trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 13 / 13 bài
  1 - 13 / 13 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
23.9.2008
Phạm Hoàng Quân
Bàn về quyển sách Hoàng Sa – Trường Sa, Lãnh thổ Việt Nam nhìn từ Công pháp Quốc tế của Nguyễn Q. Thắng
 
I. Tiền đề

Công việc phiên dịch các bài viết, các biên khảo hoặc các công trình nghiên cứu khoa học về Hoàng Sa và Trường Sa từ Việt văn sang Trung văn đã được học giới và chính giới Trung Quốc tiến hành cách nay (2008) hơn 30 năm. Công trình tiêu biểu được biết là tập san Sử địa số 29 với phụ đề “Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa” xuất bản tại Sài Gòn, tháng Giêng, 1975.

Năm 1978, Thương vụ Ấn thư quán xuất bản công trình nêu trên qua bản dịch Trung văn có tên Hoàng Sa hoà Trường Sa đặc khảo, người phụ trách việc chuyển ngữ là giáo sư Đại học Trịnh Châu, Đới Khả Lai.


Mở rộng

Sau khi dịch tập san Sử địa số 29 để học giới Trung Quốc tham khảo, Đới Khả Lai có bài viết “Việt Nam cổ tịch trung đích Hoàng Sa Trường Sa bất thị ngã quốc đích Tây Sa hoà Nam Sa quần đảo” (Hoàng Sa và Trường Sa trong cổ tịch Việt Nam không phải là Tây Sa và Nam Sa của nước ta), bài viết này ước gần 1 vạn chữ, đại ý phân tích nhiều nguồn sử liệu Việt Nam và kết luận rằng các nguồn sử liệu này mô tả một vài nơi có vị trí địa lý không ứng với toạ độ địa lý 2 quần đảo Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc. Đới Khả Lai và đồng tác giả Vu Hướng Đông có bài “Phủ biên tạp lục dữ sở vị Hoàng Sa, Trường Sa vấn đề” (Vấn đề Phủ biên tạp lục và cái gọi là Hoàng Sa, Trường Sa), bài viết này ước khoảng 6.500 chữ, đại ý chứng minh rằng các mô tả và định danh của Lê Quý Đôn trong sách Phủ biên tạp lục không phù hợp với địa lý Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc. Hai bài viết nêu trên in trong Nam hải chư đảo Địa lý – Lịch sử, Chủ quyền, Lữ Nhất Nhiên chủ biên, Hắc Long Giang Giáo dục xuất bản xã, 1992 (trang 194 – 217).


Mở rộng hơn

Trong Hội thảo Quốc tế lần thứ nhất về Việt Nam học tại Hà Nội (15 – 17 tháng 7 năm 1998) Đới Khả Lai có bài tham luận “Hoa kiều và người Hoa ở Việt Nam trong Hải Nam tạp trước của Thái Đình Lan” ước 1 vạn chữ, xem Các nhà Việt Nam học nước ngoài viết về Việt Nam, tập 2, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2002 (trang 816 – 838).

Học giới Trung Quốc sử dụng bản dịch Hoàng Sa hoà Trường Sa đặc khảo ở hai góc độ, một là: làm đối tượng để tranh biện; hai là: thu thập các thông tin về khảo sát khoa học, khảo cứu từ nguyên các địa danh gốc Tây phương để bổ sung, chỉnh sửa nhiều kết luận sai lầm mà trước đây họ mắc phải do chưa có điều kiện thám sát thực địa. Về việc tranh biện trên cơ sở sử liệu và các lập luận của học giới hiện đại Việt Nam, ngoài Đới Khả Lai còn có nhiều tác giả khác, tiêu biểu như Quách Vĩnh Phương, Hàn Chấn Hoa, Lâm Kim Chi… Nhìn chung, các bài viết mang tính tranh luận biểu hiện 3 đặc trưng như sau:
  1. Phủ định nguồn sử liệu hoặc cách lập luận của đối phương;
  2. Hiểu vấn đề khác nhau trên cùng một nguồn tài liệu (nguyên nhân có thể do bản dịch sai, có thể do cố tình hướng vấn đề theo chiều ngược lại);
  3. Thiếu kiến thức về đối phương (dẫn đến việc sử dụng trích dẫn, lập luận và nhận định của người khác).
Cả ba trường hợp nêu trên – nhất là ở trường hợp thứ 3 – dẫn đến sự hỗn loạn và gây phức tạp cho các nghiên cứu về sau. Học giới Trung Quốc và Việt Nam đều có những biểu hiện này, sách của tác giả Nguyễn Q. Thắng rơi vào trường hợp thứ ba.


II. Vấn đề

Gần đây, tác giả Nguyễn Q. Thắng cho in Hoàng Sa – Trường Sa, Lãnh thổ Việt Nam nhìn từ Công pháp Quốc tế (Nxb Tri thức, 2008), tựa sách này cho thấy và đòi hỏi những gì được nêu ra đều phải qua tra cứu cẩn thận, tức phải đạt mức chính xác. Tuy nhiên, do sự hiểu biết về sử tịch Trung Quốc quá nông cạn và hầu hết đều là sự hiểu biết qua trung gian, tác giả không đủ khả năng kiểm chứng nên đã phạm đầy sai lầm khi đề cập đến sử tịch Trung Quốc, và các lập luận sai lạc cũng xuất phát từ đó. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ nêu một số sai phạm mà trong đó biểu thị sự đối thoại giữa Nguyễn Q. Thắng và học giới Trung Quốc.


A. Các sai lầm do thiếu kiến thức

Các sai lầm chính tập trung ở phần 3.b của chương 6 (từ trang 188 đến 195) và rải rác ở một số trang khác. Phần 3.b chương 6 đề cập đến “Các bằng chứng chủ quyền qua các tài liệu lịch sử” (phía Trung Quốc). Trong khoảng 8 trang sách viết về thư tịch cổ có liên quan đến vấn đề chủ quyền này, tác giả đã sai gần 20 nhân danh, địa danh và thư danh, cụ thể như:

Vạn Chấn
viết sai thành
Ngoại Trân (trang 189)
Khang Thái
 Khang Đài (trang 189)
Uông Đại Uyên
 Vương Đại Uyên (trang 189)
Quách Tung Đảo
 Quý Tông Đào (trang 191, 206)
Văn Xương
 Vị Xương (trang 190)
...

Các sai lầm loại này gây trở ngại rất lớn cho việc kiểm chứng tài liệu trích dẫn. Thí dụ như tên Quách Tung Đảo, tác giả sách Sứ Tây kỷ trình (1876) vốn đã được ghi nhận sơ lược trong Trung Quốc lịch sử đại từ điển (Thượng Hải Từ thư xuất bản xã, 2000), một khi tên riêng của tác giả bị viết sai thì khó mà tra cứu được, tương tự sự ghi chép sai lạc về địa danh đã khiến cho các đoạn văn trích dẫn mô tả hành trình trở nên khó hiểu và ngớ ngẩn.

Hai sách Nam Châu dị vật chí của Vạn Chấn và Phù Nam truyện của Khang Thái thành sách vào thời Tam Quốc (220 – 280 sau CN) bị xác định sai là “viết dưới thời vua Vũ Đế nhà Hán” (trang 188). Tuy nhiên đây có thể do Nguyễn Q. Thắng đọc tên phiên âm và đoán dịch mò nên thay vì niên đại Hán Vũ Đế phải là 140 – 87 trước CN, thì lại ghi gần đúng niên đại thời Tam Quốc (năm 220 – 265) (trang 188); Phù Nam truyện của Khang Thái lại bị xác định sai là viết thời Hán Vũ Đế (trang 189), sai lạc chồng chéo và rối tung khó mà tưởng nghĩ ra được. Cũng tại trang 189 đoạn viết về sách Vũ bị chí của Mao Nguyên Nghi được viết: “Vũ bị chí của Mao Nguyên Nghi thuật lại bảy chuyến đi của Đô đốc Zheng He (tức Đô đốc Trịnh Hoà, năm 1405 – 1433) nhằm chinh phục các nước Đông Nam Á như Indonésia, Malaysia, Singapore, Ceylanca…”. Hai điều sai lầm nghiêm trọng trong đoạn văn ngắn này là: Vũ bị chí thuộc chủng loại Bách khoa thư quân sự được khắc in lần đầu vào năm 1621, sau đó sửa chữa, bổ sung nhiều lần cho đến khoảng niên hiệu Đạo Quang (1821 – 1850) nhà Thanh vẫn còn được viết thêm về vũ khí hiện đại Tây phương mới du nhập vào Trung Quốc. Vũ bị chí tức “ghi chép rộng về võ bị”, không phải là sách “tường thuật về bảy chuyến đi của Đô đốc Trịnh Hoà” như Nguyễn Q. Thắng nghĩ ra.


Mở rộng

Tường thuật về các lần “hạ Tây dương” của Trịnh Hoà gồm các sách:
  1. Doanh nhai thắng lãm của Mã Hoan (1416) (xem: Doanh nhai thắng lãm hiệu chú của Phùng Thừa Quân, Thương vụ ấn thư quán 1934, Trung Hoa thư cục tái bản 1955); (và xem Ma Huan Re-examined, 1933, Duyvendak, tập san Thông báo [T’oung Pao] quyển 30, 1933);
  2. Tinh sai thắng lãm (1436) của Phí Tín (xem: Tinh sai thắng lãm hiệu chú của Phùng Thừa Quân, Thương vụ thư ấn quán 1934, Trung Hoa thư cục tái bản 1954);
  3. Tây dương phiên quốc chí (1434) của Cũng Trân (xem: Doanh nhai thắng lãm hiệu chú của Hướng Đạt, Trung Hoa thư cục, 1961.
    Ba sách nêu trên là bộ ba được trứ tác trong (hoặc sau) 7 lần vượt biển của các nhân vật trong đoàn của Trịnh Hoà.
Sách Vũ bị chí có liên hệ đến việc Trịnh Hoà hạ Tây Dương là do ở phần phụ lục, quyển 240 in bức hải đồ có tên Tự Bảo thuyền xưởng khai thuyền tòng Long giang quan xuất thuỷ trực để ngoại quốc chư phiên đồ, bức hải đồ này được học giới Trung Quốc gọi tắt là Trịnh Hoà hàng hải đồ (tên phổ biến).

Sai lầm thứ 2 trong đoạn văn này của Nguyễn Q. Thắng là việc xác định tính chất các chuyến vượt biển của Trịnh Hoà “nhằm chinh phục các nước Đông Nam Á…”. Về các chuyến hải hành này, học giới Trung Quốc thuộc nhóm nghiên cứu khoa học chỉ nhìn ở góc độ ngoại giao phối hợp việc mậu dịch, kỹ thuật hàng hải và công nghệ đóng tàu đời Minh. Nhóm học giả quá khích nâng quan điểm thành ra các cuộc thám hiểm tìm đất hoang để xác lập chủ quyền và chủ yếu là nhắm vào khu vực quần đảo Trường Sa (Nam Sa), chưa thấy được nhận định và các cứ liệu cho rằng đó là những cuộc hành quân “chinh phục các nước Đông Nam Á…” như Nguyễn Q. Thắng tự phán đoán.

Các sai phạm nêu trên không thể chấp nhận được trong các công trình nghiên cứu, và chúng chỉ mới là loại kiến thức cơ bản đối với người tham gia tranh biện. Những sai lầm này không thể xảy ra khi người viết tiếp xúc trực tiếp với văn bản gốc hoặc tham khảo vài bộ sách công cụ Trung văn.

Một sai lầm khác do không hiểu được cứ liệu đưa đến việc lý luận quàng xiên nằm trong các đoạn văn ở trang 136, 137 và 138. Do không hiểu người Trung Quốc dùng tên gọi “Việt” làm biệt danh cho tỉnh Quảng Đông (tỉnh Mân tức Phúc Kiến, tỉnh Việt [tự dạng khác chữ “Việt” trong tên gọi Việt Nam] tức Quảng Đông, tỉnh Quế tức Quảng Tây…) nên khi đọc qua phiên âm các tên gọi “Việt dương”, “Việt hải” trong sách Hải quốc văn kiến lục của Trần Luân Quýnh vốn đang mô tả vùng biển thuộc tỉnh Quảng Đông, Nguyễn Q. Thắng cứ ngỡ là viết về vùng biển Việt Nam nên đã phán bừa nhiều câu rất tai hại cho vấn đề lãnh hải, như: “Xem đó, ta thấy rằng ngay đầu thế kỷ XVIII một người Trung Quốc đã dùng danh xưng Việt hải để chỉ Biển Đông hay biển Việt Nam…” (trang 137) và “… chính người Trung Quốc (Trần Luân Quýnh) viết vào đời nhà Thanh (năm 1744) đã chính thức sử dụng biệt danh Việt hải, Việt dương (biển Việt Nam) để chỉ biển Đông…” (trang 138). Loại sai lầm này đối với học giới Trung Quốc có thể chỉ là một biểu hiện của sự nông cạn thô kệch, tuy nhiên nguy hiểm ở chỗ các kết luận “hùng hồn” ấy rất nhiều khả năng làm tiền đề cho các sai lầm kế tiếp cho chính người viết ra nó và những học giới Việt Nam. Đó là chưa nói phía đối phương quá khích, họ căn cứ để lập luận và làm vấn đề thêm rối mù. Trên đây chỉ nêu các sai lầm chính, nhiều chi tiết khác (kể cả trong sử Việt, các lỗi chính tả, lỗi đánh máy…) tuy không đáng kể nhưng góp phần làm mất tính khoa học của công trình, đề nghị tác giả và ban biên tập Nxb Tri Thức đọc duyệt cẩn thận nếu có dịp tái bản.


B. Các chú thích và phụ lục yếu kém

Nhiều chú thích không giúp vào mục đích chính của việc chú thích, tức làm sáng tỏ vấn đề hoặc gợi ý phát triển vấn đề đang đề cập, mà rơi vào trường hợp “biết gì nói nấy”. Tiêu biểu cho nhiều đoạn chú thích ấy là những đoạn về nhân vật Trịnh Hoà ở trang 134 và 259, chúng không liên hệ được với chính văn mà còn dẫn người đọc lạc vào những chuyện khác rất vô duyên. Chú thích số (1) ở trang 191 lại sa vào loại nhận định hàm hồ, học giả Lãng Hồ (Nguyễn Khắc Kham) viết bài thảo luận với Tề Tân vào năm 1975 (tập san Sử địa số 29) trong giới hạn khoảng 20 cứ liệu từ cổ thư và địa đồ, cuộc thảo luận này vẫn còn vướng mắc nhiều điểm chưa lý giải rõ ràng được. Hàn Chấn Hoa chủ biên Ngã quốc Nam hải chư đảo sử liệu hối biên xuất bản năm 1988 với luận cứ từ 107 trích dẫn từ cổ thư, 27 bức địa đồ Minh, Thanh, vài chục bức địa đồ Tây phương, hơn 100 đơn vị tài liệu các loại khác. Không biết ông Nguyễn Q. Thắng xem, đọc ra sao mà đưa ra kết luận: “Các luận cứ này của Hàn Chấn Hoa và đồng tác giả khác đã bị tác giả Lãng Hồ bẻ gãy từ năm 1974 trên tập san Sử địa” (!), nếu quả đúng như vậy, thì việc phản biện được tiến hành sớm hơn công trình được phản biện đến 14 năm!.

Phụ trương ở trang 381, 382 mô tả trận chiến ở biên giới Việt Trung năm 1979 không liên quan gì đến nội dung sách lại được đưa vào và với lời dẫn rất ngớ ngẩn, không ai gọi một mục từ trong từ điển là “hồ sơ” cả, lại càng không thể nói là “hồ sơ giả” như ông Nguyễn Q. Thắng chú thích cho mục từ được dẫn. Người Trung Quốc có quan điểm soạn từ điển (ở đây là một mục từ của Từ Hải) như thế, và chúng xuất hiện rất bình thường, ông Thắng nên thay phụ trương này bằng mục từ “Tây Sa hãn vệ phản kích chiến” trong Trung Quốc lịch sử đại từ điển có lẽ phù hợp hơn.

Các bức địa đồ có xuất xứ từ Trung Quốc được dẫn trong các trang 351, 353, 355, 356 với các ghi chú thiếu tính khoa học và không có giá trị gì về pháp lý. Nguyên tắc cơ bản trong việc trích dẫn là phải chú rõ nguồn gốc và xuất xứ. Nhà nghiên cứu và các luật gia xem bức địa đồ của ông “Nguyễn Đình Đầu ở Sài Gòn” (Nguyễn Q. Thắng viết) hay của ông Hồ Cẩm Đào ở Bắc Kinh đều như nhau và không có ý nghĩa gì cả. Điều cần biết là các bức địa đồ ấy được in ở đâu, trong tập địa đồ hay phụ lục hoặc minh họa của sách lịch sử địa lý nào, nhà xuất bản và năm xuất bản? [Chỉ trừ trường hợp đó là hiện vật thuộc diện độc bản hoặc chưa từng được xuất bản mới cần biết địa chỉ lưu trữ]. Mặt khác, đối với các bức Trịnh Hoà hàng hải đồ ở trang 351 và 355 tự thân chúng không có giá trị trong luận cứ pháp lý, cho dù có ghi nhận hay không ghi nhận sự hiện diện của các quần đảo.


III. Tóm lại

Trong việc chứng minh chủ quyền trong lịch sử đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ngoài việc vận dụng sử liệu Việt Nam và các sử liệu mang tính khách quan bởi các ghi chép của phương Tây, việc khai thác và lập luận trên cơ sở dữ liệu Trung Quốc cũng là một thành tố quan trọng. Việc dẫn dụng càng chính xác và cụ thể thì giá trị càng cao, tính thuyết phục càng mạnh. Nội dung mà tác giả Nguyễn Q. Thắng thực hiện e chưa xứng với tên sách rất nghiêm túc mà ông đề ra. Qua bài viết ngắn và có tính cách báo chí này, mong tác giả và Nxb Tri Thức sớm có sự cải thiện và cũng mong mỏi các công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực này ngày một hoàn hảo, xứng đáng với tầm vóc quan trọng của nó.

Sài Gòn, 14.9.2008

© 2008 talawas