trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
talaGallery
  1 - 4 / 4 bài
  1 - 4 / 4 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậttalaGallery
27.4.2007
 
Triển lãm “Closer” của Nguyễn Kim Hoàng
Như Huy giới thiệu và chú thích
 
“Closer” (Gần nữa) là tên cuộc triển lãm nhiếp ảnh ý niệm của nghệ sĩ Himiko. Nguyen (Nguyễn Kim Hoàng), dự định thực hiện từ ngày 22 tháng 4 năm 2007 tới 19 tháng 5 năm 2007 tại không gian phá cách Himiko Visual Saloon, 60/2 Lý Chính Thắng P. 8, Q. 3, TPHCM (số cũ: 88 Huỳnh Tịnh Của, P. 8, Q. 3, TPHCM). Tuy nhiên, vào trước hôm khai mạc một ngày, Sở Văn hoá Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn chính thức bác đơn xin phép triển lãm với lý do (nguyên văn): “Các tác phẩm không phù hợp thuần phong mỹ tục của văn hoá Việt Nam”.

Trong vai trò giám tuyển của triển lãm, tôi không muốn và không thể bình luận gì thêm về ý kiến này, mà chỉ muốn thông qua talawas đưa lên một số tác phẩm của nghệ sĩ Himiko. Nguyen cùng bài viết về triển lãm (curatorial essay) của tôi để công chúng, trước hết, có dịp thưởng thức, và sau đó, tự mình đánh giá về ý kiến của Sở Văn hoá Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh.
NhÆ° Huy
Như Huy
Closer: Gần nữa, hay những hợp thể của nghệ thuật và xác thịt

“The question is not whether Pornography, but the quality of Pornography.”
Susan Sontag

Đọc bài viết của Milan Kundera về Francis Bacon mang tên (tạm dịch) “Francis Bacon, người nghệ sĩ của cuồng nộ”, [1] tôi bị ám ảnh bởi một ý nghĩ của Bacon, được Kundera trích dẫn: “Mỗi khi bước vào lò mổ, tôi (Bacon) luôn có một ý nghĩa ngạc nhiên là, tại sao, thay vì những con thú, đã không phải là tôi bị treo ngược lên?”. Dù hẳn là đã có nhiều hàm nghĩa triết học, tư tưởng trong bản thân nội dung ý tưởng này của Bacon (như Kundera đã phân tích sau đó), song, với tôi, điều dễ thấy nhất ở đây là việc, khi phát ngôn như thế, dường như “người nghệ sĩ của cuồng nộ” này cũng đã tự động làm một thao tác xoá nhoà ranh giới giữa hai dạng xác thịt tưởng chừng vô cùng khác biệt; thú và người. Nói cách khác, với Bacon, xác thịt đã chỉ còn là xác thịt mà thôi, và bởi vậy, mọi loại dạng xác thịt tưởng chừng vô cùng khác nhau, rốt cục, trong một tình huống sử dụng nào đó, lại hoàn toàn có thể tráo chỗ cho nhau mà chẳng gây nên một tẻo teo ngạc nhiên nào về mặt luân lý, tâm lý hay thậm chí loại giống.

Song, có lẽ Bacon đúng chăng? Bởi thật ra thì, xác thịt, nhìn từ một góc độ nào đó, có thật sự được chia biệt không? Ở góc độ cực đoan nhất của ý tưởng này, câu trả lời có lẽ là; không. Chúng ta đều biết rằng trong những hoàn cảnh nào đó, con người đã từng ăn thịt lẫn nhau - ăn như thể những con người ăn thịt đồng loại, hay ăn như thể những con thú cắn xé nhai nuốt một con mồi xấu số bị chúng săn được, ăn nhờn gớm như thể trong một hoàn cảnh cần phải duy trì sự sống bằng mọi giá cho bản thân, hay ăn thành kính như thể trong một lễ tế nguyên thuỷ nhằm đạt tới trạng thái thần linh - cũng như từng có những hành vi tình dục với thú vật.

Thế nhưng liệu lý lẽ này có đủ mạnh để minh chứng cho việc - nhìn từ một chiều kích nào đó - xác thịt chỉ thuần tuý xác thịt, là một hợp thể của các chức năng luôn tiềm ẩn khả năng xoá nhoà mọi ranh giới đạo đức và giống loại?

Dù sao đi nữa, ngay từ cái khả năng và nỗi nghi vấn có thể gọi là gớm ghê này của trạng thái cào bằng mọi ranh giới và sự phân loại của xác thịt – xin thử lật ngược lại vấn đề, đặt ngược lại câu hỏi như sau: Nếu quả đã có một khả năng nào đó cho việc xoá nhoà mọi ranh giới đạo đức cũng như giống loại của xác thịt, vậy điều gì sẽ làm cho khả năng ấy không trở thành hiện thực, để xác thịt không bị rơi vào một thảm hoạ nhân tính của việc chỉ thuần tuý là là xác thịt - một hợp thể của nhũn mềm sụn gân tuỷ máu xương tinh dịch và trứng noãn hoàn toàn chỉ có tính chức năng và luôn mở ngỏ ra cho mọi chu du cực đoan và phi nhân nhất? Nói cách khác, điều gì sẽ làm cho xác thịt trở nên một nguồn sản tạo cho (của) trí tuệ, tình yêu, sự giao tiếp và ý thức vươn thoát khỏi định mệnh băng hoại và cô độc do đánh mất đi mối liên hệ với bản thân và đồng loại?

Câu trả lời (một trong nhiều câu trả lời khác) ở đây cho câu hỏi phản đề này, theo tôi, có lẽ nằm ở chính khả năng tự ý thức, và tiếp đó, tự chiêm ngưỡng của chủ thể sở hữu thân thể đối với thân thể của bản thân, để rồi, bắt đầu từ ấy, khởi lên một nhu cầu (và khả năng) quan tâm tới cơ thể đồng loại (thậm chí khác loại) không như một cơ chế của chức năng với mọi chi tiết và cấu trúc bị khách thể hoá triệt để đến mức vô căn tính, với mọi phát ngôn hay cái nhìn hướng về thế giới từ ngôi thứ nhất (ngôi của chủ thể) bị thải loại, với mọi khát khao và ao ước riêng tư, là biểu hiện ra ngoài cao nhất của một chủ thể tự do có ý thức (hay của một chủ thể có ý thức về tự do) bị phi nhân tính hoá thành các nhu cầu đơn sơ hàng loạt, với mọi góc khuất thầm kín đều bị bần hoá đến mức hạ cấp của những phiến thịt trắng bệch, vàng ệch, đen bóng hoặc hồng nhợt lạnh lẽo trông từa tựa nhau và luôn có thể thay thế, mà còn như một miền đất của cảm xúc, của sự nới rộng và làm sâu sắc thêm cho trí tưởng tựơng, của sự huyền bí miên viễn và các khả năng mở ra cho mọi biến thể, để thông qua đó có thể hiểu (và giữ mối dây liên hệ với) cơ thể bản thân, với kẻ khác, và với thế giới…

Xét theo góc độ của chính những câu hỏi và trả lời vừa rồi, phản biện lại cái khả năng và nghi vấn gớm ghê được diễn suy ra từ ý tưởng của Bacon trong đoạn đầu bài viết, theo tôi, có thể coi triển lãm “Gần nữa” (Closer) của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Kim Hoàng là một dạng hành vi, mà ở đó, những gì dễ thấy lại nhất chính là những gì vừa được nói tới ở trên:

“… khả năng tự ý thức, và tiếp đó, tự chiêm ngưỡng của chủ thể sở hữu một thân thể đối với thân thể bản thân, để rồi, bắt đầu từ ấy, khởi lên một nhu cầu (và khả năng) quan tâm tới cơ thể đồng loại (thậm chí khác loại)… như một miền đất của cảm xúc, của sự nới rộng và làm sâu sắc thêm cho trí tưởng tựơng, của sự huyền bí miên viễn và các khả năng mở ra cho mọi biến thể, để thông qua đó có thể hiểu (và giữ mối dây liên hệ với) cơ thể bản thân, với kẻ khác, và với chính thế giới…”

Triển lãm cá nhân mang tên “Gần nữa” (Closer) lần này của Nguyễn Kim Hoàng bao gồm 29 tấm ảnh khổ trung bình - chính là 29 cửa sổ chiếu thẳng vào một thế giới ngập tràn các mảnh thân thể rời, được chụp bắt và làm ngưng đọng lại trong nhiều tư thế và từ nhiều góc độ khác nhau. Tất cả các mảnh lẻ ấy đều được phủ lên trên một thứ ánh sáng đỏ thẳng căng và đều bị nhìn gần đến mức mọi cơ chế thường ràng buộc con người như dáng vẻ, nét mặt hay động tác đều bị loại thải hoặc xoá nhoà hết để rốt cục, chỉ còn lại một miền đất tự do vô giới hạn của các thể dạng, cùng lúc, vừa đủ cụ thể để khuấy gợi bừng lên các cảm xúc xác thịt có tính chức năng, vừa đủ mơ hồ để - ngay khi các cảm giác cụ thể và chức năng ấy vừa chạm tới ngưỡng trần tục - sẽ bị vặn chệch lập tức sang khu vực của trí tưởng tượng vô tận, được dựng nên bằng các mảnh giả thiết đa chiều của ánh sáng, bố cục, đường nét và mầu sắc…

Song chưa hết, những gì chúng ta còn nhận ra thêm nữa trong thực hành nhiếp ảnh của Kim Hoàng ở triển lãm “Gần nữa” này không chỉ là 29 cửa sổ được phủ che bằng các lớp rèm mầu tía mỏng với mục đích nhoà hoá và biến cái hiện thực mang tính chức năng ở ngoài kia thành ra các lát cắt căng mọng của huyền ảo và trí tưởng, mà còn là cái ánh mắt lặng lẽ nằm phía sau ống ngắm - một ánh mắt như thể đang chằm chằm và run rẩy trong tiến trình quan sát, dò kiếm, dừng lại, trì néo, vuốt ve, giằng co, mơn khoái và (dường như đôi khi) bất lực trong nỗ lực - không phải khách thể hoá đối tượng thành những nô lệ vô tri chỉ có tính chức năng, mà khách thể hoá chính cái nhìn của bản thân, qua đó, giúp đạt tới đối tượng, phú linh hồn cho đối tượng, mở thêm cho đối tượng các khả năng mới, và rồi, buộc chúng phải trở thành những chủ thể tự do - thốt nên lời từ ngôi thứ nhất.

Điều đáng chú ý trong triển lãm này của Kim Hoàng, theo góc nhìn từ vai trò giám tuyển của tôi, còn nằm ở chiến thuật thực hành của nghệ sĩ. Dường như với tôi, đây là một chiến thuật có đôi nét tương đồng nào đó (dù là khác dạng) với chính cái chiến thuật mà Auguste Rodin từng sử dụng trong các bức vẽ nét miêu tả những cảnh xác thịt của ông trước đây.

Matthew Kieran, ở một bài viết đăng trên tạp chí Triết học và Nghệ thuật, [2] khi phân tích về Rodin, trong vai trò một nghệ sĩ dung hợp được vào tác phẩm của mình cả hai yếu tố, tính xác thịt và nghệ thuật, đã vạch ra chiến thuật của thiên tài này trong các (Matthew Kieran đặt tên là) “trực hoạ” (Instantaneous Drawing) của ông, như sau:

“Không giống với các bức hình hoạ quy chuẩn trường ốc thời đó, Rodin khởi vẽ ngay từ những nét viền thuần tuý, được làm nổi bật lên bởi mầu nước, và trong khi, bởi bận quan sát người mẫu, mắt ông không hề nhìn xuống giấy, thì chính tay ông lại vẽ liên tiếp nhằm bắt kịp các động tác của người mẫu. Kết quả trên bức trực hoạ sau cuối là vô số các nét vẽ, nét này chồng lên, sửa lại, xoá đi nét khác, qua đó, làm nổi bật lên cảm thức về sự lưu chuyển và sống động.”

Theo Matthew Kieran, chính nhờ vào chiến thuật nói trên, mà Rodin đã “khuấy động nên những cảm xúc xác thịt từ người xem…” và “các tập trung trắng trợn của Rodin vào bộ phận sinh dục của người mẫu, các hành vi ái tình, và sự kích thích nhục dục đã được làm nổi bật nhờ sự nhấn mạnh của Rodin vào cảm thức chuyển động và xoay cuộn của thân thể…”

Và cũng theo Matthew Kieran, đây là yếu tố đáng kể nhất của thiên tài này, khi sử dụng một chiến thuật trình hiện đầy tính biểu cảm và độc đáo, trái ngược hoàn toàn với mọi chiến thuật trình hiện về xác thịt (pornographic representation) thuần tuý thông thường, (mà theo Matthew Kieran) luôn chỉ mang mầu sắc công thức, nhạt nhẽo, chủ yếu nhằm mục đích duy nhất là trưng khoe ra cho được các khía cạnh chức năng của xác thịt mà thôi. [3]

Trở lại với triển lãm “Gần nữa” của nữ nghệ sĩ Nguyễn Kim Hoàng, rõ ràng là ở đây, ta có thể thấy ngay, dù cho không hề vẽ (như Rodin đã vẽ), và cũng không tìm cách thu ghi lại cảm thức về sự chuyển động xoay cuộn của người mẫu trong các tư thế và hành động xác thịt (theo kiểu Rodin), điểm tương đương khá rõ nét trong chiến thuật trình hiện của nữ nghệ sĩ Việt Nam với chiến thuật trình hiện của thiên tài Rodin, theo tôi, nằm ngay ở thao tác của Kim Hoàng trong việc sử dụng máy hình, các tính năng zoom và macro của nó cùng những thao tác trong phần mềm photoshop (tương đương với thao tác trực hoạ của Rodin), để ngoài việc miêu tả đối tượng (với Rodin là các hình ảnh sinh hoạt xác thịt, với Kim Hoàng là các mảnh cơ thể luôn tôn tại ở những khu vực ráp giới vô cùng nhậy cảm giữa cơ thể - như một mẫu hình của cái đẹp tự nó, và cơ thể - như một nguồn tạo khoái lạc xác thịt mang tính chức năng, và do đó như một mẫu hình của cái đẹp tuỳ tòng ) trong vai trò là những khách thể thông thường, còn tạo nên các hiệu quả mang tính nghệ thuật rất cao, qua đó duy trì trạng thái độc lập và khả ngôn cho tác phẩm sau cuối.

Có thể nói, bằng những công cụ đặc trưng của nhiếp ảnh - các cắt cúp khuôn hình cũng như cách sử dụng ánh sáng [4] độc đáo và đầy biểu cảm, ở loạt ảnh này, Kim Hoàng đã trưng ra những chi tiết mà sự cảm hiểu và rung động với chúng phụ thuộc chặt chẽ vào khả năng (và sức tưởng tượng) của người xem.

Và như thế, trong vai trò là những vật dẫn nhậy cảm có khả năng khuấy gợi lên các xúc cảm xác thịt nào đó từ công chúng, tác phẩm sau cuối của Kim Hoàng đã chỉ là các gợi ý, hàm ngụ, và khêu động về những khả năng có tính chức năng của cơ thể người mẫu, do đó, không hề tự đánh mất đi khía cạnh gợi tưởng, xúc cảm, vẻ sâu sắc…, là những yếu tố đặc trưng cho mọi tác phẩm nghệ thuật thuần tuý.

Cần lưu ý là, tất cả những yếu tố nghệ thuật đặc trưng vừa nói trên, đều đã được nghệ sĩ đạt tới nhờ vào các thao tác thích hợp cùng máy hình và ánh sáng, qua đó mở rộng tối đa khoảng cách giữa năng biểu và sở biểu, giữa bề mặt và nội dung, giữa nghĩa và vỏ bên ngoài của nó…

Ngay tại nơi đây, hiệu quả sau cuối tương tự trong cả hai cách tiếp cận của Kim Hoàng và của Rodin dường như đã gặp nhau trong một sự dung hợp toàn hảo của hai khu vực lâu nay dường như luôn mặc định bị coi là không thể nào tồn tại chung - khu vực của những cảm xúc xác thịt thuần tuý, và khu vực của sự tri nhận mang mầu sắc nghệ thuật. [5]

Nói một cách nào đó, 29 bức ảnh trong triển lãm “Gần nữa” này của Kim Hoàng - bởi đã chính là những hợp thể lạ lùng của nghệ thuật và xác thịt - cũng sở hữu luôn một sức tồn tại vượt lên mọi chia biệt cực đoan theo kiểu Kant về cái đẹp tự nó và cái đẹp tuỳ tòng, để trưng ra những thông điệp lưỡng lai và nguyên hợp vô cùng rõ nét, rất đậm chất hậu hiện đại.

> xem triển lãm

Bản quyền các bức hình đăng kèm cùng bài viết này thuộc quyền sở hữu của nghệ sĩ Himiko. Nguyen (Nguyễn Kim Hoàng)

© 2007 talawas



[1]“Francis Bacon, the Painter’s Brutal Gesture”, Milan Kundera, trong Bacon, Portraits and Self-Portraits, Thame & Hudson, 199
[2]“Pornographic Art”, Philosophy and Literature Volume 25, Number 1, April 2001, pp. 31-45
[3]“Phải thừa nhận là bản chất mang tính công thức của sự khêu gợi xác thịt hoàn toàn vô cảm với nghệ thuật” (“Pornographic Art”, bài đã dẫn)
[4]Ta cũng lưu ý là ánh sáng mà Kim Hoàng sử dụng ở đây không phải là thứ ánh sáng studio thông thường các nhiếp ảnh gia hay dùng, mà là thứ ánh sáng đỏ được tạo chế bằng Photoshop, vô hình chung triệt tiêu mọi cảm thức về sự hoàn tất và hoàn mỹ nào đó theo kiểu các bức ảnh ở tạp chí hay catalogue thông thường, và rồi chuyển hoá các bức ảnh của nghệ sĩ thành ra chỉ là các giả thiết chưa kết thúc, theo kiểu những hình mẫu được tráng rửa treo lô xô dưới ánh sáng đỏ trong phòng tối. Nhìn một cách nào đó, dường như chính cái cảm giác “chưa kết thúc” này cũng đã tạo nên một chiều kích “mở ngỏ” giúp cho các tác phẩm của Kim Hoàng tránh được cái vẻ “đèm đẹp” đậm chất Kitsch theo kiểu búp bê thường thấy ở một số nhiếp ảnh gia chụp ảnh khoả thân tại Việt Nam.
[5]“… Ở trường hợp tốt nhất, các tái hiện mang tính xác thịt chỉ có thể là dạng nghệ thuật tồi, còn ở trường hợp tệ nhất, chúng hoàn toàn không phải là nghệ thuật…”, “… Mặc dù chúng ta có lẽ sẽ thưởng lãm một tác phẩm nào đó, lúc thì như thể gợi hứng thú xác thịt, lúc thì như thể một tác phẩm nghệ thuật, song điều quan trọng là chúng ta không bao giờ có thể thưởng thức cả hai khía cạnh ấy cùng một lúc, chúng ta không thể nhìn nhận một cái gì như là: nghệ thuật có tính xác thịt” – Xem thêm Anthony Burgess “Sự khêu gợi xác thịt là gì” (What is Pornography) và George Steiner, “Lời trong đêm khuya: Sự khêu gợi xác thịt mức cao và tính riêng tư của con người” (Night Words: High Pornography and Human Privacy), trong Các quan điểm về khêu gợi xác thịt (Perspectives on Pornography, New York: St. Martin’s Press, 1970), Douglas A. Huges, biên tập; Joel Feinberg, Tấn công kẻ khác (Offense to Others, Oxford: Oxford University Press, 1985 ), chap 11: Jerrold Levinson, “Nghệ thuật tình dục” (“Erotic Wrt”, trong The Routledge Encyclopedia of Philosophy, London, Routledge, 1999, Edward Craig biên tập, tr. 406-9)… ("Pornographic Art", bài đã dẫn)
Cũng trong một bài viết khác, “Sự tưởng tượng mang mầu sắc xác thịt" ("Pornographic Imagination", Susan Sontag, Styles of Radical Will, published by Picador USA Edition: March 2002), Susan Sontag, khi phân tích về “sự khêu gợi xác thịt”, từ quan điểm là một chủ đề của nghệ thuật văn chương, đã chỉ ra bốn lý lẽ mà các phê bình gia văn chương dùng để tuyên án dạng trình hiện khêu gợi xác thịt và không cho chúng bước chân vào lãnh địa nghệ thuật. Lý lẽ đầu tiên như sau: “… Dạng trình hiện khêu gợi xác thịt nhắm vào người đọc, mơi ra các xung năng tình dục trong họ, hoàn toàn khác biệt với chức năng phức hợp của văn chương (và nghệ thuật)…” và “… Xu hướng của 'sự khêu gợi xác thịt’ nhằm kích động những hưng phấn tình dục khác hẳn với những mời gọi trầm tĩnh, lớp lang được gợi ra bởi nghệ thuật thuần khiết…”