Âm nhạc và Giải phóng quốc gia Ngày 9 tháng Ba 1945 mang lại bước đầu dẫn đến việc chấm dứt sự thống trị của Pháp ở Việt Nam. Năm 1941, quân Nhật đã chiếm đóng Đông Dương với sự cộng tác của chính quyền Vichy của Pháp. Vào lúc quân Đồng Minh giải phóng Pháp (8-1944), quân Nhật tước quyền của Pháp ở Đông Dương (9-3-1945).
[1] Để đảm bảo một bộ máy hành chính trơn tru trên lãnh thổ, Nhật Bản đưa ra một nền độc lập rất nhiều trói buộc cho Việt Nam của Bảo Đại, và ông vua này đã chỉ định học giả Trần Trọng Kim làm thủ tướng. Một trong những hành động đầu tiên của chính phủ Trần Trọng Kim là chính thức lấy “Đăng đàn cung” làm quốc ca của
Việt Nam Đế Quốc. Ông cho rằng nhạc này thích hợp do sự cổ kính và trang trọng của nó.
[2] |
Ví dụ 5 – “Tiếng gọi Thanh niên” (Lưu Hữu Phước 1945, 5) |
Trong khi đó, “Tiếng gọi sinh viên” trở nên phổ biến khắp Việt Nam như một tiếng gọi yêu nước đối với lớp thanh niên. Các tác giả của bài hát sau này nhớ lại nó đã được dùng “như một bản quốc ca mới” và được đón nhận không khác gì bài “La Marseillaise” (Mai Văn Bộ 1989, 113).
[3] Người quản nhạc của ban nhạc quân đội Hà Nội nhớ lại có những người thanh niên mang bản hành khúc đến cho ông, bảo ông rằng đó là quốc ca.
[4] Một bạn học không nêu tên của Lưu Hữu Phước đã được yêu cầu viết lời khác với tên gọi “Tiếng gọi thanh niên”. Bản này được phổ biến do Hội Thanh niên tiền tuyến do Phan Anh lãnh đạo thuộc chính phủ Trần Trọng Kim sau tháng Ba 1945. Lời này đổi đối tượng thành “đoàn thanh niên ta” vẫn chia sẻ một tinh thần tương tự với những lời trước đây. Họ khắc hoạ bạo động mang tính lãng mạn của
“sá gì thân sống” và kẻ thù
“phơi thây ta trên gươm giáo”. Thanh niên được kêu gọi “mau làm cõi bờ thoát cơn tàn phá”.
[5] Từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945, Việt Nam trải qua một nạn đói khủng khiếp trên khắp miền Bắc do sự chiếm đóng của quân Nhật. Nhạc sĩ 21 tuổi Văn Cao nằm trong số những thanh niên Hà Nội thất nghiệp đang cố gắng sống sót. Anh đã đạt được tên tuổi của một nhà thơ, hoạ sĩ và nhạc sĩ sáng tác những ca khúc lãng mạn nổi tiếng như “Thiên Thai”, “Suối mơ”, “Trương Chi” và “Bến xuân” cùng với một số ca khúc yêu nước theo chủ đề thanh niên lịch sử cho phong trào hướng đạo. Trong một hồi ức, ông kể về việc được tiếp xúc với những thành viên của tổ chức cách mạng Việt Minh hoạt động bí mật. Họ đã biết những bài hát yêu nước trước đây của Văn Cao và mời anh làm cho cách mạng. Họ nói với anh: “Chiến khu thiếu bài hát… Khoá quân chính kháng Nhật sắp mở, anh hãy soạn một bài hát cho quân đội cách mạng chúng ta”.
[6] Khi viết bản quốc ca mang tính sự kiện này có tên “Tiến quân ca” này, Văn Cao lấy cảm hứng từ nỗi thống khổ anh nhìn thấy từ những người đồng bào của mình đang chết đói trên đường phố Hà Nội. Đi lang thang trên những con phố, anh cố hình dung ra những người lính cách mạng mà anh chưa từng gặp, nhưng những hành động dũng cảm của họ thì anh đã biết qua những bài viết trên những tờ báo bí mật. Anh chủ ý viết một bài hát giản dị sao cho những người lính ấy có thể hát được. Hơn thế, anh tin rằng để cách mạng thành công, người Việt sẽ phải tham gia, vì thế anh viết cho cả đoàn quân tưởng tượng và cho cả đất nước.
[7] |
Ví dụ 6 - “Tiến quân ca” bản năm 1944, do ông Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao cung cấp |
Đoàn quân Việt Minh đi, chung lòng cứu quốc,
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa.
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước.
Sùng đằng xa chen khúc quân hành ca;
Đường vinh quang xây xác quân thù.
Thắng gian lao, đoàn Việt lập chiến khu.
Thề phanh thây uống máu quân thù.
Tiến mau ra sa trường.
Tiến lên! Cùng tiến lên!
Trí (Chí) trai là đây nơi ước nguyền.
Đoàn quân Việt Minh đi, sao vàng phất phới
Giắt (Dắt) giống nòi qua nơi lầm than
Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới.
Đứng đều lên gông xích ta đập tan.
Dù thây tan xương nát khôn sờn
Gắng hy-sinh đời ta tươi thắm hơn.
Từ bao lâu ta nuốt căm hờn
Vũ trang đâu! Lên đường!
Hỡi ai! Lòng chớ quên!
Bắc Sơn cùng Đô-lương, Thái-nguyên.
Câu kết nhắc đến ba cuộc khởi nghĩa của Việt Minh là Bắc Sơn, Đô Lương và Thái Nguyên.
“Tiến quân ca” của Văn Cao không khác “La Marseillaise” với những khung cảnh được khắc họa từ những cảnh thiếu thốn hiện tại và động cơ của lòng căm hờn, hình ảnh của lá cờ pha máu, trở thành tiếng gọi cho nhân dân đập gông cùm, kêu gọi tập hợp thành quân đội với tinh thần “
chung lòng cứu quốc”. “Tiến quân ca” được xuất bản với bút danh trên một tờ báo bí mật và tìm đường lên chiến khu thành bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh.
[8] Các đơn vị tự vệ hát bài này khi họ áp giải tù binh Nhật ở vùng nông thôn.
[9] Ở thành thị, các hướng đạo sinh, dạy bài hát cho nhau một cách bí mật.
[10] Đi vào một vùng do Việt Minh kiểm soát bên ngoài Hà Nội tháng Tám 1945, một người viết đã mô tả cảm xúc kích thích khi nghe thấy “Tiến quân ca” vọng từ trong rừng ra.
[11] Ngay trước khi cách mạng tháng Tám nổ ra, Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã tổ chức một Hội nghị ở Tân Trào. Một trong những hoạt động cuối cùng của họ vào ngày 18 tháng Tám 1945 là tuyên bố “Tiến quân ca” là quốc ca.
[12] David Marr trong
Vietnam 1945: The Quest for Power [Việt Nam 1945: Công cuộc giành chính quyền], đã cung cấp một thống kê sống động của cuộc chuyển giao từ sự cai trị truyền thống của triều đình sang sự tự quyết cách mạng của nhân dân. Việc đầu hàng của Nhật trước quân Đồng Minh được chính thức tuyên bố vào ngày 15 tháng Tám 1945.
[13] Trong khi lực lượng an ninh Pháp vẫn bị quân Nhật giam giữ, những người Việt, đặc biệt là Việt Minh vốn được tổ chức tốt, đã đoạt lấy quyền điều khiển. Tổng hội Công chức với sự cho phép của quân Nhật theo kế hoạch, tiến hành một cuộc mít tinh ở quảng trường lớn trước Nhà hát Lớn vào ngày 17 tháng Tám 1945. Cuộc mít tinh tập hợp lúc 2 giờ chiều với lễ kéo cờ triều đình và trình bày bài “Đăng đàn cung.”
[14] Trong vài phút những đội viên Việt Minh đã chiếm lĩnh cuộc tụ họp, phất cờ của họ từ ban công nhà hát. Họ kéo hạ cờ triều đình và chiếm lấy diễn đàn cùng microphone. Những người Việt Minh khác đứng trong đám đông khán giả tổ chức việc hát hai bài “Tiến quân ca” và “Diệt Phát xít” của Nguyễn Đình Thi, lúc này đã được in trên tờ rơi; trong những ngày sau bài hát của Văn Cao được hát khắp nơi trong thành phố.
[15] Đây là bước mở đầu cho cao trào cách mạng tháng Tám, và là bước mở đầu cho quá trình những người cộng sản kháng chiến Việt Nam chống lại người Pháp để giành độc lập cho miền Bắc năm 1954.
Một nhân viên cơ quan O.S.S. (
Office of Strategic Services - tiền thân của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA), Đại tá Archimedes Patti, là một nhân chứng cho những sự kiện lịch sử này. Trong Thế chiến II, Hoa Kỳ dựa vào Việt Minh cho mục đích tình báo và việc hỗ trợ cứu giúp những phi công rơi máy bay. Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, họ cung cấp cho Việt Minh một số ít vũ khí và tổ chức đào tạo. Đại tá Patti tới Hà Nội để giám sát việc đầu hàng của quân Nhật tại đây. Ông mô tả “một khung cảnh đầy mầu sắc và ấn tượng” khi viết về ngày 26 tháng Tám 1945. Một đoàn người Việt Nam đông đảo, gồm cả ban nhạc lính, tập hợp trước doanh trại nơi đoàn đại biểu của ông trú. Họ đến với cờ của bốn nước Đồng Minh lớn và lá cờ mới của Việt Nam.
Trong vài giây, các lá cờ được hạ xuống trừ lá cờ “sao và vạch” và ban nhạc chơi bản “Star-Spangled Banner” [“Ngọn cờ dát sao,” tức quốc ca Mỹ]. Đó là lần trình diễn hay nhất bản này mà tôi được nghe thấy ở Viễn Đông. Ở nốt nhạc cuối cùng, các lá cờ được kéo lên và thủ tục được lặp lại trong thứ tự các nước, tiếp theo là Liên Xô, Anh, Trung Hoa và cuối cùng là Việt Nam Dân chủ cộng hoà... Người chỉ huy đội ngũ, trưởng ban nhạc, và các đơn vị duyệt binh đi qua. Khi đoàn cuối đi ra khỏi cổng, tôi thấy một đoàn dài dân thường, sóng hàng mười, cầm theo nhiều cờ và biểu ngữ… Đoàn diễu hành của họ được những em bé học sinh dẫn đầu, theo sau là những thiếu niên và người lớn… hát quốc ca.
Patti đã không biết rằng ông đang đề cập đến “Tiến quân ca”. Đại tướng Việt Nam Võ Nguyên Giáp nói với ông: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam lá cờ của chúng tôi được trưng trong một buổi lễ quốc tế và quốc ca của chúng tôi được chơi vì sự kính trọng đối với một vị khách nước ngoài. Tôi sẽ nhớ mãi giây phút này”.
[16] |
Ví dụ 7 - Buổi lễ Quốc tế, 26 tháng Tám 1945, Ban nhạc quân đội Việt Nam, chỉ huy Đinh Ngọc Liên (Patti 1980). |
Nghi lễ mà Patti miêu tả khác hẳn với lễ tế Nam Giao. Thay vì cầu khẩn một thế lực siêu nhiên, bản quốc ca là một biểu tượng dùng để đưa Việt Nam đến với cộng đồng mang tính ngoại giao của các quốc gia trên thế giới. Cách mạng tháng Tám 1945 là một dịp thử sớm của việc tạo ra nghi lễ mới - một nghi lễ cần đến vận động số đông quần chúng. Có ít nhiều vẻ nghi thức tráng lệ nhưng thay vì đặt hi vọng vào những hình tượng thần thánh có khả năng xen vào của những ông trời, họ đặt khao khát của mình vào một lá cờ và một tác phẩm âm nhạc mà họ thấy tượng trưng cho nhân dân. Lời ca của tác phẩm âm nhạc cầu mong tự do, độc lập, đoàn kết, tranh đấu bao gồm cả bạo lực cần thiết để đạt được những mục tiêu vì quyền lợi đất nước mình.
“Việt Nam, Minh châu trời Đông” Sau khi Nhật đầu hàng tháng Tám 1945, lực lượng Đồng Minh phân chia khu vực quản lý hành chính Việt Nam giữa quân Trung Quốc ở miền Bắc và quân Anh ở miền Nam. Cả hai lực lượng này cuối cùng cũng trao quyền lại cho quân Pháp. Vào lúc này, Việt Nam có nhiều đảng phái chính trị mà trong số đó Việt Minh được tổ chức tốt nhất. Trước khi gửi lời quốc ca vào Nam, những người cách mạng miền Bắc đi Nam tiến dạy “Tiến quân ca” cho những đám đông tuần hành trên phố trong cao trào Tổng Khởi nghĩa ngày 25 tháng Tám 1945.
[17] Ở Sài Gòn khi đó, mọi người vẫn chào cờ và hát bài “Quốc dân hành khúc” - một tên gọi biến đổi của bài hành khúc của Lưu Hữu Phước (xem bảng 1).
[18] Mùa xuân năm 1946, Việt Minh đứng ra giúp tổ chức cuộc bầu cử quốc hội để lập một chính phủ lâm thời. Trong những ngày đầu của chính quyền, quốc kỳ và quốc ca vẫn được đưa ra bàn luận. Vào lúc này, “Tiến quân ca” về lý vẫn là bài đảng ca của Việt Minh, và Văn Cao về mặt xuất thân là một thành viên của Đảng Dân Chủ, thực chất là một bộ phận ủy nhiệm của Việt Minh.
[19] Đảng Đại Việt và Quốc Dân đảng hợp nhất với nhau và vào tháng Mười Một 1945 đã quyết định “Việt Nam minh châu trời đông” của Hùng Lân là bài đảng ca của họ.
[20] Bài hành khúc phổ thông này cũng kêu gọi đấu tranh và hi sinh, nhưng nhấn mạnh đến sự hùng vĩ của “non sông như gấm hoa” và “tiếng anh hùng tạc ghi núi sông”.
Cuối cùng nhờ sự thắng thế của Việt Minh và các đảng đồng minh trong chính phủ, “Tiến quân ca” được phê chuẩn làm Quốc ca vào ngày 8 tháng Mười Một 1946.
[21] Quốc ca là một yếu tố trong việc củng cố quyền lực của Việt Minh và trong phạm vi mang ảnh hưởng tâm lý của nhà nước mới. “Tiến quân ca” đã được hát ở Pháp và Tây Đức đều trong năm 1946.
[22] Văn Cao kể chuyện một Việt kiều Pháp đã kể lại đầy tự hào khi nghe ban nhạc quân đội Pháp chơi “Tiến quân ca” tại sân bay ở Pháp khi Hồ Chí Minh bước xuống máy bay sang dự thương thuyết.
[23] Cùng năm đó quốc gia non trẻ này xuất bản một tờ gấp bằng tiếng Anh trong nhiệm vụ ngoại giao tại Thái Lan trong đó có nhạc và lời dịch Quốc ca.
|
Ví dụ 8 – “Tiến Quân Ca” (Văn Cao 1947) |
“Tiếng gọi công dân”: Quốc ca Việt Nam Cộng hoà Trong khi những người kháng chiến đang tăng cường lực lượng trên rừng núi, Pháp tiến hành thành lập một thực thể chính trị bản địa thay thế Việt Minh. Một nhóm địa chủ và doanh nhân người Việt ở miền Nam thân Pháp thành lập Nam Kỳ Cộng Hoà Quốc. Họ lấy một đoạn lời dịch [của Đoàn Thị Điểm] trong tác phẩm “Chinh phụ ngâm khúc” của Đặng Trần Côn từ thế kỷ 18 và được một thầy giáo tên là Võ Văn Của tạo ra quốc ca của họ.
[24] Ngày 6 tháng Sáu 1948, với sự trợ giúp của Pháp, Nguyễn Văn Xuân và Bảo Đại thành lập một chính phủ lâm thời song song.
[25] Cố vấn Nguyễn Tôn Hoàn, một bạn cùng học y khoa và cùng hoạt động trong Tổng hội Sinh viên AGEI với Lưu Hữu Phước, đề xuất dùng “Thanh niên hành khúc” với việc thay từ “công dân” cho từ “thanh niên”.
[26] Tác giả phản đối mạnh mẽ việc “chính phủ bù nhìn” này dùng sáng tác của ông để “buôn dân bán nước”.
[27] Việc sửa chữa lặp đi lặp lại nhiều lần lời ca, có khi được gọi là bài “Tiếng gọi công dân” (xem Bảng 1), tiếp tục được dùng làm quốc ca trong suốt thời kỳ tồn tại của chính quyền Bảo Đại. Năm 1956 quốc hội miền Nam Việt Nam, ý thức về sự có mặt và hoạt động của Lưu Hữu Phước ở phía bắc vĩ tuyến 17, đã tổ chức một cuộc thi nhằm tuyển chọn một quốc ca mới. Ba mươi bài hát đã được gửi đến cuộc thi.
[28] Phạm Duy, nhạc sĩ nổi tiếng nhất ở miền Nam, đã được mời tham gia cuộc thi. Ông đã gửi một bài “âu ca” có tên “Chào mừng Việt Nam”.
[29] Bài “Việt Nam minh châu trời đông” của Hùng Lân cũng nằm trong số sáu bài hát cuối cùng được biểu diễn cho các đại diện chính phủ, cùng với bài “Suy tôn Ngô Tổng thống” với nhạc của Ngọc Bích và lời của Thanh Nam.
[30] Bản quốc ca mang mầu sắc chủ nghĩa nhân vị này thúc giục nhân dân cùng đi với Ngô Đình Diệm để “
chống Cộng, bài phong kiến bóc lột, diệt thực dân rắc reo tàn khốc”. Mặc dù chính quyền miền Nam không dám tự chọn làm quốc ca, “Suy tôn Ngô Tổng thống” vẫn được trình diễn trong tiết mục ghép với “Tiếng gọi công dân” tại nơi làm việc, chỗ trẻ con đi học, trước các buổi hoà nhạc và ở các rạp chiếu phim.
[31] Mặc dù có nhiều lời đề nghị thay thế, bài ca của Lưu Hữu Phước vẫn là quốc ca của miền Nam Việt Nam cho đến năm 1975, và tiếp tục được những người Việt kiều chống đối chính quyền cộng sản hát cho đến hôm nay.
“Giải phóng miền Nam” Trong những nhiệm vụ bí mật được xác định để thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vào năm 1960, Lê Duẩn, Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam liên hệ với Lưu Hữu Phước về việc viết một bài hát về một cuộc “tổng khởi nghĩa” ở miền Nam.
[32] Trong một hồi ký, nhạc sĩ kể về những bài học chính trị ông tiếp nhận trong khi chuẩn bị viết một bài hát như vậy. Với bài hát này, mà ông đặt tên là “Giải phóng miền Nam”, ông muốn những người đồng hương “thấy rõ kẻ thù, thấy triển vọng lạc quan của cuộc chiến đấu, do đó thấy phải đoàn kết đuổi Mỹ, lật nguỵ, giải phóng miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước”.
[33] Bài hát này không mơ hồ về kẻ thù – “đế quốc Mĩ” và “bè lũ bán nước”. Lúc này “sông núi” tức đất nước đã bị chia cắt và một nhân dân anh hùng được kêu gọi đứng lên với lòng căm thù chung để quét sạch kẻ thù. Bài hát này được diễn lần đầu trong một buổi phát thanh trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam tháng 12 năm 1960. Trong những buổi tập bí mật, đoàn hợp xướng của Đài phải luyện tập rất nhiều để đảm bảo họ sẽ hát đúng giọng miền Nam. Bản thân Lê Duẩn tham dự buổi tổng duyệt bài hát. Với tinh thần bí mật, Lưu Hữu Phước và hai người bạn đồng học và cùng cộng tác từ những năm 1940, Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng, lấy bút danh ghi trên bài hát là Huỳnh Minh Siêng.
[34] Mai Văn Bộ kể rằng dự định của họ là viết một bài “Tiến quân ca” cho cuộc đấu tranh ở miền Nam.
[35] Bài hát đã được gửi vào Nam từ ngày 19 tháng Chạp 1960, nó đã được hát tại lễ thành lập Mặt trận DTGP MNVN. Các đại biểu tham dự cuộc họp này đều nhất trí công nhận đây là bài hát chính thức của họ.
[36] 8 tháng Sáu 1969, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam được thành lập để đưa ra một đối thủ đối trọng nhằm phủ nhận tính hợp thức của Việt Nam Cộng hoà do Mỹ hỗ trợ. Tại buổi lễ thành lập gần biên giới Campuchia, Lưu Hữu Phước, lúc này đã vào Nam làm Bộ trưởng Văn hoá Thông tin tham dự trong khi “Giải phóng miền Nam” được lấy làm quốc ca của chính phủ mới.
[37] Bài quốc ca mới này và bài “Tiếng núi sông”, bài hát chính thức của Liên đoàn các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình được hát trong lễ mở đầu.
[38] Người sáng tác ca khúc ở vào một hoàn cảnh không bình thường khi trở thành tác giả quốc ca của cả hai phía đối địch. Điều này là một phương cách có chủ ý trong chiến tranh chính trị mà miền Bắc dùng chống lại Mỹ và chính quyền Thiệu. “Giải phóng miền Nam” đã được cộng đồng phản chiến quốc tế tiếp nhận và được những người biểu tình đòi hoà bình hát ở châu Âu và Mỹ. Nó được biết đến nhiều hơn bên ngoài Việt Nam hơn là bản quốc ca và được nhiều người coi như “bài ca chống đế quốc quốc tế” (Lưu Hữu Phước 2000, 41-2; Mai Văn Bộ 1998, 647).
[39] Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Quốc ca Hiến pháp năm 1946 đã tuyên bố “Quốc ca là bài hát 'Tiến quân ca'”. Tháng Chín 1955, sau khi những người cộng sản chiến thắng trở về tiếp quản Hà Nội, một ủy ban của Bộ Truyên truyền đề nghị những thay đổi cho phần lời của quốc ca vì “có một số chữ và một số câu không được rõ nghĩa và có thể bị hiểu lầm”.
[40] Những thay đổi này thực tế do Thứ trưởng Bộ này, nhà thơ Tố Hữu đề ra với sự đồng ý của tác giả.
[41] Dưới đây là cụ thể những thay đổi này (so với ví dụ 6).
Ví dụ 9 - “Tiến quân ca,” với những chỉnh sửa được đề xuất (
Nhân Dân 17/9/1955, 4)
[42] Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu nước,
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa.
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước.
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca;
Đường vinh quang xây xác quân thù.
Thắng gian lao, bền tâm lập chiến khu.
Vì nhân dân chiến đấu không sờn
Tiến mau tra sa trường.
Tiến lên! Cùng tiến lên!
Nước non Việt Nam ta vững bền.
Đoàn quân Việt Minh đi, sao vàng phất phới
Dắt giống nòi qua nơi lầm than
Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới.
Đứng đều lên gông xích ta đập tan.
Từ bao lâu ta nuốt căm hờn
Quyết hi sinh đời ta tươi thắm hơn.
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng
Tiến mau ra sa trường.
Tiến lên! Cùng tiến lên!
Nước non Việt Nam ta vững bền.
Một số thay đổi được gợi ý về văn phong: ví dụ câu thứ sáu và mười được viết lại vì chúng bị cho là “không rõ nghĩa”. Sự lo ngại nằm ở câu thứ bảy
“Thề phanh thây uống máu quân thù” có thể bị “hiểu sai, cho là ta tàn bạo đối với kẻ thù”. “Vì nhân dân chiến đấu không sờn” được dùng như một sự cải tiến để phản ánh “sự trung kiên anh dũng của nhân dân ta”. Câu thứ năm “Dù thây tan xương nát không sờn” được đổi thành “Từ bao lâu ta nuốt căm hờn” để “nhắc lại lòng căm thù của nhân dân ta đối với kẻ địch”. Bốn câu cuối của lời một cũng được đề nghị dùng cho kết lời hai để làm chức năng của một điệp khúc. Việc thay thế này cũng bỏ đi chi tiết nhắc đến các cuộc khởi nghĩa ở Bắc Sơn, Đô Lương và Thái Nguyên có thể là những nơi không còn đóng vai trò lớn so với những chiến thắng gần hơn khi kết thúc cuộc chiến tranh giành độc lập với Pháp.
Vào giữa những năm 1950, những người lính và những người hoạt động văn nghệ kháng chiến tái hòa nhập vào với đời sống đô thị. Khi trở lại Hà Nội, Văn Cao làm cùng một nhóm các nhạc sĩ, nhà văn và hoạ sĩ, sau đó hợp lại với cái tên Nhân Văn-Giai Phẩm nhằm tìm kiếm nhiều tự do hơn trong nghệ thuật và đặt câu hỏi cho lãnh đạo văn hóa của đảng. Ông viết một bài thơ có tên “Anh có nghe thấy không” trên số đầu tiên của
Giai phẩm mùa Xuân năm 1956.
[43] Tác phẩm này bị nhà thơ Xuân Diệu phê bình là “khó hiểu”, than thở cho việc mất đi những bài tình ca và những bức tranh tĩnh vật ở miền Bắc và ám chỉ sự mất mát này là do “những con người không phải của chúng ta”. Việc này được xem như một cuộc phê bình của lãnh đạo văn nghệ Việt Nam.
[44] Văn Cao vốn là hội viên Hội Nhạc Sĩ, Hội Nhà Văn và Hội Mỹ Thuật. Do sự liên luỵ của ông vào vụ việc này, ông bị mất tư cách hội viên trong hai hội sau. Ông bị buộc phải đăng một bài tự phê bình thừa nhận mình đã có “rất nhiều sai lầm nghiêm trọng” bao gồm việc liên quan đến “bọn xét lại”
Nhân văn Giai phẩm.
[45] Ông phải đi thực tế tới vùng hẻo lánh Tây Bắc trong sáu tháng, thời gian dài nhất chưa từng có.
[46] Ông mất vị thế của mình giữa những đồng nghiệp và cảm thấy bị thương tổn bởi chính tổ chức mà ông tin tưởng. Trong lần thông qua hiến pháp mới năm 1959, quốc ca không được đề cập đến, việc bỏ sót cho thấy có chủ ý khi văn bản mới chỉ tái xác nhận hai biểu tượng quốc gia khác - quốc kì và quốc huy.
Thống nhất và tìm kiếm một bản quốc ca mới 2 tháng Bảy 1976, Việt Nam chính thức thống nhất với việc Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam hợp nhất thành Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vào lúc này, Đảng Lao động cũng đổi tên thành Đảng Cộng sản như một sự xác nhận xa hơn trong việc thay đổi từ một “cộng hoà dân chủ” sang một “cộng hoà xã hội chủ nghĩa”. Trong dịp tuyên bố này, “Tiến quân ca” được in trên trang nhất báo
Nhân dân không đề tên tác giả đi cùng Nghị quyết số 5 công bố quốc ca của nước có tên mới Cộng hoà XHCN Việt Nam là bài “Tiến quân ca.”
[47] Một vài chi tiết về lịch sử bài hát và sự phát triển được điểm qua trên báo cùng với việc quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất triệu tập. Không đề cập đến tác giả, bài báo ghi nhận sự liên quan của “Tiến quân ca” với sự thành lập vùng tự do của Việt Minh và với Cách mạng tháng Tám. Bài viết cũng ghi lại chi tiết những chỉnh sửa về lời và sự thông qua của Quốc hội khoá đầu tiên năm 1955.
[48] Tuy nhiên, vào năm 1980 khi hiến pháp mới được phê chuẩn, bản Quốc ca chỉ ghi là “do Quốc hội thông qua”. Để tuân theo một nghị quyết của Quốc hội, số báo
Nhân dân ra ngày 28 tháng Tư 1981 thông báo một cuộc thi chọn quốc ca mới, một cuộc thi phải do các cấp cao nhất của chính quyền phê duyệt. Hai vị nghị sĩ quan trọng và là những nhà cách mạng lâu năm, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trường Chinh và phó chủ tịch HĐBT Xuân Thuỷ, cùng sự tư vấn của Bộ Văn hoá Thông tin, Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội, cùng với các nhạc sĩ và nhà thơ tiến hành đưa ra tiêu chí và điều lệ cuộc thi. Cuộc thi mở rộng cho mọi công dân Việt Nam và chỉ xét những bài hát viết sau năm 1975, như vậy để nhấn mạnh đến yếu tố bối cảnh mới của đất nước. Nhà thơ Cù Huy Cận, thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin và nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, chủ tịch Uỷ ban Văn hoá và Giáo dục của Quốc hội là chủ tịch và phó chủ tịch Ban Giám khảo.
[49] Trường Chinh đã phát biểu ca ngợi Văn Cao và bài “Tiến quân ca” của ông, và vai trò của tác giả cũng như ca khúc này trong cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân. Việc làm cần thiết là viết một bản quốc ca mới bởi vì “cách mạng Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới”.
[50] Bùi Tín có viết rằng tuy vậy, việc tham gia của Văn Cao trong vụ
Nhân văn Giai phẩm đã góp phần dẫn đến quyết định này, lưu ý rằng từ lúc đó trở đi nhạc sĩ không còn được mời dự các phiên khai mạc của Quốc hội ở Hội trường Ba Đình. Trên thực tế, theo bài viết của Bùi Tín, Trường Chinh muốn thúc đẩy mọi việc mặc dù có sự do dự của những người đồng nghiệp.
[51] Tuy nhiên, cuộc thi còn nhằm phục vụ một mục đích lớn hơn. Theo gót chiến thắng 1975, chính quyền cố gắng tìm cách làm cho chủ nghĩa xã hội được nhìn thấy toàn diện trên khắp đất nước và tạo ra “con người mới”. Cuộc thi diễn ra vào lúc đất nước đang ở trong tình trạng mà Duiker gọi là “bất ổn” (malaise) do cả những nguyên nhân kinh tế và lẫn sự kháng cự tiêu cực những chính sách của chính quyền.
[52] Góp phần vào tình trạng này là cuộc đào thoát của hàng ngàn người Việt Nam rời bỏ quê hương để tị nạn cùng hai cuộc chiến tranh với những đồng minh cũ, Campuchia và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Những nhà tổ chức muốn quốc ca phải phản ánh được “những kỳ tích chống ngoại xâm” và chuyển tải được “truyền thống đoàn kết đùm bọc lẫn nhau, của lao động xây dựng cần cù, dũng cảm và sáng tạo, đất nước của những khát vọng độc lập, tự do, hoà bình và hạnh phúc”.
[53] Từ 19 tháng Năm đến 19 tháng Mười Hai 1981, họ đã nhận được 1420 tác phẩm của 1181 tác giả.
[54] Trong số này chỉ có 625 tác phẩm với cả nhạc và lời, còn lại là thơ. Trong số các tác giả, 173 người là nhạc sĩ được đào tạo chuyên nghiệp. 74 tác phẩm được chọn qua vòng một. Sau vòng hai danh sách giảm xuống còn 17 bài hát và được hoà âm, dàn dựng, thu âm ở ba dạng: đơn ca, tác phẩm nhạc không lời và cuối cùng là đồng ca với dàn nhạc. Những bài hát này đều được thể hiện trước Quốc hội, sau đó in trên sáu tờ báo và tạp chí, và được phát trên đài phát thanh cho công chúng nghe. Đáng chú ý là 6 trong số 17 bài vào chung khảo là của những người tham gia việc xét duyệt quốc ca.
[55] Dù có sự nghi ngờ thể hiện vì vấn đề này, công chúng được trấn an rằng họ đã tổ chức thành công cuộc thi bằng cách trước đó; các giám khảo có tác phẩm sẽ ra khỏi phòng chấm khi tác phẩm của họ được xét đến, và không có quyền bỏ phiếu cho tác phẩm của chính mình.
[56] Ngày nay, 17 tác phẩm này hầu như đã bị rơi vào lãng quên. Có nhiều trường hợp mà tác giả của những bài này đều không đưa chúng vào danh sách hay hợp tuyển trước tác của mình. Một bài hát có được một đời sống độc lập trước và sau cuộc thi là “Việt Nam Tổ quốc ta” của Đỗ Nhuận. Nó được in trên báo
Nhân Dân nhân ngày Quốc khánh 2 tháng Chín 1979, và là bài hát đầu đề của một tập ca khúc năm 1980. Bài hát bắt đầu:
Tổ quốc chúng ta, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Bốn ngàn năm lịch sử vinh quang, non nước vang truyền thống
Với non sông hùng vĩ, chiến công còn ghi
Trăm trận thắng gian nguy, đường ta đi thắm tươi màu cờ
Và kết thúc:
Sao Mác Lê-nin chiếu soi đường Đường Việt Nam, đường hạnh phúc ấm no vinh quang đời đời. [57] Đây là một bài hát ca ngợi của sự hài lòng với vinh quang đã hoàn thành. Trong khi Văn Cao viết về một con đường “gập ghềnh xa”, Đỗ Nhuận tả về một con đường nơi hạnh phúc và mạnh giàu đã được nhìn thấy. Sự thống nhất đã dẫn chính quyền đổi từ “dân chủ cộng hoà” thành “cộng hoà xã hội chủ nghĩa”, và lời ca đã chính thức tôn thờ chủ nghĩa xã hội và các bậc tiền bối là Marx và Lenin. Trong khi lời của “Đăng đàn cung” (Ví dụ 4) tuyên bố “sách trời” định đoạt số phận của quốc gia, thì những sao trời của học thuyết chính trị cộng sản lại được nhắc đến để chuẩn y cho nước Việt Nam hiện đại.
Sau khi 17 bài hát được chọn vào chung khảo được truyền đi khắp Việt Nam, một vòng tuyển chọn thu hẹp lại lấy năm bài để Quốc hội bầu chọn. Từ lúc này không có thêm đề cập nào về cuộc thi chọn quốc ca mới trên báo chí. Mặc cho nỗ lực rất lớn của hệ thống cơ quan quản lý thông tin của chính quyền, người dân dường như không mấy hưởng ứng việc thay thế “Tiến quân ca”. Cuối cùng vào năm 1992, Hiến pháp Việt Nam mới đã phê chuẩn “Quốc ca của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài ‘Tiến quân ca’”.
(Còn 1 kì)
Bản tiếng Việt © 2007 talawas
[1]Việc này xảy ra đột ngột cùng lúc triều đình đang làm những việc chuẩn bị cho lễ tế Nam Giao cuối cùng dự kiến diễn ra vào 23 tháng Ba 1945. Kết quả là lễ tế không bao giờ còn được tiến hành (Thái Văn Kiểm 1960, 91).
[2]Trần Trọng Kim,
Một cơn gió bụi, 60; David G. Marr,
Vietnam 1945: The Quest for Power, 120-121.
[3]Giai điệu này được nhiều phe nhóm và trào lưu sử dụng - thậm chí có cả lời ca thân Pétain (Nguiễn Ngu Í 1967a, 38). Điều này có thể đã là thứ đã có trong suy nghĩ của Brocheux khi cho rằng “Lê Huu Phuoc” (viết nhầm) viết một bài hát cho mẫu quốc Pháp rồi phát triển thành một bài quốc ca cách mạng. Xem Pierre Brocheux, “Une adolescence indochinoise”, 43.
[4]Đinh Ngọc Liên, Những chặng đời tôi, 35.
[5]Nguiễn Ngu Í, “Nhớ và nghĩ”, phần 2, 35-36; Lưu Hữu Phước,
Tráng sĩ ca, 2-3. Lực lượng tôn giáo và chính trị Cao Đài cũng đặt lời cho giai điệu của Lưu Hữu Phước để hát trong các buổi mít tinh của họ. Xem Marr,
Vietnam 1945, 112.
[6]Một bài viết có nói Văn Cao và người bạn cùng phòng Đỗ Hữu Ích đều nhận được yêu cầu này. Họ biết rằng đang có một nhu cầu cho những bài hát cách mạng mới do những người kháng chiến phải dùng bài hát Pháp với lời Việt. Trong thời gian in ấn bí mật, bài hát được ghi với hai cái tên giả là Anh Thơ cho Văn Cao và Anh Dung cho Đỗ Hữu Ích (Tô Đông Hải 1991, 2). Trong thập niên đầu từ khi ra đời, bài hát thường được ghi là nhạc Văn Cao và lời Đỗ Hữu Ích. Phạm Duy nhớ lại rằng Đỗ Hữu Ích đã đóng góp nhiều lời ca cho nhiều ca khúc lãng mạn thời đầu của Văn Cao (1990, 237), điều mà Văn Cao và những người thừa kế của ông vẫn tranh cãi. Vào đầu những năm 1990 nó đã trở thành một vấn đề bất đồng về việc liệu Đỗ Hữu Ích có viết lời cho “Tiến quân ca” hay không. Văn Cao khẳng định ông thêm tên Đỗ Hữu Ích vào những ấn phẩm đầu tiên của ca khúc là một ghi nhận đối với một người bạn đã cho ông hỗ trợ vật chất trong thời kỳ khó khăn dó, nhưng nhấn mạnh rằng ông viết một mình lời ca gốc (Xuân Ba 1991, 14). Năm 1992 chính phủ Việt Nam công nhận Văn Cao là tác giả lời của bài hát (“Kết luận của Cơ quan bảo hộ quyền tác giả Việt Nam về tác giả phần lời nhạc phẩm ‘Tiến quân ca’,”
Văn nghệ 15 (11 tháng 4-1992), 2).
[7]Văn Cao, “Bài Tiến Quân Ca”, 4.
[8]Phí Văn Bái, “Văn Cao và những nốt nhạc đầu”,
Văn Cao: Cuộc đời và tác phẩm, 171.
[9]Marr,
Vietnam 1945, 233.
[10]Hoàng Đình Quý. “Bài hát Tiến quân ca đã vang trên đường phố trong Tổng khởi nghĩa 25-8-1945”,
Sài Gòn giải phóng, 25/8/1989.
[11]Vũ Đình Hoè,
Hồi ký tập 1, 313.
[12]Trần Huy Liệu, “Đi dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào”,
Tập san Nghiên cứu Lịch sử, 17/8/1960, 42.
[13]Marr,
Vietnam 1945, 382-386.
[14]Một hồi ký nói rằng bài “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước cũng được hát ở lúc đầu buổi lễ (Đoàn Thêm 1967, 47).
[15]Văn Cao, “Bài Tiến Quân Ca”, 5; Văn Cao, “’Tiến quân ca’ ngày ấy”,
Văn nghệ 34, 25/8/1990, 1.
[16]Archimedes L.A. Patti,
Why Vietnam: Prelude to America’s Albatross, 198-199.
[17]Hoàng Đình Quý, “Bài hát Tiến quân ca”..
[18]Quang Hải, “Lưu Hữu Phước: Một tác giả hàng đầu của thể loại chính ca”,
Lưu Hữu Phước: Sự nghiệp âm nhạc, 50.
[19]Vũ Đình Hoè,
Hồi ký, 368, 383
[20]Hùng Lân, “Việt Nam minh châu trời đông”,
Tuyển tập 100 ca khúc tiếng xưa, 232-233; Nguyễn Tường Bách,
Việt Nam một thế kỷ qua: Hồi ký cuốn một 1916-1946, 209; Quang Minh,
Cách mạng Việt Nam thời cận kim Đại Việt Quốc Dân Đảng, 158. Một báo cáo năm 1943 của Quốc Dân Đảng đề xuất dùng nửa đầu của một bài hát có tên “Hồn nước” làm đảng ca của họ (Nguyễn Tường Bách, 296). Tôi không tìm ra được một bài hát nào có tên như vậy trong khoảng thời gian đó.
[21]Ellen Hammer,
The Struggle for Indochina, 1954. Một nhà văn đã thể hiện sự thất vọng về việc “Tiếng gọi thanh niên” không nhận được một phiếu nào chọn làm quốc ca tại Hội nghị này (Nguiễn Ngu Í, phần 2, 40)
[22]Xem
Tiền phong #12 (1 tháng 6 1946), 33.
[23]Văn Cao, “Cảm xúc về quốc ca”,
Nhân dân, 16/8/1981.
[24]Nguyễn Ngọc Huy,
Tiến trình hình thành, 76-77.
[25]Hammer,
The Struggle for Indochina, 223.
[26]Nguyễn Ngọc Huy,
Tiến trình hình thành, 83. Không hiểu sao, một trong số những tài liệu tập hợp các quốc ca trong thời kì chiến tranh Việt Nam lại chỉ có bản quốc ca của Việt Nam Cộng hòa với bản có lời không đúng (“Này thanh niên ơi…”) và viết nhầm rằng bài hát này được chọn làm quốc ca vào năm 1945. Xem Martin Shaw và Henry Coleman,
National Anthems of the World (London: Pitman Publishing Corporation, 1960), 309-311.
[27]Lưu Hữu Phước, “Lời tuyên bố của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước về bài quốc ca của Chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Xuân”,
Văn nghệ 3 (6-7/1948), 70.
[28]Đoàn Thêm, “Quốc thiều, quốc kỳ, quốc huy”,
Bách Khoa 174 (15/6/1967), 4.
[29]Phạm Duy,
Hồi ký: Thời phân chia Quốc Cộng, 86.
[30]Những bài vào chung khảo khác là “Nhân dân cách mạng Việt Nam” của Hùng Lân, “Việt Nam độc lập thống nhất” của Thẩm Oánh và “Một trời sao” của Ngô Duy Linh (Đoàn Thêm 1967, 4; Phạm Duy 1991, 87). Đáng lưu ý là cả năm tác giả của các bài vào chung khảo đều là những người Bắc di cư. Tôi chưa tìm được bản nhạc bài “Suy tôn Ngô Tổng thống,” vậy tôi phải nhờ những bài hồi ký trên mạng cho lời ca. Ví dụ xem “Tuổi học trò 2”
[31]Hồ Trường An,
Theo chân những tiếng hát, 134-135.
[32]Hồ Bông, “Phác thảo chân dung ngành âm nhạc giải phóng 1961-1975”,
Hồi ức 50 năm âm nhạc cách mạng miền Nam, 98.
[33]Lưu Hữu Phước, “Sự ra đời của bài hát Giải phóng miền Nam”,
Hành trình với âm nhạc, 37.
[34]Lưu Hữu Phước (2000) kể về quá trình chọn tên bút này. Vào lúc này chỉ có ít nhạc sĩ ở bên phía Mặt trận DTGPMN. Một số nhạc sĩ miền Bắc được khuyến khích viết những bài hát lấy tên giả để dùng như người miền Nam (Hồ Bông 1997, 100).
[35]Mai Văn Bộ, “Bài ‘Giải phóng miền Nam’, một tác phẩm hoàn chỉnh tuyệt vời của cao trào đồng khởi”,
Chung một bóng cờ: Về mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, 643.
[36]Truong Nhu Tang, David Chanoff, Doan Van Toai,
A Vietcong Memoir, 71,78.
[37]Truong Nhu Tang, như trên, 148;
Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam thành lập chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam: Nhà xuất bản Giải phóng, 1969, trang 48.
[38]Bài hát thứ hai được in trên báo với tên tác giả Quang Chí, cũng chính là Lưu Hữu Phước. Xem Quang Chí. “Tiếng núi sông” trên
Văn nghệ 25/11/1968 và trên
Nhân Dân 20/12/1968.
[39]Lưu Hữu Phước, “Sự ra đời…”, 41-42; Mai Văn Bộ, “Một sự nghiệp…”, 647. Bài hát đã được dịch in bằng tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha do Barbara Dane và Irwin Silber trong The Vietnam Songbook (New York: The Guardian, 1969), 192-195. Gần đây, bài hát đã được tái hiện trong một đêm diễn phản đối chiến tranh Iraq vào ngày 1 tháng Sáu 2003 do cựu chiến binh Việt Nam Joe Bangert trình bày. http://www.vietnamsongbook.org/setlist_jp.htm
[40]“Báo cáo của Bộ Tuyên Truyền về quốc kỳ, quốc ca, quốc huy,”
Nhân Dân (17 tháng 9 1956), 1.
[41]Văn Cao, “Cảm xúc về quốc ca”. Tố Hữu giữ cương vị này từ tháng Tám 1954 đến 19 tháng Chín, 1955 – xem “Danh sách các đồng chí lãnh đạo ngành Văn hóa Thông tin,”
[42]“Báo cáo của Bộ Tuyên Truyền”,
Nhân Dân, 17/9/1955.
[43]Văn Cao, “Anh có nghe thấy không”,
Giai phẩm mùa xuân 1956, 10-12.
[44]Xuân Diệu, “Những tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao”,
Văn Nghệ 14 (7/1958), 69-70.
[45]Văn Cao, “Tự kiểm thảo của nhạc sĩ Văn Cao”,
Văn học 3 (15/6/1958), 3.
[46]“Đi thực tế” là một cụm từ rất có tiếng vang trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam từ những năm 1950 đến 1980. Công việc này có ý nghĩa tích cực là tìm hiểu những hoàn cảnh sống của người Việt đã trải qua những thành công hay nỗ lực trong chiến tranh, phát triển kinh tế hay cải cách xã hội. Việc tiếp xúc gần gũi này cho phép những người hoạt động nghệ thuật đóng vai trò người phóng viên cho nhà nước thông qua tác phẩm phản ánh những gì họ bắt gặp. Tuy nhiên nhiều trường hợp được lãnh đạo văn hoá dùng để đày ải một trí thức văn nghệ đi ra khỏi thành phố, hoặc bắt họ cùng nếm trải sự thiếu thốn của những người dân mà họ quan sát. (Tuy nhiên, người cùng đi là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết trong hồi ký là trên đường lên, Văn Cao bị thủng dạ dày, phải đưa về Hà Nội cấp cứu ngay nên vẫn coi như chưa phải đi thực tế – N.D).
[47]Nhân Dân (3 tháng 7 1976), 1-2.
[48]Nhân Dân (29 tháng 6 1976), 2-3.
[49]“Thi sáng tác quốc ca mới,”
Nhân dân (28 tháng 4 1981), 1.
[50]Cù Huy Cận, “Về cuộc vận động sáng tác quốc ca mới”,
Văn hoá Nghệ thuật 129 (1982), 3
[51]Thành Tín,
Mặt thật: Hồi ký chính trị của Bùi Tín, 236.
[52]William J. Duiker,
Vietnam since the Fall of Saigon, 111-112.
[53]Phạm Đình Sáu, “1420 bài dự thi sáng tác quốc ca mới”,
Nhân Dân, 25/7/1982.
[54]Bản thân Trường Chinh đã mời Văn Cao viết một tác phẩm tham gia cuộc thi, một lời mời mà nhạc sĩ đã từ chối. Xem Văn Cao, “Cảm xúc về quốc ca”.
[55]Đại biểu Quốc hội Xuân Thủy, cũng là một nhà thơ, viết lời cho ca khúc “Việt Nam nắng hồng” do Hồ Bắc và Ngô Quốc Tính soạn nhạc cùng với bài “Việt Nam vinh quang” của Phạm Đình Sáu. Đỗ Nhuận, thành viên thường trực ban giám khảo cuộc thi, Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam sáng tác bài “Việt Nam Tổ quốc ta”. Huy Du, một thành viên khác của ban giám khảo và là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam sáng tác bài “Vinh quang Việt Nam”. Đại biểu Quốc hội, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước góp mặt với bài “Vì tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, viết chung với Huỳnh Văn Tiểng. Tất cả các ca khúc vào chung khảo đều được in trong 4 ngày trên báo Nhân Dân 3-7/7/1982.
[56]Cù Huy Cận, “Về cuộc vận động…”, 3-4.
[57]Đỗ Nhuận, “Việt Nam Tổ quốc ta”,
Nhân Dân 2/9/1979; in lại 6/7/1982. Xem thêm Thái Cơ (biên soạn),
Việt Nam Tổ quốc ta (Hà Nội: Văn hóa, 1980), 79-80.