Một buổi chiều, một buổi chiều nào đó, như tất cả những buổi chiều ta đã lang thang trên xứ lạ, như tất cả những buổi chiều mặt trời rơi xuống xoáy buồn vào trái tim, ta nhìn đời sống mình bốc khói. Khói cay ngun ngún cháy đi tất cả những ngày đã qua, cháy đi những mộng tưởng cũ kỹ, những hè đường đầy lá úa ướt át, những dòng sông thở nồng mùi gỗ mục. Đời đã ngun ngún cháy đi những giây phút hạnh phúc đẹp đẽ và mơ mộng nhất của ta, cháy đi những cửa sổ mở tung nhìn con chim bay trên trời, những ngõ hẹp cất giấu bóng chiều âm ỉ, và khuôn mặt em, khuôn mặt ướt mưa mà hai bàn tay ta đã nâng niu như một cánh hoa gần. Trong mắt em ta nhìn thấy ngoài kia cơn mưa chụp xuống giăng kín buổi chiều. Em chớp mi, và bầu trời phủ đầy bóng tối. Một bóng tối thơm ngát mùi hoa chanh.
Một buổi chiều, một buổi chiều nào đó, giam mình giữa dòng xe cộ trùng điệp của giờ tan sở, để chiếc xe tự động lăn theo dòng nối tiếp mệt nhoài, tâm tư ta lại nhớ về những buổi chiều cũ ở quê nhà. Những buổi chiều đã ngun ngún bay đi. Bay đi như khói thuốc, như hương khói mùa xưa. Những buổi chiều trời thắp mãi tiếng mưa sầu.
Làm thế nào để quên được nhau. Hạt mưa kia long lanh nỗi nhớ niềm từ biệt, hoàng hôn bàng hoàng màu khói nhạt...
Ta chợt nhớ đến người thi sĩ ấy. Thanh Tâm Tuyền. Bây giờ, ông đang nuôi những cơn mộng nào. Ông đã sống như thế nào giữa lòng quê nhà mưa bay gió thổi
[1] . Ông nhìn ngắm như thế nào những con đường, những buổi chiều, những băng đá, những dòng sông, những thành phố ngày xưa. Trời thì còn mưa, mưa mãi. Mưa rơi ướt những hoài vọng, những ước mơ, và bóng tối như đang đổ xuống không cùng. Ta muốn bật một que diêm để cùng Thanh Tâm Tuyền nhìn lại những buổi chiều cũ, có hơi ấm ngày xưa.
Buổi chiều vào chật khoang xe. Đèn thắp lên
Tiếng máy nổ bỗng thành tiếng cười dài
Mưa xuống bên ngoài, ngoài cửa sổ. Những bàn tay níu lấy vòng sắt lạnh
Mỗi ngày chúng ta đứng bên nhau không quen nhau
Thân mật ngó lên mái tóc rối nền trời khuya
Ngó vào mắt hoang xa dòng sông không bờ
(...)
Chuyến xe buýt chạy trong buổi chiều. Trời mưa, mưa ngoài châu thành.
Không tìm thấy bến không đỗ lại
Vai áo đã ướt đầy
Tóc em rét mướt
Một ngày mới bắt đầu với tờ báo phát hành sớm gói trên tay.
Xe còn chạy mưa hoài dòng sông hoang mắt bỏ cố níu lấy cửa xe...
(“Một chỗ trên ô-tô-buýt”)
Que diêm đã bật lên rồi đó, chúng ta có ngửi thấy hơi ấm quê nhà? Ôi, một chiều mưa, mưa rơi ngoài châu thành, chiếc xe buýt xanh chạy vào trái tim, dòng sông và những chấm mưa lổ đổ, buổi chiều xanh lơ màu sương khói, vai áo em mềm ướt hồng da thịt, vùng tóc rối rét đầy. Em hiền, em hiền như bánh không men, như ngọn tháp giáo đường ngoài xa kia vươn lên như một búp nến. Hơi lửa nhỏ nhẹ cháy vào lòng ta rét mướt. Xe chạy hoài dòng sông nuối mắt. Búp nến buồn hiu hắt những hơi mưa. Sợi tóc quệt ngang vành môi theo đường bay của gió. Những con chim bay vào cõi sa mù.
*
Tôi muốn viết về Thanh Tâm Tuyền như ông vẫn còn đang đứng ở đó, bên một cây cầu hay một dòng sông, tay sờ lên đường viền của những vòng sắt lạnh. Tôi muốn viết về ông như viết về những kỷ niệm của mỗi một chúng ta. Tôi không nghĩ là thơ ông đã tạo được những rung động trong đông đảo quần chúng hay được tất cả những người thưởng ngoạn, những người làm văn nghệ thời đó nhất trí chấp nhận như một giá trị hiển nhiên. Thanh Tâm Tuyền, và một vài người khác cùng thời với ông, đã có công giới thiệu và làm bùng nở một dòng thơ tự do đầy sức sống trong một giai đoạn phát triển của văn học miền Nam. Trong cái nhiệt tình thắp lửa, có những lúc có thể là ông đã phát biểu cái tiếng nói thơ, chuyên chở tâm tình và sự suy tư của ông, ở những cung bậc quá khác lạ với những âm điệu vẫn được những người khác - những người cùng sống ở một thời đại với ông - thường dùng.
Thanh Tâm Tuyền đã được yêu thương, ca tụng cũng như đã bị lên án và chối bỏ trong những năm ông bám lấy thơ, coi thơ như một cung cách sống, một nỗ lực để có thể sống cái đời sống của mình một cách trọn vẹn. Ngoài một số những bài thơ làm sau giai đoạn 1964, chưa được in thành tập, những bài thơ tiêu biểu nhất của ông, làm trong những giai đoạn trước đó, đã được ông thu góp trong hai tập
Tôi không còn cô độc (1955) và
Liên-đêm-mặt trời tìm thấy (1964). Hai tập thơ đã trình bày trước độc giả con người của Thanh Tâm Tuyền một cách khá rõ nét. Kiêu căng, ngạo mạn, lạnh lùng, cô độc, cô đơn, cô lữ, lãng mạn, tha thiết, dằn vặt, yêu thương, khô khan, bùng cháy, mệt mỏi, hoài nghi, thất vọng, siêu hình, trong sáng, rắc rối, phức tạp, xót xa, phẫn nộ... Đó là một số từ chúng ta có thể dùng để nói về thơ Thanh Tâm Tuyền, về Thanh Tâm Tuyền. Ông đã sống thiết tha và vũ bão như vậy. Có những lúc ông cũng đã cảm thấy mệt mỏi, hoài nghi, và thất vọng, nhưng trong tất cả những trạng thái sống đó, tôi chưa từng thấy ông sợ sệt.
Như con sư tử và như đứa trẻ thơ (đúng, Thanh Tâm Tuyền cũng có đôi khi như thế) của Nietzsche, Thanh Tâm Tuyền đi vào đời sống với tất cả những say đắm, yêu thương, thơ dại và phẫn nộ chất chứa trong hồn ông. Ông đã được yêu ghét thế nào, chúng ta chắc chẳng cần nhắc lại. Hãy chỉ nhớ là, bây giờ, Thanh Tâm Tuyền vẫn đang ở tại quê nhà, vẫn còn canh giữ cho ta những giấc mộng cũ, và những bài thơ của ông, lang thang ở những xó góc tối tăm nào đó của đời sống, của trí óc ta, lâu lâu vẫn còn khua gõ những bước chân âm thầm trở về. Và ta lại nhìn ra những bóng mưa của thời gian xưa cũ, những dòng sông vẫn chảy lặng lẽ, mưa vẫn rơi, mưa rơi nhỏ nhẹ, mưa rơi ngoài châu thành. Trái tim ta ướt đẫm nước mắt...
Anh ngắm hai bàn tay anh nhớ tàn lá về chiều
Khóc thờ ơ ngoài không trung.
*
Đọc lại những bài thơ Thanh Tâm Tuyền, tôi thấy mình yêu và gần ông ở những bài, những đoạn, những ý ông nói về tình yêu. Thật ra, bài nào của Thanh Tâm Tuyền lại không có tình yêu trong đó. Tình yêu giữa nam và nữ. Tình yêu mến thiên nhiên, yêu thương con người nói chung. Tình yêu giữa ánh sáng và bóng tối, tình yêu đồng loại bị dồn nén bởi sự tàn ác, bất công và nước mắt - nổ bùng ra thành phẫn nộ. Tình yêu làm Thanh Tâm Tuyền trở nên lãng mạn, và đau khổ, nhục nhằn. Tình yêu xót xa hoà chung với sự đau khổ vì nỗi đời, vì mệnh nước.
Nói như thế có nghĩa là tôi gần như yêu hết tất cả những bài thơ của Thanh Tâm Tuyền, vì có thể nói bài thơ nào của ông mà lại không chứa đựng tình yêu, tôi lại muốn nói một lần nữa như vậy. Dù sao, có những bài thơ trong đó ông đã đưa vào quá nhiều những hình ảnh, những tư tưởng siêu hình, và những điều đó, theo ý tôi, làm bài thơ ông mất bớt đi sự lôi cuốn. Điều tôi đang nói đây có thể là một điều kỳ lạ đối với một số người yêu thích Thanh Tâm Tuyền và nghĩ rằng thơ ông chủ yếu ở chỗ siêu thực, như thơ của Paul Eluard, Breton, Aragon, Rimbaud, Lautréamont... Thật sự, nói chung, thơ Thanh Tâm Tuyền đúng là rất gần với thơ của các nhà thơ siêu thực của Pháp; nhưng trong thơ của ông, những bài mà cảm tính và lý tính được diễn ra ở một mức độ cân bằng, hoặc nghiêng nhiều hơn về phía cảm tính, lại cuốn hút tôi hơn. Những bài quá nghiêng về lý tính không mời gọi tôi trở lại với chúng nhiều lần như những bài kia. Như vậy, có phải tôi là con người nghiêng nhiều về cảm tính? Tôi cũng không rõ. Nhưng nếu tôi là một mẫu người thích để cảm tính ngự trị, chắc tôi đã không chọn con đường đi vào phân tích, lý luận hay phê bình. Có lẽ, cuối cùng tôi đã nghĩ, không biết có phải là một sự bất công đối với Thanh Tâm Tuyền không, là những bài thơ quá nghiêng về lý tính của Thanh Tâm Tuyền, những bài thơ có vẻ quá sức siêu thực hay siêu hình của ông, làm cho tôi thấy ông bớt đi sự tự nhiên, tự tại của mình
[2] . Những bài thơ ấy che giấu ông lại, thay vì mở ông ra với nụ cười tiếng khóc, với sự xót xa thương yêu, dằn vặt, phẫn nộ... của ông. Mà chính những điều ấy lại làm Thanh Tâm Tuyền gần gũi chúng ta hơn.
Hãy đọc ít đoạn thơ cũ của Thanh Tâm Tuyền,
những lời thơ rất cũ gõ cửa trái tim nàng kia, để thấy lại bóng dáng của tình yêu, sự dịu dàng của bóng tối, những xót xa, đau khổ của nỗi đời, mệnh nước đan kín lấy nhau.
Hỡi Liên những Liên và Liên
Anh muốn nghe một bài hát buồn - lời anh không thành điệu - muốn
nghe một bản hát buồn. Thí dụ. Trưa nắng giữa ngã năm ngã sáu có
chợ có ga, đường tàu mải miết. Bóng tối lặng thinh em hát lên
làm sao mà chịu đựng, hoa lá chia sầu. Một góc bàn anh hôn màu
gỗ trống.
Hỡi Liên những Liên và Liên
Chẳng là anh ngông cuồng kiếm tìm tổ quốc vậy em biết không. Mà
tổ quốc ngàn đời nín thở vì trời thì xanh mà khổ đau nói sao cho
hết. Chẳng là anh chót yêu em vậy em biết không? Mà khi yêu nhau,
trong những đêm sao hằng hà, làm thế nào để quên được nhau...
(“Nói về dĩ vãng”)
Đôi khi ở nơi đất lạ này, trưa nắng giữa ngã năm ngã sáu có chợ có ga, đường tàu mải miết, tôi chợt rưng rưng nhớ nhà. Tổ quốc ngàn đời nín thở vì trời thì xanh mà khổ đau nói sao cho hết. Người thi sĩ ấy đã cảm ra những điều xót xa bàng hoàng này từ những ngày xưa. Sự bén nhạy của người thi sĩ đã khiến cho chàng ta được gọi tên như những nhà tiên tri thấu thị. Những nhà tiên tri này lên tiếng báo trước định mệnh của con người. Định mệnh có thể mang hình một cây thập tự nhưng cũng có thể là sự phục sinh. Nó có thể có mùi vị ẩm mốc của những đám lá chết nhưng cũng có thể có mùi thơm mát của những giọt sương long lanh đầu lá. Lên tiếng nói về những điều đó là nỗi khao khát đồng thời cũng là chức năng của người thi sĩ. Thế nhưng, đối với những chế độ đòi hỏi sự đồng phục trong lề lối sống của những con người mà nó nắm giữ, định mệnh con người phải hiểu là của nhà nước và do nhà nước định đoạt, ban phát. Thi sĩ không có quyền cất lên tiếng nói để làm tròn chức năng cũng như để thỏa mãn những khao khát của chàng. Thi sĩ bị lưu đày khỏi quê hương hay bị lưu đày vào đời sống cùng khốn theo cả hai nghĩa đen và bóng. Ngày xưa, thời Platon, người ta trịnh trọng và lễ phép (giả hình) choàng vòng hoa vào cổ người thi sĩ, rồi đuổi họ ra khỏi xứ sở. Bây giờ, người ta không cần triết học, người ta vất bỏ sự lễ phép (giả hình và không giả hình), người ta tóm lấy cổ thi sĩ và tống chàng vào ngục. Hãy vào trong ngục mà rao giảng cho bóng tối lòng yêu thương và những điều tiên tri của ngươi, hỡi kẻ thi sĩ kia. Trong vùng bóng tối đó, ngươi hãy nói lên sự thấu thị của ngươi. Đâu là sự thật của cuộc đời? Mặt trời đang lên ngoài kia, và ngươi là kẻ ngồi trong bóng tối. Hỡi kẻ thi sĩ kia, ngươi không sản xuất ra của cải vật chất, ngươi đòi lên tiếng nói năng gì?!!
Ngày xưa, người thi sĩ đã phẫn nộ, đã hét lên, đã run lên, đã giận dữ, đã tràn nước mắt... vì những kẻ đòi độc quyền ban phát sự thật như thế. Hãy nhớ về Hung gia lợi, 1956.
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác
Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng
Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào
Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mai bay rực rỡ
Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai
Hãy cho anh run bằng má em
Khi chúng đóng mọi đường biên giới
Lùa những ngón tay vào nhau
Thân thể anh chờ đợi
Hãy cho anh ngủ bằng trán em
Đau dấu đạn
Đêm không bao giờ không bao giờ đêm
Chúng tấn công hoài những buổi sáng
Hãy cho anh chết bằng da em
Trong giây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
(„Hãy cho anh khóc bằng mắt em những cuộc tình duyên Budapest“)
Phẫn nộ là phẫn nộ trước sự đè nén, áp bức và dối trá, bưng bít sự thật. Sự thật của người thi sĩ, sự thật cháy hoài trong trái tim người thi sĩ là gì? Đó là tình yêu. Tình yêu trong tất cả mọi thể thái và lốt vỏ của nó: hạnh phúc, đau khổ, hoang mang, xót xa, hoài nghi, tuyệt vọng, rạng rỡ, âm u, hơi thở, tiếng cười, ngọt ngào, cay đắng, gần gũi, cách xa, dịu dàng, hung bạo, phương phi, rực rỡ, mệt mỏi, chán chường...
Hãy khép mắt khép mắt thật khẽ
Có thấy chúng ta rơi vào giấc ngủ sâu vào những giấc mơ
Hương hoàng lan lẫn mái tóc người yêu
Xa thành phố bỗng lạc đường
Tại sao cánh rừng cháy tôi một mình
Người nào ngủ đây người nào chết đây thân xác tan tành
Hãy khép mắt khép thật kín
Và chúng ta rơi vào cơn ác mộng một mình
(„Khai từ của một bản anh hùng ca“)
Em gối đầu sương xuống
Chuyện trò bằng bóng hình
Tôi đẹp như hình tôi
Như cuộc đời
Như mọi người
(...)
Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát
Sớm mai khua thức nhiều nhớ thương
Em là cánh hoa là khói sóng
Đêm màu hồng
(„Bài ngợi ca tình yêu“)
Tình yêu trong thơ Thanh Tâm Tuyền ít khi được nhìn thấy dưới một khía cạnh vẹn toàn. Tình yêu ấy luôn luôn xao động, sấp ngửa giữa ánh sáng và bóng tối, giữa chúm môi lá biếc những chòm hôn vội vàng và con đường đi buổi chiều hấp hối, ôi buổi chiều sương mù, giữa những
Ngón tay âm thầm trò chuyện
Những bước chân thỏ rừng
Chạy trên cỏ sắc
Sợi tóc đen như một chuỗi cười
và:
(...)
Điếu thuốc bỗng trở niềm hắt hủi
Khói tím buồn
Vì chiều theo chân em sang bên kia đồi
Nụ cười mang theo
(...)
Em có biết sau lúc em từ biệt
Điếu thuốc cháy trên môi như người bạn chết
Hơi nóng khô nhành củi gẫy tàn...
Tình yêu trong thơ Thanh Tâm Tuyền còn là tình nhân ái, là lời yêu thương cho những con người cô độc, lẻ loi, trong bóng tối chảy thảm giọt lệ sầu. Thi sĩ khi nghĩ đến mình, đồng thời, chàng nghĩ đến những người xung quanh. Nhìn cuộc lênh đênh chìm nổi của người khác, chàng nghĩ đến cuộc lang thang, nỗi cô đơn của chính mình. Những mơ-ước-hoài-nghi-ngọt-ngào-cay-đắng-thiết-tha cứ thế quyện lấy trái tim chàng.
Tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời chỉ có trời sao là đáng kể
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
đến ngày cuối
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời thơm phức những trái cây của Thượng Đế
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
nguồn sữa mật khởi đầu
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
vòng ân ái
đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
(„Lệ đá xanh“)
Trong ngôn ngữ tình yêu của Thanh Tâm Tuyền, những sợi tóc không còn chỉ là những sợi tóc, những sợi tóc đen như một chuỗi cười. Những giọt lệ không còn là những giọt lệ, nhưng lệ là những viên đá xanh. Và môi em là trái cây ngọt ngào. Cánh tay, thân thể em là cỏ hoa quyến rũ. Buổi chiều không còn đứng yên, nhưng chiều theo chân em sang bên kia đồi. Và bệnh viện mắt kín mưa đêm. Đêm trong thơ Thanh Tâm Tuyền, như thế, có một thân xác và một linh hồn.
Đêm hiền từ nhỏ to trên trán
Màu đen sáng đủ ngó vào nụ cười
Có đấy không này em mưa chan hoà
Trên ngực trên ngực em bát ngát
Thân thể người con gái, người đàn bà trở thành một cái gì vừa cụ thể, gần gũi, có thể ăn cắn như một thứ trái cây, có thể ngửi được, vùi đầu vào được, sờ mó, nâng niu, vuốt ve được..., vừa trở nên một cái gì trừu tượng hoặc thanh thoát xa vời:
Da trắng như tiếng hát ở trên trời...
Anh cúi xuống hôn cánh môi tím màu đêm mà thương nhớ...
Đừng trói anh vào trần gian bằng mắt em nhìn kia...
Người đàn bà rũ tóc thành một cơn bão mặn
Hương nồng chiều dòng kinh mùa hè...
Tất cả những sự chuyển dịch, biến hoá từ hơi thở của tình yêu ấy luôn luôn kéo thi sĩ vào thiên nhiên. Một thiên nhiên khi thì trong xanh, bừng lên sáng sủa như một tiếng chim, nhưng cũng có những lúc cái thiên nhiên ấy lại chỉ hiện ra ở những hình thể sắc cạnh, chỉ là những khối gỗ, sắt vô tri.
Trước hết, đây là thiên nhiên mềm, mở tung cửa sáng vào trời xanh. Tiếng mưa gõ nhịp lách tách vào mắt em.
(...)
Cửa sổ trời những mắt chưa quen
trán hoang đồng cỏ
run đường môi kỷ niệm
đi qua những thành phố đầy tim
cười đổ mưa một mình
(„Của em“)
Hay là thiên nhiên của mùa về với những bông mía trắng phất phơ hay đám lau buồn lắt lay trong gió.
(...)
Ai xui rằng mùa măng chưa tới
Mà mùa về măng thôi chẳng ngọt
Vườn măng rừng tháng sáu đêm sâu
Muốn làm người học trò mười bảy tuổi
Đạp xe trên đường đồng
Bông mía trắng những căn nhà ngủ dưới cây...
(„Bao giờ“)
(...)
Tuổi ấu thơ hòn cù lao xa khuất
Và tình yêu như đám lau buồn
Vàm sông nước xoáy như tiếng cười thầm
Ở sau lưng ở trước mặt
Anh thả người trôi nổi
(„Sầu khúc“)
Đó là những mảnh thiên nhiên hiền lành, thơ mộng, hoặc buồn bã, nhưng trong chúng, người ta vẫn thấy một cái gì thân mật, gần gũi. Nhưng đó là khi con người còn giữ lại được mình. Khi người ta cảm nhận được sự mất mát, xa lạ của mình đối với chính mình, khi người ta thấy mình đang bị cái thiên nhiên của sắt thép gỗ đá, của tiếng cơ khí chạm vào nhau và phát ra tiếng kêu của một loài sắt lạnh, của những cao ốc, những cột đèn... bao phủ lấy họ, người ta không còn thấy được nét mềm mại thơ mộng của thiên nhiên nữa.
Anh sợ những cột đèn đổ xuống
Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta
Bóp chết mọi hy vọng
Nên anh dìu em đi xa
Đi đi chúng ta đến công viên
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
Ôi môi em như mật đắng
Như móng sắc thương đau
Đi đi anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris
Để anh được làm thi sĩ
Hay nửa đêm Hà Nội
Anh (...) ôm em trong tay mà đã nhớ em
ngày sắp tới.
Chiếc kèn hát mãi than van
Điệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng
Sao tuổi trẻ quá buồn
Như con mắt giận dữ
Sao tuổi trẻ quá buồn
Như bàn ghế không bầy...
(...)
Anh đưa em đi trốn
Những dày vò ngày mai
(“Dạ khúc”)
Khi người ta ý thức được tình trạng bị mất mát, bị xâm chiếm, bị tha hóa của mình thì người ta hoặc là chạy trốn, hoặc chống cự lại, hoặc là trở nên chai lì, mất hết rung động trước những hiện hữu quanh mình. Lòng trở nên dửng dưng, hoang vắng.
(...)
Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống dòng sông
Mà lòng mình phơi trên kè đá
Con thuyền xuôi
Chiều không xanh không tím không hồng
Những ống khói tàu mệt lả
(“Bao giờ”)
Trước một đời sống đang bị cuộn tròn vào tiếng cười của cơ khí,
của tiếng động cơ xô anh vào bẫy, trên cát lầy lún mãi, tuổi thiếu niên chạy về nhảy múa trên tóc anh và gọi, có những lúc người thi sĩ đã dửng dưng một cách xót xa như thế, buổi chiều bây giờ trở thành dửng dưng, như lòng ta dửng dưng nhìn những ống khói cơ khí kia kiệt sức. Màu sắc thường làm dậy lên những rung động trong hồn người. Buổi sáng sắc xanh, buổi trưa sắc trắng, buổi chiều sắc tím, hay hồng. Cũng có khi yêu đời, người ta thấy buổi chiều sắc xanh, hoặc đang yêu người, ta thấy chiều lên sắc hồng; còn khi người ta buồn hoặc để lòng mình lãng mạn vu vơ bập bềnh tiếng sóng, người ta thấy chiều tím. Chiều
không xanh không tím không hồng, ấy là chiều đã không còn chỗ trú ngụ trong lòng người. Chiều đã đi ra ngoài trí nhớ. Chiều đã trở thành một thực thể biệt lập, ngoại tại. Và chiều dửng dưng:
Em biết không?
Em biết không?
Trong ngục tù giam giữ những than van
Người ta kêu một mình
Thành tiếng động rửng rưng đống sắt rỉ hoen rơi đổ
Não óc anh hàng chấn song nguyền rủa
Khi em đi qua những đường phố dẫm nát những giấc mộng theo đòi
Hy vọng dội lên trong mọi hồi trống rỗng
Anh ngắm hai bàn tay anh nhớ tàn lá về chiều
Khóc thờ ơ ngoài không trung...
(“Sầu khúc”)
[1]Bài này được viết vào năm 1986, khi Thanh Tâm Tuyền còn sống tại Việt Nam, chưa định cư tại Mỹ.
[2]Thật ra, có thể nói tính chất siêu thực thường không dung nạp lý tính. Siêu thực ở ngoài lý trí. Thế nhưng, những đoạn thơ mà nhiều người nghĩ có vẻ “siêu thực” nhất của Thanh Tâm Tuyền lại chứa đựng đầy lý tính. Và hình ảnh trong những bài này thường mang màu sắc ẩn dụ. Xin xem
Liên-đêm-mặt trời tìm thấy ở các bài “Hơi thở”, “Thành phố”; “Bài không tên” ở trang 72, đoạn 10,; “Sầu khúc”, đoạn 5; “Từ chối”; “Bài không tên” trang 113-123.