trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
Loạt bài: Mỹ thuật Việt Nam thế ká»· 20: Cá»™t mốc và những dấu ấn
 1   2   3 
8.10.2002
Phan Cẩm Thượng
Mỹ thuật thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954
 
Trong giai đoạn trước, thời kỳ trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương 1925-1945, hầu như giới họa sĩ, điêu khắc đứng ngoài các biến cố chính trị, hoặc không tham gia trực tiếp vào phong trào giải phóng, chống thực dân Pháp, mà lòng yêu nước của họ trầm lắng lại thành nỗi buồn man mác mơ hồ trong các bức họa. Các họa sĩ lúc ấy không xác định vai trò nghệ thuật của mình với những ý tưởng nhân dân và cải tạo xã hội cụ thể, thì đến giai đoạn này mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn. Ngày 2/9/1945 Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, nước nhà độc lập và tiến hành cuộc kháng chiến mới đã xác định một con đường rõ ràng cho nghệ sĩ và nghệ thuật. Từ vai trò của họ, đối tượng sáng tác, quan điểm và mục đích nghệ thuật được xây dựng trên ý tưởng phục vụ nhân dân và kháng chiến, kiến quốc. Giới trí thức nói chung và họa sĩ nói riêng bắt đầu phân rã. Phần lớn tham gia vào kháng chiến với lòng yêu nước nhiệt thành. Một số di tản ra nước ngoài, số khác theo đuổi con đường khác như trường hợp Nguyễn Gia Trí, mà sau này vị thế của họ chỉ có thể đánh giá bằng thành tựu nghệ thuật của họ mà thôi. Chín năm kháng chiến gian khổ, không phải là hoàn cảnh thuận lợi cho bất cứ hoạt động nghệ thuật nào. Nhưng đấy là lại là lò lửa thử vàng, mà mỗi người họa sĩ, trước tiên cũng là một người lính xông trận. Do vậy không thể nói về một thành tựu to lớn của mỹ thuật 9 năm kháng chiến với những tác phẩm đồ sộ, mà chỉ có thể nói về sự kỳ vĩ của cuộc kháng chiến trong nhân dân, sản sinh những ý tưởng và tâm hồn lớn cho nghệ thuật sau này, còn đương thời và những người trong cuộc là nghệ sĩ trước hết đóng vai trò hoạt động văn hoá kháng chiến, chuẩn bị tài liệu sáng tác về sau. Trước và trong thời điểm gay cấn 1945-1946 những người có tiếng như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Trần Phú Duyên... đã ra nước ngoài. Nguyễn Gia Trí đi Hồng Kông sau đó về Sài Gòn. Phần đông các danh họa còn lại lên chiến khu Việt Bắc theo hai con đường: Bắc Giang và Sơn Tây-Phú Thọ. Họ hoạt động tại các cơ quan văn hoá, thông tin tuyên truyền, báo chí. Hoặc đi theo các đoàn biểu diễn lưu động, vừa chiến đấu, dạy học tuyên truyền, báo chí. Hoặc đi theo các đoàn biểu diễn lưu động, vừa chiến đấu, dạy học tuyên truyền đường lối kháng chiến cho nhân dân. Rừng xanh, núi đó, khói lửa đạn bom trong cuộc kháng chiến trường kỳ cũng có họa sĩ rời chiến khu về thành phố (như Bùi Xuân Phái), mà những nét buồn của tháng năm còn đọng mãi trên các bức họa.

Việc rời bỏ thói quen thẩm mỹ thị dân, và sinh hoạt thành thị với các thiếu nữ thướt tha, chuyển đổi phương pháp sáng tác, đã diễn ra nhiều mâu thuẫn trong từng nội tâm họa sĩ. Ngay trong văn học hơi hướng của thi ca lãng mạn tiền chiến còn phảng phất trong thơ ca đầu kháng chiến. Cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc đầu tiên năm 1946, tại Nhà hát Lớn cho thấy dòng nước cũ còn quanh quẩt bên dòng nước mới. Tuy vậy hàng loạt sáng tác mới đã đánh dấu sự hình thành đầu tiên của nền nghệ thuật cách mạng. Như sơn dầu: "Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ" của Tô Ngọc Vân, "Xuống đồng" của Trần Văn Cẩn, "Bình dân học vụ" của Dương Bích Liên, "Cây đuốc sống Lê Văn Tám" của Lương Xuân Nhị... Cũng trong thời điểm này người ta thấy những gương mặt mới như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái... lớp hậu sinh của trường Mỹ thuật Ðông Dương, mà sau này trở thành những bậc thầy sau hòa bình.

Ngay trong và sau chiến dịch Việt Bắc 1948, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ II được tổ chức tại Phú Thọ. Gần 100 tranh lụa, khắc gỗ, chì và tranh tuyên truyền với chủ đề hướng toàn dân kháng chiến kiến quốc. Ðến 1951 triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ III được tổ chức tại Chiêm Hoá, chào mừng Ðại hội Ðảng lần thứ II, tranh cổ động và minh họa các chính sách đóng vai trò chính.
Bốn năm sau khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam tạm ngưng, trường Mỹ thuật Việt Nam được mở lại tại Thái Nguyên, và do Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng, Trọng Kiệm, Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Trịnh Phòng, Trịnh Thiệp, Lê Huy Hoà... là những họa sĩ đầu tiên của nhà trường Mỹ thuật trong kháng chiến đó.

Khi tiêu chí của nghệ thuật và vai trò nghệ sĩ đã đưọc xác định: Văn nghệ cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận đó, đương nhiên hình ảnh của hội họa gắn với những vấn đề bức thiết của cuộc sống. Tranh cổ động và tranh đồ họa đóng vai trò kích thích thị giác trực tiếp và cụ thể hoá các chủ trương của cách mạng. Trong Cách mạng tháng 8/1945, người ta đã thấy áp phích "Nước Việt Nam của người Việt Nam" của Trần Văn Cẩn. Nguyên tranh này bằng tiếng Anh "Vietnam for the Vietnamese" phủ kín toà Ngân hàng địa ốc ở phố Ðinh Tiên Hoàng bây giờ. Tranh áp phích "Toàn dân đấu tranh cho độc lập - thống nhất Việt Nam" của Nguyễn Sáng treo ở tiệm cà phê và quán rượu nhà Vua. Từ đấy cho đến suốt cuộc kháng chiến, tranh cổ động, áp phích đóng vai trò lớn trong thông tin hình ảnh kêu gọi toàn dân kháng chiến, kiến quốc và địch vận. Tính chất biểu trưng và hình tượng mạnh mẽ, nhấn mạnh vào chủ đề chính như một khẩu lệnh. Và chúng được các họa sĩ sao ra nhiều bản dán, hoặc gửi cho nhiều địa phương.
Lúc bấy giờ, nguyên liệu vẽ khan hiếm, có lẽ chất liệu gỗ và đá dễ kiếm, tranh khắc gỗ và in đá rất phát triển. Có thể kể đến tranh "Cùng nhau đi hùng binh" của Trần Văn Cẩn mang đậm tính dân gian khắc họa hình theo lối trẻ thơ. Tranh "Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ" của Tô Ngọc Vân. Ðặc biệt là bộ tranh in đá "Cảnh Dương" của Phạm Văn Ðôn diện tả toàn bộ sinh hoạt và chiến đấu của du kích Cảnh Dương. Dần dà hình tượng lãnh tụ, người nông dân, anh vệ quốc... được khắc họa rõ nét, như những tính cách đặc trưng của người Việt Nam với đầy đủ bản tính nông dân và lòng quả cảm trong bão lửa hiện dần trong đồ họa và hội họa sau hòa bình nhiều năm như hồi ức chiến tranh bằng hình ảnh.

Các ký họa mầu nước của Tô Ngọc Vân về những người nông dân đốt đuốc, thắp đèn đi học bình dân học vụ, đấu tố địa chủ vô cùng sinh động, và chân thực tới mức cảm động. Họa sĩ đã đổi thay, lột xác hoàn toàn so với chính ông trước kia. Những tranh khác như "Ðuổi giặc trong rừng", "Khi giặc vừa qua" của ông cho thấy sự theo đuổi một thứ nghệ thuật đồ sộ có tính bi tráng mà tiếc thay ông không thực hiện được (Tô Ngọc Vân hy sinh năm 1954). Những tranh bột mầu về thủ đô kháng chiến, và du kích của Nguyễn Ðỗ Cung mang tính khái quát và một cấu trúc chặt chẽ. Bức sơn mài "Cái bát" (1949) của Sỹ Ngọc khắc họa bà cụ nông dân đứng quạt cho anh chiến sĩ uống nước là hình ảnh đẹp đẽ khó quên về tình quân dân, tình mẫu tử muôn thuả. Suốt cuộc chiến, tranh của Nguyễn Sáng không được đánh giá cao, nhưng đến năm 1953 với tác phẩm "Giặc đốt làng tôi" và sau hoà bình là "Kết nạp Ðảng tại Ðiện Biên Phủ" lập tức đưa ông lên hàng danh họa.

Có thể các họa sỹ không làm được nhiều giữa cuộc chiến, nhưng những năm tháng ở rừng, trên chiến hào, cùng nhân dân và bộ đội gian khổ đã tạo ra những ấn tượng khó quên và những trăn trở về sự tìm lại các ký ức bằng hội họa. Ngày nay, khi nhìn về 9 năm kháng chiến, người ta thường tự hỏi trong hoàn cảnh "sốt rét, mưa rừng", "bắp nương sẻ nửa, chăn sui đắp cùng" đó, các họa sĩ đã vẽ như thế nào? Họ đã băn khoăn về một thứ hội họa tuyên truyền và hội họa lâu dài như thế nào? Vài tuýp sơn dầu, vài hộp thuốc nước cũ mang đi từ thành phố, còn chủ yếu là vài cây chì than. Song lòng yêu nước và tình yêu hội họa đã lớn hơn tất cả để tất cả cảm nhận sức sống của dân tộc trong hình ảnh của những người nông dân kháng chiến.