trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
13.10.2006
Trần Ngọc Linh
Hội nghị Đồ Sơn và những “thùng thuốc nổ”
 
Sau những ngày hè oi ả, thị xã Đồ Sơn lại sôi động với hai hoạt động văn hoá là Chọi Trâu và Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần II, được ông Hữu Thỉnh xác nhận và đặt cho một cái tên cúng cơm trong bài tổng kết đọc vào lúc chớm Ngọ, ngày mùng 5.10: Hội nghị Đồ Sơn. Đây là một hội nghị khá lớn, quy tụ gần 300 nhà lý luận, phê bình và các nhà văn, bàn về quá khứ và hiện tại, thành công và thất bại của 20 năm văn học thời kỳ đổi mới. Tiêu đề: Phát huy thành tựu đổi mới, sáng tạo nhiều tác phẩm có chất lượng cao đã đòi hỏi một trách nhiệm lớn của gần 300 đại biểu, trong đó quá nửa là đội ngũ sáng tác. Ấy vậy mà xem chừng vẫn thiếu, bởi một phần lớn những VIP của 20 năm đổi mới văn học vừa qua lại chẳng thấy có mặt. Ngành lý luận, phê bình thiếu những đại biểu như Phạm Vĩnh Cư, Trương Đăng Dung, Phan Ngọc, Trần Ngọc Vương… Ông Phan Cự Đệ ở nhà, ông Hà Minh Đức chỉ đóng góp ý kiến qua báo Văn nghệ Trẻ, cũng không thấy ông Đỗ Văn Khang, tiến sĩ mĩ học kiêm văn học, “ngọn roi” của ngành lý luận trong những ngày đầu đổi mới… Trong số những người sáng tác cũng không thấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương và Phạm Thị Hoài thì đang ở bên trời Tây xa xôi. Vậy là: Có cháo dùng cháo, có cơm dùng cơm, và Hội nghị Lý luận, phê bình phát huy những thành tựu của thời kỳ đổi mới vẫn được diễn ra.

Đêm trước hội nghị, nhiều người xì xào chờ tham luận của nhà thơ Hoàng Hưng, vì theo những gì được truyền tai thì đó là tham luận có vấn đề nhất. Ngoài ra, như trong mọi hội nghị, người ta cũng chờ đợi “nhân vật của năm nay” là nhà phê bình Nguyễn Hoà. Một số bình thản hơn chờ những tham luận có tính học thuật với hướng gợi mở cho công tác nghiên cứu phê bình, trong khi ông Hữu Thỉnh đọc tham luận đề dẫn và ông Đào Duy Quát đại điện cho Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương có mấy lời úy lạo mang tính chỉ đạo.


Không chỉ một mà là “những thùng thuốc nổ”…

Buổi chiều ngày 4.10, ông Lại Nguyên Ân lên nói về sự độc quyền và sự xuống cấp trong hoạt động của các tổ chức văn hoá nghệ thuật, đòi hỏi phải có sự cải tổ ở lĩnh vực này. Mấy đại biểu ở dưới xì xào, một số người ngước nhìn đoàn chủ tịch, ông Hữu Thỉnh vẫn bình thản, gần mười sáu năm làm Tổng biên tập báo Văn nghệ và kinh qua hai nhiệm kỳ làm Tổng thư ký Hội Nhà văn thì những lời nói kia làm sao khiến ông biến sắc mặt được! Trước khi ông Lại Nguyên Ân lên, ở dưới có ai đó nói: “Lại Nguyên Ân cũng được đọc báo cáo, khá quá”. Và xì xào: “Lại Nguyên Ân mà được lên đọc thì chắc Hoàng Hưng cũng được đọc”.

Quả thật sáng hôm sau nhà thơ Hoàng Hưng được mời lên đọc tham luận. Ông đòi hỏi quyền được tự do sáng tạo, tự do phổ biến tác phẩm, và đề xuất thành lập toà án văn chương để phán xét các tác phẩm bị coi là có vấn đề. Ông đưa ra những lý luận sắc sảo và dẫn chứng cụ thể về từng trường hợp các “án văn chương” như Nhân văn – Giai phẩm, Bùi Ngọc Tấn với Chuyện kể năm 2000, Tô Hoài với Chiều chiều, Tạ Duy Anh với Đi tìm nhân vật; Nguyễn Xuân Khánh với Trư cuồngMiền hoang tưởng… Rất nhiều người hể hả sau bài phát biểu của ông Hoàng Hưng. Ngay sau đó nhà văn Bùi Ngọc Tấn lên “cướp diễn đàn”, yêu cầu Hội Nhà văn phải có một buổi thảo luận về lý do tác phẩm Chuyện kể năm 2000 của ông bị thu hồi và cấm xuất bản. Theo ông những lý do mà những nhà chức trách đưa ra là bất hợp lý. Lại thêm những tràng pháo tay ủng hộ, ông Bùi Ngọc Tấn xin hội nghị một tràng pháo tay cho những người đã dũng cảm in tác phẩm của ông và của đồng nghiệp, những tác phẩm bấy lâu nay vẫn được coi là “có vấn đề”. Trong cử toạ có một số đại biểu vừa vỗ tay vừa nhìn lên ông Hữu Thỉnh, nhưng ông Hữu Thỉnh vẫn bỉnh thản, hình như ông có mỉm cười ti tí.

Sau khi “thùng thuốc súng” đầu tiên nổ, cả hội nghị phấp phỏng chờ ông Nguyễn Hoà, “nhân vật” của hội nghị lý luận phê bình năm nay, đến nỗi bài phát biểu dài dằng dặc của ông Thi Hoàng thêm phần lê thê. Thay vì không khí họp “chợ” như buổi sáng hôm trước, ban tổ chức đã khéo léo phát không báo Văn nghệ Trẻ cho các đại biểu, nhiều người biết trước và chỉ cho nhau trang 14–15, có hai bài trao đổi giữa ông Nguyễn Hoà và ông Trịnh Thanh Sơn. Vậy là gần 300 đại biểu cúi đầu xuống đọc, và cả khán phòng biến thành một thư viện.

Trái với dự đoán của các đại biểu, năm nay quả là ông Nguyễn Hoà để “súng ống” ở nhà thật. Trịnh Thanh Sơn thì hình như ông Hoà đã cho qua, hoặc chẳng buồn để ý đến; ông chỉ tóm tắt nhanh báo cáo của mình với tiêu đề “20 năm lý luận phê bình, ngày rất gần và chuyện chưa xa” rồi chĩa mũi nhọn vào phát biểu của ông Huệ Chi trước đó và bài phát biểu của nhà thơ Hoàng Hưng và nhà văn Bùi Ngọc Tấn: Nguyễn Hoà cho rằng ý kiến đối với vấn đề “tự do sáng tác” trước sau cũng chỉ thuộc về vài ba tác giả, họ nói suốt từ diễn đàn này đến diễn đàn khác, quen thuộc đến mức thấy có diễn giả bước lên bục mà không bàn tới “tự do sáng tác” thì ông sẽ ngạc nhiên. Ông bày tỏ sự không đồng tình với việc cơ quan hữu trách không cho phát hành cuốn tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000, nhưng ông cũng nhận xét rằng nếu ngày ấy Chuyện kể năm 2000 được xuất bản thì hôm nay nó sẽ có rất ít người đọc, vì một tác phẩm được viết chỉ để trút nỗi bức xúc có tính thời sự và cập nhật thì không có khả năng sống với thời gian. Về ý kiến của GS Huệ Chi, ông Nguyễn Hoà nhận xét rằng từ những bài viết ca ngợi cách mạng trong những năm 60 của thế kỷ trước đến bài phát biểu ở hội nghị hôm nay cũng như các tác phẩm công bố trên các website ở hải ngoại, Giáo sư Huệ Chi đã có sự chuyển biến về mặt tinh thần (chứ không phải chuyển biến về tư tưởng). Nguyễn Hoà còn đề nghị, trước khi đi tìm các lý do từ ngoại cảnh, các nhà lý luận phê bình hãy khảo nghiệm chính mình, như cổ nhân từng răn dạy “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Không biết tự đánh giá bản thân mình, không biết tự đánh giá tác phẩm của mình thì dễ hoang tưởng mà rơi vào vòng xoáy của thói háo danh và vụ lợi. Trong và sau khi ông Nguyễn Hoà phát biểu, một số đại biểu ở dưới ngạc nhiên, từ ngạc nhiên đến thất vọng, thậm chí bất bình.

Các ý kiến trong dòng này đều xoáy vào chuyện tự do trong sáng tác và có đại biểu đề cập hẳn tới việc Hội Nhà văn đã không đứng về phía các nhà văn trong các vụ việc cấm đoán các ấn phẩm văn chương. Ông Nguyễn Văn Hạnh và GS Huệ Chi thậm chí đề cập hẳn tới tự do trong tư tưởng và tự do sáng tạo trong văn học nghệ thuật.


Lý luận như sao buổi sớm… phê bình như lá mùa thu

Trong gần 60 tham luận được chuyển tới hội nghị, xem chừng chỉ có khoảng 6 tham luận mang tính học thuật. Đó là tham luận của GS Hoàng Ngọc Hiến bàn về những vấn đề cần quan tâm của ngành lý luận-phê bình, tham luận của ông Đỗ Lai Thuý bàn về đối tượng của phê bình văn học. Nhưng đáng tiếc hai đại biểu này không tới dự hội nghị. Người ta trông chờ vào tham luận của các nhà nghiên cứu và phê bình như Văn Giá, TS Chu Văn Sơn, Nguyễn Đăng Điệp… Tham luận của TS Chu Văn Sơn không được đọc tại hội nghị, tham luận của TS Ngô Văn Giá về “sex với những xúc cảm thiêng liêng” gợi mở nhiều vấn đề mới khi nhìn nhận các hiện tượng văn trẻ trong thời gian gần đây, còn tham luận của TS Nguyễn Đăng Điệp về các vấn đề văn trẻ xem chừng không có gì mới. Một hiện tượng dễ thấy ở hội nghị lần này là thái độ trưởng giả và thiếu nghiêm túc của một số đại biểu. Ông Phạm Quang Trung sau khi đọc tham luận của mình đã “chê” ông Nguyễn Văn Dân là đã đọc chính bản tham luận đăng báo Văn nghệ mấy số trước đó.

Nhìn chung các tham luận thường đem văn học trẻ và văn học của ngày hôm nay ra so sánh với văn học tiền chiến, mà đại biểu cho ngành phê bình là Hoài Thanh, đại biểu cho thơ là Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, cho văn xuôi là Nguyên Hồng (chắc cũng vì Nguyên Hồng là một nhà văn của đất cảng, thậm chí trong các câu chuyện giao lưu giữa các nhà phê bình thì Nguyên Hồng vẫn được lấy ra như một cầu nối), một ít Vũ Trọng Phụng và một chút Nam Cao… Nhà nghiên cứu Phong Lê chứng tỏ mình tiến bộ bằng việc dẫn chứng hai đại diện văn trẻ là Nguyễn Thế Hoàng Linh và Hà Thuỷ Nguyên. Với tham luận khá ngắn “Văn trẻ có gì mới?”, đáng tiếc là nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp trong khi phân tích những hiện tượng văn trẻ lại tự làm cũ mình bằng một lối nghiên cứu theo kiểu trưởng thượng, đưa ra 3 vấn đề của văn trẻ: Ẩn ức cá nhân – Tính dục – Cái nhìn truyền thống từ hiện đại. Ông chỉ nêu lên hai hiện tượng về văn học trẻ là Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu và Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, hai thuật ngữ là 8X và 7X, hai tác giả nước ngoài là Miên Miên, Vệ Tuệ và hai nhà văn tiền chiến của chúng ta là Nam Cao và Vũ Trọng Phụng (lại Nam Cao và Vũ Trọng Phụng!). Sau Nguyễn Đăng Điệp trong phần hội thảo buổi sáng ngày 4.10, buổi chiều ông Bùi Bình Thi lên tuyên bố: trước đây ông đã từng đề nghị với biên tập viên NXB Đà Nẵng đổi tên chuyện Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu thành Dạng chân.


Phát biểu đề dẫn

Nâng cao chất lượng lý luận phê bình, góp phần sáng tạo nhiều tác phẩm văn học chất lượng cao”… hướng tới một nền lý luận không có phương pháp luận và, phê bình của các… nhà báo.

Trong tham luận đề dẫn, ông Hữu Thỉnh có nhắc rằng ngày nay “khái niệm dân chủ được bổ sung bên cạnh khái niệm tự do trong sáng tạo văn học”, một tư duy khá tù mù khiến các đại biểu cũng không hiểu tại sao trước cái “ngày nay” này, người ta lại tách dân chủ với tự do khỏi nhau để rồi bây giờ phải sáp nhập chúng lại và coi đó là một thành công của 20 năm đổi mới.

Thêm vào đó là chuyện “chưng cất tinh hoa lý luận thế giới”, quả là cả một sự nhảm nhí vì thực tế là việc dịch các tác phẩm lý luận trên thế giới cho đầy đủ còn chưa làm nổi, việc tập hợp chúng một cách hệ thống cũng còn chưa xong, thì lấy cái gì ra để chưng cất!

Tham luận đề dẫn lại coi việc “nhiều dạng thức phê bình được sử dụng trên báo chí” như một thành công của ngành phê bình. Thực chất thì ở Việt Nam hiện nay đang dần có hiện tượng đồng hoá giữa phê bình văn học và phê bình báo chí. Phê bình được công chúng đón nhận dưới ba dạng: một là khen vì thích, hai là chê vì không thích, và ba là các bài trao đổi tranh luận theo tinh thần như nhà thơ Hoàng Hưng đã nhắc tới trong bài phát biểu của mình: Thừa tự do mạt sát lẫn nhau và thiếu tự do trong sáng tác. Một nền phê bình theo cảm tính, sư nói sư phải, vãi nói vãi hay, không phải là phê bình văn học.


Báo cáo tổng kết: Hội Nhà văn “cướp công”

Với đòi hỏi thứ nhất về tự do trong sáng tạo nghệ thuật của các nhà văn, ông Hữu Thỉnh quá dễ trả lời. Đầu tiên ông khéo léo lờ đi việc cấm xuất bản một số tác phẩm mà chỉ nhấn mạnh vào chuyện khẳng định rằng các nhà văn của chúng ta hoàn toàn tự do. Vậy đòi hỏi tự do là đồng nghĩa với việc đã tự nô lệ ý thức của chính mình. Cuối cùng ông hạ một câu: Nhiều khi những tác phẩm lớn ra đời trong hoàn cảnh chưa chắc đã phải có tự do hoàn toàn, chúng ta có thể trông sang các nhà văn Nga dưới thời Xô Viết để kiểm nghiệm.

Những chất vấn của các nhà văn sau hai ngày làm việc không làm ông Hữu Thỉnh nao núng. Gần như nức nở, ông thanh minh rằng Văn nghệ là tờ báo đầu tiên minh oan cho Vũ Bằng. Vài nhà văn trong cử toạ quay sang chia sẻ thông cảm với nhà nghiên cứu Văn Giá, tác giả của loạt bài minh oan cho Vũ Bằng trên báo Tiền phong.

Ông Hữu Thỉnh cũng thanh minh rằng Hội Nhà văn là nơi duy nhất bênh vực Nguyễn Ngọc Tư trong vụ Cánh đồng bất tận. Một số đại biểu lại quay ra tìm xem có đại diện của báo Tuổi trẻ TPHCM ở đây không, nhưng đáng tiếc là hình như không có… nên đành quay lên xem Hội Nhà văn đã bênh vực tiếp những ai.

Ông Hữu Thỉnh tiếp tục thanh minh rằng Hội Nhà văn đã bênh vực Nhân văn–Giai phẩm, điều này thì đúng, nhưng hầu hết các nhà văn của Nhân văn-Giai phẩm lại được minh oan từ hồi ông Nguyên Ngọc còn làm Tổng biên tập báo Văn nghệ. Ông Thỉnh có nhắc tới Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, thậm chí cả Nguyễn Hữu Đang nhưng lại quên mất Phùng Cung, trong hội trường cũng ít người biết đến Phùng Cung mà hình như sau tập Xem đêm được in từ tiền của Nguyễn Hữu Đang thì tên tuổi Phùng Cung trong văn giới hầu như chẳng được ai nhắc đến.

Xem chừng sự vất vả trong hơn hai nhiệm kỳ làm Tổng thư ký Hội Nhà văn của ông Hữu Thỉnh đã được các đại biểu thông cảm. Không ai chất vấn thêm gì nữa. Các nhà văn thường dễ mủi lòng.

Cuối cùng, hội nghị kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung vừa bị cơn bão Changchun tàn phá. Nhưng có ý kiến cho rằng ủng hộ miền Trung thì to tát quá, nên gọi là ủng hộ trẻ em miền Trung đón tết Trung Thu. Mọi người nhất trí, nhưng Trung Thu đã là hôm sau, chẳng hiểu số tiền đóng góp có hoả tốc vào được miền Trung rồi hoả tốc đến tay các em hay không. Nếu không thì đành chờ Trung Thu năm sau.

Gần 12 giờ sau khi ủng hộ đồng bào miền Trung, hội nghị liên hoan và các đại biểu theo xe của các đoàn ngả đi tứ phía.

© 2006 talawas