trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 13 / 13 bài
  1 - 13 / 13 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
1.10.2008
Trần Văn Tích
Trí tuệ của trí thức
 
Trong thần thoại phương Tây có loài ngựa mang cánh như con Pégase và con Hippogriffe, cả hai thường bay bổng trong không gian; riêng con Pégase còn đi về trên ngọn núi Hélicon, nơi quần tụ của các nữ thần nghệ thuật, các Muses. Giới làm thơ thường mượn hình ảnh loài ngựa này khi nói đến sức phi hành của thi hứng, có lẽ vì đôi cánh tiêu biểu cho sự cất mình lên khỏi các ràng buộc của thiết chế hiện hữu, sự tung mình ra thoát những vòng vây của định kiến có sẵn để sáng tạo, để cách tân, để đi tìm những phương trời mới, những chân lý mới.

Chủ nghĩa cộng sản tác yêu tác quái mấy chục năm trời, đã và đang gây ra không biết bao nhiêu tội ác. Nhưng với quyền lực trong tay, với bạo lực nắm được, với tuyên truyền xảo trá, với thông tin xuyên tạc, cộng sản từng một thời tạo cho mình một thứ hào quang giả mạo, khiến nhiều người lầm lẫn tin theo. Tuy nhiên bên cạnh những người lạc đường lạc lối này, vẫn có nhiều nhân vật trí thức mang đôi cánh của Pégase và Hippogriffe.

Trong thực tế, để tiếp tục sống còn, cộng sản đã phải tự phủ nhận, thậm chí tự phản bội. Ðảng Cộng sản Ðức ngày nay mang tên PDS (Partei des Demokratischen Sozialismus, Ðảng Xã hội Chủ nghĩa Dân chủ) thay tên SED (Sozialistische Einheitspartei Deutschlands, Ðảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Ðức) thời Ulbricht - Honecker. Năm 2005, Đảng Cộng sản Nhật sửa đổi sâu sắc điều lệ đảng, từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lê.

Bài viết hôm nay giới thiệu một số trí thức không phải chỉ có cái tiểu thông minh tầm thường để thu nhập kiến thức, kiếm chác văn bằng mà đã đạt đến cái đại trí tuệ xuất chúng để nhận chân được chân lý, giác ngộ được lẽ phải.

Trong hoàn cảnh nước ta bị đặt dưới sự toàn trị của Đảng Cộng sản, một số thanh niên du học nước ngoài đạt được nhiều thành tựu học vấn đã trót nghe theo lời đường mật của lãnh tụ, của bộ máy để về nước phục vụ. Rồi dần dà họ nhận thức rằng mình đã chọn sai chỗ đứng. Tội nghiệp hơn nữa, có người bị hành hạ, đàn áp, bao vây, cô lập đến nỗi không còn nghị lực chống đối, chỉ còn sức tàn chống đói. Chống đói cho bản thân, cho vợ con. Thực là ngậm ngùi xót xa khi nghĩ đến số phần của họ: Rằng tài nên trọng mà tình nên thương.


André Gide (1869-1951) là nhà văn lớn có nhiều ảnh hưởng đến thanh niên trí thức và văn học Pháp trước Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Có nhiều tác phẩm nổi tiếng: Les nourritures terrestres (Món ăn trần thế), L'immoraliste (Kẻ vô luân), La porte étroite (Cửa hẹp), Les caves du Vatican (Những căn hầm ở Va-ti-căng), La symphonie pastorale (Bản giao hưởng đồng quê), Les faux-monnayeurs (Bọn làm bạc giả), Si le grain ne meurt (Nẩy mầm). Một thời gian Gide có cảm tình với chủ nghĩa xã hội, năm 1932 tham dự Hội nghị Hoà bình Thế giới, năm 1936 đi Liên Xô. Chuyến đi Liên Xô có hoài bão phát hiện một thế giới mới, một thế giới ở đấy sự không ngờ có thể ra hoa (où l'inespéré pouvait éclore). Chuyến đi lịch sử được nhiều tín đồ chính trị theo dõi và chờ đợi. Nhưng Gide trở về trong thất vọng não nề. Nghĩa vụ chân lý (loi de vérité) bắt buộc Gide phải nói lên nỗi kinh sợ và sự ghê tởm chủ nghĩa Stalin mà nhà văn đích thân nhìn thấy tận mắt, nghe được tận tai. Gide dũng cảm nói lên sự giác ngộ của mình qua hai tác phẩm cũng rất nổi tiếng: Retour de l'URSS (Từ Liên Xô về) và Retouches à mon Retour de l'URSS (Sửa lại cuốn Từ Liên Xô về) nói rõ thêm chủ đề tư tưởng của cuốn trước. Rồi Gide đoạn tuyệt với lý tưởng cộng sản, với chủ nghĩa xã hội.


George Orwell (1903-1950) là nhà văn Anh sinh tại Ấn Độ, mất tại Luân Đôn. Sang Miến Điện thuộc Anh, gia nhập ngành cảnh sát (1922-1927) nhưng rồi ra khỏi ngành cảnh sát vì đối diện với chính sách đàn áp thực dân; trở về Anh rồi sang Pháp. Viết tiểu thuyết Burmese Days (Những ngày ở Miến Điện) phê phán xã hội, nói lên lập trường chống thực dân. Những ngày thất nghiệp lang thang ở Pháp và Anh được ghi lại trong Down and Out in Paris and London (Cùng đường ở Ba Lê và Luân Đôn). Qua các sách nầy, Orwell không giấu giếm cảm tình với cộng sản. The Road to Wigan Pier (Ðường tới bến tầu Uy-gơn) phản ảnh hoàn cảnh các thành phần xã hội không có công ăn việc làm ở miền Bắc nước Anh; Homage to Catalonia (Suy tôn miền Ca-ta-lô-nhơ) sáng tác khi tham gia chiến tranh Tây Ban Nha; cả hai đều nói lên niềm tin của tác giả vào chủ nghĩa xã hội. Nhưng hai danh tác của George Orwell được biết đến nhiều nhất lại là hai tác phẩm dự tưởng châm biếm chủ nghĩa xã hội và thiên đường Liên Xô: Animal farms (Trại súc vật) và Nineteen Eighty Four (Một nghìn chín trăm tám tư) lấy chất liệu nghề nghiệp qua tư cách thông tín viên đài phát thanh BBC và tạp chí The Observer trong Thế chiến Hai, nhờ đó Orwell có cơ hội và phương tiện tự xét lại lập trường đối với lý thuyết cộng sản để rồi trở thành kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa xã hội và Liên Xô.


Vladimir Vladimirovitsh Maiakovski (1894-1930) đã được chế độ Liên Xô lấy tên đặt cho một thành phố. Hoan nghênh Cách mạng tháng 10, Maiakovski làm thơ, ví dụ Levy Marsh (Hành khúc Trái); viết kịch, chẳng hạn Misterija Buff (Diệu pháp - Hề) với những lời lẽ thôi thúc hành động chiến đấu hay vạch đường cách mạng vô sản. Maiakovski đả kích mọi ý tưởng thời đại, tấn công đạo lý, luân thường tư sản; đánh phá tôn giáo và chính trị trong những trường ca Oblako v schtanach (Áng mây mặc quần), Voina i mir (Chiến tranh và thế giới) v.v... Cao điểm sáng tác của Maiakovski là trường ca Vladimir Ilitsch Lenin, một bản khải ca về sự phát triển của phong trào công nhân cho đến khi Lê-nin từ trần, nói lên thái độ ngưỡng mộ vô biên của tác giả đối với vị thượng đế mới. Mojo otkrytije Ameriki (Tôi khám phá ra nước Mỹ) là tác phẩm văn xuôi lên án thế giới tư bản Hoa Kỳ lạc hậu về văn hoá và chính trị. Trường ca Khorosho (Tốt, tốt) viết mười năm sau cách mạng, thể hiện những tình cảm mới về cuộc đời mới. Tác phẩm của Maiakovski được dịch ra năm mươi tám thứ tiếng của các dân tộc ở Liên Xô cũ và ba mươi chín tiếng nước ngoài, nhất là trong phe xã hội chủ nghĩa. Maiakovski được giảng dạy ở các trường phổ thông và trường đại học Việt Nam. "Bác" cũng trích thơ của "đồng chí" Maiakovski nhân dịp nói chuyện tại Ðại hội lần thứ ba của Ðoàn Thanh niên Lao động Việt nam năm 1961. Sáng tác văn học của Maiakovski như vừa trình bầy được các tài liệu trong nước phổ biến. Nhưng tôi chưa được đọc tài liệu tiếng Việt nào nói chi tiết về cái chết của Maiakovski [1] . Thật ra, Maiakovski tự tử bằng cách bắn một phát súng lục vào tim vì các lý do: không thấy những điều kỳ vọng được thực hiện mà chỉ thấy cách mạng tiến bước ì ạch, thở dốc; tính cách bấp bênh của tương lai; rắc rối hành chánh nhất là từ Bộ Văn hoá; thất vọng tình cảm. Như thế, Maiakovski tìm cái chết để tự xử trước toà án lương tri của người trí thức sau khi hoàn tất tác phẩm cuối đời - tất nhiên không được người cộng sản nhắc đến - là (bản dịch tiếng Pháp) Les bains (Tắm gội), bản văn phúng thích chỉa thẳng mũi dùi vào chế độ quan liêu stalinit. Ngày Maiakovski lìa bỏ thiên đường cộng sản là ngày 14 tháng tư năm 1930, lúc đó Maiakovski mới ba mươi sáu tuổi.


Jean Paul Sartre (1905-1980) là nhà văn và nhà triết học hiện sinh Pháp, giải thưởng Nobel 1964 (nhưng Sartre không nhận); thạc sĩ triết học, dạy học, tham gia kháng chiến chống Ðức, sáng lập tạp chí Les temps modernes (Thời thế mới) năm 1945. Bạn đời là nhà văn Simone de Beauvoir. Triết học hiện sinh của Sartre ghép hiện tượng học Ðức của Heidegger và Husserl với chủ nghĩa Marx. Sartre trình bầy nhân sinh quan của mình trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng La nausée (Buồn nôn), Les chemins de la liberté (Những con đường của tự do) và tập truyện Le mur (Bức tường). Trong L'être et le néant (Thực thể và hư vô), Sartre giải thích tính vô lý của cuộc đời về mặt lý luận triết học. Các vở kịch Les mouches (Ruồi), Huis clos (Cửa đóng) trình bày số phận cô đơn của con người và suy tư của tác giả về tự do. Les mains sales (Tay bẩn) đề cập đến sự xung đột giữa thực tế và lý tưởng trong chính trị qua hành động của một thanh niên trí thức tham gia Đảng Cộng sản chống phát xít. Từ năm 1952, Sartre xích lại gần Đảng Cộng sản Pháp, ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh Ðông Dương, năm 1953 viết L'affaire Henri Martin (Vụ Hăng-ri Mác-tanh); sau đó tham gia phong trào phản đối sự can thiệp của Hoa Kỳ ở Việt Nam; năm 1966, cộng tác với Toà án Russell. Nhưng cũng năm 1966, Sartre lên tiếng ở Ðại học Sorbonne, đả kích quân đội Nga Xô can thiệp ở Praha. Rồi trí tuệ và lương tri của người trí thức đã khiến Sartre đổi hẳn thái độ đối với bạo quyền Việt cộng khi chứng kiến thảm cảnh của đồng bào ta vượt biển vượt biên. Sartre là một trong những cổ động viên tích cực của chương trình cứu người trên Biển Đông, với con tàu Ile de Lumière hoạt động ở Poulo-Bidong kể từ ngày 18.04.1979.


Roger Vailland (1907-1965), nhà viết tiểu thuyết Pháp, xuất thân từ École Normale Supérieure (Ðại học Sư phạm), làm báo, phóng viên Chiến tranh Thế giới thứ Hai, kháng chiến chống Ðức, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp năm 1952. Cuốn tiểu thuyết "ngộ nghĩnh" đầu tay của Vailland là Drôle de jeu (Trò chơi ngộ) viết năm 1944, mang dáng dấp tự truyện; nhân vật trung tâm, nhà báo Francois Lamballe, biệt danh Marat, được xây dựng với nhiều chi tiết cá tính giống tác giả. Anh ta chỉ huy một tổ chức giao liên theo phe De Gaulle, trong tổ chức có nhiều người cộng sản. Marat vừa đánh giặc vừa chơi đĩ và cướp gái, trong khi người phụ tá Rodrigue lại là một chiến sĩ cộng sản đạo đức. Sau tác phẩm này, Vailland viết tiểu thuyết theo lập trường phân tích mác-xít: Bon pied bon oeil (Vững chân tinh mắt), Un jeune homme seul (Một thanh niên cô độc), Beau masque (Mặt nạ đẹp), 325.000 francs (325.000 quan); ngoài ra còn viết vở kịch Le colonel Foster plaidera coupable (Ðại tá Phốt-tơ có tội) lên án chiến tranh Triều Tiên do nước Mỹ lãnh đạo. Nhưng rồi cuộc nổi dậy rầm rộ của dân chúng Hung Gia Lợi bùng nổ năm 1956 và bị đàn áp cực kỳ dã man. Người trí thức trong Vailland, quen với cung cách tư duy phóng túng và lối sống ngang tàng, đã đặt nhà văn vào thế đứng quyết liệt: Vailland ra khỏi Đảng Cộng sản Pháp năm 1956. Và cũng chỉ sau thời điểm này, văn tài Vailland mới được chắp cánh bay cao và bay xa: La loi (Luật) mang lại cho tác giả Giải thưởng Goncourt 1957, La fête (Ngày lễ) và La truite (Cá hương) sáng tác theo đường lối nặng phần hiện thực "kinh điển" hơn là hiện thực "cách mạng".


Roger Garaudy sinh năm 1913, vào Đảng Cộng sản Pháp năm 1933, thạc sĩ triết học năm 1936, năm 1940 bị bắt và an trí ở Algérie cùng với hàng trăm đảng viên cộng sản khác, được phóng thích năm 1943. Năm 1944 trở về Pháp, đắc cử đại biểu quốc hội vùng Tarn, Ủy viên dự khuyết rồi Ủy viên chính thức Trung ương Ðảng từ 1950 đến 1970. Năm 1949 soạn bản luận văn L'Église, les communistes et les chrétiens (Nhà thờ, người cộng sản và người công giáo), đả kích kịch liệt nhà thờ Thiên chúa giáo, được phổ biến rộng rãi trong phong trào cộng sản. Phóng viên báo Humanité (Nhân đạo) ở Mạc Tư Khoa. Năm 1954 trình luận án Tiến sĩ Triết học ở Sorbonne, kế được phong học vị Tiến sĩ khoa Triết của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Trong giai đoạn chiến tranh lạnh, Garaudy là lý thuyết gia hàng đầu của Đảng Cộng sản Pháp, nhiệt tình ủng hộ học thuyết Lyssenko [2] . 1956 đắc cử đại biểu quốc hội thủ đô Paris, Phó Chủ tịch quốc hội Pháp, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị rồi Uỷ viên chính thức Bộ Chính trị năm 1961. Vào thời điểm nầy Garaudy đạt tột đỉnh danh vọng trong Đảng, chỉ đạo biên tập cơ quan lý thuyết của Đảng Cahiers du communisme (Tạp chí cộng sản), làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác, tổ chức dịch thuật Lê -nin toàn tập sang Pháp văn. Nhưng Garaudy bắt đầu tự vấn lương tâm khi bàn về phương pháp luận văn học nên năm 1964 viết D'un réalisme sans rivage (Về một chủ nghĩa hiện thực không bến bờ) phê phán quan điểm văn nghệ của Đảng, chỉ trích phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa trong sáng tác và phê bình nghệ thuật. Garaudy cắt đứt liên hệ với cộng sản một cách rất đột ngột: tháng năm 1968, giữa phiên họp Bộ Chính trị, Garaudy đả kích tàn tệ Georges Marchais [3] vì bất đồng chính kiến về phong trào tranh đấu của sinh viên. Quân đội Khối Hợp tác Quân sự Warszawa xâm lăng Tiệp Khắc tháng năm 1968 thì ngày 21 tháng mười 1968, Đảng Cộng sản Pháp phổ biến nội bộ nội dung vụ Garaudy chống Đảng. Ngày 6 tháng hai 1970, trước một cử tọa gồm hàng ngàn đại biểu các đảng bộ và đảng đoàn toàn quốc về tham dự Ðại hội Đảng kỳ XIX, Roger Garaudy lên máy vi âm lần chót trong một bầu không khí lạnh như băng và lặng như tờ. Ngày 30 tháng Tư 1970, Garaudy bị khai trừ khỏi Đảng. Từ 1970 trở đi, Garaudy sáng tác với niềm xác tín là đảng cộng sản thay vì khích lệ đã kềm hãm sáng tạo của người nghệ sĩ, văn sĩ. Tác phẩm đổi đời và để đời có Toute la vérité (Tất cả sự thật) 1970, Reconquête de l'espoir (Khôi phục hy vọng) 1971, Parole d'homme (Ngôn ngữ thiện nhân) 1975. Và Garaudy cải đạo theo Thiên chúa giáo (gia đình Garaudy vốn nguyên là tín đồ Tin lành).

Quá trình sáng tạo văn học bao giờ cũng chịu sự qui định và nhận dấu ảnh hưởng của một thế giới quan nhất định. Những cây bút vừa được đan cử từng tin theo chủ thuyết cộng sản, từng gia nhập Đảng Cộng sản mà có người như Aragon [4] , bảo rằng đã mang đến cho mình cặp mắt và trí tuệ. Nhưng cũng chính "Ðảng" đã khiến họ "sáng mắt sáng lòng" khi chứng kiến vai trò đồ tể của "Ðảng", khi ghi nhận tính cách tội phạm lịch sử của chế độ. Và họ, những người trí thức xứng đáng với danh xưng trí thức, đã có đủ dũng khí, đởm lược, bản lĩnh, nhân phẩm để nhận chân chân lý và trở về với công lý. Họ cùng đứng trong một đội ngũ không phải là không đông đảo:


André Breton (1896-1966), nhà thơ và nhà văn Pháp, học y, trong Đệ nhất Thế chiến làm việc ở một trạm xá tâm thần. Vào Đảng Cộng sản Pháp năm 1927 nhưng năm 1929 thì cắt đứt liên lạc với Aragon và năm 1933 thì bị khai trừ khỏi Đảng, đồng thời bị tống xuất ra khỏi Hiệp hội Văn sĩ và Nghệ sĩ Cách mạng (Association des écrivains et artistes révolutionnaires, AEAR), một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng sản. Nguyên do chỉ vì từ khi gia nhập Đảng, Breton luôn luôn chủ trương tôn trọng quyền phê phán chỉ trích và khước từ chấp nhận bất cứ hình thức quản lý tư tưởng nào. Tháng Sáu năm 1935, chính thức đoạn tuyệt với Ðệ tam Quốc tế; kịch liệt tố cáo phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa vì nó chỉ xiềng xích tự do sáng tạo. Năm 1938, Breton đi Mễ Tây Cơ gặp Trotsky và viết bản tuyên ngôn Pour un art révolutionnaire indépendant (Vì một nền nghệ thuật cách mạng tự chủ).


Marguerite Duras sinh ở Gia Định năm 1914, mất ở Paris năm 1996, sống mười tám năm ở Ðông Dương trước khi về Pháp. Tham gia kháng chiến chống Quốc xã. Năm 1944 vào Đảng Cộng sản Pháp, năm 1950 bị tước đảng tịch do tư cách trí thức độc lập, ưa phản kháng. Từ 1981, tích cực ủng hộ Francois Mitterand, người đồng chí kháng chiến cũ, viết bình luận cho nhiều nhật báo.


Arthur Koestler, nhà văn và nhà báo Hung Gia Lợi, sinh năm 1905 ở Budapest, mất năm 1983 ở Londres. Viết tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Hung, vào Đảng Cộng sản Ðức năm 1932 nhưng bỏ Đảng năm 1938; sống lưu vong ở Mỹ, Anh, Pháp, viết tiểu thuyết và luận văn kết án nặng nề chế độ cộng sản và Liên Xô; được ngưỡng mộ qua các sáng tác Darkness at noon (Tối tăm giữa trưa, tiếng Pháp: Le zéro et l'infini ), tiểu thuyết; The yogi and the commissar (Tu sĩ du-già và viên chính uỷ, tiếng Pháp: Le commissaire et le yogi), luận văn chính trị.


György Lukács (1885-1970), nhà văn, nhà triết học, mỹ học, nghiên cứu và phê bình văn học Hung Gia Lợi. Viết tiếng Ðức và tiếng Hung. Bị lý tưởng mác-xít mê hoặc, gia nhập Đảng Cộng sản Hung năm 1918, giai đoạn Béla Kún thiết lập chế độ cộng sản độc tài (1919), được bổ nhiệm làm Uỷ viên Tuyên huấn Trung ương Ðảng, cộng tác viên Viện Marx-Engels Mạc tư khoa. Nhưng rồi chán nản sống lưu vong ở Ðức cho đến 1945. Ở Ðức viết Geschichte und Klassenbewusstsein (Lịch sử và ý thức giai cấp), tuyển tập nghiên cứu được xem như "Thánh kinh của người trí thức mác-xít phương Tây", tuy nhiên lại bị cộng sản giáo điều lập tức công kích dồn dập. Trở về Budapest năm 1945, chủ yếu nghiên cứu và dạy mỹ học và triết học về văn hoá. Một số tác phẩm ra sau 1945: Existentialismus oder Marxismus (Chủ nghĩa hiện sinh hay chủ nghĩa Mác), Die Zerstörung der Vernunft (Sự hủy hoại lý trí). Sau vụ rối loạn tháng Mười 1956, Lukács càng đi "lệch hướng" xã hội chủ nghĩa nên phải thường xuyên viết tự kiểm; gây tranh luận và đánh giá lại tác phẩm của chính mình trong các ban tuyên huấn Đảng.


André Malraux (1901-1976), nhà văn, nhà nghệ thuật, chính khách Pháp, thoạt tiên có cảm tình với cộng sản. Le temps du mépris (Thời khinh miệt) lấy chất liệu từ những cố gắng can thiệp của Malraux cho người đảng viên cộng sản Dimitroff, trở thành nhân vật tiểu thuyết Kassner. Mùa hè 1934, Malraux tham dự Ðại hội Văn học ở Mạc Tư Khoa bên cạnh Ehrenburg, Nikoulin [5] . Khi Malraux phát biểu, Nikoulin bảo: "Tôi phải nói thêm với đồng chí Malraux vì đồng chí có một câu khiến có nhiều cách hiểu: "Ai đặt nhiệt tình chính trị lên trên lòng yêu chuộng sự thật thì chớ có đọc sách của tôi. Sách đó không phải viết cho họ đâu!" [6] . Kết quả là năm 1939, Malraux đổi thái độ, vào phe De Gaulle, làm Bộ trưởng Thông tin (1945-1946) rồi Bộ trưởng Văn hoá (1958-1969).


Henri Miller sinh năm 1891 tại New York, lớn lên trong khu người nghèo ở Brooklyn. Tác phẩm nổi tiếng có Tropic of Cancer (Hạ chí tuyến), Tropic of Capricorn (Ðông chí tuyến), The World of Sex (Thế giới tình dục) v.v… Miller chống lại mọi công thức của xã hội tư sản, như các nhà văn thuộc Beat Generation (Thế hệ Beat). Nhưng trước làn sóng tỵ nạn cộng sản của đồng bào ta sau 1975, Miller đả kích kịch liệt Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Mất năm 1980 ở Pacific Palisades.


Cesare Pavese (1908-1950) nhà thơ, nhà viết ký và dịch thuật người Ý. Tham gia kháng chiến chống phát xít, bị đày đi Calabria. Năm 1943 vào Đảng Cộng sản Ý và cộng tác với báo đảng Unita (U-ni-ta). Tác phẩm có Prima che il gallo canti (Trước khi gà gáy), tiểu thuyết; Il compagno (Người bạn), tiểu thuyết; Il mestiere di vivere (Nghề sống), nhật ký thời gian 1935-1950. Lý tưởng cộng sản không giúp Pavese chiến thắng được nỗi cô đơn khắc khoải nên cuối cùng Pavese tự sát vì cảm thấy bất lực trước những vấn nạn của thành phố Turin và thời đại hậu chiến.


Charles Péguy (1873-1914) nhà thơ và nhà văn Pháp, xuất thân từ một gia đình gốc nông dân, làm công nhân và thợ thủ công, học trường Ðại học Sư phạm. Mới đầu theo chủ nghĩa xã hội, hết lòng cùng phong trào hoà bình quốc tế; viết những bản tuyên ngôn chủ nghĩa xã hội [De la cité socialiste (Về thị thành xã hội chủ nghĩa), 1er Dialogue de la cité harmonieuse (Ðối thoại thứ nhất về thành phố thân hữu)]; tham gia thành lập một nhà sách xã hội chủ nghĩa; nhưng rồi giác ngộ quay trở lại với truyền thống yêu nước, với lý tưởng Công giáo; bút chiến với bạn cũ Daniel Halévy; hy sinh ở chiến trường Marne chống Ðức.


Theodor Plievier (1892-1955) nhà văn Ðức, sinh tại Berlin, mất tại Avegno, Thụy Sĩ. Năm 1914 gia nhập hải quân và tham gia một vụ nổi loạn của thủy thủ đoàn. Năm 1918, lấy chất liệu sống để viết Des Kaisers Kuli (Những tên khổ sai của hoàng đế, tiếng Pháp Les galériens du Kaiser) năm 1930, tường thuật lại hành trạng một người trẻ tuổi theo chủ nghĩa xã hội. Nhưng chính bộ trường thiên ba tập Stalingrad (Xta-lin-grát, 1946) nêu lên sự khủng khiếp và vô lý của cuộc chiến về phía binh sĩ Ðức, Moskau (Mạc Tư Khoa, 1952) và Berlin (Bá Linh, 1954) tấn công trực diện Liên Xô và cộng sản, mới làm Plievier nổi tiếng.


Francis Ponge (1899-1988) nhà thơ Pháp. Năm 1961 xuất bản toàn bộ sáng tác của mình dưới tên chung Le grand recueil (Sưu tập lớn), gồm ba phần: 1. Lyres (Thi pháp), biên khảo về các thi sĩ và họa sĩ; 2. Méthodes (Phương pháp), suy tư về thi ca; 3. Pièces (Thi phẩm), tập hợp những bài thơ phần lớn bằng văn xuôi. Ponge vào Đảng Cộng sản Pháp nhưng rồi lại ra khỏi Đảng để tự do theo đuổi đường hướng sáng tác phóng khoáng của mình, dùng ngôn ngữ làm phương tiện mô tả tỉ mỉ nhằm khám phá bản thể của những vật vô tri như con bướm, con tôm, con ốc, quả cam, hòn đá, bánh xà phòng; báo hiệu phong trào Tiểu thuyết Mới với Nathalie Sarraute và rất gần chủ nghĩa hiện sinh với Jean Paul Sartre.


John Steinbeck (1902-1968) nhà văn Mỹ, Giải thưởng Nobel 1962; thuở thiếu thời và tuổi thanh niên sống rất vất vả, làm đủ nghề để mưu sinh: công nhân nông nghiệp, phu nuôi cá, chăn bò, thợ nhà máy đường, gác-dan, phụ thợ nề. Hai vợ chồng nhiều khi chỉ có cá câu trong vịnh Monterey là nguồn thực phẩm duy nhất. Cuộc sống lao động thiếu thốn này được thể hiện bằng bút pháp hiện thực phê phán trong những truyện đầu tay, ví dụ In Dubious Battle (Cuộc chiến đấu chưa biết ra sao) viết năm 1936, kể lại chuyện đình công của công nhân hái quả theo vụ ở California, do những người cộng sản lãnh đạo; tác phẩm bị người cộng sản chính hiệu phủ nhận vì nhân vật trung tâm từ chối sử dụng bạo lực; Of Mice and Men, 1937 (Về chuột và người) mô tả đời sống bi thảm của lực lượng lao động nông nghiệp, đã quay thành phim với B. Meredith; The Grapes of Wrath, 1939 (Bất bình chín muồi) viết về nông dân bị mất đất do nợ nần phải di cư đến Cali trong những năm khủng hoảng kinh tế, được Giải Pulitzer và cũng được quay thành phim với H. Fonda. Nhờ tác phẩm này Steinbeck nổi danh đột ngột trong tư thế một cây bút sáng tác theo khuynh hướng trào lưu văn học vô sản, đi sâu phân tích hoàn cảnh xã hội trong sáng tạo. Năm 1947 đi Liên Xô, viết Russian Journal (Nhật ký Nga) năm 1948, ghi chép các cảm tưởng về Mạc Tư Khoa và Nga Xô viết. Năm 1952, East of Eden (Bên kia thiên đường) ra đời, cũng quay thành phim với James Dean. Sau Đệ nhị Thế chiến, Steinbeck càng ngày càng xa rời thái độ thiên tả và những năm cuối đời, khi Hoa Kỳ lâm chiến ở Việt Nam, Steinbeck bênh vực chính nghĩa tự do chống cộng, ca tụng quân lực đồng minh, sang vùng quốc gia cùng không quân Hoa Kỳ sử dụng trực thăng lùng bắt "Vixi".


Vercors, tên thực Jean Bruller (1902-1991), nhà văn Pháp, rất có uy tín trong kháng chiến chống Ðức, thành lập Éditions de minuit (Nhà xuất bản nửa đêm), nổi tiếng do truyện Le silence de la mer (Yên lặng của biển cả), đã quay thành phim, xuất bản bí mật trong khi Ðức chiếm đóng Pháp, chủ đề do chiến tranh cung cấp: giữa những người Ðức và người Pháp có mối mâu thuẫn thù địch không vượt nổi mặc dù cùng thuộc một tầng lớp xã hội, cùng thị hiếu và văn hoá, tôn trọng nhau. Vercors đi rất nhiều: Anh, Ðức, Ý, Mỹ, Trung Hoa, Liên Xô, Bắc Phi, Viễn đông, sang cả Việt Nam. Có cảm tình với cộng sản, Vercors nhận chức Chủ tịch Hội Quốc gia các nhà văn (Comité national des écrivains, CNE) nhưng năm 1956 cương quyết từ chức và viết P.P.C. (Pour prendre congé, Ðể từ biệt), nội dung chia tay với Đảng Cộng sản do bất đồng chính kiến trầm trọng.

Những người được liệt kê danh tính trong bài viết hôm nay có người chỉ lầm một đôi năm, có người lầm cả chục năm, có người như Mayakovsky coi như lầm cả ba mươi sáu năm của cuộc đời! Nhưng họ đã có cái đởm lược của hào kiệt, cái dũng khí của thánh nhân, cái đại trí của thiên sứ để mà công khai, dứt khoát thú nhận sự lầm lẫn của mình, đã trót trao thân cho phường tà giáo, đã lỡ dấn thân vào trường ma quỉ khi một sáng một chiều bỗng chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Trí tuệ của họ còn khiến họ nhận thức được công lý, phát hiện ra sự thật vào thời điểm mà chủ nghĩa xã hội, lý thuyết cộng sản đang ở vào thế thượng phong trên vũ đài chính trị; khi mà châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Phi đều không thiếu quốc gia hoặc đã hay đang sắp tấp tểnh xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Họ không phải chờ đến lúc Liên Xô tan rã, khối Ðông Âu giải thể, bức tường Berlin sụp đổ rồi mới khúm núm dâng kiến nghị hay gập người nhận cởi trói.

Sai lầm thuộc bản thể loài người. Nhưng lắm kẻ trong chúng ta, được xem hay tự xem là trí thức, khi phạm sai lầm hoặc sơ hở, chẳng những không thấy nổi sai lầm hay sơ hở mà khi được người khác thân ái chỉ cho sơ hở sai lầm còn tỏ ra thiếu lương thiện, bất phục thiện; đổ quấy đổ quá cho những nguyên nhân này nọ, thậm chí đi đến rêu rao là chúng ta còn thiếu hay chưa có tự do! Ðược tha nhân chỉ cho mà chẳng chịu thấy thì tự mình thấy được còn khó đến đâu! Huống chi sự sai lầm trong trường hợp bài viết hôm nay đang bàn là sự sai lầm trọng đại về ý thức hệ, về thế giới quan, về tư tưởng, về lập trường. Dẫu vậy, khi thấy mình sai thì những Gide, những Vailland sẵn sàng tự mình đứng sang phía sự thật, sẵn sàng bảo vệ công lý. Gide, Vailland v.v… đã từng hăng hái thu thập những kiến thức về chủ nghĩa xã hội, đã từng đam mê nghiên cứu học thuyết Mác-Lê, đã từng đề cao, tán dương, tin tưởng thiên đường cộng sản. Nhưng rồi như lời Édouard Herriot, họ đã bảo tồn văn hóa theo cung cách xem văn hóa là cái gì còn lại sau khi đã quên hết (la culture, c’est “ce qui reste quand on a tout oublié“). Ðộc lập trong đường hướng và phương pháp tư duy, không mảy may lệ thuộc vào hành trang tri thức đã gom góp; họ, ở một khúc ngoặt của cuộc đời trí thức, đã can đảm đoạn tuyệt với cái gọi là Đảng viết hoa, đã hạ bệ không tiếc thương thần tượng cũ. Và tích cực hơn nữa, họ nhiệt tình bênh vực các nạn nhân của độc tài đảng trị, đả kích kịch liệt chủ nghĩa Satan-Mephisto. Trong tư cách là những người có văn hóa, có dũng khí, có trí tuệ, họ đã cưu mang những tác phẩm sau khi đốn ngộ đáng được xem là những tác phẩm lớn của văn học. Nhưng bên cạnh cũng có những câu nói – chỉ cần một câu nói chứ chẳng cần cả ngàn câu viết trong một tác phẩm – đáng được xem là danh ngôn. Bertolt Brecht chẳng hạn vẫn còn nhất điểm linh đài để trong một sát-na đại giác, bảo thẳng được vào mặt Đảng Cộng sản Ðông Ðức: “Schaff dein Volk ab und wähl’ dir ein anderes.“ (Hãy tiêu diệt dân tộc của ngươi đi và chọn lựa một dân tộc khác).

Westpreußenstr., 05.09.2008

© 2008 talawas



[1]Ông Hoàng Ngọc Hiến trong bài "Mai-a-kốp-xki ở Việt Nam" đăng trên tạp chí Văn học (Hà Nội) số 3.1974, trang 98-104, chỉ có bốn chữ “cái chết bất hạnh" để mô tả trường hợp nhà thơ từ trần. Ngoài ra, tiểu luận chấm dứt như sau: “Có lẽ Bác là người đầu tiên gọi Mai-a-kốp-xki là đồng chí." Toàn bài duy có câu chót này là đáng chú ý. Maiyakovsky là công dân Xô-viết toàn tâm toàn ý ca tụng lãnh tụ, ca tụng chế độ. Thế nhưng cả toàn khối xã hội chủ nghĩa gần một tỷ rưỡi con người và qua hơn ba thập niên, không ai dám gọi Maya là đồng chí! Phải chờ đến lượt Bác! Gọi một kẻ tự sát, tự phủ nhận, qua đó phủ nhận chế độ sau khi sáng tác bản văn mạt sát Stalin, có lẽ Bác bốc đồng hay nói sảng? Dầu sao Hoàng Ngọc Hiến cũng cẩn thận chu đáo ghi rõ ở phần chú thích rằng chuyện Bác gọi Maya là đồng chí được dẫn từ Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, tập VI, Nhà xuất bản Sự Thật, 1962, trang 169! Về cái chết của Maya, có dư luận cho là nhà thơ bị mật vụ của Stalin hạ sát. Tuy nhiên sau khi Liên Xô sụp đổ và hồ sơ KGB được giải mật, không thấy có chứng cớ nào về chuyện này.
[2]Trofim Denissovitch Lyssenko (1898-1976), nhà sinh học và nhà nông học Xô-viết, phủ nhận thô bạo học thuyết Mendel với vai trò các gen trong di truyền vì cho là học thuyết tư sản. Học thuyết Lyssenko được quảng bá rầm rộ trong phe xã hội chủ nghĩa từ 1940 đến 1955, khiến khoa sinh học cộng sản tụt hậu một cách thê thảm. Lyssenko nghiên cứu ảnh hưởng sinh lý của môi trường ở nhiệt độ thấp trên hạt giống và cây cối. Tuy nhiên giới nông học Ðông Ðức đã không theo Lyssenko nên chế độ Ulricht-Honecker vẫn duy trì được thứ hạng số một về sản xuất hạt giống ở châu Âu.
[3]Georges Marchais (1920-1997), kết nạp Đảng Cộng sản Pháp năm 1927, Tổng Bí thư Ðảng từ 1972 đến 1994.
[4]Louis Aragon (1897-1982) học Trường Quân y Val de Grâce năm 1917, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp năm 1927, năm 1928 gặp người yêu là Elsa Triolet, em vợ Mayakovsky. Ðôi lứa uyên ương nổi tiếng này ba lần sang thăm Liên Xô. Aragon viết nhiều tập thơ ca ngợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, cộng tác với báo Humanité (Nhân đạo), lập báo cộng sản Ce soir (Chiều nay), sáng tác trường thiên tiểu thuyết sáu tập Les Communistes (Những người cộng sản). Aragon được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, suốt đời có vẻ trung thành với Đảng. Các tác phẩm nói lên tình cảm tha thiết đối với Elsa Triolet: Cantique à Elsa (Ca ngợi Elsa), Les yeux d’Elsa (Ðôi mắt Elsa) cũng như tiểu thuyết Elsa (Elsa) là những danh tác đẫm chất trữ tình. Câu thơ Tố Hữu "Ðảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng" là dịch thoát ý từ lời thơ Aragon mở đầu bài "Du poète à son parti" (Người thơ dâng Đảng) in trong La Diane francaise (Cảnh tỉnh nước Pháp), Nhà xuất bản Seghers, Paris, 1945, trang 87: Mon parti m’a rendu mes yeux et ma mémoire.
[5]I. G. Ehrenburg (1891-1967), nhà văn và nhà báo Xô-viết, giải thưởng Hòa bình Quốc tế Lenin 1952, giải thưởng Quốc gia Liên Xô 1942 do tác phẩm chống phát xít Padenije Parizha (Paris thất thủ), giải thưởng Quốc gia Liên Xô 1948 do tác phẩm Burja (Bão táp) v.v... N. I. Nikoulin là nhà biên khảo Xô-viết, thành thạo Việt ngữ, thường có bài đăng trên tạp chí Văn học của Viện Văn học Hà Nội, từng công tác tại tiểu ban Văn học, hệ Sử học, Viện Ðông phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ.
[6]Nguyên văn trong Jean Lacouture. André Malraux. Une vie dans le siècle (André Malraux. Một cảnh đời trong thế kỷ), Nhà xuất bản Seuil, Paris, 1973, trang 172: “Que tous ceux qui mettent des passions politiques au-dessus de l’amour de la vérité s’abstiennent de lire mon livre. Il n’est pas écrit pour eux!“. Malraux muốn đề cập đến tác phẩm La condition humaine (Phận người), giải thưởng Goncourt 1933.