Äiểm nóngÄại há»™i X và cải cách chÃnh trị tại Việt Nam Loạt bài: Tranh luáºn vá» chủ nghÄ©a Marx
17.3.2006
Äặng Thế Äại
Quản lý hiệu quả là chống bóc lột
Mục đích cuối cùng của chúng ta là làm cho nhân dân sung sướng hạnh phúc chứ không phải là làm cho nhân dân thoát khỏi bóc lột. Xóa bỏ bóc lột chỉ là con đường để làm nhân dân hạnh phúc. Đây là hai vấn đề khác nhau. Chính vì vậy, Mác từng cho rằng xã hội bước sang chế độ người bóc lột người là một tiến bộ, nhưng ông cũng cho rằng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là tột đỉnh của chế độ bóc lột và đã đến lúc xóa bỏ bằng việc xây dựng một xã hội dựa trên công hữu, trong đó, con người làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Trong quan niệm của Mác về vấn đề này, có hai điều cần nhắc lại: một là, bóc lột không phải bao giờ cũng xấu xa, phản động – theo quan điểm lịch sử cụ thể; và hai là, phải đến khi xóa bỏ hoàn toàn tư hữu (một trong hai điều kiện của sản xuất hàng hóa, đương nhiên là xóa bỏ kinh tế thị trường) cùng với một trình độ phát triển rất cao của lực lượng sản xuất đủ cho mọi người hưởng theo nhu cầu thì mới xóa bỏ được bóc lột.
Vậy, cứ cho là chúng ta chấp nhận tuyệt đối học thuyết về bóc lột giá trị thặng dư của Mác thì từ hai điểm trên cũng cho thấy cách nhìn bóc lột là xấu xa của GS Nguyễn Đức Bình là phi lịch sử. Đất nước ta còn đang cần phát triển kinh tế thị trường, còn đang cần phát triển các hình thức kinh doanh tư nhân, điều đó phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Như thế, bóc lột còn là tiến bộ. Huống chi biết đến bao giờ sản xuất có thể đủ đảm bảo cho mọi người được hưởng theo nhu cầu. Chuyện đó hẳn GS Bình dù là người mơ mộng nhất cũng chưa thể hình dung được. Đó là chưa nói nhu cầu của con người luôn luôn phát triển, ước muốn của Mác rất có thể sẽ mãi mãi là ước muốn. Ông Bình muốn công dân làm giàu thì được, đảng viên thì không, tức là tách đảng viên khỏi những công dân bình thường, thành những ông thánh. Đó là điều không thực tế đã đành (và tất nhiên không thực hiện được), mà còn "tả khuynh" về lý luận và mang tinh thần “hy sinh” của tôn giáo. Nó ẩn chứa một khả năng quay trở lại của những cuộc cải tạo công thương nghiệp tàn phá sức sản xuất, và trong thực tế hôm nay, ít nhất nó cũng khiến cho những nhà doanh nghiệp, những người muốn làm giàu không an lòng, khiến những đảng viên rời Đảng đi làm giàu bị mặc cảm một cách phi lý. Thử hỏi, các doanh nhân đang lăn lộn, đem lại đời sống phồn vinh cho đất nước, vì sao lại bị xem là làm những việc thấp kém mà đảng viên không thèm làm. Việc đặt các đảng viên lên trên công dân như thế không khỏi tự cao tự đại ư?
Trên thực tế, kinh tế thị trường là cái đang tồn tại hiển nhiên trên toàn thế giới cũng như trên đất nước ta. Hãy so sánh một người công nhân làm trong doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam, nơi anh ta không bị bóc lột với chính anh ta khi được xuất khẩu sang làm việc ở một nước tư bản phát triển (một công việc mà nhà nước ta đang khuyến khích), nơi anh ta bị bóc lột giá trị thặng dư còn thậm tệ hơn cả thời Mác hàng vạn lần (bởi chính Mác đã chứng minh rằng mức độ bóc lột tỷ lệ thuận với tiến bộ kỹ thuật). Trong trường hợp sau, anh ta có thu nhập gấp 15 lần trường hợp thứ nhất và còn đem lại ngoại tệ cho nhà nước. Đó là chưa kể những đảm bảo về an sinh, phúc lợi xã hội hơn hẳn. Rõ ràng bị bóc lột mà mức sống lại cao hơn nhiều. Tại sao lại như vậy? Vì con người ta sống bằng giá trị sử dụng chứ không phải bằng giá trị - phải chăng đấy là chỗ còn chưa hoàn thiện của học thuyết kinh tế học của Mác. Sự bần cùng hóa tuyệt đối và tương đối dẫn đến cách mạng trên thực tế đã không diễn ra như dự báo của Mác: Sự bần cùng hóa tuyệt đối không diễn ra đã đành, sự bần cùng hóa tương đối cũng không ngày càng tăng lên như Mác suy luận, mà trái lại còn giảm đi, với chính sách thuế thu nhập, chính sách bảo hiểm, trợ cấp xã hội cùng nhiều biện pháp điều hòa lợi ích khác của chính phủ, của các tổ chức y tế-xã hội, các tổ chức phi chính phủ v.v...; và đặc biệt, với những cuộc cách mạng về công nghệ hiện nay, với kỹ thuật số, với kinh tế tri thức... mỗi người đều có cơ hội chỉ cần chịu khó học tập và lao động. Ví dụ này cho thấy xóa bỏ bóc lột giá trị thặng dư và làm cho con người sống tốt hơn là hai điều khác nhau. Anh sẽ lựa chọn cái nào, một bên là bị bóc lột giá trị thặng dư nhưng đời sống cao và ngày càng cao, kinh tế ngày càng phát triển (do tính chất cách mạng của bản thân phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa – điều mà chính Mác đã nói), với một bên là không bị bóc lột mà đời sống khổ cực, kinh tế không sao phát triển được (do tính chất “của chung không ai xót” của nền kinh tế công hữu). Cả điều này cũng đã được thực tế thế giới (từ 1917) và Việt Nam (từ 1954) chứng minh không thể bác bỏ.
Bây giờ ta quay về lấy một ví dụ khác trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Đã là kinh tế thị trường thì về nguyên tắc, trao đổi là ngang giá, kể cả sức lao động. Các xí nghiệp tư nhân và nhà nước đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Một anh công nhân làm trong doanh nghiệp tư nhân thì bị xem là bị bóc lột, làm trong doanh nghiệp nhà nước thì được xem là ông chủ, không bị bóc lột, trong khi anh ta vẫn chỉ nhận được thu nhập như nhau trong cả hai trường hợp, bởi trong trường hợp nào anh ta cũng chỉ bán được sức lao động của mình đúng giá thị trường mà thôi. Rõ ràng đây là điều vô lý.
Nếu cho rằng học thuyết về bóc lột giá trị thặng dư của Mác là đúng, thì trong cả hai trường hợp trên phải kết luận là đều có bóc lột như nhau. Mức độ bóc lột đến đâu tùy thuộc vào việc sử dụng cái M (lợi nhuận của doanh nghiệp) như thế nào, trong đó, một phần được đóng thuế cho nhà nước, một phần được doanh nghiệp giữ lại, bao nhiêu trong hai cái phần đó được sử dụng một cách tích cực, quay trở lại phục vụ cho người lao động, đầu tư cho sản xuất..., bao nhiêu trong hai phần đó bị sử dụng lãng phí, bị tham ô, tư túi. Tức là mức độ bóc lột tùy thuộc vào một là nhà nước sử dụng thuế đóng góp của các doanh nghiệp như thế nào, và hai là doanh nghiệp (tư nhân và nhà nước) quản lý sử dụng cái lợi nhuận trừ thuế như thế nào.
Từ đó, tôi cho rằng, nếu thực tâm chống bóc lột và vì lợi ích người lao động thì trước hết cần tinh giản bộ máy quản lý nhà nước, chống tham nhũng, chống tham ô lãng phí, chọn người tài làm việc công (về điều này xin cảnh giác với cái tiêu chuẩn hóa cán bộ ở ta, nó nhiều khi là phương tiện để gạt người tài ra ngoài hơn là để sử dụng được người tài), quản lý giám sát bằng luật pháp, bảo vệ lợi ích người lao động... Đặc biệt, xí nghiệp nhà nước “cha chung không ai khóc” là môi trường thuận lợi cho tham ô, tham nhũng, hoạt động không hiệu quả, tức là nơi có nguy cơ bóc lột cao hơn, cần phải chú ý có các biện pháp giám sát cao hơn. Nếu cần thiết, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thất thoát (bán lại cho ai có đủ vốn và năng lực quản lý) cũng là cách chống bóc lột. Quản lý hiệu quả mới chính là chống bóc lột.
© 2006 talawas
|