2004) vá»›i talawas.
talawas Lời người dịch: Tôi đã đọc các bản dịch bài What is Enlightenment? và thấy rằng những bản dịch đó giảng được ý của Kant. Nhưng chả lẽ Kant lại viết như vậy sao? Nếu viết như vậy thì ông không thể dành được sự ngưỡng mộ và phong trào Khai Sáng cũng không thể có sức cuốn hút tạo ra bước ngoặt trong lịch sử châu Âu. Tôi tin rằng bài báo đó phải có hơi hướng của một bản hiệu triệu, nó phải như một nhát búa đập vào đầu cả đám dân chúng cả tin, cả những nhà cầm quyền chỉ nhăm nhăm cầm tay chỉ việc cho dân chúng. Và quả đúng như thế. Xin hãy đọc: "Enlightenment is man's emergence from his self-incurred immaturity." "Emergence" không thể là lối thoát hay là sự thoát li; "immaturity self-incurred" cũng không phải là trạng thái vị thành niên tự ấn định hay trạng thái tự phụ thuộc. Viết thế thì kêu gọi được ai? Sức cuốn hút ở đâu? Âm của từ "emergence" nghe đã vang rồi, tôi không biết tiếng Đức nhưng chắc rằng khi đọc to lên bằng tiếng Đức thì cũng sẽ có cảm giác như thế, nó gợi cho ta một hành động quyết liệt, đột ngột. Và thế là "Enlightenment is man's emergence from his self-incurred immaturity" nên được dịch sang tiếng Việt như sau: "Khai sáng là sự vùng thoát của con người khỏi tình trạng lệ thuộc mà anh ta đã tự cột mình vào." Sau khi dịch câu đầu tiên như thế, tôi tiếp tục làm việc gần suốt một đêm và đã hoàn thành bản dịch này.
21 tháng 2 năm 2004.
Phạm Minh Ngọc.
Khai sáng là sự vùng thoát của con người khỏi tình trạng lệ thuộc mà anh ta đã tự cột mình vào. Tình trạng lệ thuộc là khi người ta không có khả năng sử dụng được trí tuệ của mình nếu không có sự giám hộ của kẻ khác. Tình trạng lệ thuộc tự cột là khi người ta có trí tuệ nhưng không đủ quyết tâm và dũng khí để sử dụng nó nếu không có sự giám hộ của kẻ khác. Vì vậy khẩu hiệu của khai sáng chính là: Tri thức là sức mạnh! Hãy dũng cảm sử dụng trí tuệ của chính mình!
Lười biếng và hèn nhát là nguyên nhân khiến cho nhiều người, ngay cả khi tự nhiên đã giải phóng họ khỏi giai đọan cầm tay chỉ việc đáng ghét [1] , vẫn lấy làm sung sướng được làm trẻ con suốt đời. Cũng vì lí do đó mà nhiều kẻ mới trở thành người bảo hộ một cách dễ dàng đến thế. Đóng vai con trẻ mới dễ chịu làm sao! Nếu tôi có một cuốn sách chứa giùm tri thức cho tôi, nếu tôi có một cố vấn giữ giùm lương tri cho tôi, nếu tôi có một bác sĩ coi giùm chế độ dinh dưỡng cho tôi vv và vv. thì tôi sẽ chẳng phải cố gắng một chút nào hết. Tôi không cần suy nghĩ gì hết, cứ có tiền là xong, người khác sẽ làm tất cả những việc chán ngấy ấy thay tôi.
Những người giám hộ một khi tự nguyện giành lấy công việc giám sát sẽ mau chóng nhận ra rằng đa số nhân loại (bao gồm toàn bộ phái đẹp) đều coi việc thành nhân không những là một việc khó mà còn nguy hiểm nữa. Trước tiên họ làm cho những con vật đã được thuần hoá mụ mị đi, rồi cố gắng ngăn chặn không cho những con vật ngoan ngoãn đó thử làm một bước đầu tiên mà không có dây xỏ mũi, sau đó họ mới chỉ cho chúng thấy những hiểm nguy nếu chúng có ý định đi một mình. Bây giờ mối hiểm nguy thực ra là không lớn đến thế, chắc chắn cuối cùng chúng sẽ học đi được sau vài lần vấp ngã. Nhưng chỉ cần một lần như vậy cũng đủ khiếp rồi, thường thì chúng không dám thử thêm nữa.
Một cá nhân riêng lẻ thật khó thoát được tình trạng ấu trĩ đó, nó đã gần như là bản năng thứ hai của anh ta. Anh ta lại còn yêu nó nữa, anh ta thực sự không có khả năng sử dụng trí tuệ của mình bởi vì anh ta có được thử bao giờ đâu. Các giáo điều, các công thức, những công cụ vô hồn được đem ra sử dụng (hay thường là sử dụng sai) để hợp lí hóa tài năng thiên bẩm của anh ta chính là gông xiềng trói chặt anh ta vào tình trạng lệ thuộc. Nếu có một người nào đó vất bỏ được gông xiềng đi thì anh ta cũng còn lưỡng lự không dám nhảy lên dù con hào thật hẹp vì anh ta đã quen đi đứng tự do bao giờ đâu. Vì vậy chỉ có một ít người, bằng cách rèn luyện tinh thần là có thể tự giải phóng khỏi tình trạng lệ thuộc, táo bạo dấn bước trên con đường mà mình đã chọn.
Một cộng đồng dễ dàng khai sáng cho chính mình hơn. Điều đó gần như chắc chắn sẽ đến nếu cộng đồng đó được để cho tự do. Vì trong cộng đồng đó nhất định có một số người, kể cả trong số những người được chỉ định làm giám hộ cho đám đông dân chúng, tự suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Những người này, sau khi vứt bỏ được gông xiềng lệ thuộc, sẽ cổ suý tinh thần tôn trọng các giá trị cá nhân và nhiệm vụ của mọi người là phải tự suy nghĩ lấy. Điều đáng nói là nếu cộng đồng, trước đó được đặt dưới gông xiềng của những kẻ giám hộ, bị những kẻ này, những kẻ chưa được khai sáng, khuấy động thì hậu quả có thể là chính những kẻ đã từng bảo hộ người khác nay lại rơi vào tình trạng bị kìm kẹp. Việc tuyên truyền các thành kiến vì thế rất có hại bởi vì cuối cùng chúng sẽ đập lên lưng chính những kẻ đã ủng hộ các thành kiến đó (hoặc những kẻ trước đó nữa đã từng làm như thế). Cộng đồng vì vậy chỉ có thể được khai sáng một cách từ từ. Một cuộc cách mạng cùng lắm chỉ có thể lật đổ được một chế độ độc tài, tham tàn, áp bức, nhưng không bao giờ tạo ra được một cuộc cải tổ thật sự trong tư duy. Những thành kiến mới, giống như những thành kiến mà chúng vừa thế chỗ, sẽ trở thành sợi dây điều khiển đám đông quần chúng nhẹ dạ.
Để có thể khai sáng một cộng đồng, điều cần thiết duy nhất là tự do. Và quyền tự do chất vấn là hình thức tự do vô hại nhất để một người trình bày công khai lí trí của mình về mọi lĩnh vực. Nhưng tôi đang nghe thấy tiếng gào thét vang lên từ mọi phía: Không được cãi! Ông sĩ quan: Không được cãi, ra thao trường! Ông thuế vụ: Đừng cãi, trả tiền đi! Thày tu: Đừng tranh luận nữa, tin thế đi! (chỉ một người cầm quyền trên thế gian này nói: Tranh luận về bất cứ thứ gì và trong bao lâu cũng được, miễn là biết vâng lời! [2] ). Thế có nghĩa là ở đâu tự do cũng bị cản trở.
Nhưng loại cản trở nào thì kìm hãm khai sáng, loại nào thì, thay vì ngăn chặn, lại thúc đẩy khai sáng? Tôi xin trả lời: khía cạnh công cộng của lí trí cá nhân phải luôn luôn được tự do, chỉ một mình nó có thể đem khai sáng đến cho dân chúng; khía cạnh riêng tư của lí trí cá nhân có thể bị giới hạn một cách chặt chẽ mà không gây cản ngại đáng kể đến tiến trình khai sáng. Tôi hiểu khía cạnh công cộng của lí trí là khi một người với tư cách là một nhà nghiên cứu gửi trước tác đến toàn thể độc giả. Còn khái niệm khía cạnh riêng tư là khi một người sử dụng lí trí trong những chức vụ cụ thể hay tại công sở mà người đó được giao phó. Đối với một số công việc có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của toàn thể cộng đồng, chúng ta phải có một cơ chế mà một số thành viên phải thực hiện một cách thụ động với một sự nhất trí nhân tạo sao cho chính quyền có thể thuê họ vì mục đích chung (hay ít nhất cũng ngăn họ phá hoại các mục đích ấy). Dĩ nhiên không được tranh luận trong những trường hợp đó, tuân thủ là bắt buộc. Nhưng nếu một người thực thi nhiệm vụ của bộ máy lại coi mình là thành viên của cộng đồng hay ngay cả của toàn nhân lọai và như một nhà nghiên cứu thì người đó có thể gửi trước tác đến công chúng trong nghĩa đúng đắn nhất của từ này, anh ta có thể tranh luận mà không gây phương hại đến công việc mà anh ta được thuê làm trong vai trò thụ động một thời gian nào đó. Sẽ thật là tai hại nếu một sĩ quan khi nhận lệnh của thượng cấp lại công khai chỉ trích về tính hữu lí hay lợi ích của mệnh lệnh đó. Anh ta chỉ việc tuân lệnh. Nhưng anh ta không thể bị cấm quan sát các sai lầm trong khi thực thi nhiệm vụ quân sự như một nhà nghiên cứu và đưa ra cho công chúng phán xét. Một công dân không được trốn thuế đã được bổ, một người được gọi đi đóng thuế mà có hành vi chỉ trích thái quá mức thuế cũng có thể bị phạt vì sự xúc phạm như vậy có thể gây ra làn sóng bất tuân rộng khắp. Nhưng người đó không hề vi phạm nghĩa vụ công dân nếu anh ta, với tư cách một học giả, đưa ra công khai suy nghĩ của mình về những sai sót, thậm chí bất công của mức thuế này. Tương tự như vậy, một thày tu phải có trách nhiệm hướng dẫn cho giáo sinh và giáo đoàn theo đúng tinh thần giáo lí của nhà thờ mà ông phục vụ vì ông ta được thuê để làm việc đó. Nhưng như một học giả, ông ta hoàn toàn tự do cũng như có trách nhiệm phải phổ biến cho công chúng biết những suy nghĩ chân thành và sâu sắc của mình về những sai lầm của giáo lí và đề đạt các biện pháp ngõ hầu cải thiện giáo lí và giáo hội. Ở đây lương tâm không có gì phải vướng bận. Thày tu đó rao giảng, theo đúng chức trách của một người đại diện cho nhà thờ mà ông phục vụ, những điều không phải do tự ý ông quyết định mà là những điều ông được thuê để thay mặt một người nào đó rao giảng theo những phương pháp đã được quy định trước. Ông sẽ noí: Nhà thờ của chúng ta dạy điều này, điều này và đây là những bằng chứng được sử dụng. Sau đó ông cung cấp cho giáo đoàn các giá trị thực tế rút ta từ những tín điều mà chính ông sẽ không tuân thủ trọn vẹn nhưng ông có thể không nói ra bởi vì nó không hoàn toàn phi lí, nó có thể chứa đựng sự thật. Dù sao những điều được trình bày trong các tín điều cũng không mâu thuẫn với tín ngưỡng. Bởi vì nếu thày tu đó nghĩ rằng mình đã phát hiện ra một mâu thuẫn nào đó thì ông không thể thực hiện trách nhiệm một cách tự tin, ông sẽ phải từ chức.
Như vậy, một người, khi được thuê như một thày giáo, sử dụng lí trí của mình một cách riêng tư vì giáo đoàn, dù có đông tới đâu, cũng chỉ là một tập hợp có tính chất gia đình. Trong trường hợp này người tu sĩ không được tự do bởi vì ông đang thực hiện nhiệm vụ do người khác giao phó. Ngược lại, người tu sĩ, như một học giả đưa ra công chúng (thí dụ toàn thế giới) các tác phẩm của mình, đang sử dụng khía cạnh công cộng của lí trí, được hoàn toàn tự do sử dụng trí tuệ của mình và phát biểu nhân danh cá nhân mình. Để giữ được như thế thì những người giám hộ nhân dân trong lĩnh vực tinh thần phải là những người lệ thuộc, một sự phi lí cốt để làm cho những điều phi lí thành ra thường trực.
Một tập thể giáo sĩ thí dụ cộng đồng tôn giáo hay trưởng lão (người Hà Lan gọi như thế) có được quyền tự tuyên thệ cam kết với một tập hợp các tín điều bất di bất dịch để thực thi vĩnh viễn quyền giám hộ đối với các thành viên của họ và thông qua họ giám hộ toàn dân không? Tôi trả lời là hoàn toàn không. Một thoả ước được kí kết nhằm chặn đứng vĩnh viễn sự khai sáng của nhân loại là hoàn toàn vô gía trị dù nó có được một quyền lực tối thượng, Nghị Viện Hoàng Gia hay các hiệp ước hoà bình long trọng nhất phê chuẩn. Một thời đại không được tuyên thệ câu kết với nhau để buộc thời đại sau vào hoàn cảnh không thể mở mang và đổi mới tri thức, đặc biệt là đối với những vấn đề quan trọng hoặc là không thể thực hiện được tiến bộ nào trong quá trình khai sáng. Đấy sẽ là tội ác chống lại bản tính của loài người, thiên chức của loài người chính là sự tiến bộ. Các thế hệ sau có quyền bác bỏ những thỏa thuận phi pháp và tội lỗi đó.
Để kiểm tra xem một biện pháp nào đó có thể được thoả thuận như là luật đối với dân chúng hay không chúng ta chỉ cần hỏi là liệu dân chúng có đồng ý áp dụng luật đó cho mình hay không. Cách đó cũng có thể được sử dụng khi đưa ra một số điều luật tạm thời cho một khoảng thời gian nào đó trước khi tìm được giải pháp tốt hơn. Điều đó cũng có nghĩa là các công dân, đặc biệt là các giáo sĩ, với tư cách học giả được tự do góp ý công khai, thí dụ bằng văn bản, về những điều chưa hoàn thiện của các định chế hiện hành. Trong thời gian này trật tự vừa được thiết lập vẫn tiếp tục tồn tại cho đến khi nhận thức của công chúng về những vấn đề đó đã tiến bộ và được đa số (nếu chưa được toàn thể) đồng ý trình lên đức vua đề nghị mới. Điều đó nhằm bảo vệ, thí dụ, các giáo đoàn muốn thay đổi các định chế tôn giáo trên cơ sở nhận thức của họ, đồng thời cũng không cản trở những người muốn giữ nguyên trật tự cũ.
Nhưng tuyệt đối không được cùng nhau thiết lập, dù chỉ cho giai đoạn là một đời người, một định chế tôn giáo bất di bất dịch, không ai được quyền phê phán công khai. Vì điều đó gần như sẽ triệt tiêu một giai đoạn phát triển của loài người, đẩy những thất bại của nó cho các thế hệ sau, thậm chí có ảnh hưởng tai hại đến những thế hệ sau. Một người, vì lí do cá nhân, có thể tạm hoãn, ngay cả trong trường hợp này thì cũng chỉ trong một giai đoạn giới hạn nhất định, tự khai sáng về những vấn đề mà anh ta cần phải biết. Nhưng triệt tiêu hoàn toàn sự khai sáng, dù là đối một cá nhân, hơn nữa lại là đối với những thế hệ đi sau, đồng nghĩa với việc vi phạm và chà đạp lên những quyền thiêng liêng của nhân loại.
Điều mà nhân dân không chịu áp dụng cho mình thì nhà vua lại càng không được áp đặt cho họ bởi vì quyền lập pháp của ngài phụ thuộc vào khả năng thống nhất ý chí của dân chúng dưới quyền ngài. Khi nhà vua thấy rằng tình hình vẫn tốt hoặc những cải tiến được dự liệu phù hợp với trật tự công cộng thì ngài có thể để cho các thần dân làm những điều mà họ cho là cần thiết cho việc cứu rỗi của họ, đấy không phải việc của ngài. Việc của ngài là ngăn chặn những kẻ cản trở bằng vũ lực những người khác trong khi họ nỗ lực hết mình xác định và vươn tới sự cứu rỗi. Sự tôn kính của ngài sẽ bị suy giảm nếu ngài can thiệp vào những việc như đặt các trước tác, trong đó các thần dân của ngài bày tỏ đức tin của mình, dưới sự kiểm soát của nhà nước. Sự tôn kính của ngài cũng sẽ suy giảm nếu ngài coi ý kiến của mình là tối thượng, trong trường hợp này ngài đã tự đặt mình dưới câu châm ngôn: Ceasar không cao hơn các văn hào (Ceasar non est supra grammaticos), còn tệ hơn nữa nếu ngài sử dụng quyền lực của mình để tiếp tay cho sự áp bức về tư tưởng của một số ít kẻ bạo ngược trong vương quốc của ngài chống lại những thần dân khác của ngài.
Bây giờ nếu có người hỏi chúng ta hiện đã sống trong thời đại được khai sáng chưa thì câu trả lời sẽ là: chưa, nhưng chúng ta đang sống trong thời đại của sự khai sáng. Cứ như hiện tình thì chúng ta còn phải đi một đoạn đường dài trước khi toàn thể loài người đạt đến hoàn cảnh (hay được đặt vào hoàn cảnh) có thể sử dụng trí tuệ của mình một cách tự tin kể cả trong những vấn đề tôn giáo mà không cần bất cứ sự giám hộ nào từ bên ngoài. Nhưng chúng ta đã có những chỉ dấu rõ ràng là con đường đã được vạch rõ, có thể tự do tiến theo hướng đó, những cản trở trên con đường đưa đến sự khai sáng toàn diện, đến sự vùng thoát của con người khỏi sự lệ thuộc mà anh ta tự cột mình vào, sẽ ngày một ít dần đi. Trong ý nghĩa đó, thời đại của chúng ta là thời đại của khai sáng, thế kỉ của Frederick.
Một ông vua không cảm thấy ngại ngùng khi nói rằng bổn phận của mình, trong những vấn đề tôn giáo, là không áp đặt bất kì điều gì đối với dân chúng mà cho họ hoàn toàn tự do, một ông vua như thế, dù có từ chối danh hiệu là Người Bao Dung, cũng vẫn là một người đã tự khai sáng rồi. Ngài xứng đáng được hôm nay và hậu thế ngợi ca như là người đầu tiên giải phóng nhân loại khỏi sự lệ thuộc (đây là nói về chính phủ) và người đầu tiên cho mọi người sử dụng lí trí của chính họ trong tất cả những vấn đề thuộc về lương tâm. Luật của ngài là các vị linh mục đáng kính, dù không phải là nhiệm vụ chính thức, có thể, như một học giả được tự do và công khai đưa ra những ý kiến và nhận định của mình cho công luận phán xét, ngay cả khi những ý kiến và nhận định đó trái ngược với giáo lí chính thống. Điều đó còn được áp dụng rộng rãi hơn cho những người khác, những người không bị hạn chế bởi bất kì nhiệm vụ chính thức nào. Tinh thần tự do đó sẽ lan ra ngoại quốc, đến cả những nơi mà nó còn phải đấu tranh với những trở lực do những chính phủ chưa hiểu đúng chức năng của mình tạo ra. Đối với những chính phủ đó, thí dụ dưới đây sẽ cho họ thấy là tự do có thể tồn tại mà không ảnh hưởng đến hoà hợp dân tộc và sự nhất trí về quyền lợi chung. Con người sẽ tự nguyện thoát dần ra khỏi tình trạng bán khai nếu không có các chính sách được đề ra một cách cố ý nhằm níu giữ họ trong tình trạng đó.
Tôi đã mô tả những vấn đề tôn giáo như là tâm điểm của khai sáng hay là sự vùng thoát của con người khỏi tình trạng lệ thuộc mà anh ta đã tự cột mình vào.Tôi làm như vậy vì, thứ nhất, các nhà cầm quyền không quan tâm đến việc áp đặt vai trò giám hộ lên các thần dân trong những lĩnh vực như khoa học và nghệ thuật, thứ hai, lệ thuộc tôn giáo là lệ thuộc nguy hại và nhục nhã nhất. Tuy vậy quan niệm của vị nguyên thủ quốc gia, người khuyến khích tự do trong lĩnh vực khoa học và nghệ thuật có thể mở rộng sang cả các lĩnh vực khác vì ngài sẽ nhận ra rằng không hề có mối đe doạ nào đối với luật pháp của ngài khi cho các thần dân của mình công khai sử dụng lí trí và trình bày quan niệm của họ về việc cải tiến trình tự lập pháp cho dù việc đó có thể dẫn tới những chỉ trích thẳng thừng pháp luật hiện hành. Chúng ta đã có trước mặt mình một người tuyệt vời như thế, chưa có ông vua nào vượt qua ông, một người mà nay chúng ta tỏ lòng ngưỡng mộ [3] .
Nhưng chỉ có người cầm quyền đã tự khai sáng và không sợ bóng tối, một người có một đội quân đông đảo và có kỉ luật để đảm bảo trật tự công cộng mới có thể nói điều mà không một nước cộng hoà nào dám nói: Tranh luận về bất cứ thứ gì và trong bao lâu cũng được, miễn là biết vâng lời! Điều này cho chúng ta thấy hình mẫu hành động kì quặc và bất ngờ của con người (chúng ta sẽ luôn luôn thấy như thế nếu xem xét hành động theo nghĩa rộng rãi nhất, trong đó hầu như mọi thứ đều là nghịch lí). Mức độ tự do công dân cao có vẻ như là một lợi thế cho tự do tư tưởng, đồng thời lại tạo cho nó những rào cản không thể vượt qua được. Ngược lại một mức độ thấp về quyền tự do công dân lại có thể mang đến cho tri thức một không gian tự do đủ để có thể phát triển đến giới hạn tột cùng của nó [4] .
Vậy là, khi cái hạt mầm mà tự nhiên chăm chút kĩ lưỡng nhất trong con người, đấy là thiên hướng và khả năng tư duy tự do, đã phát triển trong cái vỏ cứng của nó dần dần ảnh hưởng lên trí lực của dân chúng làm cho họ hành động càng ngày càng tự do hơn. Cuối cùng nó sẽ ảnh hưởng đến cả các nguyên tắc của chính phủ, lúc này đã nhận thức được rằng sẽ được lợi nếu đối xử với dân chúng phù hợp với phẩm giá của họ chứ không phải như những cỗ máy.
Thành phố Königsberg, nước Phổ, 30 tháng 9 năm 1874.
© 2004 talawas
[1]Ngụ ý giai đoạn vị thành niên về mặt thể chất.
[2]Đây là lời của hoàng đế Frederick sẽ được nhắc tới trong đoạn sau.
[3]Ngụ ý hoàng đế Frederick.
[4]Cả đoạn này ám chỉ việc nước Phổ có vua và quân đội mạnh, nhưng nhà vua lại cho phép tự do ngôn luận trong khi các nước cộng hoà khác thì không (mọi thứ đều là nghịch lí).
|