trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
18.1.2008
Thế Uyên
Tiền đồn
 1   2   3   4   5   6   7 
 
Chị mở nắp, hơi cơm bốc ra ngùn ngụt trắng, toả ấm áp quanh mặt. Ba trở vào, chiếc khăn mặt vắt trên vai ướt sũng, mái tóc dính vài giọt nước.

“Cơm bữa nay ngon dữ há!”

“Uống rượu vậy rồi sao mà ăn. Tui làm cốt cho má con tui ăn đó!”

Ba cười theo vợ, trên mặt không còn dấu vết say. Tiếng sẻ kêu vang trên tàu cau trước sân làm lòng chị dịu xuống và phẳng lặng. Mọi sự đều như bao ngày, tiếng chim sẻ kêu nhiều hơn, nồi cơm bốc khói và tiếng cười của Ba khi thấy có món ăn ưa thích. Mọi rung động lay chuyển chị đã qua đi, nhưng còn lẩn quanh một nơi nào đó. Chị biết thế, chúng đang chờ đợi. Chúng sẽ đến, sẽ trở lại như bóng tối không cái gì cản được.

“Anh nè!”

Ba ngẩng lên nhìn vợ nhưng vẫn tiếp tục và cơm.

“Tối nay ra bà Bảy ngoài chợ ngủ một bữa đi”.

“Chi vậy?”

“Còn chi vậy cái chi nữa. Tối nay tui không có muốn vác cuốc ra đào lộ”.

Ba đưa một tay ghì chặt chiếc nồi, cạy mảng cháy:

“Chắc tối nay mấy ảnh không về khu này đâu. Đào hoài rồi”.

“Biết thế nào được, đại diện xã có nói mấy ông trên đồn có lệnh rồi. Dân mà ra đào lộ đắp mô, sẽ bắn súng cối chết bỏ”.

Ba sửng sốt đặt miếng cháy đang cắn dở trong miệng xuống mâm:

“Thắng Tía bảo vậy hả. Gặp nó hồi nào?”

“Lúc trưa này. Lại cho biết tụi mình cần hai người chứng hợp lệ, ông quận mới cấp... Làm cái chi mà mặt chù ụ ra vậy. Tui nhờ mấy bà làm chứng được mà”.

“Thế sao lúc tôi đi ra hồi trưa không gặp nó! Nó chỉ kiếm cớ cà rà vô đây...”

Ba đã cao giọng, sợi gân xanh ở cổ đã hiện rõ làm chị ngại. Bữa nay chị mệt lắm rồi, không còn muốn gây gổ, chỉ muốn mau xong bữa cơm ra rửa bát đũa trong bầu trời tối dần, nghe Ba phì phà thuốc lá nói chuyện mần ăn trong ngày. Chị đứng dậy, đặt tay lên vai chồng, xoa xoa:

“Đừng có giận dữ vậy nè, bấy nhiêu cãi lộn chưa đủ đã sao? Anh ở đây đi ra, mặt anh chù ụ như thế đó, có ai mắc mớ chi mà chặn lại nói chuyện. Người ta phải vô đây là phải quá”.

Chị cúi xuống cạy một tảng cháy mềm cạnh nồi, gắp mấy con tôm bỏ vô, quấn lại lấy tay bóp tròn thành khúc, đưa chồng. Ba nín thinh nhưng gân xanh trên cổ đã nhạt. Chị cười:

“Người chi mà khó tính. Một ngày ba bốn hồi ghen tuông, ai mà chịu nổi. Mai mốt mà còn thế, mẹ con tui bỏ xã lên tỉnh lấy chồng khác cho anh coi”.

Chị cười, lấy bàn chân giơ lên cọ vào đùi chồng. Ba cắn một miếng cháy lớn, nói lúng búng trong miệng:

“Xểnh một chút, đã thấy thằng chả cà rờ quanh nhà rồi. Ai mà chịu ngồi im”.

Nụ cười của chị cứng lại trong cổ họng, nước mắt bắt đầu ứa ra kề mắt. Ba bối rối, vẻ hối hận:

“Giỡn một chút thôi, có định chi đâu. Tui xử huề từ chiều rồi kia lận”.

Hình dáng người đàn ông to dần, một cánh tay quành qua lưng nhưng nước mắt vẫn dân dấn trong mi. Chị không giận, không hề thấy giận người đàn ông quen thuộc này. Nỗi buồn đã trở lại và không còn ai có thể lắng nghe những điều đang muốn nói. Mẹ chị chết rồi và Ba biết chi về chị. Một vụ cưỡng hiếp trên đồn đã lâu, chỉ có thế, Ba chỉ biết có thế. Má chết rồi, không còn ai, không còn ai cả. Nước mắt chảy buồn buồn trên má, Uông chết rồi, Hải ở bên kia sông trong bưng, chỉ còn có Tía nhưng Tía đã trở về muộn quá. Không, chị không thương gì Tía hơn Ba nhưng Tía là một phần của quá khứ. Chị đã kể và Tía đã lắng nghe những chuyện trên đồn, chuyện Uông, chuyện Hải và vẫn còn tiếp tục thương chị như ngày trước.

Nhưng rồi buổi trưa, mọi sự sẽ đưa tới đâu. Đàn ông chỉ cần ngủ với chị, có lẽ thế thôi, tiếng Ba thì thào bên tai, một bàn tay dưới vải áo vuốt ve nhè nhẹ lên ngực, nước mắt chị trào ra. Rồi, Tía sẽ được thoả mãn ngay đêm nay, ngay ngày mai. Hắn ngủ với mình rồi sẽ bỏ rơi, đi lấy vợ. Cũng được. Thà thế cho xong đi. Còn đứa nhỏ, còn có nó để săn sóc và còn Ba, những cơn ghen tuông giận dữ và những chầu rượu say sưa nồng nặc. Bây giờ đã quyết định cho Tía thoả mãn, một lần hay nhiều lần cho tới chán, chị thấy mong hắn chết luôn đêm nay cho rồi. Đúng vậy, chị đang mong hắn chết, chỉ có thế là tiện nhất. Còn hơn hắn chán rồi nhưng lúc nào quá bị thôi thúc, lại đến và chị sẽ chẳng có lý do nào không chiều thêm một lần nữa bởi vì đâu phải là không thích thú. Đúng vậy, Tía chết quách đâu cho rồi, chị đưa tay quệt nước mắt, kéo bàn tay chồng đang úp trên đầu ngực ra:

“Thôi! Trời đã tối đâu. Bữa nay làm tui khóc mấy lần rồi đó. Đêm nay đừng có hòng...”

Ba cười, đứng dậy kiếm thuốc vê thành điếu:

“Biết rồi. Đợi coi ai nghèo mà ham”.

Bộ mặt đắc chí của chồng làm chị phì cười, bê bát đũa đứng dậy ra sân. Không gian còn sáng, phía chân trời bên kia sông vàng nhạt. Chị nhớ tới Hải. Cũng hay hút thuốc quấn như Ba lúc này. Tía chắc rồi cũng chết chứ chẳng không. Dạo này mấy ảnh ham giết đại diện xã. Nhưng khi thò tay vào vại nước chị đã biết chắc rằng chị sẽ không mong như thế, không nghĩ như thế khi có Tía ở gần. Mùi thuốc lá khen khét bay quanh, tiếng Ba nựng con vang rõ trong khu vườn. Bên kia bụi mía, đã có ánh đèn thắp lên.


*

Định ngưng tay bơm dầu, đèn măng-sông đã sáng xanh cả căn phòng, lấp loáng trên hàng cột và bát đũa trên bàn. Một con gà quay lớn để giữa bàn lớp da nâu bóng mỡ làm Định cảm thấy đói, nước miếng ứa ra. Vùng chiến trận, vùng chiến trận rồi đó, Định thì thào và mỉm cười vu vơ. Mới đêm qua, chàng gọi món gà hầm nấm, không ăn hết được một nửa và cũng không thấy ngon. Chàng ngồi xuống ghế, tiếng ga-men va nhau thật thanh ngoài sân, hình đen thẫm của người lính ngồi xếp bằng trên lô-cốt gần như bất động. Chiếc bàn đã đẩy người bao quanh, một chai bia từ phía sau xuất hiện trước mặt, những bọt trong li ti từ đáy ly bốc lên biến vào lớp bọt trắng mỏng dần. Yên nói:

“Một bài diễn văn chăng?”

“Thôi, miễn cái món khó tiêu ấy đi”.

Viên thiếu tá nghiêng đầu nghe Vận dịch các câu đối thoại, mỉm cười lắc đầu giơ ly cụng với tiểu đoàn trưởng. Những đôi đũa di chuyển, những câu nói trao đổi về món ăn, những ly bát va chạm. Định có cảm tưởng đang ngồi trong một gia đình an bình, không có một cái gì khác biệt bữa cơm tối thông thường nhưng chàng biết, chỉ ngẩng đầu nhìn cao hơn mặt bàn, mọi sự sẽ không còn như thế. Những âm thanh, những không gian, những câu nói tình cờ móc nối với những kinh nghiệm trong dĩ vãng tạo ra một an bình giả tạo, chàng biết vậy, nhưng thích như thế kéo dài. Hơi nóng từ đèn măng-sông toả xuống làm chàng bứt rứt dưới lưng áo. Căn phòng nhỏ bé đóng kín cửa hấp hơi ngột ngạt nhưng đó là một cớ tốt để chàng không mặc gì ăn cơm và Linh phải mặc bikini dải buộc sang một bên hông thành một cái nơ nhỏ ngồi bên kia chiếc va-li đặt trên nền xi-măng có phủ một tấm vải thay cho bàn. “Mở cửa sổ đi anh, nóng quá em không ăn được”. Những bát cơm dở dang đổi lẫn cho nhau, những thời gian đứt quãng để hôn giữa những giọt mồ hôi trên da ngực nhòe lẫn, những đôi môi trơn mỡ thức ăn chen lẫn vào nhau. Không còn gì, không còn cách nào khác hơn nữa để hoà lẫn với người yêu bên kia. Không thể còn một cách nào khác. Đôi khi mùi da thịt Linh toả ra làm tâm hồn chàng mờ nhạt, tan thành một yêu mến độc nhất là biến làm nàng nhưng chàng biết, khi ghé sát mũi thu làn hương ấy, động tác giao hợp sẽ tới không ích gì cho việc thoả mãn ý muốn ấy. Giao hợp chỉ là một khoảnh khắc sung sướng, pha lẫn tình yêu đôi khi, một thời gian thân mật tiếp cận kế tiếp sau đó bằng mỏi mệt của cơ thể. Đôi khi chàng đã muốn thử thật tàn bạo, vò xé cấu cắn cái thân thể kia, nhưng chàng không làm được bởi những giọt nước mắt và nỗi đau đớn của nàng còn là bức tường dày hơn, cao hơn ngăn cách giữa hai người. Yêu đến bao nhiêu, nhiều đến thế nào, cũng chỉ đạt một tiếp cận như thế, một khoảng chẳng ra gì giữa hai đầu đường cong của một hyperbole với hai trục. Cùng lắm, có lẽ trước khi phải cùng chết chung một lúc, chàng đoán vậy, hai người có thể đạt đến một sự sống hay sự chết? Em mong rằng có linh hồn, bởi vì như thế người ta dễ sống và dễ chết hơn. Hac-đy đặt ly uống cạn xuống bàn, mu bàn tay đầy lông nâu cựa quậy, một câu ngoại ngữ làm chàng lơ đãng lắng nghe :

“Mình có chai whisky, sao không uống, sir?”

Viên thiếu tá nhìn vào khoảng không gian trải ra từng khoảng đen trắng đậm nhạt, một đốm lửa, rồi nhiều đốm lửa xuất hiện lấp ló sau các lùm cây. Chàng hơi nghiêng đầu sang một bên tránh chỗ gồ của chiếc cột đang ấn vào gáy ê ẩm, nhìn hai nuôi dưỡng từ phía trên dốc đi xuống. Còn sáng quá, đợi một thời gian nữa, chàng tự nhủ như muốn ru mình vào giấc ngủ. Những tiếng động thông thường, tiếng bát đũa của những người dân đang ăn phía sau, đến cả tiếng động cơ của một xe ben đầu tiên đổ trên dốc xuống, đều như mang một xao xuyến êm ái. Khi còn nhỏ, chàng không hề thích khoảng thời gian tranh tối tranh sáng như thế này bởi vì không gian như xa đi, mờ lẫn vào một nơi kích thước bí ẩn. Bây giờ chàng lại thích, các binh sĩ đã chuẩn bị sẵn sàng ngồi rải rác quanh ngôi nhà nói chuyện bằng giọng thấp, bóng tối dày đặc che phủ dần, đưa chàng vào một tự do mông mênh. Một ngày nắng chói đã qua và ban đêm chưa tới. Mông bắt đầu tê đi vì ngồi quá lâu, chàng xoay người đổi vị trí, cố giữ cho đầu tựa nguyên trên cột. Những động tác chậm và khẽ làm tâm trí chàng bắt đầu chuyển động quanh dự tính ngày hôm sau. Có lẽ không nên về nhà ngay sau khi bước xuống bến xe, cần tới một hiệu bánh mua quà, tới một hàng vải mua mấy thước, những công việc kéo dài ra, trì hoãn thời gian trước khi cái màn kéo ngăn đôi căn phòng và thân thể đàn bà quen thuộc tròn trĩnh sẵn sàng trên giường. Bây giờ nỗi thao thức của ham muốn giao hợp làm thân thể xúc động nhưng chàng biết rõ ràng đến ngày cuối cùng gần Bích, chàng sẽ làm tình vội vã và cố gắng đến mức tối đa chỉ để chiếm đoạt thêm ít khoái cảm làm trừ bị. Không thể thế này mãi được. Đột nhiên chàng thù ghét Định. Con người này đến đây như một đam mê thừa thãi và đầy hăm hở tìm kiếm. Còn chàng thì không, con cầu cũ ván long bắc qua một lạch nước khuất dưới một hàng dừa. Cầu dẫn từ bên nào sang bên nào, dẫn đi hay dẫn đến...

“Đi chưa chuẩn uý?”

Khuôn mặt người trung đội phó hiện rõ nét khi đầu thuốc loé sáng. Trời đã tối rồi. Chàng đứng dậy, vươn vai :

“Cho chuẩn bị đi. Đêm nay trăng mọc mấy giờ nhỉ?”

“Độ hai tiếng nữa. Đêm nay trung đội đi kích đâu chuẩn uý?”

Vũ bước qua bực cửa vào nhà :

“Cô bác ăn cơm xong rồi à? Sớm dữ vậy”.

Người đàn bà cười, đặt đứa nhỏ lên phản gỗ :

“Ăn sớm còn chun vô hầm chứ, chú! Buổi chiều đã tưởng có đánh lớn, hết cả hồn”.

Vũ ngồi xuống ghế, mở ngực áo lấy bản đồ đặt lên bàn ngay dưới chân cây đèn dầu:

“Cô bác cứ yên tâm, ở ngay cạnh đồn đâu có lo. Tụi chúng không dám đánh đồn chính quy giữ đâu... Anh coi đây này... Trung đội sẽ đi hướng này, kích khoảng đây”.

Viên hạ sĩ quan cau mặt, cúi đầu sát xuống, ngón tay vạch theo lộ trình phải đi, làu nhàu:

“Đại đội đóng đâu? Ông Hy nói vậy chớ ổng không đóng chỗ đó. Tui biết quá mà, trung đội mình chỉ nên đi đến đây thôi”.

Vũ đã đứng thẳng dậy không nhìn theo ngón tay người phụ tá đang dò dẫm trên mặt nhựa bọc bản đồ. Bao giờ cũng vẫn chuyện kỳ kèo thêm bớt ấy. Có ích gì không, đi thêm một nghìn thước hay đi dưới năm trăm thước đâu có phải là gần hay xa thêm cái chết. Hình như ở đây, các binh sĩ coi đồn như lòng người mẹ, càng gần càng thấy yên tâm hơn. Riêng chàng, chàng mong đêm nào đồn bị tấn công, trung đội chàng đóng ngoài xa. Trong bóng tối, những khu vườn, các lùm cây hứa hẹn nhiều lối thoát hơn và chiến đấu quen thuộc hơn. Ở trong đồn khi ấy là vùng đường cùng, tới đường cùng. Chàng không thích ở vị trí bức bí, chân tường.

Người lính đứng trên đầu dốc ngăn xe hiện rõ giữa luồng pha một chiếc xe đang leo lên bên kia dốc. Một tiếng chửi thề vẳng lại: “Muốn chết hả? Bảo tốp phải tốp ngay!”. Vũ vẫy tay cho trung đội qua quốc lộ, tản vào phía sau chợ, quay lại nói với Hy:

“Tôi đi cùng đại đội đến chỗ đóng quân rồi mới đi kích. Anh nhớ tới vị trí là đặt súng cối yểm trợ sẵn. Tôi sẽ đi bên phải lộ, thấy đụng, anh cứ làm đại vài phát tầm 700 sang bên trái lộ cho lính lên tinh thần. Chỗ ấy đất hoang, khỏi lo chết dân. Sáng nay đụng biệt động quân, chiều bị hai phóng lựu, tụi chúng có vẻ ngán”.

“Cứ yên trí. Cứ có đụng là tôi làm ba trái 60 liền cho anh. Đêm nay anh được liên lạc xin 81 trực tiếp yểm trợ, cũng đỡ lắm rồi”.

Một toán quân xuất hiện dọc bờ đường, những bóng đen im lặng mập mờ. Ngọn đèn măng-sông trong quán Tàu hắt ánh sáng xanh trên mặt lộ. Tiếng động cơ rồ máy và vùng trời phía dốc bùng lên trong luồng sáng có những đợt lăn tăn đuổi lẫn nhau, các bóng đen của cây, của người quệt ngang các vách tường dãy nhà bên kia.

“Nấp mau lên! Muốn tụi chúng biết hướng đi để ăn thêm lựu đạn sao! Tiên sư cái thằng Bi! Trao có mỗi việc chặn xe mà làm không được, còn đánh chác cái con c... gì!”

Chiếc xe chạy chậm dần theo dấu hiệu của Vũ đứng giữa lộ. Hy quát:

“Tắt đèn! Muốn bắn bể hả!”

Vũ lại gần xe, đèn vụt tắt làm chàng bắt đầu nhìn thấy tài xế đầu quấn một chiếc khăn hai màu đen trắng, hàm răng lờ mờ dưới ánh đèn yếu từ trần xe toả xuống. Hy nói lớn :

“Hỏi nó xem đi đâu mà chạy trối chết vậy”.

Bàn tay người tài xế buông thõng phía ngoài, cong lên chỉ về phía sau. Giọng nói sợ sệt :

“Mấy ông ở Bến Sa mướn đưa xác về tỉnh. Tụi tui không muốn... nghe lệnh phải...”

Một tiếng mũ sắt rơi trên mặt nhựa cứng làm đứt ngang câu nói người tài xế. Ngọn đèn phía sau xe tạo một không gian đỏ ửng, phủ lên khối gồ ghề dưới tấm vải bạt bẩn rách, Vũ bắt đầu nhận rõ hình dáng những đôi giày thò ra ngoài sàn xe. Một bàn tay, một cánh tay tiến dần vào vùng đỏ ửng, xuất hiện một khối không nguồn gốc, co quắp làm chàng không thể không kêu lên : “Đừng!”. Một nửa khuôn mặt người lính nghiêng vào vùng ánh sáng, chờ đợi. Chàng thấy một nỗi lo lắng, tưởng như rằng nếu người lính kéo tấm bạt phủ ra, một cái gì đó, một cái gì chưa xuất hiện lúc này, sẽ làm chàng không thể nào quên được, không thể xua đuổi hay tiêu diệt. Người lính lùi lại, mũi súng quệt một đường ngang va vào một chiếc chân thò ra ngoài sàn xe, vật nào đó dày đặc và nặng nề bên trong làm chiếc giày lắc lư chậm chạp và rõ rệt. Rồi chỉ còn một vùng ánh sáng đỏ, một khoảng mặt nhựa và chiếc chân buông thõng bất động. Nhiều tiếng bước chân lại gần phía sau mang chàng ra khỏi nỗi lo lắng cùng thứ chất liệu với lòng khiếp sợ ấy, chàng kêu lên:

“Làm cái gì mà sụm lại vậy? Xác chết, chứ có gì đâu mà coi!”

Hai âm thanh xác và chết như quyện lại rơi rớt trong miệng chàng. Xác chết, xác chết đó, nào có gì đâu. Chàng xốc lại súng trên vai, bước sang lề đường, la:

“Chạy đi!”

Chiếc đầu người tài xế ngoái lại, hàm răng lờ mờ mở rộng. Chàng vẫy tay nhắc lại câu nói:

“Chạy đi!”

Tiếng động cơ rồ mạnh, một mùi xăng khét ấm, vùng ánh sáng đỏ hơi chao đi mờ dần về phía cầu. Chàng đặt điếu thuốc vào môi, xoay nhè nhẹ cho nước bọt thấm vào giấy. Ánh lửa của bật lửa lòe sang trong lòng bàn tay, tiếng Hy từ khoảng tối đen đưa tới:

“Xe có bao nhiêu xác?”

“Ba hay bốn”.

“Bảo an hay tụi mình?”

“Bảo an. Toàn giày vải... Tối xuất quân nghe không, trăng sắp lên rồi”.

Các binh sĩ đã lẫn vào sau các lớp nhà quanh chợ, con lộ xuống tới chiếc cầu đúc lờ mờ trắng sau khúc quanh không có một vệt đen, một hình dáng. Chàng đi cùng Hy vào vùng ánh sáng xanh của chiếc đèn măng-sông treo trong quán cà-phê đầu chợ, nghe rõ từng tiếng gót giày cao-su đặc, êm và trầm trên đường nhựa. Một vài đốm lửa đỏ thuốc lá loé trên thành đồn bên trong hàng rào kẽm gai. Phảng phất mùi khói ấm khét của xe hơi và tiếng ai đái mạnh trên đất ở một khoảng kế cận. Người hầu bàn mặc mai-ô trắng và quần đùi xắn lên tận bẹn bắt đầu kê một tấm ván vào khe để đóng cửa khi chàng bước vào. Người em gái chủ quán mở ngăn kéo lấy xấp báo. Nụ cười của nàng làm khuôn mặt như tròn lại và màu da bớt xanh dưới ánh đèn, giọng nói lơ lớ vang trong khoảng yên tĩnh có vẻ ngái ngủ:

“Chính luận và Màn ảnh phải không chuẩn uý?”

Chàng cúi xuống mở tờ nhật báo đọc những hàng chữ lớn. Đại sứ Hoa kỳ đi dự hội nghị Honolulu. Hình một thiếu nữ đang dâng kéo cho một người tròn mập mặc đồ lớn đang cười. Tổng thống Huê-kỳ tuyên bố. Chàng lật phía sau coi mục quảng cáo xi-nê. Vĩnh Lợi, L’univers de nuit. Cấm khán giả dưới 18 tuổi. Phải đi xem phim này tối mai. Yên nói rất gay cấn, kiểm duyệt để cho coi rõ cả ngực, trông hoa cả mắt!” Chàng mỉm cười nhìn người con gái đang giũa móng tay, mặt cúi xuống:

“Tiền báo gửi hết rồi, chuẩn uý”.

Vũ mở ví, lấy ba mươi đồng đặt xuống bàn:

“Gửi cô trước. Mai tôi đi phép bốn ngày nên cô đừng mua báo hàng ngày. Chỉ mua hàng tuần thôi”.

Chàng tháo hai cúc áo, lôi tấm bản đồ bọc nhựa để xuống bàn, lấy bút. Trên bìa tờ Màn ảnh, một thiếu nữ mặc áo tắm đang giơ hai tay lên trời, môi he hé tóc xoã xuống vai. Chàng ngần ngừ chọn địa điểm đặt bút, phần ngực để hở quá ít không đủ chỗ. Chàng quyết định ký vào phần hạ bộ người con gái, kéo dài đuôi chữ ký xuống tận đầu gối.

“Chuẩn uý ký chi mà kỳ quá à!”

Chàng gập nhỏ hai tờ báo, kẹp vào giữa hai lớp nhựa, bỏ tất cả vào ngực:

“Phải cẩn thận như thế mồ hôi mới không làm mủn giấy...”

Thiếu nữ lắc đầu cười. Vũ xốc lại túi đeo lưng, cầm súng bước ra ngoài, nhắm nghiền hai mắt một thời gian ngắn cho quen với bóng tối.

Chàng cúi đầu tránh một cành cây là sát, xoạc chân bước qua hàng rào. Khu vườn, nhà, hàng rào kế tiếp nhau, giác quan chàng mở rộng đón nhận, phân tích từng tiếng trẻ khóc, tiếng lá cành cọ vào nhau, từng ánh đèn chập chờn ở xa, từng lùm cây tối đen. Binh sĩ đi trước bước hụt, gót giày va xuống đất làm Vũ khó chịu. Chàng đứng lại giơ tay ra dấu, toán quân hơi chùn lại rồi tản sang hai bên bờ đất, ánh đèn lọt qua khe vách ngôi nhà bên kia cùng tiếng nói nhiều người. Chàng thì thào vào tai trung đội phó:

“Đứng dậy, đợi tôi sang trước”.

Thoạt tiên chàng nhận ra một ngọn đèn để trên bàn, rồi chàng nhìn thấy ông già có chòm râu lơ thơ, một người đàn bà ngồi quay lưng lại, sau cùng chàng nghe hiểu những lời nói trao đổi : “Con nhỏ trót lỡ rồi, phải cho thằng Tám biết... Để vậy sao?”. Chàng đi dọc vách nhà, nhìn vào một khe khác ánh sáng yếu hơn. Một bóng trắng lướt qua ngọn đèn cầy, chàng nhận ra phần tròn trĩnh sau vách là chiếc bụng bắt đầu lớn của người con gái. Chàng cố nhìn cho rõ hơn xuống dưới nữa, nhưng không còn khe hở nào thấp hơn. Binh sĩ cận vệ tới gần, ghé sát vào tai thì thào:

“Phía trước nhà cũng không có gì lạ”.

“Anh trở lại bảo Ri cho trung đội sang đi”.

Một khoảng trống mở ra đến dãy nhà lờ mờ bên kia. Chàng tì vào cây cố gắng quan sát. Mắt và tai cố gắng tìm kiếm. Không có gì khả nghi. Bên trái quốc lộ, các gò mả đen thẫm từng vệt. Chàng vẫy tay, toán quân tiếp tục di chuyển.

Định bực dọc ấn mạnh ngọn nến xuống, buông tay ra. Ngọn nến từ từ đổ sang một bên, chàng vội đưa tay giữ lại, một giọt nóng bỏng rớt trên da làm chàng thốt ra một tiếng nguyền rủa. Một câu nói từ bóng tối phía sau:

“Chuẩn uý gắn lên đỉnh mũ sắt là được ngay”.

Chàng nghe lời, lật úp cái mũ xuống để sát đầu ghế bố, nghiêng nến cho giọt mỡ rơi đủng đỉnh:

“Anh nói có lý. Nó đứng vững thật”.

Ngả người nằm dài trên ghế, hai chân còn nguyên giày gác lên vách tường, chàng nhìn những đợt sáng đậm nhạt theo đường lồi lõm của mái tôn. Tiếng cười nói lao xao lẫn tiếng ngâm vọng cổ bên kia vách. Chàng vơ vẩn tự hỏi sẽ làm gì khi cuộc chiến này chấm dứt. Giải ngũ rồi làm gì? Trở về sở cũ rồi kệ tháng ngày qua. Cũng thú vị, không còn bị bó buộc, không còn phải nghe lệnh, không còn bị mất hết thời gian. Nhưng rồi sao nữa? Mỗi buổi sáng rửa mặt xong quần áo chỉnh tề đến một quán gần sở ăn sáng, uống ly cà-phê sữa, hút điếu thuốc đầu tiên cho tới khi nắng đã bớt màu vàng sẫm yếu để trở thành nhạt hơn cho một ngày sắp bắt đầu. Ngày hôm sau như ngày vừa qua, ngày hôm nay sẽ như ngày kế tiếp ngăn cách bằng một ngày chủ nhật đi lang thang con đường lớn, vào ngắm vài cuốn sách, ăn vài thứ quà vặt để tới tối ngồi trong một quán vắng mơ ước lăng quăng tới một tương lai có nhiều đàn bà hơn để sử dụng, để thay đổi. Những đêm yên tĩnh một mình hay với Linh và những ngày tháng qua đi. Tháng Hai, tháng Ba, tháng Tư và tháng Năm. Không, chàng đã không hài lòng, đã bực bội vùng vẫy để thoát khỏi chúng, những thứ bây giờ nằm đây dưới mái tôn với ánh sáng ngọn nến lập lờ chàng đang mong ước có lại. Giải ngũ chẳng giải quyết được gì. Sau cùng có lẽ chỉ còn có Linh, sự hiện diện của nàng, với thân thể và khoái cảm do nàng mang lại là làm chàng thấy tự đủ trong cuộc sống, nhưng không phải lúc nào và mãi mãi đủ. Sống liên tục cạnh nhau, nhiều khi Linh với những thứ nàng có không làm ghìm chàng vào hiện tại nữa, trí óc trở thành bồng bềnh và ao ước một cuộc sống khác. Ở nơi đây với ánh sáng ngọn nến đậm nhạt theo đường lồi lõm của mái tôn, chàng vùng vẫy và ước vọng, chàng đã vùng vẫy và ước vọng khi còn là dân sự, chàng sẽ phải vùng vẫy và ước vọng sau này. Những ước vọng có thể lớn và mang những danh từ đẹp, thần bí nhưng vẫn chỉ là những ước vọng để vùng vẫy tiến tới chúng. Tại sao cứ phải là như thế? Em không giúp được gì hơn cho anh sao, anh muốn có em và muốn có hiện tại tự đầy đủ cho anh chìm vào đó. Không, Linh không thể làm gì hơn, không thể giúp gì hơn là đôi mắt cúi xuống nhìn, hai bàn tay ấm nóng áp trên ngực khi chàng xa ra, rời đi, không còn ở bên nàng, không còn ở trong cuộc đời hiện có. Một binh sĩ lại gần, cúi xuống:

“Ông Yên bảo chuẩn uý ra sân uống rượu”.

Binh sĩ táy máy cầm cuốn truyện trên đầu ghế bố, chăm chú nhìn hình thiếu nữ mặc áo xanh dương nghiêng đầu:

“Sách chi mà dầy dữ vậy, chuẩn uý? Tiếng Tây hay tiếng Mỹ?”

“Tiếng Pháp”.

Chàng cúi xuống thổi ngọn nến, bước ra ngoài. Trăng chưa lên, các ngôi sao hiện rõ trên bầu trời, cột ăng-ten siêu tần số lắc lư theo chiều gió, ngọn mất hút trong bóng tối. Chàng hơi ngần ngừ nhìn bàn tay của tiểu đoàn trưởng chỉ vào một chiếc ghế kế bên.

“Xin đại uý cứ để tôi tự nhiên”.

Chàng đi vòng quanh bàn, hơi cúi đầu chào viên thiếu tá Mỹ đang nhìn chàng qua ly rượu vơi một phần.

“Anh uống xếc hay sô-đa?”

“Sô-đa, trung uý... Xin cứ tiếp tục... Tốp, cám ơn đại uý”.

“Anh này có vẻ tửu lượng cao đấy”.

Chàng đặt chai sô-đa xuống bàn, mỉm cười nhìn khuôn mặt tiểu đoàn phó hiện rõ trong ánh sáng hắt từ trong nhà ra:

“Cũng đại khái thôi, đại uý”.

Rượu lạnh thấm vào lưỡi, vào miệng, vào cơ thể làm chàng khoan khoái. Hai bờ tường luỹ chạy chéo dài, cao và xù xì làm chiếc sân thành một khoảng không gian chắc chắn. Chàng hỏi tiểu đoàn phó:

“Đại uý người miền nào? Tôi nghe giọng chỉ biết đại uý ở miền Bắc vào như tôi”.

“Tôi người Móng Cái”.

“Tưởng đại uý người Nùng”.

“Gọi là Nùng cũng không sai mấy”.

“Tôi nghe nói người Nùng nói tiếng Tàu giỏi lắm thì phải?”

“Tôi và vợ tôi vẫn viết thư cho nhau bằng chữ Hán. Có tụi con tôi thì không biết một chữ nào, như người Việt vậy. Anh có vợ chưa?”

“Rồi, đại uý. Đại uý có mấy anh chị tất cả?”

“Sáu. Bốn trai hai gái. Đứa út đang học trường Thiếu sinh quân. Chúng nó cũng lớn cả rồi nên tôi cũng đỡ lo khi về hưu”.

“Đại uý còn mấy năm nữa?”

Chàng uống một ngụm nước lớn, để chất lỏng chảy thật chậm xuống cổ, lắng nghe từng bọt hơi cay cay trên đầu lưỡi, cảm thấy vui vẻ và an bình với những bóng người nửa tối nửa sáng ngồi chung quanh và hai dãy tường luỹ kéo dài mất hút vào bóng tối dưới lô-cốt đại liên.

“Tôi còn một năm nữa thôi”.

“Lương hưu trí có nhiều không, đại uý?”

“Chẳng bao nhiêu. Nhưng vườn cam năm nay bắt đầu có hoa lợi”.

“Đại uý có vườn cam kia à! Mấy chục mẫu, đại uý?”

“Ba mẫu thôi. Có đeo sao hoạ chăng mới có mấy chục mẫu... Tôi đại uý già làm sao được chế độ cũ chia cấp như mấy ông ấy”.

“Có lần tôi lên cao nguyên, thấy có chỗ công binh đang san đồi làm đồn điền cao-su. Chắc cũng là làm cho mấy ông bự?”

Khuôn mặt người sĩ quan già hình như thoáng có một nụ cười, nụ cười chịu đựng mọi sự, không thắc mắc, không so sánh. Chàng rút thuốc mời.

Vận nghiêng người với chai rượu, mở nút:

“Làm một chút nữa, đại uý?”

Viên đại uý lắc đầu, úp bàn tay lên miệng ly. Định giơ ly lên:

“Cho tôi thêm... Rồi, cám ơn bồ”.

Vận cười, đóng nút chai thật mạnh:

“Anh biết lần biến cố chót, bọn tôi có về đóng ngã ba xa lộ không? Vui và tiếu lâm không thể tả được. Đại đội tên Hy được lệnh bố trí tại ngã ba và đợi lệnh. Lệnh bổ túc không thấy tới. Thế là nó và thằng Vũ mở trò: Sài Gòn đi lên, không cho. Đi về Sài Gòn, không cho nốt. Quân bên nào, đơn vị nào cũng mặc, nhất định không cho ai qua hết. Hai đứa gối túi đeo lưng nằm giữa xa lộ ăn mía hút thuốc thâu đêm, kệ hai đầu xe đủ loại đỗ đen kịt, công xa quân xa xe đò đủ loại đủ cỡ”.

Định hỏi:

“Thế rồi sao?”

“Đến mười giờ sáng được lệnh rút về. Thế chứ còn sao nữa. Thằng Vũ lừng khừng tuyên bố: Bảo bố trí tại ngã ba thì bố trí. Bố trí thì tất xe không qua được...”

Vận cười lớn, cúi xuống hạ thấp giọng:

“Hồi đó đại uý tiểu đoàn trưởng này mới là trung uý tiểu đoàn phó. Còn tiểu đoàn trưởng cũ, nghe đâu vì giải thích là đã cho quân chặn đường phe địch tăng viện về Sài Gòn nên được các quan cho thăng thiếu tá và đổi một phát về Sài Gòn”.

Yên ngồi bên kia bàn, gần tiểu đoàn trưởng, nói chen vào:

“Nếu phe kia thắng, sẽ giải thích là đóng quân sẵn sàng đợi lệnh về Sài Gòn dẹp loạn. Đằng nào thì cũng lên thiếu tá được!”

Tiếng cười ồn ào quanh bàn, thiếu tá Mỹ cười theo, hỏi:

“Các bạn có gì vui thế?”

Vận cao giọng hướng về phía tiểu đoàn trưởng, hơi rượu phà vào mặt Định làm chàng nhăn mặt:

“Đại bàng cho phép dịch cho quan Đại Mỹ nghe chơi chăng?”

Tiểu đoàn trưởng ngả người vào thành ghế xích đu, lắc viên đá trong ly rượu, cười :

“Muốn dịch thì dịch đi!”

Định đứng dậy ra góc sân, đái vào hố chàng đã đứng cạnh và tắm vào buổi trưa. Men rượu chếnh choáng. Ngẩng đầu lên nhìn trời, trăng chưa mọc, chàng quay lại, vừa cài cúc quần vừa đi vào bàn. Tiếng súng đột ngột nổ liên tiếp làm chàng đứng sững lại giữa sân lắng nghe. Một vài binh sĩ chạy băng qua, nhảy xuống hố súng cối 81. Các câu nói thanh, ngắn và lớn xen nhau: “Gần thôi phía bên kia cầu...”, “Hướng 3400, lẹ lên!” Nửa vòng nữa!”. Hai tiếng nổ lớn vọng lại, Định bước lại gần bàn rượu. Yên quỳ trên đất mở lớn tấm bản đồ trước tiểu đoàn trưởng, tay cầm bút chì mỡ giơ sẵn, mắt hướng vào phía trong. “Vặn to lên chút nữa!”. Tiếng rè rè lịch kịch, các âm thanh điện tử lộn xộn phát ra. Tiểu đoàn trưởng la: “Làm ăn cái con khỉ gì vậy! Đã cho lệnh mở máy thường trực, bây giờ còn lụi cụi điều chỉnh để đợi chúng đánh cho há hốc miệng ra hả!”. Tự dưng chàng nhận thấy bây giờ, tiểu đoàn trưởng, viên cố vấn, tất cả những người quanh bàn đều nhìn vào phía trong nhà, phía treo chiếc loa khuếch đại, hình như cùng tin có thể nhìn thấy qua cái vật hình vuông rè rè chói tai ấy trận chiến đang tiếp diễn ngoài kia. Tiếng la trách nhau của các quân nhân ụ súng cối vẳng tới, chàng nghe rõ tiếng hộp các-tông đựng đạn va vào vách tường đồn. Giọng Vũ bắt đầu rõ ràng hơn: “... Vĩnh! Vĩnh! Cho thêm hai trái đạn nổ vào nghĩa trang bên trái quốc lộ, cách đường 200... Tôi nhắc lại, hai đạn nổ nghĩa địa bên trái đường cách mặt lộ 200!”. Các cái đầu cùng cúi xuống bản đồ theo ngọn bút chì mỡ của Yên: “Chỗ này!” Chắc thường Vũ ở bên phải quốc lộ hướng Bắc bình Du-lu (Zoulou)... Tiểu đoàn trưởng và viên cố vấn cúi sát hơn. Hac-đy vội cầm chiếc đèn pin trên bàn, rọi lên bản đồ. “Hỏi thằng Vĩnh ba xem có cần yểm trợ không!”. Chàng theo Yên đến ụ súng cối. Tiếng Yên nhỏ và chậm, ngắt từng đoạn: “Hướng 3500, cao độ 62... 3500, 62”. Khối dài đen từ từ ngóc cao hơn, ánh đèn pin soi bọt nước trên ống ngắm chói sáng. “Thôi, quá rồi. Trái nửa vòng mau!”.

Vũ quỳ lên cố gắng quan sát. Các đốm lửa không còn loé sáng bên kia lộ. Khẩu trung liên bên cạnh tiếp tục tạo những vệt đỏ dài lao vào một mái nhà. Chàng đưa chân đạp mạnh vào mông xạ thủ: “Ngóc cái đầu lên nào! Định bắn chim đấy hả?”. Người lính chồm lên. “Bắn sát mặt lộ cho tôi một băng nữa”. Có một bàn tay đập đập vào chân, chàng quay lại:

“Cái gì?”

“Tư tưởng Đống đa hỏi có cần yểm trợ 81 không?”

Chàng cầm ống liên hợp, cố giữ cho hơi thở điều hoà:

“Thẩm quyền Vĩnh ba tôi nghe... Thôi, không cần... Tụi chúng rút rồi... Vĩnh! Vĩnh! Đây Vĩnh ba nghe không trả lời... Thôi bắn 60, thôi bắn 60!”

Đưa ống liên hợp lại cho hiệu thính viên, chàng quỳ thẳng dậy, không gian im lặng. Chàng gần như chỉ còn nghe thấy tiếng thở mạnh và tiếng ho khan rải rác. Chung quanh, những vệt thẫm nhạt bất động. Chàng quay đầu nhìn tứ phía, không còn dấu vết hoạt động nào của địch. Chàng cất tiếng hỏi:

“Ra, tiểu đội 1 có ai bị không? Tiểu đội 2?”

Các giọng nói quen thuộc từ bóng tối, trong lùm cây, bờ đất lao xao:

“Vô sự, vô sự chuẩn uý...”

Hiệu thính viên kéo máy lom khom lại gần, đưa ống liên hợp:

“Cả Tư tưởng Đống đa lẫn Đống đa cho lệnh báo cáo”.

Chàng tiếp tục nhìn vào khoảng đen thẫm nhạt bên kia quốc lộ, nói thấp giọng vào máy:

“Vĩnh ba báo cáo vô sự. Địch hướng về hướng sông, phỏng đoán là thám báo địch. Sẽ sang lục soát chiến trường trong năm phút nữa. Chấm hết”.

Chàng cài vội ống liên hợp vào máy, không muốn nghe thêm các âm điện tử lẫn với những tiếng nói xôn xao đòi hỏi. Trăng chưa lên khỏi rặng cây chân trời nhưng một thứ ánh sáng nhàn nhạt, buồn tẻ, bất định đã làm các sự vật bắt đầu có đường nét rõ, gãy gọn hơn. Chàng cất tiếng, giữ cho vừa đủ nghe:

“Tất cả nạp một kẹp đạn mới! Tiểu đội 1 theo tôi”.

Chàng đứng dậy, đầu và nửa thân phía trên chợt mát lạnh trong gió. Ngọn cây phía sau xào xạc, không gian chưa trở lại bình thường trong thứ ánh trăng còn non và nhạt nhẽo. Chàng giơ cao tay hạ xuống ra lệnh, những bóng đen vụt băng qua lộ. Chiếc cầu trắng phía xa, các căn nhà bên kia có những hàng cột đen phía trước chờ đợi. Dưới các mũ sắt, các đôi mắt không là gì hơn một khoảng đen thẫm hơn nhưng chàng biết chúng có đó và đang hướng về chàng chờ đợi. Chờ đợi gì? Một tiếng nổ làm chàng gục xuống hay một cái chết đột nhiên cho họ. Tứ bề vẫn mờ nhạt trong thứ ánh sáng không dứt khoát và khó chịu, chàng nói:

“Chắc chắn tụi nó chuồn hết rồi. Anh ra chia làm hai toán đi lục soát dãy nhà và nghĩa địa. Tôi đợi đây”.

Chàng đặt khẩu súng xuống mặt nhựa, bỏ mũ xuống cố gắng bật lửa châm thuốc. Luồng gió đều đều làm tạt ngọn lửa nóng bỏng trên tay. Chiếc bật lửa rơi xuống tạo một tiếng va ngắn trên mặt đường. Tiếng nói cất lên từ phía sau:

“Chuẩn uý đứng thế, trông rõ lắm”.

Không hiểu vì lý do gì, chàng đột nhiên có cảm tình với giọng nói đó, giọng nói vô danh, gần như không thuộc về một người nào đằng sau, có vẻ như phát sinh từ cái không gian lờ mờ hỗn độn đang bao quanh. Chàng ngồi xuống, kẹp chiếc mũ giữa hai đầu gối, gắng bật một lần nữa, đầu như lọt vào trong mũ khi vùng lửa đỏ bùng lên. Khói thuốc êm ả, mơn trớn làm chàng chợt nhận ra lưng, ngực ướt đẫm mồ hôi, những giọt buồn buồn chạy dài, dừng lại một khoảnh khắc ở thắt lưng rồi biến đi. Các nhà bên kia có tiếng lao xao, chàng lắng nghe, tiếng động vụt im. Tiếng Ra trầm khẽ từ một khoảng trũng bên vệ đường:

“Tụi chúng chắc bị hai tên. Có hai vũng máu sau bếp cái nhà kia”.

Chàng tì một tay ngả người thấp xuống, cố định rõ hướng theo cánh tay Ra. Không gian ánh sáng rõ hẳn lên, mặt trăng tròn đã lên khỏi rặng cây, chàng nhận thấy tấm kim khí trên cổ tay người phụ tá lắc lư theo một nhịp điệu. Hai binh sĩ xuất hiện, hối hả lại gần:

“Tụi chó đẻ, chuẩn uý! Tụi chúng ban nãy đã nấp sau chuồng bò. Chính thằng Vịnh trông rõ ba đốm lửa hướng đó, quật vô một băng trung liên... Làm một con bò chết ngắc, một con ngắc ngư... Chuẩn uý cho gọi chủ bò dậy mổ lấy bán thịt?”

Chàng cúi xuống hút một hơi điếu thuốc để trong lòng mũ, trả lời không suy nghĩ.

“Cũng được. Anh Ra cho trung đội bố trí quanh khu này rồi hãy cho dân ra khỏi nhà”.

Hai bóng đen khuất đi, chìm lẫn vào bóng tối của hàng cây. Tiếng đập cửa vang lên trong vùng yên tĩnh: “Cô bác mở cửa đi! Tụi tôi Cộng Hoà đây!”. Chàng cúi xuống hút một hơi thuốc trong mũ, tiếng gọi và đập cửa lúc rõ lúc mờ theo sức mạnh yếu của gió. “Cô bác mở cửa... Cộng Hoà đây!”. Chàng ngửa cổ cho gió lùa xuống ngực, các giọt mồ hôi se dần trên da. Các tiếng nói lẫn lộn, trao đổi, một vùng ánh đèn xuất hiện làm các bóng người hiện ra thành từng vệt dài trải về phía lộ. Vùng ánh sáng di chuyển về phía chuồng bò, những tiếng động khó xác định xuất xứ bắt đầu nhiều hơn. Chàng như muốn ngái ngủ, ánh đèn di chuyển qua các bóng xuất hiện trên tường làm đứa trẻ là chàng hơi sợ hãi kéo chăn lên trùm kín mít, giấc ngủ đến êm đềm và buổi sáng đến trong tiếng gà mẹ gọi con ngoài sân, những khung vàng nhạt trên vách của ánh nắng mặt trời qua khe hở trên khung cửa căn nhà tại quê cũ. Hơi nóng đầu thuốc bắt đầu toả vào ngón tay, chàng cúi xuống cố hút một hơi chót, buông mẩu thuốc xuống, bốc đất phủ lên từ từ. Chàng đứng dậy.

Vùng ánh sáng rực rỡ hẳn lên khi chàng bước vào sân nhà. Một đứa bé ngái ngủ ngồi thần người trước ngọn đèn nhỏ đặt trên đất, chàng dừng lại một khoảng thời gian, nhận ra đó là một đứa gái tóc rối rủ trên vai áo rách lộ một khoảng da trắng nhạt. Một nỗi xúc động xuất hiện, chàng tự nhủ: Nào có gì đâu, một cô bé gái ngồi ngái ngủ cạnh ngọn đèn dần, chỉ có vậy. Nhưng nỗi xúc động vẫn còn đó, ray rứt và bí ẩn. Chàng băng qua sân, tới tì tay vào một then ngang nhìn vào chuồng bò: một con vật nằm dài mất một bên đùi, một người đàn ông cởi trần ngồi quay lưng lại lúi húi xẻ thịt, thỉnh thoảng bê một khối bầy nhầy vứt vào chiếc thúng. Nỗi xúc động tan biến đi khi chàng nhìn rõ người đàn bà ngồi cạnh thúng, hai tay tì trên đầu gối, bàn tay buông thõng xuống gần chạm đất. Tuyệt vọng và khốn khổ có đó rồi, điều chàng âm thầm lo sợ nó hiện ra đầy đủ như thế với hai vệt nước mắt trên da mặt đã bắt đầu nhăn của người đàn bà. Người đàn ông cởi trần mệt mỏi đứng dậy vặn người, hai bàn tay mở nguyên, giang cách xa thân hình, các vệt máu bết dày đen thẫm óng lên giữa các kẽ ngón. “Giúp tui một chút chứ! Ngồi đó mà khóc ích chi!”. Con bò thứ hai đứng sát vách chuồng đối diện bắt đầu run rẩy dữ dội, hai chân trước lẩy bẩy, các vết đạn thủng lỗ chỗ trên lớp lông vàng bết máu. Một bóng đen lại gần ngay cạnh làm chàng quay nghiêng đầu, nhận ra khuôn mặt binh sĩ xạ thủ trung liên đã chúi đầu bắn cả một băng đạn lên mái nhà. Nửa người trung đội phó đột hiện rõ trong vùng ánh đèn, đôi mắt nhỏ long lanh phản chiếu ánh sáng lộ vẻ điềm đạm, chàng thèm muốn có được thái độ ấy vì nỗi xúc động còn đang tiềm tàng, ray rứt. Có gì mà phải... đã có những dân nào bị chết... Chàng đứng thẳng người dậy, lấy thuốc châm hút. Phải rồi, có lẽ thế, chàng đã dửng dưng nhìn nhiều xác chết nhưng nhìn rõ chúng trong tư thế cứng ngắc, thực chết. Còn buổi tối, khối vô định dưới tấm bạt chiếc giày thòi khỏi sàn xe lắc lư trong vùng ửng đỏ và bây giờ nỗi thống khổ hiện ra kia, con bò run rẩy hấp hối và người đàn bà ngồi khóc. Ra nói với người đàn ông: “Bác mổ con kia đi. Nó sắp chết rồi”. Người đàn ông làu nhàu một câu không rõ, lại gần vách cầm khúc gỗ lớn, nhưng một người đã vụt bước vào đánh ngược báng súng vào đầu con bò. Con vật loạng choạng gục xuống, tứ chi tiếp tục run khẽ. Chàng nhận ra người đánh báng súng là xạ thủ trung liên. Bây giờ đầu hắn cúi xuống, vài đợt tóc dính bết mồ hôi trên trán. Ra nói: “Bán thịt cả hai con được chừng bao, bác?”. Người đàn bà im lặng giơ tay quệt ngang mặt, chàng gọi nhỏ: “Ra, Cát, rút đi thôi...”. Chàng hướng ra phía lộ và khi đi qua đứa bé ngồi trước ngọn đèn, chàng chợt nhớ ra đêm khuya ở quê ngoại, mẹ chàng đặt chàng ngồi cạnh ngọn đèn để giúp người bà săn sóc mấy con heo, bệnh bất ngờ. Mặt quốc lộ như không còn một vết bụi, loang loáng ánh trăng chạy dài về phía cây cầu đúc, chàng vẫy tay cho quân vượt qua khu đất trống, bóng tối của rặng cây cao úp phủ lên làm chàng bắt đầu nghe thấy tiếng dế kêu trong cỏ.


*

Chị nghiêng đầu lắng nghe, không gian đã trở lại bình thường, có tiếng lao xao trong khu vườn bên kia nhà: “Yên rồi... Lên đi”. Đốm lửa đỏ đầu thuốc loé lên soi rõ chiếc mũi bóng loáng mồ hôi của Ba, mùi khói ấm toả ra nồng nặc : “Lên thôi, anh! Hết súng rồi”. Chị giơ đứa con vào hai cánh tay chồng lờ mờ trong miệng hầm, đứa bé mê ngủ quẫy mạnh.

“Nhà có bị sao không mình?”

Tiếng Ba từ một góc tối vẳng lại:

“Không có sao hết”.

“Sao tối nay mấy ổng đánh nhau sớm như vậy há? Trăng mới lên mà”.

Ba không trả lời, có tiếng ly va chạm vào nhau và tiếng nước chảy ở bàn, trăng đã bắt đầu làm rõ các cây cối ngoài vườn. Chị khẽ đẩy đứa bé vào phía trong, ngồi dựa vách nhìn ra ngoài khe cửa. Có tiếng heo ủn ỉn lại gần, chị ghé sát khe nhìn ra, gọi khẽ:

“Hai con heo hổng chịu vô chuồng ngủ!”

“Biết sao. Ra bây giờ dám đụng mấy ổng bất tử...”

Một bàn tay cứng ngắc lẫn mùi thuốc quàng quanh người, kéo chị ngả xuống ván, rồi một sức nặng nóng cứng thoảng hơi rượu phà vào mặt. Chị hoàn toàn buông thả, hài lòng nhưng vẫn thì thào:

“Thôi đi. Đợi chút đi, giờ này dám mấy ảnh tới gõ cửa bắt đi đắp mô”.

“Mô nè!”

Bàn tay Ba làm một bên ngực chị đau tê dại:

“Nhẹ chứ, thằng nhỏ dậy bây giờ!”

... Tiếng Ba còn thở mạnh, chị ngồi dậy khua tay tìm quần. Ba co chân đặt lên chặn lại. Chị cười khẽ:

“Nhậu say, ham dữ hôn!”

Cánh tay lại vòng quanh lưng kéo xuống, chị ngả người theo chiều kéo, mở rộng thân thể chiều đón. Đột nhiên chị nghiêng người, hay tai vít vai Ba bất động, lắng nghe tiếng loa văng vẳng qua vách.

“Thôi xuống đi mình. Mấy ảnh về rồi đó. Để sức mà đi đắp mô”.

Ba úp chụp xuống giữ nguyên chị ở vị trí cũ:

“Mấy ảnh về cứ về. Tui cứ lo việc của tui!”

“Dữ hôn. Một lần rồi chứ nào phải... Nhậu lắm vô rồi lộn xộn hoài với tui!”

Ba thở mạnh nín thinh, nhưng chị không còn hứng thú. Tiếng loa đã nghe rõ hơn giữa tiếng chó sủa, chắc mấy ảnh đã về đến nhà bà Sáu. Chị rướn người chiều ý chồng, tiếng loa cắt đứt từng tiếng lọt qua vách làm thân thể trơ cứng, và khi Ba run rẩy hối hả rồi ngả người lăn sang bên cạnh, chị vội vã ngồi dậy nhìn qua khe. Ba bóng đen băng qua vườn, tiến vào sân. Chị quờ tay lay chồng:

“Mấy ảnh tới kia!”

Ba ngồi dậy, bước xuống đất lom khom mặc quần. Tiếng gõ cửa nhẹ, một giọng nói như cố làm ra vui vẻ và thân mật:

“Mở cửa cô bác! Chưa chín giờ đã đi ngủ dữ đa...”

Tiếng then cửa va lạch cạch, ánh trăng vụt hiện một khung vuông trên nền nhà. Chị nhìn qua vai chồng, cố nhận diện ba hình đen thẫm đứng xoay lưng lại ánh trăng, một tiếng ho nhẹ gần như quen thuộc. Giọng nói cũ tiếp tục:

“Phiền anh chị ra mần mấy cái mô... Cho tụi tay sai đế quốc Mỹ ngắc ngư chơi”.

Một tiếng cười nhỏ chấm dứt câu nói, trơ trọi lạc lõng, Ba nín thinh đứng im, chị nín thinh nghĩ tới nỗi mệt mỏi từng nhát cuốc bổ xuống đất cứng tê dại cánh tay trong bóng đêm, mồ hôi chảy ra ướt đẫm vai lẫn sương đêm và sáng hôm sau từng toán quân vào xã thu thẻ kiểm tra với một câu nói nửa mời mọc nữa đe doạ: “Phiền cô bác ra phá giùm mấy cái mả Hồ Chí Minh cho xe đò lưu thông, đồng bào buôn bán làm ăn chút chứ... Tụi tôi đợi trả thẻ cô bác ở lộ”. Cứ như thế bao lần rồi, chị mỏi mệt nhắm mắt lại, người như muốn rã rời. Tiếng chân Ba bước nhanh lại góc nhà, ánh trăng mất vật cản ùa vào mặt và vẫn một tiếng ho quen thuộc ấy làm chị mở bừng mắt cố nhận rõ mặt người đàn ông từ lúc đầu vẫn đứng dưới bực thềm, bất động. Ba lại gần cửa, tiếng thuổng va vào cột vang động như một nỗi bực tức không dám thổ lộ. Chị nói:

“Thôi mấy anh cho tui ở nhà bữa nay. Tui đang đau, cả đứa nhỏ nữa”.

“Thôi mà. Anh chị ráng chút chút, đóng góp cho giải phóng nhân dân... Đừng có lo! Tụi chúng không dám bắn vô đầu đồng bào đâu. Mấy bữa trước tụi chúng bị đồng bào kéo lên kiện trên quận vì bắn vô xã đó, còn ớn mà”.

Tiếng nói từ bóng đêm đứng ngoài thềm cất lên, thật quen thuộc làm chị sững sờ :

“Thôi, để chị ở nhà bữa nay. Đứa nhỏ đau mà”.

Xúc động đột ngột dâng lên làm chị nghẹn ngào, bàng hoàng. Đúng Hải, đúng Hải rồi, Hải chưa chết và đêm nay trở về đứng ngoài thềm trong ánh trăng với những tiếng ho dè dặt. Chị hơi rướn người về phía trước như để nhìn rõ hơn khuôn mặt chìm trong bóng tối, tiếng loa gọi theo chiều gió lan tới, những người đàn ông im lìm khoảnh khắc như ngủ thiếp. Không ai nói gì thêm và chị đứng đó cứng người ra, thân thể Ba bên cạnh chỉ còn như một cái cột, một vách tường, những bóng đen ngoài hiên như cây cỏ trong vườn. Ba thở dài thật khẽ bước qua bực cửa, lẫn vào trong những bóng đen, lưỡi thuổng loang loáng hắt ánh trăng. Chị mơ hồ thấy đất lạnh thấm vào gót chân, cơ thể thôi rướn căng về trước, Hải đã trở thành bóng đen mờ mịt tan lẫn vào khu vườn, khoảng hiên trắng dưới ánh trăng yên tĩnh. Chị bước ra ngoài ngồi xuống bậc thềm, hơi đất thấm vào mông vào đùi, ánh sáng trăng tứ bề, trên tóc, trên bàn tay, trên nỗi xao xuyến mong ước và tuyệt vọng. Hải đó, chưa chết và trở về như một bóng đen trên thềm đất, như một lôi cuốn tàn bạo làm người chị rũ rượi như khi tiếng súng uy quyền bắt chị lết xuống căn hầm nồng mùi đất ẩm mùi thuốc lá của chồng. Hải đã trở lại, Hải của buổi trưa ven sông lao vào Tía chửi rủa đấm đá túi bụi và chị đứng sững sợ hãi, muốn can hai kẻ, muốn chạy, muốn kêu. Hải của đồn bốc cháy ngùn ngụt, Hải chạy băng qua ruộng mía, sờ soạng vội vã và lục lạo, co quắp sức mạnh trên thân thể chị trên lớp lá cây xào xạc trong bóng đêm. Tiếng loa, tiếng ồn ào rầm rì từ phía trụ sở hội đồng xã vẳng lại, chị ngồi im trên thềm, ánh trăng rải đầy trên sân trên lá cây, lắng nghe tim đập khắc khoải. Chị ngồi im trên thềm, chờ đợi. Chờ đợi Hải sẽ trở lại, chị biết thế, hắn sẽ phải trở lại để sờ soạng, co quắp sức mạnh trên thân thể chịu đựng chiều đón. Không thể tuyệt vọng hơn được, mọi sự sẽ phải đến như thế. Tiếng loa, tiếng ồn ào rầm rì, tiếng chân người lan dần về quốc lộ. Da thịt khe khẽ ướt át nhờn trơn, mông bắt đầu ê ẩm, chị muốn đứng dậy ra vại nước tắm, chị muốn đổi thế ngồi, ánh trăng làm lo âu tăng cao dần, chị muốn lùi vào nhà, ẩn dưới hiên, trong bóng đêm. Nhưng cơ thể vẫn bất động, ánh trăng trên đất trên lá cây, tràn đầy trên tóc trên tay, trên nỗi chờ đợi đến tuyệt vọng một bóng đen sẽ từ bụi rậm, bờ cây xuất hiện như một sức mạnh co quắp phải đón nhận trên thân thể đang tê dại, rũ rượi, nhờn trơn.
Nguồn: Thế Uyên, Tiền đồn. In tại Nhà in Phạm NgÅ© Lão, 293 Phạm NgÅ© Lão, Sài Gòn. Thời Má»›i in lần thứ nhất, ngoài các bản thường có in thêm 30 bản đặc biệt. Giấy phép xuất bản số 174/BTLC/BC3/XB ngày 21.2.1967. Tác giả giữ bản quyền. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.