trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 13 / 13 bài
  1 - 13 / 13 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
5.10.2007
Ernest van den Haag
Tính giả-khoa-học của chủ nghĩa Marx
La Thành dịch
 
Trong số các công trình phê phán chủ nghĩa Marx, bên cạnh những chuyên khảo chi tiết, dày dặn cũng có nhiều tiểu luận cô đọng, súc tích. Bài báo được giới thiệu sau đây, với nội dung chủ yếu tấn công vào kiến trúc lô-gích của hệ thống lý luận Marxist, vạch trần sự vi phạm tiêu chuẩn khoa học ở các khái niệm cốt lõi của hệ thống này, thuộc về những tiểu luận như vậy. Tác giả của bài báo, Giáo sư Luật học và Chính sách Công của Đại học Fordham (New York, Hoa Kỳ) Ernest van den Haag (1919 – 2002), là nhà xã hội học nổi tiếng với những công trình nghiên cứu - phê bình về luật pháp và xã hội, cũng như với 45 năm cống hiến cho các cột báo của bán nguyệt san National Review. Xin độc giả một lưu ý trước khi đọc van den Haag: bài báo được công bố vào mùa xuân năm 1987, ba năm trước sự sụp đổ dây chuyền của các chế độ cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô cũ.
Người dịch
Ít ai đã và đang ảnh hưởng đến nhân loại nhiều như Karl Marx. Những giáo lý của ông hiện đang thống trị một bộ phận ngày càng hùng mạnh của thế giới, điều mà chúng ta đành phải cam lòng. Vậy mà trên đất nước này (tức Hoa Kỳ — người dịch), chủ nghĩa của K. Marx còn chưa được nghiên cứu nhiều.

Trong bài báo này, tôi sẽ cố gắng phác hoạ những ý tưởng của Marx, vị công dân Đức đã qua đời ở London vào năm 1883. Kết luận của tôi là phần lớn các luận thuyết của ông nếu không sai lầm thì đều vô ý nghĩa. Marx đã để lại ảnh hưởng, song ảnh hưởng của ông chưa bao giờ đặt nền móng trên những lý luận hàm chứa chân lý khoa học, mà chỉ trên hấp lực tâm lý của mớ lý luận đó.


1.

Theo gót nhiều tác gia Đức và Pháp, Marx tư duy rằng xã hội phải vận động phát triển theo những giai đoạn từ thấp lên cao; việc giai đoạn nào là cái gì và được kế tiếp bởi giai đoạn nào có thể được quyết định một cách khách quan. Marx xác tín rằng tiến trình lịch sử tất yếu này được thúc đẩy bởi các “quy luật kinh tế của sự vận động”, mang tính khả quyết khoa học. Từ đó ông tiên đoán rằng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là không ngăn nổi về phương diện lịch sử. Vì Marx cho rằng cái không thể ngăn cản và cái tốt đẹp là một, chủ nghĩa xã hội trở nên không ngăn nổi bởi nó tốt đẹp, và nó tốt đẹp bởi không thể ngăn cản nó. Tiếc thay, cái tốt đẹp lại không luôn là cái bất khả kháng — điều mà sự tồn tại của bản thân chủ nghĩa cộng sản đã minh chứng. Còn cái bất khả kháng thì lại thường bất hảo — một lần nữa, thí dụ minh hoạ vẫn là chủ nghĩa cộng sản.

Mặc cho Marx tự đắc về phương pháp khoa học của mình, hầu hết các tiên đoán của ông đều từa tựa những lời tiên tri Do Thái giáo hay những lời thiên khải Cơ Đốc giáo: chúng khơi gợi — đôi khi, ám thị — cho tín đồ cảm giác rằng chúng mặc nhiên đúng đắn, mà không thể được kiểm định bằng các phương tiện của khoa học. Ấy vậy mà lý luận Marxist vẫn tỏ vẻ ta đây có địa vị khoa học, không giống như những kinh sách tôn giáo. Tuy nhiên, các tín đồ của Marx không thể cho biết họ sẽ thừa nhận Marx sai, hoặc đã từng sai, trong những điều kiện nào. Thế nhưng một lý thuyết vẫn có thể tiếp tục đúng bất chấp những gì đã diễn ra chỉ khi nào nó không bao hàm những tiên đoán khả dĩ được kiểm nghiệm. Đây là trường hợp của Marx. Một cách vô ý thức, Marx đã phát hiện ra rằng để có được sức truyền cảm cho thời đại chúng ta, lý thuyết của ông cần phải có diện mạo của khoa học.


2.

Marx nghĩ về học thuyết của mình như một chỉnh thể tối hậu bất khả phân, tựa vững trên sự phân tích của ông đối với quá trình lịch sử. Trước hết, hãy xem xét những lý thuyết xã hội học và kinh tế học của ông.

Theo Marx, “sự phát triển của chính trị, tôn giáo, nghệ thuật v.v... được quyết định bởi sự phát triển của kinh tế”, nhân tố mà dưới chủ nghĩa tư bản, đã đặt những sở hữu chủ của ‘tư bản’ (tiền vốn, tài sản và những tài nguyên vật chất khác, nhất là để tổ chức sản xuất hay đầu tư làm giàu — người dịch) đối lập với những người vô sản — những người chỉ sở hữu bản thân họ. Cuộc “đấu tranh giai cấp” này là yếu tố có tính quyết định, xác lập hành vi của chúng nhân và lộ tuyến của lịch sử. Áp dụng lý thuyết này của “chủ nghĩa duy vật lịch sử” vào chế độ tư bản, Marx nhận thấy những công tích quá khứ của chế độ này là cực lớn nhưng —, Marx viết vào năm 1848 —, ông cảm thấy rằng chủ nghĩa tư bản, một cách bất khả kháng, đang trở thành cái “gông cùm của nền sản xuất” mà đã đến lúc phải bị đập bỏ. Cuộc đấu tranh giai cấp giữa các nhà tư bản và những người vô sản sẽ không tránh khỏi trở nên ngày càng quyết liệt một khi chủ nghĩa tư bản phát triển: sự giàu có sẽ được tập trung hoá, nỗi thống khổ bần cùng của giai cấp vô sản sẽ gia tăng, khủng hoảng và chiến tranh sẽ bùng nổ xuất phát từ những “mâu thuẫn” các loại trong chế độ tư bản. Cuối cùng thì công nhân, những con người “chẳng có gì để mất trừ xiềng xích”, sẽ đạp đổ hệ thống và thay thế nó bằng chủ nghĩa xã hội — chế độ sẽ bãi bỏ sự tư hữu về tư liệu sản xuất (tức ‘tư bản’) và như vậy, sẽ thủ tiêu các giai cấp và đấu tranh giai cấp. Mọi xấu xa lầm lỗi của thế giới này rồi sẽ tiêu tan, bởi chúng đều có nguyên do từ hệ thống tư bản chủ nghĩa. Từ đây sẽ không còn nữa tội ác, chiến tranh, nhà nước; tính dục đồng giới và chủ nghĩa bài Do Thái sẽ biến mất, v.v... (Trong xã hội mới) người bình thường sẽ vươn đến tầm vóc của Aristotle. [1] (Marx, giống như Rousseau trước ông, đã tin rằng mọi người đều lương thiện và chỉ bị tha hoá bởi những hệ thống xã hội tồi dở. Nhưng khác với Rousseau, Marx còn tin rằng sự xuất hiện các hệ thống này là một tất yếu lịch sử. Cả Marx, cả Rousseau đều không nhìn nhận rằng việc những kẻ bất lương làm hư hỏng các hệ thống tốt đẹp cũng thông thường như điều ngược lại vậy.)

Marx tin rằng các giai cấp xã hội là những nhóm mà mọi người nhất thiết phải thuộc vào; rằng những xung đột nội giai cấp là không quan trọng, xung đột liên giai cấp mới có ý nghĩa quyết định; rằng những mối ràng buộc kinh tế nội giai cấp thì lại đương nhiên bền chặt hơn các ràng buộc liên giai cấp — tỷ như quốc tịch, giới tính, tuổi tác, hay tôn giáo. Song le, chúng nhân lại thường (cùng lúc) thuộc vào — và chịu ảnh hưởng bởi — nhiều tập hợp: theo tín ngưỡng, theo dân tộc, theo giới tính, theo tuổi tác, theo nghề nghiệp, theo quê quán v.v...; không có bằng chứng nào cho thấy “tình đoàn kết giai cấp” mạnh mẽ hơn các mối liên hệ đoàn thể khác.

Theo chủ nghĩa Marx thì “do chính bản chất của mình, phần lớn những người vô sản đều không bị vướng bận bởi những định kiến quốc gia; toàn bộ khuynh hướng và hành động của họ về cơ bản là nhân đạo, đối lập với chủ nghĩa quốc gia.” [2] Những cuộc chiến tranh sắc tộc và tôn giáo, những hình mẫu tuyển cử của chế độ dân chủ, cũng như những quan sát hằng ngày — tất cả đều chỉ ra rằng học thuyết của Marx là sai lầm, trừ phi nó được gọt giũa để trở thành vô nghĩa. Một lối thoát (tức một cách “gọt giũa” chủ nghĩa Marx — người dịch) là phát biểu rằng, “một cách khách quan”, chúng nhân chia sẻ những quyền lợi phổ quát mang tính giai cấp và sẽ hành động phù hợp với mô hình đấu tranh giai cấp, có điều họ “ý thức về giai cấp” không được thường xuyên lắm; [3] họ hay bị chi phối bởi một “ý thức sai” [4] . Tuy nhiên, điều này (a) hoặc không đúng, (b) hoặc nếu có đúng thì cũng không giúp ích gì nhiều (cho lý luận của Marx — người dịch).
  1. Thường xuyên có xung đột giữa các quyền lợi kinh tế khách quan trong cùng một giai-cấp-kiểu-Marx (Marxian class) — chẳng hạn, trong giai cấp công nhân (mà theo Marx, có bản chất xuyên quốc gia — người dịch). Xung đột nảy sinh do di dân, do doanh thương quốc tế, do tôn giáo hoặc do chủng tộc; và công nhân thường chia sẻ những quyền lợi khách quan chung với các chủ tư bản, trong khi lại xung đột về lợi ích với những tập đoàn công nhân khác. ‘Giai cấp tịch’ (class membership, tức tư cách là thành viên một giai cấp — người dịch) không có tính quyết định hơn, và có thể còn kém, so với — chẳng hạn — ‘chủng tộc tịch’ (race membership) trong việc xác lập nhãn quan chính trị của con người. Nếu bạn cứ một mực nói về tầm quan trọng của chủng tộc, bạn có thể — trong nhất thời — xui khiến chúng nhân hành động theo những “quyền lợi chủng tộc” của họ, như bọn Quốc xã đã làm. Còn nếu bạn thuyết phục chúng nhân rằng họ nên hành động theo những điều mà bạn bảo đó là “quyền lợi giai cấp” của họ, họ có thể nghe bạn. Tuy nhiên, những hành động đó là kết quả của sự tuyên truyền về chủng tộc hoặc về giai cấp, không phải xuất phát từ những “quyền lợi” chủng tộc hoặc giai cấp như những sự thật khách quan: lời tiên triệu thực chất là sự ám thị.

  2. Hơn nữa, cứ cho rằng các “giai cấp” là quan trọng như Marx nghĩ nhưng chúng nhân không hành động cho tương xứng với tầm quan trọng đó bởi lẽ, vì không đọc Marx, họ không có ý thức giai cấp — nếu “ý thức giai cấp” là thứ độc lập với “giai cấp tịch” —, và nếu “giai cấp tịch” vừa không đủ điều kiện, vừa không tất yếu đưa đến những hành vi mang tính giai cấp được mong đợi, thì hoá ra “giai cấp” cũng chỉ là một trong nhiều tập hợp xã hội vẫn ảnh hưởng đến hoạt động của con người trong những tình huống nhất định. Nhận định này là đúng đắn. Có điều, điểm khu biệt trong lý luận của Marx lại là: giai cấp tịch là yếu tố quyết định trong việc xác lập hầu hết những hành động của con người, nhất là hành động chính trị. Điều này rành rành là vô căn cứ!
Làm sao Marx có thể mắc phải một sai lầm ngớ ngẩn như vậy? Quả tình, vào thời Marx, giai cấp tịch đã ảnh hưởng đến những đổi thay trong cuộc sống con người một cách quyết định hơn nhiều so với ngày nay, đồng thời những biến động về giai cấp tịch — tức sự chuyển đổi từ giai cấp này sang giai cấp khác — là cực kỳ ít ỏi. Một thí dụ, (thời Marx) con cái của người lao động trên thực tế không được thụ hưởng giáo dục. Marx cho rằng đây là một đặc tính cố hữu của chủ nghĩa tư bản. Thật ra thì đó là một tàn dư của chế độ phong kiến. Ở bất cứ đâu chủ nghĩa tư bản được phát triển, nó sẽ xúc tiến những biến động về thành phần giai cấp và nới lỏng những ràng buộc giai cấp. Hơn nữa, ngược với tiên đoán của Marx, “nỗi thống khổ của người lao động” (trong xã hội tư bản phát triển — người dịch) đã không gia tăng mà trái lại, chuẩn mức sinh hoạt của họ đã được nâng lên nhiều, và còn được nâng lên nhanh chóng hơn so với mức sống của các tầng lớp trung và thượng lưu. Vì lý do này, cuộc cách mạng mà Marx tiên liệu như một kết quả của sự hiện diện chủ nghĩa tư bản lại đã xảy ra, hoặc đang đe doạ xảy ra, chỉ ở những nơi nào mà chủ nghĩa tư bản vắng mặt — trong các quốc gia chưa phát triển. Trong khi không hề trở thành gông cùm đối với sản xuất, chủ nghĩa tư bản còn không ngừng tăng tốc cho những tiến bộ kinh tế kể từ thời Marx.


3.

Lịch sử, theo Marx, được thúc đẩy bởi các lực lượng kinh tế. Điều này, một lần nữa, hoặc được diễn giải để đúng một cách vô dụng, hoặc hoàn toàn vô căn cứ. Marx chưa bao giờ làm rõ xem ông thực sự muốn khẳng định điều gì trong hai điều sau đây: 1) sự thay đổi về lịch sử có thể diễn ra chỉ khi nào có một thay đổi về kinh tế làm tiền đề cho nó; 2) thay đổi về lịch sử luôn luôn diễn ra khi thay đổi về kinh tế diễn ra. Nếu chúng ta định nghĩa “thay đổi về lịch sử” và “thay đổi về kinh tế” là những khái niệm độc lập với nhau, thì hiển nhiên rằng thay đổi về lịch sử không nhất thiết phải có nguyên nhân từ thay đổi về kinh tế, yếu tố vừa không đủ điều kiện, vừa không tất yếu dẫn đến những đổi thay của lịch sử. Một lối thoát là giải thích rằng Marx chỉ xác nhận có một mối quan hệ chặt chẽ và — đôi khi — mang tính quyết định giữa các nhân tố lịch sử và kinh tế. Điều này thì đúng theo kiểu một khẳng định “tự minh chi lý” (a truism, một sự thật hiển nhiên và tầm thường — người dịch). Marx chắc chắn đã có ưu điểm đặt chú trọng vào các nhân tố kinh tế, một điều thường bị xao lãng. Điều này sẽ dẫn chúng ta tới tâm điểm kinh tế học của chủ nghĩa Marx.


4.

Giống như Adam Smith và David Ricardo đã làm trước ông, Marx nêu câu hỏi: cái gì tạo ra giá trị? và cái gì khiến cho giá trị của vật phẩm này khác với giá trị của vật phẩm kia? Marx đã phát hiện ra rằng “giá trị” là sự tương đẳng với “số lượng sức lao động”, bao gồm cả lao động có kỹ năng đã được giản quy về “lao động xã hội trung bình”, trong khi nguyên liệu và máy móc thì “phó mặc cho sản phẩm phần giá trị mà bản thân chúng đã hao phí.” Khác với các nhà kinh tế học kinh điển, Marx phủ nhận rằng bất cứ cái gì — ngoại trừ sức lao động — đều có thể làm nên giá trị.

Giá trị của bản thân sức lao động được tính bằng lượng công lao động cần thiết để tạo nên sản phẩm và nuôi sống người lao động. Chủ thuê nhân công trả cho người lao động cái giá trị của sức lao động của anh ta, song, một mặt khác, còn “bóc lột” anh ta nữa, bởi lẽ sức lao động đã làm ra một giá trị vượt quá bản thân nó. Lượng vượt quá này — tức “giá trị thặng dư” — đã bị chiếm đoạt, hay bóc lột, bởi chủ thuê nhân công. Chẳng hạn, để nuôi một công nhân trong một giờ cần mười củ khoai tây. Mười củ khoai này là giá trị của một giờ lao động đó. Nhưng công nhân kia, trong giờ đó, lại làm ra những hai mươi củ khoai tây: mười củ khoai “thặng dư” đã bị chiếm đoạt bởi người chủ sử dụng lao động, kẻ đã trả cho công nhân kia giá trị của sức lao động của anh ta.

Lý thuyết này lô-gích đến mức nào? Giá trị của sản lượng kết xuất (output) từ mọi nhân tố của một quá trình sản xuất — sức lao động, đất đai, tư bản — cần phải trội hơn (tổng) giá trị của (các phí tổn) đầu vào (input), nếu không thì quá trình sản xuất chẳng bõ công. Nhưng tại sao giá trị thặng dư lại được quy cho sức lao động? Sao nó không được quy cho tư bản? Hoặc cho đất đai, như các nhà trọng nông [5] thế kỷ XVIII đã quan niệm? Ở đây, chúng ta đã gặp một petitio principii (đọc [pe-ti-shi-o prin-si-pi-i] — người dịch) [6] : điều mà Marx quả đoán và muốn chứng minh — sức lao động đã nhận được ít hơn cái đáng lẽ nó được nhận — chỉ đơn thuần là được tái quả quyết trong kết luận mà không được chứng minh. Sức lao động được (Marx) định nghĩa là nguồn gốc của giá trị, trong khi phần giá trị trội ra so với chi phí của sản phẩm lại phụ thuộc không hề ít vào các nhân tố khác của quá trình sản xuất. Một định nghĩa — và là một định nghĩa khá tuỳ tiện — đã được lấy làm chứng minh.

Nói một cách khái quát, những quan niệm cho rằng giá trị kinh tế là hệ quả của một nhân tố bất kỳ hoặc của toàn bộ các nhân tố trong quá trình sản xuất đều sai lầm. Nếu điều đó đúng thì nhà sản xuất sẽ chẳng bao giờ thua lỗ. Thật ra, giá trị của sản phẩm — cũng như giá trị của mỗi nhân tố đã dự phần làm nên nó — được quyết định một cách riêng rẽ bởi sự khan hiếm tương đối. Nếu giá trị của sản phẩm thấp hơn chi phí, nhà sản xuất sẽ lỗ vốn và chấm dứt sản xuất sản phẩm đó.

Rõ ràng là (giá của) các vật phẩm được bán ra trên thị trường không luôn luôn tỷ lệ với (lượng) sức lao động đã được cụ thể hoá vào chúng. Để thí dụ, hãy nhìn vào những biến động thường xuyên về giá của dầu lửa, lúa mỳ, bông hoặc kim cương: phải chăng những biến động kia liên quan đến những biến động của lượng sức lao động cần thiết để sản xuất các vật phẩm này? Hiển nhiên là không phải. Marx đã gắng gượng giải quyết bất cập này bằng cách khăng khăng rằng chỉ có “sức lao động thiết yếu về mặt xã hội” mới đem lại giá trị cho sản phẩm. Vậy điều gì sẽ định đoạt cái sức lao động đã dùng có phải là “thiết yếu về phương diện xã hội” hay không? Marx đã không tìm nổi một tiêu chuẩn độc lập nào. Trên thực tế, việc sức lao động có phải là “thiết yếu về xã hội” hay không sẽ chỉ được nhận thấy sau khi ta đã biết cái mà nó làm ra có hay không có giá trị. Lý thuyết vậy là thành luẩn quẩn: (thoạt tiên) giá trị lệ thuộc vào lượng sức lao động đã dùng vào sản phẩm, nhưng hoá ra rằng lượng sức lao động đã thực sự sử dụng lại không trao giá trị cho nó, mà chỉ có thứ “sức lao động thiết yếu về xã hội” mới làm nên giá trị đó; rồi lại chỉ có sức lao động nào đem lại giá trị thì mới là “thiết yếu về phương diện xã hội”. Như vậy, thay vì thu được giá trị từ sức lao động, người ta lại lấy ra cái “sức lao động thiết yếu về xã hội” từ giá trị. Trong khi cố gắng cứu vãn lý thuyết của mình trước thực tiễn, Marx đã biến nó thành vô nghĩa.


5.

Khác với những người sùng bái Marx đương đại, tôi cho rằng lý thuyết sức lao động về giá trị [7] là trọng tâm trong kiến trúc lý luận của Marx. Không có nó, (những khái niệm như) ‘bóc lột’, ‘cách mạng’ và ‘chủ nghĩa xã hội’ sẽ không còn cần thiết nữa. Marx toan dùng lý thuyết này để chứng minh một cách khoa học rằng phép phân phối thu nhập hiện hữu — kết quả của nền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất — là bất chính. Thế nhưng, so với hầu hết các quốc gia theo chủ nghĩa tư bản, ở Liên Xô sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, quyền lực và danh vọng đều lớn hơn: (ở đó) toàn bộ tư liệu sản xuất là công hữu và như vậy, không có ‘bóc lột’ và ‘đấu tranh giai cấp’ theo định nghĩa của Marx về các thuật ngữ này, nhưng toàn bộ “giá trị thặng dư” đều rơi vào giới quyền lực. Như vậy, cái từng ráo đầu như là bản cáo trạng về sự bất bình đẳng nay đang về hùa với lời biện hộ cho sự bất bình đẳng ấy. Marx, trong khi sục sôi tố cáo chủ nghĩa tư bản “một cách khoa học”, đã xao lãng một sự thật hiển nhiên là thu nhập có thể bị phân phối bất bình đẳng một cách thậm tệ ở bất cứ nơi nào có sự phân phối bất bình đẳng về quyền lực. Ông đã không lĩnh ngộ được rằng quyền lực có thể quyết định thu nhập. Marx, cũng như nhiều ủng hộ viên của chủ nghĩa xã hội, đã không nhận ra rằng động cơ trục lợi không bị thủ tiêu bởi nền công hữu. Ngay cả khi tất cả chúng ta đều là công nhân - viên chức nhà nước, chúng ta vẫn sẽ tranh đấu để được tưởng thưởng tối đa, và sự tưởng thưởng vẫn sẽ là thu nhập, là danh vọng, là quyền hành, chẳng khác nào ở Liên bang Xô-viết hiện nay. Chỉ có điều, thay vì được tưởng thưởng hay bị trừng phạt bởi thị trường, chúng ta sẽ được bình giá bởi giới quan chức.


6.

Marx đã không dành nhiều thời gian để nói với chúng ta rằng chủ nghĩa xã hội sẽ như thế nào. Ông đã để tâm nhiều hơn vào việc nghiên cứu xem trong những điều kiện nào, chủ nghĩa xã hội sẽ được đưa đến. Song le, trong Phê phán Cương lĩnh Gotha, Marx đã mô tả chủ nghĩa xã hội như một nhà nước mà trong đó, mỗi người sẽ được hưởng thụ tuỳ theo cống hiến của mình, còn chủ nghĩa cộng sản thì như một nhà nước mà mỗi người sẽ được hưởng thụ tuỳ theo nhu cầu của mình; trong cả hai trường hợp, mỗi người đều cống hiến tuỳ theo khả năng của mình.

Thế nhưng, “được hưởng thụ tuỳ theo cống hiến của mình” có nghĩa là gì? Phải chăng hiện nay tôi đang được hưởng thụ như vậy? Cái giá mà cống hiến của tôi được ấn định — tôi đang nói về giá trị kinh tế — là kết quả đánh giá của người mua và người bán về cái mà việc tôi viết bài báo này sẽ đạt được. Điều đó sẽ thay đổi ra sao dưới chủ nghĩa xã hội? Nó sẽ được cải thiện theo cách nào? Ai sẽ định đoạt xem công việc của tôi đáng giá bao nhiêu? Marx đã bỏ lại những câu hỏi này mà không cung cấp đáp án.

Dưới chủ nghĩa cộng sản, người ta được hưởng thụ tuỳ theo nhu cầu. Ai sẽ xác định nhu cầu của tôi? Các công nhân ngành phúc lợi chăng: lạy giời đừng có chuyện đó! Tôi ư: đối với tôi, nhu cầu là vô hạn — không một nền kinh tế nào có thể sản xuất đủ để thoả mãn nó! Bài toán của kinh tế học luôn luôn là: phân phát các vật phẩm sẵn có trong khi chúng ít hơn so với đòi hỏi. Hiện tại, bài toán này được giải quyết bởi thị trường. Nó chắc chắn không thể được giải bằng một phép giản quy với giả định rằng những đòi hỏi của chúng nhân trên thực tế là hữu hạn, hoặc rằng (đến một lúc nào đó — người dịch) của cải tài nguyên — bao gồm cả ý thức tự nguyện làm việc của chúng nhân — là vô hạn.

Có thể nói gì về “ý thức tự nguyện làm việc”? Nếu như chúng nhân được hưởng thụ theo nhu cầu mà không phải theo công việc, làm sao ta có thể khiến mọi người làm việc đây, một khi họ sẽ có được thu nhập mong muốn mà không cần làm việc? Ngoài ra, bằng cách nào ta sẽ khiến chúng nhân đến làm việc ở những nơi họ được yêu cầu mà không phải chỉ những nơi họ thích, một khi thu nhập của mọi người chỉ phụ thuộc vào nhu cầu của chính mình và hoàn toàn độc lập đối với công việc, cũng như đối với những yêu cầu đặt lên công việc? Sự cưỡng bức sẽ phải thay thế cho những khuyến dụ của thị trường, nhân tố hiện đang là lực hấp dẫn của các chức nghiệp đang cần đến nhân công và cần đến người sử dụng nhân công. (Nếu có chăng thì) chỉ sức lao động nô lệ mới khả dĩ được tưởng thưởng theo nhu cầu — tất nhiên là theo cách nhìn nhận của chủ nô. Mà lao động nô lệ thì không năng suất. Vì lẽ đó, Liên Xô hiện nay đã quay trở lại với hệ thống khích lệ bằng vật chất, chỉ khác với hệ thống của chúng ta ở chỗ nó tệ bạc hơn và đưa đến những bất bình đẳng lớn hơn.

Nếu cần có một minh chứng, những sự kiện gần đây ở Ba Lan đã cung cấp những bằng cứ không thể nghi ngờ. Ở quốc gia xã hội chủ nghĩa này, công nhân đã đứng lên bãi công chống lại giới quản lý của các ngành công nghiệp đã xã hội hoá. Còn bằng chứng nào rõ hơn khi mà, trái với những gì Marx nghĩ, cái xã hội vô giai cấp nhờ xã hội hoá các tư liệu sản xuất — mà Marx hình dung rằng trong đó mọi người sẽ sẻ chia cùng một quyền lợi — là một giấc mơ không thể thực hiện. Sự thật, công nhân Ba Lan đã nhận thấy mình bị bóc lột bởi giới quan chức đang làm chủ các công xưởng và mọi thứ khác. Bọn quan liêu thậm chí còn không cho phép công nhân thương lượng hoặc thành lập các tổ chức riêng của mình: điều này, theo Marx, không cần thiết vì (trong xã hội xã hội chủ nghĩa) quyền lợi của công nhân không khác biệt với quyền lợi của các nhà quản lý. Công nhân Ba Lan đã biểu tỏ mạnh mẽ rằng họ không nghĩ như vậy. Trong tất cả các nhà nước cộng sản khác, công nhân rồi đây cũng sẽ hành động như thế, một khi họ vượt qua được bạo quyền của cảnh sát mật vụ và toàn bộ cỗ máy đàn áp của chế độ cộng sản, giống như những người đồng giai cấp của họ ở Ba Lan đã làm được.

(Trong các quốc gia theo chủ nghĩa xã hội,) hố ngăn cách về thu nhập và quyền lực giữa công nhân và giới quan liêu nhà nước — những kẻ đã thay thế địa vị của các sở hữu chủ tư nhân đối với tư liệu sản xuất — còn lớn hơn khi các tư liệu này nằm trong tay tư nhân. Chủ nghĩa xã hội đã mang đến không chỉ sự kém hiệu quả và sự bần cùng hoá tổng thể, mà còn cả sự tập trung hoá quyền lực và tài sản vượt xa bất cứ quốc gia nào trong thế giới tư bản chủ nghĩa.

Đáng tiếc là tôi không thể dự báo được rằng chủ nghĩa Marx sẽ tiêu biến vào quên lãng bởi lẽ, trên cả lý luận và thực tiễn, nó đã chỉ chứng tỏ rằng nó đang sản sinh ra một kỷ nguyên mới của chế độ nô lệ, ách thống trị chuyên chế, những tội ác tàn bạo và sự vô năng suất về kinh tế. Các chủ thuyết thường sống dai dẳng nhờ những triển vọng mà chúng hứa hẹn, bất chấp việc những triển vọng kia đã thường xuyên tỏ ra vô căn cứ như thế nào. Cả Khoa Luận giáo [8] lẫn môn chiêm tinh đều đang sống sót, tôi ngờ rằng chủ nghĩa Marx cũng sẽ sống dai như vậy. Chúng nhân thường hiếm khi ghi nhớ từ kinh nghiệm, song có lẽ Đông Âu đang cung cấp cho thế giới một bài học mà nó không chắc sẽ bị bỏ qua.

Bản dịch hoàn thành tại Hà Nội, tháng Chín 2007.

Bản tiếng Việt © 2007 Khánh Long Translations


[1]Leon Trotsky, Literature and Revolution (New York: Russell and Russell, 1957). [chú thích từ nguyên bản]
[2]Friedrich Engels, The Festival of Nations in London (to Celebrate the Establishment of the French Republic, September 22, 1792) in Marx and Engels, Collected Works, Vol. 6, p. 6.
[3]Giả định cho rằng khái niệm “giai cấp” của Marx mang nghĩa “nhóm thu nhập” có lẽ hơi hiền lành. Marx thực sự đã đề xuất rằng “giai cấp” được quy định bởi lằn ranh giữa chủ sử dụng nhân công (sở hữu chủ của các phương tiện sản xuất / nhà tư sản) và người làm thuê (người bán sức lao động / người vô sản). Theo đúng nghĩa đen thì một giám đốc điều hành được trả lương cao phải được xếp vào “giai cấp vô sản”! [chú thích từ nguyên bản]
[4]“Ý thức sai” là luận điểm Marxist cho rằng các quá trình vật chất và thể chế trong xã hội tư bản đã mê hoặc giai cấp vô sản — và cả những giai cấp khác —, khiến thành viên các giai cấp lầm lẫn về quan hệ đích thực giữa các lực lượng xã hội này. Vẫn theo quan điểm Marxist, “ý thức sai” là kết quả của việc những người vô sản coi nhẹ việc kiểm soát ý thức hệ (ideology) của các thành viên của giai cấp mình. Theo giới nghiên cứu, người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “ý thức sai”, cũng như yêu cầu nâng những phát biểu của Marx — và cả sự diễn dịch các phát biểu đó của những người Marxist — thành ý thức hệ là Engels. Được biết, sinh thời Marx đã kịch liệt phản đối việc coi học thuyết của mình là ý thức hệ (mà câu nói nổi tiếng của ông “Tôi chắc chắn không phải người Marxist” là một bằng chứng); việc sử dụng thuật ngữ “ý thức sai” trong các trước tác của ông cũng không tìm thấy. Tuy nhiên, khái niệm “chủ nghĩa Marx” được hiểu là bao gồm — nếu không phải chủ yếu là — những diễn dịch hậu trước tác về Marx của những người Marxist.
[5]Các nhà trọng nông (physiocrats) là nhóm những nhà kinh tế học chủ trương rằng sự sung túc của mọi quốc gia đều có nguồn gốc thuần tuý từ nông nghiệp. Chủ nghĩa trọng nông (physiocracy) — khởi sinh tại Pháp và thịnh hành trong khoảng nửa sau thế kỷ XVIII — có lẽ là lý thuyết kinh tế học có hệ thống đầu tiên, xuất hiện ngay trước trường phái kinh tế học cổ điển vốn được khai thuỷ với công trình The Wealth of Nations (1776) của Adam Smith. Cống hiến có giá trị nhất của các kinh tế gia trọng nông là sự nhấn mạnh vai trò của sản xuất như là nguồn gốc của của cải quốc gia. Quan điểm này đối lập với các môn phái trước đó, đặc biệt là chủ nghĩa trọng thương (mercantilism), đánh giá sự thịnh vượng của mỗi quốc gia dựa trên năng lực cung ứng tư bản của nó, và phải được thể hiện bằng dự trữ quý kim của nhà nước, đồng thời coi sự tăng trưởng của lượng “dự trữ quốc gia” này có nguồn gốc từ nền thương mãi liên quốc gia. Các nhà trọng nông coi sự sản xuất hàng hoá và dịch vụ chỉ là sự tiêu dùng thặng dư nông nghiệp, trong khi các kinh tế gia hiện đại lại xem đấy là những hoạt động hữu ích làm gia tăng thu nhập của đất nước.
[6]Petitio principii là tên gọi bằng tiếng La Tinh của một phép nguỵ biện lô-gích, trong đó kết luận của một lập luận được chứa sẵn một cách ngấm ngầm hoặc tường minh ở một trong các tiền đề. Một lập luận như vậy là một chứng minh thất bại vì nó đã lấy ngay điều mà nó muốn chứng minh làm giả định. Được triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle chỉ ra lần đầu tiên vào khoảng năm 350 trước công nguyên, petitio principii còn có tên gọi trong tiếng Anh là begging the question. Petitio principii cũng được đối dịch sang tiếng Trung Quốc là 循环论证 [tuần-hoàn luận-chứng], và sang tiếng Việt là phép chứng minh luẩn quẩn (không đạt lắm!).
[7]Theo nhiều nhà nghiên cứu, lý thuyết sức lao động về giá trị (labor theory of value) hiện nay đã bị vượt qua bởi lý thuyết công ích lề (hay “chủ nghĩa biên tế”, marginalism), cũng như khoa kinh tế chính trị (political economy) đã bị thay thế bởi kinh tế học tân cổ điển (neoclassical economics). Dĩ nhiên, những người Marxist luôn phủ nhận điều này.
[8]Khoa Luận giáo (Scientology) là một hệ thống tín ngưỡng mới, được lập ra vào năm 1952 bởi nhà văn Mỹ chuyên viết tiểu thuyết giật gân L. Ron Hubbard. Ở nhiều quốc gia Bắc Mỹ và Tây Âu, nơi khoa luận giáo được truyền bá đến, các đoàn thể của tôn giáo này bị coi là những tổ chức kinh doanh bậy bạ, còn giáo lý Scientology của chúng bị coi là giả khoa học.
Nguồn: Ernest van den Haag, Marxism as Pseudo-Science, “Reason Papers” No. 12 (Spring 1987) pp. 26—32.