trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
20.9.2006
Cao Xuân Hạo
Về bốn chữ “Địa đàng trần gian” của ông Nguyễn Nhật Anh
 
Khi tôi đọc bốn chữ nói trên, quả tôi không ngờ Trịnh Lữ, một người đã từng được giải thường của Hội Nhà văn về dịch thuật, lại phạm một cái lỗi khó tưởng tượng ở một dịch giả có uy tín như vậy. Lẽ ra tôi phải hỏi ông Trịnh Lữ xem có thật ông đã dịch Utopia như thế hay không. Nhưng rất tiếc là tôi không quen biết ông Trịnh Lữ, vả lại một khi trên bìa sách mà người ta đã trương đầu đề lên như thế, thì phỏng còn ai dám thò bút vào mà sửa nữa? Nhưng đến khi tôi đọc bài của chính Trịnh Lữ, tôi mới biết đó lại là công lao của một người khác trong nhà xuất bản, tự ý sửa lại cái đầu đề sách mà không buồn hỏi dịch giả lấy một tiếng. Ngạc nhiên hơn nữa là khi tôi đọc bài phản bác của ông Nguyễn Nhật Anh, lên tiếng bênh vực bốn chữ trứ danh nói trên, tôi mới biết là bài của tôi hoàn toàn vô duyên và nhầm chỗ, vì một người như tác giả của bài phản bác ấy làm sao có thể hiểu được tôi nói những gì?

Thật vậy ở đây tác giả không hề hiểu tôi nói gì (có lẽ vì tuyệt nhiên không muốn hiểu, mà chỉ muốn tìm cách gán cho tôi những ý nghĩ mà tôi không hề có, tuy tác giả có lẽ cũng biết thừa là tôi không hề muốn nói nhu thế) chỉ cốt sao biện minh cho bằng được một cái lỗi mà học sinh đã học hết lớp sáu không bao giờ có thể nảy ra cái ý muốn bênh vực. Nhưng một khi tác giả đã cố ý làm ra vẻ không hiểu như thế, thì tôi cũng đành phải nói lại cho thật rõ những điều mà mình không hề nói và không hề nghĩ.

1. Tôi chỉ muốn tìm hiểu xem địa đàng có nghĩa là gì, và có phải là từ Hán-Việt (mà nhiều người nhất trí định nghĩa là “từ Việt gốc Hán, được đọc theo cách phiên thiết của từ điển Hán”) hay không, cho nên phải tra và nhờ tra từ điển và tự điển Hán, thì té ra đây là một từ ngữ thuần Việt [1] , không hề có trong tiếng Hán (vì địa đàng hoàn toàn vô nghĩa). được cấu tạo theo kiểu loại suy, trong đó có tác dụng của sự lây nhiễm đặc thù thường thấy ở những người không biết chữ Hán. Thế mà Nguyễn Nhật Anh lục lọi cả chục cuốn từ điển để chứng mình rằng người Việt có nói địa đàng thật (làm như thể tôi bị ông bắt quả tang là đã quả quyết rằng người Việt không bao giờ nói địa đàng).

2. Tôi không hề nói rằng Thiên đường trần gian là một lỗi, chỉ có địa đàng trần gian mới là lỗi trùng ngữ thôi. Thế nhưng Nguyễn Nhật Anh lại lấy Paradis terrestre để chứng minh rằng địa đàng trần gian là hoàn toàn đúng chuẩn.

Trên đây là hai chỗ mà Nguyễn Nhật Anh tìm cách đổ lỗi cho tôi để bênh vực cho bốn chữ Ðịa đàng trần gian mà ông (hay một người khác trong công ty Nhã Nam của ông) cho là hoàn toàn đúng chuẩn mực và xứng đáng được trưng ra ngoài bìa như một cái đầu đề sách.

3. Ngoài ra, Nguyễn Nhật Anh còn dựa vào những trường hợp có vẻ như trùng ngữ, kiểu như núi Thái sơn, Người triết gia, v.v. Vấn đề này có liên quan đến cái mà ông gọi là “tục thức” (Nguyễn Nhật Anh chú:“Conscience ordinaire”) tức là cái mà tiếng Việt thường gọi là “lương tri” hay“lương thức”, (tiếng Pháp gọi là le bon sens hay le sens commun, tiếng Anh: common sense). Trong trường hợp này (nhất là khi có liên quan đến một cái tên riêng kèm theo một “tước hiệu” [2] ), cái tên ấy được coi như một khối riêng, không có quan hệ ngữ pháp thực sự với cái danh từ đi trước nó (được coi như một cách gọi đặc biệt, kiểu như sông Hồng hà (cf. mực Hồng hà) [3] , cho nên không phải là một lỗi trùng ngữ. Cho nên những trường hợp này có thể được coi như những trường hợp lệ ngoại.


*


Ðể góp ý cho bài viết của Nguyễn Nhật Anh, theo tôi, cách làm đúng hơn và cho thấy ông thông minh và có thiện ý hơn, là thừa nhận mình sai và thành thật xin lỗi ông Trịnh Lữ. Còn tôi, tôi chỉ xin ông chịu khó đọc lại bài trên talawas để hiểu nó cho đúng.

© 2006 talawas



[1]Ở đây cũng xin nói rõ rằng những từ thường được gọi là “thuần Việt” để đối lập với những từ “Hán-Việt”, không trừ một từ nào, đều là những từ ngoại lai (Thái, Môn, Khmer, Bahnar, Malai), trong khi những từ “Hán–Việt (vốn chiếm trên 75% vốn từ vựng tiếng Việt và là một trong những cội nguồn chủ yếu của tiếng Việt, bao giờ cũng là những từ mang dạng ngữ âm tiêu chuẩn nhất của thứ tiếng này. Vả lại chính Nguyễn Nhật Anh cũng phải thừa nhận rằng người Việt không bao giờ nói “Ðịa đường”. Như thế có nghĩa là hai chữ này không hề có trong tiếng Việt, và như vậy tức là ông cũng đã bắt đầu hiểu thế nào là cơ chế của hiện tượng lây nhiễm.
[2]Tiếng Việt rất ít khi dùng tên riêng trống không mà không có “tước hiệu” (title) đặt trước, dù đó chỉ là thằng hay con/cái. Ðây không phải là lĩnh vực của lương thức, mà là một tập quán ngữ pháp. Vả lại lương thức không thể thay thế được tri thức khoa học, cho nên người có lương thức vẫn phải đi học (ở nhà trường, với một người thầy, hay tự học), mới biết tránh những định kiến do vô học mà có, chẳng hạn phải học đến lớp sáu mới biết tránh lỗi trùng ngữ, mới biết nguyên lý Archimedes, biết giải phương trình, cùng với nhiều tri thức cơ bản khác về lô-gích, vè tiếng Việt, về hình học, v.v.
[3]Dĩ nhiên có thể nói sông Hồng, nhưng không thể nói mực Hồng.