Xã há»™iÄá»i sống hiện đại Loạt bài: Ngà y Báo chà Việt Nam 21 tháng Sáu
7.4.2007
Nguyễn Hữu Liêm
Một trăn trở vỠbáo chà Việt ngữ ở Hoa Kỳ
Ngày 10/3/2007, tại một nhà hàng ở San Jose đã có một buổi họp mặt thân hữu của giới báo chí Việt ngữ trong vùng. Trong không khí thân mật kiểu làng xã, anh em trong báo giới tiếng Việt muốn tiến tới một hình thức tổ chức cho báo chí tỉnh nhà. Đây phải là điều đã đến lúc. Nhân dịp, tôi cũng dựa theo sự kiện địa phương này, đưa ra một vài nhận định chung về tình hình báo chí Việt ngữ ở Hoa Kỳ.
Trước hết và trên hết, từ gần ba mươi năm nay, báo chí Việt ngữ ở Hoa Kỳ đóng một vai trò hết sức quan trọng và tích cực cho đời sống nhân văn, kinh tế và xã hội của cộng đồng người Việt, đồng thời góp phần không nhỏ trong phong trào đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở quê nhà. Điều này không ai có thể phủ nhận, hay cố tình đánh giá thấp được.
Tuy nhiên, nếu chúng ta hỏi, liệu báo chí Việt ngữ ở Hoa Kỳ đã đóng đúng vai trò truyền thông xứng đáng với môi trường tự do chính trị và ngôn luận như ở Mỹ hay chưa, thì câu trả lời sẽ phải là chưa. Đây là lúc chúng ta nên nhìn lại vấn đề để có thể thấy được một hướng đi cho ngành báo tiếng Việt hải ngoại. Trong bài này, tôi chỉ đưa ra cái nhìn tổng quan, đánh giá báo chí qua giá trị của cơ chế tổ chức.
Trước hết, tự do báo chí ở Hoa Kỳ là một quyền hạn, mà cũng là một ân huệ. Từ tự do đó, cánh cửa báo chí Việt ngữ đã mở quá rộng và không phân biệt - cho một nghề nghiệp mà chức năng của nó đứng ngang hàng với giáo dục. Đa số giới nhà báo Việt ngữ ở Hoa Kỳ chưa có một truyền thống chuyên nghiệp, chưa được đào tạo chính thức, và không được hướng dẫn nghề nghiệp nghiêm chỉnh. Thêm vào đó là cộng đồng Việt ngữ không có đủ mạnh và đông một tầng lớp độc giả đòi hỏi tiêu chuẩn truyền thông xứng đáng. Và nhất là báo chí vẫn không có một cơ chế chuyên môn để tự cai chế và sửa đổi.
Tiếp đến là hiện tượng báo miễn phí. Khi các tờ báo bị vứt tả tơi ở vỉa hè như truyền đơn tiếp thị cuối tuần, thì độc giả không tôn trọng chúng, và người làm báo cũng không tự đánh giá cao tờ báo của mình. Kết quả là một sự liên hệ ở cấp thấp giữa độc giả, tác giả và tờ báo. Hơn thế, thái độ coi thường lẫn nhau của người trong cuộc càng làm cho báo chí Việt ngữ ở Hoa Kỳ không phát huy nổi về chất.
Trong hai thập niên đầu từ 1975, để có được những tờ báo mới ra đời, vì khó khăn kinh tế, trong cảnh "cái khó bó cái khôn", giới làm báo Việt ở Hoa Kỳ phải tồn tại gần như bằng mọi giá, vượt qua mọi ngõ ngách của lương năng chức nghiệp để sống còn. Ngay cả hiện nay, vẫn còn một số nhà báo hành nghề trong hoàn cảnh rất eo hẹp. Chúng ta chia sẻ và thông cảm với nhu cầu và thực trạng sống còn kinh tế của họ. Nhưng đây không phải là hoàn cảnh chung. Hiện tại, nhiều tờ báo vốn có thực lực kinh tế, hay được điều hành bởi những người có học vị, nhưng vẫn rất tệ hại, không chút lương tâm nghề nghiệp. Chúng ta không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh di cư, tị nạn hay kinh tế mãi được. Ở California, trong vòng một thập niên qua, đã có một hay hai tờ báo Việt ngữ nghiêm chỉnh và đạt gần được tiêu chuẩn truyền thông chuyên nghiệp. Còn tình trạng chung thì vẫn ở dưới mức trung bình.
Đã đến lúc mà những bào chữa và biện hộ trước nay cho tình trạng thiếu chuyên môn và tiêu cực của báo chí Việt ở Hoa Kỳ không còn mấy giá trị. Vết thương cũ đã lành ít nhiều. Thời gian và không gian tự do cho những cơ hội học hỏi đã đủ. Khả năng kinh tế cũng đã có. Không lẽ ta cứ ôm hoài cái khuyết điểm thời niên thiếu của báo giới mãi sao?
Trong khi ở Việt Nam hiện nay, giới nhà báo và ngành báo chí, đại diện cho chức năng chính trị và xã hội của quần chúng, hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát và giới hạn của Đảng Cộng sản, thì giới làm báo ở hải ngoại phải nên có tiếng nói tự do cho mình và cho họ. Tiếng nói tự do của báo chí cần phải qua chức năng tập thể. Qua cơ năng tổ chức, báo giới sẽ có cơ chế tự hoàn chỉnh chuyên môn, thăng tiến nghề nghiệp, để từ đó, sẽ có tiếng nói cân lượng trước dư luận quốc tế và đồng bào trong nước.
Tôi xin nêu lên vấn đề sau. Báo chí Việt ở Hoa Kỳ, cho đến hôm nay vẫn làm ngơ trước tình trạng Ban Tư tưởng và Văn hóa của Đảng Cộng sản đàn áp ký giả trong nước. Có trường hợp các nhà báo bị đàn áp dù họ chỉ đưa tin trung thực về các vụ bê bối liên quan đến một hay nhiều quan chức hay cơ quan chính quyền nào đó. Chức năng và lương tâm trách nhiệm truyền thông của họ đã bị vi phạm trắng trợn. Thế nhưng, từ Hoa Kỳ, báo chí Việt ngữ không hề chính thức và nghiêm túc lên tiếng về những vấn đề nầy - ngoại trừ những bài báo "chống cộng" theo một luận điệu và ngôn ngữ đã quá nhàm chán. Một mặt, báo chí tiếng Việt ở Hoa Kỳ đã bị chính trị hóa đến độ không chấp nhận được - như tình trạng ra mắt sách văn học trong cộng đồng cũng phải có nghi thức chào cờ vàng ba sọc đỏ. Nhưng mặt khác, khi động đến vấn đề thuần nghề nghiệp, khi các ký giả đồng nghiệp bị áp chế, trù dập như vừa nói ở trên, thì không một tổ chức báo chí Việt ở Hoa Kỳ nào lên tiếng cho đúng cách.
Đây phải là lúc mà những hiệp hội báo chí Việt ngữ ở các địa phương, như vùng San Jose, phải được thành hình, để báo giới Việt ngữ ở hải ngoại có cơ hội trau dồi và thăng tiến nghề nghiệp, và để có những tiếng nói chung, chính thức và hiệu quả, cho nhiều vấn đề cần báo chí lên tiếng, từ Việt Nam đến thế giới..
Ai cũng phải thấy một điều rất hiển nhiên rằng trình độ chuyên môn của các nhà báo tiếng Việt cần phải được cập nhật hóa. Các nhà báo mới vào nghề cần được tạo cơ hội huấn nghệ căn bản và khẩn cấp. Hiệp hội báo chí có thể mời chuyên gia báo chí chính dòng đến để trao đổi, giúp nhau thăng tiến trong một vài lãnh vực cơ bản. Ví dụ, các nhà báo Việt ngữ phải được huấn luyện về phương thức thâu nhận tin tức, điều tra dữ kiện, và phương pháp viết tin. Họ cũng cần có khả năng phân biệt giữa sự kiện với quan điểm. Giới nhà báo tiếng Việt chuyên, có trình độ, có thể huấn luyện cho một thế hệ nhà báo Việt ngữ mới trong cộng đồng. Báo chí tiếng Việt ở hải ngoại sẽ không tàn, không chết, như nhiều người nghĩ. Nó sẽ còn mãi. Nhu cầu khẩn cấp là nó phải được nâng cấp phẩm chất.
Một điều quan yếu nữa là nên có một cơ chế để trong nội bộ báo chí tiếng Việt ở các điạ phương, như San Jose, có thể trao đổi với nhau. Từ cơ cấu hiệp hội, sẽ có một bản nội quy tổ chức và một văn kiện đồng thuận về đạo đức nghề nghiệp, a code of professional ethics, làm tiêu chuẩn căn bản hướng đạo cho giới làm báo. Đây có thể là bước tiên phong cho ngành báo chí Việt Nam khắp nơi, khai mở một chân trời lương năng chức nghiệp truyền thông cho hải ngoại và quốc nội.
Ngành báo chí là một bộ phận quan trọng của hệ thống xã hội dân sự trong bất cứ quốc gia nào; vì thế, nó phải có khả năng tự cai quản và điều chỉnh chính mình. Một tổ chức báo chí là điều cần thiết. Nếu không, báo chí sẽ bị chính trị cai quản và khống chế, như ở Việt Nam, vì quyền lợi hay bạo lực. Tệ hơn nữa, như trường hợp hiện nay tại nhiều cộng đồng người Việt ở Mỹ, báo chí sẽ bị tha hóa và băng hoại vì sự thao túng và coi thường độc giả của những người làm báo thiếu lương tâm và trách nhiệm truyền thông.
Khi mà ở trong nước, vì hoàn cảnh chính trị khắt khe, một số đông giới nhà báo vẫn còn cất kỹ lương tâm nghề nghiệp vào tủ tâm hồn kín đáo, chấp nhận vai trò báo chí trong giới hạn của đảng cầm quyền, thì báo chí Việt ngữ ở Hoa Kỳ, dù được tự do gần như không giới hạn, lại chưa chứng tỏ là một tầng lớp có lương năng chức nghiệp. Báo chí Việt ở Hoa Kỳ, cho đến giờ này, vẫn chưa đạt đến một trình độ chuyên môn xứng đáng với không gian tự do ngôn luận của nó; trái lại, phần lớn vẫn còn biểu hiện của sự bất lực, thiếu trình độ chuyên môn, nhiều khi biểu lộ tinh thần ích kỷ, vô trách nhiệm - và nhất là thái độ thiếu khách quan về lãnh vực chính trị. Nhìn những tiêu đề và nội dung của một số báo Việt ngữ ở Hoa Kỳ, nhất là ở San Jose, liên quan đến Việt Nam, trên báo giấy cũng như là trên các mạng điện tử, nhiều người phải lắc đầu vì thấy chúng mang luận điệu một chiều, đầy ngôn ngữ tuyên truyền và giáo điều, không khác gì báo của Đảng trong nước, ngoại trừ ở phía lập trường chính trị khác mà thôi.
Vì thế, hệ quả không đáng cho chúng ta ngạc nhiên. Xét trình độ chuyên môn và lương tâm trách nhiệm nghề nghiệp, nếu ai nhìn kỹ mới thấy điều này, giới nhà báo Việt ngữ trong nước và ở Hoa Kỳ hiện nay, chưa ai khâm phục ai - nếu không nói rằng giới báo chí trong nước đang có thái độ coi thường trình độ chuyên môn của báo Việt ở Hoa Kỳ. Báo chí trong nước ít nhất có thể đổ lỗi cho giới hạn chính trị, còn ở Hoa Kỳ, giới làm báo chỉ có thể tự trách chính mình. Tự do báo chí, do đó, là điều vô ích, khi giới báo chí Việt ngữ ở Hoa Kỳ không xứng đáng với tự do mà mình đang có. Từ đó, tư thế đạo đức của họ không đủ cao để có thể tự tin và trang trọng lên tiếng kêu gọi tự do báo chí cho quê nhà.
Một ngày nào đó, sẽ có những hiệp hội báo chí tiếng Việt ở San Jose, Quận Cam và các thành phố đông người Việt khác ở Hoa Kỳ. Lúc đó, các nhà báo sẽ có cơ hội thảo luận cùng nhau về vấn đề chuyên môn và trách nhiệm truyền thông. Lúc đó sẽ có một uỷ ban "hướng nghệ", chẳng hạn, nhằm khuyên bảo các nhà báo, và một số chủ báo thiếu tư cách, như ở San Jose, rằng, làm nghề báo đòi hỏi nhiều hơn là cái máu hung hăng, chụp mũ, mạ lỵ. Những đại diện cho tổ chức này sẽ là những nhà báo mang tinh thần trang trọng trong ngôn từ, nội dung truyền đạt. Những tờ báo của họ dám điều tra và đưa tin một cách khách quan, thuần sự kiện về những khuyết điểm trầm trọng và những chuyện "chướng tai gai mắt" ngay trong cộng đồng của mình. Họ sẽ khuyến khích hội viên xứng đáng với nhân cách báo chí và chức năng truyền thông cao cả.
Đến lúc đó, và hy vọng rằng khi ấy, báo chí Việt ngữ ở Hoa Kỳ, như là một tập thể đa dạng, nhưng có tổ chức, có khả năng điều chỉnh chính mình, sẽ xứng đáng hơn với lý tưởng và chức năng của truyền thông.
Nguồn: V-Times, California, 30.3.2007
|