trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
14.12.2006
Martin Heidegger
Về thể tính của chân lý
(Vom Wesen der Wahrheit)
Phạm Công Thiện dịch
 1   2   3   4   5   6 
 
D. Vấn đề chính yếu của quyển Sein und Zeit

Như chúng ta đã thấy rõ ở trên, vấn đề chính yếu của Heidegger là đánh thức lại câu hỏi: “Sein” (là, Tính, tính thể) có nghĩa là gì ?

Vấn đề này là vấn đề chính yếu chi phối toàn thể tryền thống triết lý Tây phương kể từ Anaximandre cho đến nay. Trong thiên cảo luận về (Tính ngôn của Anaximandre) (Der Spruch des Anaximander, 1946). Heidegger đã viết một đoạn văn quan trọng như sau:

Énergeia, được Aristote quan niệm như là một nét căn bản của Hiện tính, của Eón; và idéa được Platon quan niệm như nét căn bản của Hiện Tính; lógos được Héraclite quan niệm như nét căn bản của Hiện Tính; moira được Parménide quan niệm như nét căn bản của Hiện Tính; Chréon được Anaximandre quan niệm như cái mở phơi ra trong Hiện Tính; tất cả đều nói lên Tính Như Nhất” (cf. Heidegger, Chemins qui ne mènent nulle part, p.302).

Tóm tắt lại “Tính, Tính Thể” đã chi phối nỗ lực suy tư của những tư tưởng gia quan trọng nhất của Tây phương qua những thể thái như sau:
  1. Anaximandre suy tư về “Tính” qua Chréon;

  2. Parménide suy tư về “Tính” qua Moira;

  3. Héraclite suy tư về “Tính” qua Lógos;

  4. Platon suy tư về “Tính” qua Idéa;

  5. Aristote suy tư về “Tính” qua Énergeia;
Rồi một giai đoạn thể mệnh chuyển tướng và énergeia của Aristote được dịch ra tiếng La Tinh là “actualitas”. Thế là nguyên ngôn của Hy Lạp nguyên thủy đã bị chôn lịm mất đi và hóa thể lại cho đến ngày hôm nay với hình thể của La Tinh. Rồi chữ “actualitas” lại chuyển thể hóa thành “thực tại”, “hiện thực” (réalité); rồi “réalité” lại biến thành “objectivité” (khách quan tính); ngày nay, thế kỷ XX đã bị chi phối trong phạm trù “objectivité” (khách quan tính) được xuất phát từ khúc quanh quan trọng trong thể mệnh của tính sử khi énérgeia chuyển hướng thành “actualitas” (hiện thể).

Từ những cuộc diễn hành huyền bí ở trên, nói lên sự vận hành của vấn đề về “Tính” trong thể mệnh triết lý của Tây phương, cũng đủ cho chúng ta thấy rằng Heidegger đã đặt lại, làm sống lại vấn đề huyết mạch của toàn thể truyền thống triết lý Tây phương qua vấn đề Tính (Tính thể: Sein). Vấn đề ấy là vấn đề chính yếu nhất của thể mệnh, sinh mệnh và Tính Mệnh của Tây phương: vấn đề điều động con đường suy tư từ Anaximandre. Parménide, con đường suy tư từ Anaximandre, Parménide, Héraclite, Platon và Aristote, nhưng đến thời kỳ sau Aristote thì càng ngày vấn đề về Tính thể đã bị vùi lấp hẳn trong Triết lý Tây phương để thay hình biến dạng qua những “quái thai” của triết lý về sau: ngày nay, vấn đề về Tính thể đã bị bỏ quên hoàn toàn, triết lý Tây phương Trung Cổ, Cận đại và Hiện đại đã nằm trong nỗi “Vong tính”.

Đối với Heidegger, “Tính”, “Tính thể” (Sein) là một ý niệm phổ quát, đại đồng nhất (như chính Aristote. Thomas d’Aquin và Hegel cũng nhận thế); tính chất phổ biến, phổ quát của “Tính”, “Tính thể” không thuộc vào một loại thể nào cả, không thể định nghĩa, hoàn toàn tối nghĩa. Nhưng có một điều quan trọng chúng ta không nên quên là không thể nào hiểu “Tính” (Tính thể) như là “thể”,”hữu thể”, “thể thể”, “hiện thể”, “cái đang là” (Seiendes), không thể hiểu “Tính” (Tính thể) bằng bất cứ ý niệm nào, bằng bất cứ một thực thể nào, dù là Thực Thể Tối cao (In dem Seiendsten) (cf. Heidegger, Le Principe de Raison, p. 263). Dù “Tính” (“Tính Thể”) có vẻ như là một ý niệm dễ hiểu, quá hiển nhiên, nhưng có một điều không thể giải quyết được là chúng ta không thể nào coi Tính như là thể: Tính thể không phải là một thực thể như con người, như sự vật, như cuốn sách, cái ghế, cái cây, đóa hoa, mặt trời, hòn sỏi, điếu thuốc, vân vân. Mặc dù Tính thể không là cái gì cả, mà chúng ta không thể nào sống ngoài tính thể được, vì bất cứ cử chỉ, thái độ, suy tư, lý thuyết, hành động, lập trường, nhận thức, ngôn ngữ, kiến thức, tất cả những gì chúng ta nhập thể hay xuất thể, nhất cử nhất động, đều bị qui định trong cái “là”, trong “Tính thể”! Nói như Heidegger, chúng ta luôn luôn sống trong “sự hiểu biết về Tính thể” (Seinsverständnis), dù chúng ta không biết gì về “Tính thể” hay phủ nhận “TÍnh thể” đi nữa, chúng ta cũng vẫn nằm trong một “thể thái” “thể thể” đối với “thể tính”; thế mà dù nằm trong sự “tri tính” (Seinsverständnis), chúng ta cũng vẫn không biết Tính thể có nghĩa là gì cả.

Những triết gia Hy Lạp, nhất là từ Platon cho đến Aristote, đã suy tư Tính thể qua những phạm trù của sự thể, phạm trù của vật thể ngoại hiện. Khởi điểm của Heidegger là nơi Hiện tính thể (Dasein) của con người: con người hiện ra ở đó (Da): “cái là-ở-đó” có nghĩa “hiện diện của tính thể” trong con người; Heidegger tránh định nghĩa thông thường của con người (xuất phát từ Aristote và định nghĩa của Aristote về con người đã qui định toàn thể triết lý Tây phương); Heidegger gọi con người là Dasein, nghĩa “là-ở-đó“, nghĩa “là hiện ra ở đó”, nghĩa là “hiện tính thể”; Heidegger cố gắng phân tích ý nghĩa của Dasein để từ đó đi vào ý nghĩa của câu hỏi về Sein: Heidegger không nhìn cấu tính của con người (tức là “Dasein = Hiện thể tính”) qua những phạm trù vật thể, phạm trù của hữu thể hay phạm trù hiện thể của bất cứ vật thể nào, nghĩa là không qua phạm trù của sự vật “đang là”, của “cái đang là” như những triết gia Hy Lạp kể từ Platon, nhất là Aristote Heidegger nhắm đến xuất thể tính (Existentialität) nhắm đến “cấu thể tính” (Existenzverfassung) của “hiện thể tính“ của con người: sự phân tích này có tính cách chuẩn bị để đi vào văn đề Tính thể.

Đối với Heidegger, cấu thể của con người chính là “hiện thể tính” (Dasein), nhưng Dasein của con người là dùng nói lên Tính thể của con người, chứ không phải là đề cao “nhân vị”, vì Heidegger tránh tất cả những quan niệm về con người như trung tâm điểm của mọi sự. Dasein (của con người) khác hẳn tất cả những sự vật, những vật thể không phải là Dasein; những gì không mang cùng cấu tính như con người, nghĩa là tất cả những sự vật, tất cả những sự thể nào không phải là Dasein, tức là những sự vật, những đồ vật, thì Heidegger gọi là:
  1. “Vorhanden” (“Vorhanden” có nghĩa đen là “trước tay”).

  2. “Zuhanden” (“Zuhanden” có nghĩa đen là “cận tay, sẵn nơi tay”).
Những sự vật gọi là “Vorhanden” (“Vorhandenheit” = hiện vật tính; “Vorhandensein” = hiện tiền thể) chính là những sự vật thiên nhiên, còn những sự vật do con người làm ra thì gọi là “zuhanden” (“Zuhandenheit” = thủ thể tính; “Zuhandensein” = dụng thể, thủ thể). “Dasein” khác hẳn với “Vorhandensein” và “Zuhandensein” ở chỗ là: “Dasein” (hiện thể tính) không phải là một thực thể, sự thể, hữu thể như nhiên thể, như bất cứ sự thể nào của Thiên Nhiên, nghĩa là không phải là “Vorhandensein” vì hiển nhiên con người không phải là một dụng cụ, một công cụ (Handlichkeit), chỉ có con người mới là “hiện tính thể”, mới là Dasein, mà Dasein, vẫn chỉ là Dasein, của chính tôi riêng lẻ, của chính từng người riêng lẻ. Những đặc tính của Dasein đã được xác định qua xuất thể tính (Existenzialität) mà Heidegger gọi là những “xuất thể tướng” (Existenzialien); chúng ta cần phải phân biệt sự khác nhau giữa “vật thể tướng”, tức là những thực thể không phải là Dasein (cf. Sein und Zeit, p.44: Weil sie sich aus der Existentialität bestimmen, nennen wir die Seinscharaktere des Daseins Existenzialien Sie sind scharf zu trennen von den Seinsbestimmungen des nicht daseinsmässigen Seienden, die wir Kategorien nennen). Chúng ta không thể dùng những phạm trù của vật thể để xác định Dasein. Tính thể của Dasein là Tự thể ưu tính về chính tính thể của mình và giao thế với chính tính thể như là chính khả tính riêng lẻ nhất. Đối với những vật thể hiển nhiên, tức là “vorhanden”, chúng ta không thể nào nói là “ưu tính về chính tính thể” như là “khả tính” theo điệu nói về Dasein được. Về đặc tính của Dasein, có thể ghi nhận hai điểm như sau:
  1. Tính thể của “hiện tính thể” là ở nơi “xuất tính thể” của nó (cf. Sein und Zeit, p. 42: Das “Wesen” des Daseins liegt in seiner Existenz).

  2. Dasein luôn luôn là Dasein riêng lẻ của tôi, tùy theo tính điệu thể điệu nào đó trong hiện thể (cf. Sein und Zeit, p. 42: und Dasein ist meines wiederum je in dieser oder jener Weise zu sein).
Về điểm ghi nhận thứ nhất, chúng ta nên để ý rằng tính đặc tính của “là đó” (Dasein) là ở nơi “phải là” (Zusein). Sự “là-cái-là-gì” (das Was-sein = essentia) phải được hiểu, nếu có thể hiểu được, qua thể điệu (tính điệu) của tính chất “là” của nó (aus seinem Sein = existentia). Khi Heidegger nói: “Tính thể của hiện tính thể là ở nơi tính thể của chính hiện tính thể ấy” (Das “Wesen” des Dasein liegt in seiner Existenz). Chữ “Existen (l’existence) của Heidegger dùng ở đây không có nghĩa là “hiện hữu”, “hiện sinh”, “sinh tồn”, “tồn sinh”, vân vân. Chữ “Existenz” của Heidegger mà tôi dịch là “xuất tính thể” là vì “Existenz” này không có nghĩa là existence theo nghĩa truyền thống La Tinh “existentia”, vì đối với Heidegger, “hiện sinh” “hiện hữu”, “sinh tồn” “tồn sinh” theo nghĩa La Tinh “existentia” chỉ có nghĩa cho vật thể hiện tiền (Vorhandensein), tức là loại hiện thể khác hẳn với Dasein. Heidegger gọi “Vorhandensein” cho Dasein thôi. Chúng ta có thể xác định bản thể cho sự vật, nhưng trái lại, Dasein không có những đặc thể theo loại bản thể của sự thể, mà chỉ có những khả tính của tính thể. Đối với cái nhà, cái cây, chúng ta có thể phân loại, sắp loại, vì những vật thể ấy có một số đặc điểm nào đó, nói khác đi, chúng ta có thể xác định “bản thể” của những vật thể ấy, trái lại chữ Dasein không phải dùng để chỉ bản thể (“Wesen”) mà là bản tính (Sein), nghĩa là “Là” (Sein), tức là “là đó” (Dasein).

Về điểm ghi nhận thứ hai “Dasein luôn luôn là Dasein riêng lẻ của tôi”, nghĩa là không thể lý hội Dasein như là một trường hợp hay một thí dụ của một loại vật thể như loại “Vorhanden”. Dasein có ưu tính về chính tính thể mình như là khả tính nguyên bản nhất (als seine eigenste Möglichkeit). Chính Dasein quyết định và chọn lựa, có thể đánh mất mình hay tìm lại mình. Hai tính điệu thể cách của tính thể là nguyên tính (Eigentlichkeit) và phi nguyên tính hay hội tính (Uneigentlichkeit) đã đặt căn tính trên tính kiện của hiện tính thể, Dasein được coi như “là của tôi” (cf. Sein und Zeit, p.43: Die beiden Seinsmodi der Eigentlichkeit und Uneigentlichkeit – diese Ausdrücke sind im strengen Wortsinne terminologisch gewählt – gründen darin, dass Dasein überhaupt durch Jemeinigkeit bestimmt ist).

Từ hai điểm chính trên, có thể trình bày thêm hai điểm phụ, tuy phụ, nhưng không kém phần quan trọng, đó là sự liên hệ giữa Heidegger và Kierkegaard, giữa Heidegger và Jaspers, Heidegger và Husserl: quan niệm của Heidegger về “existence” khác Kierkegaard và Jaspers như thế nào? Tôi xin lần lượt trình bày một cách sơ lược trong những dòng sau đây.

Đối với Kierkegaard, về điểm thứ nhất ghi nhận ở trên, khi Heidegger quan niệm rằng “Tính thể của hiện tính thể Dasein là ở nơi xuất tính thể của nó, Existenz”. Trong câu này, Heidegger đã muốn nói lên con đường đi riêng biệt của mình: đối với Heidegger, Kierkegaard là người đã suy tư sâu sắc về Existenz, nhưng Kierkegaard chỉ suy tư trên khía cạnh “hiện sinh, hiện hữu” (als existenzielles), chứ vấn tính về “xuất tính thể” (die exintenziale Problematik) thì vẫn còn xa lạ đối với Kierkegaard, do đó, về phương diện tính luận (in ontologischer Hinsicht) thì Kierkegaard vẫn còn vướng kẹt trong Hegel (cf Sein und Zeit, p.235: Im 19. Jahrhundert hat S. Kierkegaard das Existenzproblem als existenzielles ausdrücklich ergriffen und eindringlich durchdacht. Die existenziale Problematik ist ihm aber so fremd, dass er in ontologischer Hinsicht ganz unter der Botmässigkeit Hegel’s und der durch diesen geschehenen antiken Philosophie steht). Sự khác nhau giữa Heidegger và Kierkegaard cũng giống sự khác nhau giữa Heidegger và Karl Jaspers; trong bức thư gửi cho Jean Wahl đăng trong Bulletin de la Société francaise de Philosophie, Heidegger đã xác định dứt khoát sự liên hệ giữa mình và Kierkegaard, cùng với Jaspers: “Khuynh hướng triết lý của tôi không nên được sắp loại như là triết lý hiện sinh, Existenzphilosophie… Vấn đề được đặt ra duy nhất trong Sein und Zeit là vấn đề mà cả Kierkegaard và Nietzsche chưa từng động đến, và Jaspers thì cũng hoàn toàn đứng bên ngoài vấn đề ấy” (cf. Bullentin de la Société francaise de philosophie, octobre-déc, 1937, p. 193). Chúng ta cần phải phân biệt hai chữ Đức: “existenziell” và “existenzial”; chữ “existenziell” có nghĩa là thuộc về Existenz theo nghĩa của Kierkegaard và Jaspers (mà tôi dịch là “hiện sinh”, “hiện hữu”, “sinh thể tính”, “sinh tính”); còn chữ “existenzial” là thuộc về Existenz theo nghĩa của Heidegger (mà tôi dịch là “xuất tính”, “xuất thể tính”).

Kierkegaard và Jaspers nói đến Existenz và bận tâm đến vận mệnh và sự cứu rỗi của chính cuộc hiện sinh riêng lẻ, cá biệt, độc đáo; còn Heidegger không bận tâm đến vấn đề ấy, mà chỉ ưu tư về tính mệnh và tính sử của Tính thể, dù Heidegger có ưu tư về hiện sinh, hiện hữu đi nữa thì chỉ ưu tư về tương quan liên thể giữa hiện sinh, với Tính thể thôi, chứ không giới hạn trong cuộc hiện sinh của cá thể riêng biệt (cf. J. B. Lotz, Heidegger et t’Être in Archives de Philosophie, t. XIX, cah. 2, Janv., 1956: c’est a bon droit que Heidegger se sépare de la philosophie existentielle, centrée sur l’existence individuelle; car sa réflexion ne gravite pas autour de l’existence, mais autour de l’Être. Quand il lui arrive de s’intéresser à l’existence, ce n’est pas pour elle-même, mais dans son rapport à l’Être).

Còn một điều nữa chúng ta cũng nên lưu ý: từ sự phân biệt giữa “existenziell” và “existenzial” như ta đã thấy ở trên, Heidegger cũng áp dụng sự phân biệt này, “sự phân biệt thể tính luận” (différence ontologique) trong những lãnh vực khoa học khác; đối với Heidegger, tâm lý học triết học, văn học, sử học đều là những phạm vi khảo sát về một số khía cạnh của Dasein và có thể “trung thực, trung tính về phương diện hiện sinh” (existenziell ursprünglich), nhưng vẫn nằm bên ngoài tính điệu “xuất tính thể” (existenzial), nghĩa là vẫn kẹt trong phương diện vật thể hay thể luận (ontisch), chứ không phải là tính luận (ontologisch). Chúng ta đã thấy rõ rằng Heidegger đã trừ khử tất cả những phạm trù áp dụng cho sự thể “Vorhanden” và không áp dụng những phạm trù này (Kategorien) cho “xuất thể tướng” (existenzialien) của hiện tính thể (Dasein).

Heidegger cũng khác hẳn Husserl và không qui hướng Dasein vào trong thái độ “chủ quan tính siêu thể” (transzendentale Subjektivität) của Husserl, và không áp dụng “qui hiện thể tương luận” (réduction phénoménologique) của Heidegger (do đó, Husserl mới chống đối Heidegger và cho rằng triết lý của Heidegger vẫn còn vướng kẹt trong “nhân thể học”, “Anthropologismus”, cf. Husserl, Nachwort zu meinen Ideen, p.550 - 551). Chủ hướng của Heidegger dứt khoát tận căn để hơn Husserl trong thái độ phản kháng lại truyền thống triết lý Tây phương: Husserl (cũng như Descartes và Kant) vẫn còn bị trói buộc trong “chủ thể tính” và Heidegger muốn vượt qua “chủ thể tính” để hướng về Thể tính qua việc phân tích cấu tính của hiện tính thể. Dasein, trong giao tính của Dasein với vật tính trong “thể tính” (Weltlichkeit), vì thế hiện tính thể đã được đặt dưới quang tính (Gelichtetheit) của Thể tính (Sein), chứ không phải chỉ là chủ đề và “đối thể siêu thể” của ý thức con người và không phải “chủ thể tính”.


I. Tổng quan về Phân tính về Hiện tính thể (Daseinsanalytik)

Cấu tính nền tảng tính thể chính yếu của hiện tính thể chính là Tại thể tính (In–der-Welt-sein). Đây là định tính có tính cách tính luận (ontologisch), có nghĩa là Dasein chỉ có thể là Dasein, nghĩa là chỉ có thể là Existenz, hiện tính thể bởi vì cấu tính căn bản của hiện tính thể là “tại thể tính” (In-der-Welt-sein); nếu đặt định tính này trong ý nghĩa thể luân (ontisch) thì chúng ta đã hiểu sai chỉ định của Heidegger, vì “tại thế” của hiện tính thể không phải là “tại thế” hiểu theo nghĩa “ở trong thế giới” như bất cứ một vật thể nào thuộc “vorhanden”. Chữ “Thế” trong nghĩa “tại thế” này có nghĩa là “thế tính”, chính “thế tính” này là căn bản cho “thế giới”: thể tính có nghĩa là thể cách của hiện tính thể xuất thể để “tại thế” như là “tại thế tính”.

“Tại thế tính” đã được Heidegger quan niệm như là một hiện tượng nhất thể: nhất tính gữa “tại thế” và “tính thể”. Chữ “tại” (in : ở nơi, ở trong) trong nghĩa “tại thế” (In-der-Welt) ở đây không có nghĩa “tại” (in) của bất cứ vật thể nào thuộc phạm trù “vorhanden”. Sự vật này ở giữa những sự vật khác, sự vật này ở trong sự vật kia, tất cả ý nghĩa “ở trong” đều chứa đựng ý nghĩa không gian; nhưng đối với Dasein, khi chúng ta nói Dasein, ở tại, ở trong, ở nơi cuộc đời, nơi trần gian này thì sự “ở tại, ở trong, ở nơi” này không có ý nghĩa không gian, vì hiện tính thể ở tại thế gian này không giống như một vật thể ở trong ngăn tủ, một cục phấn ở trong hộp. “Tại Tính” (In-Sein) là đặc tính của cấu tính hiện tính thể, gồm ba thể điệu căn bản: Befindlichheit (cảm thế tính) và Gestimmtheit (cảm hướng tính); Verstehen (tri thể tính) về xuất thể tính và về thế tính và Reden (ngôn thể tính). Một đặc điểm khác của “tại tính” (In-Sein) của hiện tính thể trong thường nhật tính là Verfallen (đọa tính), tức là tiềm tính của hiện tính thể bị rơi kẹt vào những vật thể và bỏ quên những khả tính nguyên bản, nguyên tính nhất của mình. Ưu tính thứ nhất của Heidegger là phân tích ý nghĩa “thể tính” của “thế gian”: Heidegger phê phán quan niệm của Descartes về “tương thể” (res extensa) và cho rằng Descartes đã bỏ quên việc phân tích ý nghĩa của chính “thế gian” mà chỉ giới hạn trong việc khảo sát những vật thể vật lý và tâm lý thôi; đối với Heidegger, toàn thể truyền thống ở chỗ ông phân tích về cấu thể của dung thể (Zeug, das Zuhandene) trong thường nhật tính, chứ không bận tâm về cấu thể của vật thể hiện tiền, “hiện vật thể, hiện tiền thể” (das Vorhandene); hiện tính thể chỉ bận tâm với những “dung thể” (sản phẩm nhân tạo, sản phẩm văn minh), chứ không phải bận tâm với vật thể thiên nhiên, vì nhiên thể chỉ được khai thể vì mục đích thực tiễn, trước khi khai thể (khai mở ra vấn đề thế gian trong việc phân tích nhiên thể, vật thể của thiên nhiên), mình cần phải phân tích “dụng thể”, một loại thể có liên quan giữa “dụng thể” và hiện tính thể, mình có thể thảo luận luôn cả hai loại thể: “hiện tiền thể” (Verhandenes) và “thủ thể, dụng thể” (Zuhandenes), cả hai loại thể này thuộc về hiện tượng “thế thể”, “thế gian”.

Kết luận của Heidegger về định tính của thể tính của thế gian là “thể tính của thể kiện về khả tính của khai tính về bất cứ vật thể nào trong tương thế ở thế gian”. Khi thảo luận về “dụng thể”, về “thế tính”, về “không gian tính” của hiện tính thể Heidegger đã thảo luận về ý nghĩa cả không gian và cho rằng không gian là “ở trong” thế gian và đặc tính của thế gian, như tại thể tính của hiện tính thể là không gian tính cho chính mình vì hiện tính thể đã khai thể cho không gian. Sau khi đã phân tích về “thế tính” của thế gian, Heidegger lại xoay về tính chất “nhân dạng” của hiện tính thể (hiện tính thể của ai?): dù “nhân dạng” của hiện tính thể đã được xác định trước là “tôi” (như Heidegger đã nói rằng tất cả ngôn thể sử dụng với hiện tính thể đều phải là đại danh từ nhân cách: “tôi là”) “anh là”; cf. Sein und Zeit, p. 42: “Das Ansprechen von Dasein muss gemäss dem Charakter der Jemeinigkeit dieses Seienden stets das Personalpronomen mitsagen: “ich bin”, “du bist”, nhưng cái “tôi” trong trường hợp hiện tính thể ở đây không nên xem như là “chủ thể” cô lập hoặc “ngã”, “bản ngã” riêng biệt, không quan thiết gì đến “thế gian” không quan thiết gì với “hiện tiền thể” (vorhanden) và “thủ thể, dụng thể” (zuhanden), không quan thiết gì với đồng loại thể khác mà “ngã thể” sống chung giữa đời. Khi trình bày về “thế tính” của “thế gian”, Heidegger đã trình bày “thế tính” ấy qua sự phân tích về “dụng thể”, còn trong trường hợp “nhân dạng”, “nhân thể” của hiện tính thể, khi trình bày vấn đề này, Heidegger đã trình bày qua “thường nhật tính” của “ngã thể” trong tương thế giao tính giữa ngã thể với đồng loại thể : “ngã thể” ở đây không còn sử dụng chữ “tôi” nữa mà lại biến thể trong thường nhật tính là “người ta”, “thiên hạ”, “họ”: nghĩa là chữ “Ich” (tôi) đã dọa thể thành ra “Man” (thiên hạ, người ta). Nơi đây, chúng ta trở lại vấn đề liên hệ đến “nguyên tính” (Eigentlichkeit) và “bội tính” (Uneigentlichkeit) đã được trình bày ở trên: “ngã thể” đã bị lung lạc trong đời sống tập thể vô danh, bị khuất lấp chôn vùi trong đời sống bổn phận thường nhật, như công ăn việc làm hàng ngày (thường nhật tính), hiện tính thể của tôi bị lạc mất trong đời sống của “thiên hạ”, “thiên hạ người đời” (Man) là đặc tính của xã hội hiện nay, “ai” cũng như “ai”, “mọi người” đều làm giống nhau, “người ta chết” có nghĩa là “tôi không chết”; hiện tính thể của tôi bị “đọa” vì “người ta”, “thiên hạ” là phạm trù thống ngự chi phối chôn vùi mất tính thể của tôi: tôi không dám liều, tôi không dám sống, tôi không dám vì “người ta”, “thiên hạ” không cho phép: mọi người phải y như nhau, không ai được quyền khác ai: “người ta” ở đây cũng có nghĩa là “không ai”, vì người ta là cái gì tổng quát trừu tượng phi nhân, không đại diện cho một cá thể cụ thể nào cả: “thiên hạ”, “người ta”, “họ” nói rằng anh điên, rằng anh lập dị, vân vân, nhưng thiên hạ, người ta, họ là ai? Không ai cả. Thế mà hiện tính thể vẫn phản bội tính thể mình khi phải sống với người khác, phải sống với người đời, nghĩa là bị rơi vào trong “thường nhật tính”, bị rơi vào “thiên hạ tính”, như thế hiện tính thể làm thế nào để có thể giữ được “nguyên tính” (eigentlich)? Vì “thiên hạ tính” cũng là một đặc tính nguyên bản của cấu tính hiện tính thể, do đó, “ngã tính”, “tự tính” (Selbstsein) nguyên tính không phải là sự thể hoàn toàn khác biệt với “thiên hạ tính” mà chỉ là “sự biến thể hiện sinh” của “thiên hạ tính”.

Khi phân tích về cấu tính luận của hiện tính thể trong đặc tính căn bản là tại thế tính, chúng ta đã thấy những đặc điểm được nghiên cứu là:
  1. “Hoàn cảnh thế” (Umwelt), tương thế giao thể của hiện tính thể đối với hoàn cảnh, với cảnh giới chung quanh, gồm có “hiện tiền thể” (vorhanden) và “thủ thể” (zuhanden).

  2. “Cộng thế” (Mitwelt) tương thế giao thể cộng đồng của hiện tính thể đối với tất cả hiện tính thể khác (đồng loại thể).
Đồng thời, chúng ta đã thấy qua “tự tính” (Selbstein) trong tính điệu “thiên hạ tính”; bây giờ, Heidegger tiếp tục phân tích “tại tính” (In-Sein) như chúng ta đã lướt qua ở trên, đồng thời Heidegger xác định “ưu tính” (Sorge) như là tính thể của hiện tính thể (als Sein des Dasein).

Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa chữ “Da” trong “Dasein”, phân tích về “tại tính” (In-Sein) là có thể giải minh ý nghĩa của chữ “Da” này. Khi phân tích về “tại tính” của “hiện tính thể”, chúng ta thấy một đặc điểm căn bản của hiện tính thể là “khải tính” (Erschlossenheit) của hiện tính thể: trạng thái khai mở, vén mở của hiện tính thể. Hiện tính thể đã dược “khai quang”, “soi sáng”, “đặt ra trong ánh sáng” không phải bởi một loại thể nào khác, mà chính tự thể của hiện tính thể đã tự “quán chiếu”, tự soi sáng: những vật thể hiện tiền (vorhanden) chỉ được đem ra ánh sáng và được ẩn giấu trong bóng tối là nhờ một thực thể đã được soi sáng trước rồi. nghĩa là nhờ vào “khải tính” (Erschlossenheit) của chính hiện tính thể. Sau đây, chúng ta sẽ nghiên cứu những thể điệu của “tại tính”: trước hết là “cảm thế tính” (Befindlichkeit), rồi đến “tri thể tính” (Verstehen) và sau cùng là “ngôn thể tính” (Rede). Đây là ba “xuất thể tướng” của “tại tính” của hiện tính thể, nói lên tính cách “khải tính” (Erschlossenheit) của hiện tính thể: “Hiện tính thể là sự khai mở cho chính mình là sự khải tính cho tính mình” (cf. Sein und Zeit, p.133. Das Dasein ist seine Erschlossenheit).

Cấu tính tính luận thứ nhất của “tại tính” là “Befindlichkeit” (cảm thế tính); chữ “Befinden” có nghĩa là “tìm thấy, suy nghĩ, cảm nghĩ, phán đoán, cảm thấy”; từ ngữ “sich befinde” có nghĩa là “ý thức, để ý, lưu ý, hiện thể, được tìm thấy ở nơi nào đó, cảm trạng, vân vân”; từ ngữ “es befinden sich” trong Đức ngữ có nghĩa là : “đó là trường hợp, đó là hiện trạng, cảm trạng”; danh từ “Befinden” có nghĩa là “trạng thái, cảm trạng, điều kiện, thể kiện, tính kiện, sự tìm thấy, ý kiến, hoàn cảnh; vân vân”; chữ “befindlich” có nghĩa là : “được tìm thấy, được đặt để, trong thực tế, thực thể; vân vân” (cf. Laszlo Versényi, Heidegger, Being, and Truth, Yale Univ. Press, 1965, p.18. Tôi dịch “Befindlichkeit” là “cảm thế tính”; Rudolf Boehm và Alphonse de Waelhens dịch là “sentiment de la situation” (cf. L’Être et le temps, Gallimard, 1965, p. 167); Jonh Macquarrie và Edward Robinson dịch “Befindilichkeit” là “State-of-mind” (cf. Being and Time, New York, Harper, 162, p. 171). “Cảm thế tính” nói lên tự thức tiên khởi của hiện tính thể về tự thể, ý thức rằng mình đã bị ném quẳng ra cuộc đời, trần gian, thế gian, để mình phải tự mình đối diện với tự thể phải đối diện với “sự tính” (Faktizität) của sự “xuất thể” của tính thể mình giữa lòng đời: hiện tính thể bị ném quăng, bị “xuất thể” trong thể diện của tính thể mà mình đã cảm thấy giữa thế gian, đã “cảm thế” mà không thể giải thích được sự-là-ở-đó (Dasein); “cảm thế tính” của hiện tính thể là thể thái trong thế gian mà hiện tính thể đã được đặt vào đó: thể cách cảm nhận của hiện tính thể khi bị đặt trong đời sống và trong thế gian này. Đặc điểm tính luận của hiện tính thể ở đây đã “lộ thế” rõ ràng hơn trong hiện tượng thể luận (ontisch) như “Stimmung” (cảm trạng, tâm trạng) hoặc “Gestimmtsein” (cảm hướng tính, hướng điệu). Thể cách của hiện tính thể qua những “cảm trạng”.

Có thể phân tích “cảm thế tính” (Befindlichkeit) và sự khai mở của cảm thể tính qua những cảm trang trong ba thể diện như vầy: thể diện thứ nhất là “Geworfenheit” (tính cách bị quăng ném) của hiện tính thể: hiện tính thể bị quăng ném ra giữa lòng đời, quăng ném ra “ở đó” (Da), “hiện tính” (Da) và tự mình phải xoay trở cưu mang lấy trách nhiệm của tính thể mình: hiện tính thể phải đối diện với sự-đã-rồi, với cái “ở đó”; chính “cảm trạng” đã mang hiện tính thể đối diện với sự tính của mình: bị bỏ rơi giữa lòng đời (Geworfenheit) và không biết “từ đâu đến” và “đi về đâu”; thể diện thứ hai là “cảm trạng” luôn luôn vén mở “lại thế tính” (In-der-Welt-sein) trong toàn thể và tạo ra khả tính cho hiện tính thể tự xoay hướng trong lòng đời, và ưu tư về những vật thể khác và những đồng loại thể khác (những hiện tính thể khác); thể diện thứ ba là hiện tính thể ưu tư ấy có thể bị ứng cảm, ảnh hưởng qui định, đe dọa bởi “cái-ở-đó” (Da) do những vật thể và những nhân thể gây ra. Hiện tính thể thường xuyên bị phơi bày ra “lộ thế” trước thế gian và điều này đã được khai mở cho hiện tính thể qua những “cảm trạng”. Heidegger đã được giải thích minh bạch hiện tượng này qua thí dụ về sự sợ hãi : hiện tượng sợ hãi (Furcht) khải mở tính cách “tại thế tính” (In-der-Welt-Sein) của hiện tính thể: sợ hãi là cảm thấy sự thể nào đó đe dọa, gây hãi hùng cho mình, nhưng sự thể khả dĩ đe dọa gây hãi hùng cho hiện tính thể là vì hiện tính thể đã ưu tư về chính tính thể của mình trong tương giao liên thể (Angewiesenheit) xây dựng trên ưu thể tính và khải tính của hiện tính thể về thế gian. Tương giao liên thể gì rồi cũng qui về hiện tính thể, do đó, dù hiện tính thể có sợ hãi cái gì đi nữa thì cũng vẫn có nghĩa là sợ hãi về chính tính thể của mình: sợ hãi (Furcht) là một thể cách khải tính của hiện tính thể trên vị thế của một thực thể tính luận có ưu tính về chính tính thể của mình, đồng thời cũng là thể cách của Dasein tự tìm thấy mình như là “tại thể tính”.

“Xuất thể tướng” thứ hai của “tại tính” đồng khởi phát với “xuất thể tướng” thứ nhất (cảm thể tính) là “tri thể tính” (Verstehen); tri thể tính soi chiếu “hiện tính” (Da) của hiện tính thể trong một thể cách căn bản hoàn toàn khác hẳn “cảm thế tính cảm hướng” (gestimmte Befindlichkeit): “tri thể tính” khai mở cho hiện tính thể về việc “xuất thể” của mình cho hướng thể nào (Worumwillen) vì lý do nào mà mình tự hiểu tự thể mình để “xuất hóa” như vậy. Hiện tính thể có nghĩa là “khả tính” (Seinkonnem); chúng ta cần phải phân biệt “khả thể” và “khả tính”: “khả tính” của hiện tính thể không giống “khả thể” của bất cứ sự thể hiện tiền nào, thuộc “Vorhanden”. Đối với sự thể hiện tiền “khả thể” là “tiềm thể” chưa “hiện thể” chưa “hiện thực”, trái lại đối với hiện tính thể, “khả tính” lại là tính chất nguyên bản nhất của hiện tính thể: “tri thể tính” khai mở tất cả những tiềm năng của Tính thể cho con người. Bất cứ hiện tính thể nào cũng là “Tiềm năng bị quăng ném ra đó”, khi hiện tính thể “cảm thế”, cảm thấy mình đã bị quăng ném ra giữa lòng thế gian thì thấy mình phải đối diện với một số “tiềm năng” nhất định nào đó mà mình có thể thực hiện hoặc hững hờ bỏ quên mà không thực hiện: hiện tính thể là tiềm năng được tự do trước tiềm tính nguyên bản nhất của mình; do đó, tri thể tính dính líu mật thiết với cảm thế tính: thấy mình ở đó là hiểu mình ở đó, hiểu được thể tính của tính thể mình. Sự tri thể tính chẳng những vén mở “xuất thể tính” của cá thể mà còn khai mở những vật thể thuộc phạm trù “zuhanden” (thủ thể, dụng thể), khai mở vai trò hữu dụng hoặc vô dụng của dụng thể. Đổi ngược lại tính cách “bị quăng ném” (Geworfenheit) của hiện tính thể trong ý nghĩa “cảm thế tính” là “dự thế” (Entwurf) dự thế của “tri thể tính” là ưu tư về những “tiềm năng” trong mọi thể cách: “tri thể tính” hình thành ý nghĩa mục đích mà tính thể của hiện tính thể phải thế nào trong thể tính của mình: ý nghĩa của dụng thể, vật thể và nhân thể, cũng như ý nghĩa của thế tính cũng tùy thuộc vào “tri thể tính” ấy trong việc xác định “duyên do, cứu cánh, mục đích, đối tượng” của tính thể trong việc tính nhập của hiện tính thể, Dự thế, ở đây không có nghĩa một dự án hay kế hoạch (dự án và kế hoạch chỉ phụ thuộc vào dự thế thôi): hiện tính thể luôn luôn dự thế, đã “dự thế” rồi và vẫn luôn luôn “dự thế”, phóng trước thế vị của mình trong cuộc đời: vì đã bị quăng mém ra thế gian rồi, cho nên hiện tính thể quăng ném trước thế đứng (dự thế) của mình trong việc chọn lựa những khả năng của mình. Dự thế hay dự phát khai mở trọn vẹn “lại thế tính” của hiện tính thể: mình có thể ưu tư về sự khai thế, tự hiểu tính thể mình từ thế gian của mình hoặc tự phóng thể tính mình về mọt chủ đích nào đó, (Worumwillen) mà mình đã “xuất thể” như là thế. Do đó, “tri thể tính” có thể là “nguyên tính” (eigentlich) hoặc “nguy tính, bội tính, phi nguyên tính” (uneigentlich).

Tri thể tính là ”dự phát tính”. Ở trên, tôi đã dịch chữ “Entwurf” là “dự thế” theo cách dịch chữ Pháp của E. Levinas là “proje-esquisse” (cf. E. Levinas, Martin Heidegger et l’ontologie, in Revue philosophique, Paris, 1932, pp. 395 - 431). Nhưng có lẽ dịch “Entwurf” là “dự phát tính” thì tinh nghĩa hơn, vì tri thể tính (Verstchen) có nghĩa là phát ra trước tính thể của mình: dự phát tính thể, vì hiện tính thể tri thể bằng cách xuất thể qua tính cách “có-thể-là” (Seinkonnem) nghĩa lả khả tính (Möglichsein), dự phát triển thể tính, như Heidegger đã trình bày: “Với tư thế của thực thể bị phóng ra, quăng ném giữa dòng đời, hiện tính thể đã được phóng ra ở đó theo thể điệu thể tính của dự phát tính” (cf. Sein und Zeit, p. 145: Und als geworfenes ist das Dasein in die Seinsart des Entwerfens geworfen).

Tri thể tính là một đặc tính quan trọng của hiện tính thể trong thể điệu tại thế tính; tất cả loại kiến thức (khoa học, thực tiễn, triết lý, vân vân) đều xuất phát từ tri thể tính; tất cả loại “giải thể” (Auslegung) đầu là thuộc thể của tri thể tính (giải thể là giải minh sự thể như là sự thể; “như là” nghĩa là “Als” trong chữ Đức, “en tant que”, “comme” trong chữ Pháp; cf. Heidegger. Sein und Zeit, p. 149; “Tính chất như là xác định cấu thể của sự giải minh về cơ sở tri thể tính; như là làm thành giải thể“; “Das Als macht die Struktur der Ausdrücklichkeit eines Verstandens aus; es konstituiert die Auslegung”). Cả ý nghĩ hay “tính nghĩa” (Sinn) cũng đều là thuộc thể của tri thể tính: Chỉ có “Sinn” là vì có hiện tính thể: “chỉ có hiện tính thể là có thể có ý nghĩa hay không có ý nghĩa” (cf. Sein und Zeit, p. 151: “Nur Dasein kann daher sinnvoll oder sinnlos sein”). Ngôn thể hay “diễn ngôn thể” (die Aussage) cũng là thuộc thể của giải thể (als abkünftiger Modus der Auslegung): tất cả những “ngôn thể” (diễn ngôn thể: Aussage) đều xuất phát từ sự “giải thể” (Auslegung) và sự “giải thể” này xuất phát từ “tri thể tính” (Verstehen) của hiện tính thể. Nơi trang 223 của quyển Sein und Zeit, Heidegger đã tóm tắt lại một cách dễ hiểu, dễ hiểu nhưng vô cùng quan trọng, không hiểu được câu này thì tất cả quyển Sein und Zeit đã mất hết mọi ý nghĩa; vì ý nghĩa (Sinn) được phát ngôn trong “diễn ngôn thể” (Aussage) diễn ngôn thể trực thuộc vào “giải thể tính” (Auslegung) bị qui định trong “tri thể tính” (Verstehen) của hiện tính thể:

“Diễn ngôn thể và cấu thể của diễn ngôn thể, tức là tính chất như thuộc thể (biển thể) đã được xây dựng căn thể trước tiên trong giải thể và cấu thể của giải thể, tức là tính chất như giải minh, rồi xây dựng căn thể trong tri thể tính, tức là trong sự khải tính của hiện tính thể” (cf. Sein und Zeit, p. 223: Die Aussage und ihre Struktur, das apophantische Als, sind in der Auslegung und weiterhin im Verstehen, der Erschlossenheit des Daseins, fundiert).

Có hai chữ khó hiểu trong câu văn trên:
  1. das apophantische Als

  2. dem hermeneutischen Als
Từ ngữ 1 được dịch là “tính chất Như thuộc thể, hiển thể”; từ ngữ 2 được dịch là “tính chất Như là giải minh”; “apophantische” đi đôi với “Aussage” và “hermeneutische” đi đôi với “Auslegung”; chữ “apophantische” ở đây vừa có nghĩa “thuộc từ” “thuộc thể”, “thuộc tính” mà cũng có nghĩa là “hiển lộ”, “hiện thể”, trong thiên khảo luận Martin Heidegger et le Problème de la Vérité, Jean Beauffret cho rằng không thể dịch nổi từ ngữ “einer apophantischen Als Struktur” và ông tạm dịch là “d’une structure de comme ayant pour effet de rendre manifeste” (cf. Tableau de la philosophie contemporaine, Éd-Fischbacher, Paris, 1957, p.356): do đó, tôi dịch “apophantische” là “thuộc thể, hiển thể”.

Sau khi đã nghiên cứu qua hai khía cạnh của tại thế tính của hiện tính thể như cảm thế tính (Befindlichkeit) và tri thể tính (Verstehen), bây giờ chúng ta hãy khảo sát khía cạnh thứ ba của tại thế tính là “ngôn thể tính” (die Rede): cảm thế tính, tri thể tính và ngôn thể tính đều là nhất trí, viên thành với nhau, tương quan mật thiết với nhau, không có cái này thì không có cái kia: cả ba đều là ba khía cạnh của ngôn ngữ và ngôn ngữ chính là cụ thể hóa của ngôn thể tính (cf. Sein und Zeit, p. 161: Die Hinausgesprochenheit ist die Sprache). Tri thể tính phát từ hiện tính thể trong cảm thể tính được phát ngôn qua ngôn thể tính. “Lắng nghe” (Hören) và “Im lặng” (Schweigen), cũng là những tiềm thể của ngôn thể tính (cf. Sein und Zeit, p. 161, 164, 165, 296). Những thành tố của ngôn thể tính là: “điều được nói đến, nói về” (das Worüber der Rede, das Beredete), “điều được nói như thế” (das Geredete als solches) “điều trao đổi, cảm thông, truyền đạt” (Mitteilung) và “điều thông tin” (Bekundung), đây là những nét sinh tính trong cấu tính của hiện tính thể. Heidegger cho chúng ta thấy rằng ngôn thể tính không phải là chỉ về tiếng nói và âm thanh, mà lại là thể cách, tính cách mà thế gian và hiện tính thể được khám phá ra. Heidegger đã nói lên khuyết điểm của truyền thống triết lý Tây phương trong việc truy tìm bản tính của ngôn tính vì truyền thống ấy đã bị qui định trong việc thể nhận của triết gia Hy Lạp về ngôn tính: “Ngôn tính”, “ngôn thể tính” (lógos) đã bị giới hạn lại trong việc thể nhận “lógos” là “apophansis” (ngôn thể, diễn ngôn thể, ngôn từ).

Do đó, căn bản của ngữ pháp, văn phạm và luận lý học truyền thống đều xuất phát từ vật thể luận của những vật thể theo thể điện “vorhanden” (cf. Werner Brock, Existence and Being, p. 40).

Giai đoạn thứ nhất là ba “xuất thể tướng” của hiện tính thể là cảm thế tính, tri thể tính và ngôn thể tính; đó là giai đoạn đầu để xác định những đặc tính của “tại tính” (In-Sein); giai đoạn thứ hai là khảo sát “tại tính” (In-Sein) trong khía cạnh “thường nhật tính”, nghĩa “người ta”, “thiên hạ” (Man) “Tại tính” của hiện tính thể trong khía cạnh thường nhật tính gồm có ba đặc điểm: thứ nhất là “nói nhảm nhí” (Gerede), đọa thể của ngôn thể tính; người ta nói ba hoa, nói nhảm nhí và chẳng hiểu mình nói gì, mình nói như mọi người nói, cái gì cũng nói được, cái gì cũng giải thích được, nói rất nhiều nhưng chẳng có gì đáng nói: hiện tính thể tự đánh chìm trong đời sống tầm thường của “thiên hạ”, “người đời”; đặc điểm thứ hai của “tại tính” của hiện tính thể trong khía cạnh thường nhật tính là “tò mò tọc mạch” (Neugier), đọa thể của “kiến thể” (Sicht), mình tò mò đi tìm kiếm mọi sự không phải để hiểu mà chỉ để thấy, đi tìm mới lạ, để thấy chỉ thấy thôi: tìm điều mới lạ để rồi nhảy lướt qua sự mới lạ ấy mà đi tìm sự mới lạ hơn nữa (cf. Sein und Zeit, p. 172: Sie sucht das Neue nur, um von ihm erneut zu Neuem abzuspringen). Sự tò mò tọc mạch này chỉ đem đến tâm trí tản mạn (Zerstreuung), xao động cạn cợt (Unverweilen) và tâm trạng bất an, bất định (Aufenthaltslosigkeit) (cf. Sein und Zeit, p.175); sự tò mò tọc mạch này khiến cho hiện tính thể lấp lửng động đậy, không còn khả năng lắng hồn thanh thản và không còn khả năng suy tư chín chắn, nó tạo cho mình có ảo tưởng là mình sống một đời sống nhộn nhịp hoạt động, “hào hứng” “trí thức”, mình có ảo tưởng là luôn luôn “thời thượng”, “cái gì thiên hạ biết mình cũng biết” “không lỗi thời”. Đặc điểm thứ nhất (nói ba hoa nhảm nhí) và đặc điểm thứ hai (tò mò tọc mạch) làm thành đặc điểm thứ ba là “mơ hồ bấp bênh” (Zweideutigkeit), mình không còn biện biệt gì nữa, không còn biết đâu là “khai thông tính” (erschlossen) trong sự giao cảm chân tình và đâu là ngụy cảm, mình tưởng là cái gì cũng hiểu được, cũng nói được, nhưng thực ra không phải thế, chân thành giảgiả tưởng là chân; mình không còn biết cái gì mình không biết và mình không biết cái mình biết; vì “hồ đồ bấp bênh”, nên mình có ảo tưởng là mình biết tất cả, hiểu tất cả, nói gì cũng được, nhưng thực sự thì mình chẳng ra gì cả: mình sống một cuộc đời mà mọi sự đều xảy đến, nhưng thực ta trong sâu thẳm thì chẳng có gì xảy đến cho ra hồn (cf. Sein und Zeit, p. 174: wo alltäglich alles und im Grunde nichts geschieht) (cf. A. De Waelhens, La Philosophie de Martin Heidegger, Louvain, 1955, p.144).

Đặc điểm thứ tư và chung điểm để gọi chung đời sống thường nhật của hiện thể trong thể điệu “thiên hạ” là “đọa tính” (das Verfallen) “Đọa tính” nói lên sự ưu tư bận bịu của hiện tính thể với thế giới công ăn việc làm của mình: hiện tính thể đánh mất mình trong đám đông thiên hạ người đời. Heidegger nêu lên “đọa tính” như là tính cách tinh luận (ontologisch) của “tại tính” (In-Sein): hiện tính thể bị rơi vào người đời, đánh mất tự thể trong thiên hạ, có ảo tưởng rằng mọi sự đều tốt đẹp và mình cảm thấy âm hưởng an lành này chỉ tăng trưởng “đọa tính”, khiến cho hiện tính thể có ảo tưởng rằng đời sống trơn tru và mình vẫn hàng ngày làm việc không ngừng, “phụng sự” và “cung phụng”, như một cái máy, để rồi càng ngày hiện tính thể càng thấy mình vẫn xa lạ đối với mình và bị rơi vào trong “vong thể”, “ly tính” (Entfremdung) và không còn biết đâu là “khả tính”, độc đáo nhất, nội tại nhất của tính thể mình: hiện tính thể bị xô đẩy vào trong “bội tính”, “phi nguyên tính” (Uneigentlichkeit), bị vướng kẹt thân phận (Sichverfangen): hiện tính thể vận hành trong sự sa chân, “rơi té” (Absturz) trong đời sống nhợt nhạt phều phào của thiên hạ người đời, vận hành trong “sự quay cuồng” (Wirbel) của thế giới “người ta” (Man), sự quay cuồng này nói lên “tính cách bị bỏ rơi, quăng ném ra đó” (Geworfenheit) của hiện tính thể giữa đời sống thường nhật. Có một điều chúng ta nên để ý: dù bị “đạo tính” trong một thể cách biến trạng.

“Tại thể tính” là một cơ cấu tính thể nhất trí, toàn diện, thuần nhất. Sự nhất tính này đưa ta đến câu hỏi về hiện tính thể: Thể tính của Hiện tính thể là gì? Chính là “ưu tính” (Sorge). Trước khi chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của “ưu tính”, chúng ta phải cần lướt qua ý nghĩa của sự xao xuyến (Angst) và phân biệt “xao xuyến” (Angst) và “sợ hãi” (Furcht); sợ hãi là sợ hãi một cái gì xác định, còn “xao xuyến” là xao xuyến trước khả tính, trước một cái gì không hiện hữu, mơ hồ, vô định. Heidegger phân tích sợ hãi và xem sợ hãi như là một thễ cách đặc biệt của “cảm thế tính” (Befindlichkeit) của “tại tính” (In-Sein); đối với xao xuyến (Angst): Heidegger coi như là “cảm thế tính nền tảng” khai mở hiện tính thể trước tự thể của mình. Chúng ta nên để ý rằng Heidegger không có ý khảo sát “xao xuyến” và “sợ hãi” trên bình diện “tính luận” (ontologisch) trên khía cạnh hiện tính thể như là “tại thể tính” ( cf. Werner Brock, Existence and Being, p.45).

Có thể phân tích “sợ hãi” trong ba khía cạnh cấu thể: đối tượng sợ hãi (das Wovor der Furcht), chính sự sợ hãi (das Furchten) và sợ hãi cho cái gì (das Worum der Furcht). Đối tượng sợ hãi luôn luôn là sự thể mà mình gặp trong thế gian, như loại thể “Zuhandene”, hoặc “Vorhandene” hoặc bất cứ hiện tính thể nào khác, không phải là mình.

Đối tượng sợ hãi đe dọa mình, đe dọa hiện tính thể của mình, nó có tính cách nguy hiểm, có thể làm phương hại đến hiện tính thể mình, nó phát xuất từ một nơi nhất định, có thể xác định được. Sự sợ hãi đón nhận đối tượng sợ hãi, dành chỗ cho đối tượng sợ hãi đe dọa, khám phá ra tính cách hiểm nguy của đối tượng đe dọa. Sợ hãi cho cái gì? Chính là sợ hãi cho hiện tính thể. Qua sự sợ hãi, hiện tính thể khai mở ra trạng thái hiểm nghèo của mình và sự lệ thuộc của mình vào trạng thái ấy: Sợ hãi khai mở cho hiện tính thể nhìn thấy tính thể của “cái ở đó”, “hiện tính” (Da).

Xao xuyến (Angst) thì khác hẳn sợ hãi (Furcht). Điều mình xao xuyến cũng là điều đe dọa mình, nhưng điều đe dọa ở đây không thể xác định được, vì nó không thuộc loại thể “Zuhandenes”, “Vorhandenes” hay bất cứ Dasein nào khác: điều xao xuyến bàng hoàng rất mơ hồ, sự xao xuyến không phải phát xuất từ một nơi nào cả, nhưng dù vậy, mình cảm thấy nó rất gần gũi thân cận, lấn áp đè chĩu mình, thế mà cũng chẳng biết nó ở đâu. Điều xao xuyến cho mình thấy rằng: “sự xao xuyến không là một thực thể nào cả và không có một nơi chốn nào cả”, dù thế, sự xao xuyến vẫn đè áp lên mình và mở ra cho mình thấy rằng điều mình xao xuyến chính là xao xuyến bàng hoàng về “tại thế tính”: xao xuyến khai mở thế gian như là thế gian. Xao xuyến cho cái gì? Chính là xao xuyến cho “tại thế tính” hay xao xuyến cho khả tính nguyên tính của tại thế tính: xao xuyến cô lập hóa Dasein để Dasein trở về tại thế tính nguyên bản nội tại nhất của mình. Khi phân tích về Angst (xao xuyến), Heidegger chuẩn bị từ sự phân tích này để bước tới sự phân tích về “ưu tính” (Sorge) như là tính thể của hiện tính thể. Ba đặc tính tính luận (ontologisch) của Dasein tự hiểu bày như là căn bản nhất:
  1. Xuất thể tính (Existentialität) tương quan với khả tính (Seinkönnen), tri thể tính (Verstehen) và dự phát tính (Entwurf).

  2. Cảm thế tính (Befindlichkeit) hay sự tính (Faktizität), tức là hiện tính thể bị bỏ rơi quăng ném ra đó (Geworfenheit).

  3. Đọa tính (Verfallensein), tức là hiện tính thể bị rơi trong “người ta, thiên hạ” và bị rơi vào sự “bội tính”, “phi nguyên tính” (Uneigentlichkeit).
Cả ba đặc tính trên đều là đồng nhất thể, nói lên cấu tính nhất thể toàn diện. Khi khảo sát ưu tính (Sorge) chúng ta cũng đặt ưu tính vào trong ba đặc tính ở trên.

Vì tính thể là ưu tính (Sorge), cho nên Dasein luôn luôn “xuất thể” bằng cách dự phát thể tính của mình, khi mình đã bị bỏ rơi ở thế gian và phải bận bịu thường nhật với thế gian này: cf. Sein und Zeit, p. 192: “Das Sein des Daseins besagt: Sich Vorweg-schon-sein-in (der Welt) als Sein-bei (innerweltlich begegnendem Seiendem). Dieses Sein erfüllt die Bedeutung des Titels Sorge”.

Ba đặc tính của ưu tính là:
  1. “Sich-vorweg-sein” (tự dự phát), hiện tính thể là một loại thể mà trong tự thể lại ưu tư về tính thể của mình, trong tự tính, hiện tính thể vẫn luôn luôn đi trước mình, luôn phát trước tính thể cho tự tính (tự dự phát).

  2. “Sich-vorweg-schon-sein-in-einer Welt” (tự dự phát khi đã bị quăng ném vào thế gian rồi), vì “xuất thể luôn luôn có nghĩa là sự đã rồi” (cf. Sein und Zeit, p. 192: Existieren ist immer faktisches). Sự tự dự phát, tự phóng mình ra đằng trước của hiện tính thể không phải là hành động của một “chủ thể” ly cách với thế gian, vì sự tự dự phát chính là một sắc thái của tại thế tính đã bị quăng ném bỏ rơi trong thế gian rồi, và tự mình lo lấy thân mình, cưu mang lấy tính thể mình như là khả tính nội tại nhất của mình: mình đã ở trong đời rồi, đã bị ném vào đó rồi, cho nên đồng lúc mình mới dự phát, tự phóng mình ra đằng trước bản tính trong tự tính.

  3. “Sein-bei” (tiếp cận tính), hiện tính thể luôn luôn phải ưu tư trong thế giới tiếp cận của mình, bận bịu lo lắng về những vật thể “dụng thể” (zuhanden); sống trong thời văn minh, do đó, phải sử dụng những sản phẩm của văn minh, tức là những “dụng cụ” của thời thế hiện nay, vì thế hiện tính thể bị vướng vào trong đọa tính (Verfallen). Có thể nói gọn lại cấu tính về ưu tính của hiện tính thể như sau: đã bị bỏ rơi trong thế gian, lại tự phóng mình ra đằng trước, khi phải ưu tư bận bịu với những vật thể gặp gỡ trong thế gian (Sich-vorweg-schon-sein-in-der Welt als Sein-bei innerweltlich begegnendem Seiendem).
Khi giải thích tính thể của hiện tính thể như là ưu tính, Heidegger không phải chỉ võ đoán xác định một ý tưởng giả tạo có tính cách cưỡng ép, Heidegger đã ý niệm hóa một cách “xuất thể tính” những gì đã được khai mở trên bình diện thể luận hiện hữu (cf. Sein ung Zeit, p. 196: Die Explikation des Seins des Daseins als Sorge zwängt dieses nicht unter eine erdachte Idee, sondern bringt uns existenzial zu Begriff, was ontisch-existenziell schon erschlossen ist).
Nguồn: Martin Heidegger. Về thể tính của chân lý. Phạm Công Thiện dịch và giá»›i thiệu, do Hoàng Đông phÆ°Æ¡ng xuất bản. In xong ngày 25 tháng 1 năm 1968. Sách dày 296 trang. Ngoài những bản thường, dành 60 bản trên giấy trắng của nhà xuất bản và 1 bản duy nhất trên giấy mÆ¡ của Phạm Công Thiện. Bản địện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của dịch giả.