Vào ngày họp cuối cùng của kỳ họp khai trương Quốc hội khoá XII,
Luật phòng, chống tham nhũng (ban hành ngày 29.11.2005 và có hiệu lực từ ngày 1.6.2006) đã được quyết định sửa đổi, mở đường cho việc thành lập các ban chỉ đạo phòng - chống tham nhũng cấp tỉnh / thành phố trực thuộc trung ương, do các chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh / thành phố đứng đầu. Trước đó, Ban Chỉ đạo Phòng - chống Tham nhũng Trung ương, do đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm trưởng ban, đã được thành lập và vận hành từ hơn một năm nay.
Người ta có thể không nghi ngờ sự lo lắng đủ sâu sắc của một số người có trách nhiệm trong chế độ đương cuộc ở Việt Nam về cái mà chính họ gọi là “quốc nạn tham nhũng”, song người ta có đầy đủ căn cứ lý thuyết và thực tiễn để tiên liệu sự vô hiệu của những phương cách “lấy thúng úp voi” mà chính giới Việt Nam đang rềnh ràng huy động để đương đầu với quốc nạn này.
Những điều kiện để cho tham nhũng phát sinh và phát triển, như các nhà khoa học xã hội và khoa học chính trị chỉ ra, có thể tóm tắt trong công thức đã phổ biến rộng rãi:
[1] THAM NHŨNG = QUYỀN LỰC ĐỘC ĐOÁN + BƯNG BÍT THÔNG TIN – TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH
Việt Nam, – nơi mà quyền lực chính trị và kinh tế bị độc chiếm liên tục từ già nửa thế kỷ nay bởi một thiểu số, nơi thông tin chưa bao giờ thực sự cởi mở và trách nhiệm giải trình của hệ thống công quyền chưa bao giờ được trân trọng, – hiển nhiên là một mảnh đất quá phì nhiêu cho tham nhũng.
Không có dấu hiệu nào cho thấy những điều kiện trên đây bắt đầu suy kém. Kiểm soát thông tin – bao gồm cả thông tin cáo giác tham nhũng – tiếp tục là một quốc sách, được bảo đảm bằng cả ý thức, cả phương tiện kỹ thuật lẫn công cụ thể chế. Mọi người còn chưa quên sự việc Cựu Thủ tướng Phan Văn Khải thời còn đương chức đã đích thân hạ lệnh xử lý kỷ luật trang tin điện tử
VNExpress, do báo này đã đưa tin và mở diễn đàn cho độc giả thảo luận về vụ nhượng bán mờ ám 78 chiếc Mercedes được Chính phủ nhập miễn thuế trước đó để phục vụ ASEM (
Asia-Europe Meeting) lần thứ Năm (tháng 10.2004); kết quả là tổng biên tập lúc đó của
VNExpress đã bị chuyển công tác. Trong một diễn biến khác, một nữ phóng viên báo
Tuổi trẻ, sau loạt bài điều tra sự tăng giá tân dược một cách bất thường hồi cuối 2004 – đầu 2005, đã suýt bị khởi tố và lãnh án với tội danh được quy kết là “chiếm đoạt tài liệu thuộc bí mật nhà nước”; dư luận lương tri cả trong và ngoài nước những ngày đó đã cứu cô thoát khỏi tai nạn làm vật hi sinh cho các nhóm lợi ích đang giành nhau quyền kiểm soát thị trường thuốc tây.
Cuối năm ngoái, truyền thông quốc nội lại rộ lên xung quanh việc gia đình Cựu Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên, từ khi ông Nghiên mãn nhiệm năm 2004, thuê công thự số 12 phố Nguyễn Chế Nghĩa rộng hàng trăm mét vuông với giá chỉ bằng giá thuê một gian phòng 10 mét vuông, và chuẩn bị mua đứt ngôi biệt thự công thuộc diện không được bán này. Cùng lúc, việc toà nhà công sở số 6 phố Lý Thái Tổ được bán cho Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lê Đức Thuý làm tư thất với “giá ưu đãi”, và việc ông Thuý khai man tình trạng “khó khăn về nhà ở” của gia đình ông cũng bị phát giác. Khi báo chí đang tiếp tục phanh phui những tin tức liên quan đến hợp đồng in tiền mặt polymer gây tranh cãi của Công ty In Ngân hàng do con trai ông Thuý làm phó giám đốc với một nhà thầu nước ngoài, thì nhận được lệnh “stop”: tám tờ báo giấy bị kỷ luật từ phạt tiền đến tạm đình bản vì đã “không chấp hành chỉ đạo của Chính phủ” (yêu cầu ngừng đưa tin về chủ đề nhạy cảm này). Sóng gió truyền thông bị dập lặng mau lẹ. Gia đình ông Nghiên được giải quyết chỗ ở khác, còn ông Thuý thì chỉ đơn giản “trả lại” toà nhà mà ông đã được cấp “sổ đỏ”, được đền bù số tiền ông đã bỏ ra xây lại toà nhà và tiếp tục tại nhiệm. Ở một quốc gia pháp quyền, một bộ trưởng như ông Thuý chắc chắn đã phải dời nhiệm sở tức thì vì một “phốt” còn mọn hơn
scandal của ông nhiều, còn các đồng liêu của ông ở Bộ Văn hoá và Thông tin – cơ quan đã ra quyết định xử phạt hành chính tám tờ báo như vừa kể – thậm chí phải bị truy tố.
[2] Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Chỉ thị số 37/CP (tháng 11.2006) với nội dung “kiên quyết không để tư nhân hoá báo chí dưới mọi hình thức”, và Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg (tháng 5.2007) về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các tổ chức công quyền, với những quy định có ý nghĩa khẳng định quyết tâm ở cấp nhà nước tiếp tục duy trì Việt Nam như một trong những quốc gia được liệt hạng thấp nhất về tự do báo chí.
[3] Về trách nhiệm giải trình, lâu nay, những phiên chất vấn - trả lời chất vấn trong nghị trình các kỳ họp Quốc hội thường được truyền hình trực tiếp như một biểu hiện của tính công khai. Tuy nhiên, chính những phiên họp này lại tố giác nhiều điều. Nhà văn Đặng Thị Thanh Hương, nguyên đại biểu quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khoá IX, đã kể lại trong hồi ký của mình về thái độ khinh nhờn, bất cần, bất cẩn, thiếu năng lực và phẩm chất của nhiều bộ trưởng trong Chính phủ thể hiện trong các thuyết trình trả lời chất vấn trước Quốc hội.
[4] Bản thân sự bưng bít thông tin, kiểm soát / hạn chế tự do báo chí, cấm đoán xã hội dân sự, từ chối độc lập hoá các nhánh quyền lực của hệ thống chính trị hiện nay cũng chính là để lẩn tránh trách nhiệm giải trình.
Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định ý chí không chia sẻ quyền lực chính trị đã độc chiếm cho bất kỳ ai. Bầu cử Quốc hội vẫn tiếp tục là một thủ tục trình diễn thô thiển hòng đắp điếm tính chính đáng cho ‘nhà nước - đảng’ toàn trị. Mọi đại biểu Quốc hội đều là người của Đảng Cộng sản, kể cả số ít (chưa đến 9 phần trăm) đại biểu không phải đảng viên cộng sản.
[5] Bản thân sự độc chiếm quyền lực này chính là tham nhũng, và là sự tham nhũng ở mức độ cao nhất – “tham nhũng (hay đánh cắp) quyền lực”.
Một nhà quan sát – Giáo sư Yoshiharu Tsuboi từ Đại học Waseda (Nhật Bản) – nhận xét rằng ở Việt Nam, “tham nhũng giúp bảo vệ quyền lực”. Theo ông, hệ thống chính trị ở đây có nhu cầu duy trì bộ máy hành chính ở mức độ kém hiệu quả cần thiết, đủ để mọi cán bộ nhân viên của bộ máy đều là tội phạm hoặc tội phạm tiềm năng do tham nhũng, nhờ đó họ bị buộc chặt vào bộ máy bởi lợi ích.
[6] Trong một hệ thống mà con người là con tin của tham nhũng như vậy, nếu một ai đó từ chối tham nhũng, anh ta sẽ trở thành con ngựa ô trong cả tàu ngựa bạch, gây cho hệ thống cảm giác mất an toàn trước sự tồn tại “khác người” của anh ta: anh ta sẽ bị loại bỏ. Giáo sư Tsuboi viết: “Do chỗ hầu như mọi người đều dính líu tập thể vào những hành vi vi phạm pháp luật trong cuộc sống hằng ngày, tội lỗi của từng cá nhân luôn được che đậy. Nhưng một khi hệ thống toan tính khép tội một ai đó đang làm nó khó chịu, – tỷ như những người bất đồng chính kiến, những người đối đầu với thể chế hoặc những người từ chối tham gia vào tham nhũng, – nó sẽ có ngay một cơ cụ liền tay để cáo buộc họ đã vi phạm pháp luật.”
[7] Nói cách khác, “hệ thống đã được thiết đặt sao cho hễ có một ai trong nội bộ biểu tỏ khả năng chống đối hay phản kháng lại thiết chế ‘nhà nước - đảng’ hiện hành, thì ‘tham nhũng’ sẽ được sử dụng để hất cẳng anh ta bằng pháp luật.”
[8] Việc đòi hỏi cải cách hệ thống một cách thấu đáo để loại bỏ tận gốc tham nhũng là một thái cực được coi là trực tiếp đe doạ sự tồn vong của chế độ. Điều này giải thích vì sao giới lãnh đạo Việt Nam chưa từng và sẽ không bao giờ tỏ thực tâm và quyết tâm bài trừ triệt để tham nhũng.
Khi nhậm chức vào tháng 6.2006, một trong những hứa hẹn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là sẽ đưa các vụ án tham nhũng trọng điểm ra xét xử trước quý tư cùng năm. Thuộc cấp của ông đã không giúp ông thực hiện lời hứa: vụ Mai Văn Dâu chỉ được trình toà tháng Sáu vừa qua, sau 31 tháng kể từ khi khởi tố (tháng 11.2004), còn vụ PMU18 - Bùi Tiến Dũng (khởi tố tháng 1.2006) thì vừa mới thành án khi bài viết này đang được đánh máy. (Trong khi đó, đối với các vụ án đối lập chính trị, guồng máy của Thủ tướng Dũng đã tỏ ra sốt sắng và cương quyết hơn nhiều lần!) Mai Văn Dâu, Bùi Tiến Dũng và những kẻ liên đới đã trở thành con mồi cho sự trừng phạt đậm màu sắc nghi thức vì đã “chơi sai luật”: sự quá trớn này là cực bên kia trong hai thái cực có thể làm xói lở chế độ. Chứ nếu tất cả các vụ tham nhũng đều bị khởi tố, thì toàn bộ bộ máy công quyền sẽ ngừng hoạt động, hệ thống chính trị sẽ lập tức khủng hoảng.
Còn nhớ, khi
Luật phòng, chống tham nhũng còn đang được soạn thảo, trên nghị trường người ta đã tranh cãi khá nhiều về vấn đề Ban chỉ đạo Phòng - chống Tham nhũng Trung ương sẽ nằm trong cơ cấu nào – Quốc hội, Viện Kiểm sát Tối cao hay Chính phủ –, và do ai phụ trách. Những người đứng đầu Quốc hội và Viện Kiểm sát Tối cao lúc đó – các ông Nguyễn Văn An và Hà Mạnh Trí – đều từ chối phụ trách cơ quan mới này và đề nghị ấn định nó thuộc thành phần Chính phủ, một đề nghị đã vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối của các đại biểu quốc hội. Thực ra, điều này đã được quyết định trước bởi Bộ Chính trị của Đảng rồi. Các nhà lãnh đạo toàn trị hoàn toàn không có (hoặc bất chấp) ý niệm về phân lập, kiềm chế và cân bằng các quyền: Chính phủ, đầu não của guồng máy hành chính của tất cả các ngành kinh tế và xã hội, đang điều khiển một cơ thể đầy ung nhọt tham nhũng, nay lại đứng ra “chỉ đạo” công tác phòng - chống tham nhũng ở cấp nhà nước! Đây là bằng chứng cho thấy
Luật phòng, chống tham nhũng và Ban chỉ đạo Phòng - chống Tham nhũng Trung ương chỉ mang ý nghĩa trình diễn.
Vậy tại sao cần phải đẻ ra các ban chỉ đạo phòng - chống tham nhũng cấp tỉnh? Nguyễn Tấn Dũng, cũng như mọi nhà lãnh đạo khác của ‘nhà nước - đảng’ toàn trị, không phải là người theo chủ nghĩa tản quyền (
federalism) trong xây dựng thể chế để có nhu cầu được các lãnh đạo địa phương san gánh bớt quyền lực. Đầu lĩnh toàn trị chỉ chấp nhận phân cấp quyền lực khi cái giá phải trả cho những hệ luỵ của sự tập trung quyền lực không cân đối được với lợi ích của nó. Tham nhũng là loại tội phạm không hề mới, và trong thể chế đã sẵn có quá nhiều cơ quan có chức năng cảnh giới, phát hiện, xử lý và trấn áp tội phạm như công an, hệ thống ban thanh tra của Chính phủ và uỷ ban nhân dân các cấp, viện kiểm sát nhân dân các cấp, uỷ ban kiểm tra của các cấp bộ Đảng, vì vậy các nhà lập pháp Việt Nam khi biên thảo điều luật về Ban chỉ đạo Phòng - chống Tham nhũng Trung ương đã không thể trù liệu cho nó một công năng mới, biệt lập nào, đành đùn đẩy việc xác định công năng của cơ quan này cho các thao tác sau luật và dưới luật bằng dòng văn: “Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.”
[9] Trên thực tế, nó không thể có nhiều hơn vai trò của một “bưu cục” phân loại và chuyển các đơn thư khiếu tố. Sau hơn một năm ôm cái “hòm thư khiếu tố” kia, Thủ tướng Dũng và các cộng sự của ông đã nhận thức rõ sự bất lực trước một quốc nạn vô phương giải trừ. Nay ông muốn các lãnh đạo địa phương chia sẻ cùng ông… sự bất lực này! Chưa cần đợi Quốc hội nhóm họp để sửa luật, 26 tỉnh thành đã thành lập các ban chỉ đạo phòng - chống tham nhũng của địa phương mình theo lệnh Thủ tướng, thêm một thí dụ về sự khinh thị của đầu lĩnh toàn trị đối với thiết chế lập pháp của chế độ và hệ thống luật nặng tính trưng bày do chính nó làm ra.
Những câu hỏi tự nhiên đã được nêu ra: Tiếp sau cấp tỉnh / thành, liệu các cấp huyện / quận, rồi xã / phường có phải thành lập các ban chỉ đạo phòng - chống tham nhũng của cấp mình? Tương tự, có cần thành lập các ban như thế ở các bộ ngành? Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã trấn an các đại biểu Quốc hội trước khi biểu quyết: “Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng - chống tham nhũng có đủ điều kiện để chỉ đạo công tác phòng - chống tham nhũng đến cấp huyện, xã, bảo đảm tính thống nhất trong phạm vi tỉnh. Ở các bộ ngành, bộ trưởng là người trực tiếp chỉ đạo công tác phòng - chống tham nhũng trong bộ của mình. Do đó, không đặt vấn đề thành lập các ban chỉ đạo ở cấp huyện và các ngành.”
[10] Người ta không tìm thấy bóng dáng của lô-gích trong lập luận này của ông Uông Chu Lưu, nguyên Bộ trưởng Tư pháp trong chính phủ của Cựu Thủ tướng Phan Văn Khải.
Đại biểu Quốc hội Lê Đình Khanh, Bí thư Đảng đoàn kiêm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đặt câu hỏi: “Thời gian kể từ khi
Luật phòng - chống tham nhũng có hiệu lực còn quá ngắn, mới được một năm, chưa có sự phân tích, đánh giá kết quả thực hiện, chưa có sự tính toán xem nếu lập ban chỉ đạo ở cấp tỉnh thì sẽ phải sắm thêm bao nhiêu ô-tô, bỏ ra bao nhiêu kinh phí mỗi năm và thu về cái gì: lòng dân hay tiền bạc?” Và ông Khanh đã tự trả lời: “Dứt khoát sẽ thêm biên chế, tiền chi tốn kém!”
[11] Vị đại biểu quốc hội này đã không thể trần tình rành mạch hơn rằng: kinh phí – hay tiền thuế của dân – sẽ tiếp tục bị hoang phí, trong khi cả lòng dân, cả tiền bạc bị tham nhũng đánh cắp sẽ một đi không quay trở về. Chế độ toàn trị luôn luôn là một chế độ hoang phí vô độ!
Luật sửa đổi, bổ sung của
Luật phòng, chống tham nhũng [12] đã được thông qua với tỷ lệ đồng thuận thấp nhất trong lịch sử làm luật của Quốc hội Việt Nam: 68,36 phần trăm. Trong số 470 đại biểu quốc hội hiện diện, 100 người đã biểu quyết chống và 33 người từ bỏ quyền biểu quyết. Hãy còn quá sớm để nói về sự bắt đầu của một quá trình phân ly ý chí trong cái gọi là “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” này, song đây chắc chắn là một sự rạn nứt niềm tin đáng kể của các đại biểu vừa mới được Đảng tin cẩn chọn lựa.
Tham nhũng ở Việt Nam có nguồn gốc từ bản chất toàn trị và cấu trúc của hệ thống chính trị. Việc bài trừ tận gốc quốc nạn này hoàn toàn nằm ngoài quyết tâm và năng lực của đảng cầm quyền. Sử dụng con người và phương tiện của chính hệ thống tham nhũng để chống tham nhũng là một thách thức ngỗ ngược đối với lý trí và đạo lý.
Hà Nội, 8.8.2007
© 2007 talawas
[1]Tools to Support Transparency in Local Governance,
Transparency International.
[2]Vào tháng 3.2006, nữ Ngoại trưởng Thuỵ Điển lúc đó là bà
Laila Freivalds đã buộc phải tuyên bố từ chức sau khi can thiệp để đóng cửa một website trước đó đã tái đăng những bức biếm hoạ gây tranh cãi về Tiên tri Muhammad của tờ nhật báo Đan Mạch
Jyllands-Posten. Hành động này của bà Freivalds bị cáo giác là vi phạm quyền tự do thông tin đã được chuẩn nhận trong hiến pháp của Vương quốc Thuỵ Điển.
[3]Theo báo cáo thường niên của tổ chức
Phóng viên Không Biên giới (
Reporters Without Borders), nhiều năm qua, Việt Nam luôn luôn có mặt trong nhóm quốc gia ở thứ hạng thấp nhất về Chỉ số Tự do Báo chí (
Press Freedom Index). Tạm kê:
năm 2002 – hạng 131 (trong 139 quốc gia / vùng lãnh thổ được xếp hạng),
năm 2003 – hạng 159 (trong 166),
năm 2004 – hạng 161 (trong 167),
năm 2005 – hạng 158 (trong 167),
năm 2006 – hạng 155 (trong 168).
[4]Thanh Hương,
Đi trong cuộc sống (hồi ký), Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2007, đã
trích đăng trên
talawas.
[5]Trong tổng số 493 đại biểu của Quốc hội khoá XII, chỉ có 43 đại biểu không phải đảng viên cộng sản, chiếm tỷ lệ 8,72 phần trăm. Ít nhất 42 người trong số đại biểu ngoài Đảng là do Mặt trận Tổ quốc – tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng sản – đề cử.
[6]Yoshiharu Tsuboi,
Corruption in Viet-Nam.
[7]Tài liệu vừa dẫn.
[8]Tài liệu vừa dẫn.
[9]Điểm 2, điều 73
Luật phòng, chống tham nhũng.
[10]Vân Anh,
Chủ tịch UBND đứng đầu Ban chỉ đạo chống tham nhũng tỉnh, VietNamNet.
[11]Tài liệu vừa dẫn.
[12]Đã có nhiều ý kiến nhận xét rằng
Luật phòng, chống tham nhũng là một trong những văn bản luật kém chất lượng nhất trên nhiều phương diện. Nói riêng, nó có những sai sót thô sơ ngay cả về ngôn ngữ. Hãy xem điểm 5, điều 2 của luật này định nghĩa khái niệm ‘vụ lợi’: “Vụ lợi là lợi ích vật chất, tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng.” Theo định nghĩa này, ‘vụ lợi’ là một danh từ! Tuy nhiên, trong tiếng Việt tiêu chuẩn, ‘vụ lợi’ chỉ có thể làm chức năng tính từ (bổ nghĩa cho một danh từ) hoặc trạng từ (bổ nghĩa cho một động từ hoặc một tính từ), mà chưa bao giờ được sử dụng như một danh từ (nói chung) và với ý nghĩa như đã được định nghĩa trong Luật phòng, chống tham nhũng (nói riêng). Điều này tố giác rằng công tác soạn thảo luật ở Quốc hội Việt Nam đang được tiến hành một cách kém tính chuyên nghiệp đến mức nào!