trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
9.3.2005
Vũ Tuấn Hoàng
Chiến trường báo chí tại Ukraina hay bóng ma của một nhà báo không đầu
 
Báo “Correspondent” ngày 10 tháng 12 năm 2004 đã ra một câu hỏi khá thú vị cho bà Yulia Tymoshenko, khi đó còn là một trong những thủ lĩnh của phe đối lập: “Nếu trên cương vị một nhà chính trị đưa ra những lời khuyên cho Tổng thống tương lai Yushchenko, thì việc đầu tiên bà muốn khuyên là gì?”

Theo ý kiến của bà Yulia Tymoshenko, việc đầu tiên cần làm không phải là những cải cách kinh tế hay xã hội, mà phải đảm bảo tự do cho hệ thống thông tin đại chúng. Nếu không thì bất cứ cuộc cải cách nào cũng không đem lại kết quả gì cả. Vấn đề thứ hai - cải tổ lại pháp luật và toà án. Vấn đề thứ ba “rất quan trọng” -đảm bảo được một cơ chế tạo ra nhiều công ăn việc làm mới cho nhân dân.

Chẳng phải vô cớ mà vấn đề tự do ngôn luận được bà đặt lên trên hàng đầu. Chúng ta hãy cùng nhau lật giở những trang báo cũ, có thể đã úa vàng vì thời gian 10 năm, nhưng nó vẫn ghi lại được những dấu ấn kinh hoàng trong đời sống báo chí Ukraina mà theo nhận định của tờ “Tấm gương hàng tuần”, một tờ báo chính luận có tiếng, viết bằng tiếng Nga, đưa ra mới đây: Nền báo chí Ukraina bị “cưỡng hiếp” suốt mười năm trời.

Chỉ sau những năm 80 của thế kỷ trước, vào thời điểm cải tổ của Gorbachev, các nhà báo Ukraina mới bắt đầu được viết sự thật như nó vốn xảy ra ở trong nước cũng như trên thế giới. Nhưng đến giữa những năm 90, lại diễn ra quá trình xiết chặt các quyền tự do dân chủ, tất nhiên là động chạm trước nhất tới tự do ngôn luận. Tuyên bố của các vị lãnh đạo nhà nước về “cải tổ” và “tự do” chỉ được nhắc đến khi động chạm tới các chính thể dân chủ phương Tây và các tổ chức tài chính quốc tế với mục đích nhận tài trợ từ các chính phủ và tổ chức này, nhằm tăng cường sức mạnh cho đồng tiền Ukraina. Ðồng thời, một bộ máy đàn áp những phần tử khác chính kiến khác được hình thành. Ðiều này được thể hiện rõ qua việc tăng cường một cách đáng kể biên chế cũng như quyền lực của các cơ quan như an ninh, bộ nội vụ, thuế quan. Các tiêu chuẩn của Hiến pháp về tự do ngôn luận và báo chí thường xuyên bị vi phạm. Nghề báo ở Ukraina trở thành một nghề nguy hiểm. Nhiều nhà báo đã hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ của mình (không phải trong những vùng khói lửa), hàng trăm người khác bị hành hung, bị đe doạ và luôn chịu những áp lực bên ngoài. Sự can thiệp vô pháp luật của nhiều cơ quan nhà nước vào hoạt động của hệ thống thông tin đại chúng trở thành một hiện tượng bình thường như cơm bữa. Việc kiểm duyệt trước đối với các tài liệu báo chí cũng được phục hồi, chỉ có một thay đổi là nếu trước kia KGB làm việc này thì bây giờ là các chủ báo, những người ăn cánh với chính quyền. Đồng minh duy nhất của các nhà báo Ukraina trong những năm này là các tổ chức báo chí phi chính phủ, các quĩ từ thiện của các nước Phương Tây. Nhiều lần, vấn đề tự do báo chí đã được thảo luận ở cấp cao nhất, trong đó có cuộc hội đàm của đại diện Nghị viện Hoa kỳ với các quan chức chóp bu của chính phủ Ukraina. Các chuyến viếng thăm của cựu Tổng thống Kuchma tại các nước Phương Tây đều được tiếp đón bằng những cuộc biểu tình phản đối. Mấy năm trước đây, trước chuyến viếng thăm Ðức, đại diện của các tổ chức thanh niên và báo giới đã bao vây sứ quán Ðức tại Kiev với biểu ngữ: “Trùm phát-xít Hitler cũng truy đuổi báo giới như ông vậy!” Năm 1999 và những năm tiếp theo, Tổ chức quốc tế độc lập “Uỷ ban bảo vệ các nhà báo” đã xếp tổng thống Kuchma vào danh sách 10 kẻ thù của báo giới. Tuy vậy, mọi áp lực đè lên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn không hề thuyên giảm. Ðặc biệt là các cơ quan an ninh đã thi hành những biện pháp kiểm soát việc viết thư qua mạng Internet và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ. Tại các toà án chất đầy đơn kiện của các cơ quan nhà nước, các quan chức đối với những tờ báo không có ô dù che chở. Toà án thực chất đã mất hết độc lập và trở thành công cụ của chính quyền. Người ta không thể che giấu hết được những tội ác chống lại báo giới. Theo lời Vasili Durdins, Chủ tịch Uỷ ban chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức trực thuộc Tổng thống Ukraina, chỉ tính riêng thành phố cảng Odesa trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 1998 đã có 22 vụ tấn công đại diện của giới truyền thông, trong đó một số các nhà báo nổi tiếng đã hy sinh. Bà Nhina Karpatreva, chịu trách nhiệm về quyền con người của Quốc hội đã phải thừa nhận rằng tại Ukraina, tự do bày tỏ quan điểm và chính kiến của công dân ngày càng trở nên hạn chế. Phương tiện thông tin đại chúng rất phụ thuộc vào các quan chức nhà nước hay các nhóm tài phiệt. Trong cuộc đàn áp tự do ngôn luận và các nhà xuất bản đối lập, chính quyền của tổng thống Kuchma đã sử dụng nhiều biện pháp trấn áp như kiểm tra, thanh tra của các cơ quan phòng thuế, tài chính, phòng cháy chữa cháy và cả vệ sinh dịch tễ. Nhưng sử dụng rộng rãi hơn cả là các biện pháp “không đổ máu” để tiêu diệt tự do ngôn luận bằng các đơn tố tụng, đơn kiện. Theo thông tin của Chủ tịch Uỷ ban về Tự do Ngôn luận của Quốc hội Aleksandr Zinchenko, thì chỉ riêng năm 1999 tổng số các đơn kiện (khoảng hơn 2 ngàn) đối với các cơ quan và cá nhân thuộc phương tiện thông tin đại chúng với số tiền bồi thường lên đến 120 tỷ Grivna, 3 lần cao hơn ngân sách quốc gia. Một tờ báo thuộc thị trấn Kremenchuk có ý định đăng một bức tranh biếm họa Tổng thống Kuchma, đã bị từ chối in ở tất cả các nhà in thuộc nhà nước Ukraina. Ông Y. Luzenko, biên tập viên báo “Granit”, đã phải kiện lên Nghị viện Châu Âu về những hoạt động bất hợp pháp của chính quyền nhằm đình bản 14 tờ báo đối lập với số lượng xuất bản hơn một triệu. Các phương tiện thông tin đại chúng có những lời chỉ trích đối với chính quyền đều gặp phải những áp lực thường xuyên. Các phương pháp hay được sử dụng nhất là điều những đoàn kiểm tra thường xuyên đến toà soạn báo hay đài phát thanh, hoặc viện những cớ này nọ để phong toả tài khoản trong nhà băng của các báo này. Năm 1998, bằng những phương pháp trên, toàn bộ toà soạn báo “VseUkraina Vedomosti” đã bị đóng cửa, đây là một trong năm tờ báo lớn và có uy tín nhất Ukraina. Một phương pháp cũng hay được sử dụng là kiện toà soạn ra toà vì những “lời vu khống” đối với quan chức A hoặc cơ quan B. Ðỉnh điểm của phương pháp trên là cuộc đấu giữa báo “Kiev Vedomosti” và cựu bộ trưởng nội vụ Kravchenko. Tờ báo này đã đăng những thông tin về việc sử dụng sức lao động của tù nhân để xây dựng biệt thự ngoại ô của vị quan này. Toà án đã xử theo đơn kiện của Kravchenko và yêu cầu toà soạn phải bồi thường “thiệt hại về uy tín” ở mức 5 triệu USD. Văn phòng của Tổng thống Kuchma đã yêu cầu Viện kiểm sát Tối cao tiến hành kiểm tra hoạt động của hàng loạt các tờ báo đối lập và khởi tố kiện tụng chống lại họ.

Các nhà báo, hay nói đơn cử là những người có đầu óc suy nghĩ đôi chút vẫn thường nói trắng ra rằng: tại Ukraina, kiểm duyệt chính trị được chính quyền thực hiện thông qua việc tác động lên những ông chủ của các phương tiện thông tin đại chúng, lên những người lãnh đạo hoặc lên những phóng viên, biên tập viên... Vấn đề này đã trở thành chủ đề của các cuộc tranh luận tại quốc hội. Các nhà báo đã thành lập các uỷ ban bảo vệ, các công đoàn độc lập và áp dụng một số các biện pháp cấp tiến để bảo vệ các quyền của mình. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng những kẻ bị lên án là tiến hành kiểm duyệt, lại tuyên bố rất to theo kiểu “cả vú lấp miệng em”, rằng làm gì có chuyện kiểm duyệt chính trị. Pháp luật đã cấm việc kiểm duyệt cơ mà !!! Kết quả thăm dò ý kiến của Trung tâm Nghiên cứu Xã hội học Razumkova và Liên đoàn Nhà báo Ukraina lại cho thấy một mặt khác của vấn đề này. Kiểm duyệt chính trị là có tại Ukraina và trở thành một hiện tượng hàng ngày của hoạt động báo chí. Nhưng cái “vòng kim cô” này được chính quyền thực hiện bởi tay của người khác, hay nói đúng hơn, bởi một hệ thống, một cơ chế mà ở đó người làm báo tự cảm thấy sợ khi chạm đến những đề tài “phạm huý”. Tâm lý tự kiểm duyệt mình trở thành phổ biến. Còn về phía giới chủ báo, họ trực tiếp tuân thủ những chỉ thị của chính quyền, thay đổi các định hướng chính trị, đưa ra cho các phóng viên “thực đơn” những điều cần nói, cần viết, và viết về ai. Các nhà báo nhận thức được sự cần thiết phải đấu tranh chống lại kiểm duyệt chính trị. Song, đại bộ phận lại không dám chống lại vì sự phụ thuộc của họ về kinh tế với giới chủ của hệ thống thông tin đại chúng. Về thực chất, kiểm duyệt nằm trong chính nỗi lo sợ của mỗi nhà báo: sợ bị mất việc, sợ bị mang danh xấu, sợ bị chính quyền trả thù, sợ bị côn đồ hành hung...

Làm nghề phóng viên tại Ukraina đã là nguy hiểm, nguy hiểm hơn nữa là viết về các vụ tội phạm của các đại gia, về việc làm của Tổng thống, về chính quyền địa phương. Ðại bộ phận các nhà báo đều cho rằng viết về những đề tài trên đều bị chịu những áp lực tâm lý lớn, bị dính vào những vụ bê bối về kinh tế chống lại toà soạn, bị hành hung hoặc thủ tiêu ám sát. Một trong những vụ gây chấn động nhất trong nhiều vụ giết nhà báo trong 10 năm cầm quyền của Kychma là vụ nhà báo G. Gongadze, 31 tuổi, chủ bút tờ “Sự thật Ukraina”. Ngày 16 tháng 9 năm 2000, anh bị mất tích. Sau đó một thời gian, trong một cánh rừng ngoại ô Kiev, người ta tìm thấy thi thể một người đàn ông bị chặt mất đầu. Bốn tháng sau đó, Viện Kiểm sát Tối cao mới đồng ý công nhận kết quả xét nghiệm pháp ý: thi thể không đầu đó là của nhà báo Gongadze bị mất tích. Ðộ chính xác đạt tới 99,6 %. Dư luận xã hội nghiêng về phía ý kiến cho rằng ở đây có bàn tay của các tổ chức tội phạm ở tầm cỡ nhà nước. Các tổ chức quốc tế như Nghị viện Châu Âu, OBCE, Nghị viện Hoa kỳ, Tổ chức các Nhà báo Không Biên giới... đã lên tiếng tố cáo và bày tỏ sự bất bình của mình đối với vụ án mạng trên. Song, cho đến thời điểm này vụ án vẫn coi như bị bỏ ngỏ, chưa có kết luận rõ ràng của Toà án. Thi thể không đầu của Gongadze hiện vẫn còn nằm trong nhà xác trên một đường phố ẩm thấp bẩn thỉu, đối diện một nghĩa trang quân đội tại Kiev. Còn bà mẹ của nhà báo vẫn không nguôi hy vọng rằng cái xác không đầu đó không phải là con bà, mặc dù mọi bằng chứng của pháp y đều chống lại cái hy vọng mong manh đó. Thi thể của nhà báo Gongadze vẫn chưa được chôn cất bởi vì chính phủ của cựu tổng thống Kuchma hoàn toàn không hề muốn tìm ra thủ phạm. Trong 10 năm dưới thể chế chính trị của Kuchma có rất nhiều vụ ám hại nhà báo, nhưng vụ này lại gây tiếng vang nhất bởi ở đây tội phạm hủ hoá với chính trị. Nhà báo trẻ tuổi Gongadze là tác giả của nhiều bài báo tố cáo tệ tham nhũng, hối lộ và không hề sợ các lời cảnh cáo đe doạ, đã chỉ đích danh thủ phạm là chính phủ của Tổng thống Kuchma. Cái chết bi thảm của anh đã gây nên một làn sóng phẫn nộ chưa từng có chống lại Tổng thống Kuchma. Nhiều người bây giờ cho rằng đó là dấu hiệu đầu tiên của cuộc cách mạng Cam sau này.

Liệu vụ án này có đưa ra được những kết luận như mong muốn hay không? Người ta có kết tội được những kẻ chủ mưu là các quan chức cũ trong đó có cựu tổng thống Kuchma hay không? Câu trả lời sẽ là thước đo cho những biến động đang diễn ra hiện nay trên đất nước Ukraina. “Vụ án này là một thứ giấy quì để thử mức độ dân chủ của xã hội chúng ta”, đó là lời của vị Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Sviatoslav Piskun. Trong cuộc họp với Hội đồng Châu Âu hôm 24 tháng Một vừa qua, Tổng thống Yushchenko hứa rằng vụ này sẽ mau chóng được phanh phui và ông gọi cái chết của nhà báo Gongadze là một “thách thức về đạo đức”. Tuy nhiên, vụ án này có thể mãi mãi vẫn là một câu hỏi để ngỏ. Các bằng chứng vật chất đã bị tiêu huỷ. Các kẻ tình nghi hay làm chứng hoặc đã chết hoặc mất tích. Nhiều nhân vật có liên quan tới vụ này vẫn đảm giữ những trọng trách trong Quốc hội. Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Piskun tuyên bố rằng Kuchma đã sa thải ông hai năm trước đây, khi việc tiến hành điều tra bắt đầu liên quan tới các vị tai to mặt lớn trong cơ quan an ninh trong chính phủ. Ông đã phục hồi công việc và chức vụ cho ba trăm thẩm phán bị thải hồi trong vụ này sau khi Iushchenko trả lại cương vị lãnh đạo Viện Kiểm sát của ông. Tổng thống đã nói rằng hãy làm hết mọi khả năng để có thể khám phá ra vụ án có một không hai này. Chủ tịch Uỷ ban Điều tra Vụ án Gongadze của quốc hội G. Omelchenko tuyên bố có đầy đủ bằng chứng để đưa các vị quan chức cao cấp của chính phủ cũ ra toà, trong đó có cả cựu tổng thống Kuchma, nếu như không phải vì tội giết nhà báo thì là đồng thủ phạm. Ông nói rằng Piskun cũng như những người tiền nhiệm trước của ông đã không đủ kiên quyết để thi hành đúng theo pháp luật. “Nhưng hôm nay, không hề có những cản trở nào trong việc điều tra vụ án này, không còn có những vật cản nào có thể ngăn được việc đưa ra lời tuyên án đối với những kẻ tội phạm, trong đó kẻ chủ mưu là Cựu Tổng thống Kuchma”. Chủ tịch Uỷ ban Điều tra còn cho biết thêm: Các thành viên điều tra của Uỷ ban đã hỏi những người làm chứng. Chính họ đã nhìn thấy Gongadze bị dẫn ra xe cảnh sát vào cái đêm anh bị mất tích. Sau một giờ thì anh bị hạ sát. Gongadze bị chặt đầu để phi tang chứng vì chính viên đạn trong đầu sẽ để lại dấu vết rõ nhất. Mẹ của Gongadze vô cùng thất vọng khi tiếp xúc với các quan chức của chính quyền. Bà gọi họ là những đại diện khủng khiếp, “không phải do các bà mẹ sinh ra”. Bốn năm sau cái chết của con trai, bà nói rằng đối với bà hoàn toàn không có ý nghĩa nếu công lý được toàn thắng.

Tình cảm của bà mẹ nhà báo Gongadze cũng giống như tình cảm của hàng triệu bà mẹ khác có con bỏ mạng trong các cuộc chiến tranh vô nghĩa. Họ bao giờ cũng là những người thua trận, dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến.

© 2005 talawas