trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt NamDịch thuật
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
17.10.2003
Bùi Giáng
Avant propos
Lời dẫn
Hàn Thủy dịch và chú thích
 
Khi đọc "Avant propos" của Bùi Giáng viết cho cuốn "Dialoque", một tài liệu quan trọng không chỉ cho những ai quan tâm đến Bùi Giáng, tôi thấy có một cách hiểu khác so với bản dịch của Mộc Giai talawas, 09.10.2003, vì vậy xin đề nghị một bản dịch khác. Bản dịch này là câu đối câu, và gần như chữ đối chữ. Dĩ nhiên đó không phải là cách dịch hay nhất. Tôi không có tham vọng viết văn, lại càng không có tham vọng tái tạo phong cách Bùi Giáng. Chỉ mong trình bày một cách hiểu mà tôi cho là hợp với hoàn cảnh khi tài liệu này ra đời.
Dù cố gắng theo sát nguyên bản bao nhiêu đi nữa thì khi dịch vẫn phải chọn lựa, mỗi chữ trong một ngôn ngữ đều có nhiều nghĩa, và những nghĩa đó cần được thể hiện bằng những chữ khác nhau trong một ngôn ngữ khác. Tôi thiển nghĩ sự lựa chọn chỉ có thể dựa trên một cách hiểu tổng quát toát ra từ toàn thể bài viết. Chính vì thế xin mạn phép có vài chú thích để diễn giải cách hiểu của tôi.
Hàn Thủy
Đối thoại là luôn luôn hứng chịu việc có thể biến thành độc thoại. Nhưng độc thoại có thể trở nên phong phú, nếu đó là một cuộc độc thoại trong trẻo [1] , xuyên qua nó ánh lên vẻ sáng của đêm. Bản chất của độc thoại là ở sự hoá thân một thành hai: Hai vùng ngữ nghĩa [2] soi nhau trong cùng một thế giới; một thế giới chia đôi thành hai vùng đất lạ bên hai bờ vực thẳm. Bản chất của vực thẳm nằm ở chỗ nó có thể được nhảy qua. Bản chất của nhảy qua, là mạo hiểm [3] .
Thế mà mạo hiểm chính là bản chất của sống đời. Sống, là mạo hiểm. Đằng nào cũng bất trắc [4] , sao không chọn cái bất trắc trong trẻo?

Chọn lựa ư? Lẽ nào chúng ta có thể chọn cái bất trắc? Phải chăng chính cái bất trắc đi đến và chọn lựa chúng ta?

Nhưng cái bất trắc trong trẻo nghĩa là sao? Sao có thể nói đến sự trong trẻo của điều bất trắc? Không thể! có lẽ thế, nếu đó là một cuộc mạo hiểm quân sự hay chính trị. Có thể! hy vọng thế, nếu nói về sự bất trắc trong ngôn ngữ của những kẻ thốt lời; thốt lời để ngôn từ được nghe trong gió thoảng.

Đùng đùng gió giục mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay
Nguyễn Du

Xe khởi đi như tên bắn, mang theo mọi dấu tích của một cỗ xe huyền thoại - của ác quỷ hay của thiên thần, nào ai biết... hãy đưa mắt nhìn theo, để thấy gì?

Cỗ xe xuyên ngang cõi đời, và từ đó thế giới chúng ta đang sống hiện hình thành Thế Giới. Đó là sự lập địa nguyên thuỷ, thiết lập cho sự tồn tại của chúng ta cái căn nguyên bản chất.

Thế giới đã một lần hoá thân thành "cõi hồng trần", cũng có chiều hấp dẫn. Nhưng rồi, cõi hồng trần không ngừng lăn xuống dốc để có cơ trở thành một vũ trụ tro đen, nghĩa là, đơn giản và thuần tuý, một "cõi không-thế-giới". Chính đó là sự hiểm nguy đích thực, là điều xác quyết cái bản-thể hiện-tồn của chúng ta trên thế gian như là cái vô-bản-thể của một hành tinh trôi dạt.

Hỡi phương Tây! trong việc này có phần nào trách nhiệm của các bạn? Không, chắc chắn là không rồi... Ở đây là một điều gì khác... Điều gì vậy? hãy để câu hỏi bỏ ngỏ.

Nơi ngụ cư của bản thể không còn. Kẻ dắt chăn bản thể, kẻ trấn giữ hư vô đã bỏ chúng ta rồi. Ngôn ngữ chúng ta đang bị pha tạp. Cái "thông điệp trong trẻo" [5] vẫn chưa khai mở. Vậy còn gì cho bản chất của đối thoại?

Chúng ta đã mất hết rồi, mất cả cái "mật truyền" bí ẩn khi cận kề, và cả sự thân thiết do xa lià khi tiến ra đối diện sự đổi thay có thể tới của tâm hồn, trước hiểm nguy của một biến động lớn. Chúng ta quả đã mất hết. Còn gì để mất nữa đâu? Trong cơn khốn quẫn tột cùng mà sự phi lý đè ép khiến chúng ta lặng câm, chúng ta còn có thể tìm được gì?

"Ở đâu có hiểm nguy, thì ở đó có thể mọc lên chồi cứu rỗi"...

Tất cả tồn sinh [6] đã rung chuyển, qua đó cái "bản lai diện mục" [7] đã tự báo hiệu, và đột nhiên xuất hiện: thật trong sáng diệu kỳ trước cả thế giới, tâm hồn Á đông vĩnh cửu đã sống dậy huy hoàng trong cái chết anh dũng của các hoà thượng Việt Nam.

Liệu chúng ta có ý thức được hết tầm nghiêm trọng của sự kiện này? Lời kêu gọi nào đã vang vọng trên khắp địa cầu, và đã lắng im sau khi đã thấm sâu trong mọi tâm hồn?

Hỡi những người anh em xa xôi, chính từ câu hỏi đó mà những trang giấy mỏng này đã nhất quyết - có sao cũng là định mệnh - mạo hiểm dấn thân cái số phận mỏng manh của chúng khi vượt qua bao đại dương sóng cả, để phơi mở trước mắt các bạn.

Tháng 6 1965

Bản Việt ngữ của Hàn Thủy, 14.10.2003

© 2003 talawas



[1]"diaphane" là không hoàn toàn trong suốt, nghĩa thường là vừa trong vừa mờ, trong nhiều hơn mờ (khác với opaque, mờ nhiều hơn trong), trong văn chương chữ này lại thường có nghĩa là rất trong, là gần trong suốt nhất có thể được. "eau diaphane" là nước rất trong, nhưng vẫn biết là có nước, chứ nếu hoàn toàn trong suốt thì sẽ không thấy nước. Chữ này dùng rất đắt và đẹp, thật là thích hợp cho lời dẫn của tập dialogue: cả đoạn đầu bài avant propos này chỉ thu gọn vào một chữ "diaphane" thôi, hiểu sai chữ này là hiểu sai hết nửa bài. Nó hàm ý cố gắng bộc lộ trung thực nhất trong khung cảnh đối thoại của hai nền văn hoá khác nhau, nhưng cũng biết là không thể thành công hoàn toàn. Vì vậy đây là chữ rất khó dịch. Đề nghị dịch là "trong trẻo" vì muốn giữ cái ý chưa phải trong suốt, nhưng có cái lòng thành, có cái tâm trong trẻo, lại vần với " nước trong leo lẻo".
[2]"univers" trong khung cảnh bài này thì người dịch hiểu là "univers du discours", chứ không phải là "vũ trụ"
[3]Ý tưởng đi nhanh đến chóng mặt, chính nhờ cách hành văn trần trụi, " đi vào bản chất "; không cần đổi chữ không phải vì BG thiếu chữ!
[4]"risque" trong ngữ cảnh động tác thì dịch là mạo hiểm được, nhưng trong ngữ cảnh sự kiện thì dịch là bất trắc nghe xuôi tai hơn.
[5]pli: nếp gấp, lá thư (đã gấp lại và niêm phong), người dịch chọn nghĩa sau vì thấy phù hợp hơn với ngữ cảnh.
[6]être và étant là hai thuật ngữ triết học quen thuộc của triết Tây. Theo tôi biết thì être thường được dịch là bản thể. Còn étant (cái phần của bản thể thấy được qua hiện tượng) thì vì không biết thuật ngữ triết học tương ứng của VN, nên đề nghị tồn sinh.
[7]tôi phỏng đoán cụm từ vérité de l'être được Bùi Giáng dùng để dịch sang tiếng Pháp cụm từ bản lai diện mục của Phật Giáo. Hình như triết Tây không có khái niệm vérité de l'être, bản thể là chân lý tối hậu, vì thế nói chân lý của bản thể là thừa một chữ. Trong khi đó trong triết lý phật giáo thì khi đi đến tối hậu Sắc và Không cùng nghĩa, và bản lai diện mục là sắc hay là không là một công án. Ta có thể thấy, từ hai câu thơ Nguyễn Du trở đi, cái ý chủ đạo tiềm ẩn trong nửa bài sau là: hồng trần hay là tro đen, bản thể hay vô bản thể, sự sống hay huỷ diệt, là một công án mà chính loài người đang giải quyết qua thực tiễn của cuộc đấu tranh cho hoà bình thời đó.