I. Không đọc Tư bản luận vẫn có thể phê phán Marx Dĩ nhiên là tôi biết có người sẽ nhếch mép cười khẩy khi đọc thấy cái tiêu đề đầy vẻ báng bổ như thế. Dĩ nhiên là tôi biết “theo kết quả thăm dò ngày hôm qua do đài
BBC Radio 4 tiến hành thì Karl Marx, người sáng lập chủ nghĩa cộng sản và ông tổ của chủ nghĩa xã hội, người không đội trời chung với chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản lại được coi là nhà triết học vĩ đại nhất của mọi dân tộc và mọi thời đại”. Dĩ nhiên là tôi còn biết ngoài các ông
Đoàn Tiểu Long,
Nguyễn Đức Bình,
Nguyễn Hoài Vân… thì còn có hàng chục nhà kinh tế học danh tiếng trên thế giới, những người không những chẳng coi chủ nghĩa xã hội ra gì mà cũng chẳng dành cho chuyên chính vô sản một miligram tôn trọng nào, cũng coi Marx là một trong những nhà kinh tế học lớn, nếu không nói là thuộc hàng những nhà kinh tế học lớn nhất. Thế thì tại sao một kẻ rất trung bình như tôi, một người chưa đọc
Tư bản luận (thú thật là trong các trước tác của Marx và Engels, tôi mới chỉ đọc:
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Phê phán cương lĩnh Gotha, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước và
Chống Dühring, các tác phẩm khác không thấy thày giáo dạy triết bảo phải đọc), lại có thể viết những câu báng bổ, ngạo mạn như thế? Có hai lí do.
Thứ nhất, Marx không chỉ là một nhà kinh tế học mà còn là một nhà xã hội học và một nhà tiên tri nữa. Trong tác phẩm
Chủ nghĩa cộng sản, Richard Pipes viết: “
Như vậy nghĩa là, hoá ra trên thực tế tất cả các dự đoán của Marx đều sai, ngay từ khi Marx còn sống điều đó càng ngày càng trở nên rõ ràng và sau khi ông mất thì trở thành sự kiện không thể tranh cãi”. Nhưng trước khi nhận ra điều đó hay chẳng bao giờ nhận ra điều đó thì các đệ tử của Marx đã bị hút hồn rồi: “
Tác động về mặt tình cảm của niềm tin này (chủ nghĩa tư bản tất yếu sẽ diệt vong, chủ nghĩa cộng sản nhất định sẽ thắng lợi – NT)
cũng chẳng khác gì niềm tin vào ý Chúa, nó là nguồn động viên rất lớn đối với những người tin tưởng tuyệt đối rằng dù có phải vượt qua biết bao nhiêu trở ngại, nhất định họ sẽ giành được thắng lợi cuối cùng. Lí thuyết này đã có một hấp lực rất mạnh đối với các nhà trí thức, vì nó hứa hẹn sắp xếp lại cuộc đời đầy lộn xộn này, biến đời sống thành ra có trật tự mà trí thức chính là những người thày, những người hướng dẫn cho cái trật tự đáng mong ước đó. Marx đã giải thích điều đó bằng một câu nổi tiếng sau đây:
‘Các nhà triết học giải thích thế giới bằng những cách khác nhau, nhưng vấn đề là cải tạo nó’” Và thế là: “
Tất cả các lãnh tụ cộng sản (đây là nói ở Nga nhưng cũng đúng với cả Việt Nam và tất cả các nước cộng sản khác nữa -NT)
đều chưa hề có kinh nghiệm quản lí hành chính trong bất kì lĩnh vực nào, thế mà họ sẵn sàng nhận trách nhiệm quản lí đất nước có diện tích lớn nhất thế giới. Không hề có kinh nghiệm kinh doanh, nhưng họ lập tức tiến hành quốc hữu hoá toàn bộ nền kinh tế đứng thứ năm thế giới, nghĩa là họ sẵn sàng nhận trách nhiệm lãnh đạo nó”. Lại nữa: “
Cộng sản đã giữ được chính quyền nhưng lại chịu thất bại trong hầu hết các lĩnh vực khác. Hoá ra cuộc sống chẳng ăn nhập gì với lí thuyết. Nhưng họ lại không chịu công nhận rằng mình sai: nếu công việc diễn ra không như ý, họ không những không chịu nhân nhượng mà còn sử dụng bạo lực điên cuồng hơn. Việc công nhận sai lầm nhất định sẽ làm lung lay toàn bộ cơ sở học thuyết vì họ cho rằng các bộ phận cấu thành học thuyết đã được kiểm chứng một cách khoa học”. Vấn đề là như thế, vấn đề là Karl Marx đã “nhảy” xổ vào đời sống của người dân nhiều nước, trong đó có người dân Việt Nam và khi tìm hiểu bất kì vấn đề nào: từ Cải cách Ruộng đất, đến
Nhân văn-Giai phẩm, chiến tranh Đông Dương lần thứ hai và bây giờ là khiếu kiện đất đai, cán bộ tham nhũng, cửa quyền… tất cả đều thấp thoáng đó đây hình bóng của Marx cả. Người ta đã không để cho Marx “ngự” trên giá sách như các “cụ” Immanuel Kant hay Descartes,… nếu Marx cứ “ngự” trên giá sách như thế, thì như người dân “quê choa” vẫn nói: “Bụt trên toà, gà nào mổ mắt?”
Và thứ hai, những kẻ đang nói mỏi lưỡi trên các diễn đàn và viết mỏi tay trên 600 trăm tờ báo quốc doanh về sự “kiên trì” và “bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Marx-Lenin”, những kẻ có quyền “ngậm máu” và “ngậm cứt phun người” như
Phạm Lưu Vũ viết cũng chắc gì đã đọc nhiều hơn tôi. Mà cho dù có đọc nhiều hơn thì cũng còn vấn đề IQ nữa. Trên cả IQ còn là vấn đề tư duy. Khổng Tử bảo: “Học mà không nghĩ thì mờ tối chẳng hiểu gì, nghĩ mà không học thì khó nhọc mất công không” (
Luận ngữ: Vi chính, II). Ngài còn bảo rằng những kẻ học mà không chịu nghĩ, không chịu tư duy là bọn đạo thính đồ thuyết, nghĩa là nghe ngoài đường rồi lại nói ngoài đường (
Luận ngữ: Dương Hoá, XVII), thí dụ như ông
Dương Trung Quốc, thì đọc nhiều học lắm cũng chỉ là vứt đi mà thôi. Không tử gọi những kẻ đạo thính đồ thuyết, cũng như những kẻ dùng xảo ngôn để lừa người là lũ nho tiểu nhân và khuyên học trò: “Ngươi làm nho quân tử, không làm nho tiểu nhân” (
Luận ngữ: Ung giã, VII). Chỉ để “đối thoại” với lũ nho tiểu nhân mà phải đọc hơn một ngàn trang sách đầy những thuật ngữ chuyên môn khó khăn như
Tư bản luận chẳng phải là việc cực kì lãng phí công sức hay sao?
II. Người nông dân “quê choa” và Karl Marx Chủ nghĩa duy vật lịch sử chia xã hội loài người thành năm giai đoạn, cũng gọi là năm hình thái kinh tế: Cộng sản nguyên thủy, chiếm nô, phong kiến, tư bản và cộng sản. Nhưng hoá ra, như Richard Pipes viết: “
Cần phải nói rằng lí tưởng về một ‘Thời kì vàng son’ mà không có tư hữu chỉ là một huyền thoại, một sản phẩm của ước mơ chứ không phải là sản phẩm của trí nhớ vì các nhà sử học, các nhà khảo cổ học và các nhà nhân chủng học đã thống nhất rằng chưa ở đâu và chưa bao giờ có chuyện tư liệu sản xuất từng là của chung. Tất cả các sinh vật sống, từ những thực thể đơn giản nhất cho đến những sinh vật phát triển nhất đều cần phải kiếm thức ăn, mà như thế, phải có quyền sở hữu không gian sinh tồn. Trong hàng ngàn năm, trước khi định cư và chuyển sang chăn nuôi và làm nông nghiệp, con người đã sống bằng săn bắn và hái lượm, các nhóm người gắn bó với nhau bằng quan hệ họ hàng đã khẳng định độc quyền chiếm hữu của mình trên những vùng đất nhất định, họ luôn luôn xua đuổi hoặc giết hại những kẻ ngụ cư. Yêu sách về sở hữu càng căng thẳng thêm khi người ta chuyển sang sản xuất nông nghiệp, tức là cách đây khoảng mười ngàn năm về trước, vì làm đất là một công việc nặng nhọc và không thể có kết quả tức thời”. Đấy là Richard Pipes, còn cụ
Phan Khôi thì đã chứng minh một cách thuyết phục rằng ở Việt Nam chưa hề có chế độ phong kiến bao giờ. Thế thì trong cái sơ đồ do Marx vẽ ra đó, lịch sử Việt Nam sẽ ghé mông vào chỗ nào?
Người nông dân “quê choa” chẳng có khái niệm gì về hình thái kinh tế, chẳng biết gì về khảo cổ học và nhân chủng học, nhưng khi quan sát con gà con chó gần gũi với mình, họ đã rút ra: “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”, tức là họ đã nhận thức được sự chiếm hữu không gian sinh tồn rồi đấy. Chẳng những gà chó cần không gian sinh tồn mà quỉ thần cũng cần nữa: “Đất có thổ công sông có hà bà”. Đến quỉ thần còn như thế thì lũ chúng ta, cái lũ nửa con, nửa người này còn hi vọng nỗi gì? Người nông dân quê choa chẳng cần đọc
Tư bản luận, chẳng cần đọc Richard Pipes, nhưng từ trong sâu thẳm của tâm hồn họ đã biết rằng lời hứa về cái thiên đường, với “núi xôi sông rượu”, chỉ là một lời hứa hão, một sự bịp bợm mà thôi. Năm 1954 hàng triệu người đã dắt díu nhau lên những chiếc tầu há mồm, bỏ lại quê hương bản quán, tức là họ đã bỏ phiếu bằng chân chống chủ nghĩa Marx rồi đấy. Sau năm 1975 họ lại bỏ phiếu bằng chân một lần nữa, và lần này chủ nghĩa Marx đã làm giầu thêm ngôn ngữ của nhiều dân tộc một từ mới: Boat People. Không chỉ người Việt Nam mà người Đông Đức, người Cuba, người Bắc Hàn… cũng đã và đang tiến hành những cuộc bỏ phiếu như thế.
Vấn đề cốt lõi của chủ nghĩa Marx là sở hữu. Marx và Engels viết trong
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “
Theo ý nghĩa đó, những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xoá bỏ chế độ tư hữu”. Xoá bỏ tư hữu rồi thì phải làm sao? Phải làm thế nào để của cải vật chất tuôn ra như suối thì ông Karl Marx đầy mộng mơ: “
Trong xã hội cộng sản, nơi không có ai bị giới hạn lĩnh vực hoạt động nhất định… xã hội điều tiết toàn bộ quá trình sản xuất và vì vậy sẽ tạo điều kiện cho tôi hôm nay làm việc này, ngày mai làm việc khác, sáng đi săn, giữa trưa đi câu cá, chiều chăn gia súc, sau bữa ăn tối thì làm phê bình - tuỳ thích – và không vì thế mà biến tôi thành thợ săn, ngư dân, người chăn nuôi hay nhà phê bình”, lại không nói rõ. Chỉ biết rằng sau khi đã quốc hữu hoá, tập thể hoá mọi nhân tài, vật lực vào tay nhà nước rồi thì nền kinh tế sẽ phải vận hành theo kế hoạch do nhà nước trung ương vạch ra. Mấu chốt vấn đề là ở chỗ đó.
Friedrich August von Hayek viết: “
Nhưng khi quyền lực kinh tế đã được tập trung lại như một công cụ của quyền lực chính trị thì nó sẽ tạo ra một sự phụ thuộc chẳng khác gì chế độ nô lệ. Người ta nói đúng rằng trong một quốc gia mà nhà nước là người sử dụng lao động duy nhất thì đối lập đồng nghĩa với chết từ từ vì đói”. Hayek còn viết: “
Ai có thể nghi ngờ rằng quyền lực của một triệu phú, thí dụ như ông chủ của tôi, đối với tôi là nhỏ hơn rất nhiều so với quyền lực của một viên chức hạng bét, nhưng là kẻ nắm trong tay quyền lực cưỡng chế của nhà nước, kẻ có quyền quyết định tôi phải sống và làm việc như thế nào?”.
Người nông dân “quê choa” chẳng biết Friedrich August von Hayek là ai, nhưng họ đã biết từ lâu rằng:
Lưng đeo bị gạo kè kè
Nói quấy nói quá người nghe ầm ầm
họ còn biết thêm:
Muốn nói gian làm quan mà nói
và:
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan
Hai cái điều có thể gây ra bất công rành rành như thế, nhưng “đeo bị gạo” thì chỉ được người ta nghe, còn làm quan thì có thể “nói gian” tức là có thể vu oan giá hoạ, có thể ăn cướp, người dân “dái chấm đống gio quê choa” cũng hiểu, mà sao cái ông Karl Marx lại không hiểu nhỉ? Sao ông ấy chỉ nhìn thấy một cái bất công là “bị gạo” mà không thấy một cái bất công khác, khủng khiếp hơn nhiều, tức là không thấy cái dùi cui trong tay kẻ có quyền, mà vẫn có biết nhiêu bao kẻ phục “sái cổ” như thế nhỉ?
Sở hữu tập thể cũng là “cơ sở hạ tầng” để những kẻ vô liêm sỉ nhất, xấu xa nhất leo lên cao nhất. Hayek viết: “
Trong tổ chức hay đảng toàn trị, muốn thăng tiến thì phải dám làm những việc bất nhân. Trong đạo đức học cá nhân chủ nghĩa, nguyên tắc mục đích biện minh cho phương tiện được coi là sự phủ nhận mọi tiêu chuẩn đạo đức thì trong đạo đức học của chủ nghĩa tập thể lại trở thành nguyên tắc tối thượng. Một người theo chủ nghĩa tập thể kiên định phải sẵn sàng làm tất cả mọi việc nếu đó là việc ‘có ích cho tất cả mọi người’ vì đối với anh ta đấy là tiêu chuẩn hành động duy nhất… Muốn trở thành người có ích cho sự vận hành của nhà nước toàn trị, để đạt được mục đích, con người phải sẵn sàng bước qua mọi nguyên tắc đạo đức mà anh ta từng biết. Trong bộ máy toàn trị, những kẻ tàn nhẫn và vô liêm sỉ luôn giành được cơ hội tốt”.
Năm 1976, nhìn cảnh làng quê tiêu điều:
Dân mất ruộng chửi liều hợp tác
Lúa ngoài đồng lác đác trổ bông
Dân cày bỏ bãi bỏ sông
Kĩ sư bác sĩ ra đồng tăng gia
Bọn cán bộ ba hoa làm chủ
Lời mị dân ru ngủ suốt ngày
tôi đã nói với một người nông dân “quê choa” (lại quê choa) như sau: “Tại sao những người làm ra chính sách lại không nghĩ đến đời sống của người dân?”. Độc giả có biết bác nông dân này trả lời như thế nào không? Có thể bạn không đoán được đâu. Bác ấy bảo: “Họ đâu có nghĩ đến đời sống của dân. Họ chỉ muốn quản lí cho thật nhiều, thật chặt đấy thôi”. Thật là một định nghĩa tuyệt vời
về chế độ toàn trị mà phải gần ba mươi năm sau tôi mới hiểu. Bác nông dân quê choa nói tới ở đây nay đã về với Phật, với Chúa từ lâu rồi. Xin bác hãy yên lòng, họ không còn có thể quản lí mãi như thế được nữa vì nếu cứ quản lí như thế thì sẽ biến mất luôn cái tài sản vô giá, tức là con người, vật tư chủ yếu cho cuộc thí nghiệm cộng sản “vĩ đại”, mà có thể cả những kẻ làm thí nghiệm tức là cả Tổng Bí thư lẫn Bộ Chính trị cũng tiêu tùng luôn vì đói từ lâu rồi.
Và đây là tâm sự của
một người nông dân khác, tuy hơi xa “quê choa” một tí: “
Bà cụ nọ cho hay, đầu những năm 1980, khi vô tập đoàn, bà đã vô 15 công ruộng. Khi tập đoàn tan rã vào năm 1988, người ta trả lại cho bà 4 công vì nhà có 4 nhân khẩu, 11 công còn lại chia cho các hộ khác. Nếu các hộ được chia ruộng chăm chỉ làm ruộng như bà thì bà không đòi lại. Đàng này có hộ được cấp sổ đỏ rồi lại cho thuê sổ đỏ, cho thuê ruộng để rong chơi và đi đánh đề… thì bà phải đòi lại! Vì, đất của ông sơ ông cố của bà để lại không phải để cho kẻ khác cho thuê rồi đi đánh đề”. Hoá ra sở hữu không phải chỉ để làm ra các thứ đút trực tiếp vào miệng như mấy anh đồ đệ của chủ nghĩa duy vật đã từng rao giảng.
Ngày xưa, tức là cách đây chừng một phần tư thế kỉ, khi nói chuyện phiếm với mấy người bạn về chế độ Khmer Đỏ, tôi có đưa ra ý kiến rằng: “Cái “anh” cộng sản này nếu đưa đến cùng thì còn ác hơn cả phát xít vì phát xít chỉ giết người nước ngoài, không giết người Đức, như vậy sau khi diệt hết dân man di rồi thì người Đức sẽ sống trong cảnh thái bình, còn cộng sản thì lại giết chính dân nước mình và vì con người bản chất là tham lam và có năng lực khác nhau cho nên dù có “cách” bao nhiêu cái mạng đi nữa thì cuối cùng lòng tham vẫn cứ còn, tài sản của mọi người vẫn cứ khác nhau. Kịch bản cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản sẽ là: trong một cuộc phê bình và tự phê, “đồng chí” Tổng Bí thư sẽ cho “đồng chí” phó tổng một phát đạn vào sọ vì phát hiện được là hắn sắp sửa đi theo “con đường tư bản chủ nghĩa”. Cả nước lúc đó chỉ còn lại một mình Tổng Bí thư. Nhưng rồi “đồng chí” này, sau một thời gian “tự phê bình” cũng sẽ nhận thấy mình còn đầy tư tưởng tư hữu và nếu là người thực sự trung thành với mình và với Marx thì hắn sẽ tự treo cổ lên cho hết giống tư hữu”. Sau này mới biết rằng lúc đó tôi đã hiểu sai chủ nghĩa phát xít, người Đức cũng giết người Đức, tức là giết những người mà SS cho là chưa được cao quí như những người Đức “chính hiệu”, cuộc “cải tạo” nòi giống này, nếu được làm đến cùng thì cũng có nghĩa là sự diệt vong của dòng giống Đức. Trái đất, sau hai cuộc thí nghiệm cộng sản và phát xít, nếu được làm đến cùng, sẽ là hoang mạc mênh mông, tuyệt không một bóng người, chỉ còn tiếng gió rít quanh hàng núi đầu lâu, trập trùng, ẩn hiện khắp nơi. Mà hiện nay, nếu là những người trung thành với chính mình và với Marx, sau khi có nghị quyết về việc “đảng viên được làm kinh tế tư nhân” đáng lẽ ra nhiều đảng viên cộng sản cũng đã treo cổ lên rồi chứ chẳng phải đợi đến lúc hủy bỏ điều 4 Hiến pháp họ mới phải làm một cuộc tự sát tập thể như ai kia vừa nói.
Đấy là những cái “lớn”. Còn mấy cái “nhỏ”, thí dụ, Marx viết trong
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “
Nó lập ra những đô thị đồ sộ; nó làm cho dân số thành thị tăng lên phi thường so với dân số nông thôn, và do đó, nó kéo một bộ phận lớn dân cư thoát khỏi vòng ngu muội của đời sống thôn dã (tiếng Anh: idiocy of rual life- NT)”. Chưa nói tới những làng quê thanh bình của nước Pháp hay nước Anh, chỉ nói tới làng quê choa, nơi từng sản sinh ra những môn nghệ thuật làm say đắm lòng người như chèo, quan họ, hát phường vải… và hàng ngàn hàng vạn câu dân ca, ca dao, nơi các bậc danh nhân như Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du… hàm dưỡng tinh thần lại là “ngu muội” ư? Phải chăng thái độ cao ngạo vô lối đó chính là nguồn gốc phát sinh ra những “câu thơ”, thí dụ như:
Ta dạo gót trên đường phố Huế
Dửng dưng không một cảm tình chi
Không gian sặc sụa mùi ô uế
Mà nước dòng Hương mãi cuốn đi
Bảy mươi năm sau ngày công bố “bài thơ” đó, Huế và sông Hương, dĩ nhiên là đã bị ô nhiễm hơn trước rất nhiều, trở thành di sản văn hoá thế giới. Chẳng hiểu giờ đây nhân dân thành phố Huế tiếp nhận “bài thơ” này với thái độ như thế nào và “bài thơ” có được đưa vào toàn tập của Tố Hữu nữa hay không?
Cũng trong
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Marx viết: “
Công nhân không có tổ quốc. Người ta không thể cướp của họ cái mà họ không có”. Dù ai nói ngả nói nghiêng, dù có đứng trước hàng trăm kẻ đang rạp mình thán phục Marx đến sát đất hay sát ngọn cỏ thì tôi cũng dứt khoát dõng dạc tuyên bố rằng: Không đáng bình luận.
Còn nhiều câu, nhiều đoạn mà một người rất trung bình như tôi có thể bình luận hoặc cho rằng không đáng bình luận nữa. Nhưng xét cho cùng, đúng như Marx nói: “
Vũ khí phê bình không thể thay cho việc phê bình bằng vũ khí”. Về cái khoản phê bình bằng vũ khí, thiết nghĩ nhân dân Liên Xô, nhân dân Tiệp Khắc, nhân dân Đông Đức… đã phê bình triệt để rồi, nhắc lại cũng bằng thừa. Mà phê phán nữa cũng bằng thừa bởi vì cách đây hai ngàn năm Chúa Giêsu đã bảo: “
Hãy giữ chừng tiên tri giả, là kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong là muông sói vồ xé. Nhơn bông trái họ mà các ngươi nhận biết được họ. Nào có ai hái nho nơi lùm gai hay là hái vả nơi bụi tật lê ư? Vậy hễ cây tốt thì sanh trái tốt, cây xấu thì sanh trái xấu. Cây tốt không thể sanh trái xấu, cây xấu cũng không thể sanh được trái tốt. Hễ cây nào không sanh trái tốt thì đốn mà quăng vào lửa” (
Tin lành theo Ma-Thi-Ơ 7:15-7:19).
Đúng như thế: Hễ cây nào không sanh trái tốt thì đốn mà quăng vào lửa.
Amen!
© 2007 talawas