trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
11.8.2007
Hoàng Khởi Phong
Gối đầu lên chữ nghĩa
 1   2 
 

Sách một dẫy nằm trơ trên giá
Cạnh người thân thế cũng trơ trơ
Sách, người hai cõi cùng hư hoại
Nơi một ngàn chương thiếu một tờ
(Mai Thảo)



1.

Căn phòng rộng chừng mười mét vuông. Một giường nhỏ, một bàn viết, một ghế ngồi, một chăn, một gối... Nói tóm lại đồ vật trong căn phòng này có đơn vị là một, không hai. Ngoại trừ sách thì chất từ sàn gác lên tới trần nhà. Hàng ngàn quyển sách và báo. Sách nằm trong các thùng giấy, trong các kệ, các hộc. Sách vương vãi khắp nơi, trên giường, gầm bàn. Xó xỉnh nào cũng đầy sách.

Trên tường là vài bức hình. Một bức hình chụp đã khá lâu, dễ chừng cũng ba bốn chục năm qua đi giữa người và ảnh. Tôi nhận ra ngay hai nhân vật trong bức hình này: gia chủ và một người bạn thân nhất của ông. Người bạn vong niên hơn ông đúng một giáp. Người bạn ông đã có thời dạy học và là thầy bất đắc dĩ với kẻ đang viết những dòng chữ này. Bất đắc dĩ bởi vì nghề chính của ông không phải là dạy học mà là làm thơ. Điều đáng tiếc là ở một nơi tên là Việt Nam không có nghề nào mang tên là thi sĩ. Gia chủ có tên là Nguyễn Đăng Quý, người bạn vong niên chụp chung với ông trong tấm hình có tên là Vũ Hoàng Chương.

Cái tên Nguyễn Đăng Quý hầu như chỉ được dùng để làm giấy tờ, trên thẻ kiểm tra khi còn ở trong nước, hay trên thẻ xanh kể từ khi lưu lạc xứ người. Tên Nguyễn Đăng Quý hiện nay chỉ còn dùng duy nhất trên các quyển check book. Kỳ dư không một ai gọi ông bằng cái tên cha sinh mẹ đẻ này. Bởi vì người ta thường gọi ông bằng một cái tên khác do ông tự chọn cho mình khi hành nghề "nhà văn". Tên do ông tự chọn là Mai Thảo.

Tấm hình chụp khi cả hai người còn trẻ, còn cả một con đường thật dài để đi. Con đường còn đó nhưng một trong hai người đã nằm xuống. Thấm thoắt mà Vũ Hoàng Chương đã nằm xuống được hơn mười lăm năm. Phần ông tuy còn sống, còn ăn và còn thở nhưng mà là một cuộc sống càng ngày càng lạ lẫm, càng thu hẹp. Năm nay ông gần bẩy chục. Có sá kể gì một hai năm giữa sáu tám và bẩy mươi. Cái tuổi thất thập chớp mắt mà đã tới. Ông vẫn là một kẻ ăn cơm ở các hàng cơm, đi ra khỏi nhà thì ngồi xích lô. Nơi đây không có xích lô thì ngồi xe buýt, xe hoả hay máy bay để đi xa thăm bằng hữu. Ông vẫn là kẻ hơi lành lạnh với người lạ mặt, nhưng thật ân cần với những người thân. Thân đây không có nghĩa là máu mủ ruột rà.

Tôi nhớ cách đây vài năm, khoảng năm năm trở về trước tôi không mấy có thiện cảm với Mai Thảo. Tính hơi lành lạnh của ông cộng với tính không thích bắt quàng làm họ với những người sang của tôi, làm cho nhiều năm dài tôi trông thấy ông như trông thấy một người nào đó trong siêu thị. Mai Thảo thì đâu có lý gì tới chuyện đó, phần tôi cũng ít thì giờ tìm hiểu những người mà tôi nghĩ là chỉ có tiếng. Cho tới một ngày trong một bữa tiệc sinh nhật ở nhà một người cả hai chúng tôi cùng quen, tôi được sắp ngồi bên cạnh ông. Chẳng lẽ cả hai đều không nói một lời. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thật sự nói chuyện với Mai Thảo.

Trong bữa tiệc Mai Thảo ăn rất ít, ông uống khá nhiều. Khi đã ngà ngà Mai Thảo nói về thơ. Tất nhiên không phải là thơ của ông. Tôi bị Mai Thảo chinh phục ngay trong lần nói chuyện đầu tiên giữa hai người. Tôi chưa thấy ai ứng khẩu về thơ hay hơn ông. Ông nói về thơ của Quang Dũng, Thâm Tâm, Hồ Dzếnh, Trần Huyền Trân... Hình như ông thuộc không sót một nhà thơ tiền chiến nào, miễn là những nhà thơ đó chỉ cần có một bài thơ hay.

Không hiểu làm thế nào ông chứa được nhiều thơ của người khác trong khi lượng rượu đã bão hoà trong người ông. Những lúc đó ông là một Mai Thảo khác, không hề có một chút lành lạnh nào. Trái lại giọng ông sang sảng, nồng nhiệt tựa như chính ông là tác giả đang đọc cho bằng hữu nghe những sáng tác mới nhất của ông. Không bao giờ Mai Thảo đọc thơ xuông mà thôi. Bao giờ ông cũng giải thích, nói tới những giai thoại vì đâu bài thơ ông sắp đọc được hoàn thành. Những lúc đó nhiều khi ông độc thoại. Đôi lúc tôi tưởng chừng ông không màng tới những ai có mặt. Ông miên man nói về thơ, ông đọc những bài thơ tuyệt hay của nhiều thi sĩ đã không còn trong cõi đời này nữa. Mai Thảo có một giọng đọc thơ trầm, ấm, không hùng tráng nhưng rất truyền cảm. Khi ông đọc những bài thơ buồn, người đa cảm chỉ nghe thơ ông đọc cách một bức vách có thể khóc được.

Trước khi đứng dậy để đi làm ca ba tôi nói với Mai Thảo một câu: "Giả dụ những người cầm bút đều là anh em một nhà, thì tôi là một đứa em ngỗ ngược, ít nhất là đối với Mai Thảo. Kể từ nay tôi thôi không còn là đứa em ngỗ ngược nữa". Kể từ đó tới nay năm năm đã qua, tôi giữ được những lời đã nói, tuy vậy tôi vẫn đứng hơi xa Mai Thảo. Trước kia tôi hay tránh Mai Thảo, bây giờ tôi không tìm tới ông nhưng cũng không đến nỗi phải lánh mặt mỗi khi tình cờ gặp gỡ trong các nhà người quen, trong các tiệm ăn, trong các bàn nhậu.

Có lần Mai Thảo và tôi gặp nhau trong một quán nhậu. Khi tiệc tan mọi người đùn cho tôi việc đưa Mai Thảo về nhà. Mãi sau này tôi mới biết những người quen đi uống rượu với ông ai cũng sốt sắng đi đón, nhưng ngại đưa về. Tôi nhớ như in lần đầu tiên đưa ông về sau một cữ rượu lớn. Lúc đó đã hơn một giờ đêm. Tôi đưa Mai Thảo về đến khu chung cư của ông. Chung cư của những người già bao giờ cũng vắng vẻ yên tĩnh sau mười giờ đêm.

Cái bóng của hai chúng tôi vẽ lên trên tường những hình thù buồn bã. Tôi dìu nhẹ ông đi trong cái hành lang của chung cư dài và sâu như một cái hầm. Bước qua cái cổng ngách, vừa đặt chân lên nấc thang đầu tiên, đột nhiên quay phắt người lại ông nói: “Về nhà giờ này làm cái gì nhỉ? Nó lạnh như một cái nhà mồ. Hay là mình đi chỗ nào uống tiếp đi, để tôi lên lấy chai rượu”. Tôi vội can ông: “Giờ này các quán Việt Nam đóng cửa hết rồi, chỉ còn tiệm Mỹ thôi anh ạ”. “Tiệm Mỹ thì chán quá nhỉ. Hay là Phong lên ngồi chơi một lát rồi hãy về. Ngủ lại đây cũng chẳng sao”. Phải lò mò một hồi Mai Thảo mới tra nổi cái chìa khoá vào trong ổ. Ông lầu bầu nói những câu vô nghĩa trong khi mở cánh cửa vào nhà. Trong phòng của Mai Thảo mọi thứ đồ vật chỉ có một, tôi lơ láo ngồi dưới sàn. Ông lấy ra chai rượu và hai cái ly. Ông không bao giờ ép rượu một ai, uống được bao nhiêu thì tuỳ ý. Rượu trong nhà Mai Thảo có bao giờ hết được. Bây giờ tôi chợt nhớ ra ở nhà Mai Thảo đồ vật nào cũng chỉ có một, ngoại trừ rượu và sách. "Sách vẫn ngàn pho lẻ một tờ". Và rượu thì ngàn chung vẫn còn thiếu, cho dù có tri kỷ hay không. Có tri kỷ uống cách khác, không tri kỷ thì uống một mình. Trong khoảng không gian mười mét vuông đó là giang sơn của riêng ông. Nơi ông ở là một bầu không khí trộn lẫn giữa rượu và thơ. Ở nơi đây ông không làm rộn đời sống. Tôi chỉ mong rằng đời sống cũng không làm rộn ông.

Đêm đó tôi ngồi lại nghe ông nói chuyện thơ, gần sáng ông mệt nhoài, lăn ra ngủ. Tôi lặng lẽ ra về khi trời gần sáng.


2.

Gần đây tôi có ý định viết một số bài về các người đi trước tôi một thế hệ. Mới đó mà tôi đã bước vào tuổi năm mươi, những người trước tôi một thế hệ nghĩa là bước vào tuổi bẩy mươi bây giờ cũng chẳng còn nhiều. Phải chi tôi làm việc này sớm hơn nhiều năm thì tôi đã có dịp viết về Vũ Khắc Khoan, vị thầy dạy sử của tôi trong đệ nhất B1 Chu Văn An niên khoá 1961, tôi có thể gặp gỡ và viết về Bình Nguyên Lộc, một nhà văn chưa kịp hít đầy buồng phổi luồng khí của tự do đã ra người thiên cổ nơi xứ người. Hiện nay những người còn lại tôi có thể nhẩm đếm trên đầu ngón tay. Một Phạm Duy của âm nhạc, một Tạ Tỵ của hội hoạ, một Võ Phiến của văn, một Mai Thảo của thơ... Còn những ai nữa thuộc vào lớp bẩy mươi, một Nghiêm Xuân Hồng, một Nguyễn Khắc Kham, một Như Phong... Đó là những con người của một thời khác. Thời đó dường như người ta xử với nhau có tình hơn bây giờ. Thời đó dường như người ta sống với nhau ít giả dối hơn bây giờ, ít nguỵ tín hơn bây giờ. Mới có hai mươi năm sau, mới chỉ có một thế hệ mà hình như chúng tôi đang sống trong một bầu không khí khác.

Thế hệ của Mai Thảo chỉ cách chúng tôi có hai mươi năm. Ông nói về những người đồng thời với ông. Ông nói về cuộc đời của ông, ông nói về các bạn ông. Chỉ lạ một điều là giọng nói hệt như là một người đang kể chuyện cổ tích. Khi nói về quá khứ xa xôi mấy chục năm giọng ông xúc động như lạc đi. Đôi mắt ông long lanh, mơ màng và thỉnh thoảng rực lên những ánh mắt kỳ lạ. Ông cúi xuống lặng thinh vài phút. Ngửng mặt lên, ông cất giọng sau một cái đằng hắng. Giọng ông trầm và ấm. Ông nói về tiểu sử của ông:

“ ... Tôi cùng quê với Tú Xương và Trần Cao Lĩnh. Tôi sinh năm Mão, nhỏ hơn Vũ Hoàng Chương chẵn tròn một giáp. Nếu bạn có ý định viết một bài về những người thất thập cổ lai hy gì đó thì tôi chưa tới bẩy chục. Hai năm nữa bạn hãy tới, tôi chỉ mong rằng ngày đó tôi còn hiện diện trong căn phòng này, giữa những quyển sách đang đọc dở, những chai rượu đang uống nửa chừng. Trong trường hợp bạn muốn viết một bài về tôi, nhà văn Mai Thảo thì không nhất thiết phải đợi tới bẩy, tám chục mà làm gì. Đối với tôi điều quan trọng là khi anh "ở với Đời" anh làm được gì? Anh chơi với ai? Anh sống như thế nào? Có nhiều người càng sống càng bé lại, "Ông bình vôi" của cụ Phan Khôi chẳng hạn, càng thọ thì ruột càng đặc lại có ích gì.

Thật tình ra tôi không muốn phát biểu điều gì. Nhưng đôi khi việc thông tin không đầy đủ, thành thử có nhiều điều tôi không nói mà hiện nay người ta cứ nghĩ là tôi nói. Có nhiều bài báo viết về tôi mà khi đọc xong tôi không nhận ra chính tôi, thành thử nhiều khi không nói cũng không phải. Thôi thì nói một lần cho xong, để còn có thì giờ làm việc khác...”.

... Chính quán ông là Bắc Ninh, quê hương của quan họ, của những cô gái Nội Duệ, Cầu Lim. Nhưng sang đến đời song thân Mai Thảo, ông cụ lập nghiệp phương xa, rồi dời sang Nam Định. Do đó toàn thể mấy anh em ông cùng sinh ra và lớn lên ở Nam Định. Như thế ông cùng quê với Tú Xương, với Trần Cao Lĩnh. Hồi nhỏ ông học ở tỉnh lỵ, khi ra học ở Hà Nội thì chiến tranh Việt Pháp đang tái phát dưới rất nhiều hình thức.

Lúc mới ra học ở Hà Nội, gọi là đi học nhưng kỳ thực không khí thời chiến tranh đã phủ trùm lên đất nước, thành thử vừa học vừa ngóng. Mai Thảo có vài người bạn thân, ông còn nhớ tên, hiện họ còn ở Hà Nội. Mai Thảo cùng các bạn có một giấc mơ chung, nói theo cách nói của Đinh Hùng là giấc mơ "ngoài cửa lớp" tất cả trở thành những người làm văn nghệ. Nghĩa là những người làm thơ, viết văn, vẽ tranh và đặt nhạc. Cũng có thể là những người ca hát, đóng kịch, đóng phim...

Khi Pháp quân tái chiếm Hải Phòng thì toàn quốc đi vào một trận chiến dai dẳng. Lệnh tiêu thổ kháng chiến được ban ra. Ở Hà Nội bọn thanh niên, sinh viên, học sinh ở lứa tuổi Mai Thảo ngày ấy được thúc đẩy bởi lòng yêu nước ngùn ngụt trong trái tim. Những người yêu nước vô vị lợi đó thành lập những đội quân gọi là "Tự vệ Thành". Những đội quân đó tuy chẳng ghê gớm gì, song những người thanh niên yêu nước vô ngần đó đã làm đoạn hậu cho một cuộc triệt thoái để toàn bộ quân chính quy rút ra chiến khu Việt Bắc.

Khoảng thời gian Tự vệ Thành chiến đấu với quân Pháp trong cố đô Thăng Long không dài, song với nhiều người trong lứa tuổi Mai Thảo, cho đến chết không bao giờ quên thời khoảng ngắn ngủi đó. Nó hằn vào trong óc những người như ông như là những bản khắc, những đường chạm trổ trong các cổ vật. Đó là những con người đã đem tuổi thanh xuân, cả thể xác cũng như tinh thần dâng hiến cho tổ quốc.

Giấc mơ ra khỏi cửa lớp sẽ trở thành những người làm văn nghệ đến với Mai Thảo khá sớm. Cùng với hai người bạn là Xuân Thiêm và Trung Nguyên, cả ba làm tờ báo đầu tiên là tờ Dòng Việt. Tờ báo sống được vỏn vẹn bốn số thì cả ba người phải chia tay, bởi vì ai ai cũng muốn ra chiến khu. Cũng phải nói thêm khi đó cả ba người bạn không hề có một chút nhỏ kinh nghiệm nào trong lãnh vực báo chí.

Năm năm ở ngoài đó ông là một người hoạt động trong lãnh vực văn nghệ. Giản dị thì gọi là văn công. Thời đó Mai Thảo là một thanh niên tràn trề sức sống. Ông làm nhiệm vụ được giao phó một cách cẩn trọng, bởi ông biết đánh Tây không phải chỉ trong một sớm một chiều. Chữ trường kỳ kháng chiến lúc bấy giờ là một từ ngữ ở cửa miệng mọi người.

Mai Thảo không chú tâm đến chính trị, song những người chính trị viên lại chú tâm tới ông. Thời gian cuối thập niên 40, nếu là người chỉ thích làm văn nghệ như Mai Thảo thì không có những bận tâm lớn, nhưng nếu là người có chút máu chính trị chẩy trong huyết quản thì sẽ có khá nhiều rắc rối. Hồi đó Quốc với Cộng còn đâu lưng vào nhau cùng chống quân xâm lăng. Phe Cộng còn náu mình khiêm tốn dưới cái vỏ Việt Minh, phe Quốc thôi thì Duy Dân, Đại Việt, cùng hàng hàng, lớp lớp những người yêu nước thuần tuý, không ở trong một đảng phái nào như Mai Thảo.

Mai Thảo đã nói ông không chú tâm tới chính trị, không hẳn là chính trị buông tha ông. Anh chính trị viên trong đoàn của Mai Thảo cho ông biết là ông có đủ điều kiện để vào Đảng. Khi đó Đoàn của Mai Thảo đang hoạt động tuyên truyền trong những vùng sát với vùng bị quân Pháp chiếm đóng, những ai được tuyển chọn phải về Việt Bắc làm lễ kết nạp, tuyên thệ. Phần Mai Thảo, ông có thể gia nhập Đảng ngay tại chỗ công tác. Nghĩa là ông có giá dưới con mắt của anh chính trị viên. Anh ta nói với Mai Thảo là vào Đảng sẽ được đãi ngộ đủ điều, những cái xe đạp tốt nhất, những loại thuốc quý nhất. Gần như là muốn gì được nấy.

Ông nghĩ lại trong thời gian đó kháng chiến dần dần lộ hình tích Cộng Sản, những buổi phê và tự phê hằng đêm, những buổi học tập chính trị. Sách vở của Lenin, Karl Max, Mao Trạch Đông đầy dẫy khắp cơ quan. Người nào người nấy bí bí, mật mật. Ông là người văn nghệ, thần trí bay trên vòm trời kia như một con đại bàng. Đâu có thể là đà như ngọn cỏ. Mai Thảo nói với anh chính trị viên định kết nạp ông vào Đảng là ông cần vài ngày suy nghĩ. Chuyện tuyên thệ gia nhập Đảng không thể là một quyết định vội vã được. Đó là một chuyện quan trọng nhất cho một đời người.

Trong ba đêm liền ông ngồi soi mình bên một dòng sông, lặng nhìn con nước chẩy, lắng nghe tiếng lòng mình. Đối với nhiều người gia nhập Đảng là một ân sủng lớn. Song ông là một người văn nghệ. Công tâm mà nói, việc vào Đảng làm tăng giá trị tinh thần của chính ông. Phải nhấn mạnh chữ tinh thần này, bởi vì có đáng gì dăm ba món đồ vật của một đồng, công một nén đó. Nếu tuyên thệ từ nay ông là người chân liền, không phải chân rời. Từ nay sau lưng ông là cả một lực lượng đang bành trướng. Nếu tuyên thệ từ nay sau lưng ông là cả một guồng máy khổng lồ, nuốt chửng con người ta như ngốn những nguyên liệu làm chuyển động guồng máy này.

Mặt khác những buổi học tập chính trị, những buổi phê và tự phê, những buổi truy nhau đến đổ mồ hôi trán, những ánh mắt dò xét nghi kỵ. Kháng chiến càng ngày càng để lộ bản chất đấu tranh giai cấp. Thế mà ông cụ Mai Thảo thì giàu có tiếng ở Nam Định, gia đình ông theo kiểu định nghĩa của cộng sản thì hiển nhiên là thành phần bóc lột dân lành, sống trên thặng dư kinh tế và lao động của người. Ông hiểu ông là ai? Muốn gì? Ông cũng biết tính ông không thể là một người phản bội một khi đã tuyên thệ. Suốt ba ngày liền ông dõi mắt qua bên kia sông, cái vùng "địch tạm chiếm" hiện giờ không biết ra sao. Có điều chỗ này không phải là chỗ của ông. Mai Thảo nói với người chính trị viên có lòng ưu ái ông là ông muốn về nhà. Anh chính trị viên nhìn ông và nói: “Như vậy là anh xoá hết không còn gì. Công lao mấy năm của anh bù cho tội này cũng vừa đủ. Thế là tay trắng, sạch sành sanh”.

Thuở đó những người chính trị viên chưa ghê rợn như sau này, vì guồng máy mới hoạt động chưa lâu, các bánh xe chưa trơn mỡ. Ví thử những năm 50, 60 mà nói như thế e rằng không có chỗ mà chôn. Thành thử Mai Thảo có mạng mà về thành. Năm đó là năm 1951. Lúc quay lưng lại mà đi đau lắm, khóc được. Ông có cảm giác như là người bị tình phụ.

Năm năm đi kháng chiến, ông dõi mắt qua bên kia sông, nơi mà trong thơ tiền chiến các thi sĩ lớn của thời đó gọi là "vùng địch đóng". Giờ đây ở trong thành ông dõi mắt ngược lại, nơi những người bạn cũ của ông đang thở bầu không khí của chiến tranh. Nơi ông ở cái gì cũng có vẻ tạm bợ. Ông là một người làm văn nghệ, sớm nhìn thấy cái giả và thực của nơi ông sinh hoạt. Chính vì vậy mà ông bỏ về thành, và ở Hà Nội ông nhìn thấy trước có một đêm nào đó ông phải giã từ. Không khí của những năm 51, 52, 53 là một không khí ngùi ngùi của việc chia ly. Ông là nhà văn nên ông cảm nhận được điều này. Bây giờ ngồi đây nghiệm lại, ông cảm nhận được cái không khí chia ly đó bàng bạc khắp ngọn cỏ khóm cây.

Từ năm 1951 cho tới năm 1954 ông làm một vài việc với gia đình có tính cách sinh kế. Cũng chỉ là những chuyến đi buôn bán ấm ớ, qua lại hai bờ của một dòng sông. Lén lút đi lại giữa hai vùng đất "tự do" và vùng địch đóng". Đó là cái thời một nhạc sĩ nào đó đã viết trong một bản nhạc:

"... Bên đây là phía tự do,
máu người dân Việt còn cần cho luống cầy.
Bên kia là phía sầu u,
có người dân Việt gục đầu bên quân thù..."

Những chuyến đi buôn này cho Mai Thảo cái cảm giác ông đang làm một cái gì đó, một công việc nào đó hơn là những thúc bách của sinh kế.

Năm 1954, hiệp định Genève chia đôi đất nước được ký kết do sự sắp xếp của các đại cường. Mai Thảo nấn ná mãi cho tới những ngày sau cùng mới di cư vào Nam vào đầu năm 1955. Bởi vì ông cảm nhận thật rõ ràng ra đi là không có ngày về. Trong vùng đất mới ở miền Nam ông may mắn gặp gỡ vài người có lòng yêu văn chương, chữ nghĩa. Đó là các tên tuổi: Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Sĩ Tế, Thanh Nam, Mặc Đỗ, Ngọc Dũng, Duy Thanh... Năm 1956 ông hoàn thành tập truyện đầu tay của một đời văn nghiệp Mai Thảo. Đó là tác phẩm Đêm giã từ Hà Nội. Cũng trong năm này, ông cùng với mấy người bạn vừa kể tên ở trên, cả nhóm cho ra đời tạp chí Sáng tạo.

Trước sau cả hai bộ Sáng tạo cũ và mới gồm 56 số báo. Công tâm mà nói đó là tạp chí thuần tuý văn chương đầu tiên của miền Nam. Nó thổi một luồng gió mới vào sinh hoạt chữ nghĩa của miền Nam. Khi tạp chí Sáng tạo đình bản, Mai Thảo trông coi tờ Nghệ thuật một thời gian trước khi lo lắng cho tờ Văn.

Năm 1975 ập tới, Mai Thảo kẹt lại ở Việt Nam. Ông trốn lánh suốt ba năm liền, năm 1978 ông thành công trong một chuyến vượt biên. Thoạt kỳ thuỷ ông tới Seatle. Nơi đó ông có vài người bạn cũ đang làm một tờ báo cho người Việt tị nạn. Mai Thảo ở đây làm tờ Đất mới với Vũ Đức Vinh, Thanh Nam, Tuý Hồng. Khi tờ Đất mới đình bản, ông về định cư tại vùng Nam California này và làm lại tờ Văn ở hải ngoại. Thấm thoắt mà tờ Văn hải ngoại đã ở với chữ nghĩa 14 năm qua.

Có một điều ông muốn nói về tạp chí Văn: "Tờ Văn và tôi là hai thực thể không thể chia cắt. Tôi nghĩ rằng trong một tương lai không xa tôi sẽ cho đình bản tờ Văn. Hiện nay điều kiện sức khỏe của tôi còn cho phép. Khi nào nó không cho phép tôi sẽ biết. Tôi hiểu những biến đổi bên trong lục phủ, ngũ tạng của tôi. Rất nhiều bằng hữu của tôi không muốn tờ Văn bị đình bản, họ có thể lèo lái cho nó sống. Nhưng đó là một tờ báo khác, chỉ có cái vỏ là tờ Văn mà thôi, còn cái ruột có thể là một tờ nào đó. Nó giống hình ảnh của một con ốc mượn hồn".


3.

Năm 1956 khi tạp chí Sáng tạo xuất hiện ở miền Nam, nó hệt như những cây lúa nhú lên trong một khoảnh đất phì nhiêu không người khai phá. Mỗi số báo là một bước đi tới. Những người chủ trương hăm hở tiến lên, không nhìn lại những con đường đã cũ. Thời đó ở miền Nam chỉ có những tờ báo, năm thì mười hoạ mới có một quyển sách ra đời. Ngôi "chợ văn chương" hết sức tiêu điều, tịch mịch. Sáng tạo đem một luồng gió mới đến cho văn học miền Nam nói riêng. Nói chung thì là cả hai miền, bởi vì ở miền Bắc lúc đó là lúc những người cầm bút nhìn nhau đôi khi còn tệ hơn là cầm thú trong vụ án Nhân văn-Giai phẩm. Có không ít nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ, nhạc sĩ chết chỉ vì muốn làm một người chân thật, một người mà Phùng Quán đã viết:

"...Yêu ai cứ bảo rằng yêu
Ghét ai cứ bảo rằng ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao
Khắc văn trên đá"

Đứng trên phương diện chữ nghĩa thì những câu thơ này không hay, nhưng nó lớn bao trùm cả thời đại đó. Ảnh hưởng của Nhân văn- Giai phẩm cho tới ngày nay, gần bốn chục năm qua đi mà vẫn chưa hoàn toàn tan biến.

May mắn hơn những người cầm bút ở miền Bắc, những ngôi sao vừa loé lên trên vòm trời văn chương của miền Nam trong giai đoạn này, những Mai Thảo, Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên... như những con ngựa phi nước đại trên những đồi cỏ mênh mông, những khu rừng bát ngát. Nếu Tự lực Văn đoàn là một hiện tượng của văn học Việt Nam trong thập niên 30, 40 thì hai mươi năm sau, Sáng tạo là một hiện tượng khác. Nó làm mới văn chương. Nếu coi văn học như những đợt sóng của một dòng trường giang cuồn cuộn, thì Tự lực là một con sóng lớn và đi trước, Sáng tạo là một con sóng nhỏ hơn đi liền ngay sau đó. Tự lực là một khoảng đất mới vỡ, Sáng tạo là hoa và trái đầu mùa. Những hoa và trái này dẫu luôn phủ nhận ảnh hưởng của Tự lực, vẫn không thể chối cãi là đã khởi đi từ một vị trí mới, do công khai phá nửa chừng của những người mang tên là Tự lực.

Khi tạp chí Văn học (hải ngoại) nêu vấn đề văn học hải ngoại có phải là văn học miền Nam nối dài hay không? Mai Thảo cho biết: Ông không thích danh từ "nối dài". Ông thích danh từ "tiếp tục".

Mai Thảo cũng đồng ý cách hình dung văn học như một dòng sông, nhưng ông không thích cái hạn hẹp của chiều ngang với những đợt sóng tuần tự tiến vào bờ. Ông cho rằng dòng sông văn học của chúng ta có thượng nguồn từ thời tự chủ Lý, Trần. Càng xuôi ra biển nhân loại, dòng trường giang càng lớn. Có lúc dòng trường giang này chuyên chở lịch sử. Cũng có lúc nó lọt thỏm vào trong lịch sử. Hiện nay dòng lịch sử nghẽn lại, dòng văn học trong nước cũng tạm thời ngưng chảy.

Do lẽ đó chúng ta, những kẻ đã may mắn hay là không may mắn thoát ra được nước ngoài, chúng ta tiếp tục những công việc chúng ta đã bỏ dở ở trong nước. Đối với Mai Thảo ông nhìn văn học hải ngoại một cách giản dị: Khi chúng ta không được làm văn học ở trong nước, mà chúng ta đang sinh sống hải ngoại, đang viết văn làm thơ ở bên ngoài tổ quốc thì có nghĩa là chúng ta đang làm văn học ở hải ngoại.

Mai Thảo nhìn văn học như thế, do đó ông không đặt vấn đề nên hay không nên "tiếp tục". Đó là việc đương nhiên phải như thế. Ông cũng tiếc cho những khối lượng nước đang cố làm đầy cho dòng văn học ở nơi đây. Theo ông những người viết mới thật đúng là những người khởi hành một chuyến đi xa xôi diệu vợi mà không có một chút hành lý nào trên người. Ông cho là những anh em trẻ tuổi, mới nhập vào dòng văn chương hải ngoại chịu nhiều thiệt thòi hơn những anh em đã khởi nghiệp từ trong nước. Mai Thảo tự nhận là ông đứng ở trong hạ nguồn của dòng trường giang này. Ít nhất ông cũng có được vài điểm tựa, một vài bến nghỉ chân trong suốt cuộc hành trình. Với những anh em khởi nghiệp ở hải ngoại này thì dòng sông đã mất dấu trên mặt đất, nó chẩy ngầm trong lòng dân tộc, chẩy ngầm trong lòng đất mẹ cách nơi đây cả một đại dương. Mai Thảo cho biết:

"Những người hiện nay khởi đi từ California, Virginia, Paris, Sydney... là những người khởi đi tự chính mình. Nó có tính chất mồ côi bởi vì chúng ta đã bị cắt rời ra khỏi tổ quốc, ra khỏi tiền nhân của chúng ta. Họ đã khởi hành trên một sự trơ trọi không thể nói được. Khi chúng ta còn ở quê nhà, chúng ta có cả một hệ thống giáo dục tiểu, trung và đại học. Con em chúng ta học văn học sử suốt những năm miệt mài trên ghế nhà trường. Ở nơi đây chúng ta không thể dạy dỗ con em chúng ta những điều chúng ta muốn”.

Hiện nay ở đây chúng ta làm gì có cả một thế hệ sinh viên yêu mến một nhà văn hay một nhà thơ nào. Các trường ốc chỉ dạy cho sinh viên những kiến thức khoa học kỹ thuật, những nghề nghiệp thực dụng để nuôi thân mà thôi. Ở nơi đây cộng đồng chúng ta không có được một thư viện sách Việt, một trong những điều tối ư cần thiết cho một nền văn học sinh động, hay những giải thưởng văn chương đúng nghĩa. Cũng có vài cơ sở, vài tờ báo thiết lập giải thưởng văn chương. Song dường như những cái giải đó không nói lên được một điều gì. Tuy nhiên điều quan trọng với Mai Thảo là chúng ta đã có một nền văn chương hải ngoại bằng bất cứ giá nào. Đó quả là một điều đáng kể.

Nếu như trong hai mươi năm qua, những người làm văn nghệ ở miền Nam thoát được ra hải ngoại, không viết văn làm thơ lại thì có nghĩa là cộng sản đã thành công trong việc một mình một chợ, mặc dù trong cái chợ chữ nghĩa của cộng sản thì người bán với người mua là một. Cái chợ đó nó kỳ lạ lắm, nó có từng mùa. Mùa chiến thắng thì trong toàn bộ sách vở của những người viết miền Bắc (Mai Thảo không dùng chữ văn công) chỉ nói đến chiến thắng. Chiến thắng đủ hình, đủ kiểu, dưới mọi hình thức. Thôi thì văn, thơ, nhạc, kịch om xòm cả lên. Toàn thị là chiến thắng, kể cả những chiến thắng không thể có với những đầu óc bình thường không bệnh hoạn. Sang đến mùa đổi mới thì quần chúng lại khổ với những cái nhìn đổi mới thiếu chất sáng tạo. Thật là cảnh muôn người như một.

Có một dạo tờ Văn học, số 49 phát hành tháng Hai 1990 gióng lên tiếng nói đầu tiên về "Văn chương phản kháng" ở trong nước. Thế là ở hải ngoại này nổi lên một trận bút chiến cho tới bây giờ vẫn không ngã ngũ, mà có lẽ sẽ không bao giờ ngã ngũ. Theo Mai Thảo, việc tranh luận giữa các anh em ở hải ngoại này có một điều đáng tiếc là đã gây ra nhiều bất hòa, thậm chí có nhiều anh em không nhìn được mặt nhau nữa. Tranh cãi, bút chiến là những yếu tố căn bản cho sự tiến bộ. Nhưng tranh cãi, bút chiến, lý luận không có nghĩa là mạ lỵ, bôi bẩn, chụp mũ...

Mai Thảo có cái nhìn cực kỳ khe khắt với văn học trong nước. Ông cho rằng ngoài Bắc trước 75 và trong nước sau 75, những người cầm bút của xã hội chủ nghĩa (không kể những nhà văn của miền Nam còn kẹt lại) có sản xuất một số tác phẩm. Song một nền văn học không thể chỉ dựa vào một số sách có mặt là đương nhiên có một dòng văn học. Theo Mai Thảo, một dòng văn học nhân bản và khai phóng phải hội đủ vài yếu tố:

- Trước tiên là những người viết đích thực, có nghĩa là viết không theo một chỉ thị nào, không rập theo một khuôn mẫu nào. Viết vì những thôi thúc, đòi hỏi của chính nhà văn, nhà thơ chứ không phải vì nhu cầu của chế độ.

- Kế đến là một bầu không khí tươi mát cho người viết cũng như kẻ đọc. Cái mà Tây phương gọi là tự do dân Chủ. Hiện nay ở trong nước người viết cũng như người đọc luôn có một tên "chính uỷ" núp sau lưng.

- Sau cùng độc giả (quần chúng) phải có một đời sống tương đối ổn định. Một đời sống không chỉ lo cái ăn, hộ khẩu, đảng, đoàn, lý lịch, bí danh... Đúng vậy, một đời sống không cần dư giả nhưng khi người ta mua một quyển sách, người ta không thèm thuồng một tô phở, một cữ rượu, một manh quần, một tấm áo.

Do cách nhìn đó, với Mai Thảo ở trong nước hiện nay có rất ít nhà văn, nhà thơ. Ông công nhận là có, song đó là những con số có thể đếm được trên đầu ngón tay. Những nhà văn hiếm hoi này nương vào những khe hở của lãnh đạo, cống hiến cho người đọc một số tác phẩm đúng nghĩa.

Ông nói về những nhà văn thành danh của xã hội chủ nghĩa với một giọng hơi khôi hài: "Khi miền Bắc chiến thắng, những người viết ở ngoài đó mới có dịp nhìn thật kỹ những đồng nghiệp trong Nam. Chúng ta bay lượn như những cánh đại bàng, chúng ta có muôn hồng, nghìn tía. Chúng ta có thể xấu, có thể đẹp nhưng dứt khoát chúng ta không có mặc đồng phục."

Xã hội cộng sản có biệt tài về thiêu huỷ. Họ san thành bình địa những ngôi nhà mà không chú trọng tới những con người trú ngụ trong ngôi nhà đó. Họ san phẳng những ngôi mộ trong các nghĩa trang và cũng không lý gì tới những bộ xương. Người sống sờ sờ còn chả ăn thua huống hồ người chết. Hãy kiểm lại những Phan Khôi, Văn Cao, Nguyễn Tuân, Hoàng Cầm, Trần Dần, Quang Dũng, Phùng Quán, Hữu Loan, Nguyễn Hữu Đang, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Nguyễn Bính, Tô Hoài, Hồ Dzếnh... và hàng trăm tên tuổi thành danh khác. Những người vừa kể đã có gì, làm gì thời tiền chiến và thời kháng chiến. Kế đó họ có gì, làm gì sau khi về tới thủ đô Hà Nội từ 54 cho tới 75. Và từ đó tới nay cũng gần hai mươi năm qua đi sự nghiệp những danh tính nói trên đã đóng góp những gì cho nền văn học trong nước?

Năm 1956 khi xẩy ra vụ án Nhân văn-Giai phẩm, và những năm gần đây khi chế độ đó đối với giới văn nghệ nay trói, mai cởi. Chúng ta, những người làm văn học ở trong Nam hồi đó và ở hải ngoại bây giờ, lúc nào cũng dõng dạc lên tiếng bênh vực cho những người cầm bút không may mắn. Mặc dù sự lên tiếng của chúng ta như là đánh vào bị bông, nhưng chúng ta biểu lộ tinh thần "Một con ngựa đau cả tầu không ăn cỏ". Mà nào có phải chỉ có một con ngựa mà thôi. Ít ra cũng là chín phần mười cái tầu ngựa ở ngoài đó.

Năm 1975 nổ ra, những người làm văn nghệ miền Nam được yên thân đâu khoảng một năm đầu. Thiệt ra họ cũng chả tử tế gì, họ còn bận tung một mẻ lưới lớn, bắt giữ những cựu sĩ quan của miền Nam. Họ sợ bứt mây động rừng, nên kiên nhẫn chờ một năm sau mới tung một mẻ lưới khác đối với các văn nghệ sĩ của miền Nam.

Ngày mồng 4 tháng Ba năm 1976, Hoàng Chinh người cầm đầu ngành công an văn hoá ở ngoài Bắc tung ra một danh sách cho thuộc cấp thi hành: Một danh sách bắt giữ đích danh hơn bốn chục người cầm bút của miền Nam. Đặc biệt là nhà văn nhà báo gốc Bắc Kỳ di cư. Họ bắt trong thanh thiên bạch nhật, chả có gì phải giấu giếm. Họ cũng tin rằng các nhà văn của miền Nam không có một con đường nào thoát thân, nên thong thả đến gõ cửa từng nhà. Mai Thảo may mắn không có nhà trong lúc công an đến bao vây nơi cư trú của ông. Nhờ được thông báo kịp thời, Mai Thảo bắt đầu một cuộc sống trốn tránh. Những cây bút tên tuổi nhất còn kẹt lại trong nước hầu như không một ai tránh khỏi. Bao nhiêu người đã nằm xuống do cách nhìn sai lạc, độc ác của những tên cán bộ quản giáo. Vũ Hoàng Chương khi được tha về hai ngày sau hấp hối trên giường bệnh. Ông trả lời câu hỏi của bà vợ là: "Họ đâu cần đánh đập gì. Họ chỉ bỏ đói thôi". Hồ Hữu Tường thì một buổi sáng người nhà mở cửa, thấy xác ông lạnh cứng tựa cột đèn gần nhà. Thật là sống khôn thác thiêng đã chết mà còn biết đường tìm về gần nhà. Nguyễn Mạnh Côn trong những ngày cuối cùng bụng rỗng vì tuyệt thực, đến khi thèm sống phải làm đơn xin ăn. Rút cục cái đơn mang đến kết quả là biệt giam trong cầu tiêu, mà cũng không được một hạt cơm vào bụng, rút cục vẫn lả đi mà chết với cái bụng lép kẹp. Rồi Dương Hùng Cường... cùng biết bao nhiêu những cái chết âm thầm khác.

Nói làm sao cho hết được những khổ đau người miền Nam phải gánh chịu sau mùa quốc nạn đó. Những con người bị đầy đoạ, hành hạ giống như là cầm thú. Có người bị giam cầm cả chục năm. Những Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sĩ, Phan Nhật Nam, Tô Thuỳ Yên, Cung Trầm Tưởng... nay bắt mai thả. Không một ai dưới mười năm đầy ải.

Mai Thảo nêu lên một câu hỏi: Những người như Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Nhật Tuấn... cùng những nhà văn, nhà thơ khác của miền Bắc đâu? Họ giữ thái độ mũ ni che tai. Tuyệt không có một lời, một cử chỉ gọi là có một tấm lòng.

Cái chế độ cộng sản đó không bao giờ coi những con người như những con người. Nhất là những con người văn nghệ, dại dột chơi văn giỡn chữ thôi thì trăm thứ tội. Họ bắt rồi thả, họ trói rồi cởi đến độ có lần Nguyên Sa chuyện vãn cùng Mai Thảo có nói: “Bọn chúng ta có phải là chó là lợn đâu mà cứ nay trói mai cởi". Cái guồng máy đó quan sát chúng ta từ chân tơ cho tới kẽ tóc. Họ rình mò chúng ta. Chúng ta chỉ cần làm sai ý họ, nói sai điều họ nói là đủ rũ tù. Mà trong chế độ đó đi tù thì mười phần chết hết chín. Khi được thả còn sống cũng ngơ ngơ ngác ngác, hồn vía lên mây, cái gì cũng sợ. Riết rồi hèn người đi. Nhiều khi sống mà tệ hơn là đã chết.

Do đó Mai Thảo cho là không thể giao lưu văn hoá với trong nước. Giao lưu thì phải hai chiều, làm gì có một cuộc giao lưu một chiều. Họ luôn luôn muốn phủ nhận chúng ta. Người thì bị giam cầm, trong những cái lồng vĩ đại, nhiều khi mỗi người chỉ được một mét vuông, khi được thả đã có ai viết lại cho ra hồn. Bởi vì khi họ bắt, họ bắt các nhà văn. Đến khi họ thả thì chỉ là những cái bóng của con người. Còn sách của chúng ta ư? Sách thì bị cấm toàn bộ. Dạo họ mới vào trong Nam, họ nhìn các tác phẩm của chúng ta dưới những cái kính hiển vi. Họ bươi móc từng chữ, nhìn ngắm tác phẩm của chúng ta dưới mọi góc độ, mà kỳ lạ thay góc độ nào họ cũng tìm thấy vi trùng. Làm như thể dưới ngòi bút của chúng ta không thể có những bài văn thuần tuý. Họ tuyệt không nhìn thấy chúng ta. Qua những dụng cụ phóng đại họ chỉ thấy sai sót của chúng ta. Tất nhiên những sai sót này cũng do họ định nghĩa. Họ đâu có khác Tần Thuỷ Hoàng, tịch thu sách và không cho chúng ta sống bằng cách nhốt chúng ta trong các nhà tù. Thế thì có khác gì hơn hai ngàn năm trước nhà Tần đốt sách thiêu học trò.

Mai Thảo không có ý kiến về việc bắc một cây cầu giữa trong nước và ngoài nước. Ông nghĩ là công việc các anh em Hợp lưuThông luận đang làm, sẽ không mang đến sự thông cảm thật sự giữa những người cầm bút trong và ngoài nước. Bởi vì sự chia cách đã quá lâu, và khoảng cách đã quá xa. Tuy nhiên ông vẫn tôn trọng các cố gắng của tất cả mọi con người.
Nguồn: Hoàng Khởi Phong. Gối đầu lên chữ nghÄ©a. Văn Má»›i xuất bản, 2007