Bài “
Cuộc quyết đấu giữa Marx và Dostoevski” của Alberto Moravia là ví dụ cho thấy người ta hay gán cho Marx những điều xa lạ với ông như thế nào. Bài viết đó đề cập đến một vấn đề cụ thể: thái độ của những người marxist đối với nạn cho vay nặng lãi, như biểu hiện cụ thể của quan điểm về tương quan cứu cánh – phương tiện.
Tác giả bài viết dựa trên một thiên kiến cho rằng dường như những người marxist thù ghét nạn cho vay lãi, coi đó là bóc lột, và tuyên bố sẽ tìm cách thủ tiêu hiện tượng này. Nói rộng hơn, dường như những người marxist căm thù giai cấp tư sản đến tận xương tủy, đồng nhất giai cấp tư sản với cái xấu, cái ác, và thề sẽ tiêu diệt giai cấp đó bằng bạo lực, và lấy mục đích biện hộ cho phương tiện.
Dường như thấy trước thiên kiến này, trong lời tựa viết cho lần xuất bản thứ nhất quyển I bộ
Tư bản, Marx đã viết như sau:
“Xin nói thêm vài lời để tránh mọi sự hiểu nhầm có thể xảy ra. Tôi đã vẽ hình dáng của nhà tư bản và địa chủ hoàn toàn không phải bằng màu hồng. Nhưng ở đây tôi chỉ nói đến những con người trong chừng mực mà họ là hiện thân của những phạm trù kinh tế, là kẻ đại biểu cho những lợi ích và những quan hệ giai cấp nhất định. Tôi coi sự phát triển của những hình thái kinh tế-xã hội là một quá trình lịch sử-tự nhiên, cho nên so với mọi quan điểm khác, quan điểm của tôi có thể ít quy trách nhiệm hơn cho các cá nhân về những điều kiện mà xét theo ý nghĩa xã hội thì cá nhân đó trước sau vẫn là một sản phẩm, dù cho về mặt chủ quan cá nhân đó có muốn vươn lên khỏi những điều kiện ấy tới mức nào chăng nữa.” (Tư bản, quyển I, tập 1, tr. 20, NXB Sự Thật, 1976)
Đây chính là quan điểm duy vật lịch sử. Trong con mắt của Marx, nhà tư bản chỉ là tư bản được nhân cách hóa. Tư bản, hay nói cách khác là các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, là một con ma vô hình. Con ma này nhập vào nhà tư bản và sai khiến hắn ta. Và nếu như hắn ta tỏ ra thèm khát giá trị thặng dư đến vô độ, tìm mọi cách bóc lột người lao động tối đa, thì điều đó hoàn toàn không phải vì bản tính hắn vốn xấu xa, tham lam độc ác, mà vì các điều kiện kinh tế, xã hội – tức là con ma kia -, buộc hắn phải làm thế. Với tư cách là nhà tư bản, việc hắn làm như thế là hết sức bình thường. Ngoài ra, hắn hoàn toàn có thể là một công dân tốt, một ông bố tốt, người chồng tốt, có thể là thành viên hội bảo vệ súc vật, hay tham gia làm từ thiện, viết báo, dịch sách v.v…
Marx nghiên cứu các quy luật vận động của xã hội tư bản, và từ chối phán xét về mặt đạo lý đối với các hiện tượng, quy luật đó. Với ông, các phạm trù tư bản, nhà tư bản, bóc lột, lao động làm thuê, giá trị thặng dư, lợi nhuận, lợi tức (tức tiền lãi vay) v.v... chỉ là các phạm trù khoa học, mang tính lịch sử. Chúng phát sinh trong những điều kiện lịch sử nhất định, ở giai đoạn phát triển nhất định của xã hội, và rồi sẽ tiêu vong cùng với sự phát triển xã hội, khi hội đủ những điều kiện cần thiết, mà không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người. Chúng chẳng tốt mà cũng chẳng xấu, và chẳng ai có thể “thủ tiêu” được chúng một cách duy ý chí. Giống như việc con sói ăn thịt cừu, con mèo ăn vụng, con chuột phá đồ đạc – chẳng nhà sinh học nào lại đi phán xét mấy con vật đó là xấu!
Riêng về phạm trù tiền lãi, đối với Marx, đó chỉ là hình thái biến tướng của giá trị thặng dư, là phần mà nhà tư bản chức năng (tức tư bản công nghiệp, thương nghiệp) phải trả cho nhà tư bản sở hữu về việc sử dụng tư bản của người này. Nó chỉ là một phần của giá trị thặng dư, bên cạnh các hình thái khác như lợi nhuận, địa tô, thuế má v.v..., và nhà tư bản sở hữu nhận được lợi tức là điều đương nhiên. Phạm trù lãi vay (hay lợi tức) phản ánh quan hệ giữa các nhà tư bản với nhau, chứ không phản ánh quan hệ giữa lao động với tư bản. Chính vì thế, phạm trù này ít phản ánh quan hệ bóc lột tư bản chủ nghĩa hơn cả, và khiến người ta sùng bái hơn cả. Tiền dường như có đặc tính bẩm sinh là sinh ra lợi tức, và lợi tức dường như chẳng liên quan gì đến bóc lột. Điều này thì Alberto Moravia viết đúng: các nhà tư bản, đặc biệt là giới tư bản sở hữu, tức là đám cho vay lãi, sống dựa vào nguồn thu nhập do giai cấp vô sản mang lại,
và nó làm tất cả những việc đó một cách vô ý thức, với lương tâm thanh thản. Marx chẳng hề lên án điều đó, trái lại coi điều đó là rất hợp với quy luật tự nhiên, với “công bằng xã hội” - dĩ nhiên là công bằng tư bản chủ nghĩa. Đối với Marx, không có thứ công bằng chung chung, vĩnh cửu; mỗi giai đoạn lịch sử có kiểu công bằng riêng của nó.
Trái ngược hoàn toàn với những gì Alberto Moravia gán cho những người marxist: sự thù ghét nạn cho vay lãi và ý tưởng “lập lại công bằng bằng cách tiêu diệt giai cấp tư sản” theo kiểu Raskolnikov, trong các tác phẩm như
Sự khốn cùng của triết học,
Tư bản,
Thư gửi J-B Schweitzer (1865) và sau đó là
Về vấn đề nhà ở, Marx và Engels đã kịch liệt phê phán quan điểm xã hội chủ nghĩa tiểu tư sản của Proudhon và những người theo trường phái của ông ta về những biện pháp nhằm lập lại “công bằng, bình đẳng”, trong đó có vấn đề lãi vay. Phái Proudhon cho rằng “tư hữu là ăn cắp” (
la propriété – c’est le vol), “nạn cho vay nặng lãi là trái với công lý vĩnh cửu, bình đẳng vĩnh cửu.” Marx và Engels chế giễu điều đó, so sánh họ - những người tự nhận là theo đuổi chủ nghĩa xã hội – với các giáo phụ nhà thờ, những người cho rằng nạn cho vay nặng lãi là trái với “ân sủng vĩnh cửu”, “đức tin vĩnh cửu”, “ý chí vĩnh cửu của Chúa”.
[1]
Khác với Raskolnikov, phái Proudhon đòi thủ tiêu nạn cho vay lãi bằng biện pháp hiền lành hơn, thuần túy hành chính: dùng sắc lệnh để hạ thấp tỷ suất tiền lãi xuống, cho tới lúc bằng không, khiến cho tư bản không còn sinh lãi nữa. Thay vào đó, vốn sẽ được cung cấp từ “Ngân hàng trao đổi” mà không chịu lãi. Marx và Engels đã phê phán sự không tưởng của ý đồ đó, vạch ra rằng sai lầm của phái Proudhon xuất phát từ chỗ họ thoát ly hiện thực kinh tế để trốn vào trong những lời lẽ ba hoa về pháp luật, muốn giải thích tỷ suất tiền lãi, cũng như các hiện tượng kinh tế khác, không phải bằng những điều kiện sản xuất xã hội, mà bằng những đạo luật nhà nước, vốn chỉ là những biểu hiện của những điều kiện ấy. Vì thế, cho dù Proudhon có thể ban hành sắc lệnh giảm tỷ suất lãi vay, hay thậm chí thủ tiêu nó, thì điều đó chỉ tồn tại trên giấy tờ, và lãi vay vẫn cứ tồn tại như trước kia theo đúng các quy luật kinh tế của nó, chỉ có điều dưới những hình thức biến tướng mà thôi. Biện pháp đó cũ kỹ y như những
đạo luật về cho vay lãi thời trung cổ, chỉ chứng tỏ sự bất khả thi của chúng, và sự bất lực của Nhà nước trước các quy luật sản xuất xã hội (Engels, “
Về vấn đề nhà ở” ).
Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện lớn, theo Marx và Engels, chính là biện pháp thủ tiêu lãi vay, dù bằng cách nào đi chăng nữa – bằng sắc lệnh hay bằng rìu -, hoàn toàn không hề động chạm đến mấu chốt của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, cơ sở của xã hội tư bản – đó là chế độ lao động làm thuê. Biện pháp ấy không thể là biện pháp của một cuộc cách mạng xã hội. Và chế độ làm thuê, cũng như phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa nói chung, không thể thủ tiêu bằng cách vác rìu bổ vào đầu giai cấp tư bản cho óc văng tung tóe. Đó là một quá trình phát triển lâu dài, và chủ nghĩa tư bản chỉ có thể bị vượt qua bởi những mâu thuẫn nội tại của chính nó, những mâu thuẫn sẽ đưa đến cách mạng xã hội.
Rõ ràng Alberto Moravia đã gán cho Marx những tư tưởng
à la Proudhon mà chính Marx đã phê phán.
Là người duy vật, Marx chẳng đặt ra một mục tiêu, dù cao đẹp đến mấy, rồi cố sống cố chết đạt được bằng mọi giá, sau đó lấy mục đích biện hộ cho phương tiện như Alberto Moravia gán ghép và được khối người hùa theo. Trong
Hệ tư tưởng Đức Marx từng nhấn mạnh: “Đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không phải là một
trạng thái cần sáng tạo ra, không phải là một
lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo, mà là một phong trào
hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay” (
Mác–Ăng-ghen tuyển tập, tập I, tr. 297, NXB Sự Thật, 1980). Lại cẩn thận dặn: “Một xã hội, ngay cả khi đã phát hiện được quy luật tự nhiên của sự vận động của nó, cũng không thể nào nhảy qua các giai đoạn phát triển tự nhiên hay dùng sắc lệnh để xóa bỏ những giai đoạn đó. Nhưng nó có thể rút ngắn và giảm bớt được những cơn đau đẻ.” (
Tư bản, quyển I, tập 1, tr. 19-20, NXB Sự Thật, 1976). Engels cũng nhắc đi nhắc lại: “Vì chúng ta không làm cái việc xây dựng những hệ thống không tưởng về việc tổ chức xã hội tương lai, cho nên nói dài dòng về vấn đề đó ở đây sẽ là một việc quá ư phù phiếm” . Ông lưu ý: “Trong các phân tích của Marx đều bao hàm những mầm mống của cái gọi là những giải pháp, cố nhiên trong chừng mực mà ngày nay những giải pháp đó có khả năng thực hiện được” (
Mác–Ăng-ghen tuyển tập, tập IV, tr. 253 và 342, NXB Sự Thật, 1983). Nghĩa là hết sức duy vật, luôn xuất phát từ thực tiễn. Thế nhưng người ta lại rất hay quên, hoặc hoàn toàn không biết, những điều đó.
Nói chung, nếu trong bài viết trên tác giả Alberto Moravia thay các chữ Marx, marxist bằng Proudhon, Proudhonian hay Stalin, stalinist
[2] thì may ra còn có lý vài ba phần. Marx chẳng có lý do gì để quyết đấu với Đốt. Bất quá, ông chỉ vỗ vai Đốt mà rằng: “Thằng nhóc tâm thần Raskolnikov của cậu giống y như anh bạn Proudhon của tớ, toàn làm trò vớ vẩn nhố nhăng, chẳng giải quyết vấn đề gì, mà lại cứ tưởng mình là siêu nhân. Thôi, đi làm mấy ve với tớ đi, rồi tớ cho mượn cuốn
Tư bản về mà đọc!”
© 2007 talawas
[1]Mới đây, TS Vũ Quang Việt, chuyên gia cao cấp Liên Hiệp Quốc, trong bài “
Vấn đề bóc lột lao động nhìn từ lý thuyết thặng dư của Marx và kinh tế hiện đại” cũng cho rằng Marx ghét tiền lãi vay và lý giải: “Quan điểm chống cho vay lãi đã là quan điểm của Thiên chúa giáo và Hồi giáo kéo dài hàng ngàn năm, do đó không thể không ảnh hưởng đến quan điểm của Marx.” Cách nhìn nhận này xem ra không xác đáng.
[2]Thực ra A. Moravia chủ yếu phê phán các biện pháp bạo lực, lấy mục đích biện hộ phương tiện của Stalin, nhưng A. Moravia lại đi đánh đồng Stalin với Marx.