trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
17.1.2007
Phạm Phú Đức
Truyền thông và chính trị
 
Những vấn đề cần đặt dấu hỏi lớn

Dưới thể chế độc tài, tại sao chính quyền lại luôn chủ trương kiểm soát gần như tuyệt đối các phương tiện truyền thông? Tại sao không có đến thậm chí một phương tiện truyền thông đại chúng nào được hoạt động độc lập dưới các nhà nước cộng sản như Trung Quốc, Cu Ba, Việt Nam và Bắc Hàn?

Dưới thể chế dân chủ phóng khoáng (liberal democracy), tại sao các hệ thống chính trị thường phải dồn tối đa nỗ lực (trí tuệ) để khai dụng, bằng một phương cách khôn ngoan, khéo léo nhưng không kém phần gay gắt, các phương tiện truyền thông tự do, để thuyết phục và gây ảnh hưởng lên dân chúng về chính sách của họ?

Hay phải chăng mọi thể chế chính trị đều nỗ lực tác động lên tư tưởng, bằng cách thuyết phục và quảng cáo trong thể chế dân chủ, hay bằng cách kiểm soát và tuyên truyền trong thể chế độc tài, với mục tiêu tối hậu là giành lấy sự ủng hộ ngắn hạn và sự hậu thuẫn lâu dài của dân chúng? Nói cách khác, trong thể chế độc tài, quan hệ giữa chính trị và truyền thông, ngoại trừ truyền thông mật (ngoài luồng), phần lớn mang tính một chiều, mà chủ yếu là chính trị điều khiển truyền thông. Ngược lại, trong thể chế dân chủ phóng khoáng, tự do thông tin ngôn luận, đặc biệt từ khi xuất hiện tràn ngập các phương tiện truyền thông đại chúng, không những là quan hệ hai chiều giữa chính trị và truyền thông, mà nhiều khi truyền thông đã chủ động, cả tích cực lẫn tiêu cực, uốn nắn cung cách hoạt động của giới chính trị.

Cho nên mối quan hệ giữa chính trị và truyền thông có thể nói rất là mật thiết. Ở đây, cũng cần phải hiểu chính trị ở khiá cạnh sâu rộng của nó (tức ngoài yếu tố quyền lực), bao gồm các tương quan ảnh hưởng trên địa hạt tư tưởng, văn hoá, lịch sử, kinh tế, giáo dục, thông tin..., nói chung là toàn xã hội. Trong khi đó, truyền thông, từ thời đơn sơ như báo chí cho đến truyền thanh, truyền hình và bây giờ là Internet, luôn đóng vai trò giáo dục và uốn nắn suy nghĩ, quan điểm con người trong tất cả các địa hạt nói trên.

Bài viết sau đây nhằm trình bày: 1) Các thời kỳ chủ yếu của truyền thông chính trị (Political Communication) [1] trong thể chế dân chủ phóng khoáng để chúng ta đối chiếu và biết mình đang ở đâu và cần học hỏi gì từ những tiến bộ đã đi trước mình vài thập niên; 2) Bài học từ truyền thông tại Ba Lan thời Công Đoàn Đoàn Kết và sau đó để rút tiả kinh nghiệm cho Việt Nam trong thời gian tới; 3) Một vài đề nghị (và mong ước) cho nền truyền thông tại Việt Nam thời hậu cộng sản.

Cũng xin được chia sẻ một tâm tình ở đây rằng mong muốn lớn nhất của người viết là: một, một nền truyền thông tự do và độc lập sớm được hình thành và nằm ngoài mọi kiểm soát của chính quyền (tuy không thể nào tách khỏi hẳn ảnh hưởng của chính trị vì cả hai tương tác nhau); hai, một giới ký giả chuyên nghiệp được sớm đào tạo và luôn đặt trách nhiệm của nghiệp vụ (như khách quan, trung thực và công bằng) để phê bình thẳng thắn mọi thành quả hay sai lầm của chính quyền; ba, một nền phê bình chính trị đứng đắn sớm được hình thành, và hơn thế, các ngành giáo dục về truyền thông chính trị cũng như khoa học chính trị sớm được phát triển tại Việt Nam. Tất nhiên, để không khỏi thiếu thực tế, người viết chỉ mong một giá trị tương đối hoàn chỉnh nhất có thể được (chúng ta có thể nghiên cứu và học hỏi từ các giải pháp khác để rút ngắn thời gian tìm giải pháp canh tân cho Việt Nam dù tất nhiên chúng ta phải trải qua kinh nghiệm thực tiễn).


1. Các thời kỳ truyền thông chính trị

Thời kỳ ‘0’: Có thể được xem là thời kỳ khai sinh nền truyền thông. Truyền thông vào lúc này chủ yếu là báo chí, mà báo chí lại đi đôi với chính trị (chính quyền) ngay từ ban đầu. Thí dụ, đối với Úc, báo chí là một chi nhánh của chính quyền, điển hình như tờ Sydney Gazette xuất bản năm 1803, chủ yếu là để đưa thông tin của chính quyền đến người dân, và mãi cho đến năm 1826, chính quyền Úc gần như nắm hoàn toàn quyền hành đối với báo chí [2] . Tuy nhiên, vào năm 1824, một số tờ báo bắt đầu được xuất bản tại tiểu bang NSW mà không có sự đỡ đầu nào từ chính quyền, từ đó khai mào cho sự hoạt động 'độc lập' sau này. Tuy nhiên, cả một thế kỷ tiếp theo đó, quan hệ giữa truyền thông và chính trị là một sự chồng chéo phức tạp giữa kinh tế cũng như quyền lực và ảnh hưởng. Ngay cả đến cuối thập niên 1930, truyền thông vẫn chủ yếu thiên đảng (tức nghiên về một đảng nào đó), chứ vẫn chưa đứng khách quan, độc lập... Ông Keith Murdoch, bố của Rupert Murdoch (là một trong những chủ nhân sở hữu nhiều phương tiện truyền thông đại chúng nhất trong nhiều thập niên qua), lúc đó chỉ sở hữu vài tờ báo trên nước Úc, nhưng từng tuyên bố về cựu Thủ Tướng Úc, Joseph Lyons (1932-1939), rằng "Tôi đã đưa ông ấy vào (ghế) đó và tôi sẽ đưa ông ra khỏi (ghế) đó" (ông Murdoch đã thực sự làm được việc đó). Cho nên, nói tóm lại, quan hệ giữa truyền thông và chính trị là một mối phức tạp, luôn thay đổi nhưng vẫn luôn chặt chẽ không thể tách rời, dù trên lý thuyết (như hiến pháp) nó phải được tách rời hẳn hoi.

Thời kỳ 1: Đó là hai thập niên sau Thế chiến thứ hai, được xem là thời kỳ hoàng kim của các đảng phái chính trị. Trong thời gian này, hệ thống đảng là nơi chủ chốt đề xướng các cuộc tranh luận để cải tổ xã hội, và là nơi chủ yếu quyết định chính sách. Cử tri thì thường có một sự liên hệ (cảm tình viên, ủng hộ viên...), với các đảng phái vững mạnh và hiện hữu lâu dài. Sự tin tưởng và đồng thuận của quần chúng đối với các định chế chính trị rất cao, do đó truyền thông chính trị chủ yếu phụ thuộc vào niềm tin cũng như các định chế chính trị vững mạnh và ổn định. Vào lúc này, các nhà lãnh đạo chính trị thường nói về những vấn đề họ quan tâm, đặc biệt là những thay đổi họ muốn thấy từ chính quyền cũng như các chính sách và nguyên tắc mà phân biệt họ với các phiá đối lập. Nói chung, vào lúc này, các thông điệp chính trị đúng đắn thường dễ được các phương tiện truyền thông loan tải, phổ biến.

Thời kỳ 2: Đó là thời điểm mà truyền hình xuất hiện, với một số đài giới hạn phát hình toàn quốc, và sau đó trở thành phương tiện truyền thông chính trị chính. Sự xuất hiện của truyền hình, thể hiện rõ nhất qua cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 1960 giữa John Kennedy và Richard Nixon, đã thay đổi bộ mặt truyền thông chính trị. Lúc này, phần lớn các cơ quan truyền thông bắt đầu đứng độc lập, không nghiêng hẳn về đảng nào, đề cao tính cách công bằng, không thiên vị, khách quan và trung lập. Các giá trị này dần dần được xem là tiêu chuẩn mẫu mực để đánh giá sản phẩm truyền thông. Do các yếu tố nêu trên, các đảng chính trị không còn nhiều ảnh hưởng như trước đối với truyền thông, và ngay cả các cơ quan truyền thông do các đảng chính trị nuôi dưỡng cũng không thể hoạt động hiệu quả trong thời kỳ cạnh tranh này, bởi cảm nhận của đa số người dân là không còn xem nó là khách quan và trung thực nữa. Do đó, các đảng chính trị phải đưa ra những sáng kiến và chiến thuật mới để thu hút giới truyền thông, để được truyền thông loan tải tin tức theo chiều hướng có lợi cho mình, và để ảnh hưởng lên chương trình nghị sự của giới truyền thông, ví dụ như họp báo là hình thức có thể chủ động để đưa ra các quan điểm đã chuẩn bị sẵn. Cũng vào lúc này, các chủ đề vận động tranh cử phải được thử nghiệm trước, và các chính trị gia không được khuyến khích nói ra những gì mình suy nghĩ như trước kia mà thường phải tham khảo ý kiến của giới chuyên gia để lượng định kết quả (tích cực hay tiêu cực) trước khi sự việc xảy ra, để rồi đi đến kết luận và lấy quyết định nên hay không nên nói những gì qua truyền thông.

Thời kỳ 3 (đã, đang và vẫn còn tiếp diễn): Giai đoạn này được đánh dấu bởi sự tràn ngập của các phương tiện truyền thông đại chúng, từ báo chí, truyền thanh, truyền hình, đến truyền thông mới (Internet). Hai giáo sư Blumler và Kavanagh cho rằng có 5 chiều hướng bao gồm các đặc điểm truyền thông chính trị như sau: a) Sự gia tăng chuyên nghiệp trong cung cách vận động chính trị; b) Sự gia tăng áp lực cạnh tranh; c) Đại chúng hoá và chủ nghĩa quần chúng phản trí thức (hay phản ưu tú, tức Anti-elitist); d) Sự đa dạng hoá ly tâm (Centrifugal diversification); e) Sự tiếp nhận của 'khán thính độc' giả về chính trị. Để dễ phân tích và nhận định, bài viết này xin tóm tắc 5 đặc điểm lại như sau:

Gia tăng sự cạnh tranh và vận động chính trị: Trong thời đại này, các nguồn gây ra áp lực trên chính trị và truyền thông là nhiều hơn bội phần so với hai thời kỳ trước. Trong môi trường mới như thế, để thông tin, thuyết phục hay đặt để vấn đề gì, chính trị phải có khả năng thu hút các nhà báo, chủ báo và 'khán thính độc' giả. Sự tràn ngập thông tin đã làm cho khán thính độc giả tự nhiên thấy cần phải chọn cái gì thích hợp với mình nhất, từ đó văn hoá 'lựa và chọn' nẩy sinh, cho nên truyền thông không còn mang nặng tính thiên đảng nữa. Những chương trình chính trị hoàn toàn nghiêm chỉnh không còn được xem là thu hút đối với đại đa số quần chúng hỗn hợp (thay vào đó là phương cách nửa thông tin nửa giải trí - infotainment). Giới chính trị (đảng phái và chính trị gia) đã phải tìm phương cách mới để ảnh hưởng lên truyền thông, và do đó phải lệ thuộc khá nhiều vào sự giúp đỡ của giới chuyên môn trong lãnh vực truyền thông để trau dồi, gia tăng khả năng thuyết phục. Kể từ đó, đại đa số các chính quyền và đảng phái ở Hoa Kỳ, Anh, Úc đều bắt đầu hình thành các bộ phận truyền thông (tuy trước đây đã có nhưng không mang tầm quan trọng, chuyên môn và chiến lược như lúc này) để quản lý thông tin và quan hệ quần chúng. Thí dụ, vào năm 1998, chính phủ Tony Blair của Anh Quốc đã thành lập một Bộ Phận Truyền Thông Chiến Lược (the Strategic Communications Unit), bao gồm các ký giả và nhân viên thông tin, để giúp điều hợp thông tin liên lạc cũng như để viết bài cho các vị Bộ Trưởng. Thêm vào đó, trong thời đại thế giới thay đổi nhanh chóng hàng ngày, giới chính trị ngày càng lệ thuộc vào những chuyên gia truyền thông để hoạch định chiến lược hầu ảnh hưởng lên chương trình nghị sự (của các cơ quan truyền thông chính mạch mỗi ngày) cũng như tác động và xoay chuyển (spin) giới ký giả để cho các bài tường trình trên báo, truyền thanh hay truyền hình đi theo chiều hướng thuận lợi nhất cho họ. Cũng trong thời đại này, thiếu khả năng để chủ động quản lý truyền thông sẽ làm cho đảng phái đó mất thế thượng phong, và có thể mất cả vị trí ảnh hưởng, dù trước đây có mạnh lớn cỡ nào. Nói tóm lại, truyền thông chính trị trở thành một thành tố quan yếu trong các hệ thống chính trị dân chủ hiện nay.

Đại chúng hoá, chủ nghĩa quần chúng và đa dạng hoá theo chiều hướng phản trí thức: Đầu thập niên 1990 xuất hiện các làn sóng đại chúng hoá và chủ nghĩa quần chúng mang tính cách phản trí thức trong lãnh vực chính trị và truyền thông. Trong các thời kỳ trước, thí dụ như thời kỳ 2, khán thính độc giả nói chung rất giống nhau, và nội dung các chương trình của truyền thông đại chúng thật ra không khác nhau nhiều lắm. Phần lớn, truyền thông chính trị là từ trên đi xuống, và đa số các vấn đề (chính sách, chiến lược v.v...) được hoạch định và thảo luận trong đảng, nhưng cũng chủ yếu do giới ưu tú/ trí thức cầm đầu. Những thông điệp chính trị thì nhắm vào đại đa số cử tri. Tuy nhiên, trong thời kỳ 3, khi có quá nhiều chọn lựa thì số lượng khán thính độc giả cho bất cứ một chương trình nào đó đều bị giảm đi, và họ có thể chọn nghe hoặc không nghe, do đó các chương trình tin tức mang tính cách nặng nề và áp đặt rất khó được chấp nhận như trước. Các chương trình truyền thông về chính trị phải được thực hiện một cách hấp dẫn và lôi cuốn hơn. Giới chính trị phải nói theo ngôn ngữ bình dân hơn, và phải tỏ ra quan tâm đến phúc lợi của người dân thường, điển hình qua các chương trình hội luận (talk-shows, hay talk-back radios). Sự xuất hiện của phương tiện truyền thông mới Internet, và chính trị trên Internet, đã ngày càng gây nhiều ảnh hưởng và trở thành một phương tiện có thể dùng để vận động chính trị cho các nhóm có chung quyền lợi, sở thích ở trong hay ngoài lục địa quốc gia.

Khả năng tiếp thu của dân chúng về chính trị: Khi văn hoá 'lựa và chọn' xuất hiện, và khi thông tin bị tràn ngập và do ảnh hưởng của các quan điểm chính trị khác nhau tác động, cách thu nhận các luồng thông tin của khán thính độc giả cũng bị ảnh hưởng sâu rộng. Người dân được tiếp cận với các loại chương trình chính trị mang tính cách ngoạn mục, gây cảm xúc mạnh, và lắm khi tiêu cực. Ngoài ra, họ cũng tiếp thu luồng thông tin chỗ này và chỗ kia nên cũng không biết hư thực ra sao, và không thể đan kết lại với nhau để hệ thống hoá và không thể tiêu hoá nổi lượng thông tin đó. Cho nên nhiều khi mức độ hiểu biết/ kiến thức của dân chúng có thể kết luận là phát triển bề rộng nhiều hơn là bề sâu.

Từ những đặc tính của truyền thông chính trị trong nền dân chủ phóng khoáng nêu trên, chúng ta có thể rút ra một số nhận định cốt lõi liên quan đến công cuộc đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam hiện nay cũng như việc xây dựng một nền truyền thông Việt Nam thời hậu cộng sản.

Thứ nhất, trong chính trị, truyền thông đóng vai trò then chốt, quyết định sự nghiệp của giới chính trị. Muốn vận động quần chúng cho một chính sách hay một quan điểm (chính trị hay xã hội) nào đó thì phải thông qua truyền thông, bởi chỉ qua truyền thông mới đến được quảng đại quần chúng. Cho nên các hoạt động chính trị nào không được truyền thông loan tải thì thường được xem như không đáng quan trọng hay thậm chí không hiện hữu. Thành phần nào có khả năng thu hút và thuyết phục quần chúng, nhất là trước những những sự chọn lựa (chính sách) khó khăn hay phức tạp, thì sẽ thành công. Thiếu khả năng truyền thông thì thường dẫn đến tình trạng bị động, nhất là khi gặp thử thách lớn, và dễ đưa đến những phản ứng cho xong hơn là nắm lấy cơ hội hướng dẫn dư luận một cách chủ động về một hay nhiều vấn đề nào đó.

Thứ hai, truyền thông chính trị của giới chính trị Tây phương tuy đã tiến rất xa, biết vận dụng mọi kỹ thuật tân tiến nhất để hiểu biết rất rõ và rất chi tiết về khả năng của mình và đối phương như thế nào, và qua đó làm cách nào để vận động cử tri, nhưng mục tiêu sau cùng cũng không khác gì các đảng chính trị khác từ xưa đến nay. Tức là, mục tiêu vẫn luôn luôn là làm thế nào để vận động, thuyết phục quần chúng ủng hộ, chấp nhận các thông điệp chính trị, và bỏ phiếu cho mình.

Nói chung, truyền thông chính trị đóng vai trò vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói hàng đầu, đối với mọi hoạt động chính trị và mọi giới chính trị trong thời đại này. Cho nên, mọi quyết định chính trị hiện nay, không nhiều thì ít, đều bao gồm yếu tố truyền thông trong đó.


2. Những bài học từ nền truyền thông tại Ba Lan

Ba Lan đã và đang hình thành một thể chế chính trị dân chủ phóng khoáng, tuy những hệ luỵ do quá khứ để lại chưa hẳn đã hết. Là một nước từng theo khuôn mẫu cộng sản của Stalin từ vài năm sau Thế chiến thứ hai (kể từ năm 1948), và mãi cho đến năm 1989 mới chấm dứt, nhưng trong 40 năm đó, nhất là trong 9 năm đấu tranh của Công đoàn Đoàn kết (từ năm 1980 đến 1989), đã là những bài học vô cùng quan trọng để gỡ bỏ chế độ độc tài cộng sản. Không ai phủ nhận vai trò của Công đoàn Đoàn kết nói riêng và cuộc đấu tranh của người dân Ba Lan nói chung, nó đã đưa đến thắng lợi năm 1989 và dẫn đến sự sụp đổ của khối cộng sản tại Đông Âu năm 1990-1991.

Riêng về mặt truyền thông chính trị, giáo sư Karol Jakubowicz, nguyên Giám đốc (và Tổng thư ký) của Truyền thanh và truyền hình Ba Lan, đã viết bài "Từ truyên truyền (của) đảng đến lối nói (của) tập đoàn? Truyền thông Ba Lan trong việc đi tìm một tự tính mới" [3] . Tuy bài nghiên cứu này được viết năm 1992 nhưng vẫn còn giữ nguyên giá trị về vai trò của truyền thông đối với chính trị, đặc biệt đối với những quốc gia còn đang bị thống trị bởi chế độ độc tài đang nỗ lực gỡ bỏ hệ luỵ của quá khứ để tiến đến một nền chính trị dân chủ đích thực.

a. Truyền thông chính trị Ba Lan thời cộng sản

Theo giáo sư Jakubowicz, mục tiêu tuyên truyền của truyền thông Ba Lan dưới thời cộng sản, mà được thừa nhận sau này, là để tạo dựng một môi trường đúng đắn về mặt ý thức hệ (ideologically correct), dù là tượng trưng, bằng cách dùng những nội dung nào phục vụ mục đích chủ yếu là dần dần đưa vào khuôn khổ áp đặt để khống chế toàn bộ tư tưởng, qua đó duy trì hệ thống quyền lực của đảng, và sau cùng giáo dục mọi người để có hệ tư tưởng như "Sô Viết". Nhưng sau sự thất bại của việc xây dựng hệ thống chế độ toàn trị và mất khả năng hoàn thành những hứa hẹn ấm no hạnh phúc đối với người dân, truyền thông và những người lãnh đạo nó đã phải tìm cách điều chỉnh dư luận để giảm bớt sự bất mãn của dân chúng. Họ thực hiện mục tiêu này bằng nhiều cách. Cách được cho là ‘tốt nhất’ là dùng những nội dung phản ánh thực trạng xã hội mà chủ yếu là thay thế sự thật bằng những ‘bằng chứng’ có tính cách thành công trong việc ‘xây dựng xã hội chủ nghĩa’ mặc dù có rất ít bằng chứng như thế. Một cách khác cũng được áp dụng là cứ tiếp tục đeo đuổi các mục tiêu mang tính ý thức hệ nhưng ít cực đoan hơn, hoặc chấp nhận các chương trình có thể đối ngược với mục tiêu ý thức hệ nhưng vẫn đạt được các mục tiêu chính trị ngắn hạn, ví dụ như ổn định xã hội hay tạo ra ảo tưởng về sự thịnh vượng của xã hội.

Tại Đông Đức thời cộng sản, nội dung của các chương trình truyền hình đã bớt phần nói về thực tế xã hội. Các mục về tin tức và thời sự, cho đến giờ phút cuối (trước khi chế độ cộng sản sụp đổ ở đây), vẫn là cái loa tuyên truyền của cấp Trung Ương của Đảng Đoàn kết Xã hội Chủ nghĩa (Socialist Unity Party Central Committee), và tiếp tục rêu rao với người dân rằng họ đang được điều hành tốt bởi tài lãnh đạo của đảng và họ không cần phải lo lắng gì cả. Các chương trình trên TiVi được sắp xếp với đầy các mục phim ảnh, và chủ yếu là tính chất giải trí rất phổ cập, mà phần lớn là sản phẩm phương Tây. Trường hợp tương tự là truyền hình tại Rumani từ cuối thập niên 1950 đến cuối thập niên 1970. Tại Hungari cũng vậy. Và hơn một thập niên qua, nhiều người Việt hải ngoại về nước cũng nhận ra chủ trương ru ngủ trên các đài truyền hình tại Việt Nam mà phần không nhỏ được chiếu trên đó là ‘văn hoá phẩm’ của Trung Quốc.

Trong các cuộc thăm dò ý kiến với ký giả Ba Lan vào năm 1981, 1986, và 1987, có một số câu trả lời đáng chú ý:
  • Có đến 96% ký giả đồng ý rằng nhiệm vụ của họ là để phục vụ cho mục tiêu đề cao một quan điểm chính trị nào đó (chủ yếu ý thức hệ Mác-Lê).
  • Chỉ có 35% đồng ý rằng ký giả nên được tự do đối với những ảnh hưởng chính trị bên ngoài (tức chủ yếu phục vụ chính trị).
  • Có đến 55.3% ký giả cho rằng mức độ trung thực và đáng tin cậy của truyền thông là một tiêu chuẩn được mọi người chấp nhận nhưng rất khó được tôn trọng.
  • Đối với nghiệp vụ của mình, tỷ lệ ký giả đồng ý với quan điểm rằng ký giả nên cung cấp thông tin trung thực về các sự kiện xảy ra trong và ngoài nước là 75.0% vào năm 1979 và gia tăng lên 98.0% vào năm 1981 (sau khi Công đoàn Đoàn kết hình thành và hoạt động).
  • Một trong những câu hỏi đáng chú ý nhất là: ký giả có nên tạo cơ hội để các cá nhân được bày tỏ quan điểm của mình một cách công khai và được có cơ hội để sử dụng các phương tiện truyền thông? Vào năm 1979, không có đến một ký giả, nghĩa là 0%, đồng ý với quan điểm này, nhưng 2 năm sau, năm 1981, có đến 75.0% đồng ý là nên. Từ đó cho thấy sự hình thành và đấu tranh của Công đoàn Đoàn kết đã tác động đáng kể lên giới ký giả Ba Lan.
Từ những dữ kiện nêu trên, chúng ta có thể rút ra hai nhận định: một, dưới chế độ toàn trị, giới ký giả (thành phần được xem là ưu tú của xã hội) cũng phải phục tùng chế độ gần như tuyệt đối; hai, một khi hình thành một lượng lực đáng kể đối trọng với chế độ và khi bức màn bưng bít bị đục thủng dần dần, càng ngày càng có thêm ký giả từng phục vụ chế độ độc tài đứng về phiá lực lượng dân chủ. Cho nên, nếu nói về Việt Nam, thì bước quan trọng kế tiếp của Khối 8406 và Liên minh Dân chủ Nhân quyền Việt Nam hiện nay là tìm cách thuyết phục thành phần ký giả Việt Nam công khai hay âm thầm hỗ trợ mục tiêu đấu tranh cho dân chủ của mình.

b. Truyền thông chính trị Ba Lan thời hậu cộng sản

Vào năm 1990, một năm sau khi Công đoàn Đoàn kết thắng lợi và chế độ cộng sản tại Ba Lan sụp đổ, một cuộc thăm dò về ‘thái độ của ký giả đối với nhiệm vụ của mình’ trong ngành truyền thông được thực hiện với phần câu hỏi và trả lời như sau:

Nhiệm vụ của một ký giả là:
  • đưa thông tin về các sự kiện xảy ra: 99%
  • theo sát những hoạt động của chính quyền: 92%
  • cho chính phủ biết các quan điểm của công dân: 91%
  • cho người dân đầy đủ thông tin về các chính phủ trung ương và địa phương: 87%
Các con số về tỷ lệ nêu trên là tổng cộng các thành phần chọn ‘quan trọng’, ‘rất quan trọng’ và ‘quan trọng nhất’ để trả lời các câu hỏi này. Nói chung, cuộc thăm dò này cho thấy rằng nếu được tự do hành nghề, giới ký giả cũng muốn làm đúng chức năng của người làm truyền thông: đó là không thiên vị, khách quan, táo bạo, khéo léo, và dũng cảm.

Tuy nhiên, điều kiện thực tế đã ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện tiêu chuẩn truyền thông lý tưởng đã nêu cao từ lâu nay. Các lý do có thể tóm lược như sau:

Thứ nhất là vì giới ký giả bị chia rẽ nặng nề. Các chủ nhiệm và chủ bút của các tạp chí hoạt động bí mật trước đây nay phải làm việc chung với ‘đồng nghiệp’ từng làm việc cho phiá truyền thông của chính quyền (cộng sản). Các nhân sự thuộc chính quyền cảm thấy bất an và sợ hãi trong tình huống mới, nhất là sợ bị trả thù vì tính cách tuyên truyền của họ dưới thời cộng sản, nên thành phần này nghĩ rằng tốt nhất là nên cẩn trọng và tuân theo những gì được xem là mệnh lệnh từ chính quyền. Trong khi đó, những nhân sự cốt cán mới trong ngành truyền thông, phần lớn là thành phần đã trải qua nhiều hiểm nguy trong thời kỳ đấu tranh để hoàn tất nhiệm vụ của mình, thì tất nhiên ủng hộ chính quyền mới trong hoàn cảnh ban đầu đầy khó khăn. Vì thế cho nên họ rất miễn cưỡng khi tố cáo các nhược điểm hay những sai lầm của chính quyền mới. Cho nên cả hai nhóm, với những lý do khác nhau, vô hình chung dần dần đi xa vai trò lý tưởng ban đầu của truyền thông là khách quan và giám sát chính quyền, và trở nên ít độc lập và năng nổ hơn mong đợi.

Thứ hai, cả hai nhóm trên đều thiếu khả năng cơ bản để thực hiện các bản tin và phân tích sự kiện khách quan để hướng dẫn người dân có cái nhìn đầy đủ và chính xác trong tình hình mới. Họ cũng thiếu khả năng làm sáng tỏ một cách đầy đủ và chuyên nghiệp về tiến trình cực kỳ phức tạp của bối cảnh chính trị mới với đầy sự tranh giành ảnh hưởng và quyền lực của các đảng phái. Ngược lại, khi các nhà báo quyết định phải cứng rắn và không khoan nhượng đối với nhân viên chính quyền thì họ lại trở nên khiếm nhã và kiêu ngạo. Thay vì thực hiện các bài tường thuật điều tra, nhiều nhà báo đã hỏi các chính giới như hỏi cung và kết quả đã không như ý muốn.

Thứ ba, trong tiến trình tháo gỡ hệ thống truyền thông cũ được điều khiển bởi Đảng Cộng Sản để hình thành một môi trường truyền thông đa nguyên, chủ trương này dẫn đến việc tư nhân hoá nhiều tờ báo và tạp chí của chính phủ trước đây cho các đảng phái vừa mới xuất hiện hoạt động. Kết quả là nhiều ký giả vẫn tiếp tục làm việc cho các bộ phận của đảng phái, qua đó phản ánh góc nhìn các sự kiện không còn khách quan mà là được nguỵ trang bởi quan điểm và quyền lợi của một nhóm chính trị nào đó. Ngoài ra, sự tháo gỡ độc quyền trong lãnh vực truyền hình và truyền thanh (demonopolisation) đã bị đình trệ bởi thái độ thiếu sẵn sàng của chính phủ mới. Lý do là không muốn mất hẳn quyền lực điều khiển các cơ quan truyền thông của chính quyền cũ để lại.

Thứ tư, các vấn đề như quyền sở hữu, sự tài trợ (từ chính phủ), quảng cáo, hay nói chung là luật quy định (regulation) hay phi quy định (deregulation) về thị trường truyền thông đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến phương cách hoạt động của các cơ quan truyền thông. Do tầm ảnh hưởng sâu rộng của truyền thông lên mọi mặt xã hội, các chính sách liên hệ đến truyền thông đều là hệ quả của những quan hệ chằng chịt và phức tạp của thương trường và chính trị. Có rất nhiều nghiên cứu sâu rộng về truyền thông tại Đông Âu và Trung Âu thời hậu cộng sản, và đây là những bài học rất cần thiết cho những nghiên cứu của giới chuyên môn về chính sách truyền thông tại Việt Nam trong thời gian tới.


3. Một vài đề nghị cho nền truyền thông tại Việt Nam

Những cách thức ảnh hưởng lên truyền thông, đặc biệt từ giới chính trị, là rất đa dạng và phức tạp, như đã trình bày ở trên. Nhưng ngoài giới chính trị ra, ảnh hưởng trong giới truyền thông bao gồm các thành phần: chủ nhân (sở hữu các phương tiện truyền thông), chủ nhiệm hay chủ bút, thương gia (bảo trợ hay quảng cáo), phóng viên - ký giả, và ‘khán thính độc’ giả. Phân tích ảnh hưởng của từng thành phần lên nội dung truyền thông không phải hiển nhiên và dễ dàng, vì phần lớn tuỳ thuộc vào môi trường (dân chủ hay độc tài) và mối tương quan (truyền thống, văn hoá...) giữa các thành phần này với nhau. Nhưng trước hết, cần có một số nhận định căn bản về truyền thông tại Việt Nam hiện nay.

a. Truyền thông tại Việt Nam hiện nay

Trong các thể chế dân chủ phóng khoáng, chính quyền nói riêng hay hệ thống chính trị nói chung không thể áp dụng biện pháp bưng bít thông tin và cũng không thể điều khiển các cơ quan truyền thông độc lập (tư nhân hay tập đoàn), cho nên phương cách duy nhất để ảnh hưởng lên quần chúng là dồn mọi nỗ lực trí tuệ để hình thành chiến lược truyền thông chính trị để tìm cách thuyết phục, như đã nói trên. Trong khi đó, các chế độ độc tài thường thiếu khả năng thuyết phục, một phần vì không có chính nghĩa nên thường nguỵ biện, phần khác vì không xây dựng sức mạnh trên nền tảng lý luận và đồng thuận mà chủ yếu là bằng bạo lực. Cho nên cách tốt nhất đối với họ vẫn là bưng bít để tuyên truyền với sự yểm trợ của bạo lực. Do đó, mức độ tự do hay siết chặt các phương tiện truyền thông phần lớn nói lên được giá trị dân chủ tại các quốc gia đó. Các chế độ độc tài hiểu rõ rằng sự sống còn của họ tuỳ thuộc rất nhiều vào yếu tố truyền thông bị kiểm soát hay được tự do.

Tại Việt Nam, gần 32 năm qua kể từ 30/4/1975, ngoài một số tờ báo hay các tạp chí chui (ngoài luồng) hoạt động một thời gian ngắn hay bị dập tắt, tất cả các phương tiện truyền thông đều do Đảng và Nhà nước (chính quyền từ trung ương đến địa phương) trực tiếp hay gián tiếp điều hành, chỉ đạo, nhất là từ hai cơ chế: Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (của Đảng, có thẩm quyền cao nhất), và Bộ Văn hoá Thông tin (của chính quyền). Nói chung, cho đến nay, truyền thông vẫn được xem là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, tất nhiên là không phải của nhân dân. Ngay cả đối với giới truyền thông ngoại quốc, muốn phỏng vấn hay tường trình một sự kiện gì thì phải xin phép, và thường phải chờ đến 5 ngày mới được cấp giấy phép (và cũng có thể bị từ chối).

Gần một năm qua, kể từ khi thành lập Khối 8406 (6/4/2006) và sau đó Liên minh Dân chủ Nhân quyền Việt Nam (16/10/2006), cuộc đấu tranh cho tự do thông tin ngôn luận đã được nhấn mạnh như mục tiêu chiến lược hàng đầu. Ngoài các đài phát thanh về Việt Nam từ nhiều năm qua như BBC, RFA, RFI, VOA, C™, v.v... nay lại có thêm tập san Tự Do Ngôn Luận (số 1 ra mắt ngày 15/4/2006, cho đến nay được 17 số), bán nguyệt san Tổ Quốc (số 1 ra mắt ngày 15/9/2006, cho đến nay được 8 số), báo Canh Tân (đã phát hành từ nhiều năm qua), tập san Dân Chủ Tự Do v.v... Tuy vẫn còn quá khiêm nhường so với số lượng và phương tiện truyền thông của chế độ, thế nhưng các phương tiện nói trên đã góp phần đáng kể trong nỗ lực đem lại những luồng thông tin khách quan hơn, trung thực hơn và rõ ràng mới và khác lạ hơn so với những thông tin tuyên truyền của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

b. Những thử thách trước mặt

Những hoạt động trên mặt trận truyền thông chính trị để, trước hết, thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá Việt Nam, và sau đó, đẩy mạnh công cuộc canh tân đất nước, thì vẫn còn rất cam go và thử thách. Một số trở ngại lớn lao về mặt dân trí cũng như một văn hoá bị uốn nắn, xây dựng và củng cố qua nhiều thế kỷ bởi ngoại xâm, phong kiến, thực dân, độc tài, và cộng sản, là như sau:

Thứ nhất, đại đa số giới ký giả (và các nhà giáo dục) tại Việt Nam hiện nay vẫn phải phục tùng chế độ nên không dám nói hay viết một cách tự do. Nói chung, họ mang một số đặc tính tương tự như ký giả Ba Lan nói trên khi làm việc cho chế độ cộng sản. Nhưng thói quen và cung cách làm việc như thế là những trở ngại tâm lý lớn, ngay cả khi Việt Nam chuyển sang một nền dân chủ. Không dễ gì thay đổi một cung cách hành xử, một quan niệm làm việc khi chưa xây dựng được một nền tảng chung để đối chiếu và thực hiện. Điều kiện cần thiết là phải có những khuôn mặt lớn thể hiện tính chuyên nghiệp cao để làm tấm gương và để đặt những viên đá nền tảng đầu tiên cho nghiệp vụ của mình. Muốn làm được như thế thì phải có những người mạnh mẽ về lý luận và đảm lược để đối phó với những thủ đoạn chính trị trước mặt. Từ kinh nghiệm tại Ba Lan, không thể chờ mong nhiều từ giới ký giả Việt Nam hiện nay trong việc thể hiện tính trung thực, khách quan và công bằng khi trình bày những tin tức và các vấn đề thời sự mà phải cần những con người mới hay thế hệ mới.

Thứ hai, truyền thông ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp lên chính trị, kinh tế và hầu như mọi mặt xã hội, cho nên rất nhiều thành phần muốn sở hữu truyền thông vì quyền và lợi, một cách tích cực lẫn tiêu cực. Truyền thông có thực quyền để thương lượng với chính quyền và các thành phần khác [4] và các chủ nhân truyền thông có ưu thế chính trị để sẵn sàng trao đổi quyền lợi với giới chính trị trong các chính sách có lợi cho hai bên [5] . Thí dụ như trường hợp nhà ‘đại truyền thông’ Rupert Murdoch nổi tiếng sử dụng quyền lực và ảnh hưởng của mình lên chủ nhiệm, chủ bút và nội dung các tờ báo ông sở hữu để qua đó ảnh hưởng lên suy nghĩ của giới cử tri và các việc làm của chính quyền. Thí dụ, ông từng chỉ thị các phóng viên của báo Chicago Sun-Times là không được chỉ trích Tổng thống Ronald Reagan thời thập niên 1980. Cho nên, một khi tự do thông tin ngôn luận được bảo đảm và tôn trọng trong hiến pháp hay pháp luật tại Việt Nam thời hậu cộng sản, điều đó cũng có nghĩa những ai có vốn, nếu muốn, đều có thể đầu tư vào truyền thông. Giả sử thành phần sở hữu các phương tiện truyền thông chiếm đa số là tài phiệt Việt Nam (gồm cả tư bản đỏ hiện nay) lẫn ngoại quốc để phục vụ cho mục tiêu kinh tế chính trị, thì với một nền dân trí thấp (hơn 70 phần trăm dân chúng vẫn còn sống ở vùng nông thôn thiếu thông tin, và hơn 50% dân số là giới trẻ dưới 30 tuổi, sinh sau 30/4/1975, chịu ảnh hưởng của một chính sách thông tin và giáo dục nhồi sọ), sự khuynh loát chính trị mà hậu quả là tranh tối tranh sáng, dẫn đến hỗn loạn, có khả năng xảy ra rất cao. Cho nên tiến trình dân chủ hoá Việt Nam sẽ gặp những khó khăn khó thể vượt qua nếu các lực lượng dân tộc dân chủ không đủ mạnh và thiếu đoàn kết.

Thứ ba, văn hoá chính trị tại Việt Nam vẫn còn mang nặng tính Khổng giáo, phân biệt phái tính, giai cấp, quan liêu, thiên vị, độc tài, đầy chủ quan và thiếu khoa học. Có thể nói chưa có giai đoạn chính trị nào tại Việt Nam đã đề ra chính sách dựa trên nền tảng khoa học (nghiên cứu về xã hội học, nhân chủng học v.v...). Ngay cả thời kỳ Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng hoà, chính sách phần lớn không dựa trên những nghiên cứu khách quan khoa học của các giới chuyên môn think-tank, một phần là do Việt Nam chưa có nền tảng xây dựng xã hội như thế. Hiện tại, một thành phần rất đông trong quần chúng Việt Nam dễ dàng tin vào những thông tin giựt gân, những tin tức đồn nhảm và vô cớ, những thứ bị chính trị hoá, cảm tính hoá dựa trên truyền thống truyền miệng (nghe và nói) hơn là văn bản, và một văn hoá đề cao đức (trị) hơn tài (trị), tình hơn lý v.v... Điều này vẫn còn thể hiện rất rõ trong giai đoạn hiện nay khi các trò ném đá dấu tay, chụp mũ, vu khống trong các hoạt động chính trị trong và ngoài nước. Một lý do khác đóng vai trò củng cố những tiêu cực này, đó là, những tin tức chính thức từ các cơ quan truyền thông của nhà nước Việt Nam thì cũng đầy thiên vị, bóp méo, và chủ quan; trong khi đó phần lớn truyền thông chính trị tại hải ngoại cũng chủ yếu dựa trên phương tiện Internet, một phương tiện mà ai cũng có thể truy cập được, và phần lớn lại dùng bút danh (thiếu chính danh), trong đó không loại trừ các cán bộ thông tin của cộng sản Việt Nam.

c. Một vài đề nghị cơ bản

Từ những lý do nói trên, giới chính trị Việt Nam lương thiện chưa chắc gì sẽ chiếm ưu thế đối với những thành phần bất lương trong thời đại tranh tối tranh sáng sắp tới. Chỉ cần một số nghiên cứu khoa học tối thiểu thì những ai quan tâm đều biết khai thác tâm lý quần chúng và ý thức chính trị thấp như đã nói trên, mà kết quả tốt hay xấu tùy thuộc vào mục đích của người thực hiện. Ngoài ra, các thế lực chính trị ngoại bang như Trung Quốc, Hoa Kỳ... và các tập đoàn thương mại đa quốc sẽ không bao giờ từ chối đứng ngoài sự ảnh hưởng lên chính trị Việt Nam trong những thập niên tới đây.

Do đó, muốn đẩy mạnh tiến trình dân chủ hoá và canh tân Việt Nam trong thời gian tới, các lực lượng dân tộc dân chủ phải dồn mọi nỗ lực cần thiết để sớm hình thành một chính sách (chiến lược và chiến thuật) về thông tin và giáo dục vì cả hai lãnh vực này, theo tôi, là quan trọng nhất để thay đổi Việt Nam. Thay đổi chính sách giáo dục tại Việt Nam hiện nay là điều gần như bất khả thi, trừ phi thể chế chính trị được thay đổi trước. Riêng về thông tin, cả ba yếu tố sau đây đều quan yếu: một, nhân sự chuyên môn về truyền thông để xây dựng nền tảng cho một nền truyền thông đúng nghĩa; hai, khả năng tài chánh để làm chủ một số phương tiện truyền thông chính; và ba, xây dựng sức mạnh chính trị đối với các đảng phái và tổ chức dân sự để gia tăng sức mạnh cho liên minh dân tộc hầu giữ vững tay lái lãnh đạo đất nước.

Nhu cầu trước mặt: Quan trọng nhất vẫn là làm sao đào tạo nhanh chóng một đội ngũ chuyên viên trong ngành truyền thông. Hiện nay, điều khả thi nhất là làm sao khuyến khích giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại đi vào lãnh vực này để mai sau giúp đất nước, nhất là các bạn có lý tưởng và quan tâm đến Việt Nam. Khi chính trị thay đổi, làm sao khuyến khích sinh viên Việt Nam đi du học về ngành nghề truyền thông tại Mỹ, Úc, Anh v.v.... Những ký giả có tay nghề cao và có lương tâm là những người không biết luồn cúi, không làm để phục vụ mục tiêu của chính quyền hay chính trị, mà chủ yếu là đưa sự thật đến người dân hầu họ có đầy đủ thông tin trung thực để tự quyết định một cách đúng đắn hầu có thể thực sự làm chủ lấy đất nước của mình. Làm được như thế, qua một thời gian thử thách và phức tạp, chắc chắn sức mạnh của lý trí và lý lẽ trước sau gì cũng thắng những cái nguỵ biện hay nguỵ tạo.

Nhu cầu lâu dài: Trước 30/4/1975, miền Nam đã có nhiều trường đại học, công cộng lẫn tư lập, và đã có những công trình nghiên cứu khoa học, nhưng vì thời gian chưa đầy 20 năm ngắn ngủi nên chưa có những công trình nghiên cứu to lớn về xã hội, văn hoá, chính trị, lịch sử, hay nói chung là nhân văn. Vậy nên từ thời dựng nước cho đến nay, chúng ta vẫn chưa bao giờ có các cơ quan nghiên cứu chính sách độc lập think-tank như ở Mỹ (hiện nay có hơn 1000 cơ quan như thế), chưa có những trường đại học chuyên dạy về khoa học chính trị, truyền thông chính trị, và trên thực tế, vẫn chưa xây dựng được một văn hoá tranh luận đúng nghĩa đối với mọi địa hạt, kể cả văn học, và cũng chưa bao giờ hình thành được một lãnh vực nghiêm chỉnh phê bình chính trị. Xin mở ngoặc ở đây rằng hầu như đa số người Việt vẫn xem phê bình tương đương với chỉ trích, trong khi đó, nếu nhìn ở góc cạnh khác, phê bình đúng nghĩa sẽ phân biệt được cái hay cái dở, cái tốt cái xấu, cái mới cái cũ, nói chung là cái chân thiện mỹ, và có lúc còn đi xa hơn, đưa ra cả những chủ thuyết và tư tưởng mới, để có những viễn kiến sâu rộng. Ở khía cạnh nhìn như thế, phê bình hoàn toàn mang tính cách tích cực, giúp cho người được phê bình cải đổi, hoàn chỉnh và thăng tiến. Nhưng đại đa số các ‘phê bình chính trị’ cho đến nay vẫn mang tính cực đoan, một chiều, đầy cảm tính, thiếu tính cách nghiên cứu nghiêm túc và khoa học (đầy đủ dữ kiện để hỗ trợ cho lý luận đưa ra). Ít ra, trong lãnh vực văn học, chúng ta có một người, đó là nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. Nhưng trong lãnh vực chính trị (và nhiều lãnh vực khác) thì lại hoàn toàn sơ sài, thiếu vắng. Tuy nhiên, niềm hy vọng là vẫn còn thế hệ trẻ lớn lên tại hải ngoại, may mắn được đào tạo trong một nền văn hoá dựa trên chủ nghĩa duy lý (Rationalism), cho nên nếu được hướng dẫn hay khuyến khích, thì biết đâu, tình thương yêu đối với Việt Nam sẽ là động cơ để họ tham gia tích cực trong việc phát triển các lãnh vực này tại Việt Nam trong thời gian tới.


Vài kết luận

Tóm lại, chúng ta cần hiểu thật rõ rằng truyền thông có thể là công cụ để bảo vệ chế độ (độc tài lẫn dân chủ), và ngược lại, nó cũng là phương tiện để thay đổi chế độ đó.

Hầu hết chúng ta, không loại trừ ai, đều ít hay nhiều chịu ảnh hưởng của truyền thông. Đối với mỗi một cá nhân, ta chọn một hay nhiều phương tiện truyền thông ‘thích hợp’ với mình để theo dõi, thu nhận thông tin và từ đó nghe theo hay tự đi đến kết luận cho chính mình về các vấn đề khác nhau. Khi có những thông tin sai lệch, hay vì thiếu dữ kiện, hay vì có thói quen dựa vào quan điểm của người khác thì cái nhìn của ta về các vấn đề đó cũng sẽ bị thiên lệch, sai sót. Ngoài ra, một khi truyền thông, hay nói đúng hơn, một khi các chủ nhân sở hữu các phương tiện truyền thông, đồng loã với chính quyền hay một số thành phần chính trị nào đó, vì quyền lợi hay vì ý thức hệ, thì sự thông tin sai lệch từ các cơ quan truyền thông này cũng sẽ dẫn chúng ta đi lầm đường lạc lối.

Truyền thông đại chúng đóng vai trò quan trọng và chủ yếu trong việc rút ngắn thời gian cần thiết để giáo dục đại chúng một cách nhanh chóng, thay đổi nhận thức và ý thức mới. Trong khi đó giáo dục phải cần một hay nhiều thế hệ mới đào tạo được những con người mới. Nhìn lại, tôi thấy rõ rằng Việt Nam luôn cần những con người có đầu óc phóng khoáng, cởi mở, khách quan, khoa học để biết tiếp thu và chọn lọc những tinh hoa nhân loại hầu xây dựng một nước Việt Nam mới. Những người làm trong lãnh vực truyền thông lại phải cần những yếu tố này hơn ai hết.

Trong truyền thông, tiêu chuẩn tối ưu là chính xác, trung thực, khách quan và nhanh chóng, và để làm được việc đó thì chúng ta cần những người có tài lẫn tâm (lương thiện trong nghiệp vụ). Nói cách khác, một nền truyền thông chính trị cho Việt Nam tương lai để góp phần xây dựng dân chủ và canh tân đất nước phải là một nền truyền thông độc lập (không lệ thuộc chính quyền), xem thông tin là quan trọng hàng đầu trong việc giáo dục dân chúng, và dám đứng trên mọi tranh chấp chính trị để phê bình và hướng dẫn người dân có những hiểu biết cần thiết, để biết sự thật và để tự quyết. Nói tóm lại, không thể có một nền chính trị dân chủ đích thực nếu không có một nền truyền thông tự do và giá trị đích thực.

Melbourne 10/01/2007

© 2007 talawas



[1]Phần lớn nhận định trong phần 1 dựa vào các bài nghiên cứu của các học giả:
Blumler, Jay G., and Kavanagh, Dennis, 'The Third Age of Political communication: Influences and Features', Political Communication, Vol. 16, 1999. Trang 209-230.
[2]Schultz, Julianne, Reviving the Fourth Estate. Democracy, Accountability and them media, Cambridge University Press, Cambridge, 1998. Trang 81.
[3]Karol Jakubowicz, 'From party propaganda to corporate speech? Polish journalism in search of a new identity'. Journal of Communication, Vol. 42, N3 (Summer 1992). Trang 64-73.
[4]Street, John, Mass Media, Politics and Democracy, Palgrave, 2001. Trang 236.
[5]Ward, Ian, Politics of the Media, Macmillan, South Yarra, 1995. Trang 82.