trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
22.9.2007
Phùng Hi
Phác họa đôi nét về trường trung học phổ thông trong giai đoạn hiện nay
 
Bài viết chỉ nêu hiện trạng chung nhất cho ba thành phần chính của một trường trung học phổ thông (THPT): Học sinh, giáo viên và cán bộ quản lí, chứ không bàn cá biệt đến một đơn vị hay cá nhân nào.
Học sinh

Trong một thời gian khá dài, ngành giáo dục chạy theo thành tích không có thực, giáo viên chạy theo các danh hiệu thi đua ảo, vô hình chung đã tạo ra một lớp học sinh xem nhẹ việc học hành, chủ quan, ỷ lại; bởi không học cũng lên lớp. Học sinh giỏi, học sinh tiên tiến ở đâu ra lắm thế? Để chấn chỉnh tình trạng này, đâu phải một sớm một chiều mà làm được ngay.

Chính chúng ta, giáo viên và những người làm quản lí giáo dục biến học sinh thành người học không có khả năng độc lập suy nghĩ, thụ động trong tiếp thu tri thức, nói sao nghe vậy. Do đó dạy thêm là hệ quả tất yếu. Học sinh bỏ tiền trực tiếp mua kiến thức từ những lớp dạy thêm tại nhà giáo viên, nếu chưa đủ thì phụ huynh tiếp tục bỏ tiền mua điểm. Đã như thế thì chỉ cần “nửa bước” là học sinh tỏ ra mất dạy, xem thường tư cách giáo viên, coi khinh đạo đức nghề nghiệp của các thầy cô giáo chân chính. Ích kỷ, hèn nhát, không có lòng tự trọng, nói năng cụt ngủn, tự cho mình là trung tâm của xã hội, hết 8x rồi 9x, số học sinh ấy sao mà đông quá. Học sinh ngồi nhầm lớp, nhầm cấp, lẽ ra sức học chỉ ở lớp 7 lại ngồi ở lớp 12.

Chưa bao giờ học sinh THPT có nhiều lựa chọn ngành nghề và cũng quá nhiều thú vui như hiện nay. Xã hội có hàng trăm, hàng ngàn nghề, nhưng trong nhà trường phổ thông chưa chú trọng việc để học sinh tự khám phá xem mình có năng khiếu gì, đi ngành nào là phù hợp. Một ít học sinh có khả năng vào đời bằng con đường đại học, số đông phó mặc ra sao thì ra, vui chơi cái đã.


Giáo viên

Ngay trong thời chiến tranh trong xã hội đã lưu hành câu: “Chuột chạy cùng sào, nhào vô sư phạm”. Và có những giai đoạn không xa, thi vào Đại học Sư phạm (ĐHSP) tổng điểm ba môn thi chưa quá mười đã đậu. Năm 1996 nhà nước có chủ trương giảm học phí cho sinh viên ĐHSP, tuy nhiên vẫn không tuyển được học sinh giỏi. Nói ngành sư phạm không thu hút được học sinh giỏi là chưa xác đáng, đúng hơn là chưa thu hút được những học sinh có bản lĩnh làm khoa học, sẵn sàng đi đến cùng cho một công việc. Sinh viên sư phạm chỉ ở mức làng nhàng về chất lượng, thiếu lòng đam mê nghề nghiệp. Kết quả đội ngũ giảng dạy ở trường THPT như sau:

Viết sai chính tả, viết hoa tùy tiện, đặt câu ngô nghê là những căn bệnh phổ biến hiện nay của giáo viên. Hiểu lơ mơ các khái niệm ngay trong chính bộ môn mình phụ trách. Giáo viên không biết lấy một ngoại ngữ, còn giáo viên dạy ngoại ngữ không biết thêm thứ tiếng nào khác. Một điều dễ nhận thấy là đội ngũ giáo viên rất yếu về khoa học thường thức, khoa học xã hội, cách đối nhân xử thế không xứng tầm một trí thức. Giáo viên còn kém về văn hóa đọc, không biết gì khác ngoài chuyên môn có phần lôm côm của mình. Giáo viên đứng nhầm chỗ, ngoài lí do chuyên môn thấp ra còn thiếu nhiệt tình và cả đạo đức.

Không thấy bóng dáng về lòng hy sinh, dấn thân trong nghề nghiệp của giáo viên. Dành dụm, tiết kiệm, cố gắng làm ra của cải là đức tính tốt, nhưng ở giáo viên tính cách ấy quá cực đoan, nó thành ra phẩm chất thấp kém. Giáo viên tự đo nhau bằng cách ai dạy thêm nhiều hơn! Hãy nghe giáo viên chào mời: “Chương trình cải cách nặng quá, thầy (cô) mở lớp dạy thêm, em nào có nhu cầu đăng kí?”. Bao cánh tay học sinh giơ lên để rồi thầy (cô) vin vào: “Học sinh nó có nhu cầu đấy chứ”. Thầy cô tưng bừng mở lớp dạy thêm, đến độ các giáo viên dạy bộ môn không dạy thêm được như Sử, Địa, Công dân… nhìn các giáo viên Toán, Lí, Hóa… làm ra tiền, tiếc nuối ngày xưa mình chọn nhầm ngành.

Ngoài ra, sự bất hợp lí trong thang lương giáo viên hiện nay làm giảm đáng kể nhiệt tình của giáo viên trẻ. Một giáo viên tuổi nghề 28 năm (50 tuổi), mức lương 3-4 triệu không phải là cao nhưng nó đã gấp ba lần lương giáo viên dạy trên 5 năm, chỉ nhận 1-2 triệu đồng. Thực tế một giáo viên qua 5 năm dạy học xem như hoàn thiện nghề nghiệp. Với một mức lương như thế ta khó trách họ thiếu nhiệt tình trong công tác.


Cán bộ quản lí

Cán bộ quản lí (CBQL) tác động trực tiếp công tác giảng dạy của giáo viên là hiệu trưởng và hiệu phó chuyên môn. Thế nhưng trình độ chuyên môn của hiệu trưởng, hiệu phó thường cũng chỉ ngang trình độ của giáo viên, chưa kể CBQL có khi không phải là giáo viên giỏi. Đây là một đặc thù của ngành giáo dục, gây bất lợi cho người quản lí, bởi giáo viên và CBQL đều cùng tốt nghiệp ĐHSP. Cách bổ nhiệm CBQL hiện nay là cách làm lấy hạt gạo dưới sàng chứ không phải lấy trên sàng. Xin được phân tích:

Thứ nhất, việc nắm cương vị hiệu trưởng, hiệu phó hiện nay là công việc chẳng mấy khó khăn vì các hoạt động dường như đã lên khuôn sẵn từ A đến Z cho mọi trường. Các danh hiệu "thi đua", "hoàn thành chỉ tiêu" mang tính hình thức, sáo rỗng. CBQL dễ dàng đạt được dù họ chẳng nỗ lực gì, hoạt động gì khả dĩ được xem là xuất sắc…

Thứ hai, do cần nâng cao tiêu chí chính trị trong công tác bổ nhiệm các bộ, nên sự lựa chọn người có năng lực, có đạo đức nghề nghiệp bị thu hẹp. Thực ra chỉ cần hiệu trưởng là bí thư chi bộ, nhà trường sẽ quán triệt được chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước, giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý, không nhất thiết toàn ban giám hiệu đều là đảng viên.

Thứ ba, dường như có một thông lệ là đã làm hiệu trưởng, hiệu phó là làm suốt đời. Đây là nhân tố chính gây sức ỳ mỗi khi cần triển khai một chương trình, một hành động gì mới, kể cả việc thực hiện chủ trương, chính sách. Cần thiết phải qui định thể chế nhiệm kì 3 hoặc 4 năm cho hiệu trưởng và mỗi hiệu trưởng chỉ nên làm tối đa hai nhiệm kì. Hiệu trưởng có quyền chọn hiệu phó cho ê-kíp làm việc, chứ không chỉ chọn tổ trưởng chuyên môn như hiện nay.

Chuyện CBQL ngồi nhầm ghế là phổ biến. Do đó, việc điều động một CBQL ở bậc đại học làm hiệu trưởng trường THPT là một giải pháp cần xét đến.

© 2007 talawas