trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
  1 - 20 / 64 bài
  1 - 20 / 64 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
31.10.2008
NhÆ° Huy
Vài nét điểm qua về cuộc thi nghệ thuật trình diễn đầu tiên tại Hà Nội, do Quỹ Đan Mạch tổ chức
 
“Cuối cùng cũng đã có chút ánh sáng” – xin mượn câu mở đầu bài viết của tác giả Kanju Sugita về nghệ thuật Myanmar khoảng 10 năm trước [1] để nói về đêm chung kết cuộc thi nghệ thuật trình diễn 2008 vừa diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội, ngày 25.10.2008. Cuộc thi nghệ thuật trình diễn lần đầu tiên tại Việt Nam này do Quỹ Đan Mạch phát động, có sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ (dưới 35 tuổi) từ cả ba miền, Hà Nội, Huế, Sài Gòn.

Tuy nhiên, cái ánh sáng mà tôi muốn nói tới ở đây không nằm ở bản thân nghệ thuật trình diễn – là một loại hình đã từng có lịch sử dài khoảng gần 20 năm ở Việt Nam, mà nằm ở việc lần đầu tiên loại hình này được xuất hiện công khai, và qua đó, công khai đi vào trường tiếp nhận của công chúng địa phương (vào cửa tự do), với tổng số trên 500 người (theo thông tin từ phía Quỹ Đan Mạch), hiện diện chật kín Trung tâm Triển lãm Vân Hồ đêm đó.

Theo tôi, chính điểm này đã làm cho cuộc trình diễn lần này khác hẳn với các cuộc trình diễn trước đây [2] tại Hà Nội, và bởi vậy, nó đã trở nên một dấu mốc quan trọng cho việc bước đầu tìm cách lấp đi vực sâu cách ngăn giữa công chúng địa phương và các thực hành nghệ thuật đương đại.

Được giới thiệu vào Việt Nam khoảng đầu thập kỷ 90 qua một số cuộc trình diễn nhỏ lẻ trong một số không gian nghệ thuật tư tại Hà Nội, mà tiêu biểu là Salon Natasha, Nhà sàn Đức, dẫu đã có gần 20 năm phát triển, trước cuộc thi trình diễn lần này, nghệ thuật trình diễn Việt Nam, trong mắt phần lớn công chúng và nghệ sĩ, hầu như vẫn chỉ mặc định là một cõi riêng tư và “cao cấp” nào đó – đặc quyền trong phạm vi nhỏ các nghệ sĩ với số lượng có thể đếm được bằng số ngón trên hai bàn tay.

Nhìn một cách nào đó, hiện tượng này có lẽ cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc cho tới tận ngày hôm nay vẫn rất nhiều nghệ sĩ hoặc công chúng tại Việt Nam tin vào những quan điểm cho rằng nghệ thuật trình diễn khác với nghệ thuật biểu diễn ở chỗ nghệ thuật biểu diễn có sân khấu, còn nghệ thuật trình diễn thì không, nghệ thuật biểu diễn có người phụ trợ, còn nghệ thuật trình diễn thì không, nghệ thuật biểu diễn có sử dụng các hiệu ứng khác như âm nhạc, video, ánh sáng, âm thanh, còn nghệ thuật trình diễn thì không v.v… [3]

Chính ở đây, chúng ta thấy một khía cạnh thành công nữa của cuộc thi nghệ thuật trình diễn lần này, đó là việc nó đã giới thiệu cho công chúng địa phương thêm một số khía cạnh khác của nghệ thuật trình diễn, như trình diễn đa phương tiện, trình diễn lưỡng lai với các thể loại khác, đồng thời với kiểu trình diễn thiên về ý niệm mà công chúng hoặc các nghệ sĩ từng quen biết.

Dưới đây, xin điểm qua một số tác phẩm trình diễn vào đêm 25 tháng 10 vừa rồi tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ.


1. Tác phẩm “Những con lợn vui vẻ” của Phạm Huy Thông (Hà Nội)









Được khiêng bởi hai bạn diễn, Phạm Huy Thông, trong một chiếc rọ thường dùng để nhốt lợn được bọc kín mít bằng các tờ báo. Âm thanh thu từ một lò mổ được phát ra ầm ĩ, tiếng lợn kêu thét vì bị chọc tiết kéo dài suốt màn trình diễn, xen lẫn là tiếng các đồ tể trao đổi với nhau. Từ trong rọ lợn, nghệ sĩ tìm cách thoát ra, dùng đôi tay thò ra ngoài, xé báo, bẻ nan. Quá trình này diễn ra khoảng 5 phút. Ngay sau đó, hai bạn diễn, với trang phục tương tự như Huy Thông, lao tới và lật rọ xuống. Thế rồi cả hai tìm cách đạp và đánh thật mạnh vào rọ, nơi lúc này Huy Thông đã bắt đầu bò ra được một chút. Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực, nghệ sĩ cũng chui ra được khỏi rọ (lưu ý là tiến trình này diễn ra trong những tiếng kêu thét liên tục và chói tai của những con heo bị chọc tiết trong lò mổ). Ngay khi nghệ sĩ ra khỏi rọ, cả hai bạn diễn đồng thời rút còi trong miệng ra thổi thật lực. Màn trình diễn kết thúc trong một hỗn độn cực điểm của các âm thanh váng óc của tiếng heo kêu, tiếng còi rít.


2. Tác phẩm “Lụt” của Lê Văn Sơn (Huế)









Trước khi bước vào trình diễn, nghệ sĩ đi vòng quanh khu vực trình diễn của mình để phát một số hình ảnh, trên đó có in hình nghệ sĩ chồng lên các hình ảnh lũ lụt với những câu hỏi như: “Lũ lụt là gì?”, “Lũ lụt có cần thiết không?”, “Bạn hiểu gì về lũ lụt?”. Ngay sau đó, khi ánh sáng chung vụt tắt để nhường chỗ cho ánh sáng tập trung vào không gian trình diễn, từ phía khán giả, một bạn diễn khác đi lên và đổ ra sàn các vật dụng cũ nát – như là các vật dụng còn lại sau một trận lụt, sách vở, báo chí, các đôi dép, một số dụng cụ gia đình. Thế rồi, trong lúc Lê Văn Sơn đứng trong tư thế của một bức tượng – bạn diễn lấy bùn từ từ đổ kín lên người nghệ sĩ, cho tới khi cả thân hình nghệ sĩ chìm lấp trong bùn nâu. Ngay sau đó, bạn diễn cũng lấy bùn phủ kín đống đồ đạc ngổn ngang dưới chân nghệ sĩ trình diễn, và nằm xuống bên cạnh đó. Đồng thời lúc ấy, trên cả thân hình nghệ sĩ, bạn diễn, và màn hình dưới chân, máy projector bắt đầu phóng chiếu lên đó các hình ảnh lũ lụt tại Huế, với tốc độ nhanh dần. Màn trình diễn kết thúc khi các hình ảnh chiếu kết thúc.


3. Tác phẩm “Chuyển động tròn” của Nguyễn Huy An (Hà Nội)









Trong sự im lặng tuyệt đối từ phía công chúng xung quanh, Nguyễn Huy An lặng lẽ bước vào khu vực trình diễn của mình, với một túi nhỏ bụi than trong tay. Sau khi ngồi thụp xuống, nghệ sĩ bắt đầu hành trình nhẫn nại của bản thân, dùng than phủ từ từ theo chiếc bóng đổ của anh, đang di chuyển theo đúng một vòng tròn. Cái vòng tròn này, trong sự quan sát lặng lẽ của công chúng, theo thời gian, chầm chậm thành hình, ở một vài thời điểm nào đấy có lúc nhìn nó tương tự như thể một nhát ngoáy bút phóng dật của một thiền sư lên tấm lụa trắng. Thế rồi, khi bụi than phủ hoàn tất một vòng tròn, Huy An lại bắt đầu tiến trình nhẫn nại thu gom lại hết tất cả bụi than đã phủ thành vòng tròn đó. Tiến trình này cũng chầm chậm đi tới kết thúc, khi trên khu vực trình diễn của Huy An, chỉ còn lại dấu vết mờ nhạt của cái vòng tròn phủ bằng bụi than lúc đầu. Cái dấu vết này cũng hiện ra dưới hình dạng một hình tròn.


4. Tác phẩm “Những dấu hỏi” của Phạm Văn Trường (Hà Nội)











Khu vực trình diễn chính lúc này, với màn hình lớn, kết hợp cùng một màn hình nhỏ hơn ở phía góc trái Nhà Triển lãm Vân Hồ, làm thành cả một không gian âm thanh và hình ảnh quây toàn bộ sự tập trung của công chúng vào tác phẩm. Trên khu vực trình diễn chính là một đống bùng nhùng: một túi vải lớn, trên đó vẽ hình các dấu hỏi đen trắng lộn xộn. Và càng lộn xộn hơn nữa khi cái đống bùng nhùng đó bắt đầu quẫy cựa, chuyển động hỗn loạn, giằng ra, kéo vào, nhô lên, thụp xuống theo một điệu nhạc ma quái phát công suất lớn. Cuối cùng, chiếc túi vải lớn với những dấu hỏi đó bị xé toạc ra từ trong, và rồi 4 đôi trai gái chui ra. Họ quấn lấy nhau theo từng cặp với những động tác hình thể nửa như múa, nửa như uể oải mệt lả trong một khoảng thời gian khá dài, trước khi bắt đầu lột quần áo của nhau, hai ba lớp quần áo, mà trên đó cũng in hình các dấu hỏi đen trắng dần dần được cởi. Tiến trình cởi quần áo này kết thúc với việc các thân thể đàn ông cởi trần quần đùi và các thân hình nữ với áo ngắn và quần đùi. Tuy nhiên, những dấu hỏi vẫn còn trên các bộ quần áo đó. Thế rồi tất cả những người trình diễn bắt đầu đi về phía công chúng, trong tay là những bộ quần áo vừa cởi lúc nãy, để bắt đầu một tiến trình mặc những bộ quần áo đó cho công chúng. Cùng lúc ấy, nghệ sĩ Phạm Văn Trường, với sự trợ giúp của một số cộng tác viên, đưa cho công chúng các tờ giấy in sẵn, trên đó ghi quan điểm làm nghệ thuật của mình, cùng địa chỉ website nghệ thuật mà anh là người tham gia, nơi cung cấp cũng như các diễn đàn trao đồi về các kiến thức và thông tin mỹ thuật. Màn trình diễn kết thúc khi cả nghệ sĩ và công chúng đang mặc các bộ quần áo của những người trình diễn, cùng đứng bên nhau.


5. Tác phẩm “Đợi” của Lê Thị Minh Nguyệt (Huế)









Ngay khi công chúng còn vẫn đang cuốn vào tác phẩm trình diễn lưỡng lai với rất nhiều đặc tính của một thực hành nghệ thuật công cộng của Phạm Văn Trường, tại khu vực trình diễn của mình, Lê Thị Minh Nguyệt, với chỉ một chiếc quần con, đã ngồi trong tư thế bó gối im lặng từ rất lâu. Cho tới khi khán giả quay ra khu vực trình diễn của chị, họ đã thấy nữ nghệ sĩ ngồi đó từ bao giờ, phía sau lưng là một màn hình, trên đó, máy projector chiếu lên đoạn phim quay một mặt đường, với góc quay từ trên xe máy đang chuyển động. Nghệ sĩ cứ ngồi im lặng một tư thế trong tiếng nổ của xe máy đang chạy cùng hình ảnh đoạn đường đang chuyển động, suốt khoảng hai mươi phút trình diễn của mình, trong khi xung quanh đông nghịt công chúng. Màn trình diễn cứ từ từ đi tới cuối chót trong một hình ảnh bất động như vậy.


6. Tác phẩm “Trong vòng vây” của Nguyễn Văn Hè (Huế)









Nghệ sĩ bước ra trong một tấm lưới đỏ. Và rồi cả màn trình diễn của anh là các chuyển động của thân hình nghệ sĩ trong tấm lưới đỏ đó với những động tác quẫy lộn, quằn quại, kéo căng và vùng vẫy. Các động tác này cùng lúc đi kèm với hình ảnh khuôn mặt của nghệ sĩ, trong các bộ dạng căng thẳng, đớn đau, vật vã. Cả màn trình diễn kéo dài trong im lặng, trong sự quan sát cũng im lặng tuyệt đối của công chúng xung quanh. Chỉ còn lại tiếng đập thình thịch của thân thể nghệ sĩ lên trên nền sàn khu vực trình diễn trong những cú quật quẫy làm méo trẹo cả khuôn mặt và cơ thể người trình diễn. Màn trình diễn kết thúc vào lúc nghệ sĩ tìm cách dùng tay xé hết tấm lưới đỏ đó, để chui ra.


7. Tác phẩm “Tình yêu từ những bức ảnh” của Lê Quý Anh Hào (Sài Gòn)









Trong không gian trình diễn xuất hiện ba người trình diễn ngay sau khi từ loa phát ra những tiếng gọi, “Bố ơi, bố ơi bố, bố ơi”, chính là giọng của nghệ sĩ Lê Quý Anh Hào. Đầu tiên, ba người trình diễn nằm bệt ra sàn. Thế rối, khi ánh sáng tối đi, đồng thời trên màn hình lớn ở khu vực trình diễn bắt đầu xuất hiện một video cận cảnh khuôn mặt của chính bản thân nghệ sĩ Lê Quý Anh Hào, trong bóng tối, kể về những cảm nhận theo kiểu nội chiếu về người bố của anh. Các cảm nhận này lúc có tính kể chuyện, lúc có tính tự sự - toàn bộ là về người bố đã mất - mà dường như cho tới nay anh vẫn chưa thể quên được. Đồng thời với màn tự sự theo kiểu nội chiếu bằng chất giọng thủ thỉ này, ở khu vực trình diễn, Lê Quý Anh Hào, dẫn đầu, cùng hai bạn diễn đi vòng quanh sân khấu với những động tác kỳ lạ chẳng ăn nhập vào với nhau. Sau lưng buộc một con gà chết, thỉnh thoảng Lê Quý Anh Hào lại nhặt một tấm ảnh gia đình của mình đưa lên, dường như là xem, dường như kiểm tra vết bẩn. Có lúc thì lại nhét nó vào một vài chiếc hộp đang xếp hàng ngang trong khu vực trình diễn. Tiến trình này cứ đều đặn theo những vòng tròn liên tục như vậy trong khoảng 20 phút, như thể là một cuộc diễu hành kỳ quái của ba nhân vật trong những bộ dạng lạ lùng. Suốt thời gian đó, trên màn chiếu, chân dung Lê Quý Anh Hào vẫn đang kể chuyện về người bố của anh, có kèm theo các hình ảnh lấy từ tư liệu gia đình. Tiến trình này kết thúc khi hai bạn diễn đi ra khỏi khu vực trình diễn, chỉ còn Lê Quý Anh Hào ở đó. Ngay khi đó, nghệ sĩ bắt đầu tiến lại khu trình diễn, dùng tay sờ lên những hình ảnh đang chiếu liên tiếp trên màn chiếu, những hình ảnh sinh hoạt gia đình, về đám tang của bố anh, với cảnh hạ huyệt, vàng hương. Màn trình diễn kết thúc khi trên màn hình chỉ còn lại hình ảnh một cánh chim bay mờ dần.


8. Tác phẩm “Bóng - Hình” của Trần Huỳnh Triều An (Sài Gòn)









Giữa khu vực trình diễn chìm trong tối, nghệ sĩ trong một bộ quần áo đen, với khuôn mặt được trang điểm biến đổi hẳn đi, từ từ bước vào để sắp đặt những chiếc gương. Từ trong bóng tối, có một giọng vang lên đọc những bài thơ, những lời tự sự của nghệ sĩ về mối liên hệ giữa con người và hình bóng trong gương của họ, về sự lẫn lộn giữa thật và giả, giữa hình ảnh và bản thân hình thể. Các giọng nói tự sự này cũng kể về nỗi cô đơn của một phụ nữ - là bản thân nghệ sĩ - khi đối diện với chiếc bóng của mình và nỗ lực để vượt thoát khỏi những chiếc bóng đang vây quanh. Kết thúc cuộc sắp xếp hỗn loạn, để qua để lại, xếp đi xếp lại những chiếc gương, nghệ sĩ bắt đầu đi ra ngoài và quay trở lại với một thanh gậy sắt đỏ. Màn trình diễn kết thúc trong âm thanh chát chúa khi nghệ sĩ gắng sức dùng thanh gậy đó đập vỡ tan những chiếc gương, lúc này đang đặt nằm xung quanh cô.

© 2008 talawas



[1]Kanji Sugita, “Sự thức tỉnh của nghệ thuật đương đại Miến Điện”, bản dịch của Như Huy, talawas 22.3.2006
[2]Tại Hà Nội cũng có những cuộc trình diễn có tính công cộng như của nghệ sĩ Đào Anh Khánh, từng thu hút rất đông người, song hình như, bởi một số lý do về mặt địa lý (địa điểm trình diễn xa Hà Nội) nên nó cũng chỉ bao gồm các khách mời trong phạm vi nghệ sĩ, và bè bạn nước ngoài. Cũng cần kể tới các cuộc trình diễn trong nhà và riêng tư tại Nhà sàn Đức hay một số không gian nghệ thuật tư nhân khác, hoặc dự án “Đom đóm” – cũng do quỹ Đan Mạch tài trợ - song tính chất công cộng và công khai của chúng – trên cả hai khía cạnh truyền thông và lượng công chúng tự do tại không gian trình diễn có lẽ còn xa mới so được với cuộc thi nghệ thuật trình diễn lần này. Lẽ dĩ nhiên, mỗi không gian trình diễn đều có những đặc thù riêng, có những mặt mạnh và hạn chế riêng, song trong bài viết mang tính chất review này, tôi xin không đi sâu vào các khía cạnh đó.
[3]Bản thân tôi đã có một blog entry nói sơ qua về sự phân biệt này: http://blog.360.yahoo.com/blog-3duvI3A_c7M7.bhp6sD3zYPMbQ--?cq=1&p=247