Đặt bút viết những dòng ý kiến chủ quan này, tôi bắt đầu suy nghĩ từ mệnh đế đặt làm tít ở trên. Đứng về mặt khoa học mà nói, phát biểu như thế là sai lầm nghiêm trọng về phương pháp tiếp cận. Để công bằng, khách quan đọc và đánh giá một tác phẩm thì người đọc không cần biết nhiều đến tác giả. Chỉ cần tác phẩm là đủ. Tác phẩm nói lên tất cả… Thế nhưng đó là yêu cầu “lớn” – yêu cầu đối với nhà nghiên cứu, nhà phê bình, hay chí ít là người biên tập sách.
Tôi không định đi theo hướng đó. Đó là một câu chuyện khác. Trong phạm vi bài này tôi chỉ muốn dùng mệnh đề trên để dẫn giải một ý kiến riêng của mình: Tại sao chúng ta không khuyến khích học sinh đọc tác phẩm (nhất là tác phẩm văn học) bắt đầu tự sự yêu kính tác giả?
Mấy năm trở lại đây, báo chí và các phương tiện truyền thông phản ánh nhiều đến tình trạng văn hóa đọc bị lấn át bởi văn hóa nghe – nhìn. Lớp trẻ ngày nay không chịu đọc tác phẩm. Ở trường phổ thông, môn văn – tiếng Việt không mang lại cho học sinh nhiều hứng thú, say mê. Mỗi năm đến kỳ thi tốt nghiệp trung học hay thi đại học (khối C, D) lại có những bài văn “cười ra nước mắt” mà bất cứ ai quan tâm tới văn chương đều cảm thấy đau lòng.
Có nhiều người đã tìm hiểu nguyên nhân tại sao bây giờ học sinh không thích học môn văn và chịu đọc tác phẩm văn học. Thậm chí, thảo luận xung quanh vấn đề đó đã tạo thành diễn đàn thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là các chuyên gia văn học, các nhà văn, nhà báo, thầy giáo, cô giáo và các bậc phụ huynh. Tựu trung các ý kiến, ở mức độ đậm nhạt khác nhau, đều lý giải rằng sở dĩ học sinh bây giờ không thích học văn là vì nhiều nguyên nhân. Trong đó có hai nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất là tại chương trình học quá “nhồi nhét”, giáo trình và các giảng dạy quá máy móc, giáo điều, cứng nhắc. Thứ hai là do tâm lý thời đại, xu hướng thực dụng trong chọn lựa nghề nghiệp của giới trẻ ngày nay.
Khắc phục thế nào? Nói cách khác, làm thế nào để các em học sinh thích học môn văn, chịu đọc tác phẩm văn chương? Cũng có nhiều kiến giải… Bởi đây chỉ là một bài phát biểu mang tính chủ quan nên tôi xin được miễn dẫn ra những ý kiến này. (Nếu bạn nào quan tâm đến vấn đề đang bàn, chỉ cần vào
www.google.com.vn, gõ bốn chữ “dạy văn, học văn” lập tức sẽ có ngay hàng ngàn trang đã đăng tải ở các báo và tạp chí).
Nói chung nguyên nhân nào thì giải pháp ấy. Bệnh nào thì thuốc ấy. Các ý kiến nêu giải pháp phần lớn xoay quanh vấn đề sửa đổi cách dạy, cách học, đầu tư lớn hơn cho việc giáo dục tinh thần, giáo dục nhân cách cho học sinh. Tôi đã không làm việc dẫn giải chi tiết nên cũng không dám bình luận riêng về ý kiến nào. Hầu hết các ý kiến nêu giải pháp đều có lý và đúng. Tuy nhiên về mặt việc làm cụ thể thì nhiều ý kiến chưa nói rõ được.
Mới đây (cuối năm 2006), tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi được biết nhà văn Triệu Xuân cùng với nhiều nhà văn, nhà thơ khác khởi xướng Quỹ Phát triển Tài năng Văn học Việt Nam. Với mục đích tôn vinh các thầy cô giáo dạy giỏi, tuyên dương, khuyến khích các em học sinh giỏi văn, Quỹ đã làm được nhiều công việc có ý nghĩa. Tôi cho đây là một việc làm cụ thể đầu tiên, nhằm đến mục đích thiết thực là khơi dậy niềm yêu thích văn học. Việc làm đầy ý nghĩa như trên cần được toàn xã hội quan tâm.
Hãy trở lại vấn đề làm sao để học sinh thích học môn văn, chịu đọc sách tác phẩm văn học. Như tôi đã nói ở đoạn mở đầu bài viết này, việc đọc một tác phẩm văn chương đối với nhà nghiên cứu, nhà phê bình, người biên tập… đòi hỏi một thái độ khách quan. Do đó việc “biết quá nhiều” về tác giả dễ gây nên thành kiến và dễ mắc sai lầm. Tuy nhiên có nên giữ quan niệm này đối với một độc giả bình thường (như các em học sinh phổ thông chẳng hạn) hay không. Nói một cách khác, có nên chăng chúng ta khơi dậy lòng ham đọc tác phẩm văn chương của các em nhờ vào việc dạy thêm nhiều về tác giả? Tôi cho là nên! Tại sao tôi lại cho rằng nên như vậy? Xin kiến giải như sau:
Như tất cả mọi người đều biết, theo chương trình của Bộ Giáo dục–Đào tạo, hiện nay trong sách giáo khoa môn Văn – tiếng Việt, các tác phẩm văn học Việt Nam được trích dạy đều là những tác phẩm tiêu biểu của những tác giả văn học lớn. Có thể kể ra đây một số tác giả như: Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà, Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu…
Những nhà văn trên đều là những người có nhiều cống hiến cho nền văn học nghệ thuật của đất nước. Họ đã sống và viết như thế nào? Họ đã âm thầm sáng tạo cái đẹp và chấp nhận hy sinh cho nghệ thuật ra sao? Họ có xứng đáng để ca ngợi, để học hỏi hay không? Thế hệ trẻ học được ở họ những điều gì? Tôi tin rằng nếu được đọc, được biết, được nghe kể về cuộc đời (sống và viết) của các nhà văn, các em sẽ thấy họ là những con người đáng trân trọng, đáng noi gương, đáng yêu kính và sau đó chắc chắn các em sẽ chịu cầm một tập truyện ngắn, một cuốn tiểu thuyết lên mà đọc.
Nhưng tại sao lại nhắm đến các em học sinh phổ thông? Như mọi người đều biết, ở độ tuổi phổ thông trung học, các em học sinh có tâm lý chung khá giống nhau là hiếu động, giàu tưởng tượng, giàu ước mơ, cần thần tượng. Nếu hỏi: Thần tượng của bạn là ai? Mười bạn học sinh, dễ thường phải có sáu, bảy bạn nói ngay được tên, tuổi thần tượng của mình (và tôi biết chắc là phần nhiều nghiêng về giới diễn viên điện ảnh, người mẫu, ca sĩ…). Tôi phải nói lòng vòng thế để nhấn mạnh rằng ở độ tuổi trung học, người ta rất cần một cái gì đó thật ấn tượng. Tôi nhớ rằng hồi đi học phổ thông tôi hay được nghe (thực tế là nghe lỏm) ông ngoại tôi kể về các tác giả. Mỗi tác giả gắn với một câu chuyện nào đó kiểu như giai thoại, khiến tôi rất thích thú. Từ chỗ thích thú, tôi tìm đọc sách của các tác giả này. Đọc một cuốn thấy hay, lại tìm cuốn khác. Trên giá sách của ông ngoại tôi hồi đó có cuốn sách mong mỏng, tựa là
Sứ mệnh khủng khiếp của Khổng Minh. Tôi đọc xong cuốn này tự nhiên thấy tò mò muốn đọc hết bộ
Tam quốc diễn nghĩa (8 quyển) mà trước đó nếu không đọc về Khổng Minh thì chắc không bao giờ đọc nổi…
Vì một câu chuyện cá nhân ở trên, mong bạn đọc rộng lượng đừng cho tôi là sa đà. Tôi chỉ muốn nói rằng tuổi phổ thông rất cần một ấn tượng khai mào. Đọc sách văn học nên khai mào từ tác giả hay nhân vật nổi tiếng. Vậy thì ai lãnh nhiệm vụ khai mào cho các em học sinh. Đó là các thầy cô giáo dạy văn, hay mở rộng ra là cả Ban giám hiệu nhà trường.
Tôi tin là một lớp 50 học sinh, nếu ông thầy dạy văn dành khoảng nửa tiếng đồng hồ đọc cho các em nghe những đoạn nhà văn Vũ Bằng viết về Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Tuân… trong sách
Bốn mươi năm “nói láo”, hay
Mười chín gương mặt nhà văn đồng nghiệp thì chắc chắn sau đó trong số 50 em học sinh đó phải có ít nhất 10% tìm đọc các truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự… của các tác giả này. Công việc như trên là hoàn toàn có thể thực hiện ngay được, chỉ cần các thầy cô chịu khó bỏ thêm một chút thời gian.
Ngoài cách khai mào như thế còn có những cách khai mào khác hơi công phu hơn nhưng cũng không phải là quá khó, đó là tổ chức các buổi nói chuyện ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề nhân dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng nào đó. Ban giám hiệu nhà trường hoàn toàn có thể mời một số nhà văn, nhà báo đến nói chuyện (thực tế hiện nay có nhiều nhà văn, nhà báo nổi tiếng, sẵn sàng đến trường nói chuyện với các em học sinh, chỉ cần nhà trường chịu trân trọng mời họ). Những buổi nói chuyện như vậy có thể kèm thêm các tiết mục khác như phát động một cuộc thi nho nhỏ để khuyến khích các em học sinh tìm đọc tác phẩm văn chương. Điều đó trường nào cũng có thể làm được.
Mục đích bài này là chỉ muốn đưa ra một suy nghĩ bột phát của mình, ngõ hầu góp phần tìm kiếm những cách làm cụ thể nhằm khuyến khích các bạn học sinh phổ thông chịu đọc sách nhiều hơn, để mỗi năm đến kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hay thi đại học ngày càng có ít hơn những bài văn “dở khóc dở cười” làm đau lòng (hay đau bụng – vì cười quá nhiều) ban giám khảo.
Ý kiến của tôi viết ra từ những suy nghĩ còn nông nổi. Bạn đọc nếu thấy có chỗ nào không phải xin chỉ bảo cho. Tôi xin chân thành cảm ơn!
© 2007 talawas