trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
7.11.2005
Bùi Văn Phú
Khai sinh và khai tử của một tờ báo Việt chủ Mỹ
 
Những chủ nhân kinh doanh thường biết câu nói: “Tưng bừng khai trương, âm thầm đóng cửa” để chỉ sự thất bại của một cơ sở thương mại.

Sinh hoạt với làng báo hải ngoại trong nhiều năm, người viết bài này đã thấy nhiều tờ báo rơi vào cùng hoàn cảnh như thế. Ở San Jose đã có tờ Dân Tộc, Trống Ðồng, Thời Sự, Sóng Việt hay San Jose Cuối Tuần được sinh ra rồi âm thầm từ giã bạn đọc khi còn non dại.

Mới đây một tờ báo khá đặc biệt, được khai trương tưng bừng nhưng cũng khai tử rất ồn ào. Tuần báo Việt Mercury, sinh ngày 29.1.1999 và sẽ chính thức được khai tử với số cuối phát hành ngày 11.11.2005. Nói là khai tử thì không hẳn đúng, nhưng tờ Việt Mercury sau đó được sang nhượng lại cho một tổ hợp đầu tư của người Việt. Số là Việt Mercury không có cha mẹ sinh thành như các báo Việt ngữ khác mà nó được nhật báo mẹ San Jose Mercury News khai sinh, nằm trong tập đoàn truyền thông lớn của Hoa Kỳ là Knight Ridder.

Vì thu nhập của Việt Mercury không đáp ứng được nhu cầu chi phí trong mấy năm qua, nên ban quản lý Mercury News đã quyết định bán tờ Việt Mercury. Cùng lúc, tuần báo tiếng Tây Ban Nha Nuevo Mundo cũng do Mercury News khai sinh sẽ đình bản. Hai sự việc trên là những biện pháp, kể cả việc sa thải nhân viên, để cắt giảm mức chi của San Jose Mercury News dù sau nhiều cải tiến, khuyến mãi nhưng cũng không thu hút thêm được thương vụ quảng cáo.

Mercury News ra đời cách đây hơn một thế kỷ và là tờ báo lớn nhất của vùng Thung lũng Ðiện tử San Jose.

Từ cuối thập niên 1970 khi người Việt đổ về đây sinh sống ngày một đông, tờ báo đã là nguồn cung cấp thông tin cho độc giả người Mỹ hiểu hơn về một cộng đồng người châu Á mới, với quá khứ cùng hệ lụy đã trực tiếp gắn liền với cuộc chiến tranh Việt Nam mà Hoa Kỳ từng can dự, với 60 nghìn lính Mỹ hy sinh để rồi phải rút lui trong thất bại.

Ban biên tập Mercury News đã có nhiều loạt bài về tiến trình hội nhập, về những khó khăn của người Việt, về quá khứ họ đã trải qua, từ kinh nghiệm vượt biển đến những năm lao tù trong các trại học tập cải tạo. Những loạt bài đó giúp cho độc giả tiếng Anh hiểu thêm về người tị nạn Việt Nam và độc giả người Việt biết rằng trải nghiệm của họ cũng được nhắc đến vì hầu hết những bài viết trên Mercury News đã được dịch và đăng tải trên các báo Việt ngữ phát hành khắp nơi trên nước Mỹ.

Về một mặt khác, với thời gian và những thay đổi trong chính trường nước Mỹ trong thập niên 1990, nhật báo Mercury News đưa ra quan điểm thúc đẩy quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, nhất là về mặt kinh tế với sự tin tưởng rằng Thung lũng Ðiện tử, nơi tập trung công nghệ cao, có thể giúp Việt Nam hội nhập nhanh vào nền kinh tế toàn cầu. Ðể có những thông tin trực tiếp và cập nhật giúp cho giới đầu tư trong vùng, ngay từ giữa thập niên 1990, khi tiến trình đổi mới tại Việt Nam có cường độ mạnh nhất, Mercury News đã mở văn phòng tại Hà Nội. Trong báo giới Hoa Kỳ, chỉ hai tờ có văn phòng tại Việt Nam là Mercury NewsLos Angeles Times.

Cùng lúc, thành phần dân số vùng Thung lũng Ðiện tử - và cả bang California - thay đổi. Theo những con số thống kê năm 2000, San Jose có 900 nghìn dân và người da trắng đã trở thành thiểu số với 48%. Dân da màu đông nhất là người Mễ Tây Cơ chiếm 25% và người Việt chiếm 9%, cao nhất trong số những sắc dân châu Á. Với những thay đổi dân số như thế, ban điều hành Mercury News, dưới sự lãnh đạo của nhà báo da đen kỳ cựu là Jay T. Harris đã phát triển hệ thống báo chí vào các cộng đồng này bằng sự ra đời của tuần báo Nuevo Mundo vào năm 1996 và sau đó là tờ Việt Mercury vào đầu năm 1999. Mercury NewsViệt Mercury muốn làm cầu nối giữa công dân Mỹ và Việt Nam, giữa người Mỹ và Mỹ gốc Việt và giữa người Việt trong ngoài nước.

Nhưng sự chào đời của Việt Mercury không được đồng nghiệp mừng đón, trái lại còn bị chê trách là tờ báo có dụng ý “lấy thịt đè người” bằng giá tiếp thị thật rẻ trong thời gian đầu. Nhiều người quan ngại đến số phận của những tờ báo do người Việt điều hành sẽ phải khai tử. Chủ tịch Jay T. Harris còn làm cộng đồng nổi giận qua một lá thư với lời lẽ cảnh cáo những ai ăn cắp báo Việt Mercury thì cảnh sát sẽ truy tố. Ðộc giả thắc mắc, một tờ báo phát không, được đặt trong 500 thùng báo khắp vùng thì không hiểu có ai muốn lấy cắp nó để làm gì.

Số ra mắt của Việt Mercury dày 88 trang, khổ báo thường gấp làm đôi, in 17 nghìn số. Với quảng cáo giảm một năm, nên chỉ mấy tháng sau số trang đã tăng lên gấp đôi.

Việt Mercury có ban biên tập hùng hậu gồm chủ nhiệm là Trần Ðệ, ký giả lâu năm của Mercury News; tổng thư ký là nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng; hai phóng viên thường trực là Lâm Văn Sang và Vương Trường Nga My (rồi Nguyễn Hoàng Nam và từ năm 2000 thì Ðức Hà thay); nhiếp ảnh viên Lý Hoàng Thu; mấy chuyên viên kỹ thuật trình bày, bốn người dịch tin và một ban thương vụ quảng cáo cả chục người, tất cả được trả lương theo tiêu chuẩn nghiệp vụ ở Hoa Kỳ. Tờ báo còn có những người giữ các mục thường xuyên như nhà bình luận kinh tế Ðỗ Quý Toàn là chủ bút nhật báo Người Việt, bác sĩ Vũ Quí Ðài về y tế, ký giả Vũ Ánh lo phần tin cộng đồng Nam California; giữ mục văn nghệ, điểm phim là Lưu Nam Anh và Cao Thanh Tùng. Những người đóng góp bài vở cho Việt Mercury đều có ký hợp đồng và được trả tiền nhuận bút từ 80 đến 100 đô la cho một bài viết, cao hơn cả tiền nhuận bút viết cho báo mẹ Mercury News.

Việt Mercury sau tăng số phát hành lên 35 nghìn mỗi tuần và từ tháng 3 năm 2003 thì đổi sang khổ nhật báo, mỗi số chừng 40 trang, in đẹp, nội dung phong phú. Ngoài trang chính là phần tin tức, bình luận còn có trang địa phương, trang đời sống và trang văn nghệ, giải trí. Tờ báo đưa tin sinh hoạt của nhiều hội đoàn, tổ chức chống Hà Nội trong cộng đồng người Việt và cũng có thông tin của những tổ chức từ thiện, thương mại, văn hóa, kỹ thuật, giáo dục có cảm tình với nhà nước và muốn giúp Việt Nam. Nhiều quan điểm chính trị của cộng đồng đã được phản ảnh trên Việt Mercury.

Nhưng đối với nhiều người đọc báo tiếng Việt, đa số đã lớn tuổi, có kinh nghiệm sống dưới chế độ cộng sản và quen với những loại thông tin sôi sục đấu tranh, tuyên cáo thì tờ báo không đáp ứng được thị hiếu của họ.

Việt Mercury là tờ báo duy nhất phát hành đặc san kỷ niệm 30 năm ngày 30-4. Nội dung gồm nhiều bài hướng đến tương lai hơn là nhìn lại quá khứ chiến tranh.
Ông Nguyễn Xuân Nam, chủ tịch tổ hợp báo chí Calitoday, với hai tờ báo in và một tờ báo trên mạng, phát biểu về sự thất bại của Việt Mercury như sau: “Việc San Jose Mercury News bán tờ Việt Mercury cho một tập đoàn khác cho thấy sự không thành công của một tập đoàn truyền thông Hoa Kỳ kinh doanh trong lãnh vực truyền thông thiểu số.” Ông Nam có ý kiến rằng: “Báo chí Việt ngữ có đặc trưng của nó mà không hẳn cứ có vốn nhiều, có kinh nghiệm làm báo Mỹ thì sẽ thành công trong việc làm báo Việt ngữ.” Ông nhận xét, tờ báo muốn sống được thì phải “có sự ủng hộ của cộng đồng, phục vụ quyền lợi cộng đồng và người thiểu số muốn sự phát triển truyền thông thiểu số phải do họ làm chủ.”

Ông Vũ Bình Nghi, chủ nhiệm tờ Thời Báo, cũng cùng quan điểm: “Việt Mercury thường hay chọc giận cộng đồng, lại có phóng viên thường trực nguyên là phóng viên báo trong nước nên bị ghét.” Thời Báo là một trong gần chục tờ báo ngày và tuần báo tiếng Việt ở San Jose, phát hành một tuần 5 số, trong tuần dày hơn 20 trang, cuối tuần dày gần 50 trang.

Nêu câu hỏi với chủ nhiệm Trần Ðệ của Việt Mercury về bài học giá trị nào rút ra được qua kinh nghiệm làm báo tiếng Việt, ông cho biết: “Có một nơi cho những thông tin khách quan, không thiên vị trong cộng đồng của chúng ta. Cộng đồng xứng đáng có tờ báo như thế. Ðể tham dự vào những thảo luận nghiêm túc về tự do và dân chủ, cộng đồng cần sẵn sàng và hỗ trợ cho những cơ sở truyền thông khách quan và không thiên vị.”

Thực ra yếu tố kinh tế đã làm cho tờ Việt Mercury thất bại. Tình trạng thu nhập giảm đi của các báo in trước đà phát triển của mạng thông tin điện tử là tình trạng chung của báo Mỹ. Trong khi đó giá biểu quảng cáo của Việt Mercury theo tiêu chuẩn cao, gấp năm bảy lần hơn so với giá của các báo Việt ngữ khác trong vùng, nên những thương vụ quảng cáo của người Việt không đủ mức thu để trang trải số chi. Ðó cũng là lý do các báo Việt ngữ khác vẫn sống vì những người Việt chưa muốn trả giá cao cho những dịch vụ quảng cáo.

Vấn đề liên quan đến chính trị cộng đồng chỉ là phần phụ. Vì tờ báo mẹ Mercury News có văn phòng tại Việt Nam nên tin tức bất lợi cho Hà Nội khiến ban biên tập Việt Mercury phải cân nhắc. Khi loan tin bán tờ Việt Mercury, ký giả John Boudreau của Mercury News có nhắc đến ảnh hưởng của tờ báo vì được quan chức trong nước chú ý theo dõi. Trong thực tế, quan chức của Ban Tư tưởng-Văn hoá và Ban Việt kiều luôn chú ý đến sinh hoạt báo chí Việt ngữ ở hải ngoại, nhất là ở California. Nhưng đối với Việt Mercury nhà nước có thể làm áp lực vì báo mẹ Mercury News có văn phòng đại diện ở Hà Nội. Trưởng văn phòng của Mercury News đã nhiều lần gặp khó khăn khi thi hành công tác báo chí khi Việt Mercury có những thông tin mà nhà nước không thích. Kể từ tháng 6 năm 2005 Mercury News đóng cửa văn phòng ở Việt Nam. Việt Mercury đã chứng tỏ là một cơ quan truyền thông trung thực.

Khi tin tức về việc sang nhượng tờ Việt Mercury đang thua lỗ cho một nhóm người Việt - đại diện là ông Jimmy Chinh Nguyễn - được loan truyền, với giá có thể là bạc triệu, cộng đồng người Việt vùng Vịnh San Francisco rất xôn xao, nhất là trước những nỗ lực ngoại vận của nhà nước trong vài năm qua với nghị quyết 36.

Ông Jimmy Chinh Nguyễn thì không xa lạ gì với những phát triển giao thương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Khi còn làm trong ủy ban mậu dịch quốc tế của thành phố San Francisco ông đã điều phối chuyến tham quan San Francisco của phái đoàn phó thủ tướng Trần Ðức Lương, vào tháng 5 năm 1994. Tháng 9 năm đó, ủy ban cùng với Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức Viet Expo đầu tiên trên đất Mỹ cũng tại San Francisco. Ông chủ tịch Ðoàn Duy Thành và hơn 100 thương nghiệp Việt Nam đã tham dự Expo. Có một thời gian ông làm giám đốc thương vụ quảng cáo cho Việt Mercury. Những năm gần đây ông thường có mặt trong các buổi gặp gỡ quan chức trong nước ra hải ngoại tiếp xúc với doanh nhân vùng Vịnh.

Hỏi ông Vũ Bình Nghi của tờ Thời Báo về khả năng mua lại Việt Mercury của nhà nước Việt Nam, ông nói: “Làm báo để tuyên truyền thì chỉ dẹp tiệm sớm vì độc giả sẽ nhận ra ngay.”

Hơn hai thập niên trước đã có những tờ báo Thái BìnhCái Ðình Làng tràn ngập bài vở tuyên truyền cho Hà Nội và không sống được. Người chủ trương tờ Cái Ðình Làng còn bị ám sát chết tại San Francisco vào năm 1981. Ðầu thập niên 1990, hai tờ Tuổi TrẻThanh Niên xuất bản trong nước cũng đã được phân phối đến vùng Vịnh qua một đại diện cơ quan người Việt, nhưng không có độc giả hưởng ứng.

Nếu sau ngày 11.11.2005, dưới sự điều hành bởi những người Việt, tờ báo phát huy được hơn nữa tính khách quan, trung thực của nghiệp vụ báo chí, phản ánh được cộng đồng thì đó sẽ là những đóng góp tích cực, tiến bộ trong sinh hoạt truyền thông của người Việt hải ngoại.

Còn không, hợp đồng sang nhượng tờ Việt Mercury, nói một cách tiên tri, thì lại như bản Hiệp định Ba Lê 1973.

© 2005 talawas