trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
17.9.2002
Nguyễn Việt Hà
Bàn Tròn Talawas về Ðồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
Vài trao đổi với anh Nguyễn Anh Cơ và chị Phạm Thị Thanh
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20 
 
Tôi có đọc bài của các chị các anh trong forum nhưng vì bận quá nên ít có dịp góp lời, nay có dịp trao đổi với anh NAC và chị PTT.

Anh NAC có nêu vấn đề rất thẳng thắn về " hình thái gia đình ÐTLA là một chiến lược trong cuộc đấu tranh của người ÐTLA hay một ước vọng tự nhiên ". Sau đó anh có dẫn dắt tới vấn đề "Gia đình ÐTLA có sắp xếp được vào hệ thống xã hội hiện nay được không?" cũng lớn chẳng kém gì "Cấu trúc gia đình có cần thiết hay không?", "Ngoại tình có chấp nhận được hay không?". Và dường như anh cũng đã nhận định rõ ràng với đầu đề của mình.

1. Tôi cho rằng đa số cặp ĐTLA nam không lựa chọn " gia đình - khế ước " theo quan niệm tồn tại mà chúng ta chiếu từ gia đình hiện có sang. Rất có thể phần trăm số cặp ĐTLA nữ có mong muốn này nhiều hơn, mà tôi cũng chỉ nghiệm ra từ những người xung quanh tôi, nên anh có thể hiểu là võ đoán hay hấp tấp cũng không ngại gì. Điểm căn bản là cộng đồng ĐTLA muốn chứng minh và đòi lấy quyền bình đẳng trong sự lựa chọn đa dạng trong xã hội và nhất là một sự thanh thản tâm lý, ít ra là trong thực tế hiện tại. Thành ra đôi lúc, họ lên gân gần như là thách thức đẩy tất cả xã hội đến chỗ " lúng túng " để tìm ra một giải pháp ổn thoả. Bằng chứng nếu chúng ta chỉ nhìn vào cái lắt léo của cách đặt vấn đề thì cũng chưa hẳn đầy đủ, đành rằng nó không đừng chẳng được. Song le, nếu bình tâm thì tôi thấy không ít người, trong đó có chị Thy Vân, chị Tre xanh (và cả tôi nữa, xin anh đừng cười) cho rằng đó không phải là sự thách đố mà chỉ đơn giản là một giải pháp không chỉ bao hàm giải quyết được nghịch lý bình đẳng cho số đông ĐTLA, mà còn thoả mãn số ít hơn nữa thực sự muốn có gia đình, có con. Triệt để mà. Tận gốc cũng nên. Suy cho cùng, chẳng qua cũng chỉ là một sự cởi mở về cách nhìn, đa dạng hoá hơn. Ai cần rọ gì thì chui vào đấy, nếu họ muốn chứ cũng chẳng ai đi thách đố đánh đổ cái quan niệm cũ. Ngay kể cả dị tính cũng có thể sống ngoài giá thú hoặc có gia đình đấy thôi. Một số nhân vật chính trị ĐTLA nam còn bông đùa: "Thiếu gia đình, chúng tôi sẽ ngoại tình với ai sau này? Thế nên hãy cho chúng tôi ngồi vào cùng một con thuyền và đừng nghĩ chúng tôi lật thuyền". Thậm chí về vấn đề con nuôi, ĐTLA cũng theo ý tưởng ấy thôi. Bản thân tôi nghĩ nó vô thưởng vô phạt. Và để chấm dứt cuộc chơi, ở Bỉ người ta thông qua điều khoản "cho phép cặp ĐTLA nhận con nuôi có quốc tịch Bỉ để không có vấn đề pháp lý với các nước khác". Một quyết định cũng vô thưởng vô phạt nốt. Ai cũng hả hê.

2. Đấy là chúng ta mới đang chỉ tranh luận về lý thuyết, trên ý tưởng thôi. Nếu nhìn vào thực tế, cứ để nguyên trạng ĐTLA được chấp nhận như là một ngoại lệ thì sẽ gây rất nhiều rắc rối cho các nhà lập pháp về điều chỉnh luật về các quyền phúc lợi xã hội, thuế, kế thừa, đoàn tụ gia đình... Ví dụ như một ông nghị của Thuỵ Điển đặt chân đến làm việc ở Nghị viện Châu Âu ở Brussels và ông ấy rất bất bình vì ông xã của ông ấy không được mời như bà xã của đồng nghiệp, đi đâu cũng phải bỏ tiền túi mua vé máy bay, không được quyền miễn trừ Ngoại giao...Tóm lại là ông nghị ấy giận dữ chỉ vì họ cũng hợp pháp chuyện chăn gối như ai mà bị thiệt thòi đủ thứ... nhất là tiền bạc. Ông ấy hờn dỗi bỏ về xứ sở của mình và tuyên bố "không muốn vì hoà nhập mà đi giật lùi". Và trong tình thế này, để không phá vỡ những giá trị tự do bình đẳng sẵn có, việc tất yếu là thay một câu hoặc bỏ một số từ thay vì ra một đống bộ luật. Vâng, một lần nữa lobby những người ĐTLA rất hiểu những chuyện ấy. Cũng chẳng khác mấy về vấn đề nạo thai, thụ tinh nhân tạo với cặp dị tính.

3. Cả chị Thanh và anh Tùng mới chỉ hiểu, thông cảm ĐTLA đứng trên góc nhìn vai trò của nó giữa cộng đồng, rằng không phải là thừa, và không thể thiếu ; ĐTLA cũng do "tập nhiễm -learned", hoàn cảnh không lựa chọn... Thật chẳng còn gì tốt hơn đối với người ĐTLA nếu chỉ dừng ở đó. Âu cũng là một nguyên nhân tự nhiên xã hội "thông cảm", châm trước cho. Đấy chỉ là vế nhân văn, chuyện xã hội. Nhưng nguyên nhân xâu xa hơn, mà có lẽ chỉ có người trong cuộc mới bộc bạch hết được cái lý giải rất nội tâm tự nhiên mà chẳng yếu tố ngoại cảnh nào có thể kích thích hoặc kìm nén nó được.Tôi lại động đến tiên đề của cơ chế sự sống mất rồi. Nhà văn Nhật Yoko Mischima đã thổ lộ ước nguyện của ông muốn trở thành một người móc cống. Ông ấy kể là lúc ông mới có gần năm tuổi, một hôm nhà tắc cống và trước lúc mẹ đi làm để hai chị em ở nhà một mình có gọi điện đến công ty vệ sinh. Và cậu bé đã bám váy chị gái lúc ra mở cửa khi một người đàn ông lực lưỡng mặc quần đùi, ngực trần, người phủ đầy cứt và rác hiện ra trước khung cửa, nhoẻn cười lịch sự hỏi cô chị, để lộ hàm răng trắng bóng "Cô làm ơn xem cống ở bếp đã thông chưa?". Cả chị lẫn em cứ há hốc mồm ra mà nhìn. Và ông ấy còn lan man kể rằng nhiều ngày sau đó cậu Mischima cứ thích chơi ở cống sau nhà, cô chị thì thẫn thờ; cậu em thì nhắc về anh móc cống; cô chị mắng át đi "Cái loại người ấy không xứng với gia đình ta!". Cái giây phút ấy ám ảnh ông ta như là một định mệnh của đời mình.
Tôi lại sa đà vào dẫn chứng văn học, có lẽ không thuyết phục lắm. Quanh tôi, những người bạn ĐTLA còn kể ra nhiều những kỷ niệm trước ấu thơ của họ cũng ly kỳ chẳng kém: nào đi tắm truồng ở sông với bạn của anh trai, nào bất chợt tìm thấy playboy của bố trong tủ và cứ thích ngắm....một phái....Có người phức tạp hơn, nói rằng khi ngủ với vợ vẫn thấy thiêu thiếu, ngoại tình cững không giải toả nổt và một ngày kia khi đi leo núi, anh ta phải lòng chồng của cô bạn gái rất thân (đến là khổ). Sau đó thì tôi xin tạm không bộc bạch chắc anh chị hiểu. Tất cả họ rất xúc động khi kể, và họ rất gật gù cho rằng nó là một tiếng gọi bí ẩn cũng như những người bạn dị tính ngồi cũng bàn với tôi thổ lộ.

4. Chị Thanh viết :"Ðồng tính luyến ái, hay cùng phái yêu nhau, là một bước đường cùng, một chọn lựa bất đắc dĩ của phần lớn những người giàu tình cảm nhưng yếu thể xác". Tôi nghĩ chị Thanh biết ít thông tin đấy thôi. ĐTLA nam là nhóm người có hoạt động tình dục mạnh về cường độ và dễ thay bạn tình nhất. (Hiện tại họ thận trọng hơn). Nhiều nhà xã hội học có giải thích cho tôi rằng do sinh lý của nam giới có nhu cầu mạnh hơn, cộng với quan hệ đồng giới không có những ràng buộc gia đình nào cả (vợ con không có, lại thích sống xa gia đình ở thành phố lớn để nguỵ trang cuộc sống tình dục của mình).Thêm nữa, những cặp đồng tính cũng thường là những cặp đồng loã, "đồng chí" vì nhiều người cho rằng tính chất của các cặp này mang tính chất gần tình bạn hơn là một gia đình. Byron chẳng từng nói "Tình bạn là tình yêu không có cánh". Ông ấy thường hay chắp cánh cho những người bạn của mình.Cá nhân tôi nghe phần nào cũng thấy bùi tai. ĐTLA nữ lại có xu hướng "trầm" hơn và hình như là chung thuỷ hơn thì phải.

5. Chị Thanh có thắc mắc về cách làm tình của hai người đồng tính nam và nữ như thế nào. Tôi nghĩ một giải thích tốt nhất cho chị là chị thuê một băng video porno dị tính, một băng đồng tính nữ, một băng đồng tính nam chị sẽ thấy hết những trò chơi tình dục hiện đại của loài người. Nó không đến nỗi xa nhau lắm về công thức: lấp đầy lỗ trống. Hơn nữa xét về sinh học phát triển cá thể, cả cơ quan sinh dục đực và cái đều có nguồn gốc phát triển như nhau. Tuỳ hooc môn sinh dục tác động ở giai đoạn sớm của phôi thai mà chúng biến thành bộ phận sinh dục nữ hay nam. Chúng khác nhau về hình dạng nhưng lại đồng dạng về nguyên lý tổ chức cấu trúc. Chính thế những trò chơi tình dục thường nhằm vào đúng những bộ phận tương ứng ở cả hai giới. Chỉ có lạ là khi một ĐTLA luyến ái nam nhìn thấy của nữ hay ngược lại, họ đều lãnh đạm với trò chơi. (Xin lỗi anh chị tôi giải thích không được khoa học lắm). Nếu chị không chịu được hiện thực trần trụi thì những tập tranh của Nhật bản có lẽ hợp hơn chăng?
Thân mến

Bàn tròn Talawas ÐTLA http://groups.yahoo.com/group/ta_round
© Talawas 2002