Ngày tang
"Vân không phải là người chết vì đạo, Vân không phải là một anh hùng", gia đình Vân tuyên bố, "nhưng Vân đã trở nên thân thương đối với nhiều người trong cuộc đời ngắn ngủi và đôi khi trắc trở mà Vân chỉ sống cho người khác, và Vân có một trái tim biết thương yêu Thượng đế và thương yêu tất cả những người quen biết".
Hơn 2000 người đã đến tham dự lễ tang của Nguyễn Tường Vân
[1] tại thánh đường St Patrick thuộc thành phố Melbourne vào ngày 7 tháng 12 năm 2005, 5 ngày sau khi anh bị hành quyết. Từ 9 giờ 30 sáng là đã có người đến, và cho đến 11 giờ thì thánh đường có lượng chứa 2000 người đã không còn chỗ ngồi. Hàng trăm người khác phải đứng bên trong và ngoài thánh đường gần hai tiếng đồng hồ. Hơn một nửa người tham dự là Úc hay các sắc tộc khác. Có những vị lãnh đạo tôn giáo khác ngoài Công giáo cũng hiện diện. Hầu như không một cơ quan truyền thông chính nào của Úc tại Melbourne vắng mặt. Buổi chiều cùng ngày, tất cả các đài truyền hình ABC, SBS, đài số 7, 9 và 10 đều đưa tin đầy đủ và cảm động về lễ tang của Vân. Các nhật báo lớn tại Melbourne như
The Age, Herald Sun... cũng đều đưa tin liền sau đó.
Cũng xin nhắc lại là Nguyễn Tường Vân đã bị hành quyết vào 6 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 2 tháng 12 năm 2005, tức 9 giờ sáng giờ Melbourne tại nhà tù Changi ở Singapore. Vào ngày hôm đó, tại nhiều nơi trên nước Úc, nhiều người đã tụ chung quanh tấm ảnh lớn của Vân, có chỗ thì ở ngay trung tâm thành phố, có chỗ thì trong nhà thờ, ngậm ngùi tiếc thương và lặng lẽ cầu nguyện cho Vân. Biết bao nhiêu ngọn nến - biểu tượng của ánh sáng, sự sống, hy vọng - đã được thắp khắp nơi trên nước Úc và qua đến Singapore. Các đài truyền hình ABC, SBS, đài số 7, 9 và 10 đã dành gần một phần ba tin tức trong ngày để nói về sự kiện Nguyễn Tường Vân. Hình ảnh của bao người, từ chính trị gia hàng đầu của Úc đến những người rất đỗi bình thường mà hầu hết chưa từng bao giờ gặp Vân, rơi nước mắt đúng vào lúc Vân bị hành quyết, là một ấn tượng khó quên. Cho nên dù cứng rắn đến mấy, khó mấy ai không chạnh lòng khi nhìn thấy tấm lòng bao dung và thiện tâm của người Úc. Nhân bản được như thế quả là điều để người Úc tự hào về văn minh của nước mình, và là một bài học về các giá trị nhân bản và những tấm lòng cao cả cho khắp nơi trên thế giới.
Nhưng không phải người Úc nào cũng như thế. Một cuộc thăm dò gần đây Morgon Poll cho biết 47 phần trăm người Úc nghĩ rằng Vân phải chịu án tử hình, trong khi đó 46 phần trăm nói là không nên, còn 7 phần trăm thì do dự. Kết quả này làm nhiều người ngạc nhiên vì trên bề mặt nổi, ít thấy người Úc tán thành án tử hình. Người sau cùng bị tử hình ở Úc là Ronald Ryan năm 1967 nhưng đến năm 1973 thì chính phủ liên bang mới chính thức ban hình bộ Luật bỏ án tử hình 1973. Từ đó đến nay có những công dân Úc bị tử hình ở các quốc gia khác, và người Úc cũng như chính phủ Úc luôn cố gắng can thiệp, nhưng chưa bao giờ có một sự can thiệp và vận động rộng lớn của nhiều thành phần khác nhau, nhất là chính phủ và người dân, như trường hợp của Nguyễn Tường Vân
[2] . Và chưa bao giờ có nhiều người khóc thương cho một người phạm phải lỗi lầm giống như Vân. Tại sao?
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân đặc biệt trong trường hợp của Nguyễn Tường Vân, nhưng xin được nêu ra vài điều suy nghĩ.
Đầu tiên hết phải là do chính Vân. Vân là một người không tiền án tiền sự. Có người nghi ngờ lời khai của Vân rằng Vân dính vào vụ này chỉ để kiếm tiền trả nợ cho người em song sinh của mình là Khoa. Tất nhiên người ta có quyền tin hay không tin những gì anh nói. Nhưng dữ kiện này chắc phải có cơ sở nên Thủ tướng John Howard và Ngoại trưởng Alexander Downer mới dùng để can thiệp cho Vân. Ngoài ra được biết Vân là người con hiếu thảo, người anh tình cảm và người bạn tử tế. Vân cũng còn quá trẻ, nếu kết án 20-30 năm thì khi ra tù vẫn còn cơ hội để làm lại cuộc đời. Một lần dại dột hay thiếu suy nghĩ để lâm vào con đường tội lỗi, dù là bất cứ ai, cũng nên được tha thứ và được cho cơ hội phục thiện. Trong khi đó, Vân biết nhận lỗi và biết phục thiện, và sẵn sàng cộng tác với chính phủ Singapore và Úc để cung cấp tin tức của những tay trùm buôn ma tuý. Ngoài ra, Vân phải ăn ở ra làm sao đó mà khi gặp nạn, bạn bè cũ đã không quên anh, và cũng được hai luật sư giỏi của Úc là Lex Lasry QC và Julian McMahon đã tận tình giúp đỡ, biện hộ (được biết họ không lấy tiền, và nếu có thì gia đình Vân cũng không thể nào trả nổi). Vào ngày Vân bị hành quyết, khi được phỏng vấn trên các đài truyền hình, luật sư Lasry QC gần như nghẹn ngào và kiệt lực sau bao nhiêu cố gắng tranh đấu vì "còn thời gian là còn cơ hội". Ông Lasry cũng như các bạn Kelly Ng và Bronwyn Lew đã khen ngợi sự can đảm, bình thản và phong cách của Vân trong những ngày cuối của cuộc đời ngắn ngủi 25 năm, và cũng chính các yếu tố này đã thay đổi họ về quan niệm "khả năng thay đổi của một con người".
Kế đến phải nói về bà Nguyễn Kim, mẹ của Vân. Người Úc, nhất là các bà mẹ, đã xúc động trước tình thương của người mẹ Việt Nam này dành cho con mình. Bà Kim từng khẩn khoản yêu cầu: "Tôi xin tất cả mọi người hãy giúp chúng tôi. Chính phủ Úc hãy giúp chúng tôi. Con tôi chỉ là một đứa bé. Nó đang nằm tù và nó vô cùng ân hận... Mỗi lần tôi tới thăm Vân, tôi bảo nó rằng mẹ nó thương nó nhiều lắm. Gia đình chúng tôi rất khăng khít với nhau. Nó là trái tim của tôi. Nếu có điều gì xảy ra cho nó, tim tôi sẽ ngừng đập". Nỗ lực tranh đấu của bà để cứu Vân đã cảm hoá cả những người có thái độ rất cứng rắn đối với vấn đề ma tuý. Ngày Vân mất, bao nhiêu bà mẹ tại Úc khóc thương, bởi họ thông cảm khi nghĩ rằng lỡ con mình có lúc nào đó làm những chuyện dại dột thì sao! Nhưng ấn tượng làm nhiều người cảm động là một bà mẹ Việt Nam không nói một lời tiếng Anh nào nhưng khuôn mặt nhân từ, đau khổ, yếu đuối cùng với đôi bàn tay thường chắp vào nhau để sẵn sàng cảm tạ bất cứ ai quan tâm đến sự sống còn của con mình.
Nhưng nếu Vân và mẹ Vân ở trong một môi trường khác Úc thì cũng chưa chắc gì những diễn biến đã xảy ra như trên. Phải công nhận yếu tố quan trọng vẫn là tinh thần nhân bản của người Úc. Bao nhiêu người đã vận động, cầu nguyện và khóc thương cho Vân, hy sinh cả vật chất lẫn tinh thần trong một thời gian dài, mặc dầu trên thực tế có thể hơn 90% chưa từng gặp Vân lần nào. Cũng nên biết tỷ lệ thanh thiếu niên gốc Việt phạm pháp tại Victoria, đặc biệt liên quan đến ma tuý, rất cao và là mối quan tâm to lớn của cộng đồng tại đây cũng như của chính phủ Victoria. Cộng đồng Việt Nam bị tai tiếng ít nhiều vì vấn nạn này. Nhưng đối với trường hợp này, rất nhiều người Úc thấy bản án tử hình là quá khắc nghiệt đối với một người trẻ không tiền án mà lại biết ăn năn hối lỗi như Vân. Thật ra, trong cuộc đấu tranh chống lại bản án tử hình dành cho Vân, không ai đòi hỏi tha tội cho Vân cả và ai cũng thấy Vân phải gánh chịu hình phạt xứng đáng với tội của mình, nhưng bản án tử hình là quá man rợ. Linh mục Peter Hensen, người chủ tế tang lễ của Nguyễn Tường Vân, đã giảng bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt rằng những ai muốn trả thù hay dùng trừng phạt thì không hiểu rằng con người có thể thay đổi. Ông nói: "Một người có thể thay đổi từ một đời sống tai hại sang đời sống tốt đẹp hơn... Nếu người ta xây dựng một thế giới dựa vào các giá trị như là trừng phạt và trả thù thì họ sẽ làm nên một thế giới mà có người sẽ luôn tìm đến ma tuý, bởi vì thế giới họ xây lên dung chứa những sự thô bạo không thể chịu đựng được như thế thì con người sẽ làm bất cứ điều gì để trốn thoát".
Hệ quả
Nhiều người (tranh đấu, bênh vực cho Nguyễn Tường Vân) cho rằng tử hình Vân sẽ không thay đổi gì cả. Trên thực tế thì rõ ràng là có, và nhiều lắm, vì tất cả đều là những ảnh hưởng dây chuyền.
Cuộc đấu tranh cho Nguyễn Tường Vân sẽ không dừng lại sau khi Vân mất, và có lẽ chính mạng sống của Vân đã đẩy cuộc đấu tranh chống án tử hình ngoài nước Úc trở thành một khúc quanh mới. Đối với nhiều người Nguyễn Tường Vân là biểu tượng cho sự phấn đấu, niềm tin vào khả năng hối cải của một con người và sự tàn bạo của bản án tử hình, nhất là bản án treo cổ.
Có người lập luận rằng nếu nước Úc chỉ tranh đấu cho công dân của họ một khi bị kết án tử hình ở nơi nào đó, hay chỉ lên án hình phạt như thế là dã man, thì chưa đủ và là mâu thuẫn (đạo đức giả). Người Úc phải tranh đấu cho người khác khi bị nạn nếu thật sự tin tưởng vào việc xoá bỏ án tử hình hay muốn vận động cho các giá trị nhân bản trên toàn cầu.
Đây là một thử thách lớn lao đối với những người có niềm tin vào giá trị nhân bản tại Úc. Thời gian sẽ trả lời.
Trường hợp của Nguyễn Tường Vân đã đưa ra nhiều điều đáng suy ngẫm:
- Sức mạnh của tự do: Tuy chính phủ Úc luôn có trách nhiệm với công dân của mình nhưng nếu không có những cuộc vận động và áp lực từ phía quần chúng, các tổ chức nhân quyền, các lãnh đạo tôn giáo, các nhà trí thức cũng như giới truyền thông thì chưa chắc gì Thủ tướng John Howard và nhiều lãnh đạo quốc gia cao cấp khác đã tranh đấu cho Nguyễn Tường Vân như đã thấy trong thời gian qua.
- Tiền lệ: Cái chết của Nguyễn Tường Vân là bài học cho các thanh thiếu niên Úc (và nhiều nơi khác) về vấn đề ma tuý. Và cái chết của Vân cũng khơi dậy cuộc tranh luận sôi nổi về án tử hình trong dư luận nước Úc và khắp nơi. Kể từ đây, những người đã từng tranh đấu cho Vân không thể im lặng đối với các công dân khác của mình khi gặp nạn, và cũng không thể im lặng đối với các án tử hình xảy ra ở Mỹ hay các quốc gia còn giữ bản án này. Chính phủ Úc bây giờ cũng như tương lai cũng phải lên tiếng mạnh mẽ hơn và phải can thiệp ngay từ ban đầu để bảo vệ mạng sống công dân mình chứ không còn đơn giản lập luận "phải tôn trọng luật của nước đó" trong khi nó quá bất nhân.
- Niềm tin: Cuộc đấu tranh vừa qua cho Nguyễn Tường Vân, tuy không thành công trong ý nghĩa cứu mạng sống của Vân, nhưng cho thấy sức mạnh của niềm tin. Còn niềm tin là còn hy vọng. Còn thời gian là còn cơ hội. Đến những ngày cuối cùng và giây phút cuối cùng những người tranh đấu vẫn không bỏ cuộc. Cuộc tranh đấu không ngừng nghỉ trong những tháng cuối cùng của Vân đã thật sự cảm hoá được bao người. Chỉ có những nước văn minh mới coi trọng mạng sống con người đến như thế. Và chỉ có niềm tin mãnh liệt vào thiện tâm thì mới có đủ nghị lực để tranh đấu cho giá trị nhân bản như vậy.
- Vấn đề luật pháp và nhân bản: Luật pháp tại Singapore, nhất là về ma tuý, là cực kỳ khắt khe mà ai cũng biết. Có thể vì thế mà Singapore, trên bề mặt, là ổn định và tuân hành nghiêm chỉnh pháp luật, và phương thức này có thể hợp với đặc tính người Singapore. Nhưng đối với nhiều người Úc thì họ không chấp nhận, nhất là những quyết định từ chính phủ đưa ra không cần giải thích mà chỉ cần sự tuân phục. Từ đó cho thấy luật áp dụng quá nghiêm khắc là bất nhân, nhưng luật áp dụng quá tuỳ tiện thì bất công. Con người làm ra luật, không ai khác, và con người vốn không hoàn hảo nên luật làm ra cũng không bao giờ hoàn hảo cả. Tinh thần làm luật và áp dụng luật tại Úc nói chung là lý đi trước, tình theo sau, nhưng luôn dựa trên nền tảng nhân bản. Qua trường hợp của Nguyễn Tường Vân, các vấn đề cần tranh luận là đâu là sự quân bình giữa tình và lý, giữa đức trị và pháp trị...
Là người, ai cũng từng lầm lỗi, và vẫn mắc phải lỗi lầm, nhiều khi đến lúc chết. Nếu chỉ vì dại dột thiếu suy nghĩ trong một lúc túng quẫn nào đó, dù là bất cứ ai, để lâm vào con đường tội lỗi, thì cũng nên được tha thứ và được cho cơ hội phục thiện. Văy mà chính phủ Singapore không tha thứ cho Vân. Vân biết đã làm cho những người thân thương của mình khổ vì mình trong những tháng ngày qua, và anh chỉ xin một lời tạ lỗi trước khi bị hành quyết. Hơn 2000 người đã vỗ tay tán thành lời tạ lỗi của Vân tại thánh đường St Patrick khi quan tài được nhấc lên để được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng. Phải chăng vì thế mà Vân ra đi trong sự bình thản của một người biết mình được Thượng đế tha thứ và biết người thân yêu của mình tha thứ vì mình đã thật sự hối cải.
Nếu luật pháp không dựa trên nền tảng nhân bản thì trước sau gì cũng bị loại bỏ. Trong lịch sử nhân loại, đôi khi chỉ cần vài trường hợp (làm giọt nước tràn ly) để thay đổi cả xã hội. Có lẽ đã đến lúc nhân loại phải xem lại tính nhân bản trong văn hoá, cơ chế và môi trường sống của mình và của toàn cầu.
Melbourne 08/12/2005
© 2005 talawas
[1]Cho đến giờ này, tôi cũng không chắc chắn tên anh là Nguyễn Tường Vân hay Văn. Hai lần gặp bà Nguyễn Kim tại thánh đường St Patrick, tôi định hỏi nhưng thấy không tiện nên nghĩ đợi dịp khác. Tôi nghĩ nếu người em song sinh là Khoa thì tên anh là Văn có lẽ đúng hơn.
[2]Tôi còn nhớ lúc gặp anh Đoàn Việt Trung (Cựu Chủ tịch Cộng đồng người Việt Tự do Liên bang Úc Châu và hiện giờ là Tổng Thư ký) vào khoảng tháng 3 năm 2004. Vào lúc đó thì án tử hình Nguyễn Tường Vân vừa được chính phủ Singapore công bố. Là người quan tâm đến thuyền nhân, tị nạn và các vấn đề nhân quyền của người Việt ở khắp nơi, anh Trung rất muốn làm một cái gì đó để cứu Nguyễn Tường Vân như anh đã từng giúp đỡ bao nhiêu người khác khi gặp hoạn nạn.