trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
22.8.2008
Nam Đan
Cười cho hết hàm răng
 
Tôi đi miền Tây cũng nhiều lần, nhưng chưa bao giờ đến Sóc Trăng, lần này có dịp đi theo một người bạn về Vĩnh Châu. Vĩnh Châu là một huyện nhỏ, cách Sóc Trăng 30 cây số. Chúng tôi 5 người khởi hành ở Sài Gòn vào buổi trưa, khoảng chiều thì đến Cần Thơ, đi thêm hơn hai giờ thì đến Sóc Trăng, vừa kịp để đi chơi tối.

Sóc Trăng, cái tên thiệt là ngộ. Sóc là làng, bản, thôn... theo tiếng Khờ-me (ở đây người ta thường gọi là tiếng Miên) là điều dễ hiểu. Nhưng còn Trăng thì sao? Có phải là con trăng trong tiếng Việt hay là mang một nghĩa nào khác của tiếng Khờ-me? Ðiều này tôi chưa kịp hỏi, nhưng được biết ở đây có trên 30% là người Việt gốc Khờ-me, và cũng có rất nhiều người Hoa lập nghiệp đã từ bao nhiêu đời, nên nhiều người Sóc Trăng nói được cả ba ngôn ngữ Việt, Miên và Tiều.

Anh tài xế chở cả bọn dạo một vòng quanh thành phố cho biết và tìm nơi ngủ qua đêm. Ðêm Sóc Trăng không náo nhiệt như các thành phố miền Tây khác, và ấn tượng ban đầu có vẻ lành mạnh. Lành mạnh là vì qua khá nhiều con phố mà không thấy các bar rượu, phòng karaoke, hay tiệm mát-xa nào, nhưng dường như tôi lầm. Sinh hoạt về đêm chỉ tập trung ở vài con đường trung tâm có những nhà hàng, quán ăn bình dân. Chúng tôi thuê phòng trọ cách cầu Kinh Xáng một đỗi, chừng vài trăm thước. Hỏi ông chủ phòng trọ người Hoa ở đây có gì vui, ông khoát tay chỉ về hướng cầu, bảo mấy “hia” cứ đi rồi biết. Trời không mưa nên khá nóng, chỉ đi bộ một lát người đã đẫm mồ hôi. Quả là vui thật, thứ niềm vui bị giấu kín trong bóng tối. Ðoạn đường ngắn nhưng có rất nhiều quán cà phê đèn mờ, hay đúng hơn là ánh sáng được tiết chế đến mức tối om, chỉ lập lòe đủ để thấy bảng hiệu tên quán thường được kẻ sơn sơ sài, và vài cô gái ngồi chào mời khách trước cửa. “Cà phê đi anh, đi đâu cũng dzậy mà, dzô đây dzới mấy em cho dzui.” / “Có gì dzui mà mời?” Nụ cười của cô gái sáng lóe lên hàm răng trắng bóng trên gương mặt trùng màu với bóng đêm,“Nhóc”. Nhóc, tôi hình dung ra một chiếc khạp chứa đầy các niềm dzui lô nhô bên nhau, chen chúc bên nhau, khúc khích bên nhau đến độ đầy... nhóc. Không thể từ chối các niềm dzui như thế, chúng tôi ngồi vào chiếc bàn bên hàng hiên. Các cô bưng nước ra, kéo ghế ngồi bên, mỗi cô kêu thêm cho mình một lon nước yến, thêm đĩa kẹo gum, phong bánh pía. Quần jeans và áo pull hai dây thời trang, bàn tay da khô, các móng được sơn xanh đỏ. Câu chuyện không đầu không đuôi. Em người Miên lai Dziệt, cha Dziệt má Miên, làm guộng dưới wê, hết mùa theo chị em lên đây phụ bán wáng. Anh chắng chẻo đẹp chai wá, dzô chong kia mình tâm xự nhen. Chong kia là một lối hẹp có chắn tấm màn. Thôi, bữa khác. Ngồi ngoài này chơi với mấy em cũng dzui nhóc rồi. / Dzậy thì chút nữa bo nhe / Ừ, bo. / Cái mặt thiệt dễ thương, thiệt đó, thương nhóc luôn./ Chưa khuya mà dzìa xớm dzậy? Bái bai anh, bữa nào quởn mấy anh ghé chơi nữa nghen.

Chiếc máy lạnh trong phòng trọ quá cũ, kêu lọc xọc như xe tăng, như chuyến xe chạy chậm rì trên con đường dằn xóc. Suốt đêm anh tài xế than thở mãi về một đề tài duy nhất, sự bất hợp lý của tình trạng “ông nhà nước” chỉ định tốc độ được chạy trên đường quá sức chậm và mấy “ổng” bắn tốc độ khiếp quá.

*


Chúng tôi trả phòng sớm, ra uống cà phê. Quán “dzui nhóc” tối qua giờ còn đóng cửa, chắc chủ nhân chỉ mở từ chiều đến khuya. Sợi hủ tiếu Sóc Trăng trong và dai, còn bún nước lèo thì thật tuyệt. Giá cả so với thành phố khá rẻ, mỗi tô ăn no giá chỉ 5 ngàn. Còn sớm, chúng tôi đến thăm Chùa Dơi. Theo một vị sư trong chùa, ngôi chùa này do người Khờ-me lập vào năm 1569, còn có tên là chùa Mã Tộc, do được đọc trại ra từ chữ Mahatup, vì trong chùa có nhiều dơi nên gọi là Chùa Dơi. Vị sư trụ trì hiện nay là thuộc đời thứ 19. Chùa không lớn lắm nhưng nằm trong một khu đất rộng, chánh điện nằm một bên, bên kia là khu ăn ở bếp núc của các sư. Phía sau là một rừng nhiều loại cây cao, ở đó là lãnh địa của loài dơi. Vừa bước vào sân, chúng tôi đã nghe tiếng lao xao của bầy dơi hàng chục ngàn con treo mình trên các ngọn cây. Chúng quá nhiều đến nỗi khi nhìn lên, người ta ngỡ như đang thấy một loại trái cây kỳ dị treo lủng lẳng đầy các cành. Thỉnh thoảng lại vụt bay lên rợp trời như các đám mây đen trôi nhanh vùn vụt. Tương truyền có người thấy con dơi chúa sãi cánh dài hơn 1 mét 5, to như một con gà trống. Trong thời đại dịch H5N1, nhưng trên sân chùa thả đầy gà, đặc biệt là giống gà chọi. Gà chọi Sóc Trăng vốn nổi tiếng là đá hay. Ngoài lối vào chùa, một người phụ nữ ngồi bên hai chiếc lồng đựng đầy chim sẻ bán cho khách thập phương mua để phóng sinh. Khái niệm về sự nguy hiểm của cúm chim, cúm gà, đại dịch H5N1 có vẻ hoàn toàn là điều mơ hồ, xa lạ với họ. Ngoài sân đặt một chiếc ghe ngo, dài đến 26 mét, được sơn phết và trang trí sặc sỡ. Mỗi năm đội ghe ngo do chùa lập đều tham dự mấy cuộc đua. Trên các bậc tam cấp dẫn lên chánh điện, có những miếng đá mài ghi danh tính và nơi cư trú của các tín đồ đã đóng góp cho chùa, nhiều miếng do tín đồ từ nước ngoài về lập, có người ở tận Cali. Nhiều phần các nhà sư tôi gặp là người Khờ-me, họ đều rất trẻ và thân thiện, đang lăng xăng làm những việc tạp dịch như quét sân, chẻ củi, dọn dẹp vườn. Theo tập tục người Khờ-me, các thanh niên đều phải vào chùa tu vài ba năm, như một hình thức giáo dục, trước khi vào đời. Những gương mặt rất hồn nhiên, ai cũng sẵn sàng cười, cười rất tươi. Thầy có muốn hoàn tục lấy vợ không? Cười. Sao ăn chay mà các thầy lại nuôi gà nhiều vậy? Cười. Các vị chuẩn bị đi khất thực, mặc áo vàng tươi trong nắng mai, tay ôm bình bát trước bụng, cười thật lành.

*


Xe đậu lại một quán nước bên đường, quán cà phê võng. Võng được giăng thành hàng, cách nhau chừng hai mét, nằm dười tán lá của một khu vườn. Gió trưa mát rười rượi, văng vẳng tiếng vọng cổ từ mái hiên nhà, khiến tôi chỉ muốn ngủ. Cà phê võng thường được hình dung và gán đặt với ý xấu. Nhưng ở đây thì không phải vậy, chỉ đơn thuần là một chỗ cho khách đường xa dừng chân nghỉ ngơi, uống trái dừa, hay ly nước, có thể chợp mắt một lúc, rồi lên đường. Chúng tôi không có đủ thời gian cho trọn một chầu ca cổ ven đường. Một người đàn ông đứng tuổi dạo cây đàn ghi-ta phím lõm, ba người phụ nữ thay nhau hát. Tiếng đàn ca nhừa nhựa về một mối tình dang dở quyện nhau thật mùi, và buồn. Một cái buồn dai dẳng trì kéo nặng nề khó tả, chỉ đặc biệt mênh mang ở vùng sông nước miền Tây. Chúng tôi mua bánh pía và bánh mè láo là hai loại đặc sản của Sóc Trăng về làm quà. Sao lại gọi là mè láo? Chủ tiệm giải thích rằng vì bánh được làm bằng bột trộn với mạch nha và mè, chiên phồng lên thành từng bánh hình tròn như quả trứng gà, nhìn thì rất to nhưng bên trong rỗng ruột, thực chất không được bao nhiêu, nên... rất láo. Nhưng nghĩ lại thì rất thú vị, vì khi biết mình láo mà sẵn sàng công bố bản chất ấy ở cái tên gọi thì lại không láo chút nào, lại cực kỳ trung thực, phải không nào? Ông vỗ bụng cười phóng khoáng.


*


Những trại nuôi tôm nằm dọc con lộ nhỏ trên đường đến Vĩnh Châu. Chủ nhà là một người nuôi tôm sú có tiếng ở đây, chỉ trong vài năm anh đã tạo một gia sản vài tỷ đồng. Một vụ tôm trong khoảng 4 tháng rưỡi, nếu trúng, vốn 1 trăm triệu là có thể thu về 5, 6 trăm triệu. Tuy nhiên không phải ai cũng giỏi và may mắn như anh, có nhiều người đã thua lỗ rất nhiều. Anh đưa chúng tôi đi xem những vuông tôm chờ thu hoạch. Trưa đến, chị làm cơm đãi chúng tôi, thổ sản chính là tôm làm nhiều món: rang muối, chiên bơ, nướng, hấp bia, ăn sống với mù-tạt...

Tôm được họ gọi tắt là . Sú thật to, mỗi con lớn bằng hai ngón tay người lớn chặp lại, và ngọt thịt. Anh cho biết đây không phải là sú nhà nuôi, anh không ăn sú của nhà, mà phải gọi mua từ dịch vụ. Lý do là không nỡ. Không nỡ ăn con sú do chính mình chăm nuôi, vì chính chúng là thứ đã nuôi sống gia đình mình. Lẩm cẩm nhưng cũng ngộ, ai lại ân tình với cả con tôm. Cả hai ông bà cười ha hả.


*


Ðể diễn tả trạng thái vui sướng trong nụ cười người ta có rất nhiều cách nói khác nhau, có khi bằng cách nói văn hoa như “cười rạng rỡ”, “cười tươi tắn”... hoặc có khi bằng cách mộc mạc như “cười bò càng”, “cười thả ga”, “cười ngặt nghẽo”... Nhưng tôi vừa có được một cách diễn đạt khác đầy hình tượng, một cách mà tôi nghĩ ngay cả những người giàu chữ nghĩa như các nhà thơ cũng khó mà sáng tạo được. Một bé gái tôi gặp trên bãi biển Vĩnh Châu đã nói với tôi “cười lên cho vui, cười cho hết hàm răng”. Cười cho hết hàm răng, nụ cười của em thật vui, thật hồn nhiên. Nụ cười không chỉ ở trên môi, nó còn cả ở trên ánh mắt, trên các phần khác của gương mặt, cả màu da ngăm đen cũng cười theo. Em và mấy đứa bạn cùng trạc 10 tuổi ngồi với nhau trên bãi biển, mỗi đứa cầm theo đồ nghề là những rổ, vợt, sô nhựa. Ðứa nào cũng có màu da bắt nắng đen ơi là đen. Chúng đi bắt cua. Màu đất trên bãi biển đen xỉn, là phù sa đất bồi. Xa xa từng đoàn người lom khom mò bắt giữa bùn dưới ánh nắng trưa gay gắt. Các em cho biết mỗi ngày đi bắt cua như vậy có thể kiếm được khoảng trên 10 ngàn mang về cho má mua gạo. Ði học hả? Không, tụi tui nghỉ học hết chơn rồi. Lại cười.

Sóc Trăng có gì dzui? Có, có những nụ cười, cười cho hết hàm răng.

© 2008 talawas