trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 13 / 13 bài
  1 - 13 / 13 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
27.9.2008
Nguyễn Q. Thắng
Trả lời ông Phạm Hoàng Quân
 
Trên talawas ngày 23.9.2009 có bài viết của ông Phạm Hoàng Quân nhan đề "Bàn về quyển Hoàng Sa, Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam nhìn từ Công pháp Quốc tế của tác giả Nguyễn Q. Thắng". Tác giả cuốn sách trên xin được có mấy lời phúc đáp ông Phạm Hoàng Quân.

Bài viết của ông Phạm Hoàng Quân có các đề mục sau:

  • I. Tiền đề
  • Mở rộng
  • Mở rộng hơn
  • II. Vấn đề
  • A. Các sai lầm do thiếu kiến thức
  • Mở rộng
  • B. Các chú thích và phụ lục yếu kém
  • III. Tóm lại: (nguyên văn)

Trong phần “Tiền đề”, “Mở rộng”, “Mở rộng hơn”, tác giả Phạm Hoàng Quân chứng minh rồi kết luận các tài liệu của Lê Quý Ðôn trong Phủ biên tạp lục của Việt Nam là sai; vì theo ông và các tác giả Trung Quốc hiện đại như như Ðới Khả Lai, Lữ Nhất Thiên, Quách Vĩnh Phương, Hàn Chấn Hoa... thì các mô tả và định danh của Lê Quý Ðôn trong sách Phủ biên tạp lục không phù hợp với địa lí Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc, và cũng vì tác giả (Nguyễn Q. Thắng) “phải đạt mức chính xác. Tuy nhiên do sự hiểu biết về sử tịch Trung Quốc quá nông cạn... đã phạm đầy sai lầm”.

Về điều này, một người “hiểu biết uyên thâm” như ông Phạm Hoàng Quân hẳn phải đọc các bài “Lời Nhà xuất bản”, “Lời đầu sách”, nhất là “Lời nói đầu của tác giả”, nhưng lại quên, nay xin nhắc lại kẻo ông quên phứt (!)

“Công việc tuy được chúng tôi thực hiện với một tinh thần nghiêm chỉnh, cân nhắc kĩ lưỡng, nhưng chắc không khỏi còn thiếu sót. Chúng tôi mong bạn đọc và học giả đàn anh chỉ cho những hạn chế khó tránh khỏi”. (“Lời nói đầu”, tr. 9) hoặc trong “Lời đầu sách” (bản 2008) cũng viết: “Tác giả trân trọng cám ơn bạn đọc, các học giả đã quan tâm đến thiên khảo luận này, mặc dầu sách vẫn còn thiếu sót”.

Vậy là chúng tôi tự biết cuốn sách này còn khá nhiều sai, sót vì ngay từ trang đầu tác giả đã khẳng định: “Ðây chỉ là một số tài liệu liên hệ về lịch sử, địa lí, tài nguyên... thuộc chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (...). Do vậy, chúng tôi xem đây chỉ là một tập hồ sơ nhằm đưa việc hành xử chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa ra trước dư luận chung.” (tr. 9) chứ nào đâu chúng tôi có tham vọng “phải đạt mức chính xác” như ông Phạm Hoàng Quân dán nhãn cho chúng tôi! Chính vì vậy chúng tôi ước mong ông Phạm Hoàng Quân có thể là một người hiểu biết về sử tịch Trung Quốc “quá uyên thâm”, nên xin thành kính đề nghị ông viết sách về Hoàng Sa, Trường Sa - hay các sách khác - “đạt mức chính xác” - cho độc giả Việt Nam hoặc thế giới trong đó có chúng tôi được nhờ ân đức và tài năng của ông.

Về mục A, tác giả Phạm Hoàng Quân cho rằng tôi viết sai các từ:

“Vạn Chấn
viết sai thành Ngoại Trân
Khang Thái
viết sai thành Khang Ðài
Uông Ðại Uyên
viết sai thành Vương Ðại Uyên
Văn Xương
viết sai thành Vị Xương”
  
Ðúng, tôi đọc sai các từ trên là do lỗi của tôi khi phiên âm từ các sách Âu, Mĩ... nhưng có lẽ độc giả cũng thấy rằng vì hiện trên thế giới có các lối phiên âm từ Hán - Việt:
  • Lối Wade Giles của người Anh
  • Lối E.F.E.O của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp
  • Lối Bưu điện
  • Lối Pinyin (phiên âm)
Thí dụ như từ Sơn Tây, Pháp phiên âm là Chansi, Anh phiên là Shansi, hoặc tên như Tưởng Giới Thạch... mỗi lối phiên âm mỗi khác nhưng đều na ná nhau, chẳng hạn khi thì Jiang Jie-Shi (pinyin) Ching Kai-Shek (Anh), Tchiang Kai-Shek (Pháp)... nên các từ phiên âm đều có “hạn chế”.

Về sách Nam Châu dị vật chí, Vũ bị chí của Trung Quốc viết về bảy lần “hạ Tây Dương” của Trịnh Hòa, ông Phạm Hoàng Quân cho là một loại “Bách khoa thư quân sự” chứ không phải là sách “tường thuật về bảy chuyến đi của Ðô đốc Trịnh Hòa như Nguyễn Q. Thắng nghĩ”. Và “chưa thấy được nhận định và các cứ liệu cho rằng đó là những cuộc hành quân chinh phục các nước Ðông Nam Á”.

Vâng, trong Sđd, chúng tôi khẳng định chính Trịnh Hòa đã bảy lần “hạ Tây Dương” (không phải là sách “ghi chép rộng về võ bị”) là từ thâm ý và âm mưu của Minh Thành Tổ (1403-1424) [niên hiệu Vĩnh Lạc là con thứ của Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ: 1368 - 1396)]. Minh Thành Tổ từng giết cháu mình là Huệ đế (tức Hiến tôn: 1398 - 1402) để thoán ngôi.

Theo sử Trung Quốc thì Minh Thái tổ phong con trưởng làm Thái tử, nhưng Thái tử chết sớm, ngôi vua về con Thái tử là Huệ đế (1398 - 1402), Hoàng tử Lệ làm vua chư hầu ở Yên tên là Lệ - con thứ Chu Nguyên Chương - Minh Thái tổ - đem quân về Nam Kinh đánh Huệ đế rồi tiếm ngôi cháu. Sử Trung Quốc không viết rõ Huệ đế chết trong cung hay trốn thoát trong cơn binh lửa. Lệ lên ngôi tức vị, niên hiệu là Thành tổ (1403 - 1424). Thành tổ không tin Huệ đế đã chết thật vì có tin đồn là Huệ đế trốn về phương Nam rồi sau đó chạy sang tá túc ở các nước Tây Dương (Tích Lan, Indonesia, Malaysia...) cho nên Thành tổ có ý mở mang bờ cõi về phương Nam mà cũng muốn tìm tông tích để tận diệt con cháu Huệ đế. Theo sử Trung Quốc và bài tham luận của GS Lãng Hồ Nguyễn Khắc Kham (1908-2007), đã viết: “Bảy lần xuống Tây dương của họ Trịnh chẳng qua chỉ là những cuộc xâm lăng trá hình của nhà Minh” và gần đây Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) trong Sử Trung Quốc, NXB Văn hóa-Thông tin, 1996, đều cho rằng bảy chuyến “hạ Tây Dương” của Trịnh Hòa là xâm lược, cướp của gây ảnh hưởng và thế lực nhằm “tuyên dương uy đức, nhưng về thực tế uy đã thắng đức” (Lãng Hồ, Bđd, in ở phần Tư liệu). Một tác giả người Anh - Ðô đốc hải quân Hoàng gia Anh - viết trong cuốn 1421 cũng cho rằng các chuyến đi “Tây Dương của Trịnh Hòa là nhằm ám sát Huệ đế để tận diệt con cháu Huệ đế” (xem sau).

Nhân đây, xin trích thêm ý kiến của tác giả Nguyễn Hiến Lê trong Sử Trung Quốc (sđd):

“Chu Nguyên Chương quyết dẹp nạn Mông Cổ ở phương Bắc và mở rộng bờ cõi ở phương Nam, nhưng thực hiện chưa xong, Thành tổ tiếp tục chính sách đó (...) không như cha mà trái lại muốn vượt biển tới khắp các nước Ðông Nam Á, Trung Á khoa trương uy quyền bắt các nước đó phải thần phục Trung Quốc, cống hiến những vật lạ (...) từ năm 1405, hai năm sau khi lên ngôi, vừa tấn công Mông Cổ, vừa cho đóng một hạm đội mạnh nhất đương thời, giao cho một viên thái giám (hoạn quan) tên là Trịnh Hòa, chỉ huy để đi sứ Tây Dương, tức Nam Dương và Ấn Ðộ ngày nay [1] ...
  • Chuyến thứ nhất (1405) có 311 chiếc tàu và 62 bảo thuyền chở châu báu.
  • Chuyến đi thứ nhì (1407) lần này tới Nam Việt của ta, Chiêm Thành, Xiêm, Java và Calcutta (Ấn Ðộ). Khi trở về ông ghé Tích Lan - Sử Tử Quốc, bây giờ gọi là Sri Lanka...
  • Chuyến đi thứ ba, lần này được tăng cường: 48 chiếc tàu (...) vua Tích Lan (Sri Lanka) đưa một đạo quân gồm 5 vạn quân đánh hạm đội Trung Hoa (...) Trịnh Hòa ra lệnh cho hải quân phải chiến đấu và cầm cự với bất cứ giá nào, còn ông thì cầm đầu hai ngàn quân ở trên bờ tiến thẳng về kinh đô Tích Lan. Ông thành công mĩ mãn, vì quân Tích Lan bị tấn công bất ngờ, thua và hoàng tộc bị bắt (...) Trịnh Hòa thắng, trở về nước, thuyền nào cũng đầy nhóc tù binh” (...)
  • Năm 1421, ông đi chuyến thứ sáu, tiến xa hơn nữa, tới tận Madagascar gần bờ biển phía đông Nam Phi.
  • Chuyến thứ bảy (Nguyễn Hiến Lê, sđd., tr. 426 - 429).
Như thế cuộc hành trình và hành quân của Trịnh Hòa không phải đi chinh phục thế giới thì đi đâu, thưa ông? Thế cho nên tác giả sách 1421 bảo phải lấy tên Trịnh Hòa thay cho eo biển Magellan mới đúng!

Vậy nhà Minh - Trịnh Hòa chỉ huy đạo quân xâm lược - không đi “chinh phục các nước Ðông Nam Á” làm gì? Hay là đi trồng “gừng Trịnh Hòa” [2] hoặc đi nuôi gà Trịnh Hòa hay đi đào giếng “đào giếng Tam Bảo Công” [3] ở Malacca, Tích Lan, Indonesia, Iran, Chile, Mexico... Ðó là sử Trung Quốc đã viết rõ trong các sách Trung Quốc như Vũ bị chí và các sử liệu khác. Việc rõ ràng như ban ngày vậy mà nay (2008) ông Phạm Hoàng Quân cho rằng các sách trên là sách “ghi chép rộng về vũ bị” thậm chí là ghi về vũ khí hiện đại? Và ông tự cho rằng tôi (NQT) “nghĩ ra” (tr. 3). Đó, sự hiểu biết uyên thâm về sử tịch Trung Quốc của ông Phạm Hoàng Quân là như vậy (cả cổ sử và hiện đại sử) đó!

Trong bài viết của mình, về cái chú thích số (1) của tôi ở trang 191, ông Phạm Hoàng Quân cho là “việc phản biện được tiến hành sớm hơn công trình được phản biện đến 14 năm”! Ấy là ông cố tình xuyên tạc và không chịu đọc cả đoạn văn trong trang 191 vì bài đó, Giáo sư Nguyễn Khắc Kham phản bác các ý kiến của ông Tề Tân trong bài “Nam hải chư đảo đích chủ quyền dư? Tây Sa quần đảo chi chiến” và các bài trong các báo Nhân dân nhật báo (5-6-1956) Quang minh nhật báo (7-6-1956), Học thời sự vặn hối báo (số 2 năm 1974) và đến năm 1988 ông Hàn Chấn Hoa cũng dựa và phụ họa vào các luận cứ các bài báo trên cho rằng Trường Sa, Hoàng Sa là của Trung Quốc, nên chúng tôi mới có chú thích số (1) trang 191 “các luận cứ này của Hàn Chấn Hoa và đồng tác giả khác đã bị tác giả Lãng Hồ bẻ gãy từ năm 1974” là theo nội dung sách đã dẫn của tác giả Hàn Chấn Hoa. Phải thành thật - rất thành thật - để thấy rằng ai là người đọc có óc nhận xét, phán đoán đều thấy rõ tác giả Phạm Hoàng Quân cố tình xuyên tạc một cách rất thô vụng! (Xin lỗi ông, vì không tìm ra được một mĩ từ nào!)

Nhân đây, người viết cũng tự ghi nhận là chú thích trên chúng tôi viết hơi phỏng định, mơ hồ, cho nên ông Phạm Hoàng Quân có dịp xuyên tạc và chụp mũ chúng tôi một cách quá thô vụng. 

Ở một đoạn khác, ông Phạm Hoàng Quân cho rằng ở nơi phần phụ lục trang 381, 382, chú thích về mục từ trong Từ điển Từ hải Trung Quốc cột giữa dòng 20-32, Thượng Hải từ thư xuất bản xã 1989, là một “lời dẫn rất ngớ ngẩn và Trung Quốc có quan điểm soạn từ điển và chúng xuất hiện rất bình thường”. Tôi (NQT) cho việc soạn tự điển này của họ rất quan trọng, thực chất là họ cố ý tạo ra một hồ sơ giả vì ngay từ đầu chúng tôi quan niệm cuốn sách của chúng tôi là “một tập hồ sơ” kia mà. Ông chỉ lo bảo vệ, biện hộ việc làm sai trái, phi nghĩa của người Trung Quốc mà không phải phê bình sách; nhất là không chịu tìm hiểu quan điểm của tác giả. Vả lại người Trung Quốc có “quan điểm soạn từ điển” thì quan điểm đó phải đúng nội hàm của mục từ. Ðằng này người Trung Quốc đã dựng đứng một việc không có trong thực tế để xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ dân tộc Việt Nam theo ý đồ xấu xa, bành trướng bá quyền, cướp nước của họ mà họ xưng là “tự vệ”. Các biến cố 1974 tại Hoàng Sa, biên giới Việt - Trung năm 1979, tại Trường Sa năm 1986 là tội ác của chính quyền Bắc Kinh mà ông Ðặng Tiểu Bình từng khẳng định là “dạy cho Việt Nam một bài học”. Tiếp theo, từ điển đã dẫn lại viết ngược lại là Việt Nam xâm lược, khiêu khích, giết lương dân Trung Quốc. Như vậy có phải là họ cố lập một “hồ sơ giả” hay theo ông Phạm Hoàng Quân là “hồ sơ thật” vì theo ông từ điển trên là “quan điểm” của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Về việc này có một số độc giả phát hiện “quan điểm soạn từ điển” của Trung Quốc, nên một công dân Việt Nam đã có thư gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và được ông Chánh văn phòng Bộ (nay là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao có thư trả lời về việc ông Ngọc Thọ Phạm Tấn Ðạt phát hiện mục từ sai trái trong Từ điển Từ hải (Sđd). Lá thư của Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao viết:



Mọi việc đã rõ ràng và có căn bản pháp lí, thế mà ông Phạm Hoàng Quân cho chúng tôi - có lẽ cả Bộ Ngoại giao Việt Nam là “lời dẫn rất ngớ ngẩn”.

Ngoài ra các chú thích bản đồ trong các trang 351, 353, 355, 356 đều có xuất xứ rõ ràng, tức là bản đồ xuất phát từ sách nào. Vậy mà ông Phạm Hoàng Quân cho là “không có giá trị gì về pháp lí” và ông xuyên tạc, bôi nhọ cả ông Nguyễn Ðình Ðầu hay ông Hồ Cẩm Ðào ở Bắc Kinh đang thủ giữ bản đồ Trịnh Hòa hàng hải đồ (tr. 11b và 12a) và bản đồ Ngụy Nguyên vẽ năm 1842 trong Hải quốc đồ chí. Nên nhớ là chúng tôi ghi tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu ở Sài Gòn là ý muốn nói bản đồ này ông Ðầu đang lưu giữ và hàm ý cám ơn cụ Ðầu đã có nhã ý cho phép chúng tôi công bố trên sách đã dẫn.

Nhân đây xin nhắc lại việc “Trịnh Hòa hạ Tây dương”:

Về việc Trịnh Hòa bảy lần “hạ Tây dương”, sử Trung Quốc và các sách du kí, nghiên cứu của các học giả thế giới [4] đều đề cập đến các chuyến đi thám hiểm, chinh phục các nước châu Á, Phi, và cả châu Mĩ nữa. Ðặc biệt là cuốn 1421 của tác giả Gavin Menzies - một sĩ quan hải quân người Anh - đã mô tả đầy đủ 7 chuyến thám hiểm của Trịnh Hòa, nhất là chuyến thứ sáu vào năm 1421. Chuyến đi này ông Menzies dùng làm nhan đề cho tác phẩm của mình; tức cuốn 1421, NXB Bantam, 2003.

Như trên đã viết, ngay từ năm 1403, sau khi đã đánh dẹp vua Huệ đế (1398-1402) xong, Lệ vương (vua chư hầu của Huệ đế) lên ngôi, hiệu năm là Thành tổ, Thành tổ cho đóng một hạm đội mạnh nhất đương thời và giao cho Thái giám Trịnh Hòa chỉ huy để đi chinh phục và thám hiểm một số nơi trên thế giới. Các chiến hạm của Trịnh Hòa rất lớn; trong đó có tàu chở tới 1.000 lính hải quân, các tàu này đóng bằng gỗ tếch. Dân Trung Hoa phải phá, đốn hàng ngàn mẫu rừng Trung Quốc để lấy gỗ (theo Menzies); đến nỗi nhà Minh còn bắt dân Việt Nam phải cung ứng gỗ tếch cho họ đóng tàu vào thời quân Minh chiếm nước ta (1413-1428).

Theo Minh sử của Trung Quốc..., Gavin Menzies, Tsui Chi... thì các chuyến đi chinh phục này Trịnh Hòa còn mang theo những thổ sản, súc vật, y sĩ, gái điếm phục vụ và cả thông ngôn, sử gia (Mã Hoan) Trung Hoa đến các nước này thám hiểm, chinh phục, như: Gừng Trung Hoa (Gừng Trịnh Hòa), gà Trịnh Hòa, giếng Tam Bảo công (giếng Trịnh Hòa) và một số vật nuôi, thực vật khác đến Cuba, Canada; nhất là nghệ thuật đi biển của ông ta. Những vật chứng này nay còn hiện hữu tại các nước Trịnh Hòa đến chinh phục như Malaysia, Indonesia, Iran, Cuba... như đã viết ở trên.

Theo tác giả sách 1421 thì nghệ thuật đi biển của Trịnh Hòa hồi đó tiến bộ rất nhiều, còn trước cả Christophe Colomb (Kha Luân Bố) khám phá ra châu Mĩ và Trịnh Hòa cũng là người đầu tiên đến eo biển Magellan ở Nam Mĩ trong năm 1421. Những chuyến đi thám hiểm vào các lần: lần thứ nhất năm 1405, lần thứ nhì năm 1407, lần ba năm 1409, lần bốn 1413, lần năm 1417, lần sáu năm 1421, lần bảy năm 1431.

Trong sách đã dẫn, tác giả Menzies chọn chuyến đi năm 1421 là nhan đề sách của ông. Theo tác giả trên thì eo biển Magellan đúng ra là phải gọi là eo biển Trịnh Hòa mới hợp lí vì năm 1421 là năm Trịnh Hòa đặt chân lên đất liền ở eo biển này ở Nam Mĩ. Nhất là người phương Tây phải viết lại lịch sử thế giới - nói chung và lịch sử hàng hải, thám hiểm, chinh phục - nói riêng - về năm 1421 đến vùng đất này của Trịnh Hòa mới đúng với sự thật lịch sử; nhất là đối với triều Minh Thành tổ vì Trịnh Hòa là người thay mặt triều đình nhà Minh đi chinh phục thế giới. Sự kiện bảy chuyến “hạ Tây dương” nhằm chinh phục thế giới là một sự thật 100% đối với lịch sử Trung Hoa và thế giới nói chung. Thế mà ngày nay (2008) ông Phạm Hoàng Quân đã “viết lại lịch sử” Trung Hoa và thế giới! Có lẽ người Trung Hoa hiện đại sẽ vinh danh một người biện hộ, viết lại lịch sử Trung Quốc. Nhưng mà thưa quí ông, dân Trung Hoa - cả cận đại và hiện đại - luôn luôn sùng bái và hãnh diện vĩ nhân Trịnh Hòa của họ vì họ Trịnh đã có công đi chinh phục các nước khác nhằm phục vụ chính quyền nhà Minh chứ nào đâu họ có phủ nhận công lao của Tam Bảo Công.

Các nước châu Á, châu Mĩ tuy bị Trịnh Hòa chinh phục, nhưng họ - có lẽ cả người Việt, người Chăm... đều cho rằng Trịnh Hòa là con người khổng lồ, nếu không muốn nói là vĩ đại của lịch sử chinh phục thế giới. Thế mà ngày nay có kẻ cho rằng sách, sử kể chuyện bảy lần hạ Tây dương là sách “viết về quân sự và vũ khí hiện đại”.

Một điều cần nói sau cùng là cuốn sách Hoàng Sa, Trường Sa Lãnh thổ Việt Nam nhìn từ Công pháp Quốc tế, NXB Tri Thức, 2008 này nguyên là cuốn Hoàng Sa, Trường Sa, NXB Trẻ, TP.HCM, 1988, đến năm 1998, chúng tôi bổ sung một số chương và có tên mới như trên. Bản thảo này có một vài NXB định xuất bản nhưng do tình hình khách quan thế nào đó mà mãi đến 2008 mới ra mắt công chúng độc giả được. Từ năm 1998 bản thảo này được các vị trong Ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam, nhất là ông trưởng ban Lê Minh Nghĩa (1926-2005) cùng bốn chuyên gia khác đọc và hiệu đính. Tuy vậy, chúng tôi từng viết trong hai lần xuất bản (1988, 2008) “chúng tôi mong bạn đọc và các học giả đàn anh chỉ cho những hạn chế khó tránh khỏi.” (“Lời nói đầu”) và NXB Tri Thức cũng viết: “Và một khi cuốn sách đã đến tay bạn đọc trong và ngoài nước thì trách nhiệm xã hội trước hết thuộc về tác giả.”

Vậy lỗi và trách nhiệm là do chúng tôi chịu nhận, nghĩa là các vị “chỉ cho các hạn chế” của sách, chứ không có nghĩa là đi bảo vệ việc làm sai trái, vô nhân, cướp nước người... của các thế lực xâm lược. Anh hồn các tử sĩ Việt Nam (trong ba cuộc chiến 1974, 1979, 1986) nếu có linh thiêng ắt hẳn sẽ không tha thứ cho những kẻ đồng lõa với các thế lực bành trướng, cướp đoạt lãnh thổ Việt Nam.

Sài Gòn ngày 24.9.2008

© 2008 talawas



[1]Nguyễn Hiến Lê, sđd. Có thể Trịnh Hòa còn được phái đi để dò xem Huệ đế có trốn ra nước ngoài không vì không có bằng chứng gì chứng tỏ rằng ông đã chết. Hạm đội gồm 62 chiếc thuyền buồm lớn, mỗi chiếc dài 44 trượng, chở 38.000 hải quân, riêng chiếc của viên chỉ huy chở 1000 hải quân (mỗi trượng là 10 thước mỗi thước là 20-30cm) (sđd., trang 426, bản in năm 2006, NXB TP.HCM, chú thích này do chính tác giả NHL chú thích.)
[2]Gừng Trịnh Hòa: là một loại gừng ở Ðài Loan do Minh Thành tổ ban cho Trịnh Hòa lúc đi chiếm Ðài Loan năm 1431.
[3]Giếng Tam Bảo Công: là giếng đào ở Malaca lúc ông ta chiếm đất này năm 1430.
[4]Về Trịnh Hòa có thể tham khảo: Gavin Menzies, 1421, The Year China Discovered the World, NXB Bantam Press, 2003, xb ở Anh, Nxb Transworld Publishers (London 2002) sách dày 650 trang. Tác giả Gavin Menzies là một đô đốc hải quân, hạm trưởng chỉ huy tàu ngầm nguyên tử quân đội Hoàng gia Anh, ông đã nhiều lần đến các thư viện lớn thế giới nhất là các thư viện của Ðại học Trung Quốc. Trong sđd., Menzies cũng như các sử gia khác mô tả Trịnh Hòa là một người to lớn, cao gần 1m90, rất giỏi võ nghệ. “Trịnh Hòa nguyên là con một người Ả Rập, từng theo đạo Hồi; ông có tên Ả Rập là Hadji, sinh ở Vân Nam, vóc cao lớn, sức mạnh phi thường, mặt mũi thanh tú, có tướng đi uyển chuyển như cọp, tiếng nói như sấm” nhất là rất giỏi nghệ thuật hàng hải, được triều Minh (Minh thành tổ) ban tước công thường gọi là Tam Bảo công. (Theo Nguyễn Hiến Lê, Gavin Menzies Sđd., Lãng Hồ, Bđd.)