“Dòng máu anh hùng†- Ứng cứ viên sáng giá giải và ng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15
“Vì một nền điện ảnh Việt Nam Ðổi mới và Hội nhập
“ – đó là tiêu chí của Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 15 (diễn ra tại TP Nam Định vào cuối tháng 11 sắp tới). Tiêu chí này đang và sẽ đúng với hướng phấn đấu của nền điện ảnh nước nhà hiện nay và… 100 năm tới. Nếu được xác định một cái đích gần hơn - kể từ Liên hoan phim này tới Liên hoan phim sau - thiết tưởng tiêu chí ấy nên là TĂNG CƯỜNG TÍNH HẤP DẪN CỦA PHIM ẢNH, NHANH CHÓNG BƯỚC RA KHỎI TÌNH TRẠNG LÀM PHIM NGHIỆP DƯ HIỆN NAY.
Nếu xác định như vậy, bộ phim
Dòng máu anh hùng sẽ trở thành một ứng cử viên thật sáng giá.
Có nhiều cách định giá chất lượng nghệ thuật, cái hay cái dở của mỗi bộ phim. Xem một lần từ đầu tới cuối phim. Xem lại lần thứ hai, thứ ba... Cũng đôi khi chỉ xem 5, 7 hình ảnh đầu đã linh cảm được ngay đấy sẽ là một bộ phim như thế nào.
|
Diễn viên Ngô Thanh Vân và diễn viên Dustin Nguyễn |
Với bộ phim
Dòng máu anh hùng, tôi sửng sốt ngay từ dăm ba khuôn hình đầu tiên như thế – những khuôn hình của một thứ điện ảnh “thứ thiệt”. Nhưng ở thời điểm đó tôi biết kìm hãm sự nông nổi, cảm tính của mình: “Chờ đấy! Chả có khối bộ phim ‘bắt mắt’ ở cảnh đầu, trường đoạn đầu đó sao!”.
Bố cục, góc đặt máy, sự phân bổ ánh sáng của từng khuôn hình (tĩnh và động) được tính toán kỹ càng, thật hoàn chỉnh cứ thế cho đến tận những khuôn hình cuối cùng. Một bộ phim thiên về phim hành động, người am hiểu nghề nghiệp một chút sẽ thấy ngay khâu dàn cảnh là một thử thách rất lớn đối với người đạo diễn. Hai hoặc ba người đấu võ trong
Dòng máu anh hùng tại những căn buồng chật hẹp ở phố cổ Hội An, trong một toa tầu - làm sao đây để từng cảnh không sộc sệch, mang chất nhựa để có thể kết dính vào nhau, và điều quan trọng hơn để người xem không chỉ nhìn thấy việc mà vẫn phải nhận ra sắc diện, tâm tư, tình cảm của nhân vật – quả đâu phải là chuyện đùa! Tôi cũng nhớ những đại cảnh trong
Dòng máu anh hùng như cảnh lính Pháp tàn sát thường dân ở làng nọ, cảnh công nhân mỏ làm lụng dưới ngọn roi vọt của chủ Pháp và cai người Việt. Xin đừng tự ái để thừa nhận cùng nhau rằng, trong các bộ phim về đề tài lịch sử mà nền điện ảnh nước nhà đã làm ra, chưa thấy có những đại cảnh nào giàu tính chính xác, độ tin cậy, sự sinh động, đồng thời cũng giàu năng lực điều khiển nhân vật và máy quay đến như vậy!
Xin trở lại với yếu tố chiếu sáng. Ðối với việc làm phim vốn liếng còn quá đạm bạc như hiện tình của điện ảnh nước nhà, khi làm phim đề tài lịch sử, vấn đề cải tạo, xây dựng mới bối cảnh cũng là một thử thách cực lớn khác. Biến một Hà Nội, Sài Gòn của thế kỷ 21 thành Hà Nội, Sài Gòn của những năm 1930, 1940 đâu là chuyện dễ dàng khi đồng tiền chi cho việc làm phim quá chắt chiu. Ấy thế nhưng khi quay bằng phim màu, các nhà điện ảnh của chúng ta cứ cho mọi màu sắc được chen đua nhau đúng là... khoe sắc; còn các nguồn chiếu sáng thì thả hết công suất để mọi nơi, mọi góc đều sáng bừng như nhau. Phim
Dòng máu anh hùng là phim màu đấy, nhưng chọn “tông” chủ đạo là đen - vàng, hiệu quả vừa góp phần gợi lại cái u tịch, xa xưa của những năm tháng dĩ vãng; cộng thêm với việc bố trí nguồn sáng như thế nào đó, chính cái “tông” kia đã khép lại bớt những bối cảnh không cần thiết, không cần phí tiền để cải tạo. Phải chăng sự khôn ngoan này không là dấu ấn của tay nghề sao?
Trong phần hoàn chỉnh kịch bản, làm hợp lý và nổi rõ tâm lý, tính cách của các nhân vật chính, phụ có rất nhiều ưu điểm. Nó chứng tỏ các tác giả biên kịch, đạo diễn phim
Dòng máu anh hùng đã hết sức tâm huyết, hết sức dụng công, đã thực sự “sống” cuộc sống điện ảnh với các nhân vật của mình. Và điều quan trọng hơn là cũng rất có nghề! Chỉ xin nêu ra đây một ví dụ. Với 3 nhân vật chính trong phim, các tác giả đã cho họ cân bằng tài sức, không ai chịu yếu hèn hơn ai. Trong các cuộc quyết đấu của ba người, các tác giả của bộ phim đã soạn thảo ra một loạt phương án và chọn lấy những phương án tối ưu nhất – tất cả đều bất ngờ và đều ngoài dự kiến của người xem. Xung đột cứ thế mỗi lúc một tăng cao, không hề thuyên giảm cho đến tận cuối phim, tạo nên sức hút người xem. Có lẽ cũng là thừa nếu phải nêu thêm điều này: mọi diễn tiến về tâm lý và hành động của các nhân vật đều nẩy sinh và triển khai tự nhiên, hợp lý, đầy sức thuyết phục. Tôi cho rằng, về phương diện này, các tác giả của
Dòng máu anh hùng đã tiếp nhận xuất sắc và vận dụng hiệu quả “hạt nhân cơ bản” của phim hành động nói riêng, của điện ảnh Hollywood nói chung.
Lẽ đương nhiên sẽ có ý kiến phàn nàn:
Dòng máu anh hùng là phim về đề tài lịch sử, nhưng trang phục ấy, các môn phái võ nhân vật thi thố với nhau ấy, bối cảnh ấy có điều gì đó cần phải tranh cãi xem đã thật Việt Nam chưa?
Xin được thưa rằng,
Dòng máu anh hùng là một phim thiên về hấp dẫn, giải trí. Bạn cứ nêu những hoài nghi, thắc mắc ra, nhưng chắc bạn cũng sẽ đồng ý với tôi điều này – trang phục ấy, bối cảnh ấy, các môn phái võ ấy tuyệt nhiên không gây mảy may sự phản cảm trong bạn.
Còn điều này nữa xin đừng quên: Khi kể chuyện về một giai đoạn lịch sử đã qua của dân tộc Việt Nam, các tác giả bộ phim chỉ phác dựng nên đâu đó những năm tháng dưới ách của thực dân Pháp. Tuyệt nhiên các tác giả không có ý định cụ thể hoá đấy là thời kỳ của cụ Phan Ðình Phùng, cụ Ðề Thám hay của nghĩa quân Bãi Sậy… Ðây cũng là sự cố ý, có tính toán, chứ tuyệt nhiên không phải là sự tình cờ.
Rời khỏi rạp, với
Dòng máu anh hùng bạn đâu chỉ mang theo về nhà tiếng cười hoặc giọt nước mắt vui, buồn khuây lãng. Bạn thấy yêu thêm xứ sở mình, tự hào thêm về truyền thống lịch sử của dân tộc mình. Còn đòi hỏi gì hơn nữa ở một bộ phim đặt mục đích giải trí khiêm tốn?
Riêng tôi còn thêm niềm sung sướng, niềm tin tưởng nữa: với những
Mùa hè chiếu thẳng đứng,
Thời xa vắng, Mùa len trâu, và bây giờ là
Dòng máu anh hùng, điện ảnh Việt Nam đang đặt trước mình yêu cầu gắt gao, bỏng cháy: Phải nhanh chóng bước ra khỏi tình trạng làm phim tuỳ tiện, chắp vá, coi thường học vấn điện ảnh và yếu tố nghề nghiệp.
Trang web tiếng Việt của phim
Dòng máu anh hùng:
http://www.dongmauanhhung.net/ Thông tin về phim
Dòng máu anh hùng trên Wikipedia tiếng Việt:
http://vi.wikipedia.org/wiki/D%C3%B2ng_m%C3%A1u_anh_h%C3%B9ng © 2007 talawas