trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtKiến trúcXã hộiĐời sống hiện đại
8.4.2003
Nguyễn Trương Quý
Hà nội: chuyện phố cổ, phố làng
 
Cách đây vài năm, quãng 1998 trở về trước, khi mọi người ở đất nghìn năm đồng loạt ghi nhận giá trị hiển nhiên một cách "bất thành văn" của khu "phố cổ"- khu Hà nội 36 phố phường - thì ông Dương Trung Quốc, với tư cách là Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt nam và Tổng Biên tập Tạp chí Xưa & Nay, đưa ra quan điểm: Không còn tồn tại một hình hài khu phố cổ ở Hà nội và khu vực gọi là phố cổ ấy thật ra không còn kiến trúc nào có tuổi thọ quá 100 năm cả! Nghĩa là lâu nay ta ngộ nhận về những dãy nhà phố hình ống, mái chồng diêm 2 tầng lúp xúp phân cách bởi những tường đầu hồi giật cấp và vô số sân trong là giá trị tinh hoa, thậm chí di sản.

Khỏi phải nói phản ứng của dư luận và những nhà nghiên cứu liên quan chộn rộn thế nào! Nhưng quả thực lý lẽ của ông Quốc khó lòng bắt bẻ, chỉ có điều phần lớn những người đang "khai thác" giá trị của khu phố ấy (ý nói những nhân vật ở cấp trên chỉ lo chỉ đạo
chứ không phải đám dân chúng chen chúc khổ sở trong mấy mét vuông "toả nhị kiều" ấy - xin dùng đúng chữ của của Xuân Diệu mượn của Nguyễn Du hay từ điển cố Trung quốc đã dùng để mô tả cái không gian nhà mờ mờ hiu hắt, ánh sáng không chịu sáng, một vẻ nghèo nghèo phong lưu tí chút) thì đâm ra oán hận ông Dương Trung Quốc đã mưu toan giội một gáo nước lạnh vào bầu nhiệt huyết cho chặng kỷ niệm "thành tích" 990 năm rồi 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Sự thật là không còn một khu phố dân gian đầy ma lực nữa. Bây giờ đi rạc cẳng hết cái tam giác quy ước của "Thành phố" (xin gọi các cấp lãnh đạo của Thành phố hay các Sở bằng tên tắt như thế, kiểu cán bộ và nhân dân cấp dưới vẫn nói khi sắp có đợt kiểm tra liên ngành trên Thành phố hay trên Quận về… ) chiếm toàn bộ khu phía Bắc Bờ Hồ của quận Hoàn Kiếm thì cũng không thể tìm cho ra góc nào đã được ông Phái vẽ. Chỉ còn những Mini Hotel và Café tour trong những nhà hộp mới. Sự dột nát của những căn còn lại và hệ thống vệ sinh xuống cấp khiến cho tổng thể nát như tương đâm. Ngày qua ngày, những hộ không xây được mới thì kiên nhẫn chờ ngày "Thành phố" ra tay can thiệp, còn những hộ nào mưu lược và khéo léo quan hệ thì vẫn xoay được giấy phép đàng hoàng, để rồi nhanh như chảo chớp sẽ có Melody với Camellia Hotel sừng sững thay thế. Giờ thì chủ nhà và các kiến trúc sư cũng khôn lắm, làm theo khống chế của Sở Xây dựng và Ban quản lý Di tích phố cổ hoá ra chuyện nhỏ. Muốn có mái dốc là có, muốn giật cấp chiều cao cũng được, muốn mặt tiền có "bản sắc"? Ok, rất đơn giản. Nhưng thử bước vào trong xem, tường lát gạch men kính lộng lẫy, toa lét thơm tho, phòng ốc đâu ra đấy. Nghĩa là hình thức liêu xiêu với xô nghiêng chỉ để làm dáng cho các bác hoạ sĩ và nhạc sĩ tìm bút hứng, còn giá trị cổ hả? Đơn giản được tính bằng "cây", bằng "đô". Mỗi mét vuông đất ở khu phố cổ bây giờ giá loại trung bình (chứ không dám xớ rớ đến mặt khu Hàng Ngang, Hàng Đào) không ít hơn 40 - 50 triệu đồng. Chúng ta đang phải chấp nhận cuộc chơi: những giá trị vẫn thường được đề cao phải chịu sự thử thách của đời sống. Hình thức sinh hoạt buôn bán đổi thay, giao thông kiểu khác, nạn nhân mãn do hấp lực kinh doanh và do chính sách quản lý nhân khẩu, nhận thức về giá trị của các thế hệ mâu thuẫn nhau. Có thể Hội An giữ được khu phố xưa của mình là một kỳ tích nhưng Hưng Yên không vì thế mà bị đổ lỗi cho việc biến mất không còn dấu vết của một Phố Hiến nức tiếng xưa. Ai có thể đảm bảo cho một hình thái sinh hoạt hay không gian sống sẽ bất biến trước một lịch sử biến động. Hay nói đơn giản chỉ là chuyện nhà ở sâu tít trong ngõ Hàng Vải, Hàng Bồ rộng có 6m2 sẽ đối phó thế nào với 2 cái xe máy, nhất là bọn thanh niên mới lớn hay già thích đóng vai trẻ con sành điệu sắm xe cá mập Avenis với những Piaggio X9 chết toi kềnh càng kia trừ phi ra chỗ khác mà ở hoặc đập cửa đi xây lại. Càng thấy không thể đơn giản gán một giá trị, nhất là giá trị văn hoá, thứ mà có lẽ rất khó thông qua với nhau bằng lòng tự hào rồi "cứ thế mà triển khai". Khi quần chúng không ủng hộ, chắc chắn giá trị ấy phải được luận định lại.

Mấy năm gần đây, một số Kiến trúc sư Việt kiều trở về, mang theo phong cách trang trí theo motive Á Đông kết hợp Art Déco áp dụng vào một số căn nhà xây mới hoặc sửa lại để kinh doanh mỹ nghệ, lụa là và nhất là Gallery thì "đắt sô" kinh khủng. Phải nói là sự tinh tế và thẩm mỹ vào loại "có sạn trong đầu". Sự tiền hô hậu ủng của Hội nghề và những tạp chí chuyên về quảng bá nhà cửa vật liệu nội thất khiến cho tình hình ngỡ như có giải pháp. Gì thì gì chứ trong vòng non chục năm từ 1992 đến 2000, năm nào cũng có đến vài chục đồ án tốt nghiệp đụng chạm đến "phố cổ", sự đóng góp và nghiên cứu không phải là nhỏ. Nhưng không một đồ án nào sống được ở thực tế hay được những cán bộ lãnh đạo chiến lược xem đến để rút ra những bài học cần thiết. Nói tóm lại, khát vọng của tuổi trẻ lắm khi được hiểu như là trò đánh bóng của mấy tay kiến trúc chẳng giống ai, toàn chơi kiểu ngông! Hóa ra chuyện bản sắc và phong cách lại được phục hồi bới các nghệ sĩ Việt kiều và Âu Tây đến tìm cảm hứng nơi này. Bạn có biết thiết kế một bộ hồ sơ kiến trúc và xây dựng cho một nhà dân thì giá cả thế nào không? Theo đơn giá Nhà nước biến động trong khoảng 35000 - 45000 đồng /m2 tuỳ thời điểm (có lúc tính 1,35% giá trị dự toán). Nhà dân cũng chỉ quanh quanh số tầng 3 - 4, rồi mỗi tầng may lắm đến 50 m2, vị chi là 7-8 triệu đồng. Còn của một kiến trúc sư danh tiếng thì không dưới 5000 đô Mỹ cho một trong những căn nhà "tinh tế và thẩm mỹ" kia. Tất nhiên, chất xám không thể cào bằng, vậy hãy nói đến chuyện xây cất ra sao hay chuyện dùng vật liệu thế nào để làm thước đo giữa chúng.

Nhưng tôi lại không thấy quá lo lắng cho số phận "phố cổ", vì sự tự điều chỉnh của nó rất diệu kỳ. Những căn phố có thể phục hồi mặt đứng theo môtip - tạm gọi là "phố Phái" đi, như hình ảnh trong tranh của danh hoạ, thậm chí muốn giả vờ rêu phong lở lói cũng được mà. Ở khổ sở 100 năm, 50 năm, thì cũng ở được thêm vài năm nữa đợi đến dịp 2010. Cái mốc 1000 năm Thăng Long kia xem ra là deadline cho tất tật mọi hoạt động có màu sắc văn hoá và cảnh quan đô thị. Rồi những bùng nhùng bên trong sâu sẽ giải quyết bằng chính nỗ lực của người dân. 100 năm nữa, hình ảnh khấp khểnh của những phố mới hiện nay lại trở thành vật chứng cho một giai đoạn lịch sử. Nên chăng không phải lo lắng quá về sự nhôm nhoam ấy, nó là bằng chứng cho một sức sống chuyển mình mãnh liệt. Một thành Thăng Long của thời Tây Sơn trở về trước gần như bị xoá sổ hoàn toàn nhưng không vì thế mà Hà nội ngày nay kém hấp dẫn. Di sản là một món hồi môn có giá trị nhưng có thể làm con cháu lúng túng khi sử dụng. Nhất là con cháu lại không sử dụng trên phương diện tinh thần làm chủ đạo, mà lại nhăm nhăm chực đập vỡ lọ xem có vàng giấu trong đáy không.

Kinh tế không phải là thủ phạm của sự xuống cấp và bị xâm hại của di sản kiến trúc. Ngày xưa nghèo hơn, các cụ quá nghèo là đằng khác nhưng có ai dám xây nhà chõ mặt vào đình làng hay tơ hào gì của nhà chùa? Bây giờ phá đi mười cái chỗ mình ở nhưng lại đi công đức một trăm cái ở tứ phương. Bụt chùa nhà không thiêng, Phật địa phương không sang bằng Thánh ở mãi Phủ Giầy hay Cửa Ông. Thế nên khoảng 400 di tích ở Thủ đô thì 300 có lẻ có vấn đề về vi phạm. Vậy mà đi đến chỗ hành hương nào trên toàn cõi cũng thấy biển công đức ghi người địa chỉ Hà nội chi chít. Sống ở một làng cả đời, nhà cửa dòng tộc hàng trăm năm ven đô, bỗng ngày kia có chỉ thị quy hoạch bốc tất cả đi. Nghĩa là đất hương hoả cha ông, mồ mả, đình chùa miếu mạo, quan hệ họ hàng làng xóm, những thứ đếm được và không đếm được, đều nhất tề thiên di. Số phận của các làng cổ ven thành đang được hoạch định như thế. Một nửa huyện Từ Liêm đã biến động ghê gớm từ khi cắt đất của huyện về quận Cầu Giấy, Tây Hồ và Thanh Xuân. Dọc sông Tô Lịch là những làng cổ nhất Hà nội và quan trọng hơn, là những mối quan hệ truyền thống (chắc không bị coi là lạc hậu cổ hủ nếu chúng ta đề cao đạo đức, nhân nghĩa và tương thân tương ái?) tồn tại như sợi dây mang hồn làng hồn xóm. Giờ thì lên phường hết rồi, đất nội thành có giá. Những người ngoài vào mua đất xây cất ầm ầm, anh em con cháu dằn vặt nhau vì mét vuông ao hay vườn tược chia chác, thanh niên nhanh nhẹn làm ăn cũng như nhanh nhẩu nghiện ngập chích hút, người già bất lực trước sự đổ vỡ băng hoại của gia phong. 70 năm trước, liệu những cô Kếu "gái tân thời" hay thị Mịch "bán rơm nhồi lốp ô tô" có bằng hậu sinh? Các lực lượng an ninh đô thị vào cuộc, tức là mô hình trật tự khép kín của làng xã xưa đã vô hiệu. Rồi làng xóm chật chội thêm, tệ nạn như rươi, nhà nhà xây cao cổng ngõ và đi đâu cũng khoá kỹ càng. Những làng dọc phố Bạch Mai hay khu đê La Thành, Khâm Thiên là những ví dụ rõ nét nhất. Làng Hoà Mục, Nhân Chính, quê hương Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng cũng thế chăng? (theo thông tin trên báo Thể thao văn hoá nhân phê duyệt của phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố cho bản quy hoạch mới nhất của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn thì chúng sẽ được cắt bớt đất để làm đường và khu chung cư kiểu tiểu khu đô thị). Quê ngoại tôi cũng sẽ thế chăng? Làng nằm cạnh làng Vạn Phúc nổi tiếng, xưa có nghề dệt nhiễu, giờ thì mất rồi. Làng nằm bên này sông Nhuệ đối ngạn làng Trung Văn, ba năm một lần có lễ hội rước kiệu Đào tuớng quân, một vị tuớng của vua Lê Đại Hành đi đánh quân Tống qua sông giữa hai làng. Vậy mà tôi từng thấy một bản vẽ quy hoạch cho cả làng Trung Văn kia một mảng mầu xanh lá cây, nghĩa là thành công viên bờ sông. Thế thì làng tôi sẽ rước kiệu Tướng quân một mình chăng?

Em họ tôi - trai vùng ven, nhanh nhạy làm giầu, đang ấp ủ xây một villa "hoành tráng" cho cả làng lác mắt. Mà làng cũng lắm nhà to khiếp. Hà nội đến thời kỳ giầu sang phú quý rồi chăng?


Nguyễn Truơng Quý, 1977, graphic designer, sống tại Hà Nội

© 2003 talawas