trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
27.3.2006
Đoàn Tiểu Long
Hình như anh Đông La chưa đọc Trần Hải Hạc?
 
1. Phản hồi những ý kiến xung quanh bài “Nhà sư…”, tôi đã bẩm báo tôi viết bài đó không nhằm chứng minh Marx đúng hay sai, và cũng không ủng hộ hay phản đối việc đảng viên làm kinh tế tư bản, mà muốn nói lên điều khác. Còn thực ra quan điểm của tôi là: đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay cứ việc làm kinh tế tư bản thoải mái, vì họ có phải người cộng sản chân chính đâu, muốn làm gì chẳng được!

Anh Lữ Phương giới thiệu cho tôi, và đến lượt mình, tôi giới thiệu lại cho những ai muốn tranh luận về chủ nghĩa Marx, đặc biệt là vấn đề giá trị thặng dư và bóc lột, bài “Học thuyết Marx, Đảng cộng sản Việt Nam và vấn đề bóc lột” của Trần Hải Hạc, tin rằng bài viết đó đủ sức trả lời mọi câu hỏi mà các anh Nguyễn Quang A, Nguyễn Nguyễn, Hà Minh và nhiều người khác nêu ra.

Thế nên khi đọc bài của anh Đông La “Đường đi và đích đến” tôi hơi ngạc nhiên, vì hình như anh vẫn chưa hiểu rõ ý đó của tôi, và hình như anh cũng chưa đọc cả bài của Trần Hải Hạc. Tôi càng ngạc nhiên hơn, vì tôi vẫn nghĩ anh đã từng nghiên cứu Marx, vậy mà đôi chỗ lại có cách lập luận chẳng khác gì những người chưa từng đọc Marx.

Chẳng hạn, những ai đã từng đọc Marx một cách nghiêm túc, thì dù sự lĩnh hội có nông cạn như tôi cũng không bao giờ đặt ra vấn đề vai trò của vốn, của tư bản tri thức (sự sáng lập doanh nghiệp, khả năng tổ chức, quá trình tạo nên một thương hiệu, ý tưởng kinh doanh, sáng chế phát minh... như anh Đông La viết), của rủi ro trong kinh doanh, của mối tương duyên giữa nhà tư bản với người lao động v.v… Lại càng không bao giờ dám cả gan lớn miệng chê bai Marx phiến diện nên đã quên hay không biết những điều đó, rằng công thức của Marx là quá thô sơ vì bỏ qua rất nhiều yếu tố. Đơn giản là vì Marx biết hết những điều đó, và đã nghiên cứu rất kỹ vai trò của từng yếu tố một trong toàn bộ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (tôi không nghĩ chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam hiện giờ hiện đại và khác xa thời Marx!). Chưa kể Marx còn có nhà tư bản Engels đứng bên cạnh nhắc bài!

Ta biết phương pháp nghiên cứu của Marx: trừu tượng hóa vấn đề, gạt bỏ mọi yếu tố phụ thường chỉ gây nhiễu, tìm ra bản chất của hiện tượng. Sau khi đã tìm ra điều cốt lõi mới lần lượt cho các yếu tố khác tham dự để nghiên cứu vai trò của chúng, dần dần tạo nên bức tranh tổng thể một cách sinh động mà vẫn không bị hoa mắt.

Nói quy luật giá trị thặng dư của Marx phiến diện, sơ sài chẳng khác gì chê công thức về gia tốc, lực và khối lượng của Newton là “thô sơ” vì bỏ qua nhiều yếu tố khác như lực ma sát, lực cản của không khí v.v…

Tôi thấy buồn cười trước việc nhiều người ra sức tìm cách định nghĩa lại “bóc lột là gì” như thể đây là vấn đề sống còn, và cho rằng định nghĩa của Marx không còn đúng nữa. Anh Đông La thì đề xuất giải quyết mâu thuẫn bằng cách nghĩ khác đi về vấn đề bóc lột (trộm nghĩ, các cô gái bị hiếp dâm cũng thử nghĩ khác đi xem sao!). Thực ra Marx chẳng phí công đi tìm cái định nghĩa đó bao giờ. Ông chỉ nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, và tìm ra quy luật giá trị thặng dư, rồi gọi việc nhà tư bản giữ lại phần giá trị thặng dư đó là “bóc lột”. Rõ ràng “exploitation” ở đây là “bóc lột” theo nghĩa xấu, chứ không thể là “khai thác” – khai thác sức lao động là cả một quá trình, còn “bóc lột” chỉ là động tác cuối cùng trong cả quá trình đó. Nếu Marx gọi hành vi đó khác đi, là “hưởng thụ thực lãi” như ông Trần Trọng Đăng Đàn đề xuất chẳng hạn, và phê phán chế độ “người này hưởng thụ thực lãi trên lưng người khác”, thì có lẽ bây giờ dân tình lại đổ xô đi hỏi Google xem “hưởng thụ thực lãi” có bao nhiêu định nghĩa chăng!?

Không hiểu sao nhiều người – trong đó có cả anh Đông La, khiến tôi rất ngạc nhiên - cứ nghĩ rằng nếu đảng viên không làm kinh tế tư bản thì nhất định chết đói, còn hơi sức đâu mà nghĩ đến chủ nghĩa xã hội! Nếu thế thì trên trái đất này những ai không phải là nhà tư bản đều chết đói hết?

Thiết nghĩ, để tin và ủng hộ một học thuyết, không nhất thiết phải hiểu sâu học thuyết đó. Ví dụ, ai cũng tin công thức E = mc2 của Einstein, mặc dù chẳng mấy ai đủ sức hiểu nó. Không hiểu, nhưng vẫn có thể phê bình những ai không phải tầm cỡ Einstein nói nhầm E = mc3. Giống như người biết tiếng Anh trình độ C tuy chưa giỏi giang gì nhưng vẫn có thể chỉ ra những sai sót của người trình độ A vậy. Trái lại, để phê phán, chê bai một học thuyết nào đó, nhất thiết phải hiểu thật rõ học thuyết đó. Tiếc thay hầu hết những ý kiến bài bác học thuyết của Marx trên báo chí thời gian qua lại có vẻ là của những người chưa hiểu đến nơi đến chốn, mà biểu hiện rõ nhất là đặt ra những câu hỏi vớ vẩn về những vấn đề Marx đã nghiên cứu từ lâu, cứ tưởng rằng Marx không đủ thông minh “phát hiện” ra những điều đó. Tôi rất mong những ai có ý định phê phán Marx thì trước hết, nếu như không đủ hứng thú và thời gian đọc bộ Tư bản và các trước tác khác của Marx, hãy đọc qua bài của Trần Hải Hạc đã, độ 50 trang thôi, chí ít để biết Marx đã nghiên cứu những gì và “quên” những gì.

2. Lập luận của tôi về giá trị công sức của nhà tư bản mà anh Đông La cho là thô sơ thực ra là bắt chước theo phương pháp cân voi của Lương Thế Vinh. Nếu không cân trực tiếp được con voi, thì có thể cân đống đá có khối lượng bằng con voi đó, rồi suy ra. Bởi vì chưa biết đích xác tài năng, công sức của nhà tư bản đáng giá bao nhiêu, nên tôi thử đề xuất hai phương pháp để đo lường cái tương đương:

a. Đặt nhà tư bản vào vị trí người làm thuê, để xem người khác đánh giá ra sao

b. Mướn một người khác tài năng tương đương làm thay công việc của nhà tư bản, để xem nhà tư bản tự đánh giá ra sao

từ đó suy ra giá trị đích thực của tư bản tri thức là bao nhiêu. Tôi đã giả định là giám đốc làm thay nhà tư bản mọi chuyện rồi cơ mà, anh Đông La còn liệt kê ra làm gì? Giả định này không hề phi thực tế: thực sự các nhà quản trị chuyên nghiệp giỏi hơn các chủ doanh nghiệp nhiều. Duy nhất có một thứ mà giám đốc không gánh thay nhà tư bản được, đó là rủi ro thua lỗ, phá sản. Theo Marx thì tổng giá trị thặng dư trong xã hội không thay đổi, nên nếu có nhà tư bản này thua lỗ thì có nhà tư bản khác giành được lợi nhuận siêu ngạch, và ngược lại. Công sức của nhà tư bản chủ yếu nhằm giành giật giá trị thặng dư siêu ngạch trong cuộc cạnh tranh với các nhà tư bản khác trong cùng ngành và trong toàn xã hội, còn hiện nay là toàn cầu. Bill Gates kiếm được hàng tỷ đô la chính là lợi nhuận siêu ngạch do vị thế độc quyền tạm thời của các sản phẩm có những tính năng vượt trội của công ty mình (không phải do tư bản tri thức). Trần Hải Hạc có phân tích điều này trong bài viết nói trên, và đó chính là câu trả lời cho cái ý “sáng chế nông dược làm tăng năng suất nông sản kéo theo tăng lợi nhuận” mà anh Đông La đề cập. Giá trị sử dụng dù siêu việt đến mấy tự thân không mang lại giá trị. Nếu chỉ mình anh Đông La có cái nông dược đó thì anh có lợi nhuận siêu ngạch, nhưng nếu ai ai cũng có thì lợi nhuận siêu ngạch sẽ mất, tuy giá trị sử dụng của nông dược vẫn còn nguyên.

Tóm lại, theo Marx thì nhà tư bản được hưởng số giá trị thặng dư là do vị thế giai cấp ông chủ của mình (không phải khả năng ông chủ như anh Đông La viết). Điều này lý giải vì sao ở các vị thế khác nhau nhà tư bản nhận được thù lao khác nhau cho cùng một công việc, và vì sao Einstein không giàu bằng Gates. Tất nhiên không phải cứ thành nhà tư bản là nghiễm nhiên thu lợi nhuận: các nhà tư bản khác luôn tìm cách giành mất phần của ta! Ở đây ta không bình luận nhà tư bản được hưởng như thế có xứng đáng hay không, mà chỉ tìm hiểu nguồn gốc giá trị thặng dư do ai tạo ra. Điều này càng bộc lộ rõ ở các công ty cổ phần, nơi các ông chủ - cổ đông không tham gia điều hành công ty, và thậm chí số vốn của họ chỉ chiếm phần nhỏ trong vốn hoạt động của công ty, còn lại là giám đốc đi vay.

Tôi cứ nghĩ: nếu Đảng Cộng sản nói rằng vì họ chịu tù đày, hy sinh, đứng mũi chịu sào để lãnh đạo nhân dân làm cách mạng và xây dựng đất nước, nên có quyền thâu tóm toàn bộ quyền lợi về tay mình, chỉ để cho nhân dân một ít đủ sống thôi nhá, thì sao nhỉ?

3. Khi lấy ví dụ nhà sư ăn thịt, tôi không coi Phật giáo chỉ là một tôn giáo, thuần túy tâm linh, mà coi đó là một học thuyết, một thế giới quan, cũng như mọi thứ chủ nghĩa khác. Nhà Phật có quan niệm về thế giới của họ, chủ nghĩa Marx có cách nhìn của mình, chẳng biết ai đúng ai sai (bản thân tôi bắt đầu tin rằng không khéo có thế giới bên kia thật, sau khi đọc bài của giáo sư Trần Phương về việc đi tìm mộ), nhưng đều rắc rối, khó hiểu đối với người dân thường. Dù rằng chủ nghĩa Marx có được dạy tràn lan ở Việt Nam, nhưng tôi tin chẳng mấy ai hiểu nó một cách thấu đáo – cái môn thày không muốn dạy trò không muốn học đó. Mà đã không hiểu thì bàn luận thế nào được! Góp ý cho Nhà nước lại là chuyện khác, tôi rất ủng hộ.

Tôi tán thành ông Nguyễn Đức Bình ở tính nguyên tắc, chứ không phải các quan điểm cụ thể. Ví dụ, tôi không đòi phải khư khư giữ lấy các nguyên lý của chủ nghĩa Marx – ai chả biết như thế là giáo điều, phản Marx. Tôi viết thế này: người cộng sản phải dựa trên hệ quy chiếu chung là thế giới quan cộng sản, chừng nào chưa chứng minh được học thuyết đó sai ở đâu. Anh Đông La trích dẫn thiếu mất câu này. Tôi hiểu yêu cầu của ông Nguyễn Đức Bình theo hướng đó, nên không cho rằng ông ấy giáo điều.

Trong toán học, muốn tổng 3 góc trong một tam giác nhỏ hơn hay lớn hơn 180o, thì trước hết phải thay đổi tiên đề 5 trong hệ tiên đề Euclid: với mỗi cách thay đổi ta có một hệ thống khác. Chủ nghĩa Marx cũng vậy: nếu nguyên lý chưa thay đổi thì chả có lý do gì thay đổi các hệ quả. Phải thay đổi nguyên lý trước, rồi mới đến những vấn đề lặt vặt, râu ria như chuyện đảng viên làm kinh tế. Kiểu làm hiện nay là làm ngược, nên mới cãi nhau lung tung.

Dĩ nhiên đó là lý thuyết, áp dụng cho đảng cộng sản chân chính (thấy anh Lữ Phương nói là không thể có được đâu!), tôi vờ vịt đòi thế cho vui mà thôi. Còn nếu nhìn Đảng đúng như thực trạng của nó như anh Đông La muốn, thì tôi đã nói rồi đấy: Đảng và các đảng viên muốn làm gì chẳng được!

© 2006 talawas