trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 13 / 13 bài
  1 - 13 / 13 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
12.3.2008
Bình Nguyên Định
Làm toán với K. Marx
 
Tranh luận về học thuyết giá trị Marx có vẻ như chưa có hồi kết thúc. Mỗi bên tham luận dường như phát biểu chính kiến bằng sự cảm nhận khái niệm giá trị riêng của mình. Tôi cho rằng để tranh luận không trở nên vô bổ và không ai chịu ai, cần phải xem chúng ta đang nói với nhau bằng những ngôn ngữ nào.

Giá trị là một khái niệm trừu tượng nhưng người bình thường có thể cảm nhận được, theo cách nói của ông Đoàn Tiểu Long là “hiểu nôm na”. Trong từ điển phổ thông giá trị đồng nghĩa với ý nghĩa hoặc sự quan trọng. Trong từ điển chuyên ngành kinh tế thì giá trị được định nghĩa là ý nghĩa của sự vật dưới góc độ sự phù hợp của nó đối với nhu cầu con người hay xã hội. Ngoài ra còn có thể phân biệt giá trị như một phạm trù xã hội học, nhưng đó không phải là điều chúng ta quan tâm ở đây.

Cần phải nói rằng những tác phẩm của Marx và các nhà nghiên cứu phương Tây được dịch sang tiếng Việt từ những ngôn ngữ châu Âu, chủ yếu là tiếng Nga. Giá trị nói chung trong tiếng Nga là ценность, trong tiếng Anh là value,giá trị dùng trong lĩnh vực kinh tế thì tiếng Nga là стоимость, tiếng Anh là cost. Tiếng Việt chỉ có một: giá trị. Không hiểu lý do tại sao các nhà ngôn ngữ học Việt Nam lại không tìm một thuật ngữ khác tương ứng với giá trị kinh tế để có sự phân biệt trong dịch thuật. Nhưng theo tôi, có lẽ điều này cũng chẳng cần thiết lắm trong việc nhận thức cuộc sống kinh tế của chúng ta. Xin được mạn phép diễn giải những khái niệm đó trong tiếng Nga như sau.

Trong tiếng Nga, từ стоимость được dùng rộng rãi với nghĩa là giá cả, tức là giá trị (ценность) của vật dụng được biểu hiện bằng tiền (giá cả trong tiếng Nga còn gọi là цена); còn với tư cách là một thuật ngữ chuyên dụng trong môn kinh tế chính trị thì стоимость được định nghĩa rõ ràng là lượng lao động xã hội cần thiết chi phí cho sản xuất hàng hóa và kết tinh trong hàng hóa đó [словарь русского языка С. И. Ожегов, 1990]. Nếu hiểu giá trị (стоимость) như chính định nghĩa trên thì tranh luận thật hoài công. Nhưng có thể nhận thấy rằng cuốn từ điển đó được biên soạn trong thời kỳ còn Liên Xô, và người ta có thể đã dành riêng một mục từ cho định nghĩa giá trị của Marx.

Khi nghiên cứu bản chất hàng hóa người ta muốn tìm nguồn gốc giá trị của nó, nghĩa là nguồn gốc giá trị nói chung (ценность) chứ không phải nhìn thấy ngay lượng lao động cần thiết nào đó. Nhiều trường phái kinh tế khác nhau lý giải nguồn gốc giá trị theo các hướng khác nhau. Trong các sách giáo khoa về kinh tế lý thuyết hiện nay của Nga стоимость được hiểu như một khái niệm trung gian giữa giá trị (ценность) và giá cả (цена), biểu thị một lượng giá trị chung, trừu tượng, cho các loại hàng hóa có thể trao đổi với nhau; trong khi đó, những gì mà không đem ra trao đổi thì không có giá trị (стоимость) mặc dù chúng có thể có tính chất làm thỏa mãn nhu cầu. Tính chất đó chính là ích dụng, hoặc rộng hơn là giá trị (ценность). Ví dụ: bác nông dân làm ra một tấn gạo nhưng bác chỉ dùng để ăn trong gia đình chứ không bán, thì số gạo đó không có giá trị (стоимость) gì. Nếu đúng như thế thì tổng sản lượng của nước ta, một nước có hơn 70% dân số là nông dân sản xuất tự cung tự cấp, còn bé hơn biết chừng nào. Nhưng Marx đã nhận thấy điều không hợp lý đó và giải quyết nó chỉ bằng một câu thôi. Tôi sẽ đề cập trong phần sau.

Do sự bất đối ứng về thuật ngữ trong dịch thuật đó, khi những người Việt Nam, nói tiếng Việt, bảo vệ cho học thuyết của Marx, khẳng định một cách kiên định rằng tài nguyên thiên nhiên, yếu tố kỹ thuật, yếu tố con người, vốn là những thứ không có giá trị (не имеют стоимости) thì cũng nên thông cảm cho họ, vì họ hiểu giá trị là стоимость, cost, chứ không như người bình thường chưa đọc Marx hiểu nôm na giá trị là ценность, value.

Thật ra, như tôi đã nói, sự phân biệt như thế là không đáng có: việc dùng riêng một từ để chỉ giá trị của những sự vật có thể trao đổi được, còn những sự vật có tính chất, đặc điểm giống hệt nhưng không nằm trong quan hệ trao đổi thì bị loại ra, là bất hợp lý. Tuy nhiên đối với Marx điều này lại vô cùng quan trọng. Vì vấn đề trao đổi, hay quan hệ trao đổi, chính là điểm tựa để ông chứng minh tính xã hội của sản xuất hàng hóa. Và để tiên liệu cho mọi lập luận được ổn thỏa, Marx phải đính chính thêm rằng, sản phẩm sử dụng riêng ở mỗi cá thể do chính cá thể đó tạo ra được xem là một dạng trao đổi “nội tại” (Tuyển tập K. Marx, F. Engels, t. 42, tr. 32). Có thể xem câu nói đó là mảnh vá khéo léo của phạm trù giá trị – tấm vải của các nhà ngiên cứu kinh tế lý thuyết dệt nên.

Marx còn đưa ra thêm khái niệm giá trị sử dụng và dùng nó như một phương tiện để lý giải nguồn gốc giá trị của hàng hóa, làm tăng mức độ trừu tượng của cái phạm trù vốn đã trừu tượng, nghĩa là làm phức tạp vấn đề cần xem xét. Nhưng thật ra mục đích của Marx vẫn là để khẳng định quan điểm: lao động là nguồn gốc giá trị của hàng hóa, quan điểm mà những nhà nghiên cứu tiên phong Smith, Ricardo đã nhận định nhưng giải thích một cách sơ sài. Ngoài ra, cặp khái niệm giá trịgiá trị sử dụng còn giúp Marx tiếp cận phương thức sản xuất hàng hóa, đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Đọc Marx, người ta dễ bị thôi miên bởi sự dẫn dắt lắt léo về logic ngôn từ, dễ đi đến lú lẫn trong cái mê cung nhiều ngóc ngách. Tuy nhiên có thể giải trình sự tương tác giữa giá trịgiá trị sử dụng trong học thuyết của Marx qua kiểu tư duy toán học, bằng cách bám sát lập luận trong các tác phẩm của Marx. Các bước giải trình như sau:

Trong nền kinh tế tư bản, khác với kinh tế tự nhiên, mỗi cá thể hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm không chỉ để riêng mình sử dụng, mà còn để trao đổi với các cá thể khác. Giá trị của sản phẩm đó tương ứng với lượng lao động mà cá thể đã chi phí để tạo ra nó và được định lượng bằng thời gian lao động. Tạm thời ta gọi giá trị đó là X. Nhưng chỉ một phần trong tổng sản phẩm là được cá thể dùng cho riêng mình. Phần đó tương ứng với lượng giá trị x1, Marx gọi nó là giá trị sử dụng. Ta có: X=x1+x2; trong đó x2 là phần giá trị tiềm năng ứng với phần sản phẩm dôi dư. Nếu phần sản phẩm ứng với x2 không bán được (không trao đổi được) cho ai, tức bị bỏ đi, thì trong phạm vi của cá thể nói trên, giá trị đó tự triệt tiêu: x2=0. Điều đó nói lên rằng, ngay cả trong tình huống xã hội chỉ gồm một cá thể, thì cái gọi là lượng lao động trung bình, lượng thời gian chỉ cần để tạo ra x1, vẫn được thể hiện.

Xét trên quy mô xã hội gồm nhiều cá thể ta vẫn có phương trình ∑X=∑x1+∑x2 cho tổng các cá thể hoạt động sản xuất, ở tại trạng thái chưa giao lưu với nhau. Theo Marx, giữa giá trị sử dụng x1 và giá trị x2 có mâu thuẫn. Mâu thuẫn đó được giải quyết bằng cách chúng có thể chuyển hóa lẫn nhau trong môi trường mua bán hay trao đổi. Trong một môi trường trao đổi lý tưởng thì các giá trị x2 sẽ chuyển hóa hết thành các giá trị x1. Lúc đó toàn bộ giá trị ∑X sẽ bằng tổng giá trị sử dụng ∑x1. Cần phải nhắc lại rằng, phần sản phẩm sử dụng riêng ở mỗi cá thể được xem là một dạng trao đổi “nội tại”, theo cách giải thích của Marx. Như vậy, mặt khác, toàn bộ giá trị ∑X cũng đồng thời sẽ là ∑x2 vì lúc này ∑x2 không còn là tiềm năng nữa, mà trở thành giá trị của lao động xã hội. Từ đó suy ra rằng giá trị sử dụng x1 và giá trị x2 chỉ là một, vì nếu có sự chênh lệch giữa chúng thì thông qua cái cơ chế xác định lượng lao động xã hội trung bình chúng sẽ lại bằng nhau. Marx đã đạt được mục đích: chứng minh một cách rất phức tạp rằng toàn bộ giá trị X, gián tiếp qua x2, do lao động xã hội tạo ra chứ không phải là gì khác.

Điều khó hiểu cũng xuất phát từ đây:

1. X được đo bằng lượng thời gian lao động được xem là không đổi nhưng không thể suy ra X là một lượng không đổi, bởi ở vế bên kia giá trị sử dụng ∑x1 có thể tăng theo thời gian.

Như thế, để hai vế của phương trình bằng nhau ta xem X là tích của lượng lao động L và một hệ số giá trị a nào đó: X=L*a , hay: L*a=x1, (x2).

Câu hỏi đặt ra: làm thế nào để xác định được a? Ở các thời điểm khác nhau thực tế cho ta thấy các đại lượng x1 khác nhau, vậy phải có các hệ số a tương ứng khác nhau. Như vậy, bài toán dùng lượng lao động để đo giá trị X (cũng là x1x2) xem ra vẫn bế tắc.

2. Như đã nói, chỉ trong môi trường lý tưởng mới xảy ra ∑x1=∑x2, vì thực tế quá trình sản xuất và quá trình trao đổi không bao giờ trùng nhau. Theo Marx, đó là vì thời gian lao động của các cá thể khác nhau, và chính điều đó thể hiện quy luật giá trị: sự ràng buộc qua lại giữa giá cả và giá trị. Suy ra rằng, việc xác định lượng thời gian lao động xã hội trung bình L là không thể. Chính tại đây, Marx cũng đành buông xuôi mà nói rằng, đó là quy luật, mà quy luật thì không thể chứng minh được (!), và việc xác định đại lượng L đó đành dựa vào thực tế. Sự khôi hài thể hiện ở chỗ: muốn dùng đại lượng vế bên trái của phương trình để xác định vế bên phải thì lại làm một việc ngược lại: dùng phương pháp thống kê gì đó để xác định x1, vế bên phải, là giá trị sử dụng được biểu hiện bằng tiền, là giá cả, và gán cho nó cái mác lượng lao động xã hội trung bình.

Đấy là một cách áp đặt hơn là phép biện chứng. Và cách lập luận không khác gì làm ảo thuật ngôn từ. Một lần nữa tôi muốn khẳng định câu nói này trong bài “Trao đổi với ông Đoàn Tiểu Long về học thuyết giá trị của Marx”.

Trong bài viết vừa rồi của ông Đoàn Tiểu Long thấy ông biện luận một cách hùng hồn qua những ví dụ về một gã thầu xây dựng và những người bán nồi. Nhưng sao ông không hỏi gã chủ thầu: căn cứ vào đâu mà gã cho là một công chính bằng hai công thợ? Theo tôi, bảng giá của gã chẳng qua là một sự thuyết trình rằng gã tính toán rất sít sao, rằng không có sự láu cá nào ở đây. Nếu ông là một người làm kinh doanh nhiều kinh nghiệm, ắt là ông không dễ dàng tin lời hắn nói mà không kiểm tra thử những gã thầu khác ra giá thế nào. Còn các ba-rem trong các công ty ư? Hẳn là ông sẽ không xem cái xã hội trong công ty giống như xã hội của cả quốc gia trong thời đại này. Bởi trong công ty làm gì có thị trường mua bán trao đổi. Trong đó chỉ có một ông giám đốc hoặc ban giám đốc quyết định tất cả, kể cả cái ba-rem lương, vì mục đích lợi nhuận sống còn và sự ổn định của công ty. Ông làm tôi nhớ thời hợp tác xã ở Việt nam, thời mà một ông chủ nhiệm hay đội trưởng hợp tác xã nặng tính quan liêu nghĩ ra những hệ số công lao động rất ư là linh hoạt, áp dụng cho bà con thân cận của các ông hoặc cho những người bị các ông thù ghét, tùy trường hợp.

Có người sẽ nói rằng, thật không công bằng khi sử dụng toán học, một môn khoa học chính xác, để phân tích học thuyết kinh tế chính trị, là một loại khoa học khó định lượng. Nhưng điều đó nằm ngoài ý muốn của tôi. Chính là vì các nhà nghiên cứu kinh tế chính trị giống như Marx cứ khẳng định rằng giá trị có thể định lượng bằng thời gian lao động, vì thấy thời gian đếm được, trong khi thời gian lao động lại là một thứ trừu tượng không kém giá trị.

Phân tích như vậy không có nghĩa là bác bỏ vai trò của lao động (lao động được hiểu là sự trực tiếp tạo ra giá trị của con người). Không ít người nghĩ rằng vốn tự đẻ ra của cải. Nhận thức sai lầm này biểu hiện thành phong trào “chơi chứng khoán” mà ít ai nghĩ mình là con thiêu thân trong cái sòng bạc to lớn đó (sòng bạc – casino, từ được M. Alle, giải thưởng Nobel, dùng để ví thị trường tài chính). Mặt khác, vì lợi nhuận ích kỷ, khi muốn lôi kéo càng nhiều càng tốt người tham gia, những nhà hoạt động chứng khoán càng muốn thổi phồng sự kỳ diệu của đầu tư chứng khoán. Có lẽ học thuyết của Marx cũng không đủ sức để cảnh tỉnh mọi người.

Phê phán Marx để làm gì? Tôi nghĩ, mỗi người, dù bênh vực hay phản biện Marx, đều thể hiện khát khao tìm chân lý, tìm sự đúng đắn học thuật trong bất kỳ học thuyết nào. Chân lý thì không ở trong sự trừu tượng. Nói như ông Đoàn Tiểu Long: chúng ta đều là những người mù mờ. Sự mù mờ nằm ngay chính trong cái học thuyết mà ta dùng làm “kim chỉ nam” kia. Một khi cảm thấy nó có sai lầm thì phải tìm xem cái sai nằm ở chỗ nào, dù có phải vượt qua nhiều khó khăn và uống nhiều hơn nữa Paracetamol.

Có thể tôi cũng thuộc vào số những người mù mờ khi đọc Marx. Nhưng với sự cố gắng của mình, tôi cố mở thật to mắt mình để tìm thấy điều đúng đắn trong đó. Nhiều khi tôi tự nghĩ, hay là hiểu biết của ta còn hạn hẹp quá, không đủ sức tiếp nhận chân lý mà Marx đã vạch ra? Có lẽ không ít số người có cảm nhận như tôi.

Tôi thiển nghĩ thế này, không biết có hợp ý quý vị nào không, sao không tìm ra phương cách nào khác mà cứ bám víu vào cái lý thuyết khó khăn phức tạp đến thế?

Russia 17.12.2007


© 2008 talawas