trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
15.10.2008
Thế Uyên
Ở nhà già
 
Bọn tôi dọn vào ở một nhà già giữa một mùa đông nên được thưởng thức vẻ đẹp tiêu sơ của những cành trụi lá của một cây phong hoa vàng tươi về mùa xuân và lá xanh ướt nước mật về mùa hạ, ngay trước cửa sổ phòng ngủ. Mỗi sáng uể oải lười biếng thức dậy khá trễ, khi 8 khi 9 giờ, về hưu rồi mà, lại còn là phế nhân, có gì phải vội vã đâu. Bà vợ dậy sớm hơn nhiều, đắp thêm chăn cho chồng hay bị một cơn lạnh buổi sáng, trước khi mang nệm mỏng ra phòng ngoài tập bài tập “sống còn” riêng của bả, một nửa Tai-chi một nửa Yoga để chống bệnh cao huyết áp và tiểu đường di truyền. Tôi cà chớn hỏi liệu tôi có bị lây tiểu đường qua bà ấy không... Trong khi bà tập ở phòng ngoài thì tôi tập ở phòng trong, ngay trên giường ngủ, những cử chỉ thể dục thông thường và xưa cũ, để nhắc nhở tứ chi chịu khó thức dậy hoạt động cùng tôi. Vội vã xuống giường ngay, dám té lắm. Lại xe cứu thương hụ còi điếc tai bà con lối xóm đưa đi bệnh viện, phiền phức lắm.

Bao giờ bà vợ cũng căn bài tập sao cho xong trước khi tôi chống gậy lò dò từ phòng tắm bước ra. Hai đứa ăn sáng, bà vợ giúp tôi, kẻ chỉ còn một tay, và bàn những chuyện hàng ngày. Đứa con trai tâm thần bất định đã ăn từ lúc nào không biết, đã áo ấm túi rộng, một bên chứa bao thuốc lá và bật lửa, một bên nhét một bao ni lông thay cho gạt tàn. Mới đầu nó chỉ ra ngoài cổng nhà già là đứng lại hay ngồi hút thuốc trên hè, nhưng rồi, đúng như hai vợ chồng tiên liệu, mấy bà già Mỹ khó tính lắm, khiếu nại sự việc này với bà manager da đen dễ tính, làm đứa con phải đi tới một khoảng vườn còn bỏ hoang mới được hút thuốc thoải mái, mẩu thuốc dư nhét vào bao ni lông bỏ túi mang về vứt vào thùng rác. Thời kỳ mới ban hành luật cấm hút thuốc gắt gao hơn các tiểu bang khác, lớp trẻ tức mấy ông bà già trầu dùng xe tải chở mấy bộ ghế phòng khách ra để ở phần phân đôi con lộ, ngồi phì phèo thuốc lá. Chỉ ở vị trí này mới cách đủ 20 feet các lối ra vào, như luật đòi hỏi. Cảnh sát xứ này nhiều kinh nghiệm chống biểu tình, nên mặc kệ mấy cô cậu ngồi giữa lộ hút thuốc. Một vài hôm trôi qua, các cô cậu phải hoặc đi học hoặc đi làm (lấy tiền mua thuốc chứ...), cảnh sát mới tà tà khênh ghế vào hè đường, đợi xem có ai nhận không, trước khi chở vất đi.

Buổi sáng, dù nắng, mưa hay sương mù, tôi có một việc phải làm là tập đi, dù là tập tễnh, cà rịch cà tàng, chống gậy chĩa bốn chắc chắn, mặc quần áo chỉnh tề (là bắt buộc khi ra khỏi nhà), tôi đi từ cửa nhà tới khu thang máy. Trên đường gặp bất cứ ai cũng “hi” một tiếng để chào hay để đáp lễ; đến cửa sổ khá lớn, tôi thường dừng lại ngắm cảnh, ngắm hoạt động dưới sân. Khu tiền sảnh của thang máy có bầy một bộ bàn ghế, trên tường treo bản sao các danh họa cổ điển châu Âu. Chiếc bàn vuông thấp để lọ hoa giấy và thực phẩm quà bánh linh tinh – bọn tôi đặt tên là bàn “đã tới xã hội chủ nghĩa”, vì cư dân qua lại cần hay ăn được món gì cứ việc lấy về thoải mái. Những kẹo bánh thực phẩm đó nguồn từ các con cháu đến thăm, ông bà không ăn được mấy, mang ra để ở “bàn xã hội chủ nghĩa”, tặng bất cứ ai cần. Đôi khi thấy có món ngon lành, thường là kẹo bánh, tôi dự tính lấy rồi lại thôi vì vợ tôi can bằng hai, chứ không phải một lý do: tôi đã mập rồi và các ông bà già thường có trí nhớ tồi, biết kẹo bánh đó quá date từ ngày nào.

Ai chưa biết đây là nhà già, cứ dùng thang máy nơi đây, sẽ biết. Thang máy cũ từ thập niên 70 nên vừa hoạt động vừa rên rỉ, và trong lòng thang máy có một ghế dài - đừng vội nghĩ đó là một canape hay chi đó mà lầm, đó chỉ là một miếng gỗ dài bắt vít vào vách thang máy. Bọn tôi đến ở cả năm mới có thợ đến sửa cho hết kêu cót két và lắp một điện thoại cấp cứu. Đừng tưởng đồ đó là dư vì ở chưa được hai năm, chuông báo lửa cháy đã réo vang ba lần. Nếu thang máy cũ kỹ thì trái lại chuông báo động lại mới tinh, được kiểm soát luôn, kêu to đến nỗi ai lười muốn ở lì trong phòng sẽ điếc tai chịu không nổi – tôi đã thử lì một lần rồi nên biết rõ. Tiêu lệnh chung: tất cả phải ra khỏi tòa nhà theo những lối đi chỉ định từ trước để tránh chen lấn, dù ngoài trời mưa hay tuyết đang rơi. Bà vợ tôi được thực tập hơi nhiều khi còn là sinh viên, nên loáng một cái bà đã mặc áo ấm ôm cặp giấy tờ biến ra ngoài, để tôi trên xe lăn cho đứa con lo, vì tâm thần có bất định, lúc đó cũng tỉnh, và hắn người to khỏe, giúp cho tôi được, không nhỏ nhắn như bà mẹ. Bà mang được thân ra chỗ bình an là cần thiết cho năm đứa con bẩy đứa cháu... Còn tôi bây giờ cần thiết cho ai đây? Vì thế tôi có lần rao vặt đùa: "Ở đây có dư một ông nội còn một tay và một chân rưỡi, nhưng còn biết xoa đầu các cháu...”

Khi chuông báo cháy đã reo, thang máy bị cấm sử dụng, những người dùng xe lăn chỉ có cách ra ban công đứng cho lính cứu hỏa dễ thấy. Đứa con tôi có thể leo ban công sang thang dài ngoằng của cứu hỏa, còn tôi thì sao, đâu còn leo trèo gì nổi? Chắc họ để tôi đó xịt nước lên trong khi chờ đợi; về mùa hè thì OK, về mùa đông chắc thành người tuyết... Báo động cháy nhà như thế là bất tiện cho người quá già và tàn tật.

Vậy mà dọn tới chưa được hai năm chuông báo động đã réo ba lần, hai lần là do bà Hồi giáo ở xế cửa gây ra. Tuy là dân “trùm mền” nhưng không phải quanh năm một mầu đen từ đầu đến chân như thường thấy, bà này hay mặc mầu trắng hoặc các mầu nhạt, bằng vải vóc đắt tiền, đeo kính phong dáng lắm. Một lần thấy khói mù mịt hành lang, bà vợ tôi phóng sang cứu nguy: chỉ là nấu bếp để quên thôi. Bà vợ kể apt của bà Hồi đầy ắp đồ đạc, chắc ai dọn nhà để lại cái gì, bà lấy hết. Riêng xe kéo đồ, bà có tới ba cái ba kiểu khác nhau... Gây đám cháy nghiêm trọng nhất lại không do bà Hồi giáo, mà một bà ở tầng dưới, không biết trắng hay vàng - nhà già này không có da đen. Khói đen bốc lên cuồn cuộn, một xe chữa lửa đến chưa đủ, đến thêm xe thứ hai, có ông cứu hỏa kéo theo một cái quạt to khỏe đen xì để xua bớt khói cho mọi người thở tạm. Dĩ nhiên còi hú kêu ồn cả một khu phố. Bà vợ bảo tôi: Anh phải tập lại lên xuống thang gác thôi... Tôi trả lời: Ừ. Và chưa tập được buổi nào. Theo tử vi phương Đông, tôi mạng sơn đầu hỏa (lửa trên đỉnh núi), khỏi cần để ý những đám cháy nhỏ trong một nhà già nơi trần thế...

Thôi, nói chuyện khác, nhìn hoài những người già, tàn phế, tâm hồn dễ trở thành bi quan. Chính vì lý do này có lẽ làm tôi, và những người già khác, thích ở với con, nhất là các cháu, hơn bất cứ kiểu nhà già nào, dù sang trọng, tiện nghi tới đâu. Nhưng làm thế nào được, con cái, kể cả gốc Việt, Hoa phải đi làm cả hai vợ chồng, hai hay ba job, các cháu phải đi học kể như hai buổi. Lấy ai ở nhà coi sóc cha mẹ già yếu bệnh tật, không như ở Việt Nam nhà cửa sát nhau, nạn nhân mãn và nghèo đói khiến nuôi một đứa cháu nghèo không khó khăn gì... Xã hội và chính quyền Mỹ cố gắng giải quyết vấn đề coi sóc người già tại nhà bằng các caregiver do chính quyền trả tiền, nhưng những người này chỉ hiện diện trong một số giờ nhất định. Khi bà mẹ của người viết ở Virginia với gia đình đứa con gái đầu, suy yếu trầm trọng nhưng không chịu nằm bệnh viện hay vào nursing home, cô em gái phải mượn một cô gái Việt mới nhập cư nước Mỹ, làm toàn thời. Tiền công dĩ nhiên không rẻ nên chia ra các con đóng góp. Dĩ nhiên dù ở xa bên kia lục địa Mỹ, tôi cũng được cô em gái chia cho một phần chi phí. Nhưng mọi sự chỉ êm đẹp một thời gian vì bà cụ mỗi ngày sức khỏe càng xuống, tính nết càng ngày càng khó khăn, từ một phụ nữ vui tính và chịu dựng dễ dàng mọi khó khăn ở đời, biến thành một bà già khó tính khỏi chê. Đến độ sau cùng đứa em gái chịu hết nổi, bèn chia đồng đều sự chịu đựng mẹ già cho mấy anh em. Mỗi đứa đón mẹ về chăm sóc ba tháng. Hai ông anh lớn ở xa: anh Lam ở Bolsa, còn tôi tít mù Tây Bắc nước Mỹ, không tính tới vì mẹ không còn đủ sức khỏe cho những chuyến bay xuyên lục địa.

Từ tiền sảnh của thang máy, tôi dễ dàng nhìn qua cửa sổ lớn xuống sân chính của chung cư nhà già và như nhiều chung cư khác, nơi đây thiếu chỗ đậu xe trầm trọng. Vợ tôi biết làm nhiều thứ ở đời, trừ lái xe, và tôi bị treo bằng từ lâu vì tật nguyền; giả sử không là thế, cũng không còn chỗ. 70 đơn vị gia cư, mà chỉ có 20 chỗ đậu. Khách đến, thường phải đậu bên lề con lộ, cũng không nhiều chỗ gì. May thay đã có Chúa cứu nguy: nhà thờ Công giáo bên kia lộ đã khá rộng lượng với xe đậu nhờ, không hỏi có đạo hay không. Những xe vãng lai, do nghề của họ phải kiếm chỗ đậu trong sân và thường kiếm ra chỗ đậu tạm, là: xe chở giùm những túi đồ đi chợ Safeway hộ các bà già; xe Book Mobile mang đến những cuốn sách chẳng ai muốn mượn; xe Meal on Wheel do Microsoft tặng mang đến món ăn làm sẵn 3 đồng một ngày; và nhiều thứ xe chuyên dụng khác, kể cả xe chữa lửa, xe cứu thương vừa chạy vừa kêu ầm ĩ, loại xe này không hiểu sao xóc dễ sợ, hú còi to, ngày và đêm không cho ai ngủ yên lành; xe hút hầm cầu làm ăn sạch sẽ hơn ở Việt Nam; xe thổi lá vàng cuối thu và thổi tuyết mùa đông, mỗi khi đến làm việc là có người thò đầu ra ngó.

Chế độ mấy anh em luân phiên đón mẹ già về ở với mình mỗi người ba tháng, tôi không nhớ kéo dài được bao lâu. Nhưng đương nhiên chấm dứt khi mẹ tôi nằm bệnh viện dài ngày, năm 89 tuổi. Nghe tin em gái báo mẹ hấp hối, tôi đương có mặt ở Seattle nên phóng lên máy bay sang miền Đông thăm mẹ. Vào bệnh viện, nhìn thấy mẹ sắp lìa đời mà bị kê nằm nghiêng một góc 45 độ, tay chân mũi miệng dây rợ chằng chịt như một tội nhân bị hành xác trong một donjon thời Trung cổ - đây là hệ thống life support nổi danh của y khoa Mỹ hiện đại mà tôi vẫn không ưa. Kéo dài đời sống thảo mộc, như cây cỏ cho cái xác phàm để duy trì ảo tưởng là người thân chưa lìa đời... Biết rằng mẹ không còn, mẹ đã lìa đời rồi, tuy thế khi nắm bàn tay mẹ, tôi bị xúc động toàn thân: đúng là tình mẹ con ruột thịt. Mắt mờ đi vì nước mắt, tôi đứng lên đi ra phòng đợi kiếm một cái ghế nhìn ra ngoài cây cối xanh um một mầu xanh dịu dàng, và tôi khóc, không nhìn một ai. Những người có mặt trong phòng làm như không nhìn thấy gì, tôn trọng nỗi buồn của kẻ khác.

Ăn cơm trưa xong là cô em gái chủ nhà vào đề liền: tất cả các anh em trai gái ở miền Virginia đều không muốn mẹ khổ đau thân xác lâu hơn nữa vì hệ thống life support. Anh cả của chúng tôi, từ California gọi sang, cũng đồng ý rút bỏ mọi dây rợ để mẹ lìa đời thoải mái trong cái chết tự nhiên. Chỉ còn đợi ý kiến tôi. Người con cuối cùng. Sau cơn khóc trong bệnh viện, tôi chỉ có thể lên tiếng, là đồng ý thôi. Em gái bảo: Như vậy để chiều nay em thông báo cho bệnh viện là tất cả con cái đều đã đồng ý rút bỏ hệ thống life support. Nó vừa dứt lời, cô con gái thứ hai của nó đã có chồng có con, ngồi im lặng ngoan ngoãn từ đầu, bùng lên tiếng. Vừa nói vừa khóc nức nở, nó biện hộ quyền sống tiếp cho bà, bằng tiếng Anh xen tiếng Việt, rằng bà chưa chết đâu, bà còn phấn đấu mà, hãy để, hãy giúp bà phấn đấu... Nó hướng về mẹ nó: Mẹ không được giết bà, con thù mẹ... Tình hình đến đây gay go hẳn lên, sau cùng tôi nói: Mẹ cháu đã đến bệnh viện đâu, phải không? Cô em tôi cũng đầy nước mắt, im lặng gật đầu.

Hội nghị của các bác chú cô dì cùng quyết định chung của họ rút cục tiêu tan vì một cô cháu. Sự kiện này không hiếm xẩy ra trong cộng đồng Việt: bọn tôi có biết một gia đình có mẹ già hơn 90, từ lâu vẫn ở một nursing home loại sang vì đứa con lớn là một bác sĩ lợi tức cao, các con khác cũng thành đạt. Gia đình tự nhiên xáo trộn lớn chỉ vì đứa cháu lớn xinh đẹp có chồng Mỹ và hai con, nghe thấy bà thì thào: Bà muốn về nhà. Cô cháu cưng của bà quyết định ngay, bảo ông chồng da trắng lấy chăn quấn bà, bồng ra xe chở về nhà, nhà của nó, chứ không phải của ai khác. Đến khi các cô bác chú dì, kể cả cha mẹ của nó, vào thăm mẹ già, thì mẹ đâu rồi... Sau đó mặc dù đủ loại dỗ dành, áp lực, cô cháu nhất định không chịu “trả” bà cho tập thể gia đình. Sau cùng bà cụ qua đời trong hài lòng: về nhà cháu gái cưng, cũng kể như đã “về nhà”...

Thôi thế cũng được, thôi thế cũng xong, tôi đứng dậy ra patio phía sau nhà, ngồi xuống cạnh ông em rể đang trầm ngâm nhìn một tượng Phật cạnh ao súng nhỏ. Mẹ tôi hồi sinh thời cũng thích ngồi hàng giờ cạnh ao nhỏ này. Người em rể hỏi: “Việc hai ông bà làm ở Việt Nam tới đâu rồi?” Tôi trả lời: “Khó khăn hơn...” Bọn tôi cương quyết không chịu vào hệ thống tham nhũng của chế độ cộng sản: Mang sinh viên sang Mỹ du học, hi vọng khi trở về chúng sẽ làm Việt Nam bớt u mê bớt chậm tiến, không lẽ lại mở đầu bằng hối lộ quan chức? Không chịu hối lộ, sẽ tiếp tục bị làm khó dễ. Nếu chịu hối lộ, tiền sẽ bị cán bộ tiêu riêng như xây nhà xây cửa cho vợ con cháu chắt bồ nhí, nhưng nội vụ bị công an ngầm làm biên bản, để đó, khi nào định tống xuất phái đoàn sẽ mang ra làm bằng chứng tội hối lộ quan chức, tòa Đại sứ Mỹ và các nước ngoài sẽ khó bênh vực, can thiệp. Đằng nào cũng kẹt với họ hết.

Tôi nói với ông em rể, người cũng có kinh nghiệm đắng cay với chế độ xã hội chủ nghĩa: “Tôi sẽ đổi vé bay về Sài Gòn gấp, ông và Chi lo cho bà cụ giùm tôi”. Tôi nói thế vì biết để nguyên life support, mẹ cũng chẳng còn sống lâu. Ở Sài Gòn biết bà vợ còn có một mình trong căn nhà thuê trong cư xá Lữ Gia, công an cho ban đồ đểu xuất chiêu (ban này chắc có tên riêng, như P5 hoặc P91, nhưng thôi, theo nhân dân tại chỗ mà gọi là “đồ đểu” vì đã hành động, là chơi trò bá đạo). Thí dụ: Bà người làm không chịu hợp tác với công an, ban đồ đểu ngụy tạo tai nạn cho té xây xước mình mẩy, xe đạp tan nát. Khi bà lết đến nhà, bà vợ tôi băng bó, cho tiền mua xe đạp mới, dặn nghỉ ba hôm cho khỏe rồi trở lại làm việc. Coi như không có gì xẩy ra. Bây giờ ban đồ đểu xuất chiêu khác: cho người đêm khuya giả vờ say rượu đập cửa nhà ầm ĩ, hàng xóm sợ nín khe, công an sắc phục biến hết. Bà vợ gửi fax khẩn cấp báo tòa Đại sứ ở Hà Nội, rồi lên giường cố ngủ... Tôi có lần hỏi thẳng công an: Có phải các anh chống việc tổ chức du học Mỹ của chúng tôi? Thì họ tỉnh bơ nói: Không có chống, ủng hộ mà... Bởi thế mới gọi là “đểu”... (Chữ của nhân dân ngoài Bắc, lấy từ điển tích: nhân dân ta anh hùng đưa nước từ thời đại đồ đá lên thẳng chế độ đồ đểu, không kinh qua bất cứ chế độ nào khác. Đạo diễn Trần Văn Thủy đã khổ công đi kiếm không ra “người tử tế” là vì thế, dù đã đi cho hết đất hết biển Việt Nam.)

Khi tình hình tạm yên, tôi trở về Seattle và lại bay ngang lục địa đến Virginia thăm mộ mẹ. Buổi sáng nắng nhẹ, tôi theo đứa em trai duy nhất đi kiếm mộ mẹ giữa ngổn ngang đâu đó của một nghĩa trang nước ngoài. Đứa em trai bỗng ngồi thụp xuống, lấy tay không quét lá khô cho tôi nhìn rõ tên mẹ. Tôi cũng ngồi xuống lấy tay quét lá, đứa em nói như đùa: Mẹ đã dặn làm bia đứng mà vẫn cứ để nằm như người ta... Thôi, thế cũng xong. Cô bé sinh ngày nào ở phố ga heo hút Cẩm Giàng, đồng bằng buồn thiu miền Bắc Việt Nam đã đến chỗ cuối cùng.

(Có thể còn tiếp)

Seattle tháng 9.2008

© 2008 talawas