Triển lãm "Không gian nghệ thuật" của Nguyễn Văn Tiến và Trần Anh Quân (1/1997) là một trong những cố gắng ít ỏi ở Việt Nam nhằm đem mỹ thuật ra ngoài những bức tường của phòng tranh, sử dụng ý nghĩa và sự tượng trưng sẵn có của một không gian công cộng (trong trường hợp này là khu Văn Miếu, Hà Nội) trong tác phẩm, và tìm đối thoại với một công chúng không đặc trưng, nghĩa là với những người có thể chưa bao giờ bước chân vào một phòng tranh hay bảo tàng, cũng như chưa bao giờ tiếp xúc với mỹ thuật hiện đại.
Triển lãm này đã gây ra những phản ứng gay gắt, quyết liệt trên các phương tiện thông tin đại chúng, kéo dài trong nhiều tháng. Tôi xin giới thiệu lại một số bài báo trong một lượng bài khá lớn xung quanh "sự kiện" Văn Miếu này. Điểm lại những bài viết trên, tôi thấy chúng đặt ra một số câu hỏi:
Câu hỏi về quan điểm mỹ thuật: Rất nhiều, nếu không nói tất cả các bài báo đều không quan tâm sâu hơn tới thông điệp của triển lãm, và cũng không phân tích nó dưới góc độ chuyên môn (triển lãm này mới mẻ hay dập khuôn trong việc sử dụng chất liệu vải màn, chiếu, sơn đỏ v.v…, thành công hay không trong việc dùng không gian Văn Miếu và cấu trúc trong ba ngày để truyền tải chủ đề sinh - tử của mình). Những bài báo này bày tỏ một quan điểm thẩm mỹ tương đối đơn giản và nguy hiểm: mỹ thuật phải "đẹp" (và càng phải vậy khi có người nước ngoài nhìn vào). Chất lượng của mỹ thuật có thể được đo đơn giản thế chăng? Sẽ có nhiều sự tán thưởng hơn nếu các tác giả dùng lụa tơ tằm chứ không phải vải màn để quấn quanh các gốc cây? Nếu các tác giả tổ chức tại Văn Miếu một đêm hoa hậu, đặt "vẻ đẹp hiện đại trên nền văn hoá truyền thống lâu đời"?
Câu hỏi về ranh giới của nghệ thuật: Mỗi khi nghệ thuật chạm đến taboo thì câu hỏi về sự được phép hay không được phép của nghệ thuật lại được đặt ra. Nghệ thuật có quyền thách thức và khiêu khích (provoke) cách nhìn, cách suy nghĩ và các giá trị văn hoá tới mức nào. Gắn liền với câu hỏi trên là câu hỏi về sự tự do của nghệ thuật và về autonomy của những người làm nghệ thuật. Hiến pháp nước Cộng Hoà Áo, điều 17a ghi: "Sự sáng tạo nghệ thuật, giới thiệu nghệ thuật và giảng dạy nghệ thuật (thì) tự do". Báo Nhân Dân, khi biết Tiến và Quân học tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, yêu cầu: "nên xem xét cách giảng dạy và đào tạo của trường (Đạo Học Mỹ thuật Hà Nội) liệu có đúng định hướng lấy nghệ thuật phục vụ đời sống xã hội hay là thử nghiệm các "sáng tạo" dị dạng…?"

Câu hỏi về sự bảo vệ các nghệ sĩ và người tổ chức văn hoá: rất nhiều bài báo kết thúc sự công kích của mình bằng đòi hỏi "các nhà chức trách có biện pháp, kỷ luật, xử lý các cá nhân vi phạm". So sánh với các cuộc tranh luận tương tự tại phương Tây, đây là một điểm khác nhau cơ bản. Có thể lấy bức tượng "Giáo hoàng Paul II bị đè bẹp bởi một thiên thạch" gần đây của nghệ sĩ Ý Maurizio Cattelan làm ví dụ (xem hình bên). Bức tượng này đã gây ra những chỉ trích và phản đối gay gắt, đặc biệt từ phía những người Công giáo. Thậm chí khi được triển lãm tại Ba Lan, nó đã bị một nhóm người xem tìm cách phá huỷ. Nhưng trong toàn bộ quá trình tranh cãi, không khi nào có một yêu cầu "xử lý" Cattelan hay những người tổ chức triển lãm. (Biện pháp hầu như duy nhất mà các nhà chức trách phương Tây có trong tay để công cụ hoá nghệ thuật là cắt bỏ tài trợ).
Cuối cùng, đối với tôi, những ý kiến phê bình triển lãm Văn Miếu tỏ ra có một sự đồng điệu đáng kinh ngạc. Sự phân loại tốt - xấu trong trường hợp này quá dễ dàng như vậy ư? Chúng ta có một công luận thống nhất hoàn toàn về quan điểm chăng, và nếu đúng vậy, ta có thể kết luận được gì về sự phong phú trong tranh luận mỹ thuật tại Việt Nam, một sự phong phú tối cần thiết để tạo ra những chất lượng mới?
Tôi cho rằng sự kiện Văn Miếu và những phản ứng xung quanh nó là một điểm thích hợp để chúng ta tiếp nối cuộc thảo luận của bàn tròn "Mỹ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu?" (sẽ kết thúc vào cuối tháng 12), và tiếp tục suy nghĩ về hiện trạng, cấu trúc và hoạt động của bộ máy mỹ thuật Việt Nam. Xin mời bạn đọc phát biểu.
"Không gian nghệ thuật", Nguyễn Văn Tiến - Trần Anh Quân (1997)
Tài liệu tham khảo:
M. Ngọc
Triển lãm "ấn tượng … tâm linh"
Trong dịp Tết Nguyên Đán Đinh Sửu vừa qua, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), hai hoạ sĩ trẻ Nguyễn Văn Tiến và Trần Anh Quân đã tạo được sự bất ngờ khi mở cuộc triển lãm đầy ấn tượng về … nơi an nghỉ cuối cùng của con người. Không gian trưng bày khá rộng (chừng 4000m2) dường như làm tăng thêm không khí ảm đạm và những ám ảnh tâm linh. Mọi chất liệu đều đã quá quen thuộc như vải liệm, chiếu, mùng… song nó đã được bàn tay hai hoạ sĩ tạo thành những không gian vừa gần với hiện thực nhưng lại vừa huyền bí.
Cuộc triển lãm kéo dài bốn ngày và khác với những triển lãm khác, tất cả đều được thiêu huỷ, giống như người ta thường đốt hết những gì còn lại của người đã khuất; chỉ giữ lại những tình cảm tốt đẹp và sự nhớ thương.
(Báo Lao động 2/1997)
Hoàng Hà
Giữa Văn Miếu Hà Nội - Nghệ thuật hay trò kỳ quái?
Văn Miếu - Quốc Tử Giám xưa nay vẫn được coi là nơi thâm nghiêm suy tôn nguyên khí quốc gia - đất thánh của kẻ sĩ, biểu tượng văn hoá của dân tộc… Thời xưa thậm chí phụ nữ còn không được bước chân vào chốn thâm nghiêm này. Một thời gian dài do nhiều nguyên nhân Văn Miếu bị bỏ hoang phế. Gần đây đã được ngành Văn hoá Trung ương và địa phương đầu tư tôn tạo nên đã dần trang nghiêm trở lại. Cùng với cảnh quan nhiều hoạt động văn hoá được tái hiện như trao học bổng, lễ rước vinh quy trạng nguyên, các đêm diễn rối nước. Số khách đến tham quan Văn Miếu mỗi năm một đông thêm và chủ yếu là người nước ngoài, phần lớn là người Pháp.
Đến 80% người vào thăm Văn Miếu là người nước ngoài. Điều đó cho thấy người nước ngoài hiểu và đánh giá cao Văn Miếu đến mức nào. Trong khi đó người Việt Nam lại thường ít vào thăm, kể cả những ngày lễ hội, người ta thường tìm tới những nơi có khả năng cầu tài cầu lộc. Chính nơi này Đặng Trần Thường đã từng đánh chết Ngô Thời Nhiệm vì một câu vế đối.
Cái nơi thâm nghiêm trang trọng này đáng tiếc trong tháng Giêng vừa qua từ ngày 16 đến ngày 19-1-97 đã có người bày ra những trò quái gở. Những xô màn sơn đỏ loang lổ như máu chằng ngang chằng dọc; những thân cây bị trói; có cả bức tranh bị buộc thắt vào cây; rồi những chậu sơn nhoè nhoẹt đỏ tươi máu đang hứng những túi sơn đang rỉ "máu"… Quá đáng nhất có lẽ là hình ảnh hai chàng trai bị bịt miệng và trói nhau bằng xô màn và trói cánh khuỷu vào nhau y như những hình ảnh đàn áp xảy ra ở xứ Chùa Tháp thời Polpot… Tất cả những hình ảnh đó được làm bằng nền những bức tranh chiếu cũng được sơn phết loang lổ màu sơn "máu". Tất cả cảnh vật không gian đều đỏ như máu. Xô màn, thứ trang bị thông tục của chị em, được dùng làm ngôn ngữ nghệ thuật cho 2 sinh viên Nguyễn Văn Tiến và Trần Anh Quân bày trò quái dị học đòi kiểu nghệ thuật phương Tây suy đồi? Đáng tiếc lại được bày ở Tả Vu của Văn Miếu.
Với những cảnh này, có rất nhiều người tò mò vào xem, trong đó có rất nhiều ông Tây bà Đầm sẽ phải hiểu như thế nào về thực trạng của chúng ta? Phải chăng đây đang có cuộc tắm máu và kẻ sĩ đang bị hành hạ, ngay ở cái nơi vẫn được coi là đất thánh của họ???
Mặc dù những người có trách nhiệm của Văn Miếu giải thích đây là do 2 sinh viên trường Mỹ thuật mượn bối cảnh để thể hiện ý tưởng sáng tác "ngông cuồng" của mình chứ không phải tổ triển lãm của bất kỳ cơ quan chức năng nào? Không biết những người ăn lương nhà nước để bảo vệ cảnh quan Văn Miếu nghĩ sao khi trong tay chúng tôi có tấm vé mời viết bằng tiếng Anh hẳn hoi ghi tác giả của những trò này là Nguyễn Văn Tiến và Trần Anh Quân xung quanh có dấu son "ấn quốc" và ở giữa có dính một miếng xô màn con con… Chúng tôi có thể diễn giản nôm na đây là tấm vé mời, tiếng Anh có nghĩa là thông báo với người nước ngoài đến thưởng thức những trò quái gở được thể hiện bằng ngôn từ "xô màn". Sự bày trò này nếu ở trong phòng riêng của người ta thì đành một nhẽ; đáng tiếc lại phơi bày ra ở nơi vẫn được dùng làm nơi tôn thờ linh khí quốc gia? Đây là một hành động gây bất bình đối với những người trong văn hiến.
Những năm qua trong thời kỳ đổi mới, chúng ta khuyến khích tự do sáng tạo nghệ thuật và mở cửa cho nhiều khuynh hướng sác tác khác nhau. Xu hướng phát triển này phản ánh rất rõ nét trong nghệ thuật tạo hình, nơi các nghệ sĩ đang tìm tòi với nhiều phong cách bút pháp, cá tính nghệ thuật hết sức đa dạng thuộc mọi khuynh hướng khác nhau, từ hiện thực cho đến trừu tượng. Song, một tác phẩm nghệ thuật dù thuộc xu hướng khuynh hướng nghệ thuật nào, muốn đối thoại với dân tộc và thời đại đều không được thoát khỏi cội nguồn - tâm lý cảm thụ của con người VN và nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Nhưng những gì diễn ra ở Văn Miếu nói trên đã đi quá xa tới mức cần phải có biện pháp xử lý đối với những kẻ dám làm trò nhố nhăng ở chốn thâm nghiêm này.
(Báo Thể thao - Văn hoá, 4/1997)
Phạm Thanh Hà
Hậu quả của sự thiếu kiến thức
Hai cái tên lẽ ra chẳng ai biết đến trong giới tạo hình - Nguyễn Xuân Tiến, Trần Anh Quân, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Và cái triển lãm "Nghệ thuật không gian" bất bình thường của họ, bày đã ba tháng nay, lẽ ra cũng chẳng ai biết đến, bỗng nhiên và qua lại gây xôn xao sau khi bị báo TT&VH và một số báo khác phê phán. Những bức ảnh, được đăng lên như những bằng chứng rành rành về "tội" đem những hình tượng phản nghệ thuật, xa lạ quái gở vào nơi rất tôn nghiêm là Văn Miếu làm cho người ta bất bình vô cùng. Nhẹ, người ta coi hai anh chàng kia là hai anh rồ. Nặng, người ta đặt vấn đến liên quan đến tư tưởng. Mặt khác, việc bảo vệ di tích quản lý văn hoá…được đem ra xem xét khá nghiêm trọng.
Ngoài đời hai anh chàng "rồ", hay là hai kẻ "tội phạm" ngẫu nhiên mà nổi tiếng ấy trông không giống lắm so với họ trong cái ảnh tự trói giằng lấy nhau vào gốc cây, bịt miệng, bịt mồm. Tiến và Quân là hai thanh niên ăn mặc chỉnh tề, thậm chí có phần chải chuốt tóc bóng mượt, nói năng nhỏ nhẹ. Chỉ có hai dây xích to đeo ở cổ gắn với một cây thập ác cỡ nửa bàn tay và một lưỡi dao nhỏ, dài gắn ở chân cây thập ác như đồ trang sức gây ấn tượng rẻ tiền dễ mua ngoài phố - là làm cho họ có hơi khác thường đôi chút. Hoàn toàn bất ngờ trước những "tội danh" nêu trên báo, cả hai đều giãi bày: "Chúng em chỉ làm nghệ thuật ngoài ra không có một dụng ý gì khác".
Công cuộc "làm nghệ thuật" ấy, được các tác giả diễn giải bằng lời - một cách không mạch lạc lắm là loại hình nghệ thuật "xếp đặt" (installation) thể hiện sự gắn bó giữa thiên nhiên với nghệ thuật, giữa nghệ thuật với con người…Hai chàng "rồ" cố gắng bày tỏ ý định "hàn gắn, băng bó vết thương môi trường" cho rằng "chúng ta đang sống trong một môi trường đầy những vết thương" và "hãy cứu lấy môi trường" Những câu nói đó được Tiến nhắc đi nhắc lại nhất là câu "hãy cứu lấy.." không ít hơn ba lần. Cả những "tâm linh" "ám ảnh về sự chết", "ngôn ngữ nghệ thuật mơ hồ" cũng là những từ và cụm từ hai anh chàng này hay nhắc đến. Họ tỏ ra có một ý tưởng hẳn hoi, một ý tưởng đẹp nữa là đằng khác. Và để trình bày những ý tưởng cứu vớt thiên nhiên, con người, cứu vớt nghệ thuật ấy như chúng ta đã biết ba tháng sau khi họ triển lãm - chiếu, xô màn, màu đỏ vung vãi khắp khu vực nhà Tả Vu trong Văn Miếu.
Installation của Tiến và Quân, nói tóm lại, chưa làm ai thấy rõ môi trường nên cứu bằng cách nào, mà chỉ làm dấy lên một tiếng kêu rằng Văn Miếu đã bị tổn thương, cần phải cứu. Hiệu quả mặt nghệ thuật của cuộc "xếp đặt" này coi như bằng âm. Tuy nhiên hai tác giả hầu như không cảm thấy điều ấy. "Tất cả thực ra chỉ vì nghệ thuật, lịch sử rồi sẽ xem xét…". Họ nói nghiêm trang như nói trước toà. Họ tin ở tính nghệ thuật của cuộc trưng bày mà họ đã làm. Ảnh đăng trên báo trong những bài phê phán "Nghệ thuật không gian" của Tiến và Quân đem tặng bạn bè mà có. Họ sẵn sàng đưa album ra (chụp hết 3 cuốn phim) để giới thiệu những "tác phẩm" tham dự cuộc "xếp đặt". Họ cho rằng họ đã làm nghệ thuật thực sự, đã có một tác phẩm Installation hoàn chỉnh, ảnh để lưu giữ lại, sau khi đã đốt tất cả, như họ nói "theo truyền thống hoá vàng"…Một trăm chiếc chiếu, năm, sáu trăm mét vài xô màn…"Đều là những chất liệu truyền thống". Tiến nói, "đây không phải là nghệ thuật bắt chước phương Tây, chúng em đều có máu Việt chảy trong người". Cảnh trói nhau là để chụp ảnh một lúc thôi, gọi là "nghệ thuật hành vi" (performances) còn hai tác giả trong 3 ngày chủ yếu gặm bánh mì suông, uống nước lã lấy sức bôi quệt lên cho khắp từng ấy chiếu và vải màn. Tiến phải mang xe máy đến hiệu cầm đồ, sau đó bán luôn, lấy mấy triệu mua "nguyên vật liệu" sáng tác. Đúng là những hành vi "vì nghệ thuật". Mọi việc sẽ khác đi, nếu hai tác giả được trang bị nhiều kiến thức và văn hoá hơn để làm triển lãm với hình thức "xếp đặt" này.
Gần một phần tư thế kỷ nay, nghệ thuật, đúng ra là có một hình thức nghệ thuật, đòi hỏi người xem phải thưởng ngoạn nó một cách khác. Từ "xếp đặt" (Installation) bao quát hàng loạt tác phẩm nghệ thuật đa dạng về hình thức chất liệu, nội dung và hiệu quả. Chúng đòi hỏi người xem phải tham gia tích cực vào tác phẩm, khác hẳn với việc xem điêu khắc hay hội hoạ trước đây. Installation từ bỏ những cái khung quen thuộc, dù chúng lớn bao nhiêu để hội nhập không gian. Loại hình nghệ thuật này đã có mặt ở nhiều Viện Bảo tàng trên thế giới và đang bắt đầu phát triển ở châu Á, nhưng chưa có mấy ở Việt Nam không biết khuynh hướng nghệ thuật tổng hợp, đáp ứng nhiều chất liệu hiện đại này, mà người ta hiểu rằng để thực hiện tốt một cuộc Installation, trước hết cần phải có một kiến thức đủ sâu rộng về nó cũng như nhiều mặt khác.
Đó là điều mà Tiến và Quân chưa biết, đúng hơn là chưa đạt tới. Trả lời câu hỏi "đã biết, đã xem, đã hiểu thế nào về nghệ thuật xếp đặt" cả hai trả lời đều đã xem qua sách báo và rất thích loại hình này. Cuốn "Nghệ thuật phù du" tạp chí "Người đưa tin UNESCO" hoá ra là kim chỉ nam cho Tiến và Quân, tạp chí tháng 12.96, hai chàng "rồ" bày ngay triển lãm giữa tháng 1.1997 không rõ những gì thu được từ cuốn tạp chí ấy đủ chín chưa. "Chúng em cũng chẳng đọc được tiếng Anh. chỉ biết về Installation qua sách báo tiếng Việt". sách báo tiếng Việt nào đã có mấy về Installation đâu, chỉ có một số "Nghệ thuật phù du" ấy là đầy đủ hơn cả mà thôi. Cả đến cái "tội danh" to nhất là làm vẩn đục Văn Miếu, lý do cũng thật giản dị: "Không gian Văn Miếu là một không gian thiên nhiên có tính Phương Đông, nên bọn em thích"
Nếu Tiến và Quân đem cái "Nghệ thuật không gian" của mình bầy ở một chỗ khác, ở những xóm bới rác chẳng hạn, người ta sẽ đỡ bất bình vì Văn Miếu thiêng liêng không bị quấy phá, còn hai tác giả sẽ nhận thấy ngay rằng tác phẩm của mình kém sinh động hơn những sản phẩm của bà con phơi ở bên vệ đường.
Sự thiếu kiến thức đôi khi đem lại những hậu quả thật tệ hại, dù tình yêu nghệ thuật có cao cả đến mấy. Nhưng câu chuyện đã xảy ra rồi, đây âu cũng là một bài học cho 2 anh chàng yêu "nghệ thuật" đến mức ngây thơ này.
(Báo Thể thao - Văn hoá, 4/1997)
Ban văn hoá-văn nghệ
Một sơ hở đáng trách trong quản lý văn hoá ở Hà Nội
Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng từ thế kỷ thứ Xi thời nhà Lý, có những di tích kiến trúc và điêu khắc như Khuê Văn Các, nhà thờ Khải Thành, hai nhà bia Tiến sĩ phản ánh nền khoa cử Nho học cũ của Việt Nam và là niềm tự hào của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám trực thuộc Sở Văn Hoá - Thông tin Hà Nội, hiện nay là một đơn vị quản lý toàn bộ khu vực này. Nhà nước ta đã đầu tư kinh phí và tranh thủ nguồn tài trợ của nước ngoài để tu bổ, nâng cấp bảo vệ công trình, tạo thêm vẻ đẹp của cảnh quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Chính bởi vậy, du khách trong nước và quốc tế đến thăm ngày càng đông. Đây cũng là đề tài hấp dẫn, khơi gợi cảm hứng cho các sáng tác thi, ca, nhạc, hoạ, nhiếp ảnh, điện ảnh…. Có thể nói, việc bán vé, trông giữ các loại xe và hướng dẫn khách khá chu đáo và nghiêm ngặt. Nhưng vừa qua, lại xảy ra một sơ hở đáng trách. Đó là chuyện xuất hiện việc nhờ đất của Văn Miếu - Quốc Tử Giám để bày loại tranh lạ mang tên "Không gian nghệ thuật"!
Theo báo cáo của Trung tâm hoạt động Văn Miếu - Quốc Tử Giám là ngày 17.1.1997 có hai sinh viên của Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội đến liên hệ dựng tác phẩm tốt nghiệp, vì chất liệu là "bột màu vẽ lên chiếu và nền vải", trung tâm bố trí địa điểm phía sau nhà Tả Vu. Hai ngày đầu, họ trải chiếu xuống đường để vẽ. Ngày thứ ba, đóng cọc rồi chăng vải trắng vẽ tiếp. Thấy hoạt động nghệ thuật kỳ quặc, trung tâm cho dừng lại và bởi chỉ coi là sự giúp đỡ vô tư các hoạ sĩ trẻ cho nên không báo lên và xin phép Sở Văn hoá - Thông tin Thành phố!
Những nguồn tài liệu chúng tôi nắm được không hẳn như thế. Thực chất thì có giấy mời dùng giấy dó mầu vàng, đề rõ Triển lãm "Không gian nghệ thuật" của Nguyễn Văn Tiến và Trần Anh Quân từ ngày 16 đến 19.1.1997 in hai thứ tiếng Việt và Anh ở cả hai mặt, bốn góc có triện vuông chữ Hán; chính giữa, đính một băng gạc! Khó mà hiểu nổi nội dung và hình thức diễn tả của trường phái hội hoạ đánh đố ấy diễn ra trong ba ngày ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám với những hình thù quái dị vẩy phẩm lên mặt chiếu; treo các khối lớn giống hình quả trứng trên cành và quấn băng vải xô trùm khung tranh vào thân cây. Tính không rõ ràng về ý tưởng và kiểu sắp đặt ngổn ngang, rối rắm của "Không gian nghệ thuật" kia khiến người xem chướng mắt; khó tránh khỏi những liên tưởng không hay.
Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng không hề biết giấy tờ tuỳ thân của anh Tiến, anh Quân và không kiểm tra giấy giới thiệu vốn là điều tối thiểu trong thủ tục quan hệ của cơ quan. Vô tình hay hữu ý cần phải xác minh lại, nhưng những biểu hiện kể trên bộc lộ sự tuỳ tiện, giản đơn của cán bộ thừa hành nhiệm vụ và lãnh đạo trung tâm, đã để lọt một hành vi phản văn hoá, xét trên khía cạnh trưng bày trò bắt chước hiếu kỳ du nhập từ bên ngoài xâm nhập Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi tôn nghiêm lưu danh các bậc đỗ đại khoa thuở trước của đất nước. Không thể không nhắc tới sự thiếu giám sát chặt chẽ và giải quyết chậm trễ của các ngành hữu quan ở Hà Nội về vấn đề này, trước hết là Sở Văn Hoá - Thông tin. Suốt gần 3 tháng, vẫn chưa tiến hành một cuộc họp xác định rõ nguyên nhân và hậu quả, có kết luận minh bạch, quy trách nhiệm và xử lý các cá nhân vi phạm. Cũng theo nguồn tin của chúng tôi, các anh Tiến và Quân học tại Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, do vậy nên xem xét cách giảng dạy và đào tạo của trường liệu có đúng định hướng lấy nghệ thuật phục vụ đời sống xã hội hay là thử nghiệm các "sáng tạo" dị dạng về đường nét, hình khối và mầu sắc?
Bài học rút ra từ sơ hở của Trung tâm hoạt động Văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám là kinh nghiệm cần khắc phục ngay về phương pháp quản lý lỏng lẻo đối với các di tích lịch sử - văn hoá.
(Báo Nhân Dân, 1997)