trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
23.9.2005
Bùi Vĩnh Phúc
Tô Thùy Yên: thơ, như một vinh dự lầm than của kiếp người
4 ki
 1   2   3   4 
 

Biểu dương - hãy biểu dương cùng tận
Vinh dự lầm than của kiếp người
Hy hữu một lần trên trái đất
Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai.

(Tô Thùy Yên)


Tô Thùy Yên là một giọng thơ đặc thù, có một, và vô cùng u hiển của nền thi ca Việt Nam trong dòng văn học miền Nam kể từ Sáng Tạo.

Từ cuối thập niên năm mươi cho đến thời điểm bị cắt đứt 1975, dòng thi ca miền Nam Việt Nam không phải là không thấy nổi bật lên những khuôn mặt khôi ngô của thơ, những tiếng nói mới lạ của tình cảm, của cảm xúc, của trí tuệ; không phải là nó không thấy rạo rực lên trong chính thân xác và tâm hồn mình cái thiết tha và sự sống của thời đại. Mà không phải chỉ ở Việt Nam, nơi các luồng ý thức hệ trái chiều đã dùng làm địa bàn để thử nghiệm những con toán suy tư của mình, nơi những con sóng của các triều nước lý trí, dâng lên từ phương Tây và từ châu Mỹ, thỉnh thoảng hắt lên trên mặt đất này những lượng nước cuối mùa từ cái dòng trào của nó, con người nói chung, ở Việt Nam cũng như ở khắp nơi trên thế giới, nơi ánh sáng của văn minh nhân loại vẫn còn có cơ hội soi rọi đến, trong những thập niên 50, 60 và 70, đều đã tìm thấy cho mình một hơi thở mới, một tiếng nói mới, một cái nhìn mới về đời sống. Hơi thở ấy đẩy người ta đi vào cuộc sống mỗi ngày với một thái độ dấn thân và tha thiết hơn. Cái nhìn ấy đem vào nhãn giới con người những gì đã trượt ra khỏi tầm nhìn của nó ở những thế hệ trước, vì lý do này hay lý do khác. Và tiếng nói mới mà con người tìm được trong thời đại này đã giúp cho nó tìm xuống những chiều sâu mới của chính tâm hồn mình, dẫn nó đi qua những bậc đá trắng và lạnh của ngôi đền thâm u, kỳ bí, có khi in đậm hình bóng rêu rong của kinh hoàng, khủng khiếp, nhưng cũng có khi ứ đầy và chói sáng ánh mặt trời khiết bạch. Ngôi đền này chính là trái tim con người. Trái tim ấy bóp và đập, bóp và đập, nhưng trong từng giây phút, qua chính những nhịp bóp và đập ấy, nó để nở vào đời sống muôn vàn đoá hoa bí nhiệm làm nên cuộc đời của mỗi con người. Và làm nên cuộc sống của nhân loại.

Nhà thơ là người nhìn vào được trái tim của những đoá hoa bí nhiệm ấy.

Thơ, chẳng phải chỉ là những cửa ngõ để nhìn vào trái tim, mà thường khi, nó chính là trái tim. Nó là ngôi đền thâm u kia. Và nó cũng chính là những đoá hoa bí nhiệm của đời sống.

Tô Thùy Yên là một nhà thơ Việt Nam lớn lên trong cái bối cảnh tinh thần ấy của con người thế kỷ. Ông đã nhận chịu và đã kế thừa cái gia sản chung của nhân loại trong suy nghĩ và trong tiếng nói của mình. Nhưng trong tiến trình sống và phát triển, trong khi học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm chung của nhân loại, ông còn có được những kinh nghiệm riêng của chính mình. Những kinh nghiệm riêng này của Tô Thùy Yên là những kinh nghiệm của một con người nói riêng, mang cá tính độc nhất như bất cứ một con người nào trên thế gian; đồng thời, chúng còn là những kinh nghiệm của một nhà thơ, và của một nhà thơ Việt Nam, trong bối cảnh lịch sử Việt Nam lồng vào khung cảnh lịch sử của thế giới trong một giai đoạn nhất định của lịch sử con người. Bởi thế, những kinh nghiệm ấy trở nên hết sức đặc thù đến nỗi chúng gần như được chọn lựa để trao ban.

Sự trao ban ấy thật là kinh khủng. Bởi lẽ, kẻ nhận chịu sự trao ban ấy sẽ phải sống những kinh nghiệm của hắn. Sống không, chưa đủ. Phải viết lên, phải nói ra, phải tàn rụng đi vì những đau khổ và phải tái sinh để tiếp tục sống những đau khổ ấy. Và chứng minh rằng đau khổ xác định và bừng hoá những giá trị con người.

Tô Thùy Yên là kẻ được chọn. Cũng là kẻ được trao ban. Và như một con người Việt Nam, ông đã sống vượt lên và vượt qua, trong một nghĩa nào đó, những kinh nghiệm, những cảm xúc và những suy tư của con người thời đại nói chung. Những giọt nước của trí tuệ và cảm xúc, hắt lên phần đất Việt Nam, nơi những con sóng dâng lên từ Tây Phương và Âu Mỹ kia, ông có tiếp nhận. Ông trải nghiệm được cái sức sống và hơi mát trong sự tiếp nhận ấy. Nhưng cuộc đời của một con người Việt Nam, đặc biệt của một nhà thơ Việt Nam, như Tô Thùy Yên, đã đẩy ông chạm mặt với sự đau khổ và cô đơn ngay trong tình yêu, chạm mặt với chiến tranh, với cái chết, với cái bao la rờn rợn mang mang của vũ trụ đang đè lên kiếp sống mỏng manh, heo hắt, chỉ chợt loé tàn của kiếp người. Cái siêu hình ấy chụp bắt lấy nhà thơ và đẩy hắn trở về đối mặt với chính nó trong cõi con người. Ở đó, hắn lớn lên. Hắn trở thành lớn lao. Nhưng khốn khổ. Ta lớn lao và ta cô đơn.


Phong cách của Tô Thùy Yên qua ngôn ngữ và hình ảnh

Để hiểu được thế giới thơ của Tô Thùy Yên, có lẽ trước hết ta phải nói về cái tính chất độc đáo và kỳ lạ, ẩn chứa sôi sục như chỉ muốn lớn lên, tràn ra, trào ra, thoát ra, nơi những hình ảnh và cảm xúc của Tô Thùy Yên. Đây là một thứ ngôn ngữ đầy chất u hiển. Nó sáng, nó cháy, nó lập lòe như lân tinh trong những đêm tối quỷ ma nào đó của trần gian, hay trong những mộ địa âm u nào đó nơi những vùng nước sâu, ngầm ngầm, thuỷ tận. Nó hô hấp và nó triển sinh trong cô đơn và đau khổ. Nó lập loè và thấp thoáng trong cõi siêu hình. Nó nghi ngút như những đợt khói mỏng manh bay dài suốt cõi thời gian trắng vô âm. Và nó hiển lộng giữa chúng ta, rạo rực, như một mùa hè. Mùa hè cọ xát điên kim loại.

Tại sao lại có một thứ ngôn ngữ kỳ lạ đến như thế?

Để trả lời cho câu hỏi này, ta phải nói qua một chút về đặc tính của ngôn ngữ con người. Ngôn ngữ của con người, trên căn bản, là một hệ thống ký hiệu được dùng với mục đích chính là để trao truyền và gởi đến nhau những lượng thông tin nào đó, giúp cho con người giao tiếp, tồn tại và phát triển. Theo Roman Jakobson, hai thao tác chính trong sự nói năng của con người là chọn lựa và kết hợp. Thao tác chọn lựa căn cứ trên một khả năng của ngôn ngữ: các đơn vị ngôn ngữ có thể được dùng thay thế cho nhau nhờ vào tính chất giống nhau hay tương đương, tương đồng của chúng. Còn thao tác kết hợp thì lại dựa trên một khả năng khác của ngôn ngữ con người: các yếu tố ngôn ngữ có thể đặt bên cạnh nhau nhờ vào mối quan hệt gần gũi hoặc giáp cận giữa chúng. Tùy vào những ngữ cảnh khác nhau, sự kết hợp sẽ trở nên biến hoá không ngừng để cho câu nói hay lời phát biểu được trở nên thích hợp với hoàn cảnh của lời nói và của những con người tham dự vào hoạt động nói năng.

Để làm rõ tính chất của thao tác chọn lựa, ta có thể lấy ví dụ sau đây để phân tích. Trong câu nói bình thường “Tôi đi đây” thì từ đi có một loạt các yếu tố tương đương của nó như lên đường, vù, dọt, chuồn, chẩu, tếch, de, tẩu, thăng... Mỗi từ tương đương này mang trong nó một giá trị biểu cảm khác biệt. Mặc dù chúng chia sẻ với nhau một điểm chung là ý ra đi, những yếu tố này khác nhau ở những khiá cạnh như: trang trọng/không trang trọng, thân mật/không thân mật, nghịch ngợm/không nghịch ngợm, tiếng lóng/không phải tiếng lóng... Ta có thể thay thế được yếu tố này với yếu tố kia, nhưng, như một con người lớn lên trong một khung cảnh văn hóa nhất định, chúng ta sử dụng thao tác chọn lựa này một cách rất nhuần nhuyễn và gần như nó chỉ xuất hiện ở tầng tiềm thức hay hạ ý thức của ta. Khi nói năng bằng ngôn ngữ Việt Nam, chúng ta không phải chăm chăm lo lắng trong cách chọn lựa, sử dụng những từ, những yếu tố giống nhau trong những sinh hoạt bình thường. Ta lái chiếc xe ngôn ngữ một cách thoải mái mà không cần phải chăm chăm nắm lấy “ghi đông” (tay lái), không cần phải lúc nào cũng sẵn sàng bóp thắng, hoặc phải để ý đến bàn đạp, đến sự thăng bằng của chiếc xe.

Trước khi ta chọn lựa để nói đi (hay nói vù, chuồn, thăng, dọt...), trong đầu ta nằm tản mạn và im lìm những con chữ, những con ý niệm tương cận, như ta vừa thử liệt kê ở trên. Nhưng khi ngôn ngữ đến lúc cần phải được nói ra, một từ thức dậy sẽ lôi cuốn theo nó một loạt những từ khác. Những con chữ, những con ý niệm bây giờ lăng xăng chạy nhảy, đòi được cất lên tiếng nói. Cái đầu, trung tâm ban phát lệnh lên đường của tư tưởng và chữ nghĩa, lúc ấy, sẽ làm nhiệm vụ chọn lựa. Rất nhanh và tích tắc. Như là sự chọn lựa không hề từng xảy ra.

Nhưng ngoài công việc chọn lựa trên, ta còn phải thực hiện công việc kết hợp. Chính những hòan cảnh nói năng (ngữ cảnh) sẽ bắt ta làm công việc này. Thưa chuyện với các bậc trưởng thượng, phụ mẫu để xin phép ra đi, ta sẽ nói đại khái, “Thưa bác (thưa bố, thưa mẹ), mai con xin phép lên đường”. Chắc không ai lại nói, “Thưa bác, mai con xin phép thăng (chẩu, chuồn, dọt, tếch, tẩu, de, vù...)”. Cũng không ai nghiêm trang nói, “Thưa bác mai con xin phép lên đường (và xin được chú thích cẩn thận với bác là “lên đường” ở đây có nghĩa trang trọng, kính cẩn, không thân mật lắm mà cũng không thời đại, không nghịch ngợm, không slang không hip... Xin bác lưu ý là cách dùng chữ “lên đường” của cháu ở đây là cẩn thận và đúng trong vị trí của cháu để thưa chuyện với bác, vân vân và vân vân...)”. Tất cả mọi người tham dự vào những hoạt động nói năng, tùy theo ngữ cảnh (context), sẽ hiểu được ý tứ của nhau. Không ai lại phải làm cái công việc phân giải và chú thích lằng nhằng như thế.

Hai người bạn già đầy chất nho phong chúc nhau lên đường bình an có thể nói, “Chúc bác thượng lộ bình an”. Dù thượng lộ có những yếu tố tương đương, ở những mức độ khác nhau của chúng, với vù, chẩu, de, thăng, tẩu, chuồn, dọt, tếch..., một nhà nho nghiêm cẩn, tiễn bạn, chẳng thể nào lại có thể nói, “Chúc bác de (hay vù, chẩu, thăng, chuồn, dọt, tếch...) bình an”. Chính sự kết hợp của các từ ngữ trong một câu văn làm cho ta hiểu được ngữ cảnh, cái không khí bao trùm nó. Và ngược lại, cái ngữ cảnh, cái không khí bao trùm hành động nói năng lại qui định sự chọn lựa và kết hợp các từ đứng bên nhau. Trong thí dụ ở đoạn trên, các từ thưa, bác, và con qui định sự chọn lựa và kết hợp của từ lên đường (một từ thích hợp trong ngữ cảnh) trong chuỗi ngữ lưu của câu nói này. Một người thạo ăn nói hay một độc giả thạo đọc văn có thể tiến lui thoải mái với kinh nghiệm giao tiếp và đọc sách của mình. Ngôn ngữ là một hệ thống dùng âm thanh như những ký hiệu để giao tiếp. Muốn cho hệ thống này hoạt động hữu hiệu, những âm thanh phải có ý nghĩa. Nhưng âm thanh, tự chúng, khốn nỗi, lại chẳng có ý nghĩa gì. Tình trạng này đã được con người khắc phục một cách hết sức độc đáo bằng cách sử dụng hai thao tác chọn lựa và kết hợp mà ta đã thử xét ở trên, sau khi đã, một cách chấp định, gán ghép ý nghĩa cho những từ trong các hệ thống ngôn ngữ mà nó có. Con người, như Jakobson nhìn ra, trong cái chiến thắng vẻ vang và kỳ diệu của nó, đã dùng âm thanh để cấp phát ý nghĩa ngay cho chính âm thanh. Đây là một sự khắc phục hết sức kỳ diệu của con người. [1]

Từ chiến thắng này của con người nói chung, ta trở lại với Tô Thùy Yên. Để thấy rằng người thi sĩ này đã tìm đến sự vinh thắng qua những tác phẩm của mình, hình như, bằng một con đường ngược lại.


*


Nói rằng Tô Thùy Yên đã làm cho thơ của ông trở nên độc đáo bằng cách sử dụng một con đường ngược lại với con đường đưa đến sự chiến thắng của nhân loại nói chung trong việc sử dụng ngôn ngữ để bày tỏ những tình ý của mình, thoạt tiên, nghe ra có vẻ hồ đồ và nghịch lý. Là một nhà thơ lớn, ông hẳn phải hiểu rõ giá trị của ngôn ngữ và cách sử dụng nó. Dĩ nhiên, ông hiểu là ông sẽ phải kế thừa cái di sản về khả năng sử dụng ngôn ngữ của con người nói chung, cái di sản phần lớn đã giúp cho con người, sau khi đứng thẳng dậy như một homo erectus, trở nên một homo sapiens, từ đó, giúp nó chinh phục trái đất. Cái di sản này được để lại trong chữ nghĩa và trong cái cách để sử dụng nó.

Tô Thùy Yên đã trân trọng và hãnh diện nhận lãnh cái di sản đó nơi nhân loại, nói chung, và nơi tổ tiên của chúng ta, nói riêng. Ông nhận, ông kế thừa, và ông đi thêm một bước mới. Những thi sĩ có tài của thế giới cũng đã đi theo con đường đó. Họ nhận lãnh và họ đóng góp. Vậy, cái đóng góp của Tô Thùy Yên, cái đóng góp mà tôi cho rằng đã đi ngược lại với con đường dẫn đến chiến thắng của con người trong việc khắc phục và làm chủ ngôn ngữ đó là gì?

Câu trả lời của tôi là: một trong những đặc sắc của ngôn ngữ thơ Tô Thùy Yên, và là điểm nổi bật nhất, tạo nên phong cách một nhà thơ lớn nơi ông, chính là cách ông sử dụng hai thao tác chọn lựa và kết hợp của chữ nghĩa. Sự chọn lựa và kết hợp này của Tô Thùy Yên không những làm cho chữ nghĩa, lời thơ của thi sĩ trở nên đặc biệt, kỳ lạ và kỳ diệu, tách thoát khỏi ngôn ngữ thơ - tức là một thứ ngôn ngữ đã được nghiền ngẫm, nung cất, ngâm tẩm, hong phơi - của những nhà thơ trước và sau ông, mà còn làm cho nó trở nên lấp lánh đầy hình ảnh. Những hình ảnh kỳ lạ, bất ngờ và đầy tính sáng tạo.

Nói như thế không có nghĩa là bảo thơ Tô Thùy Yên không có “tư tưởng” mà chỉ có sự sắp xếp, sự kết hợp khác lạ của một số từ ngữ. Thật ra thơ Tô Thùy Yên cũng đầy chất tư tưởng. Ta sẽ xét đến những điều ấy ở những đoạn sau của bài tiểu luận này. Nhưng, điều mà tôi muốn nói, trước hết, ở đây, vì tính chất bao trùm và vì ảnh hưởng mãnh liệt của nó lên toàn bộ sự nghiệp thi ca của Tô Thùy Yên, khiến nó là cái chỉ có một, và khiến nó mở ra một cửa ngõ mới cho thi ca nói chung, là phong cách chọn lựa từ, ngữ nơi ông, và từ sự chọn lựa đó, Tô Thùy Yên kết hợp chúng lại với nhau theo một phong cách của riêng ông. Và trong sự nhận xét của tôi, cả hai sự chọn lựa và kết hợp này của Tô Thùy Yên đều rất khác với những nhà thơ Việt Nam trước và sau ông. [2] Từ phong cách đó, thơ Tô Thùy Yên chứa đầy những hình ảnh và ngôn ngữ mới lạ, cấp cho chúng ta một cái nhìn mới mẻ, bất ngờ và hết sức phong phú về đời sống, về ngoại giới, về vũ trụ, về nhân sinh, và về nội giới của chính con người nhà thơ.


*

Khuôn mặt em thì để khóc. Khóc đi em.
(“Phương’’)

Khi khuôn mặt không là để được nhìn ngắm, chiêm ngưỡng, khi nó được sử dụng như một đồ vật, một dụng cụ, để làm một cái gì đó, có tính cách thực tiễn, ích lợi, như chiếc búa dùng để đóng đinh, cái súng dùng để bắn, cái áo mưa dùng để mặc khi trời mưa, cái ô dùng để che đầu... thì không phải chỉ khuôn mặt của một người con gái tên Phương trong bài thơ bị bóp méo và bị vặn tách ra khỏi cái toàn thể hữu cơ bình thường và đáng trân trọng là nhân dáng nơi một con người - nói chung, nơi một người con gái - nói riêng, mà cả nhân loại bị tổn thương, bị xúc phạm từ một sự đau khổ, xót xa riêng biệt của thân phận một con người tên Phương.

Khuôn mặt là một danh từ, nhưng nó là một từ nằm trong một phạm trù khác biệt hẳn với những danh từ như búa, kìm, đục, phễu, súng, áo, quần, chìa khóa, nhà, cửa, bàn, ghế... Những từ như vừa kể có thể được dùng cho một mục đích cụ thể nào đó, như chìa khóa (dùng) để mở cửa, ghế để ngồi... Khi nói “khuôn mặt em thì để khóc”, nhà thơ đã cố tình chọn lựa một sự kết hợp sai về mặt ngữ nghĩa và ngữ pháp để diễn tả sự xót xa, đau khổ của mình trước đối tượng đáng thương xót được diễn tả là người con gái. Ngoài ra, còn có sự cay đắng và chia sẻ ở đây. Cay đắng với những hoàn cảnh đời và chia sẻ sự khổ đau với những con người yếu đuối, khốn cùng, khốn khổ.

Trong Việt ngữ, những mệnh đề như ghế để ngồi, nhà để ở, v.v... được dùng như những câu đơn hoàn chỉnh. Để, ở đây, được dùng như một động từ [như is (used) trong The chair is (used) to sit on] [3] . Ngồi, nếu có thể so sánh được với một số ngôn ngữ Ấn-Âu, được dùng như một cụm từ, một ngữ đoạn (phrase) để chỉ cách thế mà con người sử dụng cái ghế. [To sit on có thể được xem như một infinitive phrase, dùng như một trạng từ (adverbial phrase), để chỉ cái cách dùng chiếc ghế]. Bởi thế, chưa xét đến mặt nghịch lý của phạm trù danh từ được sử dụng mà ta đã thử phân tích, ngữ pháp Việt bình thường chỉ khuyến khích ta nói Khuôn mặt em để khóc (không cần động từ thì chen vào). Khi Tô Thùy Yên thốt lên: “Khuôn mặt em thì để khóc. Khóc đi em.”, ta thấy ngay được sự nhấn mạnh đến nét nghịch lý của đời sống, đến sự cay đắng, xót xa, đau khổ của Tô Thùy Yên dành cho người con gái, đến sự bất lực và chảy máu của chính thi sĩ, đến cái thân phận khốn khổ chung của con người.

Bài Phương mở đầu bằng Khuôn mặt em thì để khóc. Khóc đi em và kết bằng những câu đau khổ và thiết tha này: Có thể nào em lành bệnh, lấy chồng và hạnh phúc không em? Có thể nào guồng máy xưởng cưa ngừng lại? Anh mời em ngày đám cưới anh đến dự cùng chồng và cháu bé, về sau kết nghĩa sui gia, đau khổ nhân lên. Cuộc đời, cuộc đời bis, bis. Khóc đi em.

Đó là cách nói của nhà thơ. Cách nói nghịch lý ấy đưa đến phong cách Tô Thùy Yên.

Nói đến phong cách, là nói đến các kiểu lựa chọn, kết hợp và giá trị biểu cảm của các kiểu lựa chọn và kết hợp ấy. Về mặt văn học, phong cách là độ lệch giữa chữ nghĩa của văn chương và lối nói thông thường, thực dụng hằng ngày. Nó là một thông báo thừa hoặc nghịch dị. Thừa phần tình cảm, và nghịch dị trong cung cách được chọn lựa hoặc sử dụng. Phong cách là một cấu trúc hữu cơ của tất cả các kiểu lựa chọn từ ngữ tiêu biểu, có một giá trị đặc thù, giúp cho ta nhận diện một thể loại, một tác phẩm hay một tác giả.

Chúng ta không thể lộn được thơ Tô Thùy Yên với thơ của bất cứ một người nào khác.

Trong bài „Em nhỏ, làm chi chim biển bắc“, Tô Thùy Yên viết:

Cửa thần phù dựng Trường Sơn sóng
Mỗi ngọn xô chìm một giấc mơ

Trong câu đầu, hình ảnh mà nhà thơ muốn gửi tới chúng ta là một cửa biển (cửa biển của tâm hồn, của đời sống, của cuộc lữ này?) dựng sóng cao ngất như ngọn (dãy) Trường Sơn. Nhưng khi chọn kết hợp dựng Trường Sơn sóng thay cho dựng sóng Trường Sơn, Tô Thùy Yên cho đẩy vào nhãn trường của người đọc một cận ảnh của Trường Sơn làm bằng sóng nước trập trùng, trùm lấp lấy chúng ta, và xô chìm đi những giấc mơ bé nhỏ và thiểu não nhưng hết sức thiết tha của con người. Còn cách nào nói được hơn thế?

Trường Sơn, một danh từ được dùng như tính từ, đứng trước và chỉ định một danh từ khác, ở đây là sóng, là một lối nói đặc biệt, không Việt Nam [4] . Chính vì ý thức được tính cách không mấy quen thuộc và không mòn nhẵn ấy (chứ không phải vì tinh thần ngoại lai) của một loại ngữ pháp giống như ngữ pháp của tiếng Hán hay Âu Mỹ này mà Tô Thùy Yên đã đưa nó vào thế giới thơ của mình và tạo nên được những tác dụng thẩm mỹ rõ rệt. Cách dùng này có thể được tìm thấy khá nhiều trong thơ ông. Ta có thể kể:

Những người thuở trước như là mộng
Diễm tuyệt dung nhan thảo mộc sầu
(„Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai’’)

Lờn rờn bóng lá đong đưa nắng
Thảm thiết dây leo quấn quít cây
(„Tưởng tượng ta về nơi bản Trạch’’)

Trường Sa! Trường Sa đảo chuếnh choáng
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
(„Trường Sa hành’’)

Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần
(„Trường Sa hành’’)

Tung ra khắp bãi thời gian rộng
Lượn lượn ưu tư khốc liệt rền
(„Mòn gót chân sương nắng tháng năm’’)

Trời cao mỏi mắt, chòm mây bạc
Thăm thẳm trưa, thời gian chết xanh
(„Vườn hạ’’)

Nằm đây phủ sáng hằng hà sao
Nghe thủy triều lui bậc bậc sầu
Nghe tiếng mõ chùa khô khốc khóc
U minh ngày tháng bóng lao đao
(„Vườn hạ’’)

Một trong những biện pháp làm cho thơ Tô Thùy Yên nổi bật lên, và làm cho hình ảnh thơ ông dính mãi vào tâm trí chúng ta như một ám ảnh đeo đuổi đời đời, là cung cách sử dụng tính từ (hay danh từ dùng làm tính từ) và trạng từ của ông. Cách sử dụng những tính từ và trạng từ này, trong lời nói, trong cách suy nghĩ hằng ngày, người ta không thể chấp nhận [vì nói như thế cũng như nói “Thưa bác, con thăng” (hay de, chuồn, tẩu...)]. Nhưng Tô Thùy Yên đã chọn lựa và kết hợp chúng lại với nhau một cách tài tình, sắc nét và mạnh mẽ. Ta thử xét các câu sau:

Biển Bắc tuyệt mù con nhạn lạc
Thời gian mất trí trắng vô âm
(„Mòn gót chân sương tháng năm’’)

Đò nghẹn đoàn quân xa tiếp viện
Mưa lâu trời mốc buồn hôi xưa
(„Qua sông’’)

Hừng đông hùng vĩ và thanh thản
Sương hứa nguyên ngày nắng rực say
Ta dậy khi gà truyền nhiễm gáy
Chân mây rách đỏ vết thương dài
(„Hề, ta trở lại gian nhà cỏ’’)

Dòng sông u hiển trôi vô lượng
Dòng sông hiền triết chảy vô tâm
Mà ta ngưỡng vọng như sư phụ
Mà ta thân thiết tựa tri âm
(„Hề, ta trở lại gian nhà cỏ’’)

Còn lại chăng chút u hoài mốc
Pha cùng rượu uống đến say thua
(„Hề, ta trở lại gian nhà cỏ’’)

San hô mọc tủa thêm cành nhánh
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai
Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm NgườI
(„Trường Sa hành’’)

Những thí dụ vừa kể chỉ là một số những biện pháp mà Tô Thùy Yên đã sử dụng để bật sáng ngôn ngữ của mình và ban cho cái ngôn ngữ ấy một chất sáng lung linh lấp lánh của một loại lân tinh trong những búi cỏ của ngôn ngữ trần gian. Tuy nhiên, một hiện tượng đều khắp, toả rộng trên diện tích đất đai của tư tưởng và ngôn ngữ thơ Tô Thùy Yên, chính là phương pháp chọn lựa, sử dụng và kết hợp những hình ảnh, những tư tưởng và những ý niệm thường không nằm cạnh nhau trong những quan hệ ngữ nghĩa và ngữ pháp của đời thường. Tô Thùy Yên ban phép hôn phối và chúc lành cho chúng. Từ đó, những cặp uyên ương của chữ nghĩa và tư tưởng này, tưởng là không bao giờ được gần gũi nhau, đã dong buồm ra khơi. Những cánh buồm kỳ diệu ấy, từ đó, cứ lấp lánh, rạo rực mãi trong đáy lòng ta như những cánh chim muốn cất tiếng hát lên trời. Hãy thử nhìn lại những cánh buồm và những tiếng chim kỳ ảo lạ lùng kia:

Em đắp mặt anh mười ngón tay nhánh huệ
...Khuôn mặt ủ ê em bật trận mưa dầm
(„Vie Posthume’’)

Ra đi như một bình minh lạ
... Ra đi như một âm thanh sáng
... Bình minh như một làn da phỏng
Ta dạo men bờ sóng tuyệt mù
Cảm phục bồi hồi biển nhẫn nại
Bắt đầu mãi mãi lượn thiên thu
(„Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai’’)

Nên ta phó mặc cho trời đất
Trời đất vô ngôn lại bất nhân
Nên ta lẳng lặng đi đi khuất
Trong lãng quên xanh hút thời gian...
(„Hề, ta trở lại gian nhà cỏ’’)

Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui
Trăng sáng in hồn ta vết phỏng
Trọn đời nỗi nhớ sáng khôn nguôi
(„Vô đề’’)

Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Gió đưa nhớ rải khắp trần gian
...
Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Đóa hoa buông cánh khi tàn hương
Tiếng rụng tuyệt âm rền tịch mịch
Dòng sông tới biển, nức tuôn, tuôn
...
Mùa hè cọ xát điên kim loại
Con quạ kêu vang giữa quãng không
(„Tưởng tượng ta về nơi bản Trạch’’)

Mặt bạn mặt ta còn trắng cả
Như mặt trời chiều mới tạnh mưa
(„Anh hùng tận’’)

Trái đất tròn như con số không trái đất muôn năm. Anh đứng lên như
tiếng chửi thề.
(„Phương’’)

Chỉ có thế. Trời câm, đất nín
Đời im lìm đóng váng xanh xao
(„Ta về’’)

Đêm lụa là, anh trở giấc, cây nến thức khuya đã bị gọt mòn, còn nghe
tiếng ru.
(„Lễ tấn phong tình yêu’’)

Và thêm một đoạn thơ trong bài thơ bất hủ sau. Đoạn này, với những cách dùng từ, ngữ và những hình ảnh, suy tưởng được nối kết với nhau một cách kỳ lạ, độc đáo và đầy phong cách, đã thổi đến người đọc cái phong vị u buồn và cảm hoài của thời đại, mang đầy tính bi tráng của lịch sử Việt Nam:

Đò nghẹn đoàn quân xa tiếp viện
Mưa lâu trời mốc buồn hôi xưa
Con đường đáo nhậm xa như nhớ
Chiều mập mờ, xiêu lạc dáng cò
Quán chật xanh lên rừng lính ướt
Mặt bơ phờ dính gió bao la
Khí ẩm mù bay, mùi thuốc khét
Chuyện tình cờ nhúm ấm cây mưa
Vang lên những địa danh huyền hoặc
Mỗi địa danh nồng một xót xa
Giặc đánh lớn - mùa mưa đã tới
Mùa mưa như một trận mưa liền
Châu thổ mang mang trời nước sát
Hồn chừng hiu hắt nỗi không tên
Tiếp tế khó- đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên
Di tản khó - sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên
Người chết mấy ngày chưa lấy xác
Thây sình mặt nát lạch mương tanh...
Sông cái nước men bờ sóng sánh
Cồn xa cây vướng sáng mơ màng
...
(„Qua sông’’)

Chiến tranh, với những bi thảm và tàn bạo của nó, hình như ở thời nào, chốn nào cũng giống nhau. Hình ảnh “Người chết mấy ngày chưa lấy xác / Thây sình mặt nát lạch mương tanh...” làm ta rất nhớ đến đoạn mở đầu của Một thời để yêu và một thời để chết của Erich Maria Remarque, về cái chết của những người lính ở bên Nga trong thời Đệ nhị thế chiến.



[1]Phần trình bày về hai thao tác chọn lựa và kết hợp trong ngôn ngữ này được dựa theo quan điểm của Roman Jakobson trong Essais de Linguistique Générale, Paris, 1963; và trong Questions de Poétique, Paris, 1973, của cùng tác giả.
[2]Nói như vậy dĩ nhiên là một cách nói có phần cực đoan. Bình thường, những “câu nói” của một thi sĩ bất kỳ nào đó (và thực sự là thi sĩ!) trong bất kỳ một bài thơ nào, đều khác với cách nói của chúng ta, là những con người sống trong đời thường. Nói chung, trong những hoàn cảnh nói năng bình thường của cuộc sống, những câu nói của chúng ta chỉ mang giá trị “tiêu dùng”, có tính “disposability” (dùng xong rồi bỏ). Những câu nói của các văn nhân, thi sĩ thì khác! Đặc biệt đối với các thi sĩ, những câu nói được phát biểu ra là để giữ lại, không phải để “dùng một lần rồi bỏ”! Mọi thi sĩ đều mong sao cho những câu nói của mình trở nên một chất keo kết dính mãi trong ký ức của người đời. Nếu không “đẹp và thơ”, thì phải nói sao cho thiên hạ sợ. Và nói như Đỗ Phủ, Ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu (Chữ dùng mà không làm cho người đời kinh hãi thì chết cũng không yên lòng). Bởi thế, ở một góc độ và mức độ nào đó, các thi sĩ thực thụ, trong việc sử dụng ngôn ngữ thi ca của mình, đều có một số nét giống nhau. Ngôn ngữ của họ giống nhau ở chỗ đó là một thứ ngôn ngữ khác biệt với cái ngôn ngữ của đời thường. Nhưng nếu nhìn vào chữ nghĩa và ý tứ của chính các thi sĩ, ta thấy họ có nhiều điểm khác nhau lắm. Chính những điểm khác nhau đó tạo ra phong cách của mỗi người. Xét riêng về nét lạ lùng trong kỹ thuật dùng từ và tạo hình ảnh, trong cả hai thao tác chọn lựa và kết hợp, một thi sĩ viết sau Tô Thuỳ Yên nhưng có những nét có thể so sánh với nhà thơ này, mà lại tạo ra được một phong cách rất khác, là Cao Đông Khánh. Dù sao, giới hạn của bài tiểu luận này không cho phép người viết đi sâu hơn vào những phân tích cần thiết để làm sáng hơn nhận xét vừa nêu.
[3]Người ta cũng có thể cho rằng trong câu ghế để ngồi, động từ (thì) được hiểu ngầm. Ở cấu trúc ngầm (underlying structure), không phải cấu trúc trên bề mặt (surface structure), câu này được hiểu “Ghế là (thì) để ngồi”. Trong tiếng Việt, những loại câu như thế này, và một số loại câu khác, động từ thì, là (to be) thường được bỏ đi. Chẳng hạn, người ta có thể nói với nhau, Em ngoan lắm!, chứ hiếm có người nói Em thì ngoan lắm! hay Em là ngoan lắm! Nhưng trong một số trường hợp, chẳng hạn trong những câu nói âu yếm (baby talk), người ta vẫn có thể bẹo má nhau mà nói rằng, Em là hư lắm! Anh bẹo mũi chết bây giờ!
[4]Thật ra, ở dưới mạch ngầm, trong câu tiếng Việt Cửa thần phù dựng ường sơn sóng, Trường Sơn đứng sau danh từ sóng và thay cho cả một cụm từ, một ngữ tuyến, một ngữ đoạn (phrase). Ngữ đoạn ấy có thể là cao ngất như dãy Trường Sơn hoặc trùng điệp như dãy Trường Sơn. Nói theo kiểu của Tô Thùy Yên tức là đã áp dụng hai ba luật biến hoá ngữ pháp (transformation rules) trong đầu trước khi câu nói được nói ra.

Nguồn: Đã đăng má»™t vài Ä‘oạn khác nhau, lần đầu trên các nguyệt san Hợp LÆ°u và Văn Học (California), vào những năm 1992 và 1994. Toàn bá»™ bài viết được in trong Lý luận và phê bình / Hai mÆ°Æ¡i năm văn học Việt ngoài nÆ°á»›c 1975-1995 của Bùi VÄ©nh Phúc, nhà xuất bản Văn Nghệ, California, 1996. Đăng lại trên talawas vá»›i má»™t số thay đổi và bổ túc của tác giả.